Monday, August 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/8

Tin Thế Giới

1.
Chủ tịch TQ đưa nhân vật thân cận tới vùng biên giáp Việt Nam --- TQ sẽ tự chế tạo động cơ máy bay --- TQ sợ Phương Tây phá hoại Thượng Đỉnh G20 Hàng Châu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa nhân vật thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với Việt Nam.

Trong một bản tin ngắn đăng hôm 28/8, Tân Hoa Xã cho biết rằng ông Tập đã bổ nhiệm ông Trần Hảo và Đỗ Gia Hào, hai người từng có thời làm việc chung với ông tới đảm nhiệm vị trí bí thư tỉnh ủy Vân Nam ở tây nam nước này, giáp với Việt Nam, cũng như tại tỉnh đông dân là Hồ Nam.

Cả ông Trần và ông Đỗ từng làm việc với ông Tập khi Chủ tịch Trung Quốc làm bí thư của trung tâm tài chính Thượng Hải năm 2007.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên hiểu rõ tình hình của giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng “ông Tập có mối quan hệ thân cận với cả hai quan chức này”.

Theo nhận định của giới quan sát, đây được coi là cuộc “thay máu” quan trọng ở cấp lãnh đạo tỉnh trước khi Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng 5 năm một lần vào năm 2017.

Không chỉ giáp ranh với Việt Nam, Vân Nam còn nằm sát Myanmar và Lào.

Ngoài Vân Nam và Hồ Nam, theo Tân Hoa Xã, Tây Tạng cũng có tân bí thư.

Đưa tin về sự thay đổi nhân sự này, báo Lao Động của Việt Nam viết rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội lần tiếp theo vào mùa thu 2017, trong đó dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm quyền lực bằng việc bổ nhiệm những đồng minh thân cận vào các vị trí vòng trong của đảng, bộ chính trị và ủy ban thường vụ bộ chính trị”.

​“Thưởng công”

Vài tháng trước, việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm Tướng Lý Tác Thành, người được mệnh danh là “sát thủ” trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, cũng gây chú ý.

Các nhà quan sát nhận định, ông Lý được coi là sẽ giúp quân đội Trung Quốc trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang nóng lên.

Ông Lý, 63 tuổi, được chỉ định làm tư lệnh Quân chủng Lục quân mới được thành lập của quân đội Trung Quốc. Ông là một trong số 7 vị tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm trận mạc.

Ông gia nhập quân ngũ năm 1970, và tin nói ông từng bị thương trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng từ chối “ngưng chiến đấu”.

Ngoài khía cạnh quân sự, các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này giúp Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một số mục tiêu chính trị.

Báo điện tử Một thế giới chạy hàng tít: “Trung Quốc: Tướng tham gia chiến tranh biên giới Việt -Trung được trọng dụng”.

Tờ này gọi việc bổ nhiệm của ông Tập là sự “thưởng công cho tướng trung thành”.

Còn tờ Giáo dục gọi ông Lý là một trong hai viên tướng "sát thủ" nhất trong Chiến tranh Biên giới Việt-Trung. - VOA

***
Trung Quốc ra mắt hãng chế tạo động cơ máy bay đầu tiên của riêng mình trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây.

Hãng chế tạo động cơ máy bay thuộc sở hữu nhà nước, Aero-Engine Group, được thành lập dựa trên sự hợp nhất của những công ty sản xuất động cơ máy bay có sẵn, truyền thông địa phương tường thuật.

Hãng mới thành lập có vốn đăng ký là 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương 7,5 tỷ đôla Mỹ, và sẽ phát triển động cơ cho cả máy bay quốc phòng lẫn máy bay dân sự.

Trung Quốc đã sản xuất được máy bay riêng, nhưng trong nhiều thập kỷ qua vẫn gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.

‘Bước tiến chiến lược’

Hiện Trung Quốc vẫn đang phải mua động cơ máy bay dân sự từ hãng General Electric và hãng Pratt & Whitney thuộc United Technologies. Trong khi đó các phi cơ quân sự của Trung Quốc thì sử dụng động cơ do Nga sản xuất.

Tân Hoa Xã đưa tin nói Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá việc thành lập hãng chế tạo động cơ máy bay của Trung Quốc là một ‘bước tiến chiến lược’ trong việc đưa tên tuổi của nước này trở thành một thế lực trong ngành hàng không của thế giới.

Chính phủ Trung Quốc cũng như Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn chế tạo máy bay dân sự Trung Quốc (Comac) là những nhà đầu tư, bỏ vốn vào hãng mới thành lập.

AVIC là tập đoàn chuyên sản xuất phi cơ và trực thăng quân sự, trong khi Comac là hãng sản xuất ra chiếc máy bay dân dụng lớn nhất của Trung Quốc, phi cơ C919. - BBC

***
Trung Quốc đang hy vọng củng cố vị thế cường quốc toàn cầu của mình khi tiếp đón lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất của thế giới trong hai ngày 04-05/09/2016. Thế nhưng Bắc Kinh đang nghi ngờ rằng phương Tây cùng các đồng minh sẽ cố phủ nhận chỗ đứng mà Bắc Kinh xem là quyền đương nhiên của họ trên sân khấu thế giới.

Đối với giới quan sát, vấn đề bảo đảm sao cho cho việc này không thể xẩy ra hiển nhiên sẽ là một trong những ưu tiên của ông Tập Cận Bình, và là chỉ dấu quan trọng giúp Trung Quốc đánh giá thành công của Hội nghị G20.

Theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu để vạch ra một chiến lược tăng trưởng toàn cầu rộng lớn, nhưng các cuộc thảo luận kinh tế có nguy cơ bị nhiều cuộc tranh cãi khác che khuất, từ vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cho đến chính sách bảo hộ mậu dịch.
Một đặc phái cao cấp phương Tây nhận định: "Nhìn từ Trung Quốc, dường như là họ đang bị Hoa Kỳ cố bao vây". Theo nhân vật này, tranh chấp Biển Đông và việc triển lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc như đã chi phối mọi cuộc trao đổi với phía Trung Quốc trước G20.

Gần đây, Trung Quốc cũng rất khó chịu trước phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh với các láng giềng. Philippines là nước đâm đơn kiện, nhưng Bắc Kinh lại đổ tội lên đầu Washington.

Vào lúc mà Trung Quốc muốn sự kiện quan trọng nhất mà họ tổ chức trong năm thành công mỹ mãn, thì ông Tập Cận Bình sẽ bị sức ép mạnh từ bên trong, muốn ông cứng rắn trước những thách thức đối với uy quyền của ông như vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã từng nói rõ là không muốn thấy những vấn đề như kể trên khuấy động hội nghị, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Obama, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều lãnh đạo thế giới khác.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã bình luận rộng rãi về vai trò của Trung Quốc, Hội nghị G20 là dịp để Trung Quốc cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc uốn nắn các quy tắc điều hành thế giới, và củng cố đà tăng trưởng toàn cầu một cách bền vững. Tờ Nhân Dân Nhật Báo còn thấy đây sẽ là một trong những hội nghị G20 có hiệu quả nhất trong tất cả các hội nghị G20 từ trước đến nay. Trong bài xã luận vào tuần trước, tờ báo kêu gọi "hãy hợp tác cao hơn nữa".

Tuy nhiên vào giữa tháng 8/2016, tờ báo nhà nước Study Times lại viết là các nước phương Tây đã cố loại trừ một nước Trung Quốc đang vươn lên và phủ nhận tiếng nói của quốc gia này trên sân khấu thế giới với những với những mô hình như hiệp định TPP - Trans-Pacific Partnership - do Mỹ dẫn đầu.

Nói về G20, tờ báo có uy tín này còn bình luận: "Cố gắng để trở lại quyền điều hành chung, họ đang xây dựng một ‘liên minh thần thánh’ mới, áp đặt những quy luật mới… sẽ gạt Trung Quốc qua một bên".

Anh và Úc làm Trung Quốc tức giận

Bắc Kinh hiện cũng đang rất tức giận trước những nghi vấn mà Anh và Úc nêu lên liên quan đến các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc vào hai quốc gia này. Bắc Kinh cho là Luân Đôn và Canberra có hơi hướm bảo vệ mậu dich và lo sợ vô căn cứ.

Úc đã ngăn chận một thượng vụ trị giá 10 tỷ đô la Úc – 7,7 tỷ đô la Mỹ, không bán cho Trung Quốc tập đoàn năng lượng lớn nhất của Úc, trong lúc Anh thì đình chỉ kế hoạch đầu tư 24 tỷ đô la của Trung Quốc vào một đề án điện hạt nhân.

Ngược lại thì các viên chức phương Tây cũng nêu lên mối quan ngại về khả năng các công ty của họ tiếp cận được thị trường Trung Quốc, và càng lúc càng không e ngại nêu lên vấn đề.

Joerg Wuttke, chủ tich Phòng Thương Mại Châu Âu ở Trung Quốc cho biết có một sự thay đổi giọng điệu nơi các quan chức Châu Âu, ngày càng nêu lên nỗi bất bình trước những vấn đề kinh tế Trung Quốc bị quả tải và khó khăn của các công ty Châu Âu trong việc thăm nhập thị trường Trung Quốc.

Joerg Wuttke giải thích với Reuters: "Đã tới mức mà không ai còn sợ lên tiếng nữa cả. Họ nghĩ là họ phải cứng rắn hơn".

Một viên chức Châu Âu có liên can đến một số vấn đề thương mại đã rất bực tức thái độ bảo hộ mậu dịch của Trung Quốc.

"Quý vị mà dám nói là muốn mua lại một trong những mạng lưới điện của Trung Quốc thì lập tức sẽ bị họ bị hạ gục ngay, nói một câu cũng không dứt được".

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy là không phải cái gì cũng thuận buồm xuôi gió ở Hội Nghị G20.

Một nhà ngoại giao phương Tây quen thuộc với hội nghị thượng đỉnh đánh giá là "Trung Quốc hiện đang giận hầu như tất cả mọi người."

Một nhà ngoại giao khác cho là chắc chắn Trung Quốc sẽ muốn cho G20 diễn ra êm ả, vì "đấy là vấn đề thể diện quốc gia". Nhưng cũng không phải là điều bất thường khi hội nghị G20 bị các chủ đề ngoài kinh tế chiếm đoạt. Cho nên đấy là "một bãi mìn đối với Trung Quốc".

Nhật bực bội

Rồi còn Nhật Bản, một nước mà Trung Quốc có tranh chấp hàng thập niên qua với quá khứ chiến tranh và chủ quyền biển đảo ở Biển Hoa Đông.

Tuần qua, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật có thái độ "xây dựng" ở hội nghị G20, với nỗi lo sợ ngày sâu hơn ở Bắc Kinh là Nhật dấn thân sâu vào tranh chấp Biển Đông theo khuyến dụ của đồng minh Hoa Kỳ.

Một chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc Tế, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc bảo trợ, đã viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo là càng gần đến G20 thì Nhật càng tìm cách gây rối: "Nhật gây rối ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, hỗ trợ Philippines và thúc giục Trung Quốc tôn trọng kết quả cái gọi là ‘thủ tục trọng tài".

Theo nhân vật này, Nhật đang chơi lại những trò cũ, và khó có thể không nghĩ là Nhật đang cố làm mọi chuyện rối loạn lên. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Philippines sẵn sàng "tạm gác" phán quyết Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải chăng đang áp dụng sách lược vừa cứng, vừa mềm với Trung Quốc ? Sau khi cho biết là sẽ dùng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông khi đàm phán với Trung Quốc, vào hôm nay, 29/08/2016, ông lại tung ra tín hiệu trái ngược khi cho biết sẵn sàng tạm gác phán quyết qua một bên khi giải quyết tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.

Theo báo chí Philippines, trong bài phát biểu của mình nhân một buổi lễ ở Libingan, có mặt đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa, ông Duterte đã nói thẳng với vị khách mời rằng ông không muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc, và ông sẽ giữ im lặng trên vấn đề tranh chấp Biển Đông vì điều đó có thể dẫn đến việc đình chỉ các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Báo Philippine Star trích nguyên văn lời ông Duterte như sau: "Tôi sẽ không sử dụng phán quyết trọng tài vào lúc này, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ ngồi trước mặt đại diện của quý quốc hay chính ngài, và khi đó tôi sẽ bộc lộ quan điểm của tôi và tôi sẽ nói rằng tôi không thể nào từ bỏ nội dung của phán quyết đó, và đó là phán quyết trọng tài".

Ngày 26/08, tổng thống Duterte cho biết là trong cuộc hội đàm nhiều giờ với đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông đã nói đến việc không thể từ bỏ nội dung của phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Còn hôm nay, tổng thống Philippines đã đề nghị thêm với Trung Quốc là hai bên cùng nên "hạ cánh êm nhẹ" trong mọi lãnh vực. Ông cũng không ngần ngại nói đùa là ông muốn có thêm thời gian để cho Philippines kịp xây dựng lực lượng của mình chống lại Trung Quốc.

Tổng thống Duterte cũng không ngần ngại yêu cầu thẳng đại sứ Trung Quốc là Bắc Kinh phải chú ý đến hoàn cảnh khó khăn mà ngư dân Philippines phải chịu khi đánh bắt quanh các vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Philippines kêu gọi Trung Quốc đối xử với người Philippines như là anh em, vì bản thân ông cũng có "dòng máu Trung Hoa" trong người. - RFI
|
|

3.
Báo Ấn Độ: Thủ tướng Modi thăm Việt Nam để khẳng định vai trò của New Delhi ở Đông Nam Á

Báo chí Ấn Độ hôm nay, 29/08/2016 tiết lộ một số nội dung về chuyến ghé thăm Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/09 tới đây nhân dịp ông đến Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu. Đối với báo chí Ấn Độ, mục tiêu của ông Modi chính là khẳng định sự hiện diện của nước này trong khu vực Đông Nam Á vào lúc Trung Quốc không che giấu tham vọng bành trướng tại Biển Đông.

Chính sách chung của Ấn Độ hiện nay đối với Việt Nam là sẽ tăng thêm phần giúp đỡ quân đội, cả trên phương diện tài chính lẫn huấn luyện, trợ giúp trong lĩnh vực không gian, đầu tư nhiều hơn cũng như mua thêm phần hùn trong các lô dầu khí.

Một số nguồn thạo tin đã cho Economic Times biết là đỉnh cao chuyến công du kéo dài một ngày tại Việt Nam của thủ tướng Ấn Độ sẽ là việc ký kết hợp đồng cung cấp bốn chiếc tàu tuần tra cho quân đội Việt Nam, trong khuôn khổ ngân khoản 100 triệu đô la tín dụng được thông qua nhân chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam vào tháng 10/2014.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể trợ giúp thêm Việt Nam về mặt tài chánh để nâng cao năng lực quân sự, như tăng số lượng cán bộ lực lượng vũ trang được Ấn Độ đào tạo, hỗ trợ thêm trong việc sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự. Sự giúp đỡ về mặt quốc phòng của New Delhi cho Hà Nội nhằm mục đích tăng cường năng lực của quân đội Việt Nam.

Theo Economic Times, trong khối ASEAN, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong hai đối tác chiến lược hàng đầu của Ấn Độ. Mọi người đều chú ý đến quan hệ đối tác quốc phòng Ấn-Việt ngày càng tăng, nhưng bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác với nhau trong lãnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng. Một kết quả quan trọng của chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của ông Modi có thể là một tài liệu về hợp tác an ninh mạng.

Theo ghi nhận của Economic Times, quan hệ thân hữu giữa New Delhi và Hà Nội đã trở nên gắn bó hơn trong một thập niên gần đấy trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và lộ rõ tham vọng ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Biển Đông.

Việc ông Modi chọn ghé thăm Việt Nam, một bên tranh chấp ở Biển Đông, trước khi đến Trung Quốc, rồi sau đó là Lào để tham dự các hội nghị với ASEAN và khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS, tự nó đã mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng. - RFI
|
|

4.
Lào có dấu hiệu xa lánh Trung Quốc

Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên công du Lào trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này vừa thay đổi ban lãnh đạo. Vốn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, liệu với thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và sự có mặt của ông Barack Obama có là cơ hội để Vientiane mạnh dạn giữ khoảng cách với Trung Quốc, thắt chặt thêm quan hệ với Việt Nam và thân thiện hơn với Mỹ ?

Hiếm khi nào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lại được chú ý nhiều đến như lần này. Trong cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, Lào tổ chức thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 mở ra từ ngày 06 đến 08/09/2016 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là sự có mặt của tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama.

Theo giới phân tích, đối với chủ nhân Nhà Trắng, thượng đỉnh Vientiane 2016 là cơ hội để tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục" của Washington sang Châu Á, nhằm đối phó với đà vươn lên cả về mặt kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Lào, một quốc gia nhỏ bé với 7 triệu dân, có đường biên giới chung với Trung Quốc và Việt Nam cho nên về mặt kinh tế, chính trị, Vientiane lệ thuộc nhiều vào hai nước láng giềng này.

Với Trung Quốc, Lào có đường biên giới phía bắc. Năm 2015 Trung Quốc đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Khách sạn do người Trung Quốc quản lý mọc lên như nấm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó là hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp hay các dự án xây dựng đập thủy điện.

Còn với Việt Nam, Lào chia sẻ một đường biên giới dài hơn 2100 cây số, Việt Nam là cửa ngõ mở ra đại dương.Trong mắt chính quyền Hà Nội, thì Lào là cánh cổng để hàng hóa của Việt Nam dễ tiếp cận hơn với thị trường Thái Lan và còn hơn thế nữa. Thêm vào đó, Việt Nam, Lào và Trung Quốc cùng chia sẻ dòng sông Mêkông.

Về mặt chiến lược, Việt Nam và Trung Quốc cùng chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với Lào. Vientiane tham vọng trở thành nguồn cung cấp thủy điện cho các nước lân cận, nhờ khai thác các nhà máy được xây dựng bên dòng sông Mêkong. Còn nhìn từ phía Bắc Kinh thì Lào là cổng vào Đông Nam Á trên con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cho đến thời gian rất gần đây, chính phủ Lào có khuynh hướng ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn là về phía Việt Nam. Đặc biệt là trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Lào từng bị chỉ trích là đã bị Bắc Kinh mua chuộc.

Vientiane còn là một quốc gia khép kín. Ít có thông tin về chính sách đối ngoại của quốc gia này, nhưng theo một nhà ngoại giao phương Tây được hãng tin Reuters trích dẫn, dường như đang có một số thay đổi về mặt chiến lược của Lào.

Trước hết là phó thủ tướng Somsavat Lengsavat, một nhân vật nổi tiếng là thân Bắc Kinh đã về hưu. Ông này là người đã bật đèn xanh cho dự án đường sắt Trung Quốc tại Lào, tổng trị giá đầu tư lên tới 7 tỷ đô la. Có điều dự án đầy tham vọng nói trên ngày càng bị công luận chỉ trích vì cho là bất lợi cho phía Lào.

Một dấu hiệu thứ nhì cho thấy, Vientiane đang thắt chặt hơn quan hệ với Việt Nam là kể từ khi thay đổi chính phủ Lào hồi tháng 4/2016, nhiều người thân cận với tân thủ tướng Thongloun Sisoulith từng được đào tạo tại Hà Nội. Bản thân thủ tướng Lào thì đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên để đến Việt Nam.

Hơn nữa, về mặt văn hóa, Lào cũng gần gũi với Việt Nam hơn là với Trung Quốc. Cuối cùng, trong hợp tác về kinh tế, Lào ngày càng bất mãn với thái độ ỉ lớn ăn hiếp nhỏ của các doanh nhân Trung Quốc. Đó cũng là một yếu tố giải thích vì sao, cho dù phải dựa nhiều vào Bắc Kinh nhưng Vientiane vẫn thận trọng với đối tác quá to lớn này.

Sau cùng, thêm một dấu hiệu thứ ba cho thấy Lào đang giữ khoảng cách với Trung Quốc đó là, tại hai cuộc họp ASEAN gần đây, khác với phái đoàn Cam Bốt, đại diện của Vientiane đã dè dặt hơn trong việc bênh vực Bắc Kinh về hồ sơ Biển Đông.

Vẫn Reuters trích dẫn lời một người trong cuộc cho rằng, chính quyền mới ở Vientiane có vẻ thân thiện với Việt Nam hơn, thì việc tổng thống Mỹ công du nước Lào "sẽ không bao giờ là quá trễ". Còn theo lời một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, "Lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở Lào là chứng kiến quốc gia này thể hiện được mức độ tự chủ chiến lược nhất định, vì Washington không muốn thấy Lào thân Trung Quốc như Cam Bốt".

Một quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ xin được giấu tên không bình luận về tầm mức chiến lược trong quan hệ của Hoa Kỳ với Lào, nhưng khẳng định Vientiane là "đối tác quan trọng" của Washington. - RFI
|

5.
Tổng thống Brazil bào chữa trước Thượng viện

Tổng thống Brazil đang bị tạm đình chỉ, bà Dilma Rousseff, tự bào chữa trong phiên điều trần về gây thâm hụt ngân quỹ trước Thượng viện.

Bà bị cáo buộc đã thay đổi thông số ngân quỹ một cách phi pháp nhằm che giấu mức thâm hụt ngày càng lớn.

Bà Rousseff nói lương tâm của bà "hoàn toàn trong sạch" và rằng bà không phạm bất kỳ tội n

Các thượng nghị sỹ sẽ bỏ phiếu trong tuần này để đi tới quyết định bãi nhiệm vĩnh viễn hay sẽ phục chức cho bà Rousseff.

Bà Rousseff bị cáo buộc đã di chuyển các khoản quỹ trong ngân sách chính phủ, điều bị coi là bất hợp pháp theo luật Brazil.

Những người chỉ trích bà nói bà đã cố gắng che đậy lỗ hổng tài chính bằng các chương trình xã hội nhằm đẩy mạnh cơ hội tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai của bà hồi tháng Mười 2014.

'Tiếp tục đấu tranh'

Bà Rousseff bắt đầu phần bào chữa bằng lời nhắc nhở các Thượng nghị sỹ rằng bà đã tái đắc cử với hơn 54 triệu cử tri ủng hộ.

Bà nói bà vẫn luôn trân trọng và duy trì Hiến pháp của đất nước.

Bà cũng nhắc các thượng nghị sỹ nhớ về quá khứ của bà là kháng chiến quân từng chiến đấu chống lại sự cai trị của quân đội.

Bà nói ngay cả khi bị tra tấn bà vẫn tiếp tục đấu tranh.

Cuộc đấu tranh của bà là để có được xã hội bình đẳng hơn và rằng những thành tựu của chính phủ của bà trong lĩnh vực này "đang gặp nguy hiểm", nữ tổng thống đang bị đình chỉ nói.

Bà nói thêm, bà quyết tâm tiếp tục chiến đấu chống lại những vụ tấn công nhằm vào bà, mà bà gọi là để dẫn tới một cuộc "đảo chính".

Bà Rousseff cho rằng bà bị "cáo buộc bất công" về những tội mà bà không phạm phải. "Tôi phải nếm vị đắng của sự bất công," bà nói.

'Bỏ phiếu cho nền dân chủ!'

Bà cũng cảnh báo về những hiểm họa mà chính phủ tạm quyền của Tổng thống Michel Temer có thể gây ra.

Bà Rousseff nói chính quyền của ông Temer sẽ giới hạn chi tiêu công và hành động phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ những người nắm quyền lực kinh tế.

"Tương lai của Brazil đang gặp nguy hiểm," bà nói.

Bà kết thúc phần bào chữa của mình bằng việc nói về thời gian bị giam giữ, rồi ngừng lại trong giây lát vì xúc động khi nhắc tới khoảng thời gian bị ngược đãi mà bà phải chịu đựng "từ ngày này qua ngày khác".

Bà cảm ơn những thượng nghị sỹ đã đấu tranh xóa tội cho bà trước khi yêu cầu những người phản đối bà hãy "bỏ phiếu chống lại luận tội, bỏ phiếu vì nền dân chủ".

Các thượng nghị sỹ từ Đảng Lao động của bà đứng dậy và vỗ tay hoan nghênh khi bà kết thúc, trong lúc phía đối thủ ngồi im với khuôn mặt vô cảm.

Sau phần bào chữa, các thượng nghị sỹ bắt đầu chất vấn bà.

Cuộc bỏ phiếu luận tội dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Ba 30/08 nhưng các nhà phân tích nói có thể sẽ phải đợi tới ngày thứ Tư.

Để bãi nhiệm vĩnh viễn bà Rousseff, phải có ít nhất 54 trên tổng số 81 thượng nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ luận tội.

Nhật báo Folha de Sao Paulo của Brazil đưa tin tờ báo này đã nói chuyện với toàn bộ các thượng nghị sỹ trước phiên bỏ phiếu và đã có 52 người tuyên bố ủng hộ luận tội.

18 người nói với báo này rằng họ phản đối, và 11 người không nói rõ về quyết định của mình, hoặc chưa biết sẽ bỏ phiếu chống hay thuận.

Nếu bà Rousseff, năm nay 68 tuổi, bị luận tội, Tổng thống tạm quyền Michel Temer sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới khi hết nhiệm kỳ của bà, kết thúc vào tháng 12/2018.

Ông Temer, từng là Phó Tổng thống của bà Rousseff, tạm thay thế bà hồi tháng Năm khi bà bị đình chỉ chức vụ. - BBC
|
|

6.
Singapore xác nhận 41 ca nhiễm Zika

Singapore xác nhận 41 ca nhiễm virus Zika do lây truyền tại địa phương.

Hầu hết các ca nhiễm là công nhân xây dựng người nước ngoài, sống hoặc làm việc trong cùng khu vực ở nước này, Bộ Y tế Singapore cho biết.

Không có bệnh nhân nào được biết có đi đến các khu vực có bệnh Zika gần đây. 34 người đã hoàn toàn hồi phục, nhưng bảy bệnh nhân vẫn còn nằm việ

Bệnh Zika tương đối có tác động nhẹ nhưng lại liên quan đến những ca làm thai nhi bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Người ta nghi ngờ căn bệnh này gây ra chứng bệnh nhỏ đầu (microcephaly), một biến dạng khiến các em bé sinh ra có đầu bị nhỏ.

Bệnh Zika lây truyền do muỗi và qua đường tình dục. Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố căn bệnh là vấn đề khẩn cấp về y tế cộng đồng toàn cầu.

Triệu chứng nhiễm virus Zika

Các ca chết vì căn bệnh này hiếm và chỉ có 1 trong 5 người nhiễm được cho là có triệu chứng phát triển bệnh.

Các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, đau mắt(mắt đỏ, cay), đau đầu, đau cơ hoặc phát ban.

Chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, triệu chứng Guillain-Barre, có thể gây tê liệt tạm thời, cũng có liên quan đến căn bệnh này.

Không có vac-xin ngừa hay thuốc điều trị, vì thế bệnh nhân được khuyên nên nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng.

Singapore tuyên bố ca nhiễm bệnh Zika đầu tiên từ nước ngoài vào hôm tháng 5/2016, là một người địa phương 48 tuổi đến Brazil, nơi dịch bùng phát.

Hôm thứ Bảy 27/8, nước này tuyên bố một phụ nữ Malaysia 37 tuổi đã bị nhiễm virus này tại địa phương. Cô là bệnh nhân nữ duy nhất nhiễm bệnh cho tới thời điểm này.

36 người trong 41 ca bệnh được công bố hôm Chủ Nhật 28/8 là công nhân nước ngoài làm việc tại cùng công trường xây dựng.

Công trường đã bị tạm dừng sau khi khu vực bị phát hiện "không đạt yêu cầu với môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản".

Bộ Y tế Singapore ra thông cáo họ sẽ không "loại trừ sự lây nhiễm xa hơn trong cộng đồng, vì có nhiều người kiểm tra dương tính với bệnh cũng sống và làm việc ở nhiều nơi khác tại Singapre."

"Chúng tôi trông đợi sẽ xác định thêm những ca dương tính mới," thông cáo cho biết. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Nasa kết thúc dự án mô phỏng Sao Hỏa

Một nhóm sáu người đã hoàn thành chương trình mô phỏng Sao Hỏa tại Hawaii, nơi họ sống hoàn toàn trong tình trạng cô lập suốt một năm.

Từ 29/8/2015, nhóm đã sống trong một một khối cầu, không có nước sạch, thức ăn tươi và cũng không có không gian riêng tư.

Các chuyên gia ước tính một nhiệm vụ có con người đến Hành tinh Đỏ cũng sẽ kéo dài từ 1 -3 năm như vậy.

Nghiên cứu do Nasa tài trợ được thực hiện bởi Đại học Hawai là chương trình kéo dài nhất kể từ một nghiên cứu trước đây của Nga kéo dài 520 ngày.

Sống sót một năm trong tình trạng bị cô lập, các thành viên trong nhóm nói họ tự tin rằng một nhiệm vụ đến Sao Hỏa có thể thành công.

"Tôi có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình là một nhiệm vụ đến Sao Hỏa trong tương lai gần là thực tế," Cyprien Verseux, một thành viên của đoàn đến từ Pháp, nói với các phóng viên. "Tôi nghĩ các khó khăn về tâm lý và công nghệ có thể vượt qua được."

Tristan Bassingthwaighte, một tiến sĩ ngành kiến trúc từ Đại học Hawaii, ca ngợi nghiên cứu đã tìm hiểu về yếu tố con người trong du hành vũ trụ.

"Nghiên cứu tiến hành tại đây sẽ cực kỳ quan trọng khi chọn lựa phi hành đoàn, tìm hiểu ra cách con người thực sự làm việc ra sao trong những nhiệm vụ khác nhau, và các yếu tố con người trong du hành không gian, định cư, hay bất cứ gì mà bạn đang tìm kiếm," ông nói.

Nhóm gồm có một nhà sinh học không gian người Pháp, một nhà vật lý học người Đức, và bốn người Mỹ, gồm một phi công, một kiến trúc sư, một phóng viên và một nhà nghiên cứu địa chất.

Thử nghiệm tiến hành để khám phá các nhân tố con người khi du hành khám phá.

Trong khi tiến hành nghiên cứu, nhóm sáu người phải sống trong tình trạng bị giới hạn nguồn lực, mặc áo phi hành gia khi đi ra ngoài khối cầu, và phải tìm cách tránh xung đột cá nhân.

Mỗi người có một chiếc võng ngủ nhỏ và bàn làm việc trong phòng. Thực phẩm gồm có phô mai bột và cá hồi đóng hộp.

Thông thường nhiệm vụ đến các Trạm không gian chỉ kéo dài sáu tháng. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

8.
Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM tuyên bố bỏ đảng Cộng sản

Ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, vừa gửi thư cho chi bộ đảng Cộng sản nơi ông cư ngụ để thông báo về quyết định “từ bỏ Đảng” kể từ ngày 26/8 vì “không thể chấp nhận một tổ chức đoàn thể đang hoạt động trong đất nước Việt Nam mà không chấp hành luật pháp Việt Nam”.

Trong thư, ông Võ Văn Thôn, 76 tuổi, cho biết ông đã bị quận ủy quận 3 đề nghị kiểm điểm về việc tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố, không chấp hành các quy định trong đảng.

Ông Thôn cũng cho biết trong thư rằng ông đã báo cáo xin ý kiến của chi bộ. Sau khi chi bộ biểu quyết, có 6 ý kiến đồng ý và không có ý kiến không đồng ý. Nhưng sau khi ông nộp đơn tự ứng cử, đảng ủy phường, thường vụ quận ủy đã mời ông Thôn ra phường và khuyên ông rút đơn vì “tuổi cao sức yếu”.

Trả lời đài VOA, ông Thôn cho biết:

“Đảng – mình vô một tổ chức nào đó - mục đích là một phương tiện để mình hoạt động, thực hiện một việc gì đó. Ví dụ như trước đây chúng tôi tham gia [đảng Cộng sản] để giải phóng đất nước độc lập, thống nhất. Còn bây giờ chuyện đó đã hoàn thành rồi. Bây giờ nếu có gì vui vẻ thì cũng ở chơi cho vui, còn nếu hổng vui vẻ thì ra, chứ bây giờ đâu còn mục đích gì nữa đâu”.

Trong thư gửi chi bộ đảng, ông Võ Văn Thôn nói ông bị “ép buộc kiểm điểm” về việc tự ứng cử mà ông cho là thi hành đúng quy định của luật pháp nhà nước Việt Nam, và việc kỷ luật ông là “thể hiện Đảng không tôn trọng pháp luật nhà nước Việt Nam”.

Ông Võ Văn Thôn từng giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3 và Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. - VOA
|
|

9.
Phó GĐ Sở TTTT Quảng Nam bác tin loa phát thanh nhiễu sóng Trung Quốc

Loa phát thanh ở Hội An bị nhiễu sóng tiếng Anh, chứ không phải tiếng Trung Quốc, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam khẳng định với đài VOA.

Ông Võ Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, cho VOA biết vụ nhiễu sóng tiếng Trung Quốc ở một số loa phát thanh phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, là “do báo đưa lộn”. 

Ông Thơ nói: “Không có vấn đề gì. Báo nó đưa lộn đó. Tần số của VOV nó bị nhiễu qua tiếng Anh chứ không phải tiếng Trung Quốc”.

Giới chức của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam xác nhận với VOA rằng sự cố đài VOV bị nhiễu sóng là do “đang thử nghiệm”. Ông Võ Văn Thơ cũng khẳng định từ trước tới nay chưa hề xảy ra hiện tượng nhiễu sóng tương tự tại địa phương.

Trước đó trong ngày 28/8, báo Tuổi Trẻ đưa tin nhiều người dân ở khu vực chợ Bà Lê đã rất bất ngờ khi nghe loa phát thanh của phường phát toàn tiếng Trung Quốc trong gần nửa giờ vào trưa 27/8.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, trưởng Đài truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết nguyên nhân vụ việc là do sự cố nhiễu sóng. Bà Cẩm xác nhận với Tuổi Trẻ rằng sự cố nhiễu sóng tiếng Trung Quốc trước đây đã xảy ra một lần, nhưng chỉ trong khoảng 3 – 5 phút. Bà Cẩm cho Tuổi Trẻ biết Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã “tham mưu” cho thành phố để “xử lý triệt để” hiện tượng này. Một trong những đề nghị của đài là xin cấp kinh phí để mua bộ lọc mã hóa chắn sóng chống nhiễu để cài đặt tại các đài truyền thanh xã, phường của Hội An.

Thông tin từ nhiều tờ báo Việt Nam cho biết hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc còn xảy ra ở các đài truyền thanh phường Cẩm Kim, Cẩm Thanh của thành phố Hội An.

Trước đây trong tháng 7, loa phát thanh phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, và loa phát thanh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng đã bị tình trạng nhiễu, chèn sóng Trung Quốc. - VOA

No comments:

Post a Comment