Sunday, September 11, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 11/9

Tin Thế Giới

1.
Mỹ, Nhật cân nhắc trừng phạt thêm Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân --- Hàn Quốc sẵn sàng 'san phẳng Bình Nhưỡng' --- Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ công nhận là "cường quốc hạt nhân"

Hoa Kỳ đang cân nhắc bổ sung các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ năm và lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại Tokyo hôm Chủ nhật, 11/9, Đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên Sung Kim nói: "Bên cạnh hành động trong Hội đồng Bảo an, cả Mỹ và Nhật Bản" cùng với Hàn Quốc "sẽ xem xét các biện pháp đơn phương, cũng như song phương" và các biện pháp hợp tác ba bên. Ông không nói chi tiết là những gì những biện pháp đó có thể là gì.

Ông Kim đã phát biểu như trên sau cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, gọi hành vi của Bình Nhưỡng là "gây bất ổn".

Vài giờ sau đó, Bắc Triều Tiên gọi những nỗ lực bổ sung các biện pháp trừng phạt là điều "nực cười", và tuyên bố sẽ tăng cường chương trình hạt nhân của họ hơn nữa. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết Bình Nhưỡng sẽ đẩy mạnh lực lượng hạt nhân của họ "cả về chất lẫn về lượng". Bắc Triều Tiên tuyên bố họ cần có một chương trình vũ khí hạt nhân mạnh để bảo vệ họ không bị Hoa Kỳ xâm lược.

Có tin Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm các chất phóng xạ sau vụ thử hạt nhân. Yonhap đưa tin nhóm điều tra sẽ thu thập mẫu không khí và nước để kiểm tra xem có chất phóng xạ như xenon hay không.

Trong một cuộc họp hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói với các quan chức cao cấp của bộ rằng "Người ta tin rằng khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang ngày càng tiên tiến hơn, đạt mức độ đáng kể, và đang có tốc độ nhanh hơn". Vị ngoại trưởng kêu gọi "trừng phạt thêm nữa và mạnh hơn" sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối các vụ thử, nói rằng chúng "không có lợi cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên".

Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại nói với đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc rằng "Trung Quốc thúc giục Bắc Triều Tiên không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng, và quay trở lại càng sớm càng tốt với hướng đi đúng đắn về phi hạt nhân hóa". - VOA

***
Hàn Quốc nói nước này có kế hoạch tiêu diệt thủ đô của Bắc Hàn nếu miền Bắc cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một cuộc tấn công hạt nhân.

Một nguồn tin quân sự nói với hãng tin Yonhap từng phần của Bình Nhưỡng "sẽ bị phá hủy hoàn toàn bởi các hỏa tiễn đạn đạo và hỏa lực với sức nổ lớn".

Hãng Yonhap có quan hệ chặt chẽ với chính phủ của Hàn Quốc và nhận tài trợ công khai.

Hôm thứ Sáu, Bắc Hàn thực hiện những gì nước này nói là vụ thử hạt nhân lần thứ năm và cũng là lớn nhất.

Cộng đồng quốc tế đang cân nhắc phản ứng và chế tài trừng phạt.

Hoa Kỳ nói đang xem xét biện pháp trừng phạt riêng, ngoài những lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt.

Bình Nhưỡng đáp lại vào hôm Chủ Nhật bằng cách gọi các lời đe dọa về "lệnh trừng phạt là vô nghĩa... hết sức nực cười".

Giới chức quân sự Hàn Quốc nói với hãng Yonhap rằng các quận, huyện được cho là những nơi ẩn lánh của lãnh đạo Bắc Hàn ở Bình Nhưỡng sẽ được nhắm mục tiêu đặc biệt trong bất kỳ cuộc tấn công nào.

Thành phố này, vẫn theo nguồn tin trên, "sẽ được biến thành tro bụi và xóa khỏi bản đồ".

Phóng viên về Hàn Quốc của BBC, Steve Evans nói miền Nam đang sử dụng những ‘lời lẽ kinh hoàng’ mà miền Bắc vẫn thường xuyên sử dụng nhắm vào chính phủ Hàn Quốc ở Seoul.

Đã có những chỉ trích gia tăng bên trong Hàn Quốc cho rằng các nỗ lực của chính phủ nhằm cô lập miền Bắc đã thất bại trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hành động đơn phương

Tin tức về kế hoạch tấn công của Hàn Quốc đối với miền Bắc được cho là đã được tiết lộ với Quốc hội sau vụ thử hạt nhân hôm thứ Sáu.

Trong khi đó, đặc phái viên của Mỹ về Bắc Hàn nói Washington đang xem xét hành động đơn phương chống lại Bình Nhưỡng.

"Bắc Hàn tiếp tục chứng tỏ một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với khu vực, với các đồng minh của chúng tôi, bản thân chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tự vệ chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng đó," đặc phái viên Sung Kim nói.

"Ngoài việc xử phạt ở Hội đồng Bảo an, cả Mỹ và Nhật Bản, cùng với [Hàn Quốc], sẽ xem xét bất kỳ biện pháp đơn phương cũng như các biện pháp song phương hay hợp tác ba bên nào có thể."

Bắc Hàn bị Liên Hợp Quốc cấm thử nghiệm bất cứ công nghệ hạt nhân và hỏa tiễn nào.

Nước này cũng bị ảnh hưởng bởi năm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.

Miền Bắc nói cuộc thử nghiệm hôm thứ Sáu là một "đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa để có thể gắn trên các hỏa tiễn đạn đạo chiến lược".

Các ước tính về cường độ của vụ nổ mới nhất đã có thay đổi.

Giới quân sự của Hàn Quốc nói nó đạt được khoảng 10 kilotonnes, đủ để làm cho đây trở thành vụ "thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay" của miền Bắc.

Các chuyên gia khác lại nói các chỉ dấu ban đầu cho thấy cường độ của vụ nổ là 20 kilotonnes hoặc nhiều hơn.

Trái bom hạt nhân mà Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima vào năm 1945 có cường độ khoảng 15 kilotonnes. - BBC

***
Hai ngày sau vụ thử nghiệm nổ hạt nhân lần thứ năm, Bình Nhưỡng kêu gọi Washington công nhận Bắc Triều Tiên là "quốc gia có vũ khí hạt nhân" và cho biết là "sẽ tiếp tục phát triển lực lượng hạt nhân" để đối phó với Mỹ.

Bắc Triều Tiên không chờ nhiều thời gian để tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế và nhất là Hoa Kỳ sau khi thực hiện vụ nổ hạt nhân hôm thứ sáu 09/09.

Trong bản tin chủ nhật 11/09/2016, KCNA, hãng thông tấn chính thức của Bình Nhưỡng cho biết một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao yêu cầu Hoa Kỳ phải nhìn nhận "quy chế chiến lược" của Bắc Triều Tiên, một "quốc gia có vũ khí hạt nhân". Với giọng điệu khiêu khích cố hữu, viên chức này, một mặt khuyến cáo tổng thống Mỹ Barack Obama "đừng dại dột lấy tay che mặt trời", mặt khác khẳng định là Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo và trang bị vũ khí hạt nhân "càng ngày càng nhiều và tối tân hơn".

Theo Reuters, trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An bất lực vì lập trường của Nga và Trung Quốc không muốn trừng phạt thêm Bắc Triều Tiên, Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản không loại trừ giải pháp "đơn phương hành động".

Ông Sung Kim, nhà ngoại giao Mỹ gốc Hàn, đặc trách hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên cho biết Mỹ và Nhật Bản muốn cộng đồng quốc tế phải có hành động mạnh mẽ với Bắc Triều Tiên. 

Sau khi thảo luận với đồng nhiệm Nhật Bản Kenji Kanasugi tại Tokyo ngày hôm nay, ông Sung Kim tuyên bố với báo chí là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xem xét các biện pháp "đơn phương" để đối phó với chế độ Kim Jong Un. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ không nói cụ thể là biện pháp gì. - RFI
|
|

2.
Những người ủng hộ Brexit đòi thủ tướng đẩy nhanh việc Anh rời EU

Nền kinh tế của Vương quốc Anh dường như đã vận hành với kết quả tốt trong 78 ngày kể từ khi có cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, còn gọi là Brexit.

Giờ đây, những người đi đầu ủng hộ Brexit đang kêu gọi lớn tiếng hơn về việc rời khỏi EU ngay và luôn. Họ nêu ra thị trường chứng khoán sôi động và các số liệu tốt về việc làm và doanh số bán lẻ, lấy đó làm bằng chứng để cho rằng chính phủ không nên trì hoãn việc áp dụng Điều 50 trong hiệp ước, theo đó sẽ bắt đầu quá trình dài hai năm để Anh chính thức rời khỏi khối.

Trong số đó là một cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Iain Duncan Smith. Ông nói cần bắt đầu áp dụng Điều 50 trước Giáng sinh, mặc dù bà Theresa May, thủ tướng mới của Anh, đã nhiều lần nói khác hẳn.

Hôm Chủ nhật, những người ủng hộ Brexit hàng đầu đã thành lập một nhóm gây áp lực mới có tên là Thay đổi nước Anh, có mục đích góp phần "thực hiện kết quả trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh theo cách hiệu quả nhất".

Một số người ủng hộ Brexit muốn rút khỏi EU hoàn toàn; những người khác - cùng với nhiều người theo phái ủng hộ việc ở lại với EU - hy vọng là Anh có thể thương lượng một thỏa thuận giống như của Na Uy và vẫn là một thành viên của khối Thị trường Chung, được hưởng tự do thương mại với các nước thành viên EU.

Những người ủng hộ Brexit như ông Duncan Smith lo lắng rằng chừng nào Thủ tướng May còn trì hoãn quá trình rút ra, điều đó càng làm tăng khả năng về mối quan hệ gần gũi hơn với khối, trên mức ông mong muốn.

Trong các cuộc nói chuyện riêng với đài VOA, một số người ủng hộ Brexit hàng đầu trong chính phủ nói rằng họ lo ngại bà May và các đồng minh thân cận nhất sẽ định hình một thỏa thuận với EU theo đó Anh ở lại với Thị trường Chung, nhưng phải chấp nhận tự do đi lại, có nghĩa là Anh sẽ không thể áp đặt kiểm soát di cư đối với người châu Âu sống và làm việc ở Anh.

Giữ quyền tiếp cận khối Thị trường Chung cũng sẽ gần như chắc chắn kéo theo việc Anh tiếp tục đóng góp tài chính lớn cho ngân sách EU.

Trong cuộc trưng cầu, Bà May đã vận động để nước Anh ở lại trong EU. Hiện bà đang đi dây về mặt chính trị. Bà có nguy cơ gặp một cuộc nổi loạn bởi những người ủng hộ Brexit trong đảng của bà. Những người này muốn đảm bảo rằng Anh rút ra hoàn toàn khỏi EU. Họ sẽ chống đối nếu có dấu hiệu bà có những động thái ở hậu trường để định hình một thỏa thuận theo đó Anh gắn bó với EU.

Nhưng cùng lúc, bà đang chịu áp lực mạnh mẽ từ các đối tác phi EU của Anh muốn đàm phán một thỏa thuận theo đó Anh vẫn giữ quyền tiếp cận khối Thị trường Chung. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc tăng viện trợ cho Cam Bốt sau thượng đỉnh ASEAN

Trong buổi làm việc giữa thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane (Lào), Bắc Kinh đã hứa viện trợ thêm cho Phnom Penh thông qua một loạt dự án. Thông tin trên được ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng Văn phòng thủ tướng Hun Sen, công bố trước báo giới đêm 08/09/2016, tại sân bay quốc tế Phnom Penh.

Tờ Cambodia Daily, trích phát biểu của ông Kao Kim Hourrn, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc chấp nhận giúp đỡ dự án thủy lợi trên sông Vaiko, tiếp theo là các dự án trên tuyến đường quốc lộ 5".

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ giúp Cam Bốt trùng tu đền Preah Vihear và hứa tăng gấp đôi lượng gạo nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này, từ 100.000 tấn lên thành 200.000 tấn mỗi năm.

Ông Kao Kim Hourn từ chối công bố tổng số tiền mà Trung Quốc hứa để thực hiện các dự án đó.

Bắc Kinh hào phóng để được Cam Bốt ủng hộ

Sự hào phóng của Bắc Kinh đối với Phnom Penh tăng mạnh trong những năm gần đây. Giới phân tích khẳng định Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc khi ngăn khối ASEAN không ra được thông cáo chung về tranh chấp tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển.

Tháng 07/2016, Trung Quốc từng hứa tài trợ khoảng 600 triệu đô la cho Cam Bốt, chỉ vài ngày sau khi chính phủ của thủ tướng Hun Sen ngăn ASEAN ra một thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, có lợi cho Philippines.

Trong thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Lào, bộ trưởng Kao Kim Hourn tái khẳng định lập trường giống Trung Quốc của Cam Bốt. Đó là các tranh chấp cần được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan, chứ không phải là giữa Trung Quốc với ASEAN, điều có thể mang lại nhiều lợi thế cho các thành viên ASEAN có tranh chấp với Bắc Kinh. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bà Clinton cảm thấy không khỏe, đột ngột rời lễ kỷ niệm 11/9

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã cảm thấy không khỏe và đột ngột rời buổi lễ ở New York hôm Chủ nhật kỷ niệm 15 năm ngày xảy ra các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, nhưng ban vận động tranh cử của bà sau đó cho biết bà đã "cảm thấy khỏe hơn nhiều."

Ban vận động cho biết bà đã cảm thấy "quá nóng" tại sự kiện ở địa điểm Ground Zero nơi al-Qaeda hôm 11 tháng 9 năm 2001 đã lao hai máy bay phản lực vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, làm sụp đổ cả hai tòa nhà và giết chết gần 3.000 người.

Một phát ngôn viên của ban vận động cho biết bà đã tham dự buổi lễ trong 90 phút "để tưởng nhớ và chào hỏi một số các gia đình của những người đã mất". Nhưng khi bà cảm thấy quá nóng, các cận vệ thuộc Mật vụ của bà đã đưa ứng cử viên 68 tuổi và con gái bà là Chelsea về căn hộ của họ ở New York.

Một nhân chứng nói với Fox News rằng bà Clinton, từng là ngoại trưởng Hoa Kỳ, đi không vững ra khỏi hè đường khi bà rời buổi lễ 11/9, đầu gối của bà va vào nhau và có lúc bà bị tuột một chiếc giày khi bà được người khác giúp đi lên xe.

Đối thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa, cũng tham dự sự kiện này, nhưng cả hai ứng cử viên đều đã tạm ngừng các hoạt động vận động và các bài phát biểu của họ vào ngày kỷ niệm các cuộc tấn công được coi là tồi tệ nhất trên đất Mỹ kể từ vụ không kích của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ở giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông Trump, một ông trùm bất động sản đầu tiên tranh cử, và một số người ủng hộ ông đã tuyên bố rằng bà Clinton là không đủ khỏe mạnh, nhưng ban vân động của bà đã phủ nhận cáo buộc này. - VOA
|
|

5.
Mỹ kỷ niệm sự kiện 11 tháng 9

Hoa Kỳ kỷ niệm 15 năm ngày xảy ra các cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9, trong đó al-Qaeda đã cướp bốn máy bay và lao chúng vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Ngũ Giác Đài gần Washington, một chiếc trong số đó đã rơi ở vùng nông thôn Pennsylvania.

Tổng thống Barack Obama đã mặc niệm tại Tòa Bạch Ốc hôm Chủ nhật vào lúc 8h 46 phút sáng, khi chiếc đầu tiên trong số 4 chiếc máy bay bị cướp đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Sau đó, ông phát biểu tại một buổi lễ ở Ngũ Giác Đài, đại bản doanh của quân đội Mỹ, ông vinh danh những người thiệt mạng trong các cuộc tấn công.

Ông Obama nói: "Chúng ta ghi nhớ và chúng ta sẽ không bao giờ quên gần 3.000 sinh mạng của những người tốt đẹp đã bị cướp khỏi chúng ta một cách tàn nhẫn. Chúng tôi không biết được cuộc đời họ có thể sẽ ra sao, những ước mơ của họ có thể sẽ như thế nào".

Ông tuyên bố rằng những kẻ khủng bố "sẽ không bao giờ có thể đánh bại được một quốc gia lớn và mạnh như Mỹ". Ông ca ngợi dân số đa dạng của Mỹ gồm những người thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo là "một trong những thế mạnh lớn nhất của chúng ta".

Đây là lần cuối ông Obama kỷ niệm các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 với tư cách là tổng thống trước khi rời chức vụ vào tháng 1/2017. Ông phát biểu: "Đây là nước Mỹ đã bị tấn công vào buổi sáng tháng 9 đó. Đây là nước Mỹ mà chúng ta phải luôn trung thành".

Các nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới đã được tưởng nhớ ở New York, ở đó, các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đất nước trong cuộc bầu cử 2016, là bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump, của Đảng Cộng hòa, đã tưởng nhớ tại địa điểm các tòa nhà sụp đổ, gọi là Ground Zero. Họ cũng dừng các chiến dịch chính trị của họ trong ngày.

Như các lễ tưởng niệm ngày 11/9 trước đây ở New York, tên của 2.983 người thiệt mạng sẽ được người thân đọc lên chậm rãi trên nền nhạc. Khi hết ánh sáng ban ngày hôm Chủ nhật ở New York, sẽ có hai cột sáng lớn được chiếu lên trời thể hiện hai tòa nhà của Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị sụp đổ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Peace Corps của Mỹ sắp hiện diện tại Việt Nam

Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) của Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam. Với sứ mạng giảng dạy tiếng Anh, lớp trẻ sau thế hệ từng tham chiến tại Việt Nam sẽ tới đây để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị song phương.

Được thành lập hơn nửa thế kỷ nay, Tổ chức Peace Corps đã đưa hàng trăm ngàn tình nguyện viên Mỹ tới hơn 140 quốc gia để phát huy hòa bình-hữu nghị thế giới thông qua các mục tiêu: giúp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân các nước và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước. Tháng 9 này, những thiện nguyện của Peace Corps sẽ tới Myanmar và Việt Nam sẽ là đích đến thứ 142 của tổ chức trên toàn cầu.

Peace Corps là một chương trình tình nguyện do chính phủ điều hành. Công dân Mỹ tham gia chương trình thường sẽ lưu lại làm việc ở nước chủ nhà khoảng hai năm, nhưng có thể xin gia hạn thời gian phục vụ dài hơn.

Những tình nguyện viên Peace Corps sẽ nỗ lực phát triển các giải pháp bền vững để giải quyết những thách thức về giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, nông nghiệp, môi trường, và phát triển giới trẻ. Thông qua quá trình phụng sự, các tình nguyện viên sẽ rút tỉa được những hiểu biết độc đáo về văn hóa và sự dấn thân phục vụ sẽ đưa họ đến những thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay.

Trong cuộc phỏng vấn của chương trình VOA’s English Press Conference USA, Trà Mi đã trao đổi với Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, về các kế hoạch cho chương trình mới mang tính lịch sử tại Việt Nam.

Giám đốc Peace Corps: Thế giới của chúng ta liên kết qua lại chặt chẽ, phức tạp, và thay đổi nhanh chóng. Cho nên, hơn bao giờ hết, Peace Corps rất cần thiết để giúp xây dựng các giềng mối chặt chẽ của tình hữu nghị giữa Mỹ với thế giới. Để đạt được sứ mạng hòa bình và hữu nghị thế giới, chúng tôi có ba mục tiêu. Thứ nhất là mục tiêu phát triển, giúp cộng đồng phát triển những kỹ năng và sự thành thạo cần có để tăng trưởng. Mục tiêu thứ hai là cổ súy sự hiểu biết của người dân các nước mà chúng tôi đến phục vụ về người Mỹ. Mục tiêu thứ ba là mang thế giới bên ngoài về nước để giáo dục người Mỹ về các nước. Đây là hai mục tiêu văn hóa. Mỹ muốn duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế trong tương lai thì cần phải nỗ lực mạnh mẽ cùng với các nước đối tác. Trong thế giới toàn cầu ngày nay, chúng ta cần những người Mỹ có thể nói được những ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, hiểu được các nền văn hóa  khác nhau, và có thể phối hợp cùng làm việc để giải quyết những vấn đề phức tạp mà các nước trên toàn cầu đang đối mặt. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc xây dựng tính chuyên môn tại các nước chúng tôi đến để cùng nhau tạo nên một cộng đồng toàn cầu tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Trà Mi: Chương trình Peace Corps đầu tiên tại Việt Nam sắp ra đời, theo loan báo hồi tháng 5 trong chuyến công du của Tổng thống Obama. Xin giải thích một chút về thời điểm thành lập Peace Corps tại Việt Nam, tại sao là lúc này mà không là sớm hơn?

Giám đốc Peace Corps: Câu hỏi rất hay. Chúng tôi đã nhiều lúc muốn thành lập Peace Corps nhưng vì lịch sử hai nước, cho nên đã phải mất một thời gian dài. Chương trình Peace Corps thật sự dựa trên mối quan hệ tin cậy. Thời điểm này thật đúng lúc, nhất là được loan báo nhân chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam. Chúng tôi háo hức muốn phục vụ người dân Việt Nam và xây dựng mối quan hệ giữa hai nước thông qua chương trình giáo dục, dạy tiếng Anh.

Trà Mi: Bao lâu nữa thì chương trình chính thức có mặt tại Việt Nam?

Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi đã ký thỏa thuận giữa hai nước vào tháng 5. Peace Corps chỉ bước vào một nước khi được nước đó mời. Chúng tôi không tự ý tới. Chúng tôi luôn chờ thư mời của nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi đã có lá thư đó từ Việt Nam, chúng tôi đã ký thỏa thuận cụ thể hóa công việc sẽ làm, đó là giáo dục tiếng Anh. Còn nhiều chi tiết phải xác định rõ. Tôi dự định quay lại Việt Nam vào tháng 10 tới đây để thảo luận về các bước tiếp theo. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhanh nhất có thể, nhưng thật lòng mà nói, sẽ phải mất ít nhất 1 năm nữa. Chúng tôi cần thiết lập sự đồng thuận, thuê mướn nhân viên, xác định các trường học mà những thiện nguyện viên sẽ tới dạy cũng như những gia đình chủ nhà đón tiếp các thiện nguyện viên. Có rất nhiều thứ phải làm trước khi có thể mở một chương trình hoạt động. Cho nên phải mất thời gian ít nhất 1 năm.

Trà Mi: Và một khi được thành lập, chương trình này sẽ kéo dài trong bao lâu?

Giám đốc Peace Corps: Cho tới chừng nào chính phủ Việt Nam vẫn còn muốn các tình nguyện viên Peace Corps hiện diện ở đó. Không có thời hạn chót.

Trà Mi: Xin bà cho biết sẽ có bao nhiêu tình nguyện viên được phái sang Việt Nam?

Giám đốc Peace Corps: Chúng tôi thường bắt đầu với một nhóm nhỏ, thường khoảng 20 tình nguyện viên và từ từ sẽ tăng lên. Như Mông Cổ chẳng hạn, hiện đã có 141. Chúng tôi thường nhắm tới con số cuối cùng là 150 tình nguyện, nhưng khởi đầu thường là một nhóm nhỏ.

Trà Mi: Xin cho biết thêm về những nỗ lực sắp tới tại Việt Nam?

Giám đốc Peace Corps: Các nỗ lực chính là thiết lập lên chương trình và khởi sự chương trình dạy tiếng Anh. Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng tiếp cận tiếng Anh. Hiện đã có chương trình Fulbright ở đó, rất thành công, và chúng tôi vui mừng được hợp tác với các bạn trong chương trình Fulbright. Chủ yếu các thiện nguyện viên của chúng tôi sẽ dạy tiếng Anh, không chỉ cho các học viên tiếng Anh mà còn hỗ trợ cho cả các giáo viên dạy tiếng Anh nữa.

Trà Mi: Tại sao trọng tâm của chương trình Peace Corps tại Việt Nam lại là dạy tiếng Anh?

Giám đốc Peace Corps: Vì đó là điều mà chính phủ Việt Nam yêu cầu, chúng tôi đáp ứng đề nghị của nước chủ nhà. Họ có nhu cầu gì nằm trong phạm vi hoạt động của chúng tôi thì chúng tôi sẵn lòng đáp ứng. Dạy tiếng Anh thường là chương trình chúng tôi bắt đầu trước nhất, thường là chương trình mà các nước chủ nhà cần nhất.

Trà Mi: Vì sao sự hiện diện của Peace Corps tại Việt Nam được đánh giá là quan trọng?

Giám đốc Peace Corps: Tôi cho là hết sức quan trọng. Nó cho thấy mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn của bang giao Việt-Mỹ. Nhìn vào lịch sử, rồi nhìn lại hiện tại, thấy người Mỹ sinh sống và làm việc cùng với người Việt ở cấp độ cộng đồng quả là một bước quan trọng, một biểu hiện rõ rệt của mối quan hệ bình thường hóa giữa hai nước.

Trà Mi: Một trong những mục tiêu chính của Peace Corps là giúp giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất tại nước chủ nhà, trong trường hợp của Việt Nam, các nhu cầu đó là gì, thưa bà?

Giám đốc Peace Corps: Nhu cầu bức thiết nhất của họ cũng chính là điều họ yêu cầu chúng tôi: dạy tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại, của du hành, và của thế giới. Các nước như Việt Nam và nhiều nước khác nữa trên thế giới hiểu rõ là nếu họ muốn giao tiếp với thế giới, họ cần phải nắm được ngôn ngữ giao tiếp chung, đó chính là tiếng Anh.

Trà Mi: Có những thử thách hay trở ngại gì trước mắt khiến bà quan tâm chăng?

Giám đốc Peace Corps: Tại Việt Nam, hiện giờ chưa có trở ngại gì. Tôi rất nóng lòng muốn khởi động chương trình tại Việt Nam. Tôi rất lạc quan, rất vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cho việc này. Họ khuyến khích chúng tôi sớm trở lại và ổn định kế hoạch thực thi chương trình để bắt tay ngay.

Khi tới Việt Nam, các tình nguyện của Peace Corps sẽ trải qua 3 tháng đào tạo về văn hóa, ngôn ngữ, và kỹ thuật trước khi nhận nhiệm vụ kéo dài trong 2 năm.

Giáo dục là lĩnh vực lớn nhất trong chương trình Peace Corps, chiếm 37% tổng số tình nguyện viên trong tổ chức.

Peace Corps đến và lưu lại một quốc gia theo yêu cầu của nước chủ nhà. Có những nơi họ rời đi sau khi nước chủ nhà cảm thấy mục tiêu đã đạt và không cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ Peace Corps nữa. Ngoài ra cũng có những lý do khác khiến các tình nguyện viên Peace Corps phải từ giã một quốc gia, chẳng hạn như các yếu tố về an ninh, an toàn, và chăm sóc y tế.

Peace Corps dựa trên nền tảng sự tự nguyện dấn thân, một trong những giá trị được đề cao trong giáo dục Hoa Kỳ. Chương trình được thành lập vào năm 1961 bởi Tổng thống John F. Kennedy, nhà lãnh đạo nổi tiếng với câu nói bất hủ: ‘Đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi rằng bạn có thể làm gì cho quốc gia của mình.’

Tổ chức Hòa bình từng được xem là cách thức đối trọng với tình cảm bài Mỹ hoặc những ấn tượng không đẹp về ‘chủ nghĩa đế quốc Mỹ’, đặc biệt tại thế giới thứ ba, tại các quốc gia mới xuất hiện ở châu Á và châu Phi thời hậu thuộc địa.

Dù đa số tình nguyện viên tham gia Tổ chức Hòa bình là người trẻ, nhưng Giám đốc Carrie Hessler-Radelet cho biết tình nguyện viên cao tuổi nhất trong Peace Corps hiện nay là bà Alice Carter, 87 tuổi.

Giám đốc Peace Corps, Carrie Hessler-Radelet, cũng từng là một tình nguyện viên của tổ chức phục vụ tại Western Samoa vào đầu thập niên 80. - VOA
|
|

7.
Nga-Trung tập trận ở Biển Đông

Cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu thứ Hai 12/9, kéo dài tám ngày.

Mang tên Phối hợp trên Biển 2016, cuộc thao diễn sẽ có tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay chiến đấu tham dự, theo thông báo của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc nói quân đội hai nước sẽ tập phòng thủ, cứu hộ, chống tàu ngầm và thao diễn “c

Lính thủy đánh bộ sẽ tham gia các bài tập đạn thật, đổ bộ trong cuộc tập trận lớn nhất của hai quân hai nước.

Đây là cuộc tập trận chung lần thứ năm giữa hai quốc gia từ 2012 nhưng lần đầu diễn ra ở Biển Đông.

Sự kiện diễn ra trong lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chính thức tới thăm Trung Quốc, 10-15/9.

Việc tổ chức tập trận đã bị đặt câu hỏi trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Hàng Châu, Trung Quốc, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai 5/9 tuyên bố rằng nó "không ảnh hưởng tới lợi ích của bất kỳ ai, và có lợi cho an ninh của cả Nga lẫn Trung Quốc".

Đồng thời, ông Putin cũng gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.

“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa [PCA].”

Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 95% tổng diện tích Biển Đông, chồng lấn nhiều phần với các tuyên bố chủ quyền của một số nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Hồi trung tuần tháng Bảy, tòa PCA tại The Hague đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Trong mùa hè rồi, các tàu khu trục của hải quân Mỹ đã bắt đầu tuần tra trên Biển Đông, và Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi Washington hãy "chấm dứt những hành động khiêu khích này".

Lần tập trận chung trước của Nga và Trung Quốc là hồi 2015, tại Biển Nhật Bản. Hai nước bắt đầu các hoạt động tập trận hải quân chung tại Thái Bình Dương kể từ 2012. - BBC

No comments:

Post a Comment