Wednesday, September 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 28/9

Tin Thế Giới

1.
Hải quân Mỹ Việt luyện tập chung ngăn ngừa sự cố trên Biển Đông --- Biển Đông gây nhiễu quan hệ Trung Quốc-Singapore --- Úc nghiêng ngả giữa đồng minh Mỹ và Trung Quốc

Hôm nay, 28/09/2016, hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu các hoạt động chung, trong đó có cuộc tập luyện chung nhằm ngăn ngừa những va chạm giữa các tàu trên vùng Biển Đông. Tham gia cuộc diễn tập chung có khu trục hạm USS John S. McCain. Khu trục hạm này, chở theo 280 sĩ quan, thủy thủ, sẽ thăm hữu nghị Đà Nẵng từ ngày 28/09 đến 01/10.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, đại tá Lê Bá Hùng, Chỉ huy biên đội tàu khu trục số 7, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, cho biết là cuộc luyện tập chung giữa hải quân hai nước lần này sẽ tập trung vào việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử về các vụ chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES, viết tắt của Code for unplanned encounters at sea).

Bộ quy tắc không mang tính ràng buộc pháp lý này đã được 21 quốc gia ký kết vào năm 2014 tại một hội nghị ở Trung Quốc và đã giúp giảm bớt nguy cơ đụng độ giữa hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc ở châu Á.

Theo nhận định của tờ Stars and Stripes hôm qua, Việt Nam rất muốn bộ quy tắc CUES được tuân thủ nghiêm chỉnh, vì nước này phải đối phó với các tàu Trung Quốc lớn hơn và trang bị vũ khí mạnh hơn. Nhưng vấn đề là các tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc, mà nay cũng được trang bị vũ khí, vẫn không tuân thủ CUES, bất chấp những lời kêu gọi của các quan chức chính quyền Mỹ và hải quân Mỹ.

Cũng theo tờ báo nói trên một số nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ, đặc biệt là thượng nghị sĩ John McCain, muốn Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ giữa hải quân hai nước.

Theo thông báo của Sở Thông tin- Truyền thông Đà Nẵng, ngoài cuộc tập huấn chung nói trên, hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân còn mở các hội thảo về luật Biển, chuyên môn y tế, kiểm soát thiệt hại trên tàu. Trong thời gian ở Đà Nẵng, sĩ quan, thủy thủ Mỹ cũng sẽ tham gia một số hoạt động từ thiện xã hội, giao lưu văn hóa, thể thao với học sinh, sinh viên và biểu diễn âm nhạc đường phố. - RFI

***
Có lẽ chưa bao giờ Singapore và Trung Quốc lại có những lời lẽ nặng nề với nhau công khai như vậy. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh Stanley Loh hôm qua cáo buộc tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo Nhà nước của Trung Quốc, đã ngụy tạo câu chuyện về việc Singapore đòi đưa quan điểm của Philippines về vụ kiện Biển Đông vào văn kiện kết thúc hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết ( NAM ), diễn ra tại Venezuela trong tháng này.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 21/09 vừa qua khẳng định rằng Singapore đã nài nỉ về chuyện Biển Đông cho đến tận đêm, khiến đại biểu nhiều nước rất khó chịu. Nhưng theo đại sứ Stanley Loh, phái đoàn nước này không hề có những hành động như vậy ở thượng đỉnh NAM, tức là không hề nêu vấn đề Biển Đông cũng như phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.

Đại sứ Singapore cho biết, các đoạn nói về Đông Nam Á, trong đó có đề cập đến Biển Đông, vẫn được ghi trong văn kiện của thượng đỉnh NAM từ năm 1992 và thường xuyên được cập nhật dựa trên lập trường chung của các nước ASEAN. Chỉ có lần này ASEAN không đồng ý với đoạn về Biển Đông được ghi trong văn kiện của thượng đỉnh tại Venezuela, vì đoạn này bị xem là không phản ánh đúng diễn tiến tình hình Biển Đông hiện nay.

Ông Stanley Loh đã đòi Hoàn Cầu Thời Báo đính chính và đăng toàn bộ lá thư của ông. Nhưng tờ báo này sau đó đã không đính chính mà lại đăng một bài khác, trong đó tổng biên tập Hồ Tích Tiến ( Hu Xijin ) khẳng định bài báo đầu tiên được viết dựa trên một nguồn “đáng tin cậy” tại thượng đỉnh NAM và phóng viên báo này đã thực hiện những cuộc phỏng vấn “nghiêm chỉnh”. Không những thế, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo còn cáo buộc Singapore ủng hộ Philippines và Việt Nam về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và “gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc” vì để cho lực lượng Mỹ trú đóng.

Hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn tỏ vẻ đắc thắng đăng thêm bài thứ ba khẳng định là bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của đại sứ Singapore. Thực tế là hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc có nói rằng “một số quốc gia”, không được nêu tên cụ thể, đã đòi phải nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong văn kiện thượng đỉnh NAM.

Cuộc khẩu chiến giữa đại sứ Singpapore và tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho thấy hồ sơ Biển Đông đang gây nhiễu mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu đứng hàng thứ hai của Singapore và Singapore cũng là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm qua, Singapore đã tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đặc biệt qua việc cho phép triển khai máy bay do thám Poseidon của Mỹ tại nước này. Singapore cũng đang thăm dò khả năng đưa binh lính nước này sang đảo Guam của Mỹ để được huấn luyện.

Chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương Alex Neil, thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở Singapore, được tờ Financial Times trích dẫn hôm nay cho biết Bắc Kinh rất bực bội vì Singapore tuy nói sẽ không nghiêng về bên nào, nhưng lại tăng cường quan hệ với Mỹ.

Ông Alex Neil cũng lưu ý rằng những bài đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo thường thể hiện quan điểm của những thành phần bảo thủ nhất trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tháng 8 vừa qua, chính tổng biên tập Hồ Tích Tiến đã nói rằng những quan điểm của ông cũng là quan điểm của nhiều quan chức chính quyền Bắc Kinh. Ông Hồ Tích Tiến tuyên bố: “Họ không được tự do phát biểu, nhưng tôi thì có thể nói.” - RFI

***
Úc sẽ phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Câu hỏi này ngày càng được đặt ra trên lục địa. Vấn đề có thể gây ngạc nhiên, vì Úc lâu nay nằm trong số những đồng minh trung thành nhất, đã từng tham chiến cùng với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, cũng như hiện diện tại Afghanistan, Irak và Syria.

"Hoa Kỳ chắc chắn có những người bạn quan trọng hơn, giàu có hơn, nhưng tôi xin nói với ông là Hoa Kỳ chưa bao giờ có được một người bạn đáng tin cậy hơn Úc". Cựu thủ tướng Tony Abbott đã khẳng định như thế với tổng thống Barack Obama vào năm 2014.

Nhưng trọng lượng và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn tại Úc. Tiến sĩ Michael Fullilove của công ty tư vấn Lowy Institute tóm tắt: "Đối tác thương mại chính là Trung Quốc đã trở thành địch thủ đáng ngại nhất của đồng minh chủ chốt của chúng tôi là Hoa Kỳ". Trong một cuộc thăm dò, Lowy Institute đã đặt câu hỏi với người dân Úc : quốc gia nào quan trọng nhất đối với nước Úc ? Có 43% số người được hỏi trả lời là Hoa Kỳ, và 43% cho là Trung Quốc.

Úc, nước phát triển lệ thuộc Trung Quốc nhiều nhất

Cũng như những nước khác tại châu Á-Thái Bình Dương, không thể không làm ăn với Trung Quốc. Đối với hãng tin tài chính Bloomberg, Úc là nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất trong số những nước phát triển.

Một hiệp định tự do mậu dịch giữa hai nước đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015. Úc xuất khẩu sắt và than đá, các nhà nông bán sữa, rượu vang, thịt…Du học sinh từ Hoa lục làm đầy két tiền của các trường đại học Úc. Trong các lãnh vực như thương mại, đại học, người Hoa còn nhiều hơn người Úc. Tăng trưởng của lãnh vực du lịch phần lớn dựa vào các du khách Trung Quốc : năm 2015 là trên một triệu, tăng 22% so với năm trước. Ngoài ra, cộng đồng người Hoa trên đất Úc đang phình ra : trong tổng số 24 triệu dân Úc, khoảng 900.000 là người gốc Hoa, và hơn phân nửa sinh tại Trung Quốc.

Từ cuối tháng Tám, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên chính trường làm người Úc lo lắng. Dân Úc phát hiện ra sức nặng của tiền đóng góp Trung Quốc cho các đảng chính trị, và ý thức được quyền lực mềm của Bắc Kinh. Tập đoàn truyền thông ABC tiết lộ có những cá nhân và công ty có liên hệ với Trung Quốc đã chuyển trên 5,5 triệu đô la cho các nhân vật đảng Tự Do và Lao Động. Đại sứ Mỹ tại Úc, John Berry nói thẳng với nhật báo The Australian: "Chúng tôi ngạc nhiên trước tầm mức can dự của Bắc Kinh vào chính sách Úc", tỏ ý mong có được những cải cách để tự vệ "chống lại ảnh hưởng trái khoáy của các chính phủ không cùng chia sẻ những giá trị của chúng tôi".

Giao cảng Darwin cho Trung Quốc 99 năm

Đây không phải là lần đầu tiên những hành động của Trung Quốc tại Úc gây bực tức cho Washington. Cách đây chưa đầy một năm, cảng Darwin ở miền bắc Úc trở thành trung tâm mọi chú ý. Úc đã ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc quản lý cảng Darwin trong 99 năm, mà theo báo chí Úc, công ty này có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó hàng trăm quân nhân Mỹ đồn trú tại Darwin, quá cảnh qua cảng này. Theo một thỏa thuận ký năm 2011, số quân nhân Mỹ trú đóng tại đây trong năm 2017 sẽ là 2.500 người. Tổng thống Barack Obama nói với thủ tướng Úc: "Lần tới làm ơn báo trước cho chúng tôi!". Washington phát hiện ra hợp đồng này khi nó đã được ký xong, và báo New York Times đưa tin.

Từ đó đến nay, Canberra xem xét cẩn thận các dự án đầu tư Trung Quốc, tuy có nguy cơ làm phật lòng đối tác quý giá. Hồi tháng Tám, với lý do an ninh quốc gia, chính phủ Úc đã bác bỏ đề nghị khai thác mạng lưới điện ở New South Wales (thủ phủ là Sydney). Úc cũng đã phủ quyết việc Trung Quốc mua lại trang trại lớn nhất thế giới Kidman Station, trải rộng đến 2,5% diện tích đất nông nghiệp Úc. Bắc Kinh không che giấu sự bực tức.

Thận trọng hơn tại Biển Đông

Theo báo Le Monde, giao du với Bắc Kinh, chính phủ Úc đang đùa với lửa. Ảnh hưởng của Trung Quốc càng gây lo ngại hơn với yêu sách chủ quyền ngày càng lớn, như tại Biển Đông, vùng biển nơi 60% trao đổi thương mại Úc phải đi qua.

Washington đã gởi hạm đội đến vùng biển tranh chấp, nhân danh tự do hàng hải và cũng để gởi một thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh. Canberre không tham gia hoạt động tuần tra. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop biện bạch: "Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng, mà kêu gọi hòa dịu".

Nhưng Úc đầu tư mạnh vào quốc phòng : ngân sách sẽ tăng từ 32,4 tỉ đô la Úc (22 tỉ euro) hiện nay, lên 58,7 tỉ đô la Úc (gần 40 tỉ euro) năm 2026. Quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ nằm trong số những quan ngại hàng đầu. Theo Canberra, từ nay đến 20 năm tới, "phân nửa số tàu ngầm và chiến đấu cơ trên thế giới" được bố trí tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Úc sẽ tăng gấp đôi đội tàu ngầm, lên 12 chiếc, đây là chương trình quốc phòng quan trọng nhất lịch sử nước này. Tập đoàn đóng tàu Pháp DCNS đã giành được hợp đồng cung ứng hồi tháng Tư, qua mặt Nhật và Đức. Cuộc cạnh tranh được người Mỹ quan sát kỹ lưỡng, và chính đồng minh truyền thống này của Úc sẽ cung cấp các thiết bị chiến đấu. - RFI
|
|

2.
Tên lửa bắn MH17 'được chuyển đến từ Nga'

Nhóm các công tố viên quốc tế hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói trái hỏa tiễn bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia hồi năm 2014 "được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine".

Nhóm điều tra cũng thu hẹp khu vực máy bay bị bắn là thuộc vùng do phiến quân được Nga ủng hộ tại miền Đông Ukraine kiểm soát.

Báo cáo mới nhất được công bố loại trừ khả năng MH17 bị bắn từ một phi cơ như một số gợi ý ban đầu.

Chuyến bay MH17 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi trong lúc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly thân thân Nga dâng cao.

Toàn bộ 298 người trên khoang tử nạn khi chiếc phi cơ vỡ tung trên không trung.

Nga nói các kết luận điều tra "cực kỳ nặng tính chính trị" và các hỏa tiễn Buk của họ "không bao giờ bắn hạ" chiếc phi cơ.

"Dựa trên cuộc điều tra hình sự, chúng tôi đi đến kết luận là chuyến bay MH17 đã bị bắn rơi bởi một hỏa tiễn Buk thuộc series 9M83, được chuyển từ lãnh thổ Liên bang Nga tới," người đứng đầu nhóm điều tra của cảnh sát Hà Lan, Wilbert Paulissen nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm.

Giàn phóng hỏa tiễn sau đó đã được đưa trở lại Nga, ông nói.

Một cuộc điều tra do Cơ quan An toàn Hà Lan thực hiện hồi năm ngoái cũng kết luận rằng hỏa tiễn Buk do Nga sản xuất đã bắn trúng chiếc phi cơ, tuy nhiên không nói hỏa tiễn được phóng ra từ đâu.

Nhưng Nga bác bỏ kết luận trên và nói nó "cực kỳ nặng tính chính trị".

"Đây hẳn nhiên là một tuyên bố khiêu khích... không liên quan gì tới cuộc điều tra về thảm kịch cướp đi sinh mạng của chừng đó người," Leonid Stutsky, người đứng đầu ủy ba quốc hội Cộng đồng Các quốc gia Độc lập nói.

"Những kết luận này chỉ nhằm đạt một mục đích duy nhất - nhằm làm cách ly thêm nữa hình ảnh Nga trong chính trị toàn cầu," ông nói thêm.

Ai ra lệnh?

Các công tố khoanh vùng địa điểm phóng hỏa tiễn lại là ở một cánh đồng gần làng Pervomaiskyi, nơi do các phiến quân kiểm soát.

Họ xác định được danh tính của khoảng 100 người "liên quan tới vụ tai nạn hoặc việc vận chuyển hỏa tiễn Buk", nhưng vẫn chưa xác định ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cần phải xác định được ai là người ra lệnh đưa hỏa giàn phóng hỏa tiễn vào đông Ukraine, và lệnh phóng hỏa tiễn được đưa ra từ đâu, các nhà điều tra nói.

Nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu gồm các công tố viên từ Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine hợp tác tham gia.

Nhiều nhân chứng

Các công tố viên trong buổi họp báo đã cho chạy những đoạn băng ghi lén các cuộc gọi điện thoại.

Họ nói các nhân chức cho biết đã thấy giàn phóng hỏa tiễn được chuyển từ Nga vào Ukraine, và đã trình các hình ảnh, video.

Địa điểm phóng hỏa tiễn cũng được "nhiều nhân chứng" xác định, các công tố viên nói.

Thân nhân những người thiệt mạng trong chuyến MH17 đã được nghe trình bày trước khi nhóm điều tra công bố các kết quả tìm kiếm sơ bộ.

Có ba nạn nhân quốc tịch Hà Lan gốc Việt tử nạn trong vụ MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine tháng 7/2014.

Bà Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1977 và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997), Đặng Quốc Huy (sinh 2001) bị tử nạn trên chuyến bay từ Hà Lan về qua Kuala Lumpur, Malaysia, để tới Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.

Tổng cộng có 298 người trên chiếc phi cơ, đa số mang quốc tịch Hà Lan, bị thiệt mạng.

Hồi tháng 5/2016, tin tức cho hay gia đình các nạn nhân của chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã kiện Nga và Tổng thống Vladimir Putin lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Các nước Phương Tây và Ukraine nói những người nổi dậy phải chịu trách nhiệm về vụ phi cơ Malaysia trúng hỏa tiễn, nhưng Nga buộc tội lực lượng Ukraine.

Việc khởi kiện của các gia đình nạn nhân dựa trên sự vi phạm về quyền sống của hành khách, theo trang News.com.au.

Cáo buộc này đòi 10 triệu đô-la Úc (7,2 triệu đô-la Mỹ) cho từng nạn nhân, vụ kiện đưa ra tên bị đơn là chính quyền và Tổng thống Nga. - BBC
|
|

3.
Lãnh đạo thế giới tiếc thương ông Peres

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã tỏ lòng tiếc thương cựu thủ tướng, tổng thống Israel Shimon Peres, người vừa qua đời, thọ 93 tuổi.

Trong số đó có đương kim và các cựu tổng thống Hoa Kỳ, người từng làm việc với chính khách cao tuổi người Israel.

Tổng thống Obama nhớ lại cuộc họp với ông tại Jerusalem khi ông còn là một thượng nghị sỹ trẻ tuổi, và gọi ông Peres là một "người bạn thân thiết".

"Có lẽ bởi ông ấy đã nhìn thấy Israel vượt lên trên những khó khăn, cho nên Shimon không bao giờ từ bỏ khả năng có hòa bình giữa Israel, Palestine và các nước láng giềng của Israel," ông viết.

"Một ánh sáng đã tắt, nhưng niềm hy vọng mà ông ấy trao cho chúng ta sẽ cháy mãi."

"Shimon Peres là một chiến binh chiến đấu cho Israel, cho người Do Thái, cho công lý, cho hòa bình, và cho niềm tin rằng chúng ta có thể thực sự là chính mình - cho tới thời khắc cuối cùng ta có mặt trên Trái Đất, và trong di sản chúng ta để lại cho mọi người."

Bill Clinton nói ông sẽ "không bao giờ quên sự vui mừng" của ông Peres hồi 1993, khi Hiệp ước Oslo được ký kết tại Nhà Trắng. Ông gọi ông Peres là một "thiên tài với trái tim bao dung".

"Trung Đông đã mất đi một người nhiệt huyết vì hòa bình, hòa giải, hướng tới tương lai nơi mà tất cả con cháu hậu duệ của Abraham cùng nhau xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn," ông nói.

"Hillary và tôi mất đi một người bạn thực sự quý báu."

Ông George Bush cha ca tụng "sự nhân hậu bẩm sinh, sự tử tế" của ông Peres. Con trai ông, George W Bush nói gia đình ông "sẽ nhớ Shimon Peres cùng sự duyên dáng, chỉn chu và lạc quan của ông".

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người vẫn tích cực hoạt động về các vấn đề Trung Đông, gọi ông là một "chính trị gia khổng lồ, một chính khách sẽ được đánh giá là một trong những người lỗi lạc nhất ở kỷ nguyên này cũng như ở bất kỳ kỷ nguyên nào khác, và là người mà tôi vô cùng yêu quý".

Trong một tuyên bố ban đầu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông và vợ, bà Sara "bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của cá nhân về sự ra đi của cựu tổng thống được yêu mến của đất nước".

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói "Israel đã mất đi một trong những chính khách lẫy lừng nhất, và nền hòa bình đã mất đi một trong những người che chở nồng nhiệt nhất".

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói "ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất, ông ấy vẫn lạc quan về viễn cảnh hòa giải và hòa bình".

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tỏ lời tiếc thương.

Giáo sỹ đứng đầu cộng đồng Do Thái giáo tại Anh, Ephraim Mirvis gọi ông Peres là một "người khổng lồ thực sự".

"Quả thực Shimon Peres là một chính khách vĩ đại. Ông là người cao quý nhất trong các chiến binh, nhà lãnh đạo bẩm sinh, một nhà ngoại giao tài năng, một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng mạnh mẽ và một nhà hoạt động không khi nào chùn bước."

"Nhưng quan trọng hơn cả, Shimon Peres là một tấm gương sống vĩ đại nhất về việc giữ niềm tin không suy suyển, theo đuổi hòa bình bất chấp mọi khó khăn."

Người đứng đầu các lực lượng quốc phòng Israel, Trung tướng Gadi Eisenkot nói ông Peres, người từng hai lần giữ chức bộ trưởng quốc phòng, "đã để lại dấu ấn và di sản trên mọi lĩnh vực trong đời sống Israel", đặc biệt là trong các lực lượng có vũ trang. - BBC
|
|

4.
Bé sơ sinh đầu tiên trên thế giới với DNA của một cha hai mẹ

Các nhà khoa học loan báo em bé đầu tiên trên thế giới với DNA của ba người đã ra đời.

Một phúc trình của Tạp chí New Scientist cho biết một bé trai đã ra đời cách đây 5 tháng ở Mexico. Cha mẹ em là người Jordan và em đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Bác sĩ John Zhang người Mỹ chuyên về hiếm muộn đến Mexico để đưa em bé chào đời vì kỹ thuật này vẫn còn bị cấm tại Mỹ.

Mẹ của em bé mang gen của một bệnh về hệ thống thần kinh gây chết người có tên là Leigh Syndrome. Bà đã truyền bệnh này cho hai đứa con trước đây đã chết ít lâu sau khi ra đời và thêm 4 lần hư thai nữa.

Bác sĩ Zhang cô lập được DNA gây bệnh từ nhân DNA của người mẹ, chích DNA khỏe mạnh của bà vào trứng của một người hiến tặng và làm cho trứng thụ tinh bằng tinh trùng của người cha.

Bác sĩ Zhnag dự trù trình bày về trường hợp này trong một hội nghị y khoa vào tháng tới tại Salt Lake City, Utah.

Các giới chức y tế liên bang cấm sử dụng phương pháp này tại Mỹ vì những thí nghiệm trước đây đưa đến kết quả là những em bé được sinh ra với những rối loạn về gen. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ chỉ trích nhau sau cuộc tranh luận --- Tranh luận Trump-Clinton: Phản ứng của giới đầu tư --- Giới phân tích: Bà Clinton giành phần thắng trong cuộc tranh luận

Còn sáu tuần nữa là đến ngày bầu cử, các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, Hillary Clinton và Donald Trump, hôm thứ Ba, 27/9, đều trở lại với chiến dịch vận động tranh cử và đưa ra nhận xét chỉ trích lẫn nhau liên quan đến cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của họ.

Nhiều nhà phân tích độc lập nói bà Clinton đã thắng trong cuộc tranh luận hôm thứ Hai và có thể nhận được thêm ủng hộ trong các cuộc thăm dò toàn quốc, theo đó bà dẫn trước vài phần trăm so với ông Trump.

Phát biểu với những người ủng hộ ở North Carolina, bà Clinton nói đối thủ của mình đã thiếu chi tiết trong cuộc tranh luận.

Bà nói: "Tôi đã có cơ hội để nói một số điều về những gì tôi muốn làm nếu tôi có may mắn được bầu làm tổng thống. Và quý vị biết đấy, tôi thực sự nghĩ rằng nếu tôi đề nghị quý vị bỏ phiếu, tôi phải cho quý vị biết tôi muốn làm gì".

Ông Trump nói sau cuộc tranh luận rằng ông đã thắng, và tại một cuộc mít tinh đêm thứ Ba ở Florida ông cho rằng lẽ ra ông có thể làm tốt hơn thế.

Ông nói: "Trong 90 phút, tôi theo dõi bà ấy cẩn thận và tôi cũng đã kiềm chế. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì để bà ấy mất mặt".

Hai ứng cử viên sẽ tranh luận hai lần nữa trước cuộc bỏ phiếu ngày 08 tháng 11, cuộc tranh luận tiếp theo là vào ngày 9 tháng 10. - VOA

***
Giới đầu tư trên toàn thế giới có lẽ theo dõi rất sát sao khi hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ, và Donald Trump của đảng Cộng hòa tranh luận về những hướng tiếp cận rất khác biệt về vấn đề kinh tế và nhiều vấn đề khác. Nhiều nhà đầu tư và các kinh tế gia nói tình trạng bất định về các chính sách tương lai sẽ định hướng nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong những rủi ro lớn nhất mà các thị trường chứng khoán phải đối mặt.

Mặc dù vậy, các thị trường chứng khoán toàn cầu không thay đổi đáng kể trong những giờ đầu tiên sau cuộc tranh luận. Tại châu Á, chỉ số Hằng Sinh của Hồng Kông tăng 1,1%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng hơn tám phần mười điểm của 1%. Tại châu Âu, trong khi chỉ số FTSE ở London giảm bảy phần mười của 1%, chỉ số DAX của Đức giảm gần 1,2%, và chỉ số CAC của Pháp giảm chín phần mười của 1%.
 
Trong phiên giao dịch sáng hôm nay trên các thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones sụt hai phần mười của 1%. Thị trường chứng khoán giao động trên dưới 1% là điều xảy ra thường xuyên trong vài năm qua.

Báo Politico viết rằng ông Trump đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ nhất trong cuộc tranh luận khi ông đổ lỗi cho cựu Ngoại trưởng Clinton về các vấn đề phát sinh từ các thoả thuận thương mại và đà hồi phục chậm chạp của nền kinh tế. Tuy nhiên, tờ báo nói ông Trump đã không đưa ra những chi tiết về cách làm cách nào để cải thiện tình hình.

Báo Wall Street Journal viết rằng các chuyên gia đầu tư đang theo dõi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc đua sẽ rất sít sao giữa ông Trump và bà Clinton, và khả năng ông Trump có thể giành chiến thắng bắt đầu được coi một cách nghiêm túc. Một số người đã bắt đầu tư vấn cho khách hàng về những sự lựa chọn để đầu tư dựa trên tác động có thể có của các chính sách của ông Trump. - VOA

***
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump quay trở lại vận động tranh cử hôm thứ Ba, một ngày sau cuộc tranh luận quyết liệt giữa họ mà đa số những nhà phân tích độc lập có chung nhận định rằng bà giành phần thắng và có thể giúp bà vượt lên trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc, sáu tuần trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8 tháng 11.

Những cuộc khảo sát chính trị trước cuộc tranh luận cho thấy hai ứng cử viên tranh đua sít sao. Bà Clinton, ứng cử viên Đảng Dân chủ, dẫn trước với cách biệt mong manh 2 điểm.

Nhưng nhà khoa học chính trị Alan Abramowitz của Đại học Emory ở thành phố Atlanta và nhà phân tích khảo sát ý kiến Nate Silver đều nói bà Clinton có thể giành thêm hai điểm nữa sau khi bà đẩy ông Trump vào thế thủ suốt phần lớn cuộc tranh luận, công kích ông về chuyện ông từ chối công bố hồ sơ khai thuế thu nhập ở Mỹ, về chuyện ông không thanh toán tiền cho một số nhà thầu mà ông thuê để xây dựng sân golf và sòng bạc, và về chuyện ông lâu nay chê bai nhiều người phụ nữ.

Ông Abramowitz gọi phần tranh luận của bà Clinton là "bình tĩnh, điềm nhiên" và nói rằng bà đã" có thể nói về nhiều vấn đề." Ông mô tả ông Trump là "khá khoa trương và hời hợt. Tôi nghĩ ông ấy gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề chủng tộc và giới tính."

John Sides, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, nói với VOA: "Cảm giác ban đầu của tôi là hầu hết những nhà báo và những nhà bình luận đều cho rằng bà Clinton vượt trội so với ông Trump. Vì có bằng chứng cho thấy bất kỳ sự đồng thuận nào của giới truyền thông đều có thể định hình cách nhìn nhận của cử tri đối với cuộc tranh luận, điều này gợi ý rằng bà Clinton có nhiều phần chắc sẽ hưởng lợi hơn ông Trump."

Trong những giờ sau cuộc tranh luận, ông Trump khoe một số cuộc khảo sát tức thì không có tính khoa học, được thực hiện với những người xem cuộc tranh luận, cho thấy ông là người giành phần thắng, ngoại trừ một cuộc khảo sát do CNN thực hiện cho thấy bà Clinton giành phần thắng.

Nhưng sáng ngày thứ Ba ông Trump đổ lỗi cho người điều khiển cuộc tranh luận, người dẫn chương trình tin tức của đài NBC Lester Holt. Ông Trump nói rằng ông Holt đã đặt những câu hỏi khó hơn cho ông so với bà Clinton, và đổ lỗi cho micro "tồi tệ" trên sân khấu tranh luận mà theo lời ông được chỉnh âm lượng thấp hơn so với micro của bà Clinton.

Bà Clinton, khi đến bang bầu cử hệ trọng North Carolina để dự một buổi vận động chính trị, chế giễu lời than phiền về micro của ông Trump.

"Người nào than phiền về micro là người đó đã không thể hiện tốt trong đêm đó," bà nói.

Nhưng ông Trump khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News rằng ông thể hiện tốt hơn bà Clinton và cho bà điểm C trừ, trong khi từ chối không tự chấm điểm cho mình về cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận được hàng chục mạng lưới truyền hình phát sóng trực tiếp với 81 triệu người xem, và thêm hàng triệu người xem trực tuyến.

Những cố vấn của ông Trump gợi ý rằng ông có thể bỏ qua cuộc tranh luận tiếp theo với bà Clinton diễn ra vào ngày 9 tháng 10 tại thành phố St. Louis của bang Missouri thuộc vùng trung tây, nhưng ông Trump cho biết ông định sẽ tham dự cả hai cuộc tranh luận còn lại.

Ông Trump cho biết ông có thể "tấn công mạnh hơn" vào lần tới hai người chạm trán.

"Tôi thực sự đã nương tay bởi vì tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của bất cứ ai," ông Trump nói. Ông nói lẽ ra ông đã "nêu lên nhiều vụ ngoại tình của Bill Clinton" nhưng đã không làm như vậy vì con gái của hai vợ chồng Clinton, Chelsea, có mặt trong hàng ghế cử tọa tại Đại học Hofstra, bên ngoài Thành phố New York.

Khi được hỏi về khả năng ông Trump có thể nhắc tới những vụ ngoại tình của chồng, bà Hillary Clinton nói với phóng viên: "Ông ta muốn vận động tranh cử kiểu gì là tùy ông ta." - VOA
|
|

6.
Vũ khí hạt nhân Mỹ cần nâng cấp

Phát biểu tại Căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico hôm thứ Ba, 27/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói với các binh sỹ rằng vũ khí hạt nhân là "nền tảng của an ninh Hoa Kỳ".

Nhưng tất cả các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ đang đến lúc cần phải được hiện đại hóa.

Bom hạt nhân mới B61-12 hiện đang được phát triển tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia trong Căn cứ Kirtland, nhưng phải đến năm 2020 những quả bom này mới sẵn sàng.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa đặt trên mặt đất (ICBM) Minuteman III được sản xuất trong những năm 1970 và hiện đang cần thay thế hoàn toàn.

Hệ thống ICBM sẽ được thay bằng Lực lượng Mặt đất Răn đe Chiến lược gọi tắt là GBSD, nhưng dự kiến phải đến cuối những năm 2020 mới được triển khai.

Thành phần có khả năng sống còn cao nhất của bộ ba vũ khí hạt nhân là tàu ngầm lớp Ohio. Loại tàu này đã được gia hạn hoạt động từ 30 năm đến 42 năm và sẽ bắt đầu sắp hết tuổi thọ trong thập kỷ tới.

Tại New Mexico, Bộ trưởng Carter nhắc lại sự cần thiết phải hiện đại hóa cả ba thành phần vũ khí hạt nhân và ông quy trách nhiệm về nhiều năm bị trì hoãn là do mối "bận tâm" đối với cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Theo ông Schneider, Chủ tịch tổ chức Các Dịch vụ Kế hoạch Quốc tế và từng là cựu Thứ trưởng Ngoại giao về Trợ giúp An ninh, Khoa học và Công nghệ, sự trì hoãn này làm cho chương trình hiện đại hạt nhân của Hoa Kỳ bị chậm 20 năm so với các chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc và Nga, 

Lực lượng hạt nhân của quân đội Mỹ dự kiến sẽ có 108 tỷ đôla để cải tổ trong 5 năm tới. Tuy nhiên, những tranh cãi về ngân sách tại Quốc hội vẫn tiếp tục đe dọa đến sự ổn định của các kế hoạch hiện đại hóa trong tương lai. - VOA
|
|

7.
Chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ đóng cửa một phần

Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba 27/9, không đạt được thoả thuận để thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn, và vì thế chính phủ có nguy cơ phải đóng cửa vào cuối tuần này. Đảng Dân chủ đã chặn dự luật sẽ gia hạn thẩm quyền chi tiêu cho chính phủ liên bang cho tới tháng 12. Thẩm quyền hiện nay sẽ hết hiệu lực vào nửa đêm thứ Sáu. Nếu Quốc hội không hành động trước thời điểm đó, các dịch vụ không thiết yếu của chính phủ sẽ bị đình chỉ.

Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hiện đang bất đồng về vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm ở Flint, Michigan đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các gia đình có thu nhập thấp. Dự luật của đảng Cộng hòa công bố hồi tuần trước đã không gộp vào gói viện trợ 220 triệu đôla cho Flint đã được Thượng viện thông qua trong một dự luật riêng rẽ hồi đầu tháng này.

Ông Mitch McConnell, người của đảng Cộng hòa, lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, nói:

"Chúng tôi đã giải quyết vấn đề Flint tại Thượng viện rồi và Hạ viện sẽ hành động với dự luật của họ về phát triển tài nguyên nước trong ngày hôm nay hoặc ngày mai. Điều mấu chốt là: Chúng tôi đi họp và Thượng viện cam kết sẽ đấu tranh bảo vệ cho quan điểm của Thượng viện, mà quan điểm này giải quyết vấn đề Flint."

Nhưng đảng Dân chủ ở cả hai viện trong Quốc hội cũng như tất cả các nhà lập pháp đại diện bang Michigan muốn có hành động nhanh hơn để giúp các gia đình ở Flint.

Thượng nghị sỹ Harry Reid, thuộc đảng Dân chủ, bang Nevada, nói:

"Tất cả chúng ta đều mệt mỏi với những lý do của đảng Cộng hòa. Hãy nhớ rằng: Chúng ta đã thấy gần như một việc được thực hiện, thế rồi họ đi nghỉ hè tới bảy tuần. Đây không phải là một vấn đề địa phương, như một số đảng viên Cộng hòa nói, và như lời của một thượng nghị sĩ của Louisiana, đó không phải là 'nỗi đau của người khác'. Mà đó là nỗi đau của chúng ta".

Đảng Dân chủ cũng lưu ý rằng dự luật chi tiêu không bao gồm ngân quỹ để giúp các cộng đồng ở Louisiana bị lũ lụt ảnh hưởng trong những tháng trước của năm nay. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Một cuộc ‘thanh trừng’ trong đảng ở Việt Nam?

Một loạt các tin tức tiêu cực về bí thư các cấp ở Việt Nam, cả trên báo chính thống lẫn mạng xã hội thời gian qua, “dẫn tới nhiều đồn đoán và bất an trong xã hội” về khả năng “mất kiểm soát” trong Đảng Cộng sản, các nhà quan sát cho biết.

Mới nhất, báo chí Việt Nam hôm 26/9 đưa tin rằng, một bí thư xã ở tỉnh miền trung Quảng Nam đã bị cách chức vì “quan hệ bất chính” và “ngoài luồng” với nữ cán bộ đoàn.

Một ngày trước đó, bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, được coi là trẻ nhất tỉnh Quảng Ngãi, phải đính chính qua tờ Tiền Phong rằng ông “không phải con ông cháu cha” như những lời đồn thổi.

Trước đó ít ngày, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa phải lên tiếng bác bỏ thông tin đồn đoán trên mạng xã hội về việc ông “có bồ nhí” và nói rằng đó là “một sự vu khống trắng trợn”.

Nếu tìm kiếm chữ “bí thư” trên trang Google xuất hiện 14 triệu kết quả tìm kiếm cả trên trang chính thống lẫn “lề trái” trong vài chục giây.

Trước các thông tin liên tục xuất hiện về những người đứng đầu đảng ở các cấp địa phương, giáo sư Tương Lai nói với VOA Việt Ngữ: “Đất nước đối diện với những vấn đề quá bất bình thường. Một trận địa tư tưởng bị rối loạn nó phản ánh một cái gì? Phản ánh rằng cái đảng này mất kiểm soát. Cái nước này mất kiểm soát. Và vì vậy nó gây nên một nỗi bất an trong dân rất rõ ràng”.

Nguyên cố vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu dẫn chứng về vụ nổ súng ở Yên Bái, làm bí thư và chủ tịch tỉnh này thiệt mạng.

Giáo sư Tương Lai nói thêm: “Nhưng mà, sau đó, không hề có một giải thích nhất quán, công khai minh bạch. Nếu như mà có một kết luận rõ ràng, thì sẽ khiến cho dư luận không bàn tán thêm tiếp rằng đây là nội bộ đảng thanh trừng lẫn nhau, và lần này, phải giở tới súng”.

Hồi giữa tháng này, Yên Bái đã bầu nữ bí thư tỉnh ủy đầu tiên lên thay ông Phạm Duy Cường, nạn nhân của vụ xả súng, trong khi chính quyền trong nước vẫn chưa thông tin thêm về vụ việc.

Nhà quan sát về tình hình chính sự ở Việt Nam này cũng nêu các vụ Formosa, ông Trịnh Xuân Thanh và vụ nhà máy thép Tôn Hoa Sen để làm dẫn chứng cho “trận địa tư tưởng bị rối loạn đó”. 

Ông Thanh hiện bị truy nã quốc tế sau khi bỏ trốn trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhất là vụ xe sang trị giá nhiều tỷ đồng.

'Lái' dư luận?

Anh Nguyễn Đình Hà, một người từng chạy đua vào Quốc hội Việt Nam trên danh nghĩa ứng viên độc lập, nói với VOA Việt Ngữ về các thông tin liên quan tới nhiều “bí thư” ở trong nước thời gian qua: “Chúng ta đã biết, nền báo chí Việt Nam chịu sự giám sát, quản lý rất là chặt của Ban Tuyên giáo các cấp cũng như là hệ thống kiểm duyệt rất là chặt chẽ. Tôi thấy rằng không thể nào có sự tự nhiên, bỗng nhiên có thông tin đó tuồn ra cho báo chí, và cũng không bỗng nhiên báo chí được đăng như thế".

Nhà hoạt động xã hội này nói tiếp: "Tôi nghĩ rằng đó là sự ẩn ý nào đó, chiêu trò, cuộc đấu đá hay là liên quan tới động cơ chính trị nào đó đằng sau các bài viết này. Và nó có thể là một sự đấu đá ở bên trong nội bộ cơ quan của đảng”.

Anh Hà nói thêm rằng trong xã hội Việt Nam “hiện đang có rất nhiều câu chuyện nóng bỏng khác so với câu chuyện bí thư này, mà người ta muốn sử dụng các câu chuyện này để kéo dư luận sang hướng khác”.

Nhà hoạt động xã hội này lấy ví dụ về chuyện người dân Nghệ An “kéo vào Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa” trong khi theo anh, “báo chí chính thống đưa tin rất là ít”.

Khi được hỏi là liệu phải chăng xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới các bí thư cấp dưới nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới lần đầu tiên tham gia đảng ủy công an Việt Nam để theo lời một số nhà quan sát để “thị uy”, giáo sư Tương Lai nói rằng “cũng nhiều người phân tích như thế”.

Ông nói thêm: “Đấy là một nước cờ rất thấp, để tự minh chứng rằng tôi là tổng bí thư, nhưng nếu tôi không trực tiếp vào đảng ủy công an, thì tôi không thể nào điều hành được các anh, thì tôi phải nhảy vào”.

VOA Việt Ngữ không thể liên hệ phỏng vấn đại diện chính quyền Việt Nam để hỏi phản ứng về các ý kiến trái chiều trên mạng.

Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từng một số lần kêu gọi cảnh giác và xử lý các trang “xấu, độc” trên Internet. - VOA
|
|

9.
Triển vọng kinh tế Việt Nam gặp thách thức do nông nghiệp tụt hậu

Sự tụt hậu của ngành nông nghiệp đang làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và có thể mất sự cạnh tranh với nước láng giềng Campuchia.

Theo báo cáo Cập Nhật Triển Vọng Phát Triển Kinh Tế Việt Nam năm 2016 và 2017 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra hôm 27/9, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra. ADB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,0% cho năm nay và 6,3% cho năm sau do sự sụt giảm của ngành nông nghiệp và khai khoáng.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 là 6,7%. Tuy nhiên theo dự báo của ABD và các tổ chức giám sát kinh tế khác, Việt Nam khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng cho cả năm nay.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu về sản xuất cà phê robusta, do đó sản lượng nông nghiệp sụt giảm của Việt Nam đã kéo tăng trưởng GDP xuống thấp.

Theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, Việt Nam trên thực tế rất thiếu các thương hiệu nổi tiếng về nông sản, kể cả đối với mặt hàng thế mạnh là gạo. Và theo ông, thương hiệu gạo Việt Nam đang kém xa Thái Lan và đang tụt hạng so với Campuchia do chạy theo số lượng.

Ông Xuân nói: "Campuchia không cần khối lượng chỉ cần chất lượng. Cũng như Thái Lan chỉ cần chất lượng. Trong khi Việt Nam chỉ chạy theo khối lượng. Nhà nước cũng muốn thay đổi nhưng không thể bằng chất lượng của gạo Thái Lan và Campuchia bởi không ai muốn trồng giống lúa năng xuất thấp."

Theo Việt Nam Net đưa tin, Việt Nam đang tụt hạng trong xuất khẩu gạo gần đây và mất các hợp đồng ở các thị trường truyền thống trong khi gạo Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao và gạo Campuchia thì ngày càng tiến lên khẳng định vị thế. Điều này đang phản ánh nỗi lo về sự tụt hậu trong nông nghiệp của Việt Nam.

Theo tiến sỹ Xuân, tình trạng hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng cùng tình trạng thực phẩm nhiễm độc trên khắp cả nước cũng đang ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng ông nói rằng sự quản lý yếu kém của chính phủ là nguyên nhân chính.

Ông Xuân cho biết thêm: "Do con người và do nhà nước chỉ đạo. Đó là thất bại. Ví dụ năm nay chịu thất bại rất lớn, lớn nhất trong mọi năm. Lỗi không phải của người dân mà là lỗi của nhà nước, do đầu óc của người lãnh đạo. Mình phải sử dụng và dựa vào thiên nhiên để sống chứ chống thiên nhiên thì mình sẽ bị thiệt hại rất nhiều."

Giáo sư Xuân nói ông hy vọng những sai lầm này sẽ chấm dứt dưới sự điều hành của chính phủ mới và chuyển sang một sự sản xuất lành mạnh hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố hôm 28/6, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng gần 16% trong cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay. Khu vực công nghiệp chiếm gần 33% và khu vực dịch vụ chiếm hơn 41%. - VOA
|
|

10.
TT Philippines mong hợp tác với Việt Nam về hànghải --- Tổng thống Philippines 'ca ngợi Hà Nội' --- Tại Hà Nội, Tổng thống Philippines tuyên bố chỉ tập trận lần cuối với Mỹ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 đã đến Việt Nam trong chuyến công du kéo dài hai ngày lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Sáu.

Trong bài phát biểu vào lúc khởi hành tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino, ông Duterte nói: "Tôi trông đợi được trao đổi quan điểm và tìm kiếm thêm cơ hội, cải thiện đáng kể hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta, bao gồm mối quan hệ đối tác mạnh hơn trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế, nông nghiệp, quốc phòng và hàng hải." 

The Inquirer cho biết đứng đầu chương trình nghị sự của ông Duterte là thúc đẩy hợp tác hàng hải và quốc phòng giữa hai nước.

Trang tin này dẫn lời ông Duterte nói: "Chúng tôi sẽ nỗ lực xác định những lĩnh vực tiềm năng của mối quan hệ đối tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và chấp pháp."

Theo The Inquirer, Bộ Ngoại giao Philippines trước đó cho biết ông Duterte có thể nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh hải với Việt Nam trong chuyến thăm này.

Ngoài ra, ông Duterte cũng nói rằng Philippines và Việt Nam sẽ "tìm cách để thăng tiến sự hợp tác" trong cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp.

Trang tin Southweast Asia Globe cho hay sau khi đến Hà Nội, ông Duterte dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du bằng cuộc tiếp xúc với những thành viên trong cộng đồng khoảng 3.800 người Philippines đang sinh sống tại Việt Nam.

Chuyến công du của ông cũng sẽ bao gồm buổi tiếp đón chính thức tại Phủ Chủ tịch và lễ đặt vòng hoa tại Tượng đài Anh hùng Liệt sĩ Quốc gia và tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. - VOA

***
Hôm 28/9, trang chính thức của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trên Facebook đăng tải một bài viết về Hà Nội trước lúc ông khởi hành đi Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức dài hai ngày, Tổng thống Duterte dự kiến hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường hợp tác hàng hải, thực thi pháp luật và quốc phòng.

Ngoài ra, ông Duterte dự kiến cũng gặp gỡ cộng đồng người Philippines tại Việt Nam trong ngày đầu tiên của chuyến thăm.

Bài trên fanpage của ông có tựa đề ‘Hà Nội - Đông, Tây hội ngộ’, viết:

“Việc đi bộ trên đường phố Hà Nội, lắng nghe tiếng xe ô tô và xe máy là khám phá thú vị và tuyệt vời với những du khách đến đây lần đầu."

Các thành viên trong đoàn truyền thông của Tổng thống Duterte có trải nghiệm này khi họ đặt chân đến Hà Nội ngày 27/9.

'Tao nhã'

Bài viết ca ngợi: "Hà Nội, thủ đô Việt Nam, là nơi Đông Tây hội ngộ."

"Có thể cảm nhận văn hóa Trung Hoa rõ nét ở thành phố này với sự hiện diện của nhiều đền, chùa và những biểu tượng như rồng, rùa, và hoa sen. Người Pháp cũng để lại dấu ấn tại Việt Nam với kiến trúc thuộc địa, đem lại cho Hà Nội sự tao nhã và quyến rũ rất riêng."

Họ cho biết đoàn truyền thông của tổng thống đã dừng chân ở Nhà hát lớn Hà Nội, di sản của thời thuộc địa Pháp.

Các thành viên tiếp tục đi đến hồ Hoàn Kiếm, ghi nhận truyền thuyết "thần Kim Quy hiện ra trước vua đang đi thuyền trên hồ và trao kiếm thần giúp vua chống giặc Tàu".

Họ tiếp tục "khám phá các đường phố và con ngõ của Hà Nội, nơi du khách có thể mua sắm quà lưu niệm.

Bài viết chỉ ra tên các con đường trong khu phố cổ Hà Nội thường bắt đầu với chữ 'Hàng’, nghĩa là ‘cửa hàng’ trong tiếng Việt.

Tại các con phố này, bạn có thể mua từ quần áo may sẵn đến đồ thủ công mỹ nghệ địa phương với giá tốt, chỉ cần mặc cả - mà người bán hàng nói là "mua rẻ”.

Đây cũng là một trong những yếu tố khiến Việt Nam là một điểm đến yêu thích với nhiều du khách Philippines, bài này kết luận.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chiều 28/9 đã đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến 29/9. - BBC

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chiều nay 28/09/2016 đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam kéo dài hai ngày. Buổi tối cùng ngày tại Hà Nội, ông Duterte tuyên bố cuộc tập trận chung sắp tới với Mỹ sẽ là "cuối cùng" trong nhiệm kỳ của mình, và ông không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Trang rappler.com cho biết trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Philippines tại khách sạn Intercontinental ở Hà Nội tối nay, tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố: "Chúng ta đã lên lịch tập trận chung với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc không muốn điều này. Tôi muốn nói với quý vị đây sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng với Mỹ".

Theo hãng tin Reuters, ông Duterte khẳng định vẫn tôn trọng hiệp ước quân sự với Washington hiện nay, nhưng sẽ không tiếp tục tuần tra trên biển với Hoa Kỳ. Ông nói rằng ý niệm về xung đột giữa Philippines và Trung Quốc "chỉ là tưởng tượng".

ABS-CBN cho biết thêm, ông Duterte nhắc lại kế hoạch mở rộng quan hệ liên minh với Trung Quốc và Nga, và sẽ thăm hai nước này trong năm nay.

Bàn về hợp tác trên biển với Việt Nam

Chiếc phi cơ Philippines Airlines chở ông Duterte và phái đoàn hạ cánh xuống phi trường quốc tế Nội Bài vào lúc 3 giờ 48 phút. Tổng thống Duterte mặc trang phục truyền thống Philippines bước xuống thảm đỏ, bắt tay các quan chức ngoại giao Việt Nam.

Tháp tùng tổng thống Duterte có ngoại trưởng Perfecto Yasay, các bộ trưởng Tư pháp, Thương mại và Công nghiệp, Lương thực, cố vấn an ninh quốc gia, hai thượng nghị sĩ Francis Escudero và Alan Peter Cayetano, trong đó ông Escudero là nghị sĩ đối lập.

Điểm nhấn của chuyến viếng thăm là các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam vào ngày mai. Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ hội đàm với chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong chuyến công du đầu tiên này, ông Duterte sẽ bàn bạc với Việt Nam về tăng cường hợp tác trên biển, tìm cách ngăn chận tình trạng ma túy lan tràn trong khu vực. Ông cho biết mong muốn làm mới lại quan hệ giữa Philippines và Việt Nam, khai thác các cơ hội hợp tác khác trong những lãnh vực như nông nghiệp và quốc phòng.

Tổng thống Philippines cũng sẽ nêu ra vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và Việt Nam trong chuyến viếng thăm này. Trước đó chuyến đi Bắc Kinh của cựu tổng thống Fidel Ramos đã được hoãn lại.

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ 40 năm qua và trở thành đối tác chiến lược kể từ năm 2015, thương mại song phương giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 3 tỉ đô la trong năm 2015, và trong nửa đầu năm nay đã tăng trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nông sản và thực phẩm sang Philippines như gạo, cà phê, tiêu, bánh kẹo, vật liệu xây dựng, và nhập khẩu máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, phân bón. Khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Philippines, và hàng trăm giảng viên Philippines đang làm việc tại Việt Nam. - RFI
|
|

11.
Mỹ lo ngại về án tù đối với các blogger, nhà hoạt động Việt Nam

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai bày tỏ lo ngại về hai phán quyết của tòa án Việt Nam kết án tù một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền sử dụng đất và y án tù đối với hai blogger chính trị.

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói:

"Việc nhà chức trách Việt Nam sử dụng những điều khoản hình sự để trừng phạt những người thực hành quyền tự do biểu đạt là điều đáng lo ngại." Ông nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ phóng thích ba người này cũng như những tù nhân lương tâm khác và cho phép tất cả người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của mình và tụ tập một cách ôn hòa mà không sợ bị trả đũa."

Hôm thứ Năm tuần trước, một tòa án cấp cao hơn đã giữ nguyên bản án 5 năm tù giam đối với ông Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, tức blogger Anh Ba Sàm, và bản án 3 năm tù giam đối với cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, 36 tuổi. Tòa án tái khẳng định họ đã lạm dụng quyền tự do của mình và gây tổn hại cho lợi ích của nhà nước.

Hai blogger này bị tuyên án vào tháng Ba và kể từ đó những tổ chức nhân quyền và tự do báo chí đã kêu gọi nhà chức trách trả tự do cho họ. 

Hôm 20 tháng 9, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa ở Hà Nội kết án bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam về cáo buộc gây rối trật tự công cộng. Đây là lần thứ hai nhà hoạt động vì quyền sử dụng đất này bị giam giữ về tội trạng tương tự.

Bà Thêu, 54 tuổi, bị kết tội tại một phiên tòa kéo dài nửa ngày, ba tháng sau khi bà bị bắt vì biểu tình bên ngoài cơ quan công quyền phản đối điều mà bà gọi là những vụ chiếm đất phi pháp. - VOA
|
|

12.
Việt Nam sẽ theo chân thế giới cấm bán rượu bia theo giờ

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á về sử dụng rượu bia (sau Thái Lan) và để kiểm soát tình trạng này chính phủ Việt Nam đang tìm cách ban hành luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Theo thống kê của bộ Y Tế, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh và đang ở mức báo động với mức tiêu thụ hơn 3,4 tỷ lít bia và khoảng 360 triệu lít rượu trong năm 2015. Thống kê của bộ Y Tế cho thấy tốc độ tiêu thụ bia của người Việt đã tăng hơn 200% trong 10 năm qua với gần 80% nam giới uống rượu bia và ¼ trong số này sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ có hại. Bia rượu là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam.

Theo truyền thông trong nước, thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo tại một hội nghị diễn ra ở Hà Nội hôm 26/9, rằng “nếu như không có biện pháp quyết liệt kiểm soát thì Việt Nam có thể sẽ đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia chứ không phải thứ 29 (trên thế giới) như hiện nay.”

Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng vụ pháp chế của bộ Y Tế, đã xác định điều này với VOA Việt Ngữ:

"Như vậy là một con số đáng phải suy nghĩ. Nếu không có các biện pháp kiểm soát vấn đề này thì tỷ lệ sẽ tăng lên bởi nguồn cung quá thoải mái. Có thể mua bán rượu bia ở bất cứ chỗ nào."

Tiến sỹ Quang nói bộ Y Tế sẽ đưa quy định cấm bán rượu bia theo giờ vào bộ luật này. Quy định này đã được bộ Y Tế xem xét nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về tính bất khả thi nếu được áp dụng. Theo đề xuất của bộ Y Tế, rượu bia sẽ bị cấm bán sau 22h hoặc 24h.

Nhưng theo ông Quang quy định này sẽ vẫn phải thực hiện vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã cho ra đời các quy định tương tự liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia. Ông Quang cho biết hiện đã có gần 70 quốc gia triển khai áp dụng hiệu quả quy định cấm bán rượu bia sau 20h hoặc 22h nhưng để ban hành luật ở Việt Nam sẽ không dễ dàng.

Ông Quang cho biết: "Cái đấy sẽ gây ra cuộc tranh luận về khía cạnh kinh tế, pháp luật và thực thi bởi các nhà hàng muốn bán càng nhiều bia rượu càng tốt và thói quen của người Việt là uống không chừng mực và uống nhiều. Và với bài học kinh nghiệm của gần 70 nước hiện nay đang thực hiện thành công thì chúng ta sẽ phải thực hiện thôi."

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới, cấm bán rượu bia vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày là một trong các biện pháp hiệu quả để hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Singapore là quốc gia gần đây nhất ban hành luật cấm bán rượu bia từ sau 22h tới 6 giờ sáng hôm sau vào đầu năm ngoái.

Dự thảo luật đang được gấp rút hoàn thiện để trình Bộ Tư Pháp thẩm định vào tháng 11 năm nay và sẽ được trình lên Chính Phủ và Quốc Hội xem xét và phê duyệt trong năm tới. Theo dự kiến, luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ được ban hành vào năm 2018. - VOA

No comments:

Post a Comment