Monday, September 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 12/9

Tin Thế Giới

1.
Hải quân Nga-Trung tập trận chung ngoài khơi Quảng Đông

Bắc Kinh biểu dương lực lượng. Ngày 12/09/2016, Không Quân Trung Quốc thông báo các máy bay oanh tạc, chiến đấu và tiếp liệu thực tập bay ngang eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines. Trong khi đó, Hải Quân Trung Quốc và hạm đội Thái Bình Dương của Nga thông báo bắt đầu tập trận. Chiến dịch mang tính biểu tượng kéo dài trong 8 ngày ở vùng biển Đông ngoài khơi tỉnh Quảng Đông.

Từ Thượng Hải, thông tín viên Simon Leplâtre phân tích:

Với quân phục trắng, khó có thể phân biệt ai là sĩ quan Trung Quốc ai là thủy thủ Nga. Sáng hôm nay, truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh của cuộc tập trận chung một tuần lễ giữa Hải Quân hai nước tại vùng biển Nam Trung Hoa.

Đây là lần thứ năm kể từ năm 2012, hai cường quốc quân sự tổ chức tập trận chung nhưng lần này diễn ra tại một địa danh mang tính biểu tượng.

Cuộc tập trận này được Bắc Kinh loan báo hồi cuối tháng 7, tức là ngay sau khi Toà Trọng tài Quốc tế La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa hay Nam Hải).

Trung Quốc giành hầu hết vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên từ hải sản cho đến dầu khí và cũng là con đường huyết mạch của thương mại thế giới kể cả những vùng duyên hải của Việt Nam và Philippines.

Tuy khẳng định là không công nhận phán quyết của Toà Trọng Tài nhưng Bắc Kinh tức tối lên án "âm mưu" của Hoa Kỳ.

Việc tổ chức Thượng Đỉnh G20 tuần qua tại Hàng Châu được xem như một cách rửa hận: Trung Quốc và Nga cùng vai kề vai như hai đồng minh thân thiết trước phe Tây Phương chia rẽ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhân cơ hội này chỉ trích Toà Trọng Tài Quốc tế, kẻ làm Trung Quốc khó chịu. - RFI
|
|

2.
Thỏa thuận ngừng bắn Syria có hiệu lực

Thỏa thuận đình chiến bắt đầu ở Syria vào chiều thứ Hai 12/09, sau một cuối tuần không kích dày đặc.

10 ngày đình chiến được đưa ra sau đợt không kích do Mỹ - Nga phối hợp nhằm vào dân quân Hồi giáo cực đoan.

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin rằng Tổng thống Bashar al-Assad hoan nghênh thỏa thuận – đạt được vào cuối ngày thứ Sáu 09/09 ở Geneva sau nhiều tháng đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu các phe nổi dậy có tuân theo thỏa thuận.

Nhóm Quân đội Giải phóng Syria viết cho chính phủ Hoa Kỳ nói rằng tuy nhóm sẽ “hợp tác tích cực” với hiệu lực đình chiến, tuy lo ngại thỏa thuận này chỉ có lợi cho chính quyền.

Một nhóm lớn khác, nhóm Hồi giáo cực đoan Ahrar al-Sham, đã bác bỏ thỏa thuận.

“Những người nổi dậy đã chiến đấu và hy sinh trong sáu năm không thể chấp nhận giải pháp nửa vời,” Ali al-Omar, phó thủ lĩnh của nhóm nói trong một đoạn video. Tuy nhiên thủ lĩnh của nhóm đã dừng lại trước khi nói cụ thể hơn rằng sẽ không tuân theo các điều khoản của thỏa thuận.

Vài giờ trước khi bắt đầu ngừng bắn, Tổng thống Assad nói Syra vẫn “quyết tâm lấy lại từng khu vực từ tay khủng bố, và để gây dựng lại”.

Phân tích của Jeremy Bowen, biên tập viên Trung Đông:

Ngay cả trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đã có dấu hiệu cho thấy kế hoạch này có vấn đề.

Các nhóm đối lập có vũ trang đã lập liên minh để chống lại quân đội Syria. Liên minh gồm cả những nhóm được Hoa Kỳ và đồng minh hỗ trợ, và cả những nhóm có liên hệ với al-Qaeda.

Thỏa thuận đình chiến nhằm kêu gọi các nhóm do Hoa Kỳ hỗ trợ tách khỏi những phe khác. Nhưng họ miễn cưỡng thực hiện – một tổ chức nói họ cũng trên cùng một chiến hào, chung phòng chỉ huy.

Đây chỉ là một phần của thỏa thuận phức tạp có thể bị tan vỡ khi va phải thực tế cuộc chiến Syria.

Trước ngừng bắn

Trước khi ngừng bắn, chính quyền Syria vẫn không kích nặng nề ở nhiều khu vực có quân nổi dậy trong cuối tuần qua, khiến khoảng 100 người chết.

Chiến đấu cơ của Nga cũng vào cuộc ở tỉnh Idlib và Aleppo, theo các nhà hoạt động Syria.

Bạo lực gia tăng trước khi đình chiến không thành cũng đã từng diễn ra ở Syria,

“Chúng tôi hy vọng rằng đình chiến sẽ diễn ra để dân thường được nghỉ ngơi một chút. Bắn pháo diễn ra cả ngày và đêm, những vụ giết hại có mục tiêu, các thành phố bị chiếm đóng,” Abu Abdullah, sống ở khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở phía đông thành phố Aleppo nói.

“Dân thường không còn hy vọng nào nữa.”

Theo kế hoạch này, lực lượng chính quyền Syria sẽ ngừng các chiến dịch ở một số khu vực nhất định do quân nổi dậy chiếm đóng.

Nga và Hoa Kỳ sau đó sẽ thiết lập trung tâm phối hợp chung nhằm chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan, như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và Fateh al-Sham (vẫn được biết đến là Mặt trận Nusra).

Xung đột Syria khởi đầu bằng cuộc nổi dậy chống lại ông Assad, đã kéo dài suốt năm năm và lấy đi mạng sống của hơn 250 nghìn người.

Hơn 4,8 triệu người đã chạy ra nước ngoài, và ước tính 6,5 triệu người bị di dời trong đất nước này, theo Liên Hiệp Quốc.

Nếu diễn ra...

Các tổ chức cực đoan như IS và Jabhat Fateh al-Sham phải đối mặt với sức mạnh tổng hợp của không quân Hoa Kỳ và Nga.

Các nhóm trung dung hơn và dân thường trong khu vực sẽ không phải chịu đe dọa không kích như bom thùng mặc dù lực lượng không quân Syria không bị hạn chế hoàn toàn; hàng cứu trợ sẽ được phép chở tới các khu vực đang bị chiếm đóng.

Tổng thống Assad có thể ở vào vị trí mạnh hơn khi quân Nga và Mỹ đối đầu với hai trong số đối thủ mạnh nhất của ông, trong khi đó quân nổi dậy trung dung hơn sẽ tuân theo thỏa thuận ngừng bắn cùng lực lượng của ông. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Donald Trump chúc bà Clinton ‘sớm khỏe lại’ --- Bà Clinton hủy vận động ở California

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ không vận động ở bang miền tây California hôm thứ Hai, 12/9, hoặc hôm thứ Ba, sau khi được chẩn đoán bị viêm phổi.

Một phát ngôn viên nói vào tối 11/9 là bà sẽ không thực hiện chuyến đi đã lên kế hoạch trước đó, mà dự kiến sẽ bao gồm hoạt động gây quỹ và bài phát biểu về kinh tế.

Ban vận động của bà Clinton cho biết bác sĩ đã khám cho bà hôm 9/9 vì bà bị ho kéo dài và khi đó bác sĩ đã nói bà bị viêm phổi. Các bác sĩ đã cấp thuốc kháng sinh và khuyên bà nên nghỉ ngơi và thay đổi lịch trình.

Nhưng kết quả chẩn đoán đã không được công bố cho đến hôm 11/9 sau khi bà có vẻ không được khỏe tại lễ tưởng niệm 11 tháng 9 ở New York. Bà đột ngột rời sự kiện và một đoạn video cho thấy bà được một số người giúp trước khi bà loạng choạng ở vỉa hè rồi lên ôtô. - VOA

***
Ứng viên Hillary Clinton hủy chiến dịch vận động ở California sau khi bị chẩn đoán bệnh viêm phổi.

Bác sĩ Lisa Bardack cho biết, bà được chẩn đoán bị viêm phổi hôm 9/9 và được cho dùng thuốc kháng sinh, nhưng sau đó cơ thể bị mất nước tại sự kiện ở New York.

Video cho thấy bà được các trợ lý đưa vào xe sau khi bà sớm rời khỏi buổi lễ.

Thông cáo của bác sĩ cho biết bà đang "hồi phục tốt".

"Bà Clinton bị ho liên quan đến dị ứng. Hôm 9/9, bác sĩ theo dõi cơn ho kéo dài và chẩn đoán bà bị viêm phổi," thông cáo của bác sĩ Bardack viết.

"Bà được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh, khuyên nên nghỉ ngơi và thay đổi lịch trình".

Một quan chức chiến dịch cho biết, bà đã hủy chuyến vận động tại California do bị ốm.

Theo lịch trình, bà đến California sáng 12/9 cho chuyến đi hai ngày gồm việc gây quỹ và có bài phát biểu về kinh tế.

Đối thủ đảng Cộng hòa truy vấn tình trạng sức khỏe của bà.

Tháng trước, ứng viên Donald Trump nói với những người ủng hộ rằng bà Clinton "thiếu sức chịu đựng về tinh thần và thể chất" để đảm nhiệm vai trò tổng thống và chống lại các chiến binh IS.

'Âm mưu'

Tháng trước, bác sĩ Bardack nói bà Clinton có "sức khỏe tuyệt vời và thích hợp để đảm nhiệm vị trí tổng thống Hoa Kỳ".

Bà đã hoàn toàn bình phục sau ca phẫu thuật năm 2012 vì bị tụ máu trong não, bác sĩ cho biết.

Chiến dịch Clinton cáo buộc đối thủ phát tán "âm mưu về sức khỏe của bà Clinton".

Bà Clinton hiện 68 tuổi, còn ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump 70 tuổi.

Xuất hiện ở nhà con gái, bà Clinton nói: “Tôi rất khỏe. Một ngày thật đẹp ở New York.”

Sau đó bà về nhà ở Chappaqua, New York, và đêm 11/9, bác sĩ Bardack phát đi thông cáo về sức khỏe của bà.

Trước đó, những người thực hiện chiến dịch của bà giải thích bà rời sự kiện ở New York vì “thấy quá nóng”.

Bà Clinton vừa gặp cơn bão chính trị vì phê phán người ủng hộ Donald Trump hôm 9/9.

Hôm 10/9, bà đã xin lỗi vì nói một nửa người ủng hộ ông Trump là “những kẻ tệ hại”. - BBC
|
|

4.
Người đẹp bang Arkansas đăng quang Hoa hậu Mỹ 2017

Hãng tin AP cho hay, Hoa hậu bang Arkansas Savvy Shields đã chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ vào đêm Chủ nhật, 11/9, ở Atlantic City.

Cô đứng đầu, vượt lên trên 52 thí sinh để giành vương miện và danh hiệu Hoa hậu Mỹ 2017. Cô thay thế đương kim Hoa hậu Mỹ Betty Cantrell.

Trong phần phỏng vấn trên sân khấu của cuộc thi, cô được hỏi nghĩ gì về ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đây là một trong những câu hỏi chính trị dành cho các thí sinh.

Cô trả lời: ''Cả hai ứng viên đều đã làm tốt công việc, nhưng họ cũng cần phải theo dõi những gì họ đang làm''.

Các Á hậu gồm có Á hậu thứ tư là Hoa hậu bang Mississippi Laura Lee Lewis; Á hậu thứ ba là Hoa hậu bang Washington Alicia Cooper; Á hậu thứ hai là Hoa hậu bang New York Camille Sims; Á hậu thứ nhất là Hoa hậu bang South Carolina Rachel Wyatt. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bắt tàu xả ‘chất thải nguy hiểm’ xuống biển Nghệ An

Việt Nam vừa bắt giữ một chiếc tàu lớn đang đổ chất thải nghi từ cảng Nghi Sơn xuống biển Nghệ An.

Báo Người Lao Động hôm 12/9 trích nguồn tin từ Đồn biên phòng Quỳnh Phương, Bộ đội biên phòng Nghệ An, cho biết hiện chiếc tàu xả thải đang bị tạm giữ sau khi bị bắt quả tang đang đổ chất thải được cho là nguy hiểm xuống khu vực biển Đồng Hồi, xã Quỳnh Lập của tỉnh Nghệ An.

Khi bị bắt, chiếc tàu mang biển số LA-032.66 đã xả hết 10 khoang chất thải xuống biển, chỉ còn 2 khoang chưa xả. 

Tin cho hay chất thải “dạng bùn đất” được nghi là chất thải được mang ra từ cảng gang thép Nghi Sơn để đem đổ xuống biển.

Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) cho biết cảng Nghi Sơn có hợp đồng nạo vét với công ty TNHH Hiệp Thành và số chất thải trên là bùn, đất nạo vét luồng lạch của cảng này.

Cũng theo VOV, Công ty Hiệp Thành cho biết Ủy ban tỉnh Thanh Hóa đã chấp chuận cho đổ chất thải tại 7 vị trí của biển Thanh Hóa và việc chiếc tàu trên đem đổ chất thải xuống biển Nghệ An là trái phép. Thuyền trưởng của chiếc tàu khai nhận mỗi ngày đổ xuống biển khoảng 200 tấn chất thải.

Vụ bắt giữ tàu xả thải diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường biển do hệ thống xả thải của nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, khiến hải sản chết hàng loạt, nhiều khu vực biển bị nhiễm độc và nhiều cư dân địa phương bị mất nguồn sinh kế cho tới nay.

Linh mục Đặng Hữu Nam, giáo xứ Phú Yên, hạt Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, người đã công khai kêu gọi đóng cửa nhà máy Formosa, nhận định với VOA về hiện tượng ô nhiễm môi trường hàng loạt hiện đang diễn ra tại Việt Nam:

“Về vấn đề này, tôi nhận định là đây quả thật có một bàn tay không chỉ về vấn đề môi trường của Việt Nam, mà còn liên quan đến vấn đề chủ quyền của đất nước.”

Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, việc nhà nước Việt Nam đòi Formosa bồi thường 500 triệu đôla là không thấm tháp gì so với những thiệt hại to lớn đã gây ra tại Việt Nam. 

Linh mục Nam cho biết: “Sự thật, theo các nhà khoa học, để biển của Việt Nam trở lại như trước đây thì phải dừng ngay mọi hoạt động gây ô nhiễm trên biển và phải đầu tư rất nhiều tiền của, có thể phải mất từ 50 – 70 năm để cải tạo môi trường. Đó là con số quá lớn nếu đem so với con số 500 triệu đô”. 

Linh mục Đặng Hữu Nam nói theo luật pháp Việt Nam, ngoài việc phải bồi thường thỏa đáng các thiệt hại, công ty Formosa Hà Tĩnh còn phải bị truy tố về trách nhiệm hình sự vì đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng.

Về vụ bắt giữ tàu xả thải, báo Dân Trí trích lời ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết chi cục đã phối hợp với trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường lấy mẫu chất thải gửi đi kiểm định. - VOA
|
|

6.
Việt Nam, Trung Quốc tìm cách ‘tránh chiến tranh’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, trong khi có ý kiến cho rằng hai nước “không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau”. 

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam rời thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, hôm nay, 12/9, để tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức quốc gia đông dân nhất thế giới theo lời mời của người đồng nhiệm Lý Khắc Cường.

Theo dự kiến, ngoài cuộc gặp với người đứng đầu nội các nước chủ nhà, ông Phúc sẽ hội kiến với các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc. 

Nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Dy, nhận định về chuyến đi Trung Quốc đầu tiên trên cương vị thủ tướng của nhà lãnh đạo Việt Nam: 

“Nếu Trung Quốc mời trước rõ ràng là anh Trung Quốc thấy không thể căng với Việt Nam được nữa, phải dịu thôi. Nếu Việt Nam chủ động trước thì cũng ở trong tình trạng ngược lại như vậy. Trong chuyến này, ai mời trước, ai có đề xuất vấn đề trước là có ý nghĩa đấy. Hai bên thấy rằng là, tiếp tục căng như vậy cũng chẳng có lợi cho hai bên, và ít nhất là cũng phải làm cho nó dịu đi”. 

Ông Phúc tới tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc, hôm 10/9 để tham dự các hội chợ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. 

Chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng hồi đầu năm diễn ra một ngày trước khi Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển Đông.

Ông Dy nhận định tiếp rằng quan hệ Trung – Việt “không phải là nhân tố quan trọng”, và “không có sức nặng để tác động tới quan hệ Trung – Nga”. 

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói thêm rằng “rõ ràng là, thực lực của Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh lên cho nên muốn làm gì ở biển Đông thì Trung Quốc không thể không tính tới Việt Nam”. 

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Viện nghiên cứu Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng “hai nước đang đứng trước rất nhiều cơ hội và cả một số vấn đề cần phải giải quyết”. 

Ông Cường nói thêm: 

“Hiện nay vấn đề giải quyết rất nhiều, làm thế nào để đi sâu về hợp tác, làm sao thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định, thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, hai nước vẫn tồn tại quan điểm, lập trường khác nhau về vấn đề biển Đông. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội để hai bên trao đổi sâu hơn và hiểu rõ hơn về lập trường của hai bên và tìm biện pháp để giải quyết. Tôi nghĩ rằng hai nước đang tiếp tục xây dựng, củng cố lòng tin hơn nữa, cần phải xây dựng tốt hơn tin tưởng giữa hai nước”. 

Đưa tin về chuyến thăm của ông Phúc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vốn từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam, dẫn lời các nhà quan sát nói rằng dù quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh nhìn chung vẫn ổn định, các tranh chấp ở biển Đông sẽ vẫn là một vấn đề trong quan hệ giữa hai nước. 

Hồi tháng Tám, Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.

Theo các nhà quan sát, chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam cho thấy hai nước láng giềng cộng sản đang tìm cách khôi phục lòng tin, nhưng ông Dương Danh Dy không nghĩ vậy.

Cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam nói tiếp: 

“Không có cái chuyện tái xây dựng lòng tin đâu. Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều thắc mắc, và còn thắc mắc lâu dài, bởi vì ý đồ của Trung Quốc là bá chiếm biển Đông của Việt Nam là ý đồ bất biến của họ, và Việt Nam cũng quyết tâm giữ, cho nên không bao giờ có chuyện xây dựng lòng tin với nhau. Chỉ có cái cố gắng giữ gìn không để xảy ra chiến tranh, không để xảy ra đánh nhau, thế thôi”. 

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói rằng ông sẽ cùng phía Trung Quốc “đi sâu trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới”, cũng như tìm cách “cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế”.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 10 tới ngày 15/9. - VOA
|
|

7.
VN tuyên án 36 cựu viên chức Ngân hàng Xây dựng

Việt Nam vừa tuyên án tù đối với 36 cựu viên chức, trong đó có cả cựu chủ tịch, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) về tội đánh cắp 9.000 tỷ đồng (hơn 400 triệu đôla), số tiền đánh cắp được cho là lớn nhất trong các vụ bê bối gần đây trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Theo AFP, các cựu viên chức ngân hàng của công ty cổ phần Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã bí mật rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của các khách hàng, sử dụng số tiền này để cho vay hoặc gửi vào tài khoản cá nhân. 

Cụ thể, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh trong thời gian tại chức đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 900 tỷ đồng để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành, sau đó chuyển sang sử dụng cá nhân, theo VnExpress.

Sau đó, giới chức ngân hàng này tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng khống thuê mặt bằng các công ty riêng của mình để lấy hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch VNCB còn rút hơn 5.000 tỷ đồng qua các hợp đồng vay thế chấp nhưng không có sự đồng ý của chủ tài khoản. Tổng cộng, cựu giới chức ngân hàng cùng với hơn 30 viên chức cùng ngành đã chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.

VnExpress dẫn tin từ Tòa án cho biết vì lý do số tiền có khả năng thu hồi là cao (khoảng 6.000 tỷ đồng) cùng với sự thành khẩn khai báo của bị cáo nên Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ mức án cho ông Danh còn 30 năm tù. 35 bị cáo khác chịu mức án từ 3 tháng đến 20 năm tù giam.

Lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam gần đây bị tai tiếng bởi một loạt các vụ bê bối, cùng với việc bắt giữ nhiều nhân vật cao cấp trong giới doanh nhân giàu có và các quan chức điều hành về các cáo buộc tham nhũng, tham ô và thiếu năng lực.

Hồi đầu năm nay, 3 cựu quan chức ngân hàng và 6 quan chức chứng khoán của Việt Nam đã bị bắt giữ trong một vụ gian lận trị giá lên đến hàng triệu đôla tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Tháng Bảy năm ngoái, cựu Chủ tịch của tập đoàn dầu khí nhà nước PetroVietnam cũng bị bắt giữ vì cáo buộc sai phạm dẫn đến thất thoát 38 triệu đôla tiền đầu tư của Ngân hàng Ocean Bank. - VOA
|
|

8.
VN cấm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành văn bản thông báo cấm sạc pin và gửi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách trên chuyến bay. Lệnh cấm bắt đầu được áp dụng từ ngày 11/9.

Báo Người Lao Động cho hay nhân viên hàng không cũng đã gửi thông báo đến tất cả khách hàng về việc không nhận vận chuyển điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trong hành lý ký gửi, cũng như không cho phép hành khách sạc pin loại điện thoại này từ cổng USB được trang bị trên ghế ngồi của một số máy bay.

Thông báo cũng sẽ được nhắc lại khi hành khách làm thủ tục tại sân bay và trên máy bay trước chuyến bay. 

Cũng theo báo Người Lao Động, hành khách sử dụng điện thoại Samsung Galaxy Note 7 có thể mang theo điện thoại lên máy bay nhưng không được bật nguồn và không được cắm vào thiết bị sạc trong suốt chuyến bay.

Quy định của Cục hàng không Việt Nam được đưa ra sau khi Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm 8/9 ra khuyến cáo về lỗi pin của điện thoại Samsung Galaxy Note 7 có thể gây ra cháy nổ trong lúc sử dụng hoặc trong khi sạc pin.

Trước đó, hãng hàng không Singapore Airlines và một số hãng hàng không Úc cũng cấm hành khách sử dụng điện thoại Samsung Galaxy Note 7 trên máy bay. - VOA
|
|

9.
Thủ tướng Việt Nam đến Bắc Kinh

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Bắc Kinh ngày 12/9.

Lễ đón diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân, Bắc Kinh.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi Thủ tướng Việt Nam nhậm chức vào tháng 4/2016.

Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay.

Theo tường thuật của phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lập trường kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.

Ông cũng nói cần thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Trung Quốc “sớm triển khai khoản vay bổ sung trị giá 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến”, theo trang web chính phủ Việt Nam.

Sau cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, hai bên đã ký 9 văn kiện hợp tác, trong đó có:

Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021

Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất

Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi

Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020

Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục giai đoạn 2016 - 2021

Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (trị giá 20 triệu Nhân dân tệ)

Bình luận

Trước đó, nhà báo Vincent Ni của Ban tiếng Trung, thuộc BBC World Service, bình luận:

"Xét đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông, tôi nghĩ là Trung Quốc không mong muốn Việt Nam thúc đẩy hơn nữa lập trường của mình, không đi theo nghị trình của Philippines. Trong quá khứ chúng ta biết rằng Việt Nam có lúc đã răn đe đem vấn đề ra Tòa án Quốc tế, theo gương của Philippines.

"Trung Quốc muốn bảo đảm chắc chắn rằng phía Việt Nam sẽ không theo đuổi vụ kiện.

"Thứ hai, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ muốn hai bên dùng những lời lẽ tốt đẹp về các mối quan hệ song phương, nếu chúng ta nhìn vào những khía cạnh kinh tế, thương mại, hợp tác hai bên khá tích cực với kim ngạch, giá trị gia tăng hàng năm."

Việt Nam vừa tiếp đón nguyên thủ từ hai quốc gia quan trọng ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó ngoài chuyến thăm cách đây vài tuần của Thủ tướng Ấn Độ, ban lãnh đạo Việt Nam vừa đón tiếp Tổng thống Pháp trong một chuyến thăm chính thức hậu hội nghị thượng đỉnh G20.

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về chính trị khu vực bình luận:

"Thứ nhất, phần phát triển thương mại giữa hai nước, Việt Nam có mong muốn rằng Trung Quốc cùng với Việt Nam làm sao lành mạnh hóa quan hệ thương mại song phương, nhằm tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam và giảm khả năng nhập siêu từ Trung Quốc.

"Thứ hai, cũng trong thương mại, làm sao Trung Quốc xuất sang Việt Nam những hàng hóa có chất lượng cao hơn và có nguồn gốc rõ ràng, cũng như đảm bảo mặt an toàn, vệ sinh của các loại mặt hàng mang tính chất thực phẩm. Đấy là một mong muốn rất cụ thể của Việt Nam.

"Còn trong quan hệ chính trị, cũng như quan hệ liên quan Biển Đông, hai bên đều mong muốn rằng tiến tới việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình." - BBC

No comments:

Post a Comment