Friday, September 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 23/9

Tin Thế Giới

1.
Hạ Viện Mỹ đả kích thái độ rụt rè của chính quyền Obama về Biển Đông --- Biển Đông: Mỹ cần áp dụng một loạt biện pháp mới chống Trung Quốc

Ngày 21/09/2016, tiểu ban Hải Lực (Seapower and Projection Forces) thuộc Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện Mỹ đã mở phiên điều trần về Biển Đông, và đã nghe tham luận của 3 chuyên gia tên tuổi. Không hẹn mà gặp, tất cả các ý kiến đều nêu bật thái độ bị cho là quá rụt rè của chính quyền Obama, với hệ quả là đã không ngăn cản được việc Bắc Kinh áp đặt được quyền kiểm soát thực tế trên khu vực Biển Đông.

Trong tuyên bố khai mạc buổi điều trần với chủ đề "Hải lực tại Biển Đông" (Seapower and Projection Forces in the South China Sea), dân biểu Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Hải Lực, chuyên trách các vấn đề liên quan đến Hải Quân Mỹ, đã không ngần ngại đánh giá rằng chiến lược xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama là một chủ trương đúng đắn. Vấn đề là những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ để thể hiện chiến lược đó không đủ để chống lại đà vươn lên về quân sự và thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc.

Dân biểu Forbes đã tỏ ý rất quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc lợi dụng thời cơ mấy tháng cuối trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Barack Obama để "thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, mở rộng việc bồi đắp bãi Scarborough, tăng tốc quân sự hóa các đảo nhân tạo (tại Trường Sa)… nhằm thách thức quyết tâm của Hoa Kỳ".

Trong tình hình đó, Mỹ cần phải có biện pháp mạnh để răn đe không cho Bắc Kinh tiến hành các việc đó, và theo ông Forbes, các ý kiến của giới chuyên gia rất cần thiết để có thể chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, trấn an các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực và duy trì một thế cân bằng quân sự ổn định trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Trong các tham luận của mình, các chuyên gia được mời góp ý – từ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College), và Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, cho đến bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, tất cả đều đã phê phán một số hành vi bị xem là quá rụt rè của chính quyền Obama trong việc chống lại những hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Các chuyên gia đã cho rằng các động thái như không dám gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là "phi pháp", hay là việc tuần tra nửa vời bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, đều phản tác dụng, không những không răn đe được Trung Quốc, mà thậm chí còn khuyến khích Bắc Kinh "khẳng định chủ quyền một cách phi pháp trên một số đảo trong vùng". - RFI

***
Nhân cuộc điều trần hôm 21/09/2016 tại Hạ Viện Mỹ, ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông đã phê phán các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điểm lý thú là các chuyên gia này đã đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.

Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là "quá đáng", mà không dám gọi thẳng đó là "phi pháp".

Đối với giáo sư Kraska, Hoa Kỳ cần phải làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ là "quá mức" mà là "bất hợp pháp". Do vậy ông Kraska đề nghị: "Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung Quốc".

Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, thì nhấn mạnh trên tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong thời gian qua. Đối với chuyên gia này, vì rụt rè, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc coi trọng.

Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

Thế nhưng theo chuyên gia này, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi cho rằng quá cứng trên vấn đề Biển Đông sẽ hại cho các hồ sơ khác cần sự hợp tác của Trung Quốc. Đối với bà Glaser Mỹ hoàn toàn "có thể làm cả hai việc cùng một lúc, và nhất thiết phải nói nói rất rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được."

Về phương diện quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức "qua lại vô hại" (innocent passage) mà Hải Quân Mỹ đã áp dụng trong ba chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa.

Đối với giáo sư luật Kraska, Hoa Kỳ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc, vì rõ ràng là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải chung các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Giáo sư Kraska đề nghị là Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, một mình hay với nước khác.

Đấy cũng là khuyến nghị của bà Glaser, muốn Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên hơn để phá vỡ chiến thuật ngăn chặn tàu Mỹ của Bắc Kinh.

Riêng tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, thì phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng Hải Quân và Hải Cảnh, Trung Quốc còn có một lực lượng thứ ba đang giúp Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông : Đó là lực lượng "dân quân biển". Đối với chuyên gia này, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Trong chiến lược toàn diện này có vấn đề pháp lý và giáo sư Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì các nước vẫn có thể kiện Trung Quốc ra các tổ chức quốc tế khác về các vi phạm mà Tòa Trọng Tài nêu bật.

Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử vụ Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc vi phạm các quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS), Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế có thể xử lý các vi phạm mã số bay, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội. - RFI
|
|

2.
Lãnh đạo Israel, Palestine tranh cãi tại Đại hội đồng LHQ

Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/9 rằng hành động tiếp tục mở rộng khu định cư của Israel ở Bờ Tây đang phá vỡ mọi hy vọng về một giải pháp hai nhà nước cho tranh chấp lâu nay giữa nhà nước Do Thái và nước Ả Rập láng giềng.

“Những gì chính phủ Israel đang làm trong việc theo đuổi các kế hoạch định cư bành trướng sẽ tiêu diệt bất cứ khả năng còn lại nào cho giải pháp hai nhà nước dọc theo đường biên giới 1967,” ông Abbas nói.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác tuyên bố của ông Abbas và nói: “Tôi đã sẵn sàng thương lượng mọi chi tiết, nhưng có một điều tôi sẽ không bao giờ thương lượng, đó chính là quyền có một và chỉ một nhà nước Do Thái mà thôi.”

Ông Netanyahu mời ông Abbas sang diễn thuyết trước Quốc hội Israel, và nói rằng, ngược lại, ông cũng muốn nói chuyện trực tiếp trước Hội đồng Lập pháp Palestine.

Người Palestine trước nay khước từ những đề nghị như thế của ông Netanyahu, nói rằng quan điểm cứng rắn của ông Netanyahu đối với những vấn đề cốt lõi sẽ làm cho đối thoại không khả dĩ.

Ông Netanyahu bác đề nghị ngưng hoàn toàn không xây dựng thêm các khu định cư Do Thái trên đất Ả Rập ở Bờ Tây. Ông cũng không chịu dùng biên giới của Israel trước cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1967 làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán, vì điều này có nghĩa là chia sẻ quyền kiểm soát Jerusalem với người Palestine cùng những điều chỉnh khác về lãnh thổ.

Thủ tướng Israel khẳng định không thể chấp nhận bất kỳ sự phân chia nào đối với Jerusalem và cũng khước từ tính tới chuyện di dời bất kỳ khu định cư Do Thái nào đang hiện hữu trong lãnh thổ Palestine.

Trong phát biểu tuần này trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cả Tổng thư ký Ban Ki-moon và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều nói rằng việc xây cất định cư của Israel là mối đe dọa cho một giải pháp hai nhà nước. - VOA
|
|

3.
Ấn Độ ký hợp đồng hơn 8 tỉ mua chiến đấu cơ Pháp

Nổi lên như một trong các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, Ấn Độ vừa ký một hợp đồng trị giá 8,7 tỉ đôla để mua 36 chiến đấu cơ phản lực của Pháp. Đây là một trong các thoả thuận quốc phòng lớn nhất trong mấy năm trở lại đây.

Các phản lực cơ Rafale sẽ hiện đại hoá không lực của quốc gia Nam Á này, giữa lúc Ấn Độ phải đối mặt với đối thủ Pakistan ở hướng Tây, và Trung Quốc ở hướng Bắc và Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và vị tương nhiệm Pháp, Jean Yves Le Drian, ký thoả thuận này hôm nay, thứ Sáu 23/9, ở New Delhi.

Ông Parrikar viết trên trang Twitter: “Máy bay chiến đấu Rafale sẽ cải thiện đáng kể các khả năng chiến đấu và phòng vệ của New Delhi.”

Chiếc Rafale đầu tiên sẽ được giao cho Ấn Độ vào năm 2019, và tất cả 36 chiếc trong hợp đồng sẽ được giao trong vòng 6 năm. 

Không quân Ấn Độ đang cấp thiết cần hiện đại hoá đội máy bay đã lỗi thời của mình gồm nhiều máy bay Mig-21 do Nga chế tạo.

Nêu bật việc các chiến đấu cơ của không lực Ấn Độ đã được sử dụng từ những năm 1970 và 1980 của thế kỷ trước, nhà phân tích quốc phòng Gulshan Luthra ở New Dehli nói:

“Hợp đồng với Pháp sẽ trao cho không quân Ấn Độ công nghệ hiện đại tiên tiến, và mặc dù con số máy bay chiến đấu không nhiều, nhưng chúng sẽ là mũi tên dẫn đầu.”

Thoả thuận với Pháp đã được thông qua sau nhiều thăng trầm. Trong khi New Delhi quyết định mua 126 máy bay chiến đấu Rafale hồi năm 2012, nhưng sau đó Ấn Độ đã giảm số máy bay chiến đấu đặt mua, xuống chỉ còn 36 chiếc, dường như vì giá cả các loại máy bay này quá cao.

Mặc dù các chiến đấu cơ Rafale sẽ giúp nâng cao khả năng chiến đấu của không lực Ấn Độ, lực lượng không quân Ấn sẽ vẫn không bắt kịp khả năng của Trung Quốc, theo nhà phân tích Luthra. 

Ông nhận định:

“Ấn Độ vẫn rất yếu so với Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đã tăng cường khả năng quân sự của họ lên rất cao. Chúng ta không có những khả năng tương tự.”

Các chuyên gia quốc phòng ước lượng Ấn Độ sẽ chi ra gần 100 tỉ đôla trong thập niên tới để mua các hệ thống vũ khí mới. - VOA
|
|

4.
Thủ tướng Nhật Bản thăm Cuba

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm Cuba hôm thứ Năm 22/9. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Cuba.

Thủ tướng Abe đã gặp Chủ tịch Raul Castro trong một chuyến thăm diễn ra sau khi đồng minh thân cận của Nhật Bản là Hoa Kỳ, tái lập quan hệ bang giao với đảo quốc cộng sản này vào năm ngoái.

Ông Abe nói với báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, là ông hy vọng chuyến viếng thăm của ông “sẽ mở ra một trang mới” trong các quan hệ giữa Tokyo và La Havana.

Bộ trưởng Thương mại Cuba và vị tương nhiệm Nhật Bản ngày hôm qua đã ký một thỏa thuận nhằm tái cấu trúc các món nợ mà Cuba còn thiếu của Nhật Bản. Ông Abe đề nghị xóa nợ trị giá từ 1,2 tỉ cho đến 1,6 tỉ đô la mà Cuba còn thiếu Nhật Bản, kể cả những món tiền chưa thanh toán cộng với tiền lãi để mua các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản.

Ngày hôm qua Thủ tướng Nhật Bản cũng gặp người anh ông Raul Castro, là cựu Chủ tịch nước Cuba Fidel Castro. Tin cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông Abe dự kiến sẽ mở một cuộc họp báo hôm nay trước khi rời khỏi đảo quốc vùng biển Caribê.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn hàng thứ hai của Cuba trong thời gian từ năm 1970 đến năm 1985, tuy nhiên mối quan hệ này sa sút sau khi kinh tế Cuba bị tác động mạnh vì sự tan rã của Liên bang Sô viết, đồng minh chính của Cuba, vào đầu những năm 1990. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước trong năm 2014 là khoảng 35 triệu đô la. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Tổng thống Obama sẽ phủ quyết luật về ngày 11 tháng 9

Ngày 23/9, Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết luật được quốc hội thông qua cho phép những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 người thiệt mạng trong những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, kiện chính phủ Ả Rập Xê Út để đòi bồi thường thiệt hại.

Tổng thống Obama nói luật này sẽ làm cho người Mỹ ở nước ngoài có nguy cơ bị kiện tụng.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói: “Chúng tôi tin rằng đây là một đạo luật xấu.”

Quốc hội dự kiến sẽ bác bỏ phủ quyết của tổng thống nếu hội đủ 2 phần 3 số phiếu của các nhà lập pháp.

Chính phủ Riyadh đã bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có bất cứ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất từng xảy ra ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong số 19 kẻ không tặc lái 4 máy bay phản lực dân dụng để thực hiện cuộc tấn công vào New York và Washington, 15 người là người Ả Rập Xê Út.

Thông tấn xã Pháp cho biết đã thấy một bức thư gửi cho các nhà lập pháp Mỹ của một số cố vấn an ninh cao cấp, trong đó có cựu bộ trưởng quốc phòng William Cohen, cựu giám đốc CIA Michael Morell và ông Stephen Hadley, cố vấn an ninh của Tổng thống George W.Bush cảnh báo rằng luật này sẽ làm tổn thương các quyền lợi của nước Mỹ.

Bức thư viết: “Những lợi ích an ninh của chúng ta, khả năng chống khủng bố của chúng ta, và vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới sẽ bị phương hại nghiêm trọng.”

Những người sống sót và gia đình nạn nhân của những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 đã vận động cho đạo luật này. - VOA
|
|

6.
Ba đêm biểu tình liên tiếp ở Charlotte phản đối cảnh sát giết người da đen --- Chính khách Mỹ kêu gọi đối thoại, hoà giải giữa cảnh sát và cộng đồng

Các cuộc biểu tình tại Charlotte, bang North Carolina ở miền đông nước Mỹ để phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen đã bước sang đêm thứ ba, về phần lớn diễn ra trong ôn hòa.

Bất chấp lệnh giới nghiêm từ nửa đêm, hàng trăm người biểu tình tham gia cuộc tuần hành cho tới sáng sớm hôm 23/9 trong bối cảnh không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra.

Chính quyền cho biết họ không có kế hoạch để thực thi lệnh giới nghiêm chừng nào mà cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong ôn hòa.

Video truyền hình cho thấy một số người biểu tình bắt tay với vệ binh quốc gia tươi cười vào sáng sớm hôm 23/9, giữa lúc trời còn mờ tối.

Tối ngày 22/9, một đám đông biểu tình tuần hành qua trung tâm Charlotte-thành phố lớn nhất của North Carolina. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay tại một địa điểm, nhưng biện pháp này hiếm khi được dùng.

Cảnh sát trang phục chống bạo động được phân tán trên toàn thành phố.

Thống đốc Pat McCrory, cựu thị trưởng Charlotte, trước đó đã công bố tình trạng khẩn cấp và cảnh báo cảnh sát sẽ bắt giữ những người vi phạm luật pháp. Ông nói: “Chúng tôi không thể dung thứ bất cứ hình thức bạo động ... hay phá hoại tài sản nào.”

Người dân khắp tiểu bang North Carolina đổ về Charlotte để tham dự các cuộc biểu tình.

Nhiều lãnh tụ tôn giáo cũng có mặt, họ kêu gọi tất cả những người hiện diện hãy bình tĩnh và ôn hòa. Tuy nhiên một số người biểu tình khác tranh cãi với các nhà lãnh đạo tôn giáo, nói rằng họ không thấu hiểu những nỗi thống khổ mà cư dân Charlotte phải chịu đựng và vì thế họ khó có thể bình tĩnh. Một thanh niên đi biểu tình bị bắn một ngày trước đã qua đời. Anh Justin Carr 26 tuổi bị trúng đạn bên ngoài một khách sạn trong khu vực xảy ra bất ổn. Cảnh sát nói không phải họ đã bắn phát súng giết chết nạn nhân.

Vụ bắn chết Justin Carr hôm 21/9 hình như xảy ra sau khi những người biểu tình đụng độ với cảnh sát và biểu tình trở nên bạo động. Cảnh sát bắn hơi cay để giải tán đám đông, một số người biểu tình đập phá các cửa hàng và gây những đám cháy nhỏ trên đường phố.

Cái chết của anh Carr là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình trong tuần này sau khi cảnh sát bắn chết Keith Lamont Scott khi ông này bước ra khỏi xe hôm 20/9. Có hơn 30 người bị thương sau khi những cuộc biểu tình trở thành bạo động.

Cảnh sát từ chối công bố video về vụ nổ súng. Tuy nhiên hôm 22/9 họ chiếu những hình ảnh cho thân nhân gia đình ông Scott xem. Những người này nói là không rõ có vật gì trong tay của Scott khi cảnh sát bắn ông.

Cảnh sát trưởng Charlotte cũng nói là khó xác định được những gì xảy ra trong video của cảnh sát, vì camera được đặt ở trong xe của cảnh sát đậu cách xa nơi Scott và cảnh sát chặn xe. 

Luật sư Justin Bamber, đại diện cho gia đình ông Scott, tối hôm 22/9 nói với các phóng viên là gia đình muốn video được tức khắc công bố cho công chúng. Cảnh sát trưởng thành phố Kerr Putney trước đó tuyên bố sẽ không công bố video trừ phi ông tin là có “lý do thuyết phục” phải làm như vậy.

Chi nhánh North Carolina của Hiệp hội các quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cũng kêu gọi công bố ngay tức khắc bất cứ video nào liên hệ đến vụ nổ súng hôm 20/9.

Bộ Tư pháp Mỹ đang gởi một nhóm nhân viên hoà giải đã được huấn luyện đến Charlotte để giúp giải quyết vụ xung đột. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch kêu gọi công dân chọn con đường hòa giải. - VOA

***
Các nhà chính trị Mỹ đã có phản ứng thận trọng về vấn đề liên quan tới các cuộc biểu tình bạo động diễn ra tiếp theo sau những vụ cảnh sát nổ súng, giết chết thêm 2 người Mỹ gốc Phi nữa.

Thái độ thận trọng này đặc biệt đúng đối với các ứng cử viên Tổng thống vốn không muốn cử tri Mỹ gốc Phi xa lánh họ nếu họ về phe với cảnh sát, và cũng không muốn làm phật lòng những người khác nếu họ chỉ trích hành động của các nhân viên thi hành công lực. Thế cho nên an toàn nhất là bày tỏ những lời chia buồn với gia đình và bạn bè của những người đàn ông da đen mới bị bắn chết ở North Carolina và ở Tulsa, bang Oklahoma. 

Trên đường vận động ở bang Pennsylvania hôm thứ Năm, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump chỉ trích tội phạm và bạo động tại các thành phố Mỹ.

Ông Trump phát biểu:

“Hình ảnh đất nước chúng ta xấu đi trong mắt của thế giới, đặc biệt khi lẽ ra chúng ta phải đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Làm thế nào chúng ta có thể lãnh đạo thế giới khi chúng ta thậm chí không thể kiểm soát được những thành phố trên chính đất nước của mình?” 

Ông Trump quy lỗi cho các hoạt động buôn bán ma tuý bất hợp pháp về tình trạng này, và hứa sẽ vãn hồi luật pháp và trật tự trong nước.

Ông cam kết: “Chúng tôi sẽ bổ nhiệm các công tố viên, nhân viên điều tra, các nhân viên thi hành công lực tài giỏi nhất trong nước để đập tan các tập đoàn ma tuý quốc tế, các băng đảng và tổ chức tội phạm, và tôi sẽ chặn, không để ma tuý đổ vào đất nước chúng ta và đầu độc tuổi trẻ của chúng ta cũng như những thành phần khác.”

Đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ, đề cập tới các sự cố đó hôm thứ Tư tại thành phố Orlando, bang Florida. Bà gọi cái chết của thêm hai người da đen khác là “không thể chịu đựng được.” Tuy nhiên bà cũng ca ngợi năng lực làm việc và hiệu quả của cảnh sát chống lại các hoạt động khủng bố tại các thành phố New York, New Jersey và Minnesota hồi tuần trước.

Bà Hillary Clinton không đi vận động hôm qua, thứ Năm 22/9, nhưng người đứng phó trong liên danh của bà, là ứng viên Phó Tổng thống Tim Kaine, đã lên tiếng tại Reno, bang Nevada. Ông Kaine nói:

“Cần phải xây những chiếc cầu nối tốt hơn giữa các giới chức thi hành công lực và các cộng đồng mà họ phục vụ. Hillary và cá nhân tôi hiểu điều đó. Chúng tôi muốn đầu tư vào công tác huấn luyện sẽ củng cố các mối quan hệ đó.”

Toà Bạch Ốc hôm thứ Năm lên án các cuộc biểu tình bạo động ở bang North Carolina tiếp theo sau vụ nổ súng hôm thứ Ba. Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest phát biểu:

“Tổng thống chắc chắn không tin là có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho hành vi bạo động của một người nào đó trong bối cảnh các cuộc biểu tình. Nhưng đồng thời, ông cũng tin rằng các cuộc biểu tình sẽ mang lại nhiều kết quả hơn, và có tiềm năng gây ảnh hưởng lớn hơn nếu nó diễn ra trong ôn hoà.”

Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ các đại diện của giới thi hành công lực và các nhà hoạt động trong cộng đồng người da đen vào tháng Bảy vừa qua để lắng nghe các quan điểm của họ, và khuyến khích hai bên hãy mở đối thoại về công tác của cảnh sát phục vụ cộng đồng, và vấn đề cải cách hệ thống tư pháp. - VOA
|
|

7.
500 triệu tài khoản Yahoo bị tấn công

Các tin tặc máy tính có thể đã đánh cắp thông tin từ ít nhất 500 triệu tài khoản của người sử dụng trên Yahoo.com, theo loan báo của công ty hôm 22/9.

Yahoo cho biết cuộc điều tra của họ kết luận rằng sự xâm nhập này đến từ ‘những gì mà họ tin là một kẻ hành động có sự bảo trợ của nhà nước’ nằm bên ngoài Hoa Kỳ. Công ty cho biết ‘một số thông tin tài khoản người sử dụng đã bị đánh cắp’, nhưng không nói rõ chi tiết cũng không ước tính có bao nhiêu người sử dụng đã thực sự bị ảnh hưởng.

Yahoo nói các tin tặc có thể đã sao chép tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh và mật khẩu được mã hóa. Tuy nhiên, vẫn theo Yahoo, các mật khẩu không được bảo vệ, dữ liệu thẻ thanh toán và thông tin tài khoản ngân hàng dường như không bị xâm nhập.

Tháng trước, các trang web công nghệ Motherboard loan tin một hacker dùng tên ‘Peace’ tự nhận có trong tay thông tin tài khoản của 200 triệu người sử dụng Yahoo và muốn bán các dữ liệu này qua mạng internet.

Yahoo khuyến cáo tất cả người sử dụng nên thay đổi mật khẩu nếu chưa thay từ năm 2014 tới nay. Công ty này cho biết họ sẽ thông báo cho những người sử dụng có khả năng đã bị tấn công, đồng thời sẽ thực hiện các bước để đảm bảo tài khoản của khách hàng bằng cách vô hiệu hóa các câu hỏi và câu trả lời bảo mật đã mã hóa và yêu cầu người dùng thay đổi mật khẩu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Cựu Thủ tướng VN 'chỉ chia sẻ kinh nghiệm'

Truyền thông nhà nước ở Việt Nam hoặc cải chính hoặc rút bài trước đó đưa tin cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng làm 'giảng viên' cho lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, Diễn đàn của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đăng tin cho hay ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ không giảng dạy ở lớp cán bộ này của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh.

Trong bài báo có tựa đề "Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dạy lớp cán bộ TP.HCM", tờ báo điện tử này dẫn lời một quan chức Việt Nam, ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên, cho biết:

"Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch.

"Ông chỉ tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường", ông Ngân được dẫn lời nói.

Trước đó, Sài Gòn Giải Phóng online, có bài " Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM", trong đó nói:

"Sáng 19-9, Học viện Cán bộ TPHCM đã khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM (đối tượng 3) năm 2016."

"Các học viên tham dự khóa học là lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, một số cơ quan báo chí… được chia thành 4 lớp."

'Kinh nghiệm quản lý'

"Giảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có nhiều kinh nghiệm như: nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GS.TS Hoàng Chí Bảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua…," vẫn theo tờ báo là cơ quan truyền thông của Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bài báo với thông tin này hiện đã không còn tồn tại trên Sài Gòn Giải Phóng.

Bài báo trên Vietnamnet đưa thông tin tương tự cũng đã bị rút và hàng loạt các báo điện tử hoặc phiên bản báo điện tử khác có đưa tin trên cũng đã báo lỗi không thể truy cập được bài hoặc đường link bài vị thay thế, trong đó có báo Giao Thông.

Hiện chưa rõ nguyên nhân của việc vì sao các báo trên rút bài mà không có thông báo lý do tới bạn đọc.

Tuy nhiên, trên trang mạng của Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh vẫn lưu thông tin theo đó, trong mục 'Báo cáo viên' cho thấy nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tên trong danh sách tham gia.

Theo chương trình của trường, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bốn buổi "báo cáo" từ 11 đến 14/10 về "Kinh nghiệm trong quản lý nhà nước".

Còn theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, ông Dũng có trình độ học vấn "cử nhân Luật" và "lý luận chính trị cao cấp"; cựu Thủ tướng Việt Nam cũng được nhận bằng Tiến sỹ danh dự của một số đại học nước ngoài, trong đó có Thái Lan, theo truyền thông Việt Nam.

Hồi cuối tháng 7 năm nay, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.

Theo VOV, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

"Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh," trang VietnamNet viết hôm 30/07/2016. - BBC
|
|

9.
Việt-Mỹ thảo luận giảm thiểu khác biệt

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, ngày 22/9, gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Tony Blinken, tại New York. Phái đoàn do hai ông dẫn đầu đã bàn thảo về giảm thiểu khác biệt giữa hai nước cũng như nhiều vấn đề song phương và quốc tế khác.

Cùng tham gia cuộc gặp về phía Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russell và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Tom Malinowski. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.

Thông tin của đoàn Việt Nam cung cấp với báo chí cho hay ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh tại cuộc gặp rằng Việt Nam và Mỹ cần tiếp tục đối thoại ở các cấp, nhất là cấp cao, để thúc đẩy hợp tác, đồng thời giảm thiểu các khác biệt giữa hai nước “vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Vẫn theo thông tin từ đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken nhắc đến việc hai bên cần tiếp tục đối thoại và trao đổi các đoàn ở các cấp để xử lý các vấn đề khác biệt còn tồn tại. Ông cho rằng các hoạt động đó giúp thúc đẩy hợp tác thực chất và mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

VOA đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ để có thông tin cân bằng và sẽ cập nhật khi có trả lời của Bộ.

Việt-Mỹ lâu nay vẫn còn nhiều khác biệt quan điểm về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam và hai vấn đề này vài tháng gần đây lại nổi lên, dường như đưa quan hệ Mỹ-Việt vào một giai đoạn khó khăn.

Vài giờ trước khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một tòa án ở Hà Nội đã xử phúc thẩm và tuyên y án tù 5 năm và 3 năm lần lượt đối với hai blogger viết về chính trị là ông Nguyễn Hữu Vinh, còn được biết đến với biệt danh trên mạng là Anh Ba Sàm, và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trước đó ít ngày, một tòa án khác ở Hà Nội đã kết án 20 tháng tù đối với nhà đấu tranh vì đất đai Cấn Thị Thêu.

Hai nhà hoạt động khác là Nguyễn Hữu Thiên An và Nguyễn Hữu Quốc Duy bị Việt Nam tuyên án tù hồi cuối tháng 8.

Đầu tháng 9, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa chùa Liên Trì trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị dẫn đến việc hai dân biểu Mỹ kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).

Hồi tháng 5, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Hà Nội và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, nhà chức trách Việt Nam đã tạm giữ một số nhà hoạt động mà ông Obama dự kiến sẽ gặp.

Các vụ việc này làm nhiều nước và các tổ chức nhân quyền hết sức chú ý và quan ngại, cho dù cùng lúc Việt Nam vẫn tỏ ra đẩy mạnh quan kinh tế và ngoại giao với phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU.

VOA được biết ngoài việc bàn thảo các biện pháp giảm thiểu khác biệt, tại cuộc họp hôm 22/9, hai đoàn Việt-Mỹ cũng đã chia sẻ các đánh giá về tình hình chính trị, an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hai bên đã thảo luận về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý. Tuy nhiên, các quan chức trong đoàn không cho báo chí biết thêm thông tin cụ thể.

Trước cuộc gặp song phương, cũng ở New York, ông Phạm Bình Minh đã gặp gỡ với các đại diện của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ở các ngành nghề, trong đó có Intel, UBS, MasterCard, Medlife, Walmart và Cocacola.

Một cán bộ ngoại giao Việt Nam và đại diện của một doanh nghiệp lớn của Mỹ cho VOA biết thông điệp chính của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Phạm Bình Minh, là kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục làm ăn lâu dài, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, và tận dụng các cơ hội do Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mở ra.

Vị đại diện doanh nghiệp đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng tuy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa thuộc nhóm 5 nước đầu tư nhiều nhất, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn coi trọng thu hút đầu tư Mỹ vì các thế mạnh của Mỹ đặc biệt về công nghệ, về sự nghiêm túc trong quan hệ đối tác và tuân thủ luật lệ.

Nguồn tin này cho biết thêm chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao các doanh nghiệp Mỹ vì họ nằm trong số các doanh nghiệp nước ngoài đi đầu về hoạt động cộng đồng.

Vì các phẩm chất này, vẫn theo nguồn tin vừa kể, nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam sang Mỹ để thúc đẩy đầu tư cho Việt Nam và cuộc gặp hôm 22/9 cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục cam kết với Hà Nội về làm ăn và đầu tư ở Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, đến hết năm 2015, tổng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là hơn 11,3 tỷ đôla, đứng thứ 8 trong số các nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai nước đạt 41,3 tỷ đôla trong năm 2015. - VOA

No comments:

Post a Comment