Saturday, September 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 17/9

Tin Thế Giới

1.
Đức biểu tình chống hiệp định TTIP

Hàng chục ngàn người biểu tình ở hàng loạt thành phố trên toàn nước Đức chống lại một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương được đề xuất giữa EU và Mỹ.

Những người biểu tình nói rằng Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ hạ thấp tiêu chuẩn châu Âu về thực phẩm và bảo vệ môi trường, và có thể dẫn đến thuê nhân công ngoài và gây tổn thất tới việc làm.

Những người ủng hộ thỏa thuận này nói rằng hiệp định hứa hẹn sẽ giảm thuế quan và thúc đẩy tăng trưởng.

Những người biểu tình cũng phản đối một thỏa thuận tương tự với Canada.

Nhiều đám đông lớn mang cờ và biểu ngữ ở bảy thành phố ở Đức, trong đó có Berlin, Munich, Hamburg và Frankfurt, bất chấp thời tiết ẩm ướt và hơi lạnh.

"Chúng tôi muốn vứt bỏ TTIP và muốn rằng các tiêu chuẩn xã hội, môi trường của châu Âu phải được tôn trọng, duy trì và cải thiện", Peter Clausing ở Berlin cho biết.

Nhiều người biểu tình nói thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc người dân bị bóc lột bởi các doanh nghiệp trên cả hai bờ Đại Tây Dương.

"Các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ có quyền lực với người dân trên toàn thế giới", Tobias Kuhn nói. "Không thể chấp nhận. Mọi người cần biết rằng, chúng ta sẽ phản đối cho đến khi không còn cơ hội cho điều đó xảy ra nữa."

Đối mặt phản đối

EU và Mỹ đã bắt đầu đàm phán các thỏa thuận thương mại vào năm 2013, nhằm tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 850 triệu người tiêu dùng.

Một vòng đàm phán mới chuẩn bị bắt đầu vào tháng Mười, và Tổng thống Obama nói rằng ông muốn thỏa thuận này sẽ được ký kết trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng.

Một thỏa thuận thương mại tương tự nhưng nhỏ hơn giữa EU và Canada, gọi là Hiệp định Kinh tế, Thương mại toàn diện (CETA), dự kiến sẽ được ký kết trong tháng Mười.

Mục tiêu của hiệp định TTIP được đề xuất là loại bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại giữa Mỹ và EU.

Các nhà đàm phán đang làm việc nhằm hướng tới loại bỏ hầu hết thuế quan.

Nhưng các kế hoạch đã đối mặt với sự phản đối ở châu Âu từ người dân cũng như một số chính phủ.

Chính phủ Pháp đã phản đối mạnh mẽ thảo thuận, với Tổng thống Francois Hollande nghi ngờ khi nào thỏa thuận mới đạt được.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ TTIP, nhưng tháng trước Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel nói các cuộc đàm phán về TTIP đã "thất bại" không chính thức.

Ông Gabriel, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ủng hỗ thỏa thuận CETA với Canada, điều mà ông coi như một đối trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. - BBC
|
|

2.
Nhật Hoàng sẽ thăm Việt Nam lần đầu tiên vào đầu năm sau

Cơ quan chuyên trách sự vụ hoàng gia Nhật cho biết hôm 14/9 rằng nhận lời mời của Hà Nội, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ thăm Việt Nam lần đầu tiên vào mùa xuân năm tới.

Chương trình chuyến thăm vẫn đang được thu xếp song dự kiến sẽ có lễ đón và cuộc hội kiến với Chủ tịch Trần Đại Quang.

Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ ít nhất là từ thế kỷ 16. Một giai đoạn đáng buồn trong quan hệ hai nước là thời gian Nhật chiếm đóng quân sự ở Việt Nam hồi đầu những năm 1940 cho đến kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai vào năm 1945.

Việt Nam lâu nay thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, nước cung cấp nhiều viện trợ phát triển để giúp kinh tế tăng trưởng ở Việt Nam.

Ban lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập đầu năm nay cũng đã kêu gọi tăng cường quan hệ hơn nữa với Nhật Bản trên mọi lĩnh vực, không chỉ trong thương mại và quốc phòng.

Việt Nam và Nhật Bản cùng là hai trong số 12 thành viên của hiệp định thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương, TPP, dự kiến sẽ được phê duyệt trong thời gian tới. - VOA
|
|

3.
Venezuela đắm chìm trong khủng hoảng chào đón các lãnh đạo thế giới đến họp

Một đảo du lịch nghỉ mát của Venezuela, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và các cuộc biểu tình chống chính phủ, đang đón tiếp các nhà lãnh đạo của 120 quốc gia trong Phong trào không liên kết đến dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 trong hai ngày, hôm nay thứ Bảy 17/9 và ngày mai 18/9.

Đảo Margarita trước đó là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách. Cho đến trước tuần này, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, đường phố trên đảo nghỉ mát này đã đầy rác rưởi; thực phẩm và nước uống trở nên khan hiếm, và tội phạm nổi lên trong lúc du khách nước ngoài chỉ còn thấy lác đác.

Tổng thống Nicolas Maduro đã rót tiền vào đảo này để bảo đảm mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh. Nhưng các thủ lãnh đối lập đã chỉ trích ông Maduro rằng cuộc họp tiêu tốn hàng triệu đôla của người dân Venezuela.

Hãng thông tấn Presidential Press của Venezuela cho hay các đại biểu của Phong trào không liên kết, nhóm các nước vẫn đi tìm một quan hệ thích hợp kể sau Chiến tranh Lạnh, sẽ thảo luận các đề tài bao gồm hòa bình, phát triển kinh tế và giải trừ quân bị.

Bộ trưởng Dầu hỏa Venezuela, ông Eulogio del Pino phát biểu: “Chúng tôi hy vọng đạt được một thỏa thuận quan trọng với các nước khác rằng chúng tôi muốn có giá cả hợp lý cho sản phẩm hydrocarbon của chúng tôi.”

Venezuela, một thành viên khối OPEC, là nước có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới đã xác định được, vẫn mưu tìm sự ủng hộ cho kế hoạch vận động cắt giảm sản lượng dầu thô trên toàn cầu để nâng giá dầu lên.

Ông del Pino nói: “Chúng tôi không muốn giá dầu bị các nhà đầu cơ thao túng, như những gì đã diễn ra trong hai năm qua.”

Mặc dù có trữ lượng dầu hỏa dồi dào, Venezuela vẫn phải nhập khẩu dầu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và ngành dầu hỏa bất ổn ở nước này đã gây ra tình trạng hỗn loạn và khan hiếm thực phẩm.

Đảo Margarita cũng là nơi xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ.Hàng chục người đã bị bắt trong cuộc biểu tình mà người phản đối mang theo xoong chảo để gõ trong một chuyến thăm của Tổng thống Maduro đến đây.

Tin cho hay hơn 14.000 nhân viên cảnh sát và quân đội được triển khai trên đảo du lịch này để bảo vệ cho hội nghị thượng đỉnh. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump tuyên bố sẽ đảo ngược ‘các nhượng bộ’ với Cuba --- Trump đề xuất giải giáp vệ sĩ của bà Clinton --- Bà Clinton hứa ‘sẽ không bao giờ bỏ cuộc'

Ứng cử viên tổng thống Mỹ bên Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump nói rằng nếu thắng cử, ông sẽ đảo lại tất cả những điều ông gọi là Tổng thống Barack Obama đã “nhượng bộ” với Cuba để bình thường hóa quan hệ với đảo quốc này, trừ phi Cuba đáp ứng một số yêu cầu.

Phát biểu tại thành phố Miami, bang Florida, nơi có một cộng đồng rất lớn người gốc Cuba, ông Trump nói: “Trong những yêu cầu đó sẽ có tự do tôn giáo và chính trị cho người dân Cuba, và thả tù chính trị.”

Tỉ phú bất động sản này nói tiếp: “Chúng ta sẽ sát cánh với người dân Cuba trong cuộc đấu tranh chống áp bức của cộng sản. Chúng ta đứng về phía chính nghĩa. Họ là những con người vĩ đại. Thỏa thuận của Tổng thống Obama chỉ dành cho một bên của Cuba, chỉ có lợi cho chế độ Castro mà thôi,”

Trước đây, ông Trump đã bày tỏ ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Cuba, nhưng muốn có một thỏa thuận tốt hơn.

***
Ứng viên Donald Trump tiếp tục đối mặt với chỉ trích sau khi dường như nói bóng gió về việc ám sát đối thủ Hillary Clinton lần thứ hai.

Ông Trump đề nghị các vệ sĩ của bà Clinton nên thử buông súng và "xem những gì xảy ra với bà ấy".

Ông nói với những người ủng hộ rằng đối thủ của ông muốn "xóa sổ Tu chính án thứ hai của quý vị" trong lúc đề cập đến quyền sở hữu súng.

Nhóm vận động của bà Clinton cáo buộc ông Trump "kích động bạo lực".

Phát biểu tại cuộc vận động ở Miami hôm 16/9, ứng viên đảng Cộng hòa cho biết: "Các vệ sĩ hãy buông súng đi, bà ấy không muốn súng đạn mà. Rất nguy hiểm."

Robby Mook, phát ngôn viên của bà Clinton, nói: "Dù phát ngôn đó là để kích động người ta tại cuộc vận động hay chỉ là lời nói đùa thì cũng không thể chấp nhận được đối với một người muốn tìm kiếm vị trí Tổng Tư lệnh.”

"Phát ngôn này nên đặt ngoài giới hạn với một ứng viên tổng thống."

Bà Clinton kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu súng nhưng cũng nhấn mạnh bà ủng hộ Tu chính án thứ hai, trong lời phát biểu trước các nghị Đảng Dân chủ vào tháng 7/2016: "Tôi không ở đây để tước đi khẩu súng của quý vị".

Phát ngôn của ông Trump gợi lại bài phát biểu gây tranh cãi hồi tháng trước mà nhiều đảng viên Dân chủ lên án là lời kêu gọi ám sát bà Clinton.

'Tố cáo sai'

Phát biểu tại North Carolina, ông tuyên bố rằng bà Clinton muốn bãi bỏ Tu chính án thứ hai và nói thêm: "Nếu bà ấy bổ nhiệm các thẩm phán làm suy yếu quyền sở hữu súng thì quý vị sẽ không thể làm gì được.”

Nhóm vận động của Trump sau đó giải thích ông không có ý kích động bạo lực.

Bình luận mới nhất được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump buộc phải thừa nhận rằng Tổng thống Barack Obama được sinh ở Mỹ.

Nhưng ông Trump cũng tố cáo sai rằng nhóm của bà Hillary Clinton đã khởi xướng phong trào nghi vấn nơi sinh của ông Obama.

Tuyên bố ở Washington, ông Trump nói: “Tổng thống Barack Obama sinh tại Mỹ, chấm hết.”

“Hillary Clinton và nhóm tranh cử bà ta năm 2008 đã khởi xướng phong trào nghi vấn. Tôi chấm dứt nó.”

Không có bằng chứng bà Clinton liên quan phong trào này.

Trước đó, chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump thừa nhận trong một tuyên bố rằng Tổng thống Obama được sinh ra ở Mỹ.

Ứng viên Cộng hòa từng dẫn đầu trong phong trào "birther" - đặt nghi vấn về vấn đề quốc tịch của ông Obama, người chào đời tại Hawaii. - BBC

***
Ứng viên Hillary Clinton tuyên bố bà sẽ không bao giờ bỏ cuộc khi nối lại chiến dịch tranh cử sau ba ngày nghỉ ngơi do bị chẩn đoán viêm phổi.

Phát biểu tại cuộc vận động ở Greensboro, North Carolina, ứng viên đảng Dân chủ nói ra quãng thời gian nghỉ ngơi là một món quà, giúp bà ngẫm nghĩ về chiến dịch của mình.

Bà bước lên sân khấu trong giai điệu của ca khúc ‘I Feel Good’ và bài phát biểu về kinh tế.

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút, chỉ còn 54 ngày là đến hôm bầu cử.

Bà Clinton quay lại công việc một ngày sau khi bác sĩ cho biết bà "đủ khỏe mạnh để làm tổng thống".

Bà nói trước đám đông hôm 15/9: "Chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử, do vậy tôi ngồi ở nhà mà không yên."

"Người ta cáo buộc tôi đủ mọi thứ," bà nói thêm, "có thể quý vị đã thấy đó, nhưng không ai có thể buộc tội tôi về việc bỏ cuộc và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, cho dù gặp khó khăn đến mấy."

Tại cuộc họp báo sau đó, bà Clinton được hỏi về việc có chia sẻ chi tiết việc chẩn đoán viêm phổi với người cùng tranh cử, Tim Kaine.

Bà cân nhắc ngôn từ và đáp rằng "nhiều nhân viên cấp cao biết và thông tin đã được cung cấp cho một số người trong đảng".

Sau đó bà lên máy bay để dự tại một sự kiện ở Washington DC.

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang tập trung vào tình trạng sức khỏe và hồ sơ y tế của cả hai ứng viên trong những ngày gần đây.

'Khiêm tốn'

Anthony Zurcher, phóng viên BBC News, Washington phân tích: “Khi bà Hillary Clinton nối lại hoạt động tranh cử, người ta để ý xem bà ấy có thật sự khỏe mạnh và chất giọng vẫn mạnh mẽ như trước?

Ngoài chuyện giọng bà hơi khàn, bà Clinton cho thấy hình ảnh tương phản với khi được đỡ vào xe hôm 11/9. Nếu bà cứ tiếp tục chứng tỏ thế này, mối quan ngại về sức khỏe của bà sẽ không còn được lưu ý nữa.

Điều đáng chú ý khác là bà biểu thị sự khiêm tốn.

Bà thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng cho biết một trong những điểm mạnh của bản thân là không bao giờ bỏ cuộc.

Thoạt đầu, bà chuyển đề tài từ bệnh tật của mình sang cuộc đấu tranh của những người Mỹ không thể đủ khả năng được chăm sóc y tế đúng chất lượng.

Bà chỉ gọi Donald Trump là "đối thủ của tôi".

Chiến dịch của bà không ngừng công kích ông Trump trong những tháng qua, nhưng bà dường như hiểu rằng nếu chỉ làm thế thì không đủ để bà trở thành tổng thống”.

Hôm 15/9, ông Donald Trump công bố bức thư của bác sĩ chứng nhận ông có "thể lực tuyệt vời", dù thừa cân. - BBC
|
|

5.
Hàng chục ngàn người nhập quốc tịch Mỹ tuần này

Nhiều ngàn người sẽ được nhập quốc tịch Mỹ trong tuần này nhân đánh dấu Ngày Hiến pháp và Công dân Hoa Kỳ hôm nay, thứ Bảy 17/9.

Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho hay hơn 38.000 người trên cả nước sẽ trở thành công dân Mỹ tại 240 lễ nhập tịch được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 23 tháng này. Đây là đợt nhập tịch cho nhiều người nhất trong năm nay.

Các buổi lễ nhập tịch lớn hơn thường lệ đã bắt đầu diễn ra hôm thứ Sáu 16/9 nhân dịp Mỹ đánh dấu 100 năm thành lập Cục Công viên Quốc gia. Nhiều buổi lễ nhập tịch được tổ chức tại các công viên quốc gia.

Hàng trăm người làm lễ tuyên thệ trở thành công dân mới của Mỹ hôm thứ Sáu trên Đảo Ellis, bang New York và tại các Đài tưởng niệm Lincoln và Jefferson ở thủ đô Washington. Cuối buổi lễ, các thẩm phán liên bang hướng dẫn những người xin nhập tịch đọc lời Tuyên thệ Trung thành để chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Những người mong muốn trở thành công dân Mỹ phải trải qua một hành trình pháp lý và thủ tục hành chánh rất dài mà kết quả nhiều khi không có gì bảo đảm chắc chắn.

Người xin nhập tịch còn phải chứng minh kiến thức cơ bản của họ về lịch sử Mỹ và tổ chức và cơ cấu hoạt động của chính phủ và hiến pháp Hoa Kỳ, và phải đạt cuộc kiểm tra 100 câu hỏi về kiến thức công dân.

Thứ Bảy 17/9 (hôm nay) là Ngày Hiến pháp và Công dân Hoa Kỳ, đánh dấu 229 năm ngày ký Hiến pháp Hoa Kỳ tại Philadelphia năm 1787. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một nhà hoạt động

Trong một thông cáo đưa ra hôm nay, 17/09/2016, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ( HRW ) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai, sắp ra tòa vào đầu tuần tới.

Theo HRW, ngày 20/09 tới, một tòa án ở Hà Nội sẽ mở phiên tòa xử bà Cấn Thị Thêu về hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự, vì bà cùng với một số người khác đã tiến hành biểu tình ôn hòa ở Hà Nội ngày 10/06/2016 phản đối trưng thu đất đai. 
 
Trong bản thông cáo, ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW  nhấn mạnh : “Mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền trong việc trưng thu đất đai đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây”. Theo ông Adams, chính quyền nên "cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất".
 
Thông cáo của HRW cho biết bà Cấn Thị Thêu đã từng bị kết án 15 tháng tù giam vào tháng 09/2014, với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" vì bà đã chụp ảnh và quay phim quá trình cưỡng chế giải tỏa đất đai ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà  Nội. HRW nhắc lại rằng vào tháng 06/2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế. - BBC
|
|

7.
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa xuất hiện’ trên trang web của Interpol

Tên của cựu quan chức tỉnh Hậu Giang vẫn chưa nằm trong danh sách “những người bị truy nã” của tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), sau khi Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong danh sách nhiều nhân vật bị truy nã trên toàn cầu của Interpol hôm 17/9, chưa có ai tên là Trịnh Xuân Thanh. Một ngày trước đó, hôm 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Thanh hôm 16/9 bị “khởi tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”. 

Trong thông cáo trên trang web, Bộ Công an viết rằng “sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn”, Bộ này đã “truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế” đối với ông này.

Cùng ngày 16/9, theo báo chí trong nước, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã quyết định khai trừ Đảng đối với ông Thanh.

Các động thái này được thực hiện sau khi cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang hôm 13/9 vẫn chưa có mặt theo thời hạn chót mà chính quyền đặt ra.

Trong một diễn biến khác có liên quan, hôm 15/9, Việt Nam bắt giữ bốn người, trong đó có ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC.

Hiện có nhiều đồn đoán về việc ông Thanh đã ra khỏi Việt Nam, nhưng các quan chức trong nước chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận thông tin này.

Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.

Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. - VOA

No comments:

Post a Comment