Wednesday, September 14, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 14/9

Tin Thế Giới

1.
R. Duterte: Philippines không tuần tra Biển Đông chống Trung Quốc --- Tổng thống Philippines chuyển hướng chính sách ngoại giao

Một hôm sau khi yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines, tổng thống Rodrigo Duterte vào hôm qua 13/09/2016 cho biết là Manila sẽ không tham gia bất kỳ một cuộc tuần tra nào trên Biển Đông để tránh rắc rối với Trung Quốc. Cũng trong chiều hướng đó, tổng thống Philippines còn hàm ý sẵn sàng mua vũ khí của Trung Quốc và Nga để trang bị cho quân đội nước này.

Phát biểu tại căn cứ không quân Villamor gần thủ đô Manila, ông Duterte xác định: "Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ một chiến dịch thuộc hải hành hoặc tuần tra biển nào (trên Biển Đông). Tôi sẽ không cho phép bởi vì tôi không muốn đất nước bị lôi kéo vào một hành động thù địch…"

Nguyên thủ Philippines nói tiếp: "Chúng ta sẽ không tổ chức tuần tra hoặc  tham gia bất kỳ một chiến dịch tuần tra nào của quân đội ngoại quốc vì tôi không muốn gặp rắc rối… Tôi chỉ muốn tuần tra vùng lãnh hải (12 hải lý) của Philippines mà thôi".

Tương tự như khi có những tuyên bố khác về an ninh, tổng thống Duterte không cho biết chi tiết về quyết định nói trên, nhưng rõ ràng là ông đã cho thấy ý định hủy bỏ một thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines được bộ trưởng Quốc Phòng hai nước công bố vào tháng Tư vừa qua.

Vào thời điểm đó, khi ghé thăm Philippines, trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines lúc đó là ông Voltaire Gazmin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã tiết lộ rằng tàu của Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông cùng với Philippines. Ông Gazmin đã cho rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines vào hôm qua cũng tiết lộ rằng ông đang cân nhắc việc mua vũ khí và thiết bị quân sự từ hai quốc gia đã sẵn sàng cho Manila vay tiền với lãi suất nhẹ trong vòng 25 năm. Ông Duterte không nói nhà cung cấp đó đó là ai, nhưng giới phân tích cho rằng đó là Trung Quốc và Nga.

Nếu khả năng này diễn ra, thì đấy sẽ là một thay đổi quan trọng của Philippines, nước từ 50 năm nay, chủ yếu mua vũ khí từ Mỹ. - RFI

***
Các nhà phân tích chính trị và các bình luận gia tại Philippines nói Tổng thống Rodrigo Duterte đang chuyển hướng chính sách ngoại giao về phía lập trường dân tộc nhiều hơn, đánh dấu một sự chuyển hướng so với các nhà lãnh đạo gần đây của Philippines.

Chứng cứ mới nhất về khuynh hướng này là bài diễn văn đọc trước các công chức ngày hôm qua khi ông Duterte kêu gọi Hoa Kỳ rút các cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi miền nam đảo Mindanao nơi quân đội Philippines đang chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy Hồi giáo. Lực lượng đặc biệt Mỹ có mặt tại vùng này để giúp những cuộc hành quân chống khủng bố kể từ năm 2002.

Ông Duterter nói “chừng nào mà chúng ta còn đứng về phía Hoa Kỳ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình tại Mindanao. Chúng ta có thể phải bỏ cuộc.”

Ông nói từ lâu ông muốn duyệt xét lại chính sách ngoại giao, nhưng ông không thể làm được vì ông “không muốn gây ra sự bất hòa với Hoa Kỳ. Nhưng các binh sĩ Mỹ phải ra đi.” Ông cảnh báo là nếu người Mỹ có mặt trong vùng họ sẽ bị bắt làm con tin hay bị giết. Trong khi đọc diễn văn, ông Duterte đưa cao những bức ảnh và những báo cáo về việc các binh sĩ Mỹ vào năm 1906 bị cáo buộc tàn sát những người Hồi giáo trong một vụ nổi dậy chống lại sự cai trị của người Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á trong tuần qua ở Lào, ông Duterte chuyển hướng bài diễn văn soạn sẵn của ông chú trọng đến Biển Đông để đề cập đến các vụ giết hại trong thời kỳ thuộc địa. Một cuộc họp được dự trù giữa Tổng thống Barack Obama và ông Duterte tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã bị hủy bỏ sau khi ông Duterte gọi ông Obama là “đồ chó đẻ”.

Chính quyền Duterte đã tìm cách làm dịu sự căng thẳng đối với Trung Quốc qua những cuộc thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông. Chính quyền của tổng thống Benigno Aquino trước đây đã đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa án trọng tài quốc tế The Hague.

Philippines và Hoa Kỳ đã củng cố các mối quan hệ quân sự trong những năm gần đây khi căng thẳng về Biển Đông trong vùng tăng cao. Vào năm 2014, hai nước ký một thỏa thuận quân sự 10 năm. Và vào tháng 3 năm nay, trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống, Hoa Kỳ và Philippines đã ký một hiệp ước mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực mới của quân đội Mỹ, trong đó có một căn cứ tại Mindanao, trung tâm nổi dậy kéo dài từ lâu của người Hồi giáo.

Hoa Kỳ cũng cùng với các nước khác và Liên Hiệp Quốc chỉ trích chính sách chiến tranh ma túy của ông Duterte làm hàng trăm người thiệt mạng trong những vụ giết hại không đưa ra tòa án xét xử.

Ông Carl Thayer, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Trường đại học New South Wales, nói Lực lượng Đặc biệt Mỹ tại miền nam Philippines đã cung cấp tin tức tình báo và huấn luyện chiến thuật cho quân đội Philippines nhưng chỉ đóng một vai trò thứ yếu.

Giáo sư Thayer nói “Hoa Kỳ có thể lo ngại là khủng bố có thể sống lại, nhưng bạn ít có thể làm gì được, và khi tổng thống yêu cầu bạn ra đi, bạn phải ra đi vì Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác. Việc này có thể đe dọa toàn thể vị thế tại Philippines.”

Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Duterte quan tâm đến việc hủy bỏ thỏa thuận quốc phòng Hoa Kỳ-Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay và các nhà lãnh đạo quân đội cao cấp Philippines nói nhận xét của ông Duterte không phải là một dấu hiệu cho thấy những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Philippines sẽ bị hủy bỏ.

Hôm thứ Hai, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông đã thấy được những bản tin về nhận xét của ông Duterte, nhưng chưa nhận được những yêu cầu chính thức rút các lực lượng Mỹ ra khỏi những hoạt động chống khủng bố.

Trong khi đó các giới chức Mỹ nói Washington vẫn cam kết với liên minh đã có từ lâu với Philippines, trong đó có cuộc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên theo như báo The Manila Times một số nhà bình luận tại Philippines hoan nghênh “việc tách khỏi sự phụ thuộc và quỵ lụy vào Hoa Kỳ.” Bài bình luận của báo The Manila Times viết thêm “Nếu Philippines đứng về phía Hoa Kỳ thì sẽ có nguy cơ bị lôi kéo vào sự đối đầu ngày càng tăng giữa các cường quốc, với hậu quả là gây nguy hiểm trầm trọng cho những quyền lợi quốc gia và người dân Philippines.

Giáo sư chính trị học Dennis Quilala thuộc trường đại học Philippines nói lập trường của ông Duterte đánh dấu một sự chuyển hướng đối với những chính quyền trước.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella nói với truyền thông địa phương là nhận xét mới nhất của ông Duterte phản ánh khuynh hướng mới của chính phủ về phía một chính sách ngoại giao độc lập hơn.

Ông Mark Thompson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (SEARC) tại trường đại học Hong Kong nói ông Duterte đang theo đuổi “một lập trường dân tộc” chưa từng có trong các chính quyền Philippines trước đây. Ông Thompson nói nhiều người từ lâu đã viết trên các tờ báo Manila thúc đẩy một lập trường dân tộc và chống Mỹ. - VOA
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị Mỹ bắt ông Gulen

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba, 13/9, cho hay chính phủ nước này đã gửi đề nghị chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ đòi bắt giữ một giáo sĩ bị cáo buộc đã lãnh đạo cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần cáo buộc ông Fethullah Gulen đứng đằng sau âm mưu đảo chính khiến ít nhất 270 người chết.

Tin tức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đề nghị bằng văn bản gửi đến Hoa Kỳ cáo buộc rằng ông Gulen đã "ra lệnh và chỉ huy" vụ đảo chính. Trong nhiều tuần qua, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ ông Gulen, song họ chỉ nói một cách không chính thức.

Ông Gulen, 75 tuổi, đã tự sống lưu vong ở Hoa Kỳ từ năm 1999. Ông phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào vào cuộc đảo chính bất thành.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nói rằng bất kỳ việc dẫn độ nào cũng sẽ phải được phê duyệt trong hệ thống tòa án của Hoa Kỳ. - VOA
|
|

3.
Cảnh sát Trung Quốc trấn áp biểu tỉnh ở Ô Khảm

Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc hôm thứ Ba, 13/9, đã đụng độ với người dân của làng Ô Khảm ở ven biển miền nam Trung Quốc. Nơi này từng được coi là biểu tượng về dân chủ cơ sở, nhưng đã trở thành một điểm nóng của các cuộc biểu tình chống tham nhũng.

Những người biểu tình ở Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, hiện đang giận dữ về bản án được tuyên hồi tuần trước đối với vị cựu trưởng làng Lâm Tổ Loan, ông là người đã đòi bồi thường cho những vùng đất bị các quan chức Đảng Cộng sản tịch thu. Những người biểu tình thề sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi ông được thả ra khỏi nhà tù.

Nhà chức trách muốn chấm dứt các cuộc biểu tình và họ đã tiến hành đột kích trong đêm để dập tắt bất ổn, bắt giữ 13 dân làng với cáo buộc là họ đã xúi giục đám đông cũng như đã "hăm dọa và gieo rắc tin đồn" để kích động mọi người tham gia các cuộc biểu tình của làng.

Chính quyền đã nhanh chóng xóa những thông tin về các cuộc biểu tình xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, vào thứ Ba, dân làng dường như đã thành công trong việc đưa lên mạng các đoạn video.

Một đoạn video cho thấy một vụ đụng độ vào buổi trưa giữa cảnh sát chống bạo động và người dân, nhiều người trong số họ trút giận bằng cách ném đá vào cảnh sát còn cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và nấp túm tụm đằng sau lá chắn.

Một đoạn video khác cho thấy cảnh sát chống bạo động đã xông vào nhà một người dân làng trước bình minh và bắt một người bị tình nghi khi người này còn đang ngủ.

Không thể xác minh độc lập về các đoạn video này, một phần vì cuộc trấn áp của chính quyền làm việc liên lạc với những người biểu tình trở nên khó khăn.

Có tin vụ đụng độ đã làm bị thương hàng chục người dân và làm thiệt mạng một người phụ nữ lớn tuổi, theo một đài truyền hình trực tuyến tại Hong Kong. Hình ảnh một số người bị thương đã được đưa lên mạng.

Nhà chức trách ở thành phố Lục Phong tuyên bố rằng họ bắt giữ 13 người trong đó có các lãnh đạo cuộc biểu tình vì bị tình nghi tụ tập trái phép và gây rối trật tự công cộng.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng cuộc đột kích của cảnh sát là không phù hợp và cũng không hợp pháp.

Luật sư nhân quyền Cát Vĩnh Tân (Ge Yongxi) lập luận rằng việc bắt giữ bất kỳ nghi phạm về tội tụ tập trái phép phải được tiến hành tại hiện trường khi họ bị cáo buộc là từ chối ngừng biểu tình. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
TT Obama họp với bà Aung San Suu Kyi về các lệnh trừng phạt Myanmar --- Các thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất đạo luật tăng viện trợ cho Myanmar --- Thủ tướng Anh bàn về nhân quyền với bà Aung San Suu Kyi

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp bà Aung San Suu Kyi tại tư gia của bà ở Rangoon năm 2014, ông hứa sẽ tiếp tục ủng hộ các diễn đàn dân chủ của nước bà, và ông nhận được bảo đảm rằng bất chấp những khó khăn, các diễn đàn đó sẽ tiếp tục. Nay là thời điểm để kiểm tra tình hình thực tế của lời hứa đó.

Tổng thống Barack Obama sẽ đón tiếp biểu tượng dân chủ và lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, thứ Tư 14/9. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi kể từ khi bà làm cố vấn nhà nước và bộ trưởng ngoại giao Myanmar. Trước đây bà đã bị chính phủ quân nhân giam giữ tại gia hơn 20 năm ở Miến Ðiện, tức Myanmar.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama muốn nghe quan điểm của bà Suu Kyi về việc Mỹ nên tháo dỡ chế tài đối với chính phủ do quân đội đứng sau của Myanmar đến mức nào. Kể từ khi lên nắm các chức vụ trong chính phủ hồi tháng 3, bà Suu Kyi chưa lên tiếng yêu cầu chấm dứt các biện pháp trừng phạt vốn được xem như chiếc đòn bẩy để thúc giục quân đội Myanmar cho phép cải cách dân chủ nhiều hơn.

Tại buổi nói chuyện với truyền thông báo chí hôm thứ Ba, người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng dỡ bỏ chế tài phải gắn liền với cải cách dân chủ:

"Chúng tôi chưa rút lại tất cả các lệnh chế tài. Một số biện pháp vẫn còn hiệu lực. Chúng tôi luôn giữ quyền tiếp tục các lệnh trừng phạt đó khi nào chúng tôi cảm thấy các biện pháp đó hữu dụng."

Ông Lex Rieffel, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận xét với đài VOA rằng ông Obama lắng nghe ý kiến của bà Suu Kyi là cách làm sáng suốt:

"Tôi nghĩ tham khảo ý kiến bà Aung San Suu Kyi là hợp lý nhất và bảo đảm rằng chúng ta không đi trước ý kiến của bà ấy quá nhiều, mà cũng không tụt lại đằng sau quá xa."

Ông Reiffel nói với đài VOA rằng nếu bà Suu Kyi thành công trong việc lãnh đạo tiến trình chuyển đổi dân chủ và giúp mang lại hòa bình cho Myanmar sau 60 năm nội chiến, thì điều đó sẽ có tác dụng động viên các nước khác cũng đang chìm trong những cuộc xung đột lớn và kéo dài. - VOA

***
Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin hôm thứ Ba đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng xin tăng viện trợ tài chính và quân sự cho Myanmar, còn gọi là Miến Điện, vốn đã bị ngăn chặn gần một năm từ cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên trong gần năm thập niên tại nước này.

Ông Cardin nói đạo luật thừa nhận các biện pháp trừng phạt hiện hành áp dụng đối với quốc gia này được lập ra dựa vào thời kỳ chế độ cai trị ở Myanmar áp bức hơn rất nhiều. Ông nói đạo luật sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng đặt ra các tiêu chuẩn cho mối quan hệ giữa Mỹ và Myanmar trong tương lai.

Ông Cardin nói với đài VOA: “Nó cung cấp viện trợ kinh tế, tạo điều kiện cho chúng ta can dự trực tiếp giữa dân với dân, cũng như giữa quân đội với quân đội”, và ông nói thêm rằng “Nó cũng tạo điều kiện cho hai nước chúng ta làm việc với nhau”.

Đạo luật Chiến lược Miến Điện năm 2016 hướng dẫn việc hạ giảm các biện pháp trừng phạt và kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ sửa đổi hoặc dỡ bỏ trừng phạt trong tương lai, căn cứ vào sự tiến bộ của đất nước này trong tiến trình minh bạch hóa và các mục tiêu quản trị tích cực khác.

Đạo luật tăng viện trợ kinh tế của Mỹ, và tìm cách thúc giục các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ cho các sáng kiến ở Myanmar. Đạo luật này cũng cho phép quân đội Mỹ tham gia huấn luyện cho quân đội Myanmar về tiếng Anh và các chương trình khác được thiết kế nhằm tăng sự kiểm soát dân sự trong quân đội.

Ông McCain cho biết trong một tuyên bố: “Sau gần 50 năm dưới sự cai trị của quân đội, Miến Điện đã đạt được một cột mốc lịch sử bằng một cuộc bầu cử dân chủ và chuyển tiếp thành công quyền lực cho một chính phủ dân sự lãnh đạo. Tiến trình phi thường này cho phép xem xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện, và đạo luật này tìm cách mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ sẽ hỗ trợ cho việc tiếp tục tiến trình hướng tới dân chủ, nhân quyền và hòa bình cho người dân Miến Điện”.

Việc giới thiệu dự luật xảy ra trùng hợp với chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là nhà hoạt động nhân quyền trong một thời gian dài. Theo lịch trình, bà Suu Kyi sẽ gặp gỡ nhiều thành viên Quốc hội trong chuyến thăm này.

Dưới chế độ độc tài quân sự của Myanmar, bà Suu Kyi đã bị nhiều năm quản thúc tại gia, trước khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và lên nắm quyền. Vì có hai con trai là công dân Anh, theo hiến pháp của Myanmar, bà không được phép làm tổng thống. Do đó bà đã được trao danh hiệu cố vấn nhà nước kiêm bộ trưởng ngoại giao. - VOA

***
Nữ thủ tướng Anh Theresa May vào ngày 13/09/2016 đã tiếp bà Aung San Suu Kyi tại Luân Đôn nhân chuyến thăm Anh Quốc đầu tiên của lãnh đạo Miến Điện. Nội dung thảo luận bao gồm tiến trình cải tổ dân chủ ở Miến Điện và hồ sơ nhân quyền.

Trong một thông cáo, phủ thủ tướng Anh cho biết là hai lãnh đạo đã đồng ý rằng "Miến Điện phải có thêm nhiều tiến bộ trong việc tạo ra công ăn việc làm, phổ cập một nền y tế có chất lượng cho mọi người, và cải cách hệ thống giáo dục".

Văn phòng của thủ tướng Theresa May còn cho biết là chính quyền Luân Đôn "sẵn sàng để viện trợ thêm" cho Miến Điện, trong đó có khoản hỗ trợ tài chính 118 triệu bảng Anh (138 triệu euro) trong năm nay.

Vấn đề nhân quyền tại Miến Điện dĩ nhiên đã được phía Anh Quốc gợi lên. Thủ tướng Theresa May đã bày tỏ các mối quan ngại trước các vụ vi phạm nhân quyền mà thủ phạm là quân đội Miến Điện.

Vào hôm 12/09, bà Aung San Suu Kyi đã gặp ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Hai bên đã thảo luận cụ thể vấn đề của sắc dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, đang phải đối mặt sự vươn lên của những thành phần Phật giáo cực đoan tại Miến Điện.

Ông Johnson hoan nghênh việc thành lập một ủy ban để tư vấn cho bà Aung San Suu Kyi về tình hình ở bang Rakhine, nơi có một cộng đồng Rohingya đông đảo và từng xẩy ra những vụ xung đột dữ dội với một số Phật tử vào năm 2012.

Trong một báo cáo gần đây, Liên Hiệp Quốc đã tỏ quan ngại về các vụ vi phạm quyền của người Rohingya ở Miến Điện, kể cả việc họ bị từ chối quyền công dân, bị lao động cưỡng bức và bạo lực tình dục. Liên Hiệp Quốc cho rằng đó có thể bị coi là "tội ác chống nhân loại". - RFI
|
|

5.
Bà Clinton trở lại vận động vào thứ Năm sau khi nghỉ ngơi dưỡng bệnh --- Quỹ Trump bị điều tra về tiền quyên góp

Bà Hillary Clinton dự định sẽ trở lại vận động tranh cử vào ngày thứ Năm sau khi đột ngột rời khỏi một sự kiện kỷ niệm ngày 11 tháng 9 tại thành phố New York hôm Chủ nhật vừa rồi. Lúc đầu ban vận động của bà nói là bà bị tăng nhiệt quá mức nhưng sau đó mới cho biết bà được chẩn đoán bị viêm phổi hôm thứ Sáu.

Trong một thông cáo, ban vận động của bà Clinton cho biết bà sẽ đến thành phố Greensboro của bang North Carolina vào ngày thứ Năm để "nói về viễn kiến của bà cho một nước Mỹ hùng mạnh với tất cả mọi người hợp lực với nhau."

Trong khi bà Clinton tiếp tục hồi phục sức khỏe, bà nhận được sự vận động nhiệt tình từ nhân vật số một của Đảng Dân chủ và cũng là sếp cũ của bà - Tổng thống Barack Obama.

Trước những người ủng hộ hò reo ở thành phố Philadelphia bang Pennsylvania hôm thứ Ba, ông Obama phát biểu:

"Ở giữa những cuộc khủng hoảng, bà ấy sẽ lắng nghe mọi người và bà ấy sẽ bình tĩnh và đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng. Cho dù tình thế có gian nan tới mức nào, cho dù nhiều lần người ta hạ gục và gây sự với bà ấy, bà ấy không bỏ cuộc. Bà ấy không nản lòng. Đó là Hillary mà tôi biết."

Ông Obama chế giễu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, nói rằng ông ta "không thích hợp đại diện đất nước này ở nước ngoài và làm tổng tư lệnh của chúng ta dưới bất kỳ hình thức nào."

Ông Obama nói thêm: "Ý tôi là, tôi cứ đọc những phân tích nói rằng Trump nhận được sự ủng hộ của những người lao động. Thật thế à? Các bạn muốn người này đấu tranh vì người lao động à? 70 năm sống trên trái đất này ông ta có đoái hoài gì tới người lao động đâu – thế mà đột nhiên ông ta sẽ là người tranh đấu cho các bạn hay sao?"

Ông Obama cũng chế giễu những lời ca ngợi của ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, bởi vì ông ta xâm lược những nước nhỏ hơn, bỏ tù những đối thủ của ông ta, kiểm soát báo chí và đẩy nền kinh tế của mình vào một cuộc suy thoái lâu dài."

Ông Trump phản pháo ông Obama bằng cách đăng một tuyên bố lên website của ông đả kích ông Obama bỏ bê nhiệm vụ tổng thống để đi vận động cho bà Clinton. Tuyên bố của ông Trump liệt kê một số "vấn đề," bao gồm một vụ việc xảy ra vào cuối tuần qua mà trong đó Iran dọa bắn hạ hai máy bay phản lực của Hải quân Mỹ bay trong không phận quốc tế, và vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên mà có thể là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay. Ông Trump nói rằng ông Obama có thể lo giải quyết những vấn đề này thay vì xuất hiện trong những buổi vận động tranh cử.

Về phần mình, ông Trump vận động tại bang nông thôn Iowa thuộc vùng trung tây, hứa hẹn sẽ đem công ăn việc làm trở về từ những nước khác. Sau đó ông xuất hiện bên ngoài thành phố Philadelphia, nơi ông công bố chi tiết kế hoạch của ông làm cho việc chăm sóc trẻ em ít tốn kém hơn đối với những gia đình và những người mẹ đi làm ở Mỹ.

Ông Trump nói: "Quá thường xuyên những người có quyền thế tỏ ra khinh thường những quan điểm, niềm tin và thái độ của những người không có quyền lực chính trị. Những người ở vị trí lãnh đạo phải đặt mình vào vị trí của những công nhân nhà máy bị sa thải, của gia đình lo lắng về an ninh hoặc của người mẹ chật vật với chuyện chăm sóc trẻ em. Chăm sóc trẻ em là một vấn đề rất lớn."

Ông Trump mô tả kế hoạch của ông là một cách để giúp đỡ những gia đình lao động đối phó với chi phí chăm sóc trẻ em, là một trong những loại chi phí lớn nhất đối với nhiều gia đình theo lời ông Trump. Đề xuất của ông Trump sẽ cho phép những gia đình có thu nhập ít hơn 500.000 đôla mỗi năm khấu trừ chi phí chăm sóc trẻ em khỏi thuế thu nhập của họ. Ông Trump cũng cam kết sáu tuần nghỉ thai sản cho những người mẹ đi làm nhưng chủ chưa cung cấp những phúc lợi.

Ban vận động của ông Trump cho biết trong một tuyên bố: "Những cải cách của ông Trump sẽ cho phép gia đình lựa chọn liệu một người cha hay mẹ nên làm việc ở ngoài nhà mà không có sự thiên vị từ luật thuế. Vì đã thuê mướn và trao quyền cho hàng ngàn phụ nữ ở mọi cấp trong suốt sự nghiệp của mình, Donald Trump hiểu được nhu cầu của lực lượng lao động hiện đại."

Kế hoạch của ông Trump nhận được lời khen từ ít nhất năm thành viên nữ của Quốc hội, trong đó có Dân biểu Cynthia Lummis, người gọi đề xuất này là "phương sách nghiêm túc và cân bằng."

Những cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy cuộc đua giữa bà Clinton và ông Trump đã trở nên sít sao. Bà Clinton đang dẫn đầu với cách biệt từ 3 đến 4 điểm. - VOA

***
Người đứng đầu ngành tư pháp New York cho biết ông đang điều tra quỹ của ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump về một số hoạt động “không thích hợp”.

Ông Eric Shneiderman nói cơ quan tư pháp muốn đảm bảo sao cho quỹ này “tuân thủ luật pháp điều hành các tổ chức từ thiện ở New York”.

Quỹ Trump đã và đang chịu nhiều đợt tấn công từ truyền thông.

Đội ngũ của ông Trump bác bỏ ông Schneiderman - người theo Đảng Dân chủ, là “tay sai của đảng [Dân chủ]”.

Vị giám đốc sở tư pháp ủng hộ đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton, vào ghế tổng thống.

Ông Jason Miller, phát ngôn viên chiến dịch vận động của ông Trump, nói ông Schneider đã “nhắm mắt làm ngơ cho Quỹ Clinton suốt nhiều năm” và gọi yêu cầu điều tra này là “một âm mưu của cánh tả nhằm đánh lạc hướng khỏi một tuần tồi tệ của bà Hillary Clinton dối trá”.

Quyên góp đáng ngờ

“Chúng tôi lo ngại về việc Quỹ Trump có thể đã tham gia vào một số hoạt động không thích hợp,” ông Schneider nói với CNN.

“Chúng tôi đang xem xét vụ việc, và chúng tôi đã liên hệ với họ. Tôi không làm to chuyện hay tổ chức họp báo nhưng chúng tôi đang điều tra Quỹ Trump để đảm bảo họ tuân thủ luật pháp điều hành các tổ chức từ thiện ở New York.”

Truyền thông Hoa Kỳ nói cơ quan của ông Schneiderman điều tra Quỹ Donald J Trump ít nhất từ hồi tháng Sáu sau khi chính thức đặt câu hỏi đối với một khoản quyên góp cho nhân vật ủng hộ Đảng Cộng hòa, Giám đốc Sở Tư pháp Florida, bà Pam Bondi vào năm 2013.

Khoản thanh toán 25.000 USD được thực hiện khi văn phòng của bà Bondi lúc đó đang xem xét việc có nên mở cuộc điều tra sai phạm của Đại học Trump.

Vụ điều tra lừa đảo chưa hề diễn ra, tuy nhiên bà Bondi phủ nhận quyết định này bị số tiền quyên góp mà bà nhận được gây ảnh hưởng.

Phụ tá của ông Trump cũng thừa nhận khoản quyên góp là do lỗi từ văn phòng, theo truyền thông.

Đảng Dân chủ đã yêu cầu Cơ quan Tư pháp Hoa Kỳ ở Hạ viện điều tra khoản quyên góp 25.000 USD tới bà Pam Bondi.

Một số báo khác điều tra cáo buộc Quỹ Trump báo cáo các khoản quyên góp mà người nhận nói chưa bao giờ được lãnh, và các khoản chi tiêu cho việc cá nhân của ứng viên. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc

Nhiều thông tin gần đây cho rằng Hà Nội đã đưa các bệ phóng tên lửa đến khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này có nghĩa là Việt Nam có khả năng tấn công các vùng đất đang có tranh chấp nhưng Trung Quốc đã bồi đắp. 

Theo nhà phân tích chính trị Oliver Hensengerth, thuộc đại học Northumbria, Newcastle Anh Quốc, những sự kiện này xảy ra vào lúc tranh chấp lãnh thổ ngày càng thêm căng thẳng trong khu vực và do vậy, « Việt Nam nỗ lực đoàn kết láng giềng Mêkông để chống Trung Quốc ». Đây cũng là tựa bài viết đăng trên trang mạng The Conversation.com (07/09/2016). 

Một báo cáo được Lầu Năm Góc công bố vào năm 2016 đã mô tả hoạt động của Trung Quốc bồi đắp 3.200 ha đất ở quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp, trên đó có phi đạo dài hơn 3.000 mét và các cảng lớn. Trung Quốc còn phát triển và củng cố các đảo ở Hoàng Sa, triển khai ở đó hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm. Các báo cáo tương tự của Mỹ vào năm 2015 cũng đã nêu chi tiết việc Trung Quốc bồi đắp 2.000 ha đất chỉ trong vòng 18 tháng như thế nào.

Các hoạt động này càng gây thêm lo ngại là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị tuyên bố lập một “Vùng nhận dạng phòng không” (Air defence identification zone, ADIZ) trên Biển Đông để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết vùng biển được Bắc Kinh tự khoanh trong bản đồ “đường chín đoạn”.

Việt Nam đã có động thái chống Trung Quốc sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines, theo đó, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Một mặt, chính phủ Trung Quốc bác bỏ những đòi hỏi của Philippines, cũng như phán quyết về tranh chấp của tòa án. Mặt khác, Bắc Kinh cáo buộc phán quyết của tòa bị tác động bởi lợi ích của chính sách ngoại giao của Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy, có thể thấy trước là Bắc Kinh lên án và giờ đây từ chối tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài.

Để tạo được lực bẩy chống lại Trung Quốc, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm cách đa phương hóa vấn đề Biển Đông tại Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một khối ngoại giao gồm mười quốc gia trong khu vực. Chiến lược của Việt Nam là cố gắng tạo được một lập trường thống nhất của ASEAN để từ đó buộc Trung Quốc phải đàm phán chung các nước thành viên của hiệp hội.

Dĩ nhiên, chính phủ Trung Quốc từ chối điều này và chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN có lợi ích ở Biển Đông. Và cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào.

Nếu chia rẽ, ASEAN sẽ thất bại

ASEAN đã gặp khó khăn để có được một lập trường chung. Kết quả tốt nhất mà khối này đạt được là bản “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông”, gọi tắt là DOC, với những lời lẽ mềm dẻo được ký từ năm 2002 giữa Trung Quốc và tất cả các thành viên ASEAN. Mười năm sau, các thành viên ASEAN và Trung Quốc ký Bản Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Thế nhưng, hai bên chưa bao giờ đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.

Một vài nước thành viên có vai trò « lớn » trong việc ngăn cản ASEAN đạt được đồng thuận. Tháng 07/2016, tại Hội nghị Ngoại tưởng ASEAN lần thứ 49 tại Vientiane, Lào, phái đoàn Cam Bốt đã ngăn chặn một bản tuyên bố chung về Biển Đông, mà trong đó không hề có bất kỳ lời lẽ nào kêu gọi tôn trọng thủ tục pháp luật và ngoại giao. 

Ít nhất, đây là lần thứ ba Cam Bốt ngăn cản đạt được đồng thuận. Vào tháng 06/2016, sau Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc, Cam Bốt cùng với Lào và Miến Điện đã không ủng hộ bản tuyên bố cứng rắn của ASEAN về Biển Đông và chỉ chấp nhận một văn bản mới lời lẽ mềm mỏng. Sự phản đối của Cam Bốt đã được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2012 tại Phnom Penh, thủ đô của Cam Bốt, tranh luận giữa các quốc gia về việc giải quyết vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng đến mức hội nghị kết thúc mà không có một thông cáo chung nào - đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN. Trong khi Việt Nam và Philippines muốn trong thông cáo chung có một đoạn nói đến các hành động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, thì nước chủ nhà Cam Bốt, đồng thời là chủ tịch luân phiên ASEAN, kiên quyết từ chối đưa điều này vào thông cáo. 

Tại sao Cam Bốt lại làm như vậy? Như nhiều nhà quan sát và ngoại giao lo ngại, Phnom Penh đã bị Bắc Kinh mua chuộc. Không chỉ trở thành nhà tài trợ quan trọng cho các công trình hạ tầng tại Cam Bốt, Trung Quốc còn là “mạnh thường quân” ở Miến Điện và Lào. 

Một nguyên nhân bất hòa quan trọng khác là đầu tư của Trung Quốc vào các đập thủy điện và nắm quyền kiểm soát đối với nguồn nước trên dòng sông Mêkông. Đây là mối bận tâm đặc biệt của Việt Nam vì nước này nằm ở hạ nguồn dòng sông và chỉ có đồng bằng trên lãnh thổ của mình. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam và dĩ nhiên là phụ thuộc vào lưu lượng nước từ thượng nguồn. Việc xây dựng đập là một mối đe dọa trực tiếp đến nguồn cung cấp lương thực của Việt Nam.

Trước đó, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập Mạn Loan (Manwan) ngăn ngang sông Lan Thương (tên gọi sông Mêkong trên lãnh thổ Trung Quốc) năm 1986, chính phủ Việt Nam đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh về sự nguy hiểm mà những con đập như trên gây ra cho khu vực đồng bằng, thế nhưng cho đến nay, nỗ lực của Việt Nam không mang lại kết quả. Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng các đập nước do họ xây dựng gây ảnh hưởng cho các vùng phía nam, thường là đồng bằng. Đồng thời, Bắc Kinh còn nhấn mạnh lưu lượng nước sông Mêkông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc chỉ chiếm 16% dòng chảy của con sông.

Việt Nam tìm ủng hộ của thế giới để đối chọi với Trung Quốc

Kết quả là Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Washington thường xuyên công khai chỉ trích chương trình xây đập thủy điện của Bắc Kinh.

Tháng 07/2012, bà Hillary Clinton, khi đó là ngoại trưởng Mỹ, đã có chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, Campuchia và Lào với mục đích quảng bá chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền tổng thống Barack Obama. Tại Lào, bà Clinton thảo luận về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi vốn gây nhiều tranh cãi. Dự án này được một công ty của Thái Lan tài trợ và thực hiện. Đây là công trình đầu tiên trên sông Mêkông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Các lợi ích của Mỹ đối với khu vực còn được thể hiện trên nhiều mặt khác nhau. Hoa Kỳ có thể tăng cường sức mạnh của mình thông qua “Sáng Kiến Hạ Mêkông”, xây dựng quan hệ đối tác với Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến mối quan hệ giữa Ủy Ban Sông Mêkông và Ủy Ban Sông Mississippi được thiết lập từ năm 2010, cũng như nâng cấp Đối thoại Song phương Toàn diện Mỹ-Lào. Nhưng quan trọng nhất, phải kể đến tầu của Hải Quân Mỹ vẫn nhiều lần cập cảng thăm Việt Nam mỗi năm.

Vì vậy, những tranh chấp về quyền lực và tài nguyên không chỉ diễn ra trong khu vực Biển Đông mà còn được thể hiện trong đường lối về chính sách tài nguyên chung tại lưu vực sông Mêkông. Vì những lẽ đó, giờ đây, Hoa Kỳ đang đối mặt với các thách thức ngoại giao và quân sự, còn Trung Quốc thì không hề ở thế phòng thủ. - RFI
|
|

7.
Chủ tịch Yên Bái bổ nhiệm em làm GĐ Sở

Báo trong nước cho hay bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, vừa ký quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên - Mội trường cho em bà là ông Phạm Sỹ Quý.

Quyết định nói trên được ký hôm 9/9, ba tuần sau vụ bắn người gây chấn động ở tỉnh này.

Thông tin về việc bổ nhiệm thoạt tiên được báo Lao Động đăng tải, dẫn nguồn ông Chu Đình Ngữ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái; và được nhiều báo đăng lại.

Tuy nhiên vài tiếng sau, các báo đã rút bỏ bài viết.

Chiều 14/9 giờ Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Trà được báo Người Lao Động dẫn lời giải thích rằng việc bổ nhiệm cán bộ "là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ".

“Từ việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan, kể cả người lao động cũng được bỏ phiếu để giới thiệu, rồi ra đến thường trực, tập thể thường vụ đều đảm bảo các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Còn việc tôi ký bổ nhiệm là thừa hành theo luật định ở vị trí Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải là quyết định cá nhân."

Bà Trà được trích lời nói: "Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này”.

Vụ bắn người gây rúng động

Trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc, ông Phạm Sỹ Quý đã có nhiều năm làm Phó giám đốc Sở kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.

Mới rồi, trung tâm này sáp nhập với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của tỉnh, thành Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, "việc bổ nhiệm ông Phạm Sỹ Quý lẽ ra đã tiến hành từ trước vì trống ghế Giám đốc Sở TN-MT lâu rồi".

Tuy nhiên bà nói vì vụ bắn người xảy ra hôm 18/8 nên việc quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy đã bị chậm trễ.

Sáng hôm 18/8, Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã dùng súng quân dụng K-59 bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn. Sau khi bắn hai ông, ông Minh đã tự sát.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi tố "vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng" nhưng hiện chưa công bố kết quả.

Không rõ tại sao ông Đỗ Cường Minh có hành động trên, nhưng trước đó Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Yên Bái đã có chủ trương sáp nhập chi cục kiểm lâm (nơi ông Minh làm việc) và chi cục phát triển lâm nghiệp. - BBC
|
|

8.
Vỡ cửa hầm dẫn thủy điện Sông Bung 2, nhiều công nhân bị cuốn trôi

Khoảng 17h ngày 13/9, đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ, cuốn trôi nhiều công nhân.

Khoảng 17h, lũ thượng nguồn đổ về gây tràn, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, Nam Giang). Dòng nước đỏ quạch cuốn trôi 2 máy múc đang làm việc dưới thân đập khiến 2 công nhân mất tích. 

16 người khác làm việc gần đó hiện chưa có thông tin do địa bàn xa, địa hình đồi núi hiểm trở, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận. 

Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư Thủy điện Sông Bung 2) cho biết đây là sự cố nước tràn qua cống dẫn dòng ở dưới thân đập thủy điện, với khoảng 13 triệu m3. Đơn vị đóng cống dẫn dòng để tích nước hồ chứa chuẩn bị phát điện. Tuy nhiên, mấy ngày qua mưa bão, lũ lớn về nên nước tràn xuống phía hạ lưu.

"Sau sự cố, toàn bộ công trình chính an toàn", ông Hải nói và cho biết 2 công nhân vận hành máy múc của nhà thầu mất tích do lũ tràn qua nhanh, không kịp chạy. Phía chủ đầu tư chưa ghi nhận thiệt hại về người với dân cư địa phương. “Lúc đầu nước đột ngột chảy như lũ quét, sau đó không có vấn đề gì nữa. Chúng tôi đang tập trung khắc phục, xử lý”, ông Hải thông tin.

Đến 21h30, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, còn khoảng 10 km nữa là đoàn công tác sẽ tiếp cận hiện trường. Nguyên nhân bước đầu là nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng rất lớn (theo hệ thống quan trắc tự động khoảng 560 m3/s), ảnh hưởng trực tiếp đến đường ống dẫn nước từ đập vào nhà máy và cuốn trôi 2 công nhân.

Phó chủ tịch tỉnh khẳng định đến nay toàn bộ công trình thủy điện vẫn an toàn và bác bỏ thông tin một số người dân đi đãi vàng dưới khu vực hạ lưu bị nước tràn cuốn mất tích. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khẩn trương khắc phục sự cố xảy ra tại Thủy điện Sông Bung 2. 

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Nam khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích; có ngay các giải pháp khắc phục sự cố, không để mất an toàn cho người và công trình vùng hạ lưu. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác định nguyên nhân, thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động trong khu vực, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.

Dự kiến 9h sáng 14/9, UBND tỉnh sẽ chủ trì cuộc họp báo để thông tin vụ việc. - vnexpress

No comments:

Post a Comment