Wednesday, August 3, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 3/8

Tin Thế Giới

1.
Nga phủ nhận có dính líu trong vụ tấn công khí độc ở Syria

Truyền thông nhà nước Nga loan tin Moscow phủ nhận những tuyên bố của phiến quân Syria và các tổ chức nhân quyền cáo buộc nước này đứng đằng sau vụ việc được nói là một vụ tấn công bằng khí clo hôm thứ Ba, trong cùng một khu vực nơi một chiếc máy bay trực thăng của Nga bị bắn rơi một ngày trước đó.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tôi không có thông tin, chúng tôi không có thông tin về cách thức mà hoạt động quân sự đang tiến hành. Rất khó để phản ứng trước những thông tin như vậy. Căn cứ, nguồn của những thông tin này không phải lúc nào cũng rõ ràng."

Nhân viên cứu trợ ở vùng tây bắc nước Syria bị chiến tranh tàn phá hôm thứ Ba cho biết, một máy bay trực thăng đã thả những thùng khí độc xuống một thị trấn gần thành phố Aleppo bị vây hãm.

Ít nhất 30 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi khí độc. Nhân viên cứu trợ nói rằng những thùng khí độc được thả trong đêm ở gần địa điểm nơi một chiếc máy bay trực thăng của Nga bị phiến quân dưới mặt đất bắn rơi vài giờ trước đó. Mức độ tổn thương vì hóa chất chưa rõ ngay tức thì.

Đến cuối ngày 2/8, có những tin tức mâu thuẫn về đối tượng thực hiện vụ tấn công. Những chiến binh của phe nổi dậy đang nỗ lực phá vây Aleppo và lực lượng chính phủ đang vây hãm thành phố này quy trách lẫn nhau về việc sử dụng khí độc, được cho là khí clo.

Những y sĩ tại thị trấn Saraqeb nói với phóng viên rằng có tới 5 thùng chứa khí clo đã được thả xuống một số khu dân cư ngay trước nửa đêm. Một y sĩ nói với một phóng viên của đài truyền hình al-Jazeera rằng ông chắc chắn hóa chất đó là clo vì trước đây nó đã từng được sử dụng trong khu vực này.

Không có bình luận nào từ phía chính phủ Syria. Lực lượng của chính phủ đã chiến đấu với quân nổi dậy để giành quyền kiểm soát khu vực này và những nhà quan sát mô tả chiến sự là ác liệt nhất trong những tháng qua.

Tuy nhiên SANA, cơ quan thông tấn nhà nước Syria sau đó cáo buộc phe nổi dậy là bắn hỏa tiễn trang bị khí độc vào khu vực do chính phủ kiểm soát gần Aleppo, giết chết ít nhất 5 người. Bản tin không cung cấp chi tiết nào khác.

Chiếc máy bay trực thăng của Nga bị bắn rơi hôm thứ Hai nằm cách địa điểm vụ tấn công hóa học khoảng 15 cây số.

Chiến sự đã diễn ra ác liệt ở trong và gần thành phố Aleppo trong hơn hai tháng nay. Những người giám sát của Đài quan sát Nhân quyền Syria báo cáo ít nhất 6.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong 80 ngày qua. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Philippines khuyên ngư dân tránh vùng bãi cạn Scarborough

Chính quyền Manila vào hôm nay, 03/08/2016 đã khuyến cáo ngư dân Philippines là nên tránh xa khu vực bãi Scarborough tại Biển Đông. Đây là một khu vực đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền cho dù là một ngư trường truyền thống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Phát biểu với giới báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose giải thích rằng, Manila "biết Trung Quốc đang chiếm cứ bãi cạn Scarborough Shoal, cho nên cần phải chờ làm rõ cách thức mà ngư dân Philippines có thể trở lại đánh bắt tại khu vực đó mà không bị sách nhiễu".

Lời khuyến cáo của Philippines được đưa ra trong bối cảnh phán quyết vào tháng Bảy vừa qua của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã cho rằng Trung Quốc không có quyền ngăn cản ngư dân Philippines ở khu vực Scaborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Bắc Kinh đã bác bỏ toàn bộ phán quyết quốc tế, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ trong khu vực.

Thậm chí vào hôm qua, Bắc Kinh con loan báo các "hình phạt" họ sẽ áp dụng đối với những ai bị Trung Quốc coi là đánh bắt "bất hợp pháp" trong vùng biển của Trung Quốc, kể cả những khu vực đang tranh chấp.

Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines, phán quyết của Tòa Trọng Tài rất rõ nhưng "thực tế trên hiện trường" lại khác, Trung Quốc đang có mặt tại đấy, vì vậy Philippines phải thảo luận thêm. Khi bị chất vấn là phải chăng điều đó có nghĩa là ngư dân Philippines trước mắt phải tránh xa vùng bãi cạn Scarborough, ông Jose xác nhận: "Đó là để bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người."

Theo hãng tin Pháp AFP, quan điểm dè dặt của chính quyền Manila thể hiện qua các phát biểu kể trên dứt khoát sẽ thêm củi lửa cho giới phê phán chính quyền của tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, bị cáo buộc là quá mềm yếu trước Bắc Kinh.

Hãng AFP nhắc lại rằng vào năm 2012, sau một cuộc đọ sức với Manila, Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát bãi Scarborough mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc, cho dù thực thể này cách bờ biển Trung Quốc rất xa, trong khi chỉ cách đảo chính Luzon của Philippines 143 hải lý, tức là nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á. Kể từ lúc đó, Trung Quốc thẳng tay xua đuổi ngư dân Philippines đến đánh bắt trong khu vực, nhiều khi sử dụng đến vòi rồng.

Khi chính thức lên nắm quyền tại Philippines từ tháng Sáu vừa qua, tân tổng thống Duterte xác định rằng ông muốn cải thiện quan hệ với láng giềng Trung Quốc vốn không mặn mà lắm dưới thời người tiền nhiệm của ông là Benigno Aquino. - RFI
|
|

3.
Lấy lý do an ninh, Lào không tổ chức Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN

Từ ngày 02/08 đến 05/08/2016, Diễn Đàn Nhân Dân của Hiệp hội các nước Đông Nam Á mở ra tại Dili Đông Timor. Diễn đàn này hội tụ tất cả các tổ chức phi chính phủ trong vùng, để họ bày tỏ công khai quan điểm về vấn đề xã hội dân sự, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, diễn ra vào đầu tháng 9 tại Vientiane Lào. Mặc dù không cho tổ chức diễn đàn với lý do không bảo đảm được an ninh, nhưng Lào vẫn cố gắng tìm cách thao túng diễn đàn, nhằm o ép các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước.

RFI Tiếng Việt cùng với thông tín viên trong khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus đến với sự kiện đang diễn ra khá sôi động này tại Đông Timor.

RFI: Xin chào thông tín viên Arnaud Dubus, trước hết anh có thể cho biết tại sao Diễn Đàn Nhân Dân của ASEAN lại diễn ra tại Đông Timor chứ không phải tại Lào như theo lẽ thường khi nước này là chủ tịch luân phiên ASEAN?

Arnaud Dubus: Đúng vậy, đây là lần đầu tiên từ khi ra đời Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN không diễn ra tại quốc gia làm chủ tịch luân phiên. Lý do thật đơn giản. Lào cho biết họ không thể bảo đảm an ninh cho các đại diện của xã hội dân sự Lào. Vientiane thậm chí còn dẫn ra ví dụ trường hợp của nhà lãnh đạo xã hội dân sự nổi tiếng của Lào Sombath Somphone, bị mất tích hồi tháng 12 năm 2012 khi ông bị cảnh sát câu lưu. Từ đó đến nay người ta không hề thấy ông xuất hiện trở lại.

Điều này có vẻ phi lý, bởi Lào có thể bảo đảm an ninh cho các nguyên thủ Quốc gia đến dự thượng đỉnh vậy thì làm sao mà họ lại không thể lo được chuyện an toàn cho các lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ. Lý do đưa ra càng có vẻ như là một ẩn ý đe dọa nhất là khi người ta biết rằng chính quyền Lào bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ mất tích của nhà hoạt động Sombath Somphone.

Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN như vậy đã phải diễn ra tại Đông Timor. Quốc gia này đang muốn gia nhập ASEAN và cũng là một trong những quốc gian dân chủ nhất trong vùng. Tổ chức diễn đàn này, sau khi Lào từ chối là dịp tốt để chính quyền Dili chứng tỏ cam kết ủng hộ dân chủ đồng thời thể hiện quyết tâm muốn tham dự vào các hoạt động của ASEAN. 

Dường như các tổ chức xã hội dân sự Lào có mặt tại Diễn Đàn Dili cũng phải chịu nhiều sức ép của chính phủ Vientiane. Cụ thể những sức ép đó là gì thưa anh?

Arnaud Dubus: Vâng , ngay cả khi diễn đàn được tổ chức tại Đông Timor, ủy ban tổ chức của Lào vẫn kiểm soát chương trình nghị sự và các cuộc thảo luận. Cũng cần phải giải thích thêm là, có nhiều tổ chức phi chính phủ ở Lào là những tổ chức mà người ta vẫn gọi bằng tên tiếng Anh viết tắt là GONGOs, tức là các tổ chức phi chính phủ bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên cũng có những tổ chức xã hội dân sự thực thụ tại Lào và các đại diện của họ cũng có mặt tại diễn đàn Dili. Nhưng những người này vẫn sợ vì có nhưng nhân viên của chính phủ Lào trá hình trong vỏ bọc đại điện của tổ chức phi chính phủ.

Một thí dụ hùng hồn đó là ông Sombath Somphone, bị mất tích từ năm 2012, người từng được trao giải thưởng có uy tín Magsaysay và ông cũng là lãnh đạo quan trọng nhất của xã hội dân sự Lào trong vòng 30 năm qua, thế nhưng những đại diện của Lào tham dự Diễn Đàn Nhân Dân lần này đã chỉ trích gay gắt ông.

Một trong số họ là ông Cher Her, phó chủ tịch của ủy ban tổ chức Diễn Đàn Nhân Dân đã phát biểu rằng: Các tổ chức xã hội dân sự Lào đã mất mặt vì Sombath Somphone. Một đại diện khác của Lào còn nói rằng nếu như nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cho các tổ chức phi chính phủ Lào giảm đi đó là vì Sombath Somphone.

Kết thúc hội nghị, Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN sẽ phải ra một thông cáo cuối cùng, nhưng nội dung của văn kiện này đã bắt đầu gây tranh cãi từ bây giờ,điều này có đúng không ?

Arnaud Dubus: Đúng vậy. Tuyên bố cuối cùng đã được một số thành viên của ban tổ chức soạn thảo ngay cả trước khi Diễn Đàn Nhân Dân khai mạc. Nó đã được phân phát cho các chính phủ thành viên ASEAN trước khi diễn đàn Dili mở ra. Việc này là nhằm loại bỏ làn sóng phản đối của các tổ chức phi chính phủ nhất là của các nước như Thái Lan, Cam Bốt và Philippines.

Nhiều tổ chức đã từ chối ký vào thông cáo kết thúc diễn đàn và họ muốn đề xuất một tuyên bố bên cạnh thông cáo chung đó. Cuộc đọ sức như vậy đang diễn ra trong các cuộc thảo luận tại Dili. Nhưng tuyên bố chung đã được phân phát cho các chính phủ ASEAN như là sự đã rồi.

Tất nhiên trong tuyên bối cuối cùng này, với nội dung khá chung chung và thận trọng, không hề hề có dòng nào về vụ mất tích của nhà hoạt động Sombath Somphone.

Có thể nói, như vậy thì cuối cùng, độ tin cậy của Diễn Đàn Nhân Dân của ASEAN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

Arnaud Dubus: Vâng, đó là vấn đề cốt lõi. Nhiều đại diện của các tổ chức phi chính phủ ý thức được điều đó. Cũng vì điều đó mà họ đấu tranh để cứu vớt tinh thần của Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN.

Tham dự vào các cuộc họp đầu tiên của Diễn Đàn Nhân Dân trong những năm 1990, tôi vẫn nhớ cái không khí rất tự do, tiến bộ trong những diễn đàn đầu tiên đó.

Năm tới, Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN sẽ họp tại Philippines, chắc chắn khi đó các cuộc họp sẽ diễn ra trong bầu không khí khác so với Diễn Đàn Dili khi Lào là chủ tịch ASEAN. - RFI
|
|

4.
Nhật Bản có tân bộ trưởng quốc phòng --- Bắc Kinh tố ngược Tokyo thổi phồng tranh chấp biển đảo

Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm bà Tomomi Inada, người được cho có khuynh hướng thiên hữu, vào chức bộ trưởng quốc phòng.

Bà Inada sẽ thay ông Gen Nakatani, bà là người phụ nữ thứ hai nhận trách nhiệm này.

Bộ trưởng quốc phòng nữ đầu tiên của Nhật là bà Yurike Koike, người vừa nhậm chức Thống đốc Tokyo.

Trong đợt cải tổ mới nhất, Thủ tướng Abe thay hơn một nửa trong số 19 thành viên nội các chính phủ nhằm hỗ trợ các chính sách kinh tế và an ninh của ông và thúc đẩy tiến trình đổi mới hiến pháp.

Trong khi tuyên bố kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của mình, ông Abe nói ông sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt một bản hiến pháp sửa đổi trước khi kết thúc nhiệm kỳ tháng 9/2018.

Xu hướng diều hâu?

Xuất thân là luật sư, sau đó trở thành nghị sỹ, bà Inada là một trong những chính trị gia thân cận của ông Abe.

Bà nhiều lần thăm viếng Đền thờ tử sỹ Yasukuni, hành động bị xem là cổ súy cho quá khứ quân phiệt Nhật.

Bà cũng từng lên tiếng biện hộ cho các tội ác chiến tranh mà Nhật Bản gây ra, trong có việc buộc phụ nữ tại nhiều nước Á châu phục vụ tình dục cho binh lính Nhật.

Bà Inada bị cáo buộc liên quan tới một nhóm chống Triều Tiên và từng chụp ảnh chung với thủ lĩnh một nhóm tân Nazi hồi năm 2011.

Bà Inada, 57 tuổi, là người ủng hộ kế hoạch xem xét lại hiến pháp hậu chiến của Thủ tướng Abe.

Trong các bộ trưởng tại vị sau lần này có Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga. 

Mười vị khác bị thay thế. - BBC

***
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khuya hôm qua 02/08/2016 đã lớn tiếng bác bỏ những cáo buộc nêu lên trong Sách Trắng về Quốc Phòng Nhật Bản công bố trước đó. Theo Tokyo, quân đội Trung Quốc đang gây bất ổn khi cố thay đổi nguyên trạng ở hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh đã tố cáo ngược lại rằng chính Tokyo là bên tìm cách lừa dối cộng đồng quốc tế và gây mất đoàn kết giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Trong một bản thông cáo, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho rằng báo cáo quốc phòng thường niên ngày hôm qua của Nhật Bản "đầy rẫy những sáo ngữ tệ hại, những nhận xét vô trách nhiệm về tình hình phát triển quốc phòng và quân sự bình thường và hợp pháp của Trung Quốc, (và) thổi phồng các vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông".

Đối với Bắc Kinh, báo cáo "đầy ác ý với quân đội Trung Quốc" của Nhật nhằm mục tiêu "lừa dối cộng đồng quốc tế", và "khơi dậy mối bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng".

Cùng với Hoa Kỳ và nhiều nước khác, Nhật Bản luôn bày tỏ quan ngại trước các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông. Bắc Kinh trái lại khẳng định rằng họ có đầy đủ quyền hạn để xây dựng trong khu vực Biển Đông mà họ đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.

Trung Quốc đã gay gắt phủ nhận một phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, xác định rằng tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh trên Biển Đông là không có giá trị.

Riêng về Biển Hoa Đông, bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm qua nhắc lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát, và tố cáo rằng chính Tokyo đã làm thay đổi nguyên trạng khi Nhà nước Nhật đứng ra mua lại một số đảo từ tay chủ sở hữu tư nhân vào năm 2012. - RFI
|
|

5.
Phi cơ Emirates gặp sự cố tiếp đất

Chiếc phi cơ của hãng hàng không Emirates đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Quốc tế Dubai với 300 người trên khoang, giới chức nước này cho biết.

Hình ảnh trên mạng cho thấy khói đen phát ra từ máy bay, và người ta không nhìn thấy càng máy bay được thả xuống để tiếp đất.

Văn phòng báo chí của chính quyền Dubai nói toàn bộ hành khách được sơ tán an toàn và không có báo cáo về trường hợp bị thương.

Các chuyến bay đến và đi từ sân bay cũng bị tạm hoãn.

Chiếc Boeing 777 bay từ Kerala, Nam Ấn Độ tới Dubai.

Emirates nói có 282 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay, với 20 quốc tịch khác nhau, trong đó đa số mang quốc tịch Ấn Độ, 24 người quốc tịch Anh và 11 người từ khối các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

"Ưu tiên chính của chúng tôi hiện nay là sự an toàn và sức khỏe của những người liên quan," hãng hàng không viết trên Twitter.

Hành khách trên chiếc máy bay tỏ ra hoảng sợ sau sự việc.

"Tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi sợ hãi vô cùng," Sarah-Louise Sherwood nói với BBC.

"Tấm trượt được trải ra nhưng bị thổi khắp nơi. Mọi người chạy thoát được - theo như tôi chứng kiến - trước khi có tiếng nổ lớn, lửa cháy khắp nơi. Chúng tôi hạ cánh và dừng ngay gần nơi xảy ra sự việc và mọi người trên máy bay nói 'ôi trời ôi' và 'hãy đưa chúng tôi ra khỏi máy bay," cô nói.

Nguyên nhân vụ đâm máy bay chưa được làm rõ, nhưng hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy có thể máy bay đã tiếp đất bằng phần bụng, thường xảy ra khi bộ phận càng và bánh máy bay bị trục trặc, và phải tiếp đất trực tiếp.

Cơ quan khẩn cấp của chính quyền Dubai lên kế hoạch sẽ sớm cập nhật thông tin.

Emirates là hãng hàng không lớn nhất của Trung Đông, và có hồ sơ an toàn thuộc hàng xuất sắc.

Hãng xếp thứ bảy trong khảo sát về các hãng hàng không an toàn nhất thế giới theo trang AirlineRatings.com, trang đánh giá an toàn hàng không độc lập.

Chuyến bay EK521, bay trực tiếp từ Thiruvananthapuram tới Dubai, là tuyến bay đông khách với hàng trăm ngàn người Kerala tới làm việc ở các quốc gia vùng Vịnh.

Sân bay Quốc tế Dubai là trung tâm giao thông lớn, và là một trong những nơi trung chuyển hành khách quốc tế bận rộn nhất thế giới, với hai đường băng. - BBC
|
|

6.
Vợ TT Nicaragua cùng tranh cử với chồng

Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega, vừa nêu danh vợ ông là người ra tranh cử vào chức vụ Phó Tổng thống trong khi ông tái tranh cử chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.

Đệ nhất phu nhân Lady Rosario Murillo vốn đã nắm vai trò quan trọng, là Trưởng phát ngôn của chính phủ và vẫn được nhìn nhận là chia sẻ quyền lực với chồng bà.

Bà xuất hiện trên truyền hình Nicaragua gần như hàng ngày.

Các nhà chỉ trích cáo buộc đôi vợ chồng đang nắm quyền điều hành đất nước Nicaragua – nơi sẽ tổ chức tuyển cử Tổng thống vào tháng Mười Một tới đây – là giống như lãnh chúa.

Trong khi Tổng thống Ortega hiếm khi phát biểu trước truyền thông, vợ ông thường xuyên xuất hiện trên TV thảo luận các chính sách và quảng bá cho dòng tâm linh New Age (Thời đại mới) của riêng bà.

Có 7 người con với Tổng thống Ortega, bà nói tiếng Anh và tiếng Pháp thành thạo và còn là một nhà thơ có tiếng.

Bà cũng nổi tiếng hay mặc những bộ quần áo và đồ trang sức sặc sỡ đắt tiền mà thường thấy thời hippy những năm 1960.

Các phóng viên nói nhiều người Nicaragua coi bà Murillo nắm nhiều quyền lực nhất tại đất nước này vì vị thế cao của bà trước công chúng.

Hai vợ chồng Tổng thống đã chính thức đi nộp hồ sơ tranh cử tại thủ đô Managua, có các cố vấn pháp lý của đảng Sandinista của họ đi kèm.

Hàng trăm người ủng hộ đảng Sandinista đã reo hò chào đón họ khi họ rời khỏi tòa nhà.

Nhưng những người ủng hộ phe đối lập lo ngại việc đưa bà lên có thể báo hiệu sự trỗi dậy của một triều đại gia đình trị tại đất nước Trung Mỹ nghèo khó này.

Ông Ortega, 70 tuổi, từng là du kích cánh tả người đã tạo lập một phần chính phủ quân nhân sau cuộc cách mạng Sandinista chống lại chế độ độc tài của gia đình Somoza đã thống trị Nicaragua suốt bốn thập niên.

Phe Sandinistas, lấy hứng khởi từ Cuba, lên nắm quyền vào năm 1979.

Đảng này bị thất cử vào những năm 1990, nhưng ông Ortega trở lại nắm quyền vào tháng Giêng năm 2007, sau một chiến dịch vận động bầu cử thành công. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Ông Trump gọi ông Obama là tổng thống tệ hại nhất từ trước đến nay

Người được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ hôm thứ ba đã nhắn tin qua Twitter rằng ông Barack Obama sẽ “đi vào lịch sử có lẽ với tư cách tổng thống tệ hại nhất,” sau khi ông Obama gọi ông Trump là không “xứng hợp” để lãnh đạo đất nước.

Tại Tòa Bạch Ốc, ông Obama tuyên bố, “Tôi nghĩ rằng người được đảng Cộng hòa đề cử không xứng hợp để giữ chức tổng thống. Tôi đã nói như thế tuần trước, và ông ấy tiếp tục chứng tỏ điều đó.”

Nhưng một cựu binh sĩ Thủy quân lục chiến tham dự một cuộc tụ tập ở Virginia hôm thứ ba nói với đài VOA rằng ông Trump sẽ là “một tổng tư lệnh vĩ đại.” Một nữ ủng hộ viên của ông Trump gọi ông là “một món hời thực sự.”

Ông Trump với lối phát ngôn thẳng thừng đã thêm một tranh cãi nữa vào danh sách ngày càng dài hôm thứ ba khi ông nhận một Anh dũng Bội tinh của một thiếu tướng hồi hưu trước khi diễn ra cuộc tụ họp tại Ashburn, Virginia. Ông Trump nói cựu quân nhân này đã nói với ông rằng cử chỉ đó nhắm mục đích bày tỏ sự tin tưởng đặt vào ông.

Huân chương anh dũng bội tinh được trao cho một quân nhân Mỹ, nam hay nữ bị thương trong khi chiến đấu, hay được trao tặng sau khi quân nhân này hy sinh trong chiến trận. Đây là một truyền thống thiêng liêng của quân đội Hoa Kỳ.

Tỏ ý tiếc rằng mình chưa hề được phục vụ trong quân đội, ông Trump nói ông lấy làm vinh dự được nhận món quà của quân nhân đó. Cử tọa đã cười khúc khích khi ông nói rằng ông “luôn luôn muốn được huân chương này. Và nhận được như thế này dễ dàng hơn nhiều.”

Nhưng một người phát ngôn của tổ chức Anh dũng Bội tinh Quân đội, ông John Bircher, không tỏ ra thích thú.

Ông Bircher nói với đài truyền hình Tin tức CBS: “Thật là hết sức khủng khiếp khi người nào đó đeo huân chương Anh dũng Bội tinh mà không xứng đáng được.”

“Ông Donald Trump không được trao tặng huân chương và không có ‘cách dễ dàng’ để được nó. Tôi nghĩ ông ta không có khái niệm gì về ý nghĩa của huân chương Anh dũng Bội tinh.”

Phản ứng của ông Khan

Tổng thống Obama, người đã ủng hộ bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ làm người kế nhiệm ông khi ông rời chức vào tháng giêng năm tới, đã thách thức các đảng viên Cộng hòa hãy cự tuyệt ông Trump và nói rằng những lời ông chê trách ông Khizr Khan và bà vợ Ghazala sau khi họ dành sự ủng hộ cho bà Clinton tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ trong tuần trước là có tính cách xúc phạm. Người con trai của cặp vợ chồng người Mỹ theo Hồi giáo đã hy sinh trong khi chiến đấu cho Hoa Kỳ ở Iraq vào năm 2004.

Tổng thống Obama nói về ông Trump như sau: 

“Khái niệm ông ta đả kích một gia đình có người thân đã hy sinh vì tổ quốc, sự kiện ông ta dường như không có kiến thức cơ bản về các vấn đề quan trọng ở châu Âu, ở Trung Đông, ở châu Á, có nghĩa là thực sự đáng tiếc ông ta hoàn toàn không sẵn sàng đảm nhiệm chức vụ này.”

Các gia đình được gọi là “Gold Star” ở Hoa Kỳ là các gia đình đã mất người thân trong khi chiến đấu trong hàng ngũ quân lực Hoa Kỳ.

“Lãnh đạo thất bại”

Đáp lại, ông Trump tố cáo ông Obama là “lãnh đạo thất bại.” Ông Trump nói ông Obama và bà Clinton, ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của ông, đã gây ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông, trao Iraq, Libya và Syria cho các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo. Ứng viên của đảng Cộng hòa nói hai người cũng đã chuyển ‘các công ăn việc làm tốt nhất của nước Mỹ ra nước ngoài để thỏa mãn các lợi ích toàn cầu của họ.”

Ông Trump kết luận, “Chúng ta cần có sự thay đổi vào lúc này.”

Trong lời đả kích rất bất thường nhắm vào người có thể lên thay thế mình, ông Obama nêu thắc mắc vì sao các thành viên của đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump, ngay cả vào lúc nhiều nhà lập pháp Cộng hòa đã lên án các nhận định của ông về gia đình Khan. Có lúc ông Obama đã nêu đích danh ông Trump trong lời chỉ trích và những lúc khác lên án các nhận định của ông Trump mà không đề cập đến tên ông ấy.

Ông Trump nói hai vợ chồng ông Khan đã “tấn công” ông ta “một cách tàn nhẫn” tại đại hội của đảng Dân chủ và sau đó than phiền rằng họ tiếp tục tấn công cuộc tranh cử của ông trong một loạt các cuộc phỏng vấn truyền hình trong mấy ngày vừa qua. Ông Khizr Khan nói ông Trump đã không hy sinh gì cho Hoa Kỳ như con trai của ông ấy là Humayon Khan, đã bỏ mình vì một tay đánh bom tự sát trong khi bảo vệ các binh sĩ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần rồi, ông Trump tuyên bố ông đã hy sinh nhiều cho Hoa Kỳ qua việc tạo ra “hàng ngàn công ăn việc làm” và cung cấp các quyền lợi cho công nhân để cải thiện đời sống của họ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Arizona John McCain, người đã thất cử trước ông Obama trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, nói ông hết sức bất đồng với các gợi ý của ông Trump rằng những người Hồi giáo như gia đình ông Khan không nên được phép vào Hoa Kỳ.

Ông McCain nói: “Đã đến lúc ông Donald Trump phải làm gương tốt vì đất nước chúng ta và tương lai của đảng Cộng hòa. Việc đảng của chúng ta đề cử ông ấy không kèm theo với việc cho phép ông ta mặc sức nhục mạ những người tốt nhất trong chúng ta.”

Ông McCain là một phi công tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Việt Nam và đã bị bắt làm tù nhân chiến tranh hơn 5 năm. Vào đầu mùa tranh cử, ông Trump đã bêu xấu vị thế anh hùng chiến tranh của ông McCain, và nói ông thích những người không bị bắt hơn.

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley đại diện bang Iowa nói gia đình của các quân nhân xứng đáng được hưởng “sự tôn trọng tuyệt đối.”

Ông Grassley nói: “Các nhận định của ông Trump không phù hợp với niềm tin của chính tôi về cách thức đối xử với các thành viên quân đội và gia đình họ, và sự tôn trọng đối với những người đã phục vụ đất nước là điều mà cả hai ban vận động tranh cử có thể tận dụng nhiều hơn.”

Một nhóm gồm 23 gia đình của các quân nhân đã hy sinh vì tổ quốc đã công bố một bức thư gửi cho ông Trump và gọi các nhận định của ông là “ghê tởm và mang tính xúc phạm cá nhân.”

Họ viết: "Khi quý vị nêu thắc mắc về sự đau khổ của một bà mẹ, bằng cách ngụ ý rằng tôn giáo của bà ấy, chứ không phải sự thương tiếc của bà ấy, đã khiến bà không phát biểu trước đám đông ở hội trường, thì đó là một sự tấn công nhắm vào chúng tôi. Khi nói rằng công việc xây dựng các tòa nhà của quý vị có thể sánh với sự hy sinh của chúng tôi, thì đấy là một sự tấn công vào sự hy sinh của chúng tôi. Việc này đi xa hơn chính trị. Nó có nghĩa là ý thức đạo đức. Hình thức đạo đức mà quý vị giễu cợt là 'đường hướng chính trị.'"

Tổ chức Cựu chiến binh chiến đấu ở nước ngoài, còn gọi tắt là VFW, nói các nhận định của ông Trump đã “vượt ra ngoài giới hạn.”

Người đứng đầu VFW Brian Duffy nói: “Cho dù là năm bầu cử hay không, VFW sẽ không dung chấp bất cứ ai chỉ trích một thành viên trong gia đình Gold Star vì đã hành xử quyền tự do phát biểu hay diễn đạt.”

Sửa sai

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ hai với ban tiếng Urdu của đài VOA, và đáp lại câu hỏi liệu ông nghĩ liệu cuộc đối đầu của ông với ông Trump có đem lại lợi ích gì hay không, ông Khan đáp:

“Thực sự đã có kết quả, kết quả thực sự ở chỗ đã có một số lớn đáng kể các đảng viên Cộng hòa yêu cầu ông ta hòa dịu, thay đổi các lời bình xúc phạm về các nhóm thiểu số, không riêng người Hồi giáo mà các khối thiểu số khác nữa.”

Ông còn bày tỏ sự lo ngại về các hậu quả nếu như ông Trump trở thành tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ và tự hỏi liệu lực lượng Hoa Kỳ có tuân theo các mệnh lệnh của ông ấy không.

Người ra tranh cử cùng liên danh với ông Trump, thống đốc bang Indiana Mike Pence, gọi anh Humayon Khan là một anh hùng và đổ lỗi cho Tổng thống Obama và bà Clinton là các chính sách của họ đã giúp cho Nhà nước Hồi giáo đè bẹp một “Trung Đông có thời ổn định.”

Trong lời nhắn trên Twitter hôm thứ hai, ông Trump viết rằng cuộc tranh luận không phải là về gia đình Khan, mà là về “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.”

Điều gì sẽ tiếp theo

Phần lớn bài phát biểu của ông Trump hôm thứ ba ở Virginia tập trung vào vấn đề kinh tế và khủng bố.

Ông nói sẽ là “một điều tốt” nếu hợp tác với Nga và các nước khác để “đánh chí chết” Nhà nước Hồi giáo.

Ông cũng nói bầu cho bà Clinton làm tổng thống sẽ có nghĩa là thêm 4 năm các chính sách của ông Obama. Ông Trump nói nếu điều đó xảy ra, thì đất nước sẽ “chấm dứt.”

Bà Clinton đã ngưng vận động ngày thứ ba để dự tang lễ ở Rhode Island của người bạn bà là ông Mark Weiner, một người tặng tiền và gây quỹ cho đảng Dân chủ. Ông Weiner qua đời vì bệnh ung thư hồi tuần trước, thọ 62 tuổi.

Bà Clinton dự định tiếp tục đi vận động vào ngày thứ tư ở Commerce City trong bang Colorado. Theo lịch đã định, ông Trump sẽ phát biểu ở Daytona Beach và Jacksonville, trong bang Florida. - VOA
|
|

8.
Tổng thống Mỹ: Hiệp định TPP như là một vũ khí chống Trung Quốc

Vào lúc nước Mỹ đang sôi nổi với các cuộc vận động tranh cử, hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP mà Mỹ đã ký kết với 11 đối tác, trong đó có Việt Nam, đã bị tấn công từ mọi phía. Trước tình hình đó, ngày hôm qua, 02/08/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa đã lên tiếng bảo vệ hiệp định này bằng cách nhấn mạnh rằng đây sẽ là một vũ khí có tác dụng giảm bớt ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc tại châu Á

Nhân một cuộc họp báo chung với thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng ở Washington, bên cạnh những hồ sơ quan hệ song phương Mỹ-Singapore, những vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông, tổng thống Mỹ đã dành nhiều thì giờ để bảo vệ cho thỏa thuận tự do mậu dịch mang tên Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà cả Mỹ lẫn Singapore đều là thành viên.

Được ký kết hồi đầu tháng Hai 2016 sau 5 năm đàm phân, trên nguyên tắc, TPP sẽ lập ra một khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, kết hợp 12 quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam, Nhật Bản, Úc, New Zealand…, nhưng thiếu vắng Trung Quốc.

Trả lời báo chí, tổng thống Mỹ đã không ngần ngại ghi nhận rằng: "Trung Quốc không có trong hiệp định", nhưng đồng thời cũng cảnh báo: "Nếu chúng ta không thiết lập những quy tắc vững chắc, những chuẩn mực có tác dụng định hình nền thương mại và những giao dịch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì Trung Quốc sẽ làm".

Đối với Tổng thống Mỹ, Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương chứa đựng những quyền tích cực về mặt xã hội không thấy có trong bất kỳ một thỏa thuận tự do mậu dịch nào mà Trung Quốc chủ trương.

Ông Obama so sánh: "Trung Quốc đã bắt đầu giới thiệu với tất cả các nước trong khu vực phiên bản riêng của họ về các thỏa thuận thương mại, và họ không bận tâm đến các quy tắc xã hội, chuẩn mực môi trường và các biện pháp chống lại nạn buôn người và chống tham nhũng". Đối với tổng thống Obama, "nếu Mỹ không tạo ra những quy tắc chất lượng cao, tất nhiên là các quy tắc mà Trung Quốc sẽ chi phối khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Theo các nhà quan sát, sở dĩ tổng thống Obama lại phải lên tuyến đầu bảo vệ cho hiệp định TPP, đó là vì văn kiện này đang trong tình trạng tứ bề thọ địch, với những đối thủ ngay trong đảng Dân Chủ của ông. Điển hình cho tình trạng này là bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ.

Là người đã thúc đẩy đàm phán TPP khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã quay sang chỉ trích văn kiện này khi lao vào tranh cử, để khỏi làm phật ý các cử tri Dân Chủ, rất nghi ngại thỏa thuận này.

Khi lên tiếng biện hộ cho hiệp định TPP, tổng thống Obama thể hiện mong muốn là thấy văn kiện này được phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ của ông. Thế nhưng, theo hầu hết các nhà phân tích, trong bối cảnh tiền bầu cử tổng thống tại Mỹ, với dư luận chống đối – vì lý do tranh cử - ý muốn của ông Obama khó có thể thành hiện thực.

Dẫu sao thì vào hôm qua, thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long đã không ngần ngại cảnh báo về nguy cơ uy tín của Mỹ bị tác hại nếu TPP thất bại. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

9.
Mỹ, Việt bàn về 'thương mại quốc phòng' trong đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng

Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi hôm 2/8, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Chính trị-Quân sự Tina Kaidanow và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc sẽ gặp nhau hôm 3/8 tại thủ đô Washington để thảo luận về hợp tác an ninh trong khuôn khổ Đối thoại Mỹ-Việt lần 8 về Chính trị, An ninh và Quốc phòng.

Các chủ đề thảo luận bao gồm hợp tác an ninh và thương mại quốc phòng, an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, buôn người, rà phá bom mìn và các vấn đề nhân đạo.

Thông cáo viết rằng trên nền tảng là thành công của Đối thoại lần thứ 7 diễn ra tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 1/2015, cuộc đối thoại lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương vững mạnh và ngày càng phát triển giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như phản ánh cam kết chung của hai nước đối với việc bảo đảm cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và an ninh.

Giới quan sát rất quan tâm đến chủ đề thương mại quốc phòng. Hồi cuối tháng 5, khi đến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đó đã hoan nghênh quyết định này của Mỹ, và bình luận rằng điều này cho thấy hai nước đã có quan hệ bình thường hoàn toàn. - VOA
|
|

10.
Thủ tướng 'được tư vấn sai' khi nói khó lấy bồi thường nếu khởi tố Formosa?

Các trang tin lớn của Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ cử tri Hải Phòng hôm 3/8. Tin cho hay nhiều cử tri “bày tỏ bức xúc” về việc một nhà máy của tập đoàn Formosa, Đài Loan, chưa chính thức vận hành đã xả chất thải độc hại ra biển ở Hà Tĩnh. 

Một cử tri là Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, đưa ra lời cảnh báo rùng rợn rằng nếu nhà chức trách Việt Nam “không quan tâm đến môi trường”, sau 10 năm có thể sẽ “thấy quái thai hàng loạt ở các tỉnh ven biển”. 

Cựu chiến binh Cải đề nghị thủ tướng cho biết việc cấp đất cho Formosa xây dựng nhà máy trong 70 năm là đúng hay sai. Ông Cải kiến nghị phải sửa luật nếu cần thiết và “phải xử lý người làm sai”.

Theo báo chí Việt Nam, Thủ tướng Phúc “khẳng định ý kiến của thiếu tướng Cải rất đúng, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp thu ý kiến này”.

Thủ tướng trả lời các cử tri rằng việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm ở Hà Tĩnh là đúng. Ông giải thích là luật hiện hành của Việt Nam “quy định nếu dự án có đầu tư lớn, ở vùng đặc biệt khó khăn với tổng vốn gần 11 tỉ đôla thì được ưu đãi”.

Riêng về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phúc khẳng định sai phạm của Formosa đã rõ. Ông tỏ ra kiên quyết khi nói rằng họ phải bị “xử lý nghiêm” và “nếu tái diễn thì đóng cửa”.

Báo chí cũng ghi nhận thủ tướng Việt Nam nói với các cử tri Hải Phòng rằng nhà chức trách không khởi tố vụ Formosa vì “nếu khởi tố thì 30 năm sau chưa đền bù được, lấy được tiền đền bù của họ rất phức tạp”.

Về lời phát biểu nêu trên của Thủ tướng Phúc, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cho rằng trên thế giới có những vụ kiện về môi trường khác nhau, thời gian giải quyết khác nhau, song trong trường hợp cụ thể ở Hà Tĩnh, có thể không mất rất nhiều năm. Ông Hải nói với VOA:

“Tôi cho rằng là ông Phúc có thể đã nhận được sự tư vấn sai. Tôi nghĩ là có sự tư vấn sai của cái nhóm chuyên gia về pháp lý nào đấy đối với ông Phúc. Trong trường hợp này chính quyền Việt Nam có thể sử dụng tất cả các khả năng pháp luật của mình để yêu cầu Formosa bồi thường. Còn hiện nay vấn đề khởi tố vụ án hay không, thì tôi nghĩ rằng nếu đủ điều kiện thì phải khởi tố vụ án”.

Tuy nhiên, Luật sư Hải cũng chỉ ra rằng do Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam đang tạm hoãn áp dụng, nên hiện nay nhà chức trách không thể khởi tố vụ án đối với pháp nhân – tức là một công ty hay một tổ chức, mà chỉ có thể khởi tố đối với cá nhân, nhưng kể cả việc truy trách nhiệm cá nhân cũng không đơn giản. Ông Hải phân tích:

“Cá nhân là ai? Đây là một sự thật là xác định không dễ. Xác định người trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu hay là ông chủ gây ra? Nhưng ông chủ thì chịu trách nhiệm về dân sự. Nhưng nhà thầu thì chịu trách nhiệm trực tiếp về hình sự nếu là người gây ra [ô nhiễm]. Theo tôi hiểu, cũng là một mớ bòng bong cũng không dễ chấm dứt, cũng mất mấy năm ở Việt Nam”.

Mặc dù khó, vị luật sư vẫn cho rằng có thể khởi tố hình sự vụ án được vì vụ Formosa “có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, ngoài ra ông Hải cũng chỉ ra rằng theo luật Việt Nam, các tội liên quan đến môi trường có thể khởi tố mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Cuối tháng 6, chính phủ Việt Nam họp báo tuyên bố Formosa đã gây thảm họa ô nhiễm biển ở miền trung. Hãng này đã nhận trách nhiệm, đồng thời chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục.

Tuy nhiên, mới đây ngư dân Mai Thạnh ở Hà Tĩnh, một trong những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc, nói với VOA rằng ông chưa nhận được “bất kỳ khoản nào” từ số tiền vừa kể. - VOA

No comments:

Post a Comment