Tin Thế Giới
1.
Thái Lan: Yingluck khích Chan-O-Cha điều tra tham nhũng trong gia đình
Prayut hãy điều tra hành vi tham ô của người em trai đang bị báo chí tố cáo. Trên đây là nội dung lời nhắn của thủ tướng bị đảo chính Yingluck Shinawatra gửi người lật đổ mình là thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha.
Trên tài khoản Facebook ngày Chủ nhật 25/09, cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu mạnh mẽ khác thông lệ: "Thủ tướng Prayut tuyên bố các hành động pháp lý nhắm vào cá nhân tôi dựa trên cơ sở pháp luật chứ không phải vì sách nhiễu. Vậy thì, thủ tướng hãy tuân theo "logic" này áp dụng luật pháp công bằng với em trai của ông và những người cùng phe thay vì chỉ trấn áp tôi".
Theo AFP, bình luận trên đây của cựu thủ tướng Yinglick trực tiếp nhắm và tướng Preecha Chan-O-Cha, em trai của thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, người chiếm ghế của bà qua cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.
Trong tuần vừa qua, báo chí Thái Lan cho biết tướng Preecha Chan-O-Cha, chánh văn phòng bộ Quốc phòng, đã lạm dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm một người con là thiếu úy vào một chức vụ quản lý hành chánh của quân đoàn 3. Tướng Preecha Chan-O-Cha đã bị nghi ngờ bê bối từ một năm nay. Một người con khác của ông là doanh nhân địa ốc, giành được một hợp đồng xây dựng béo bở cũng với quân đoàn 3. Tên vợ của ông được đặt cho một đập thủy điện mới khánh thành.
Trong trương mục ngân hàng, tướng Preecha Chan-O-Cha có 1,2 triệu đô la nhưng biện minh đây là tài sản của quân đội mà ông có nhiệm vụ "trông chừng" chứ không phải là tiền riêng.
Bị chỉ trích sử dụng chiến dịch chống tham nhũng theo kiểu "bên trọng bên khinh", thủ tướng Thái Lan dường như bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với em trai. Hôm nay, từ New York vừa về lại Bangkok, thủ tướng Preyut Chan-O-Cha tuyên bố với báo chí: Em tôi là em tôi chứ không phải như tôi. Tôi không bảo kê cho anh ta vì đây là trách nhiệm của anh ta. - RFI
|
|
2.
TQ thử thiết bị viễn vọng khổng lồ
Thiết bị viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới được xây dựng ở Trung Quốc đang bắt đầu một giai đoạn thử nghiệm chuyên sâu.
Các khoa học gia Trung Quốc cho hay 'đĩa thiên văn khổng lồ' với kích thước 500 mét đã hoàn tất và nhận được các tín hiệu đầu tiên từ không gian.
Hiện tại sẽ mất ba năm để hiệu chỉnh thiết bị giúp cho kính hoạt động đầy đủ.
Công trình, vốn là một phần của tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khoa học, được khai trương trong một buổi lễ vào ngày Chủ nhật.
"Điều này rất thú vị," quan chức Phó giám đốc dự án nói với BBC.
"Trong nhiều năm, chúng tôi đã phải đi ra bên ngoài Trung Quốc để làm các quan sát - bây giờ chúng tôi có kính thiên văn lớn nhất (thế giới).
"Mọi người không thể chờ đợi để sử dụng nó," nhà khoa học kiêm quan chức này nói.
Thiết bị thiên văn radio, tọa lạc trong một miệng núi lửa thiên nhiên rộng lớn ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, là một dự án Đài Thiên văn học quốc gia đầy tham vọng của Trung Quốc.
Mặc dù quy mô và kích thước rất lớn, công trình xây dựng chỉ mất năm năm và có chi phí 180 triệu USD.
“Với kính thiên văn này, Trung Quốc đi vào giai đoạn tiếp theo của thời kỳ phục hưng nghiên cứu," Rebecca Morelle, Phóng viên Khoa học Toàn cầu của chúng tôi nhận xét.
"Và thế giới đang theo dõi xem nước này có thể thực hiện thế nào tham vọng của họ.“ - BBC
|
|
3.
Brazil: Đến lượt tổng thống Temer bị tố cáo tham nhũng
Tai tiếng tham nhũng tại Brazil vẫn chưa có hồi kết. Tối Cao Pháp Viện nước này ngày 23/09/2016 bật đèn xanh cho việc mở điều tra sơ bộ nhắm vào tổng thống Michel Temer. Đương kim tổng thống Brazil bị tố cáo liên quan trực tiếp đến một vụ tham nhũng gắn liền với tập đoàn dầu khí quốc gia, Petrobras.
François Cardona thông tín viên đài RFI từ Rio de Janeiro giải thích:
"Một nhân chứng đã cải tà quy chánh, trực tiếp tố cáo tổng thống Michel Temer. Sergio Machado, cựu chủ tịch một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Petrobras, cộng tác với bên tư pháp để hy vọng được giảm nhẹ án. Ông này tiết lộ danh sách những đảng phái chính trị Brazil từng nhận tiền hối lộ của công ty dầu khí Brazil. Trong số đó có đảng cánh trung PMDB của đương kim tổng thống Michel Temer, đảng Xã Hội Dân Chủ PSDB và đảng Lao Động của tổng thống bị truất phế bà Dilma Rousseff và cựu tổng thống Lula.
Cách nay hai ngày, Tối Cao Pháp Viện Brazil căn cứ vào lời khai của cựu lãnh đạo Petrobras, để cho mở điều tra sơ bộ nhắm vào tổng thống Temer. Cụ thể hơn, Sergio Machado tiết lộ, cách nay 4 năm ông Temer đã liên lạc và yêu cầu Sergio Machado rót tiền cho một thành viên của đảng PMDB. Khi đó nhân vật này chuẩn bị ra tranh cử thị trưởng São Paulo, lá phổi kinh tế của Brazil.
Cuối tháng 8/2016 ông Michel Temer vừa chính thức lên cầm quyền, thay thế tổng thống bị truất phế, bà Dilma Rousseff ”. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Cuộc tranh luận Trump-Clinton có thể định hình cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Đó có thể là thời điểm định hình cho cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Cuộc tranh luận tổng thống giữa hai ứng cử viên – Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ và Donald Trump bên Ðảng Cộng hòa – theo một số ước đoán có thể thu hút 100 triệu người theo dõi để có thể có được đánh giá về hai ứng viên lần đầu tiên đối diện nhau trên cùng một sân khấu.
Kết cục cho cả hai ứng cử viên sẽ rất lớn. Người chứng kiến không chỉ lưu ý đến nội dung gì được nói ra, mà còn cách phát ngôn những nội dung đó và phản ứng của ứng cử viên này với ứng viên kia thế nào.
Ông Trump sẽ tung ra chiêu gì?
Cuộc tranh luận sẽ là một thời điểm quan trọng cho ông Trump, ứng viên đã thu ngắn được khoảng cách biệt với bà Clinton trong các kết quả thăm dò công luận ở mấy tuần lễ gần đây, một phần là do ông đã tỏ ra kỷ luật hơn trong những phát biểu so với trước đó. Ông cũng tập trung nhiều hơn vào chủ đề của ông, đó là:
“Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ hùng cường lại. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn lại, và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại lại!” Đó là khẩu hiệu ông nói với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở Fort Myers, bang Florida, một trong những tiểu bang giao động quan trọng, nơi ông “gỡ hòa” được với bà Clinton trong các cuộc thăm dò công luận mới nhất.
Bên phía Dân chủ, bà Clinton trông đợi cuộc tranh luận để trấn an những người ủng hộ bà, và để đẩy mạnh thông điệp của bà là muốn xây dựng một nền kinh tế với cơ hội đồng đều cho mọi người, như bà đã phát biểu trong cuộc vận động mới đây tại Orlando, Florida rằng: “Chúng ta bao gồm mọi giá trị. Tại Hoa Kỳ, đất nước vĩ đại nhất thế giới, chúng ta tin rằng mọi người bình đẳng.”
Sẽ bị rọi xét kỹ trong lúc kết quả các cuộc thăm dò quá sít sao.
Cuộc tranh luận đầu tiên trong ba cuộc tranh luận thường được nhiều người theo dõi nhất. Ông Matthew Dallek của Đại học George Washington nhận định rằng cuộc tranh luận thứ nhất này có nhiều khả năng trở thành thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua. Ông nói: “Ngay vào lúc này, cuộc đua trở nên sít sao hơn những gì mà nhiều người dự đoán. Và điều đó là một vấn đề quan trọng cho cả hai ứng viên.”
Có chuẩn bị kỹ hay chỉ tùy cơ ứng biến?
Hình như ông Trump và bà Clinton chuẩn bị cho cuộc tranh luận theo những cách khác nhau. Bà Clinton dành nhiều thời gian tập dượt cho cuộc tranh luận.
Còn ông Trump theo tin nói là dành ít thời giờ và cường độ cũng ít hơn trong việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận. Ông cũng ra một đòn về phía bà Clinton trong một cuộc mít tinh ở bang Pennsylvania. Ông nói: “À người tà đồn rằng bà Clinton đang tập dượt cho cuộc tranh luận. Một số người khác thì nghĩ rằng bà đang ngủ gật.”
Những người theo Ðảng Dân chủ hy vọng sẽ có thêm những phiên bản thiếu thận trọng của ông Trump đưa ra trong cuộc tranh luận đầu tiên, nhiều hơn những gì mà ông đã làm trong các các cuộc tranh luận với các đối thủ đồng đảng của ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng ban vận động mới của ông Trump đã đạt được một số thành công hồi gần đây trong việc giữ cho ông tập trung hơn và ít bị sao lãng vì sở thích công kích cá nhân của ông. - VOA
|
|
5.
Cảnh sát Charlotte phổ biến hai đoạn video vụ bắn chết người --- Bắt được hung thủ xả súng tại trung tâm mua sắm Mỹ
Các video của cảnh sát ở Charlotte, bang North Carolina phổ biến cho thấy một cuộc đối đầu giữa cảnh sát và ông Keith Lamont Scott, một người da đen 43 tuổi sau đó bị bắn chết hôm thứ Ba, khởi sự các cuộc biểu tình phản đối bạo động tại thành phố lớn nhất của bang North Carolina trong mấy ngày qua.
Hai video từ các máy quay đeo trên người và máy quay gắn trên xe của cảnh sát đối đầu với ông Scott được phổ biến hôm thứ Bảy – mấy ngày sau khi những người biểu tình đòi cảnh sát công bố các hình ảnh đó.
Một video cho thấy ông Scott ra khỏi xe và xoay người sang bên trái; ông đứng ở bãi đậu xe khoảng ba giây trước khi bị bắn và ngã xuống đất.
Video thứ hai không có hình ảnh của ông Scott trước khi ông nằm xuống đất. Các video được công bố này không có âm thanh.
Câu hỏi chính về vụ nổ súng này là liệu ông Scott có cầm súng khi cảnh sát ra lệnh cho ông ra khỏi xe hay không. Câu hỏi đó chưa được trả lời ngay cả sau khi các video này được công bố. Các video cho thấy ông Scott ra khỏi xe, bước lùi khỏi các cảnh sát viên đang ra lệnh cho ông bỏ vũ khí xuống.
Cảnh sát hôm thứ Bảy nói rằng hai cảnh sát thường phục trong một chiếc xe không mang màu sơn của cảnh sát ở trong khu vực hôm thứ Ba đang thực thi một lệnh bắt một người khác thì họ phát hiện ông Scott ngồi trong xe đang cầm cái mà họ nghi là ma túy.
Cảnh sát trưởng Kerr Putnam nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Bảy rằng các cảnh sát viên cũng tin rằng họ thấy ông Scott cầm một khẩu súng, và ông nói rằng ma túy và vũ khí hợp thành một mối đe dọa đối với an toàn nơi công cộng.
Ông Putnam nói rằng các cảnh sát viên đã lui lại, mặc đồ bảo hộ có ghi chữ “Cảnh sát” và trở lại đối đầu với ông Scott. Họ hô lớn yêu cầu ông Scott bỏ vũ khí xuống – điều có thể nghe được trong video. Cảnh sát nói ông Scott không làm theo, ngay cả sau khi một cảnh sát viên lái chiếc xe có màu sơn cảnh sát đến, và đã đấm vào ông Scott từ cửa xe bên phải của ông.
Cảnh sát nói ông Scott đã xuống xe nhưng không chịu bỏ vũ khí, và một trong các cảnh sát viên đã nổ súng bắn chết ông Scott.
Trong một cuộc họp báo vào chiều tối thứ Bảy, thân nhân của ông Scott hỏi làm thế nào sự việc lại biến thành cái chết nhanh như vậy. Sau khi xem các video của cảnh sát được công bố, em trai của ông Scott nói với các phóng viên báo chí rằng “thật không may là giờ đây chúng ta còn có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.”
Cảnh sát trưởng của Charlotte-Mecklenburg, ông Kerr Putney trước đó trong ngày thứ Bảy loan báo rằng sẽ công bố video, một yêu cầu chính của những người biểu tình đã xuống đường ở Charlotte từ tối hôm thứ Ba,
Mấy trăm người biểu tình đã tụ tập gần sở cảnh sát hôm thứ Bảy khi ông Putney tổ chức cuộc họp báo.
Ông Putney nói rằng ông nhận được cam đoan rằng việc công bố các video của cảnh sát sẽ không tác động đến cuộc điều tra đang được thực hiện về vụ nổ súng chết người này. Ông nói các hình ảnh được công bố “trên tinh thần minh bạch.”
Cảnh sát trưởng bênh vực cho hành động của các cảnh sát viên. Ông nói họ đã hành động đúng bởi vì ông Scott mang theo ma túy vào lúc đó, và có vũ khí nữa.
Các cuộc biểu tình có phần lắng dịu hơn sau khi các video được công bố, và chính quyền thành phố đã ra lệnh giới nghiêm lúc nửa đêm. - VOA
***
Giới hữu trách cho hay một nghi can 20 tuổi bị bắt liên quan đến vụ xả súng tại một trung tâm thương mại ở tiểu bang Washington, miền tây bắc nước Mỹ.
Nghi can tên Arcan Cetin cư trú tại Oak Harbor, bang Washington, bị bắt hôm thứ Bảy 24/9, gần 24 tiếng đồng hồ sau cuộc truy nã bắt đầu. Nghi can là di dân Thổ Nhĩ Kỳ này được mô tả nhầm là một người đàn ông gốc châu Mỹ La tinh ngay sau vụ xả súng. Động cơ của vụ nổ súng giết người bừa bãi này vẫn chưa rõ.
Giới hữu trách cho hay một cảnh sát trưởng đã bắt nghi can Cetin tại một khu phố ở Oak Harbor sau khi nhận được tin cho biết hình như hung thủ đang ở trong khu vực đó.
Giới chức cảnh sát bắt Cetin nói rằng nghi can giống như một “kẻ mất hồn” khi bị bắt.
Nghi can Cetin đã bắn chết 4 phụ nữ và một người đàn ông tại trung tâm thương mại Cascade Mall ở thành phố Burlington, cách Seattle khoảng 100km về hướng bắc. Bốn phụ nữ đã chết ngay tại chỗ, còn người đàn ông chết trên đường đưa đến bệnh viện.
Các nhân chứng nói rằng mọi người chạy tán loạn ra khỏi khu mua sắm sau những tiếng súng nổ. Vài giờ sau đó cảnh sát đã bao quanh khu vực, dọn dẹp hiện trường và bắt đầu cuộc truy nã hung thủ.
Cascade Mall là một trung tâm mua sắm với nhiều cửa hàng lớn, nhà hàng và rạp hát. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam: Điều tra, xử lý vụ ‘công an hành hung phóng viên’
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu “điều tra, xử lý nghiêm việc một số công an cản trở, đánh phóng viên tác nghiệp trên cầu Nhật Tân”.
Báo chí trong nước cho biết rằng, ngày 25/9, ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND Hà Nội, đã ký công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Chung về việc “điều tra, xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật điều tra xử lý thông tin” vụ Công an huyện Đông Anh “hành hung, cản trở phóng viên báo “Tuổi Trẻ” tác nghiệp trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.
Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu báo cáo trước ngày 27/9 và trả lời báo chí theo theo quy định.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ đã đến khu vực cầu Nhật Tân để tìm hiểu một vụ nghi là tự tử.
Phóng viên này cho biết rằng khi anh chụp ảnh, có một công an ngăn cản. Truyền thông trong nước dẫn lời ký giả này cho biết rằng “anh đã trình các giấy tờ liên quan khi tác nghiệp, sau đó tiếp tục chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) mặc thường phục lao vào hành hung”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, đại diện Công an huyện Đông Anh - đã trực tiếp đến Văn phòng Đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội để xin lỗi tờ báo này và cá nhân phóng viên Thế.
Trong một diễn biến khác liên quan tới việc nhà báo bị hành hung, báo Người Lao Động hôm 21/9 đưa tin rằng ông Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News thường trú tại Đắk Lắk, đến hiện trường vụ cưỡng chế mặt bằng tại xã Cư Pô thì bị công an xã, dân quân tự vệ “lao đến vây lấy, xô đẩy và giật máy ảnh, ba lô trên người”. - VOA
|
|
7.
Tham nhũng quyền lực
Bộ Chính trị vừa công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 uỷ viên, trong đó Ban thường vụ Đảng ủy gồm 7 uỷ viên, có 3 lãnh đạo là: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Quyền lực tập trung tuyệt đối?
Xét trên mặt chữ nghĩa có vẻ như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngang hàng với Chủ tịch nước và Thủ tướng trong vị trí Ban thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, nhưng người ta đều biết với chức vụ Tổng bí thư của mình, ông Nguyễn Phú Trong không thể nghe chỉ đạo mà là người chỉ đạo trong bất cứ quyết định quan trọng nào, và việc ông có tên trong Đảng ủy Công an Trung ương là một bước ngoặc quan trọng đối với hệ thống tổ chức của Đảng và chính phủ Việt Nam.
Về mặt Đảng, ông Trọng đương nhiên nắm giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương xem như Tổng tư lệnh quân đội, bây giờ kiêm nhiệm thêm chức vụ Đảng ủy Công an Trung ương thì xem như quyền lực tập trung vào tay là tuyệt đối.
Quyền lực khi tập trung tuyệt đối và không bị chi phối bởi các nhánh khác như lập pháp hay tư pháp sẽ dẫn tới những quyết định độc đoán, chuyên quyền và độc tài không thể tránh khỏi.
Việc một Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn vai trò công an được ông Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét:
“Chắc là ông ta muốn tham gia vào đấy để mà lãnh đạo chỉ đạo công an cho nó sát, ý kiến chỉ đạo nó trực tiếp, nó không bị quanh co. Hai nữa ở trong Đảng ủy mà nhất là Thường vụ nữa thì lãnh đạo cái đám Ban cán sự, lãnh đạo của Bộ trực tiếp thì đấy có thể là một cách.
Cách thứ hai có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào. Những dù với động cơ gì, mục đích gì thì sự xông vào ấy là lú lẫn dở hơi chứ không hay ho gì.
Muốn củng cố công an thì không nhất thiết phải xông vào đấy. Cách làm này của Trọng là cách làm rất cũ thời Xô viết cũ bây giờ không ai lại làm như thế trong khi thời đại tin học phát triển như hiện nay. Ông ta muốn tuyệt đối nhất nguyên hóa quyền lực và rõ ràng nó mâu thuẫn với tinh thần thời đại và mâu thuẫn ấy sẽ không cho làm được việc gì.
Giống như tổ chức chống tham nhũng, quy về cho Đảng, cho Ban Nội chính để trực tiếp làm. Nó chồng chéo với cái mà gọi là pháp quyền, mọi chuyện lại phải tâu sang bọn chính phủ, quốc hội rồi các Bộ ngành không có được kết quả gì tử tế. Nó là tinh thần cũ rích của tư duy toàn trị Xô viết, tập quyền độc tài của Mao tiếp diễn.”
Với TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng việc làm của ông Trọng cho thấy sự tham lam quyền lực đã lên tới đỉnh và từ đó không khó để thấy rằng người tham nhũng quyền lực lớn nhất hiện nay là ai:
“Đây là một chuyện chưa từng có ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các Tổng bí thư trước không có ai ngồi vào vị trí đảng ủy công an, bây giờ ông Nguyễn Phú Trong không những là Bí thư Quân ủy Trung ương, nắm quân đội, còn nhảy ra nắm công an sát sườn như vậy thì ông ấy là người tham quyền cố vị.
Người ta có những người lầm tưởng rằng Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch không tham ô nhưng tôi cho rằng Nguyễn Phú Trọng là trùm tham nhũng tại Việt Nam. Tham nhũng tiền bạc chỉ là một cái tham nhũng thông thường nhưng tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng tệ hại nhất vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra thao túng một cách phi đạo đức.
Nguyễn Phú Trọng tham nhũng quyền lực trong khi ông ấy đã quá tuổi về hưu rồi nhưng vẫn dùng mọi thủ đoạn để được kéo dài cái ghế Tổng bí thư của ông ấy. Lúc bấy giờ khi lên Tổng bí thư đã hứa chỉ ngồi nửa nhiệm kỳ nhưng bây giờ thì không biết ổng ngồi đến bao giờ trong khi tuổi ổng đã cao.
Khi còn trẻ đã mang tiếng là “Trọng lú” thì bây giờ tuổi cao rất hết sức nguy hiểm cho đất nước cho dân tộc này và kể cả cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ nhảy ra khống chế cả lực lượng công an thì tôi cho rằng là sự tham lam vô độ, một tội ác đối với đất nước con người Việt Nam.”
Theo chân Tập Cận Bình?
TS kinh tế, nhà báo Phạm Chí Dũng nhìn sự kiện này qua lăng kính kinh nghiệm của Tập Cận Bình mà ông Trọng đang theo:
“Khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là đang rất muốn thực thực hiện nước cờ và bước đi của Tập Cận Bình từ hồi năm 2013- 2014 Tập Cận Bình đã mở ra chiến dịch lớn đầu tiên triệt Bạc Hy Lai và sau đó là diệt Chu Vĩnh Khang Bộ trưởng Bộ công an.
Sau khi diệt Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình nắm luôn Bộ công an và xử dụng Ủy ban Kỷ luật Trung ương của Vương Kỳ Sơn như là một vụ then chốt, từ đó vai trò của Bộ công an trở nên yếu hẳn đi và vai trò của Ủy ban Kỷ luật Trung ương nâng hẳn lên. Sau khi diệt xong Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình xoay sang quân đội và chính thức trở thành tư lệnh và nắm tất cả quân đội Trung Quốc. Hiện nay Tập là người quyết định tất cả vận mạng của lực lượng vũ trang, công an và quân đội.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.”
Bên cạnh đó, khi vụ Trịnh Xuân Thanh nổ ra dư luận cho rằng ông Tổng bí thư đang quyết tâm triệt hạ tham nhũng nhưng tầng nấc của nó nhiều đến nỗi một mình Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể làm nổi trong khi công an thì ông Trọng không nắm được. Nhận định về ý kiến này TS Phạm Chí Dũng cho biết:
“Cho tới nay đã hơn ba tháng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Quốc Vượng chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng tham nhũng nào của Trịnh Xuân Thanh trong khi toàn bộ hồ sơ nằm tại T46 của Bộ công an. Như vậy khi không tận dụng, không phát huy được vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì có lẽ ông Trong phải tính tới ván bài vào Đảng ủy Công an Trung ương để quyết định, thậm chí thay cho ông Tô Lâm là Bộ trưởng công an.
Ông Tô Lâm mới được “phong chức” trở thành Bí thư Đảng Ủy công an Trung ương vào tháng 5 năm 2016. Thế bây giờ nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương có quyền quyết định mọi thứ thì ông Tô Lâm coi như sẽ bị ra rìa.
Nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương thì đã đi theo con đường Tập Cận Bình rồi, tức là vừa nắm công an vừa nắm quân đội và thực chất đấy là người trong lực lượng vũ trang chứ không phải ông Trần Đại Quang. Như vậy vai trò Chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang sẽ rất là mờ nhạt và có thể nói chẳng biết làm gì nữa.”
Chỉ một ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng ủy Công an Trung ương, Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng ngay bài báo có tựa: “Có những người bán rẻ tổ quốc vì quyền lợi cá nhân” của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, trong đó có đoạn:
“Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh Caribê còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.”
Xin mượn nhận xét này làm kết luận cho tiêu đề “tham nhũng quyền lực” và cũng xin cám ơn ba vị Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Chí Dũng đã cho nhận xét về một vấn đề rất quan trọng của đất nước hiện nay. - RFA
No comments:
Post a Comment