Thursday, September 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 1/9

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ công du Châu Á

Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường sang thăm Châu Á trong chuyến công du thứ 11 và có lẽ cũng là chuyến cuối cùng tới khu vực, nhấn mạnh điều mà giới chức Tòa Bạch Ốc gọi là trọng tâm của chính sách ngoại giao Obama, tái cân bằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ben Rhodes, nói chuyến đi lần này sẽ là cơ hội để ông Obama để xác quyết tầm quan trọng của thỏa thuận tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu và thảo luận các vấn đề cấp bách về căng thẳng hàng hải, biến đổi khí hậu, và kinh tế toàn cầu. 

Ông Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình vào ngày thứ bảy (3/9), tham dự thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào chủ nhật và thứ hai trước khi lên đường sang Lào tham dự thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á cho tới ngày thứ năm. 

Ông Ben Rhodes cho biết cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn tới những khía cạnh tích cực của mối bang giao phức tạp, cùng những bất đồng

Vẫn theo lời ông, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Lào là chưa từng có trước nay vì sự tham gia của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột Đông Dương hồi thập niên 60, 70. 

Ông Obama cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ tân Tổng thống của Philippines, quốc gia vừa thắng vụ kiện quốc tế chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Theo chuyên gia về Trung Quốc, Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung đều đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và dự kiến các cuộc hội đàm sắp tới sẽ tích cực dù sẽ có những bất đồng. 

Vẫn theo lời chuyên gia Glaser, chuyến công du Châu Á của ông Obama diễn ra giữa bối cảnh cơ hội TPP sẽ được Quốc hội Mỹ chuẩn thuận còn mong manh. Bà Glaser nói dù thỏa thuận thương mại này là lợi ích kinh tế và chiến lược địa lý đối với Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương, nhưng bà không đồng ý với quan điểm cho rằng TPP bị đánh bại sẽ là một chỉ dấu chấm dứt vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. 

Về căng thẳng hàng hải, bà Glaser nói Trung Quốc đã tỏ ra tự chế sau phán quyết quốc tế về vấn đề Biển Đông và đây có thể là cơ hội để Manila và Bắc Kinh đạt một giải pháp ngoại giao. - VOA
|
|

2.
Israel ‘phê duyệt 464 nhà định cư ở Bờ Tây'

Israel phê duyệt việc xây dựng 285 căn nhà ở khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, theo tổ chức giám sát định cư Peace Now.

Một nhà điều dưỡng 234 phòng tại Elkana, 30 căn ở Beit Arye và 20 tại Givat Zeev đã phê duyệt hôm 30/8.

Giấy phép cũng có hiệu lực hồi tố cho 179 nhà đã xây tại Ofarim.

Hoa Kỳ cho biết "quan ngại sâu sắc" và cảnh báo việc mở rộng khu định cư tạo nên "mối đe dọa rất nghiêm trọng và ngày càng tăng" đối với hòa bình với Palestine.

Khoảng 570.000 người Israel sống trong hơn 100 khu định cư được xây dựng từ khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem năm 1967.

Các khu định cư được coi là bất hợp pháp theo luật quốc tế, dù Israel tranh cãi về điều này.

Peace Now ghi nhận rằng quyết định mới nhất của Cục Quản lý dân sự do quân đội Israel nắm ở Bờ Tây nghĩa là 2.623 căn nhà ở khu định cư đã được phê duyệt trong năm nay.

Con số này gồm 756 căn nhà xây trái phép được "hợp pháp hóa".

'Đặc biệt quan ngại'

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với AFP rằng việc mở rộng khu định cư - cũng như phá hủy liên tiếp các căn nhà của người Palestine - "về cơ bản làm xói mòn triển vọng cho một giải pháp tạo dựng hai nhà nước và tạo rủi ro thiết lập một nhà nước chiếm đóng vĩnh viễn".

"Chúng tôi đặc biệt quan ngại về chính sách hồi tố những công trình xây dựng bất hợp pháp", quan chức này nói.

Hôm 30/8, Israel phản ứng giận dữ trước những lời chỉ trích tương tự từ đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, Nickolay Mladenov.

"Rất khó thấy được ý định thực sự hướng tới giải pháp tạo dựng hai nhà nước trong động thái này. Việc này dường như để củng cố chính sách, thực hiện trong nhiều thập kỷ, cho phép hơn nửa triệu người Do Thái định cư tại lãnh thổ bị chiếm đóng quân sự năm 1967, "ông nói với Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc ông Mladenov xuyên tạc lịch sử.

"Người Do Thái đã sống ở Jerusalem, Judea và Samaria từ hàng ngàn năm trước và sự hiện diện của họ ở đó không phải là trở ngại với tiến trình hòa bình," David Keyes nói, đề cập những cái tên chỉ Bờ Tây trong Kinh Thánh.

Đã có nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từ đầu thập niên 1990.

Vòng đàm phán gần đây nhất giữa Israel và Palestine kết thúc trong gay gắt tháng 4/2014. - BBC
|
|

3.
Tổng thống Pháp Hollande viếng thăm Việt Nam đầu tháng Chín

Tổng thống Pháp François Hollande viếng thăm Việt Nam từ ngày 05 đến 07/09/2016 nhằm thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông Hollande sẽ đến Việt Nam sau khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc (04 và 05/09).

Theo thông báo của đại sứ quán Pháp ngày 01/09/2016, chuyến viếng thăm cấp Nhà Nước ở Việt Nam của tổng thống Hollande sẽ là dịp « nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước », cũng là dịp "đề cập đến các chủ đề khu vực và song phương, cũng như thăm dò những triển vọng hợp tác mới".

Ông Hollande như vậy sẽ là tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam, sau tổng thống François Mitterrand năm 1993 và tổng thống Jacques Chirac năm 2004.

Cùng đi với tổng thống Pháp trong chuyến viếng thăm lần này có ba bộ trưởng, gồm ông Michel Sapin, bộ trưởng Tài Chính và Tài Khoản Công, ông André Vallini, quốc vụ khanh phụ trách Phát Triển và Pháp Ngữ và bà Martine Pinville, quốc vụ khanh phụ trách Thương Mại, Thủ Công, Tiêu Dùng và Kinh Tế Xã Hội và Đoàn Kết. Tháp tùng tổng thống Hollande cũng sẽ có một phái đoàn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Pháp.

Theo chương trình dự kiến do điện Elysée công bố với báo chí ngày 29/09, sáng ngày 06/09 tại Hà Nội, tổng thống Hollande sẽ được chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón long trọng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, trước khi hai vị nguyên thủ quốc gia mở hội đàm. Tại Hà Nội, ông Hollande cũng sẽ hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra, tổng thống Hollande sẽ hội kiến tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sau khi phát biểu tại Đại học Quốc gia Việt Nam vào buổi sáng, tổng thống Pháp cũng sẽ gặp vào đầu buổi chiều các cựu sinh viên và doanh nghiệp trẻ tại quán cà phê Cộng ở Hà Nội. Ông Hollande sau đó sẽ dành ít thời gian để đi thăm 36 phố phường.

Trong ngày 06/09, hai nước sẽ ký nhiều hiệp định hợp tác song phương và hợp đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sang ngày 07/09, tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng thống Pháp dự kiến sẽ gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp, trước khi đến thăm công ty dịch vụ tin học Linkbynet, thành viên của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp French Tech Viet. Tiếp đến, vị nguyên thủ quốc gia Pháp sẽ đến thăm Viện Tim, gặp gỡ các bác sĩ Việt Nam được đào tạo ở Pháp.

Ông Hollande cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết hiệp định đối tác giữa tổ chức phi chính phủ Pháp Expertise France với tổ chức phi chính phủ Việt Nam Trung tâm Hỗ Trợ Sáng Kiến Phát Triển Cộng Đồng SCDI. Ngoài ra tổng thống Hollande sẽ nghe trình bày về sự tham gia của Pháp vào việc phòng chống SIDA ở Việt Nam. Tổng thống Hollande cũng sẽ hội kiến và ăn trưa với bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, trước khi bay về Pháp chiều ngày 07/09. - RFI
|
|

4.
Chuyên gia Mỹ: "Trung Quốc trỗi dậy không mang dấu hiệu hòa bình"

Một nhà bình luận Mỹ chuyên theo dõi về Trung Quốc đã cảnh báo không có gì là hòa bình trong việc nước này phát triển thành một cường quốc. Với tư cách là một sức mạnh đang trỗi dậy, là nước chủ nhà thượng đỉnh quốc tế G20 trong hai ngày 04-05/09/2016, Trung Quốc đang cố thể hiện là "cường quốc thống trị".

Trong một bài phân tích đăng trên South China Morning Post, được trang mạng News.com.au của Úc trích dẫn ngày 31/08/2016, nhà nghiên cứu Frank Ching nhận định phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc Tế về Biển Đông vào tháng 07/2016 không làm lay chuyển được các kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền kiểm soát trong vùng.

Ông viết: "Trong thế giới tưởng tượng của mình, việc thực hiện Giấc Mơ Trung Hoa của chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa lại đặt Trung Quốc thành trọng tâm của thế giới, sau vài thế kỷ bị gián đoạn vì chủ nghĩa tư bản phương Tây".

Chúng ta đã chứng kiến việc Trung Quốc không "nghe lời" phương Tây và các nước đồng minh về khía cạnh này.

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông vì "không có bằng chứng pháp lý để Trung Quốc đòi hỏi các quyền lịch sử của mình" trong phạm vi "đường 9 đoạn", Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện trong các vùng tranh chấp.

Báo mạng Washington Free Beacon, trích các quan chức của Lầu Năm Góc, cho biết số tầu hải cảnh Trung Quốc gần những khu vực này tăng lên một cách đáng kể trong tháng vừa qua. Cũng trong thời gian này, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều nhà chứa máy bay được gia cố để có thể chứa được chiến đấu cơ trên nhiều hòn đảo nhân tạo được Bắc Kinh ra sức bồi đắp.

Được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế (Centre for Strategic and International Studies, CSIS) và tổ chức Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) cung cấp, những hình ảnh còn cho thấy nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự đang được xây trên các bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross), Subi và Vành Khăn (Mischief). Tất cả các thực thể này đều nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á khác.

Bản báo cáo tiết lộ mỗi hòn đảo sắp tới sẽ có khả năng chứa đến 24 chiến đấu cơ, cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn, như máy bay trinh sát, oanh tạc cơ hay phi cơ tiếp nhiên liệu. Như vậy, Bắc Kinh có thể phô trương sức mạnh với khoảng 70 chiến đấu cơ trong vùng.

Thậm chí, theo một phát ngôn viên của CSIS, những nhà kho nhỏ nhất cũng có kích cỡ lớn hơn mức cần thiết để chứa máy bay dân sự. Ông nhấn mạnh những kho bãi này "được gia cố để tấn công".

Theo quan điểm của chuyên gia Frank Ching về vấn đề này, Bắc Kinh biện hộ cho những hành động của mình bằng cách "tạo nên một thế giới tưởng tượng", nơi mà mọi hành động của nước này không bao giờ sai trái.

Ông nhận định: "Điều mà Trung Quốc nghĩ trong đầu là quyền của nước này phải là luật pháp. Điều này giải thích sự thống trị ngỗ ngược của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục đòi hỏi chủ quyền".

Trung tuần tháng Tám, tờ báo nhà nước Study Times viết rằng các nước phương Tây tìm cách cố tình ngăn chận một Trung Quốc đang trỗi dậy và phủ nhận một tiếng nói đích thực trên trường quốc tế với nhiều chương trình như Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong một bình luận về thượng đỉnh G20, tờ bán tuần san có uy tín của trường Đảng Trung Ương viết: "Cố gắng chiếm quyền lợi của mình để thống trị thế giới, họ (Hoa Kỳ và đồng minh) đang hình thành một "liên minh thần thánh", tìm cách thiết lập những quy tắc mới. Những nguyên tắc này nhằm loại Trung Quốc".

Căng thẳng tại thượng đỉnh G20

Trong bối cảnh trên, lần đầu tiên kể từ 8 năm nay, Trung Quốc là nước chủ nhà, tổ chức hội nghị thượng đỉnh G 20. Sự kiện quan trọng này diễn ra ở Hàng Châu (Hangzhou) và là dịp quan trọng để chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung quốc khẳng định vị trí là một cường quốc thế giới.

Theo tờ The Economist, Hàng Châu trở thành một công trường lớn trong suốt năm 2015, với các đội ngũ lao động miệt mài mở những con đường mới và xây dựng những khách sạn sang trọng. Có nhiều tin đồn cho rằng Hàng Châu chi đến 160 tỉ nhân dân tệ cho các công trình này, dĩ nhiên chính quyền thành phố phủ nhận con số đó.

Thế nhưng, theo Reuters, chính phủ Trung Quốc nghi ngờ phương Tây và các nước đồng minh của họ sẽ làm hỏng các cuộc thảo luận về tình hình kinh tế, căn cứ vào bầu không khí ngày càng căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền hiện nay.

Một quan chức phương Tây sẽ tham dự sự kiện trên cho biết các cuộc đàm thoại với quan chức Trung Quốc trước kỳ hội nghị G20 đều nổi cộm với các vấn đề như luật lệ tại Biển Đông và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai ở Hàn Quốc.

Trung Quốc phản đối kịch liệt việc đưa các chủ đề này vào chương trình thượng đỉnh với sự tham gia của tổng thống Mỹ Barack Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, cùng với nhiều lãnh đạo thế giới khác.

Hãng tin Reuters, trích một quan chức ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh và nắm rõ hồ sơ thượng đỉnh, nhận xét: "Hiện Trung Quốc đang tức giận với gần hết thế giới".

"Ý đồ" hậu G20 của Trung Quốc

Trung Quốc có thể thúc đẩy âm mưu chiếm bãi cạn Scarborrough, một khu vực trọng điểm ở Biển Đông. Đây được cho là một hành đông khiêu khích.

Vào tháng 08/2016, có nhiều lời cảnh báo cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục các công trình bồi đắp vào tuần đầu tháng Chín, như tiết lộ của một nguồn tin ẩn danh: "Trong thời gian hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu với vấn đề hòa bình trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận chính của các nhà lãnh đạo cường quốc thế giới, Trung Quốc sẽ không "khuấy động" các chương trình bồi đắp đảo".

Thế nhưng, vẫn theo nguồn tin này, việc xây dựng bồi đắp sẽ được tiếp tục ngay khi thượng đỉnh G20 kết thúc và cho đến đầu cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2016. Kế hoạch này được cho là mang tính chiến lược, vì Bắc Kinh không muốn gây thêm căng thẳng trong cuộc họp quan trọng này.

Nhiều người cho rằng bất kỳ hành động cải tạo bồi đắp đảo nào đều có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Frank Ching, Trung Quốc nhận thấy không cần phải đối đầu quân sự với Mỹ và bằng mọi giá sẽ tránh mọi cuộc đụng độ.

Philippines cũng có cách nhìn tương tự. Sau nhiều lời phát biểu gay gắt vào tuần trước, tổng thống Rodrigo Duterte lại tuyên bố chiến tranh không phải là một lựa chọn. Trong một bài diễn văn trước sự có mặt của đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa (Zhao Jianhua), tân tổng thống Philippines nhấn mạnh đến đối thoại dân sự và tuyên bố: "Tôi không ủng hộ chiến tranh… Nếu tôi không sẵn sàng cho chiến tranh, vậy thì, hòa bình là giải pháp duy nhất". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Trump trình bày chi tiết kế hoạch di trú, vẫn kêu gọi xây tường

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump đêm thứ Tư đã trình bày cặn kẽ chính sách nhập cư ưu tiên an ninh biên giới và bảo đảm rằng những người vào nước Mỹ chia sẻ những giá trị của Mỹ. Ông phát biểu trước những người ủng hộ ở bang Arizona thuộc miền tây nam bằng ngôn từ mạnh mẽ hơn nhiều so với ngôn từ mà ông sử dụng trước đó vài giờ ở Thành phố Mexico, nơi ông có một cuộc hội đàm mà ông mô tả là "quan trọng và thẳng thắn" với Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto.

Một ví dụ điển hình của sự khác biệt này là cam kết lâu nay của ông Trump xây một bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico. Ông Trump cho biết sau cuộc hội đàm rằng ông và ông Peña Nieto đã bàn về kế hoạch này, nhưng không bàn về tuyên bố của ông Trump đòi Mexico thanh toán chi phí xây bức tường. Tuy nhiên, ông Peña Nieto cho biết ông đã nói rõ rằng Mexico sẽ không trả tiền cho việc đó.

Nhưng khi ông Trump tiết lộ kế hoạch nhập cư 10 điểm của ông ở Arizona, điểm đầu tiên mà ông nêu là một bức tường "cao lớn, vững chãi, đẹp đẽ." Ông nói:

"Và Mexico sẽ trả tiền cho bức tường đó. 100 phần trăm. Họ không biết điều đó, nhưng họ sẽ phải trả tiền cho bức tường đó." 

Ông Trump phát biểu như vậy trong khi đám đông người ủng hộ hào hứng hô vang: "Xây bức tường đó!"

Sau nhiều tuần tin tức cho hay ông Trump có thể đang nới lỏng lập trường về vấn đề nhập cư, tối thứ Tư ông đề nghị thuê 5.000 nhân viên tuần tra biên giới mới, tăng gấp ba số lượng nhân viên chấp hành di trú và ngay lập tức trục xuất bất cứ ai bị bắt đang nhập cảnh bất hợp pháp. Ông cho biết tội phạm và những vụ vượt biên giới sẽ giảm mạnh và những băng đảng sẽ biến mất.

Ông nói thêm: "Những ưu tiên chấp pháp của chúng ta sẽ bao gồm việc loại trừ những kẻ phạm tội, những thành viên băng đảng, những mối đe dọa an ninh, những vụ ở quá hạn visa, những khoản phí công. Đó là những người lệ thuộc vào phúc lợi công cộng hoặc gây quá tải cho mạng lưới an sinh cùng với hàng triệu lượt nhập cảnh bất hợp pháp và ở quá hạn visa hồi gần đây, những người đã tới dưới thời chính quyền hủ bại này."

Vấn đề phải làm gì với con số ước tính 11 triệu người đang sinh sống ở Mỹ bất hợp pháp cho thấy sự khác biệt lớn giữa ông Trump và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Cả hai người đều muốn trục xuất những người phạm tội, nhưng ông Trump phản đối những sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành để trì hoãn việc trục xuất một số nhóm người không có tiền án hình sự. Bà Clinton muốn bảo vệ họ, nhưng ông Trump mô tả việc này là "ân xá."

Ông Trump kêu gọi hoàn tất một hệ thống xuất nhập cảnh dùng kỹ thuật sinh trắc để theo dõi tốt hơn những người nhập cảnh, và kêu gọi mở rộng những hệ thống xác minh bằng điện tử để giúp chủ lao động tránh thuê mướn những người nhập cư bất hợp pháp.

Ông cũng nhắc lại kế hoạch đình chỉ việc cấp thị thực cho những người sống ở những nước mà người dân không thể được rà soát lí lịch một cách đầy đủ để bảo đảm rằng họ không phải là mối nguy cơ về an ninh. Những người nhập cảnh Mỹ cũng sẽ phải vượt qua những cuộc khảo hạch về tư tưởng.

Ông Trump nói rằng ông không muốn nhận những người tị nạn đến từ những nơi như Syria và Libya. Thay vào đó ông đề xuất lập ra "những khu tái định cư" tại khu vực quê nhà của họ, do những quốc gia vùng Vịnh chi trả. Nói tóm lại, ông mô tả chính sách của mình là giành lại đất nước.

Tại buổi vận động của mình hôm thứ Tư, bà Clinton mô tả Mỹ là một thế lực toàn cầu vì "tự do, công lý và phẩm giá con người," nói rằng người dân khắp nơi trông cậy Mỹ là nước lãnh đạo. Bà cựu ngoại trưởng chỉ trích chuyến thăm của ông Trump đến Mexico bằng cách nói rằng việc xây dựng mối quan hệ đòi hỏi sự nhất quán và sự khả tín.

Bà nói: "Việc tạo dựng mối quan hệ chắc chắn đòi hỏi nhiều thứ hơn là cố gắng bù đắp một năm toàn những lời sỉ nhục và bóng gió bằng việc ghé thăm láng giềng của chúng ta mấy tiếng đồng hồ rồi lại bay về nhà. Đâu phải làm vậy là được." 

Sau đó bà Clinton viết trên Twitter rằng ông Trump đã thất bại trong cuộc khảo hạch đầu tiên về chính sách đối ngoại.

Bà viết: "Ngoại giao nhìn vậy chứ không hề dễ."

Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cũng mời bà Clinton đến dự cuộc hội đàm ở Thành phố Mexico, nhưng ban vận động của bà chưa lên tiếng bình luận liệu việc này có diễn ra hay không.

Ông Peña Nieto cho biết trong cuộc họp báo với ông Trump rằng ưu tiên của ông là bảo vệ người Mexico ở bất cứ nơi nào họ có thể hiện diện và rằng những người sống ở Mỹ là những người có tài và trung thực, tôn trọng gia đình, cộng đồng và pháp luật.

Ông Peña Nieto cũng gọi biên giới là tài sản cho cả hai nước. Ông nói những người Mỹ xem nó là con đường cho ma túy và người nhập cư bất hợp pháp tràn vào đang nhìn thấy một "bức tranh kém hoàn chỉnh" và rằng Mỹ phải làm hết sức mình để ngăn chặn luồng vũ khí và tiền bạc đổ vào những băng đảng ma túy ở Mexico.

Ông Miguel Tinker Salas, giáo sư ngành Mỹ Latin tại Đại học Pomona, nói không có cơ may đông đảo người gốc Mỹ Latin sẽ bỏ phiếu cho ông Trump vào tháng 11, nhưng lưu ý rằng nhiều người ngần ngại ủng hộ bà Clinton vì cam kết của bà ban hành những cải cách nhập cư trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền bà nghe giống như cam kết mà ông Obama đã đưa ra nhưng không hoàn thành được. Ông cũng cảnh báo chớ nên coi người gốc Mỹ Latin là nhóm cử tri chỉ quan tâm tới vấn đề nhập cư mà thôi, nói rằng đó chỉ là vấn đề quan trọng thứ tư hoặc thứ năm đối với hầu hết mọi người. - VOA
|
|

6.
Washington xác nhận tin ký giả Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tin một ký giả độc lập người Mỹ bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây gần một tháng.

Phát ngôn nhân John Kirby cho báo giới biết phóng viên Lindsey Snell đang bị cầm giữ trong một trại giam ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, nằm bên kia biên giới hai thành phố Idlib và Aleppo của Syria.

Ông Kirby cho biết nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với Hoa Kỳ rằng bà Snell vượt biên giới từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ và bị buộc tội ‘xâm phạm khu vực quân sự’, tuy nhiên ông không tiết lộ lý do vì sao nhà báo này có mặt tại Syria. 

Hôm 8/8, thông tấn xã Anadolu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Thống đốc Ercan Topaca nói rằng ký giả Snell bị bắt khi đang tìm cách vượt biên giới bất hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ và rằng ‘không rõ liệu đương sự có phải là một tình báo hay không.’

Trước đó vài ngày, phóng viên Snell đăng tải lên Facebook rằng bà bị các thành viên Jabhat al Nusra bắt cóc tại Syria và giam giữ trong 10 ngày trước khi bà tìm đường tẩu thoát. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Hàng ngàn người Hà Tĩnh biểu tình phản đối Formosa trước Quốc khánh

Sáng thứ Năm, 1/9, đã có một cuộc biểu tình lớn ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được coi là tâm điểm của thảm họa ô nhiễm biển do nhà máy của Formosa, Đài Loan, xả chất thải trái phép.

Cuộc biểu tình nổ ra bất ngờ vào ngày thường, không phải vào ngày Chủ Nhật như các cuộc biểu tình trước đây, và diễn ra chỉ một ngày trước Quốc khánh thứ 71 của Việt Nam. Các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam nhận xét điều này cho thấy những bức xúc của ngư dân bị thiệt hại và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa đã bị dồn nén quá nhiều.

Nhà hoạt động Hoàng Bình trực tiếp tham gia cuộc biểu tình lớn hôm 1/9. Anh đã đăng nhiều đoạn video về cuộc biểu tình trên trang Facebook cá nhân. Sau đó, rất nhiều người đã tiếp tục chia sẻ các hình ảnh này trên mạng xã hội. Anh Bình mô tả lại với VOA Việt Ngữ rằng hàng ngàn người đã tuần hành đến trung tâm thị xã Kỳ Anh:

“Sáng nay, người dân Giáo xứ Quý Hòa ước tính con số ban đầu khoảng 2.000 người tập trung về xã Kỳ Hà. Họ biểu tình phản đối Formosa, yêu cầu chính quyền bồi thường cho họ. Họ đi tuần hành, họ đi bộ trên 10 cây số. Người dân ở xung quanh đấy họ thấy như vậy thì họ tham gia cũng rất là đông. Con số ước lượng khi lên đến trung tâm thì khoảng độ 8 đến 10.000 người hoặc có thể là hơn”.

VOA không có điều kiện để kiểm chứng về con số người biểu tình. Nhà hoạt động Hoàng Bình nói người biểu tình đã giương các biểu ngữ đòi khởi tố Formosa. Anh cho biết nổi bật lên là biểu ngữ “Chọn Formosa hay chọn dân” mà anh nhận xét “rất quan trọng và rất hay”. 

Một trong những thông điệp chính của cuộc biểu tình là người dân tiếp tục đòi tiền bồi thường cho thiệt hại do Formosa gây ra. Những người tham gia biểu tình khẳng định cho đến nay họ “chưa nhận được một xu nào” và nêu câu hỏi trên các biểu ngữ là “Tiền đền bù của chúng tôi đi về đâu?”

Nhà hoạt động Bình cho biết khi đoàn biểu tình đến thị xã, đã có xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát. Anh nói:

“Có một đoạn cái đường chính ý thì người ta [cảnh sát] chặn lại đấy thì bạo lực xảy ra, thì hai bên xô xát với nhau. Rồi đến lúc người dân đông quá người ta [người biểu tình] tràn qua, người ta phá tất cả barrier người ta đi qua. Người ta đi lên trung tâm thị xã bằng được. Dân ở đây hiện tại rất là quyết tâm”.

Cũng như các cuộc biểu tình trước, Formosa đã không cử bất cứ ai đại diện ra đối thoại với người biểu tình. Về phía chính quyền địa phương, anh Bình cho hay họ đã nói chuyện với người biểu tình nhưng anh gọi đó là sự “câu giờ”. Anh tường thuật lại:

“Chính quyền sau một hồi thấy căng thẳng quá thì họ mời tất cả bà con nhân dân vào trụ sở ủy ban thị xã. Vào thì thương thuyết, họp. Mục đích của họ chắc chỉ câu giờ thôi. Vấn đề là sức mạnh của dân đông quá cho nên họ mời vào đấy. Bà con cũng bàn bạc với họ một hồi, đưa ra ý kiến, xong bà con rút về. Họ vẫn cứ hứa hẹn như vậy thôi. Họ chỉ nói chung chung thôi. Nhưng mà trong đấy họ cũng né tránh. Chưa có một cam kết nào. Người dân ở đây thì họ có nói họ sẽ biểu tình tiếp. Chừng nào có đền bù và đóng cửa Formosa thì họ mới thôi”.

Báo chí Việt Nam mới đây cho hay Formosa đã chuyển 500 triệu đôla tiền bồi thường cho chính quyền Việt Nam. Nhưng không có tin tức về việc số tiền này bao giờ mới được phân chia đến những người bị ảnh hưởng. 

Báo chí Việt Nam cũng chỉ ra rằng theo thông tin của Tổng cục Thuế, đến nay số thuế đã hoàn cho công ty Formosa Hà Tĩnh là hơn 14.600 tỷ đồng, như vậy sau khi bồi thường 500 triệu đôla, tương đương hơn 11.500 tỷ đồng, công ty này vẫn hưởng 2.900 tỷ đồng chênh lệch giữa giá trị thuế được hoàn và số tiền phải chi để đền bù. - VOA
|
|

8.
18 tổ chức XHDS kêu gọi khởi kiện Formosa

Formosa cho đến nay vẫn được chính phủ cho phép hoạt động sau khi đồng ý chi trả số tiền 500 triệu đô la cho hành vi xả thải bất hợp pháp gây thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên số tiền tượng trưng này không thể bù đắp những thiệt hại to lớn về môi trường cũng như kinh tế của từng gia đình tại khu vực nó gây tai họa. Từ bức xúc này 18 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã gửi thư kêu gọi cộng đồng hợp sức khởi kiện Formosa để đòi lại quyền lợi chính đáng mà Formosa phải trả.

Bức thư đề ngày 30 tháng 8 có chữ ký của đại diện 18 tổ chức xã hội dân sự đang hoạt động tại Việt Nam trình bày diễn tiến mà công ty gang thép Formosa tại Vũng Áng đã gây ra cho người dân cũng như môi trường và các di lụy khác.

Theo nội dung bức thư, Formosa đã được chính phủ Việt Nam ưu đãi kể cả sau khi công ty này thừa nhận đã gây nên thảm họa và sự ưu ái đó được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện khi tiếp tục cho phép nó hoạt động.

Với số tiến 500 triệu đô la bồi thường, chính phủ cũng chưa chứng minh được sẽ giúp gì cho người dân bị trực tiếp là nạn nhân của Formosa, cũng như những phát hiện gần đây cho thấy Formosa tiếp tục chôn chất thải tại nhiều khu vực lân cận nơi nó đặt nhà máy.

Những thực tế này đã làm cho cả nước rúng động nhưng Formosa không có một biểu hiện gì thay đổi trong khi sản xuất, điều này sẽ dẫn tới những nguy hiêm khác về môi trường mà Formosa sẽ tạo ra cho con người và môi trường sống của Việt Nam.

Căn cứ những dữ kiện vừa nói, bức thư kêu gọi việc đưa Formosa ra trước tòa án để trả lời công khai các câu hỏi những gì mà nó trực tiếp gây ra. Bức thư đang được dư luận chú ý và đây là hoạt động dân sự mang tính tập thể được xem là mạnh mẽ và tích cực nhất với sự chính danh của các tổ chức xã hội dân sự.

TS Nguyễn Quang A, người tích cực nhất trong việc kêu gọi thành lập các tổ chức xã hội dân sự, cũng là đơn vị ký tên trong thư kêu gọi cho chúng tôi biết về mục tiêu của bức thư, không nhất thiết phải kiện Formosa tại các tòa án Việt Nam mà có thể nhắm tới mục tiêu xa hơn là tòa án quốc tế sau khi các nhà nghiên cứu luật cho biết phải làm gì:

“Tôi nghĩ cái chuyện kiện Formosa bất kể ai cảm thấy mình có lợi ích của mình vì Formosa vi phạm là có quyền khởi kiện. Có thể là một ngư dân, có thể là một tổ chức xã hội dân sự cũng có thể là một số tổ chức và kiện ở đây không nhất thiết phải gắn bó ràng buộc vào quy định pháp lý của Việt Nam.

Có Việt kiều đã kiện nhà nước Việt Nam ở Yên Bái tại sao người Việt Nam không kiện Formosa ở Đài Loan hay ở đâu đó mà nghĩ lầm là dứt khoát phải kiện ở Hà Tĩnh, ở Hà Nội hay kiện ở Sài Gòn? Vấn đề kiện ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng như vậy. Không phải nhờ mấy ông công an hay tòa án của Việt Nam này bởi vì kiện mấy ông ấy cũng như con kiến kiện củ khoai tại vì các ông ấy và Formosa nhiều khi đã trở thành bao che cho nhau hay thông đồng với nhau rồi thì rất khó đúng như anh nói.”

Formosa phải được định đúng tội và phải bội thường đúng

Ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đại diện cho Hội Tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam nói với chúng tôi về nhận định của riêng ông khi cùng ký tên vào lá thư này:

“Các tổ chức xã hội dân sự đều mong muốn Formosa phải được định đúng tội danh và phải bội thường đúng với giá trị mà họ đã gây ra cho bốn tỉnh miền Bắc Trung bộ. Hiện nay người dân trong nước họ biết rất nhiều về tình trạng Formosa thải những chất độc ra vùng biển Việt Nam nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của rất nhiều người dân tại đó và những vùng chung quanh.

Bản thân tôi đã gần 6-7 tháng nay đã không dám ăn cá biển vá khi có dịp ra chợ gặp những người buôn bán về cá biển thì họ cũng nói rằng việc mua bán kinh doanh cá biển hết sức khó khăn và họ không dám lây nguồn cá từ vùng biển, không biết vùng nào nhưng họ đều sợ và do đó nó ảnh hưởng đến đời sống người dân rất lớn. Những người dân trực tiếp đến vùng biển bị thiệt hại thì họ quyết tâm rất cao, họ muốn Formosa phải bồi thường đúng với các thiệt hại cũng như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải kiện Formosa ra tòa.

Những tổ chức xã hội dân sự thì mong cái tuyên bố này được đẩy mạnh và xa hơn nữa đền từng người dân và đó là trách nhiệm thuộc về xã hội dân sự bởi họ có mối tương quan tương thích với những nhóm người, nhóm cộng động trong đất nước thì họ phải thúc đẩy điều đó. 

Tôi thấy rằng Đức cha Nguyễn Thái Hợp vừa đưa ra những kêu gọi giáo dân công giáo phải quan tâm về môi trường nói chung và Formosa nói riêng. Vấn đề này đã được thúc đẩy rất tốt ở những vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An và nó đi vào đời sống người công giáo. Tôi là một thiện nguyện viên ở Văn phòng Công lý và Hòa Bình tôi thường xuyên tiếp xúc với giáo dân và tôi thấy họ quan tâm rất đặc biệt tới tình trạng ô nhiễm môi trường mà vừa rồi là vụ Formosa.”

Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo xứ Phú Yên, với tư cách là chủ chăn của 1.200 giáo dân tại nơi mà ảnh hưởng của thảm họa đè nặng lên tất cả mọi người không chừa một ai, cho biết hiện trạng của người dân trong giáo xứ Phú Yên, linh mục Nam nói:

“Ở đây có 1.200 giáo dân, xứ Phú Yên thì 100% người ta sống vào biến sống nhờ biển và vì thế khi biển chết thì họ chết dần theo với biển. Thảm họa đã xảy ra thì cá biển chết, nhiễm độc. Chúng ta thấy hiện tượng bây giờ:  thuyển nằm bờ và nếu có đi đánh bắt xa bờ chăng nữa thì khi về con người ta rất may nếu hòa vốn còn không thì lỗ, phải vay vốn đầu tư. 

Đánh bắt về thì cũng khó tiêu thụ trên sản phẩm mình đánh bắt về được. Bây giờ người dân vẫn còn rất hoang mang và không ai dám tiêu thụ. Chằng hạn như cách đây 3 ngày một người dân tại thành phố Vinh đã ăn con ghẹ và đã nhiễm độc nặng và chết cách đây 3 hôm cho nên việc người dân đánh bắt cá về cũng rất khó tiêu thụ, người dân không tiêu thụ cho.

Hoàn cảnh của gia đình họ chúng ta thấy rất bi đát. Người ngư dân vốn đã nghèo rồi bây giờ lại càng thê thảm hơn. Họ đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi vì nợ ngân hàng mà họ vay để đầu tư vào các phương tiện đánh bắt cá, bây giờ không sử dụng được và sẽ là món nợ làm cho người ta phá sản.

Con cái của họ đang dứng trước nguy cơ không được đến trường và trong những ngày đấu năm học mới và đã tựu trường rồi thì tôi là người đang nỗ lực hết mình để vận động cho người dân cho con em đến trường. Tôi phải hứa là sẽ giúp đỡ cho con em họ về học phí để họ có can đảm cho con đến trường, đó là điều gay cấn ngay từ bây giờ.

Thứ hai nữa là tất cả các tài sản đã tích cóp được thì người ta đã đem cầm cố hay bán đi mà lo cho chi tiêu hàng ngày của mình. Cho đến hôm nay thì chính phủ chưa có động thái gì tại khu vực của giáo xứ của tôi cả mặc dù đó chỉ là hỗ trợ gạo hay đưa ra lời nói gì.”

Hiện trạng của người dân và môi trường đang bị đe dọa không riêng gì tại 4 tỉnh miền Trung mà còn sẽ lây lan ra cả nước đã khiến bức thư kêu gọi khời kiện Formosa nóng bỏng hơn.

Người dân trong khu vực thảm họa có lẽ chờ đợi vụ kiện này hơn ai hết vì họ là nạn nhân, như lời linh mục Đặng Hữu Nam chia sẻ, đang cầm cố hay bán đi tới những vật dụng cuối cùng để sống sót, nhưng thời gian sẽ cho họ cơ hội  bao lâu nữa khi sống bằng những thứ mà họ chắt chiu dành dụm bấy lâu nay là câu hỏi khó trả lời nếu vụ kiện không được thành hình. - RFA

No comments:

Post a Comment