Thursday, September 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 8/9

Tin Thế Giới

1.
TT Obama hy vọng chính sách xoay trục châu Á của Mỹ sẽ tiếp tục --- TT Obama nói về phán quyết bất lợi cho TQ ở biển Đông --- Căng thẳng Mỹ-Trung gây trở ngại cho việc đối phó với Bắc Hàn --- Trung Quốc lãnh búa rìu tại ASEAN

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Năm, 8/9, đã nói rõ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang tụ họp tại Lào rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân trong khu vực.

Ông là người đã đưa chính sách tái cân bằng của Mỹ, với trọng tâm hướng về Đông Nam Á, thành một ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống sẽ kết thúc vào tháng Giêng năm tới. Ông Obama nói niềm hy vọng và kỳ vọng của ông là người kế nhiệm sẽ tiếp tục nỗ lực đó.

Ông Obama nói với các nhà báo sau cuộc gặp với các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): “Đây là nơi diễn ra các hoạt động về thương nghiệp và thương mại, và cuối cùng là tạo ra công ăn việc làm cho Hoa Kỳ qua việc bán ra cho thị trường này”.

Ông nói hiệp hội đã công nhận tầm quan trọng của phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hồi tháng 7 bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và điều quan trọng đối với những nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực có tranh chấp là phi quân sự hóa các khu vực hoặc các đảo hoang.

Ông Obama nói: “Tôi nhắc lại là Hoa Kỳ sẽ đứng chung với các đồng minh và các đối tác trong việc gìn giữ các lợi ích căn bản, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền thương mại hợp pháp mà không bị cản trở, và giải quyết ôn hòa các tranh chấp”.

Về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Hoa Kỳ nói chính sách của ông đã không tán thưởng cho hành vi xấu.

Ông nói: “Không phải là chúng tôi đi tìm rắc rối hay lẩn tránh việc tham gia vào công việc ngoại giao, nhưng ngoại giao đòi hỏi Bình Nhưỡng phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình”.

Ông cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép với chính phủ Bắc Triều Tiên trong khi đưa ra các biện pháp phòng thủ để đảm bảo Hoa Kỳ và các đồng minh được bảo vệ.

Đây là cuộc họp lần thứ 8 của ông Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã đến thăm khu vực này nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Trước đó trong ngày 8 tháng 9, ông cho biết rằng việc ông thực hiện các chuyến thăm liên tục tới khu vực phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á.

Ông Obama nói rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia ở châu Á, bao gồm thúc đẩy đổi mới và tinh thần kinh doanh. Ông khẳng định, như trong nhiều dịp của chuyến thăm tuần này, rằng ông sẽ thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận thương mại TPP. - VOA

***
Tổng thống Mỹ đã lên tiếng đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài, bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, trong khi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Nam Á tại Lào thể hiện quan điểm ôn hòa đối với những căng thẳng ở vùng biển tranh chấp nhưng không đề cập cụ thể đến các hoạt động của Trung Quốc.

Dự thảo tuyên bố hôm thứ Năm, 8/9, của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, tái khẳng định tính quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Dự thảo tuyên bố có đoạn: “Nhiều nhà lãnh đạo vẫn hết sức lo ngại về những diễn biến hồi gần đây trên Biển Đông. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các bên liên quan cần phải giải quyết các tranh chấp bằng đường lối ôn hòa, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận trên toàn cầu.”

Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết của tòa nói rằng Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử” đối với toàn vùng lãnh hải rộng lớn đó. Bắc Kinh phủ nhận phán quyết đi ngược lại với tuyên bố chủ quyền của họ đối với hầu như toàn bộ vùng lãnh hải mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm nói rằng các nỗ lực sẽ được tiếp tục để bảo đảm các tranh chấp được giải quyết bằng đường lối hòa bình:

"Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính dấu mốc hồi tháng 7, mang tính ràng buộc, và giúp làm rõ các quyền về lãnh hải trong khu vực. Tôi biết phán quyết này đã làm gia tăng căng thẳng, nhưng tôi cũng mong chờ được thảo luận về những cách thức mang tính xây dựng để chúng ta có thể cùng tiến tới hạ giảm căng thẳng, tăng cường ngoại giao và ổn định cho khu vực."

Tổng thống Obama tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ tám. Ông đã đến thăm khu vực này nhiều lần hơn bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào, và đó là điều mà ông nói là phản ánh tầm quan trọng đang ngày càng tăng của khu vực.

Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ mở rộng hợp tác với các nước châu Á, trong đó có việc thăng tiến cơ hội cho sáng kiến và tài năng lãnh đạo. Ông lập lại điều ông đã nói nhiều lần trong chuyến công du châu Á tuần này là ông sẽ hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP.

Một thông báo của Tòa Bạch Ốc về sáng kiến Mỹ-ASEAN nêu bật những sáng kiến hạ giảm lượng khí thải carbon, ủng hộ đánh bắt thủy sản bền vững, tăng nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, và thăng tiến cơ hội cho phụ nữ, trong đó có việc bảo vệ quyền của phụ nữ, tổ chức các cuộc hội thảo cho các lãnh đạo trẻ và tưởng thưởng cho phụ nữ làm khoa học.

Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường bảo đảm y tế cho toàn cầu và phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đạt những tiến bộ trong quan hệ giữa con người với con người, trao đổi khoa học và bảo đảm rằng chúng tôi sẽ liên tục thăng tiến cơ hội cho các doanh nghiệp, các sinh viên, các nhà khoa học và người dân của chúng ta hợp tác với nhau”. - VOA

***
Các nhà phân tích nói rằng thỏa thuận lâu dài của Washington và Bắc Kinh về sự cần thiết phải thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này đã vỡ vụn vì căng thẳng gia tăng trong khu vực và sự phân tách các lợi ích quốc gia.

Các giới chức Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các nhà phân tích từ Trung Quốc và Nga, đã phân tích về tình hình an ninh ngày càng phức tạp trên bán đảo Triều Tiên tại buổi Đối thoại Quốc phòng Seoul ngày thứ Năm, 8/9, do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức.

Ông Kim Hong-kyun, Đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách về các vấn đề hòa bình và an ninh, đã kêu gọi quốc tế tiếp tục hỗ trợ để gây áp lực lên chính quyền Kim Jong Un nhằm kiềm chế nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ông Kim nói:

“Bình Nhưỡng có thể tin rằng nếu nước này vẫn kiên quyết thực hiện các hành động khiêu khích thường xuyên thì cộng đồng quốc tế, bằng cách nào đó, sẽ chấp nhận chúng như là một thực tế, nhưng họ đã lầm”.

Ông Kim cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc đã gây khó khăn cho nền kinh tế của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là trong thương mại, vận chuyển và tài chính. Tuy nhiên do các hạn chế chỉ mới được áp dụng vào tháng Ba, trong khi Bắc Triều Tiên đã tiến hành 10 cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong đó có vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, cho thấy khả năng tiến bộ của nước này trong việc nhắm mục tiêu tới lục địa Hoa Kỳ bằng một cuộc tấn công hạt nhân. - VOA

***
Cho dù bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á không lên án Trung Quốc đe dọa hoà bình tại Biển Đông, nhưng hành động lấn chiếm biển đảo và thái độ xem thường luật pháp đã khiến cho Bắc Kinh hai lần bị chỉ tên và khuyến cáo.
 
Trung Quốc đã cố gắng dàn xếp và gây áp lực để hành động của Bắc Kinh lấn chiếm tại Biển Đông và phán quyết của Toà Trọng tài La Haye về chủ quyền không được đưa vào chương trình nghị sự và bản thông cáo chung, nhưng Trung Quốc cũng không tránh khỏi công kích.

Ngày 07/09/2016, ngày đầu tiên của Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane, phái đoàn Philippines đã bất ngờ khai hỏa. Quả pháo đầu tiên của Philippines là trình bày các tấm không ảnh chụp bên trên vùng bãi cạn Scarborough bị Hải Quân Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012.

Tuy đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa có phi đạo cho máy bay quân sự và gắn hải đăng, nhưng Bắc Kinh khẳng định chưa xây dựng gì trên bãi cạn Scarborough mà họ gọi là Hoàng Nham. Thế nhưng, Manila trưng bày hình chụp cho thấy có nhiều tàu có khả năng nạo vét, và các hoạt động cần thiết để xây dựng một đảo nhân tạo chỉ cách đảo Luzon của Philippines 140 hải lý, nơi có hai căn cứ đóng quân của Hoa Kỳ

Theo các chuyên gia quốc phòng, nếu Trung Quốc xây xong đảo nhân tạo tại Scarborough thì điều này sẽ làm thay đổi cục diện Biển Đông trong tiến trình chinh phục của Bắc Kinh và làm tăng thêm xác suất xảy ra đụng độ với Hải Quân Mỹ.

Từ căn cứ tiền đồn này, các dàn tên lửa và chiến đấu cơ của Trung Quốc sẽ áp đảo lực lượng Mỹ đóng tại Philippines một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, dường như không muốn làm tình hình căng thẳng thêm khi chưa đúng lúc, chính phủ Mỹ tìm cách trấn an. Khi được AFP đặt câu hỏi, một viên chức Mỹ cho rằng "sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng Scarborough vẫn ở mức độ bình thường".

Bản thông cáo chung của ASEAN, do nội bộ chia rẽ vì thái độ bênh vực Trung Quốc của ít nhất hai thành viên là Cam Bốt và Thái Lan, không chỉ trích đích danh Trung Quốc nhưng xác nhận là "có một số lãnh đạo quan ngại sâu xa vì những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ". ASEAN cũng cảnh báo "căng thẳng sẽ tăng cao nếu hành động đấp bồi đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn".

Qua ngày hôm sau, cũng tại Vientiane,Trung Quốc lãnh phát pháo thứ hai. Lần này, đích thân tổng thống siêu cường nhắc nhở đại cường Trung Quốc là phải biết tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Trước mặt thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài La Haye, công bố ngày 12/07/2016 với nội dung phủ nhận toàn bộ mọi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Tổng thống Mỹ khuyến cáo Bắc Kinh là phải tôn trọng phán quyết trọng tài cho dù "bất lợi" cho tham vọng.

Từ khi chiếm được Hoàng Sa vào năm 1974 đến nay, Trung Quốc lấn xuống phía nam, chiếm nhiều đảo ở Trường Sa và tăng tốc xây một loại "vạn lý trường thành trên biển".

Ở nam bán cầu, Úc cũng lo ngại bị nằm trong tầm họat động của tên lửa và máy bay oanh tạc của Trung Quốc xuất phát từ Trường Sa.

Tuy Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo Trung Quốc nhưng phản ứng mạnh nhất chỉ là tổ chức tuần tra không thường xuyên.

Thế nhưng, theo giới phân tích, nếu Trung Quốc xây đảo ở Scarborough thì khó có thể tránh được xung đột. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, dự báo sẽ xảy ra "đụng độ giữa tuần duyên Trung Quốc và chiến hạm Philippines do Hoa Kỳ yểm trợ". - RFI
|
|

2.
Cuộc gặp 'gượng gạo' Obama-Duterte

Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte gặp nhau chớp nhoáng, vài ngày sau sự cố về ngôn từ.

Hôm thứ Ba, ông Obama hủy cuộc đối thoại đã được lên lịch sau khi ông Duterte gọi ông là "con của gái điếm".

Cuộc họp không chính thức hôm thứ Tư diễn ra trước tiệc tối của hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Trong khi một người phát ngôn của Philippines nói ông "rất vui" đã có việc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo, phía Mỹ nói họ đã có “trao đổi” ngắn gọn tại một căn phòng chờ trước khi dự tiệc tối của các nhà lãnh đạo.

Được biết ông Obama và ông Duterte tới nơi tổ chức tiệc tối tại hội nghị thượng đỉnh tại Lào riêng rẽ và không tương tác với nhau tại sự kiện kéo dài 1 giờ 20 phút.

"Họ là những người cuối cùng rời khỏi phòng chờ trước khi vào dự tiệc. Tôi không thể nói họ gặp nhau bao lâu", Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, người đi cùng với ông Duterte, nói với các phóng viên ngay sau đó.

"Tôi rất vui vì đã diễn ra sự việc đó."

Một quan chức Nhà Trắng nói hai vị lãnh đạo nói chuyện "xã giao" khi "trao đổi ngắn gọn" trước tiệc tối.

Cuộc chiến chống ma túy

Sự cố ngôn từ của ông Duterte xảy ra tại một cuộc họp báo, nơi ông nói với phóng viên rằng ông sẽ không chấp nhận ông Obama nêu bất kỳ quan ngại nào về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.

"Người ta phải tôn trọng. Đừng có đặt điều và đưa ra các tuyên bố. Con của một con điếm, tôi sẽ nguyền rủa người đó tại diễn đàn", ông Duterte nói, dường như ám chỉ Tổng thống Hoa Kỳ.

Nhà lãnh đạo Philippines sau đó bày tỏ hối tiếc về lời lẽ của mình, nhưng chỉ xảy ra sau khi ông Obama hủy họp đã được lên lịch.

Ông Duterte thắng cử tổng thống với chính sách cứng rắn bài trừ ma túy và khoảng 2.400 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch chống ma túy kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Sáu.

Trước đó ông từng kêu gọi người dân Philippines giết các phần tử buôn bán ma túy nếu chống cự khi bắt giữ, và đe dọa sẽ "tách khỏi" Liên Hợp Quốc sau khi Liên Hợp Quốc gọi cuộc chiến chống ma túy là tội ác theo luật quốc tế.

Tổng thống Duterte, vốn nổi tiếng với những nhận xét gây tranh cãi của mình, từng nói Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bị "điên" và nói Giáo hoàng Francis là "con của gái điếm".

Tuy nhiên ông được hậu thuẫn mạnh ở trong nước đối với chính sách cứng rắn chống ma túy của mình. - BBC
|
|

3.
Phi cơ Nga-Mỹ suýt đụng nhau ở Biển Đen

Lầu Năm Góc nói một chiến đấu cơ của Nga bay cách máy bay do thám Mỹ hoạt động trên Biển Đen chỉ có 3m.

Giới chức Hoa Kỳ cho rằng vụ chiến đấu cơ SU-27 chặn đầu máy bay của họ hôm thứ Tư 7/9 là "nguy hiểm và không chuyên nghiệp".

Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng phi cơ Mỹ đang vào không phận Nga và phi công chiếc SU-27 hoàn toàn tuân thủ luật lệ quốc tế.

Nga hiện đang tiến hành tập trận ở Biển Đen.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Jeff Davis nói chiếc phi cơ P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đang thực hiện hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì gặp máy bay Nga có hành động thiếu an toàn.

Ông Davis nói: "Các hành động kiểu này có nguy cơ gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết và có thể dẫn tới sai lầm hoặc tai nạn".

Một quan chức quốc phòng Mỹ được hãng AFP dẫn lời nói máy bay Nga tiếp cận chiếc P-8A chừng 10m sau đó sáp lại gần tới 3m.

Vi phạm không phận

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga nói chiến đấu cơ của họ đón đầu máy bay Mỹ là vì chiếc máy bay này đang tiến về phía không phận của Nga mà bộ phận phát tín hiệu nhận dạng lại bị tắt.

Thông cáo của bộ này nói: "Sau khi chiến đấu cơ Nga lại gần máy bay do thám Mỹ đẩ nhận dạng bằng mắt thường và ghi số hiệu trên cánh máy bay thì máy bay Mỹ đột ngột thay đổi hướng và bay mất".

"Phi công Nga hoàn toàn tuân thủ luất bay quốc tế."

Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nân căng thẳng từ sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào tháng Ba 2014.

Hồi tháng Tư, Hoa Kỳ than phiền rằng máy bay Nga đã chặn đường máy bay do thám của họ trên biển Baltic một cách "không an toàn và không chuyên nghiệp".

Trong vụ đó Nga cũng nói máy bay Mỹ tắt bộ phận ra tín hiệu nhận dạng. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Obama phản bác Trump về so sánh Putin --- Tỷ phú Trump: Ông Putin ra dáng lãnh đạo hơn TT Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích ông Donald Trump là “kỳ dị” và “thiếu hiểu biết” sau khi ứng viên đảng Cộng hòa nói Tổng thống Nga Putin lãnh đạo giỏi hơn ông Obama.

Phát biểu tại Lào, ông Obama nói mỗi lần ông Trump lên tiếng, càng thấy rõ ông không đủ điều kiện làm tổng thống.

Trong một diễn đàn truyền hình hôm thứ Tư, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump hết lời ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton nhận câu hỏi từ các cựu chiến binh.

Tỷ phú nói tại diễn đàn NBC rằng Tổng thống Nga "là nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống của chúng ta [Obama]".

Lời bình luận của ông Trump đưa ra cùng ngày Lầu Năm Góc cáo buộc Nga gieo mầm mống của sự bất ổn toàn cầu.

Trong khi đó, bà Clinton bảo vệ quan điểm về tranh cãi email của mình.

Ứng viên đảng Dân chủ cũng nhắc lại rằng việc bà bỏ phiếu cho cuộc chiến Iraq là một "sai lầm".

Các ứng viên Nhà Trắng trả lời chất vấn trong nửa giờ tại New York đêm 6/9.

Nhà báo Matt Lauer hỏi ông Trump về lời khen trước đó mà ông dành cho ông Putin, và tỷ phú trả lời: "Ông ấy được 82% người dân Nga ủng hộ."

'Đồng hành'

Tỷ phú nói thêm rằng ông Putin "điều hành nước Nga rất tuyệt".

Ông Trump cũng dự báo rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016, "Tôi nghĩ rằng mình sẽ đồng hành cùng ông ta."

Ông trùm bất động sản gần đây bị chỉ trích dữ dội khi ông kêu gọi Nga hack các email mà bà Clinton đã xóa từ máy chủ.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ về nhà lãnh đạo Nga.

Tháng 12/2015, ông nói "rất vinh dự" khi ông Putin gọi ông là "một người tài năng".

Ông Trump đưa ra bình luận vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Nga "có tham vọng rõ ràng muốn làm xói mòn các nguyên tắc trật tự quốc tế".

Trong bài phát biểu tại Đại học Oxford, ông Carter cũng dường như ám chỉ nghi vấn Nga liên can đến vụ hack các máy tính của Ủy ban Quốc gia Dân chủ tại Mỹ.

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua những âm mưu xen vào tiến trình dân chủ của chúng tôi,'' ông nói.

Đêm 6/9, ông Trump cũng gây tranh cãi về tình trạng lạm dụng tình dục trong quân đội.

Ông nhắc lại một bình luận từ ba năm trước, dường như cho rằng những cuộc tấn công tình dục xảy ra là do quyết định cho phép phụ nữ nhập ngũ.

Ông Trump viết trên Twitter năm 2013: "Các thiên tài mong đợi điều gì khi cho đàn ông và đàn bà ở cùng nhau?". - BBC

***
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm qua, 7/9, đã lên tiếng ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin, và cho rằng nguyên thủ Nga ra dáng lãnh đạo hơn Tổng thống Mỹ.

Tại một diễn đàn do kênh truyền hình NBC News tổ chức, ông Trump nói rằng nếu ông làm tổng thống, ông sẽ có một “mối quan hệ hết sức tốt đẹp với ông Putin”. Tỷ phú bất động sản này còn nói thêm rằng đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) là quyền lợi chung của Nga và Mỹ. 

Ứng viên này cho rằng Nga cũng “rất muốn đánh bại IS” như Mỹ, và rằng “nếu chúng ta có một mối quan hệ với Nga, thì đôi bên có thể hợp tác để triệt hạ IS”.

Ông Trump còn lên tiếng chỉ trích hành động quân sự của Mỹ ở Iraq trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Obama, và nói thêm rằng các vị tướng của Mỹ “đã không thành công”. 

Ông lặp lại quan điểm của mình rằng Hoa Kỳ đáng lẽ phải chiếm lấy dầu mỏ từ Iraq, đồng thời cho rằng nếu Mỹ làm vậy thì “đã không có IS” vì nhóm khủng bố này “được lập nên dựa trên nguồn dầu mỏ đó”. 

Là một ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống với phe Dân chủ, ông Trump vừa qua đã được cập nhật thông tin tình báo mật để nếu ông có đắc cử tổng thống, ông sẽ bắt kịp các vấn đề khi ông Obama rời nhiệm sở vào tháng Một năm sau. 

Khi được hỏi ông có sốc vì bất kỳ điều gì mình nghe được, ông Trump nói rằng ông Obama, bà Clinton và Ngoại trưởng John Kerry đã làm ngược lại với những gì mà các chuyên gia tình báo đề xuất với họ. 

Ứng viên của Đảng Cộng hòa cáo buộc bà Clinton phớt lờ đề xuất của các cố vấn an ninh quốc gia liên quan tới Nhà nước Hồi giáo, khi bà làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 tới 2013. 

Ông này nói thêm:

“Tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của bà Hillary Clinton và ông Barack Obama, các vị tướng đã hoàn toàn suy sụp. Họ suy sụp tới mức trở thành một nỗi hổ thẹn cho đất nước chúng ta”. 

Trong một bài phát biểu trước đó hôm 7/9 ở Philadelphia, ông Trump nói rằng ngay sau khi nhận nhiệm sở, ông sẽ cho các vị chỉ huy quân sự Mỹ thời hạn 30 ngày để lập ra một kế hoạch đánh bại Nhà nước Hồi giáo, sau khi nói trong tuần này rằng bản thân ông “đã có kế hoạch bí mật”. 

Trong cuộc phỏng vấn riêng rẽ do NBC News thực hiện, bà Clinton đã chế nhạo ông Trump, và nói rằng “điều bí mật là ông ấy chẳng có kế hoạch nào hết”. 

Ứng cử viên của Đảng Dân chủ cũng nói với người dẫn dắt cuộc thảo luận rằng một phẩm chất quan trọng nhất đối với một tổng thống là phải có “lập trường hết sức vững chắc” khi bàn về vấn đề chiến tranh và hòa bình. 

Bà Clinton nói:

“Điều chúng ta muốn thấy từ một tổng thống, một tổng tư lệnh, đó là phải lắng nghe, đánh giá những gì mình được cố vấn, có thể chọn lựa các giải pháp khó khăn được nêu ra rồi đưa ra quyết định”. 

Bà Clinton trước đây từng nói rằng ông Trump không có các phẩm chất đó. 

Theo dự kiến, ngày 26/9 tới, bà Clinton và ông Trump sẽ tham dự một trong ba cuộc tranh luận công khai trên truyền hình, trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 8/11. - VOA
|
|

5.
Bầu cử Mỹ: Trump và Clinton trình bày chính sách an ninh quốc gia

Hôm qua, 07/09/2016, hai ứng viên tổng thống Mỹ, Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa và Hillary Clinton thuộc đảng Dân Chủ, lần lượt tham gia một chương trình của đài truyền hình NBC, trả lời các câu hỏi của các cựu chiến binh Mỹ. Bảo đảm an ninh quốc gia là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Hoa Kỳ. Cuộc trao đổi với các nhà báo cũng như của khán giả cho thấy rõ được tính cách của từng ứng viên.

Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio gửi về bài tường trình:

"Hillary Clinton trong thế phòng thủ, Donald Trump trong thế tấn công… Đó là cảm giác của khán giả sau khi xem chương trình truyền hình hai ứng viên tổng thống trả lời các câu hỏi của các binh sĩ Mỹ.

Bà Clinton đã giữ các chức vụ chính thức trong chính quyền từ 25 năm qua. Bà đã phải trả lời các câu hỏi về những quyết định của mình. Đây là một khó khăn mà đối thủ của bà không phải đối mặt.

Ông Donald Trump thì hứa cải thiện hoàn cảnh của các cựu chiến binh. Khẩu hiệu của ông là cần một nước Mỹ mạnh hơn. Ông cũng hứa sẽ đánh bại quân khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng không cho biết chi tiết kế hoạch này. Ông nói: Tôi có một kế hoạch. Nếu thắng cử, tôi sẽ không gọi điện cho các vị và nói về nội dung kế hoạch này. Đây chính là điều mà ông Obama đã làm.

Về phần mình, bà Clinton luôn luôn tỏ ra thận trọng, từ chối đưa ra các hứa hẹn, trừ những cam kết liên quan đến cuộc chiến tại Irak và Syria. Bà nói: Chúng ta sẽ không bao giờ có binh sĩ tham chiến trên bộ tại Irak nữa ; sẽ không có binh sĩ tham chiến trên bộ tại Syria. Chúng ta sẽ chiến đấu chống những kẻ khủng bố mà không điều quân tham chiến trên bộ.

Rõ ràng là hai ứng viên đã tranh giành nhau để có được sự ủng hộ của các quân nhân và gia đình họ. Sự ủng hộ của nhóm cử tri này rất quan trọng để có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tối qua, ông Donald Trump dường như có vẻ thoải mái hơn bà Hillary Clinton và do vậy, có thể mắc một sai lầm. Ông đã kể lại cuộc họp liên quan đến bí mật quốc phòng – đây là một truyền thống mà các ứng viên vẫn làm. Nhà tỉ phú nói là các quan chức cao cấp đã thông báo cho ông những hồ sơ đang được triển khai và ông cảm thấy họ rất buồn vì đã không được Nhà Trắng lắng nghe. 

Không có gì bảo đảm là bộ Quốc Phòng Mỹ hài lòng về câu chuyện này". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Quan chức VN phủ nhận ra lệnh đóng fanpage của báo chí

Các fanpage trên mạng xã hội Facebook của 4 trang tin tức được nhiều người quan tâm ở Việt Nam là Zing News, VnExpress, Dân Trí và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã không còn tồn tại kể từ chiều ngày 7/9.

Zing News, VnExpress và Dân Trí chưa đưa ra thông báo chính thức về việc fanpage của họ biến mất. Riêng Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/9 đăng trên trang web chính thức của mình thông báo nói họ “quyết định tạm dừng hoạt động trang Fanpage (duy nhất) trên mạng xã hội” từ sáng cùng ngày. Trong thông báo, họ nêu lý do phải quyết định như vậy vì “nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang Fanpage của Báo”.

Báo Giáo dục Việt Nam cho biết thêm động thái của họ có mục đích vừa “để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra” vừa để “chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí trong việc vận hành các Fanpage trên mạng xã hội”.

Báo Giáo dục Việt Nam lâu nay được nhiều bạn đọc coi là một trang tin “mạnh miệng” khi nói về các vấn đề chính trị, xã hội, chủ quyền và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các bài báo hoặc bình luận của báo thường nhận được nhiều bình luận của độc giả với những lời lẽ táo bạo.

Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy.

Một số người còn cho rằng sự việc này liên quan đến quyết định trước đó vào ngày 6/9 của Bộ Thông tin-Truyền thông về thu hồi thẻ nhà báo, cảnh cáo hoặc giáng chức đối với 4 nhà báo tại các báo Infonet và Dân Trí. Các nguồn trên mạng xã hội nói các ông Lương Tân Hương, Phạm Phúc Hưng, và Nguyễn Đình Hưng bị kỷ luật vì đã để lọt những “bình luận khủng khiếp” trên fanpage của họ trong những bài nói về “chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước”.

VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, để xác minh. 

Ông Thiên nói:

“Bây giờ là tôi đang đi công tác. Cho đến thời điểm này là tôi không nhận được một cái sự chỉ đạo của cấp trên để yêu cầu các báo cho đóng các fanpage lại cả. Tôi chưa nhận được cái chỉ đạo nào như thế cả. Tôi nghĩ rằng việc đó là do các báo họ quyết định thôi, người ta quyết định thôi. Chứ còn không có sự chỉ đạo nào như thế cả”.

Hồi tháng 4 năm nay, phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vẫn xếp hạng ở vị trí rất thấp là 175/180. Tổ chức này nói dù vẫn giữ nguyên vị trí song tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa. Một đại diện của tổ chức nói rằng “thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam”. - VOA
|
|

7.
Chính quyền TP HCM ‘cưỡng chế’ Chùa Liên Trì

Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì Chùa Liên Trì, hôm 8/9 cho VOA biết chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã “dùng sức mạnh”, buộc bản thân hòa thượng và các nhà sư, phật tử khác rời khỏi chùa trong cùng ngày.

Hòa thượng Thích Không Tánh nói với VOA rằng khoảng 7h sáng ngày 8/9, “400-500 người của chính quyền đã tràn vào chùa, đọc lệnh cưỡng chế”. 

Vị sư trụ trì này nói thêm: “Tình hình đó đã làm hòa thượng ngất xỉu. Nhà chức trách đã đưa hòa thượng vào Bệnh viện Quận 2, còn các nhà sư khác, tượng Phật và các tài sản khác đã bị đưa về một ngôi nhà do nhà chức trách đền bù ở Cát Lái”. 

Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết tiếp:

“Còn cái vấn đề đập chùa chưa, đập hay chưa thì tôi không biết. Nhưng mà thường thường khi họ dọn đồ hết rồi thì chắc họ đập luôn có mấy hồi đâu”. 

Chùa Liên Trì có lịch sử trên 70 năm, là một trong số các cơ sở còn lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975. Chính quyền Việt Nam không công nhận giáo hội này.

Về tương lai, Hòa thượng Thích Không Tánh nói với VOA:

“Nếu chùa Liên Trì mà đã bị cưỡng chế, giải tỏa rồi, thì tôi sẽ phải đi ở nhờ đâu đó để rồi xin đi tị nạn ở một nước nào đồng ý nhận lãnh. Bây giờ ở Việt Nam, vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo không có gì hết cả. Sống với chế độ này sống không có nổi. Và bây giờ nhà cửa, chùa chiền, đất đai họ lấy trắng trợn, họ ủi đi. Về quý thầy khác, tùy quý thầy có thể muốn tìm con đường sống ở đâu thì tùy”.

Nhà chức trách từ lâu đã có kế hoạch cưỡng chế để giải tỏa ngôi chùa ở nơi được coi là “khu đất vàng” ở Phường An Khánh, Quận 2, trong khuôn khổ dự án đưa khu vực Thủ Thiêm của Tp. HCM trở thành khu dân cư hiện đại.

Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chính quyền “bớt tham lam và có văn hoá một chút”, họ nên để lại ngôi chùa 70 năm tuổi trong một khu cây xanh.

Đại diện chính quyền nơi đặt chùa Liên Trì chưa đưa ra các phản ứng trước những lời chỉ trích của dư luận. - VOA
|
|

8.
Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ cáo buộc chi 30 tỷ 'chạy' vào QH

Hôm 6/9, một đại diện Bộ Công an Việt Nam đã cập nhật thông tin với báo giới về vụ bà cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga dính líu đến một vụ lừa đảo lớn liên quan đến một dự án nhà đất. Đại diện của Bộ cho hay bà Nga khai nhận đã chi khoảng 1,5 triệu đôla, tương đương hơn 30 tỉ đồng, cho một doanh nghiệp để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.

Sáng 8/9, Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc, nói với báo giới rằng cá nhân ông "chưa nhận được thông tin này". Ông nói thông tin này chưa kiểm chứng, cơ quan điều tra đang làm rõ, nhưng “phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội”.

Đồng quan điểm với ông Phúc, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng nhà chức trách “phải phanh phui” vụ việc và làm rõ việc “chạy” ghế Quốc hội liên quan đến khâu nào:

“Rõ ràng những gì đang diễn ra hiện nay làm cho người ta cũng có thể băn khoăn, là bởi vì có một số đại biểu Quốc hội mà bộc lộ ngay từ rất sớm là mình không được cái sự tín nhiệm xứng đáng. Thì cái điều đó tôi nghĩ cũng cần phải làm cho rõ: tại sao, cơ chế nào mà những người đó có thể lọt vào được”.

Nhận xét rằng nếu quả thực bà Nga, người đã bị Quốc hội bãi nhiệm hồi tháng 6 năm ngoái, dùng hàng chục tỷ để “chạy” vào Quốc hội, đó là “chuyện trời”, song Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tỏ ý nghi ngờ về tính sáng suốt của việc này. Phát biểu với báo giới, ông Phúc nói rằng một người nào đó “cần ‘mác’ đại biểu Quốc hội để lợi dụng chuyện này khác là sự nhầm tưởng”.

Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích thêm là một cá nhân khi là đại biểu Quốc hội khó có thể tác động thay đổi chính sách nhưng vẫn có thể thu được “danh và lợi” qua các mối quan hệ xã hội. 

Ông nói:

“Cái danh thì tôi nghĩ ai cũng muốn cả. Người ta quan niệm đấy là cái nhãn mác để có thể tăng cường hơn cái mối quan hệ xã hội và có lợi cho việc kinh doanh của họ. Chứ còn tôi nghĩ rằng tác động vào những hoạt động của Quốc hội chắc cũng chẳng có bao nhiêu. Thí dụ như là xây dựng hệ thống pháp luật chẳng hạn, hoặc là tác động vào quá trình giám sát, v.v… hay những quyết định lớn của quốc gia là 3 chức năng chủ yếu của đại biểu Quốc hội thì không nhiều. Nhưng tôi cho là cái danh và đặc biệt là cái mối quan hệ xã hội. Nói cách khác là họ sẽ gia nhập cái nhóm người ta gọi là nhóm lợi ích đấy”.

Khi được hỏi đối với một cáo buộc hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng có thể dính líu nhiều quan chức cấp cao, liệu việc điều tra có thể đi đến cùng không hay sẽ dừng lại khi nó có thể làm rúng động chính quyền, ông Quốc nhận định:

“Có lẽ câu hỏi của anh chỉ dùng chữ ‘Hãy đợi đấy’ là tốt nhất. Còn tất nhiên là dư luận xã hội và tôi nghĩ chắc cái tin này đưa ra thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ phải bày tỏ quan điểm của mình trong tổ chức của mình”. 

Bà Châu Thị Thu Nga, 51 tuổi, từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất. Bà là đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng giữa năm 2015 bà đã bị bãi miễn chức vụ Đại biểu Quốc hội và đã bị truy tố do liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 377 tỉ đồng. - VOA

No comments:

Post a Comment