Thursday, June 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/6

Tin Thế Giới

1.
Tòa ấn định ngày (12/7) ra phán quyết vụ kiện Biển Đông --- Biển Đông: Mỹ sẽ triển khai thủy quân lục chiến từ 2019

Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc hôm 29/6 thông báo sẽ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines ở biển Đông vào ngày 12/7.

Đây được coi là một động thái bất thường khi tòa này cho biết trước ngày giờ ra quyết định về vụ kiện “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.

Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cho hay sẽ gửi phán quyết tới các bên liên quan vào ngày 12/7, và sẽ công bố kết luận trong cùng ngày.

Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận quyết định được nhiều người chờ đợi này, và đang ráo riết vận động hậu thuẫn ngoại giao từ nhiều nước.

Chính quyền của Tổng thống Philippines sắp rời nhiệm sở, ông Benigno Aquino, quyết định đưa Trung Quốc ra tòa đầu năm 2013.

Người tiền nhiệm của ông Aquino, tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte từng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa.

Người được mệnh danh là ‘Donald Trump của Philippines’ cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh nếu chính quyền này phớt lờ quyết định của Tòa trọng tài.  

Hiện có nhận định rằng Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài Quốc tế. - VOA

***
Theo Stars and Strips, một báo mạng của quân đội Mỹ, ngày 29/06/2016, kể từ năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ thường trực ở nam Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông.

Trong một cuộc nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Center for Strategic and International Studies/CSIS), ở Washington D.C., tư lệnh thủy quân lục chiến, tướng John Wissler, cho biết việc triển khai ở nam Thái Bình Dương cho phép quân đội Mỹ có thể hiện diện mạnh hơn tại khu vực rìa phía nam Biển Đông.

Hiện tại, đơn vị thủy quân lục chiến 31st của Hoa Kỳ, đồn trú tại đảo Okinawa, Nhật Bản, đảm trách các hoạt động tuần tra, diễn tập tại Thái Bình Dương, và sẵn sàng đối phó với các thiên tai, thảm họa. Nhờ bố trí thêm một đơn vị thủy quân lục chiến nói trên, lực lượng ở Okinawa sẽ tập trung vào khu vực bắc Thái Bình Dương. Lực lượng sắp được bố trí có khả năng tiến hành nhiều cuộc tuần tra 90 ngày tại Thái Bình Dương và các khu vực phụ cận.

Tư lệnh thủy quân lục chiến Wissler phát biểu tại CSIS, nhân dịp trung tâm này công bố một bản báo về dự án phát triển lực lượng tác chiến thủy-bộ của Mỹ tại Thái Bình Dương (“Land Together: Pacific Amphibious Development and Implications for the U.S. Fleet.”). Báo cáo khuyến nghị lãnh đạo Hạm đội 7 Thái Bình Dương thành lập một lực lượng đặc nhiệm cỡ nhỏ (Special Purpose Marine Air-Ground Task Force), có khả năng triển khai nhanh, nhằm đối phó với các bất trắc xảy ra trên một địa bàn rộng. Một lực lượng như vậy của Mỹ đang hoạt động tại châu Phi.

Sự hiện diện quân sự gia tăng của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bộc lộ rõ tham vọng kiểm soát Biển Đông, với việc xây dựng nhiều đảo nhân tạo và bố trí nhiều phương tiện quân sự hiện đại tại quần đảo Trường Sa, nơi nhiều quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác, như Việt Nam và Philippines, cũng đòi hỏi chủ quyền. Hoa Kỳ có kế hoạch tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. - RFI
|
|

2.
Ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines

Hôm nay, 30/06/2016, ông Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức tổng thống Philippines. Hồi đầu tháng Năm, cựu luật sư 71 tuổi đã giành được chiến thắng áp đảo, sau một cuộc tranh cử được đánh giá là hết sức ầm ĩ và quá thái.

Theo AFP, trái với thông lệ, lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Philippines diễn ra tại phủ tổng thống Malacanang, chứ không phải là trước một biển người trên quảng trường như những người tiền nhiệm. Trong bài diễn văn ngắn ngủi, ông Duterte tuyên bố nhiệm kỳ 6 năm của ông sẽ không êm đềm, mà là "một chuyến du hành đầy biến động".

Trong cuộc tranh cử, cựu thị trưởng Davao Rodrigo Duterte đặc biệt đã hứa hẹn sẽ tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm, ngay trong những tháng cầm quyền đầu tiên. Kể từ khi đắc cử, ông không mảy may thay đổi lập trường, liên tục đưa ra những tuyên bố ồn ào khiến Liên Hiệp Quốc phải nổi giận.

Ông Duterte bị cáo buộc đã đứng đằng sau cái chết của hơn 1.000 người, bị quy là tội phạm, trong thời gian còn làm thị trưởng Davao, theo giới bảo vệ nhân quyền. Hôm thứ Hai, 27/06, ông Duterte tái khẳng định chủ trương đàn áp tội phạm sắp tới, khi phê phán các nhà bảo vệ nhân quyền là ngớ ngấn và nhấn mạnh rằng án tử hình là dùng để trả thù.

Dù sao, trong diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Philippines cũng cam kết hành động trong khuôn khổ luật pháp, khi khẳng định "kiên định tinh thần thượng tôn pháp luật", "với tư cách một cựu luật sư và cựu công tố".

Thông tín viên Marianne Dardard tường trình từ Manila:

Ông Duterte tuyên chiến với nạn buôn lậu ma túy, lĩnh vực mà ông cho là cần được ưu tiên. Theo tổng thống Philippines, cần phải lập lại án tử hình và khen thưởng cho những ai bắn hạ các tội phạm. 

Quan điểm của ông Duterte không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Người dân Philippines chờ đợi Rodirgo Duterte chấm dứt nạn tham nhũng và phân phối công bằng hơn các nguồn lợi. 

Cho dù kinh tế tăng trưởng cao, một phần tư dân số Philippines vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Tân tổng thống cũng có sứ mạng củng cố hòa bình tại đảo Mindanao, miền nam Philippines, một trong những khu vực nghèo nhất, nơi hoành hành của các nhóm vũ trang cộng sản và Hồi Giáo cực đoan.

Chính quyền Duterte phải nối lại đàm phán với phe nổi dậy cộng sản. Nhiều tù binh sẽ phải được trả tự do. Tổng thống tân cử cũng sẵn sàng đối thoại với phong trào Abou Sayyaf, lực lượng có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (và bị Liên Hiệp Quốc coi là một tổ chức khủng bố). 

Cuối cùng, ông Duterte chủ trương xây dựng một thể chế liên bang tại Philippines, điều cho phép phe nổi dậy Hồi Giáo miền nam được hưởng quyền tự trị trên thực tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải sửa đổi Hiến Pháp. - RFI
|
|

3.
(Cựu Thị trưởng London) Boris Johnson: 'Tôi không ra tranh cử --- Anh: Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May nhiều khả năng trở thành thủ tướng

Cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson, vừa tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử vào chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh.

"Sau khi tham vấn với các đồng nghiệp và trong bối cảnh Quốc hội hiện nay, tôi đi tới kết luận rằng người đó không thể là tôi."

Trợ lý Trưởng biên tập chính trị của đài BBC, Norman Smith, nói quyết định của ông Michael Gove ra tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ khiến ông Boris Johnson quyết định sẽ không tham gia cuộc chạy đua vào chức vụ này.

Phóng viên BBC Norman Smith nói ông Boris Johnson "người có lẽ đã thắng trong chiến dịch vận động rời bỏ EU - Brexit", bằng cách mang đến cho phe này vai trò lãnh đạo nhưng "nay nhận ra rằng ông đã trở thành viên thuốc đắng đối với rất đông đảo người dân trên đất nước này".

Ông Boris Johnson không nêu tên người ông tin nên trở thành lãnh tụ của đảng Bảo Thủ.

Trước đó, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ và người ủng hộ chiến dịch vận động Anh ở lại EU, và Bộ trưởng Tư pháp, ông Michael Gove và là người ủng hộ Anh rời khỏi EU, cùng vừa tuyên bố trong ngày 30/06 ở London tuyên bố ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ để lên làm tân thủ tướng.

Hiện các báo Anh mô tả cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là chức thủ tướng là rất căng.

Cuộc bầu chọn sẽ diễn ra trong khối nghị sỹ đảng Bảo thủ ở Hạ viện rồi chọn ra hai ứng viên hàng đầu để đảng viên chọn tại Đại hội dự kiến vào tháng 10 này.

Cho tới nay năm ứng viên chính thức bao gồm Stephen Crabb, Liam Fox, Michael Gove, Andrea Leadsom và Theresa May

Các dân biểu đảng Bảo thủ sẽ tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên vào thứ Ba.

Theresa May

Một trong những người giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ lâu năm nhất trong lịch sử, bà Theresa May được nhắc tới là một người có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo tương lai của đảng Bảo thủ.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osbourne mà học trường chuyên.

Một điều tra trên trang The Mirror cho thấy bà May được 55% thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ, cao hơn ông Boris Johnson (38%).

Bà May là một trong những người có đường lối cứng rắn nhất trong chính phủ. Trong những năm theo sau thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ hồi năm 1997, bà nổi tiếng với câu nói đảng này được một số người gọi là "đảng độc địa".

Dân biểu này được ca ngợi về cách thức bà đã cứng rắn giải quyết hồ sơ thường có nhiều vấn đề của Bộ Nội vụ - vốn bị xem là như một chén thuốc độc khó nhằm - tuy nhiên sức hấp dẫn chính trị rộng lớn hơn của bà còn chưa được thử thách.

Trong khi đứng về phía những người ủng hộ ở lại EU, bà May vẫn giữ một vị thế khá lặng lẽ trong thời gian vận động bỏ phiếu trưng cầu dân ý, có nghĩa là bà có tiềm năng với những dân biểu đang nhìn quanh tìm một người nào khác hơn là ông Boris Johnson.

Nếu thắng lợi, bà sẽ là nữ thủ tướng Anh thứ nhì, sau bà Margaret Thatcher.

Bà Theresa May trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Michael Gove

Vị dân biểu 48 tuổi này đã từng cố đưa ra giới hạn về các tham vọng cá nhân của mình, thậm chí tới mức gợi ý rằng ông không được trang bị để làm công việc của Thủ tướng.

Từng là cựu phóng viên tờ Times, người vào Quốc hội năm 2005, ông là một bạn thân của ông David Cameron và ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính, và cũng là một nhân vật chủ chốt trong việc hiện đại hóa đảng Bảo thủ, dẫn tới đưa đảng này trở lại cầm quyền năm 2010.

Ông Michael Gove sau đó trở thành một Bộ trưởng Giáo dục có đường lối cải cách, nếu có thể nói là gây tranh cãi, và được xem là một trong những trí thức với tiếng nói có trọng luợng trong đảng.

Hiện ông là Bộ trưởng Tư pháp và việc ông quyết định ủng hộ phe vận động rời khỏi châu Âu là một trong những thời điểm quyết định trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý.

Mặc dù điều này được cho là đã tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ của ông với ông Cameron, ông vẫn là người được tôn trọng từ cả hai phe Ở lại và Ra đi khỏi EU trong đảng Bảo thủ và có lẽ sẽ là một nhân vật quan trọng trong những tháng tới. - BBC

***
Hôm nay, 30/06/2016, là hạn chót đối với các ứng viên của đảng Bảo Thủ vào chức thủ tướng, thay cho ông David Cameron, người đã tuyên bố từ chức sau khi cử tri Anh bỏ phiếu thuận cho Brexit (ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Bà Theresa May, bộ trưởng Nội Vụ, được mệnh danh là “bà đầm thép mới”, có nhiều khả năng đắc cử. Vào phút chót, cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson tuyên bố bỏ cuộc.

Theo AFP, 150.000 đảng viên đảng Bảo Thủ sẽ bỏ phiếu chọn giữa hai ứng cử viên chính, được các nghị sĩ của đảng này đề cử trước đó. Kết quả sẽ được công bố ngày 09/09/2016.

Có hai ứng cử viên nặng ký là bộ trưởng Nội Vụ Theresa May, 59 tuổi, người ủng hộ quan điểm Anh ở lại với Liên Hiệp Châu Âu và bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove, người ra ứng cử vào giờ chót. Trong khi đó, cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson cũng bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc, với lý do các nhiệm vụ của thủ tướng tương lai “không thích hợp” với một người như ông. Trước đó, cựu đô trưởng Luân Đôn vốn được coi là người có nhiều khả năng kế nhiệm chức thủ tướng, sau khi phe Brexit thắng.

Việc bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove, một đồng minh của cựu đô trưởng Johnson đột ngột ra ứng cử càng làm tăng cơ hội thắng cử của “bà đầm thép mới”.

Ngoài các ứng cử viên trên, theo AFP, còn có thêm hai ứng viên chính thức khác là bộ trưởng Lao động Stephen Crabb và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Liam Fox.

Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May vốn là người hoài nghi châu Âu, nhưng trong cuộc vận động trưng cầu dân ý, bà đã đứng về phía thủ tướng mãn nhiệm David Cameron, chống lại Brexit. Bộ trưởng Nội Vụ Anh có lập trường rất cứng rắn trong các vấn đề như nhập cư lậu, tội phạm hay tuyên truyền Hồi Giáo…

Theo báo Sunday Times, bộ trưởng Nội Vụ May “là nhân vật duy nhất có khả năng tập hợp được các phe phái xung khắc trong nội bộ đảng” Bảo Thủ. - RFI
|
|

4.
Mỹ, Canada, Mexico gia tăng hợp tác kinh tế, an ninh, môi trường

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã gặp nhau tại Ottawa để thúc đẩy cho sự hợp tác về kinh tế và an ninh vào một thời điểm mà Liên hiệp Châu Âu đang bắt đầu rạn nứt. Kế hoạch của Anh rời khỏi khối này, và vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ bóng mờ lên cuộc họp ngày hôm qua tại thủ đô Canada, nơi 3 nhà lãnh đạo đề cập đến sự hội nhập lớn hơn giữa các nước Bắc Mỹ.

Hội nghị có biệt danh là “Ba người bạn” là hội nghị đầu tiên được Thủ tướng Canada Justin Trudeau chủ trì. Ông ghi nhận đây là hội nghị cuối cùng có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.

“Hơi buồn một chút vì đây sẽ là cơ hội cuối cùng tất cả 3 chúng ta gặp nhau trong cương vị này, bởi vì Tổng thống Obama sắp rời khỏi chức vụ.”

Hoa Kỳ, Canada và Mexico là thành viên của Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA mà một số người Mỹ chống đối. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hứa sẽ thương thuyết trở lại thỏa thuận này nếu đắc cử, và thậm chí có thể huỷ bỏ hiệp ước.

Tổng thống Obama công nhận là có những mối quan tâm chính đáng về bất bình đẳng xã hội do toàn cầu hóa gây ra, nhưng ông nói thêm là rút khỏi thỏa thuận thương mại không phải là câu trả lời.

“Đầu tiên là việc này không khả thi, chẳng hạn như các nhà máy ô tô của chúng ta sẽ đóng cửa nếu chúng ta không có được những bộ phận rời sản xuất tại các nơi khác trên thế giới. Do đó chúng ta sẽ mất công ăn việc làm, và mức độ tai hại của sự gián đoạn này sẽ rất to lớn.”

Tổng thống Obama nói người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU vẫn muốn tiếp cận thị trường mậu dịch tự do, họ chỉ không muốn những nghĩa vụ kèm theo. Ông nói kỷ nguyên sản xuất sinh lợi mà nhiều người Mỹ luyến tiếc đã bị tự động hóa xói mòn.

“Ngành thép đang sản xuất thép tại Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ cần có một phần mười công nhân để làm việc này so với trước đây.”

Ba nhà lãnh đạo lên án vụ đánh bom tự sát hôm thứ Ba tại Istanbul. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói Mexico và Hoa Kỳ cộng tác chặt chẽ để ngăn ngừa những cuộc tấn công như thế xảy ra trên lãnh thổ hai nước.

“An ninh của cả hai quốc gia tùy thuộc vào sự hợp tác của hai chính phủ chúng ta trong việc chia sẻ thông tin - trong những cuộc giao tiếp hàng ngày.”

Trong bài diễn văn đọc tại quốc hội Canada vào xế chiều ngày hôm qua, Tổng thống Obama nhấn mạnh đến sự ổn định trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Canada giữa lúc Liên hiệp Châu Âu bị rúng động do việc Anh bỏ phiếu rời khỏi khối này và Trung Quốc có những mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng tại Biển Đông. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Donald Trump lại nhắc tới Việt Nam --- Khảo sát: Người Mỹ gốc Á đang ngả sang đảng Dân chủ

Ứng viên tổng thống trực ngôn của Mỹ một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.  

Tỷ phú theo phe Cộng hòa, Donald Trump, hôm 29/6 tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, TPP.

Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania nói rằng TPP với sự tham gia của 12 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam, một trong các quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”.

Doanh nhân Trump nói thêm rằng “không có cách nào để sửa lại TPP. Chúng ta cần các thỏa thuận thương mại song phương”.  

Tỷ phú bất động sản cũng nhân dịp này công kích các quan điểm trước đây của đối thủ Hillary Clinton về các hiệp định thương mại tự do.  

Hồi tháng Hai, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ. 

Ba tháng sau đó, ứng cử viên này nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”.

Trong khi đó, cho dù ông Trump từng nêu đích danh Việt Nam trong những lời chỉ trích của mình, theo giới quan sát, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh. - VOA

***
Theo các khảo sát gần đây, người Mỹ gốc Á đang ngả sang Đảng Dân chủ, nhưng các lãnh đạo cộng đồng châu Á ở Los Angeles nói cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều đang không làm tốt việc thu hút cử tri châu Á, những người có chung mối quan tâm, song họ lại bị chia rẽ vì tuổi tác và đất nước xuất xứ. Các nhà lãnh đạo đã hồi đáp về dữ liệu mới được công bố nêu bật mối quan tâm của cử tri gốc Á.

Cuộc khảo sát những người Mỹ gốc Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Philippine ở Los Angeles, công bố hôm 29/6, cho thấy "những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ", còn gọi là Millennial, người châu Á từ 18 tuổi đến 29, hầu hết được sinh ra ở Mỹ và rất thông thạo tiếng Anh. Họ biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, phần lớn là trực tuyến.

Sự khác biệt tuổi tác

Cuộc thăm dò cho thấy cử tri lớn tuổi gốc Á hầu hết sinh ra ở nước ngoài và biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài. Để đến với cả hai nhóm, các lãnh đạo cộng đồng nói các đảng cần sử dụng những diễn đàn thích hợp, và cũng tìm các ứng cử viên châu Á cho các chức vụ, vì các cử tri Mỹ gốc Á thường bỏ qua quan điểm đảng phái để ủng hộ các ứng cử viên có chung sắc tộc với họ. Chủ doanh nghiệp Charlie Woo nói: "Người Mỹ gốc Á nói chung ủng hộ người ở trong cộng đồng của họ để đại diện cho họ". Ông là chủ tịch một nhóm về trao quyền cho cộng đồng có tên CAUSE. Ông là một trong những lãnh đạo có mặt tại buổi công bố kết quả khảo sát.

Raphael Sonenshein, giám đốc điều hành Viện Pat Brown thuộc ĐHTH Bang California, ở Los Angeles, đã tiến hành cuộc khảo sát cho biết: “Những người gốc Á trẻ tuổi trong cuộc khảo sát ‘cực kỳ tự do về các vấn đề xã hội’, đặc biệt là vấn đề như hôn nhân đồng tính nam".

Cải cách nhập cư, quyền sinh đẻ và kiểm soát súng là chương trình nghị sự của Kat Alvarado, một sinh viên Mỹ gốc Philippine tại trường Cal State Los Angeles người tự xem cô là người "cánh tả", nhưng độc lập về chính trị.

Sinh viên Elise Dang cho biết bạn bè cô nói chuyện chính trị trên Facebook và hầu hết, giống như cô ấy, là người theo trường phái tự do. Cô cho biết những bạn bè bảo thủ thường châm ngòi các cuộc thảo luận sôi nổi vì "hầu hết bạn bè của họ không đồng ý với quan điểm chính trị của họ".

Các đảng chính trị không đến được với người Mỹ gốc Á

Charlie Woo thuộc nhóm CAUSE nói rằng cuộc nghiên cứu này cho thấy chỉ có 1/3 cử trị Mỹ gốc Á đã tiếp xúc trực tiếp với các quan chức dân cử của họ, điều này nêu bật khoảng cách trong hoạt động tiếp xúc chính trị. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng các đảng đã mắc sai lầm khi không chú ý đến điều đó". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam: Formosa gây cá chết hàng loạt ở miền Trung

Chính phủ Việt Nam xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm”.

Phát biểu tại cuộc họp báo được nhiều người chờ đợi ở Hà Nội chiều 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết rằng “trên 100 nhà khoa học của 30 cơ quan trong và ngoài nước tham gia điều tra vụ cá chết, cùng sự phản biện độc lập của chuyên gia quốc tế”.

Quan chức này nói rằng thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung đã "gây thiệt hại lớn về môi trường, đời sống của người dân và an ninh trật tự".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói rằng "nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa nhiều độc tố, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế".

Theo quan chức này, cuộc điều tra phát hiện ra Formosa Hà Tĩnh "có một số hành vi vi phạm, nước thải có chứa độc tố vượt quá mức cho phép".

Ông nói: “Các bộ ngành và cơ quan chức năng của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế, và đã kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chết bất thường trong tháng Tư vừa qua”.

Theo ông Dũng, Formosa "nhận trách nhiệm sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt, đồng thời cam kết công khai xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam; thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân; phục hồi môi trường với đầu tư 500 triệu đôla; khắc phục triệt để hạn chế của hệ thống xử lý nước thải".

Ông Mai Thạnh, một ngư dân ở Hà Tĩnh, nói rằng kết luận của chính phủ Việt Nam về sự liên quan của Formosa là “chính xác” và “đúng với cảm nhận” của ông. 

Ông Thạnh nói thêm rằng tập đoàn của Đài Loan này phải “đền bù thỏa đáng cho dân”, vì “ba bốn tháng nay ông không làm được gì”.

'Đóng cửa vĩnh viễn'

Trước khi chính phủ Việt Nam công bố kết luận, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã gửi thư tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty.

Bức thư có đoạn: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài Nguyên & Môi Trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ".

Bức thư viết tiếp: "Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam".

Về tuyên bố này, ông Thạnh nói: “Chính Formosa gây ra tội ác cho những người làm biển. Yêu cầu của tôi là ngừng hoạt động Formosa để làm thế nào cho dân ổn định lại cuộc sống, nếu không dẫn sẽ chết đói. Nếu mà họ không đóng cửa dân sẽ nổi loạn đấy”.

Cho dù Formosa đã “nhận trách nhiệm”, “xin lỗi” và “đền bù thiệt hại”, hiện có nhiều ý kiến trên mạng xã hội đòi “đóng cửa vĩnh viễn” nhà máy của công ty này ở Hà Tĩnh.

Trong khi đó, phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến chính phủ thường kỳ chiều 30/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là “vấn đề dân rất quan tâm” và “cần phải rút ra những bài học” từ vụ này.

Tờ VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ rằng ông “vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”. - VOA

Wednesday, June 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/6

Tin Thế Giới

1.
Phi trường Istanbul mở lại sau vụ tấn công khủng bố

Hôm nay, Phi trường Quốc tế Ataturk tại Istanbul đã mở cửa sau một vụ tấn công tự sát tối ngày hôm qua làm 41 người thiệt mạng và làm ít nhất 147 người bị thương.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim trong một tuyên bố tại phi trường Ataturk ngày hôm nay nói “Phi trường của chúng tôi đã mở cho các chuyến bay đi và đến vào lúc 2:20 giờ địa phương.”

Hãng hàng không Turkish Airlines nói đã thực hiện lại tất cả các chuyến bay, và Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Phi trường Ataturk ở Istanbul vào cuối ngày hôm qua.

Tuy nhiên ngày hôm nay, Iran vẫn còn ngưng các chuyến bay đến Istanbul.

Các đoạn phim truyền hình ngày hôm qua cho thấy tình trạng hỗn loạn tại phi trường Ataturk - phi trường lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới.

Thông tín viên Đài VOA Dorian Jones ở Istanbul nói một trong những tay đánh bom đã kích nổ bên ngoài ga đến quốc tế. Khu vực này thường đầy người chờ phương tiện chuyên chở. Hai kẻ tấn công khác được biết đã tìm cách vào bên trong phi trường, nơi được cảnh sát vũ trang đầy đủ và các máy chiếu quang tuyến X bảo vệ.

Một nhân chứng tại hiện trường nói với ban Thổ Nhĩ Kỳ Đài VOA là “Có hai tiếng nổ nhỏ và sau đó là một tiếng nổ lớn. Mọi người chạy tán loạn. Họ không biết chạy đi đâu. Chúng tôi đang chờ em gái tôi, nhưng không thể tìm được. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi.”

Một người mục kích thứ hai cũng cho biết về cảnh tượng hỗn loạn này “Có những tiếng súng nổ tại một hướng và ở hướng khác có tiếng bom nổ, và mọi người tranh nhau bỏ chạy và nhiều người máu me đầy mình nằm trên lề đường.”

Thủ tướng Albania, ông Edi Rama, có mặt trên chiếc máy bay đáp xuống phi trường Ataturk chỉ vài phút sau những cuộc tấn công. Sau đó ông chia buồn cùng với những nạn nhân. Trên trang Twitter chính thức của ông, Thủ tướng Albania nói ông cảm thấy “thương tiếc cho những sinh mạng vô tội bị cướp mất trong hành vi đã man của những người không có Đức Chúa Trời hay không có hy vọng hay một chỗ đứng giữa nhân loại.”

Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm nhưng Thủ tướng Yildirim nói những chứng cớ ban đầu cho thấy đây là một cuộc tấn công của những phần tử cực đoan Nhà nước Hồi Giáo mà tiếng Ả Rập gọi là “Daesh.” Ông gọi vụ tấn công này là “hèn nhát” và cho biết nước ông quyết tâm tiếp tục chiến đấu chống lại những phần tử cực đoan.

Ông Yildirim nói “Đoàn kết là câu trả lời tốt nhất đối với khủng bố.”

Nhà nước Hồi Giáo đã bị qui trách về hai cuộc đánh bom tự sát trước đây trong năm tại Istanbul nhắm vào các du khách nước ngoài.

Tổ chức nổi dậy PKK người Kurd cũng thực hiện những vụ đánh bom tự sát, nhưng thường nhắm vào các lực lượng an ninh, như vụ tấn công vào một xe buýt cảnh sát trong tháng này làm 11 người thiệt mạng.

Trong năm qua cả Ankara lẫn Istanbul đều đã xảy ra những vụ đánh bom do Nhà nước Hồi Giáo và phe nổi dậy người Kurd thực hiện, làm cho mấy mươi người thiệt mạng. - VOA
|
|

2.
Ông Hun Sen: ASEAN chớ can thiệp vào Biển Đông --- Biển Đông: Indonesia nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna

Hôm 28/6, tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảnh báo những người đồng cấp của ông trong khối ASEAN chớ can thiệp vào các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Lời phát biểu của ông được đưa ra tại một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, và trước khi một tòa quốc tế có thể ra phán quyết vào tuần sau về vụ khiếu nại của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Campuchia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông song những năm gần đây đã trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc. Philippines cũng có những tranh chấp lớn với Trung Quốc.

Philippines đã khiếu nại với tòa trọng tài ở La Haye vào năm 2013 sau khi các tàu hải quân của Trung Quốc tiến vào bãi cạn Scarborough có tranh chấp rồi không rời đi. Dự kiến phán quyết của tòa sẽ được đưa ra hôm 7/7. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết.

Ông Hun Sen đã phát biểu về vấn đề Biển Đông vào hôm 28/6 như sau: “Đảng CPP không ủng hộ - đúng hơn là chống lại - bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Các nỗ lực của một số nước ngoài khu vực nhăm huy động lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ đem lại những tác động tiêu cực đến ASEAN và hòa bình trong khu vực”.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tuần thủ tướng Campuchia và đảng CPP cầm quyền của ông nêu ra vân đề Biển Đông.

Campuchia gần đây đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì thân Trung Quốc. Một số nước ASEAN đã chỉ trích nước này sau khi Campuchia phối hợp với một số nước khác rút lại các tuyên bố của ASEAN phê phán Trung Quốc về những hành động của họ trên biển sau một hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc mới đây cũng như tại một hội nghị của ASEAN ở Phnom Penh hồi năm 2012. - VOA

***
Sau một loạt vụ đối đầu giữa các tàu cá Trung Quốc với các tàu tuần duyên Indonesia, Jakarta dự trù nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, nằm ở phía Nam Biển Đông.

Theo lời bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu hôm qua, 28/06/2016, Hạ Viện Indonesia đã thông qua một ngân sách bổ sung 846 triệu đôla cho năm 2016, một phần để bộ Quốc Phòng nước này nâng cấp căn cứ quân sự ở Natuna.

Với khoản tiền bổ sung nói trên, ngân sách quốc phòng tổng cộng của Indonesia năm nay lên tới 8,25 tỷ đôla. Quốc hội Indonesia đã thông qua ngân sách mới này, sau chuyến viếng thăm vào tuần trước của tổng thống Joko Widodo đến quần đảo Natuna, quần đảo mà Bắc Kinh khẳng định "có chủ quyền chồng lấn", vì nằm trong bản đồ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ nên để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard, một căn cứ không quân lớn hơn và tối tân hơn sẽ được xây dựng trên quần đảo Natuna. Jakarta cũng dự trù mua ba khu trục hạm và một chiến đấu cơ phản lực sẽ trú đóng ở căn cứ này. Ngoài ra, Indonesia sẽ triển khai thêm thủy quân lục chiến và lực lượng tinh nhuệ đến Natuna.

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đối đầu giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần duyên Indonesia ở Natuna. Cách đây hai tuần, một tàu chiến Indonesia đã bắn cảnh cáo vào một tàu cá Trung Quốc bị xem là đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Chiếc tàu cá Trung Quốc sau đó đã bị chặn lại và toàn bộ thuyền viên bị bắt.

Vào thứ năm tuần trước, tổng thống Joko Widodo đã chủ trì một cuộc họp của nội các trên một chiến hạm đậu ngoài khơi quần đảo Natuna, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng vùng này là thuộc Indonesia.

Sau chuyến đi nói trên của tổng thống Widodo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố là Bắc Kinh thừa nhận chủ quyền của Indonesia trên quần đảo Natuna. Nhưng bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng hai nước có chủ quyền chồng lấn nhau ở khu vực này và đây là vấn đề cần được giải quyết. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ huấn luyện quan chức Campuchia chống tội phạm mạng

Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã mời các giới chức cấp cao của Campuchia học hỏi về vấn đề tội phạm mạng từ các chuyên gia Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Phorn Bopha của đài VOA tại Phnom Penh, lời mời được đưa ra trong lúc một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan tâm về dự luật chống tội phạm mạng mà giới hữu trách Campuchia soạn thảo trong vài năm gần đây.

Những người chỉ trích cho rằng dự luật về chống tội phạm mạng của Campuchia có thể bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt và bóp nghẹt tiếng nói bất đồng, trong lúc dân chúng nước này sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook để bày tỏ ý kiến chính trị.

Ông Kan Channmeta, một giới chức cấp cao của Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia, cho biết ông ước tính khoảng 7 triệu người, gần phân nửa dân số, sử dụng internet một cách thường xuyên.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông William Heidt, cho biết vào đầu tháng này rằng Hoa Kỳ muốn làm việc với chính phủ Campuchia để bảo đảm là người dân Campuchia được tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.

Ông nói “Tội phạm mạng là một vấn đề thật sự ở Mỹ cũng như ở Campuchia, cho nên chúng tôi đang làm việc với Campuchia.”

Đại sứ Heidt cho biết các khoá huấn luyện sẽ đưa các giới chức Campuchia tới Mỹ “để xem luật lệ mạng của chúng tôi hoạt động như thế nào, nước Mỹ chấp hành luật lệ và truy tố tội phạm mạng như thế nào.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi cũng sẽ tìm cách để bảo đảm là internet của các bạn tiếp tục là một nơi để bày tỏ ý kiến một cách tự do.”

Các nhà quan sát cho biết Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền cai trị Campuchia hơn 30 năm, đang dùng Facebook để trình bày chính sách của mình và đồng thời cũng để tìm hiểu ý kiến của người dân. Các nhà phân tích nói đây là một chiến thuật quan trọng để tranh giành sự ủng hộ của giới trẻ với Đảng Cứu Quốc Campuchia thuộc phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.

Ông Phay Siphan, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói tuy chính phủ ông hoan nghênh chương trình huấn luyện, nhưng không phải tất cả những gì được áp dụng tại Mỹ đều có thể áp dụng ở Campuchia.

Ông nói “Tôi muốn biết các tiêu chuẩn của Mỹ liên quan tới cách thức tăng cường an ninh quốc gia và kiến thức về đất nước của họ.”

Ông cho biết luật lệ về tội phạm mạng của Mỹ sẽ được dùng như những điểm tham chiếu để Campuchia soạn lại luật lệ của mình.

Ông nói “Chúng tôi tham khảo luật Mỹ vì mặc dù chúng tôi chưa tới đó nhưng chúng tôi chuẩn bị cho những năm tới đây, khi kinh tế của chúng tôi phát triển mạnh, mức sống được nâng cao và luật lệ được tôn trọng. Chúng tôi muốn thu thập những yếu tố để đưa vào việc soạn thảo luật về tội phạm mạng.”

Ông Siphan cũng cho biết các giới chức chính phủ ở Phnom Penh có thể gặp phải những chướng ngại khi thực thi các luật lệ chống tội phạm mạng. Ông nêu ra vụ tranh chấp giữa Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với công ty Apple xoay quanh mức độ mà các toà án có thể ép buộc để các nhà sản xuất mở khoá những chiếc điện thoại di động mà dữ liệu được mật mã hoá.

Tướng Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết sự hiểu biết của giới hữu trách Campuchia về cách thức đối phó với tội phạm mạng vẫn còn thấp.

Ông nói “Công nghệ tiến bộ rất nhanh chóng và một số nước sẽ không bắt kịp các nước phát triển. Kiến thức về tội phạm mạng đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi. Và như quí vị đã biết, chúng tôi không phải là nước sản xuất máy tính hoặc các chuyên gia lập trình điện toán. Hầu hết các chương trình điện toán mà chúng tôi dùng là của Mỹ, cho nên chúng tôi rất vui khi thấy các chuyên gia của mình có thể học hỏi thêm về những công nghệ tối tân ở các nước phát triển, nhất là nước Mỹ.”

Tướng Sopheak cũng cho biết chính phủ ở Phnom Penh cảm thấy bất mãn trước việc một số người Mỹ gốc Campuchia dùng Facebook để lăng mạ thủ tướng Hun Sen và những nhà lãnh đạo khác trong chính phủ.

Ông nói “Tôi muốn họ không làm như vậy nữa, và nếu những trường hợp như vậy vẫn tiếp diễn, tôi muốn các giới chức Mỹ hợp tác, ít ra là để cho những người đó biết rằng mặc dù họ là người Mỹ, họ vẫn phải tôn trọng những truyền thống của Campuchia." - VOA
|
|

4.
Tòa án Tối cao Mỹ bác yêu cầu phúc thẩm về phá thai, thuốc tránh thai

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của hai bang tìm cách áp đặt những hạn chế đối với những cơ sở phá thai, vốn đã bị những tòa án cấp thấp hơn bác bỏ.

Các thẩm phán từ chối nghe yêu cầu phúc thẩm về những luật ở bang Mississippi và bang Wisconsin mà lẽ ra sẽ bắt buộc những bác sĩ thực hiện những ca phá thai tại những cơ sở phá thai phải có đặc quyền tiếp nhận bệnh nhân tại những bệnh viện địa phương.

Tòa án Tối cao bác bỏ những yêu cầu phúc thẩm này một ngày sau khi bác bỏ một điều khoản luật tương tự ở bang Texas.

Sự bác bỏ này cho phép cơ sở phá thai duy nhất ở Mississippi, nằm ở thủ phủ Jackson, vẫn mở cửa hoạt động.

Tòa án Tối cao cũng bác bỏ yêu cầu phúc thẩm của những dược sĩ ở bang Washington, những người chống đối việc cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp cho phụ nữ vì những lý do tôn giáo. Sự bác bỏ này giữ nguyên một phán quyết hồi tháng 7 của tòa án cấp thấp hơn duy trì một quy định của bang bắt buộc những nhà thuốc phải kịp thời cung cấp tất cả những loại thuốc được kê toa.

Bang Washington áp dụng quy định này lần đầu tiên vào năm 2007 sau khi một số người phụ nữ bị từ chối cấp thuốc tránh thai khẩn cấp. Hai dược sĩ tại một nhà thuốc ở thành phố Olympia, bang Washington đã đệ đơn kiện, nói rằng quy định này buộc họ phải vi phạm niềm tin tôn giáo của mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam 'lấn cấn' trong việc công bố thông tin vụ cá chết --- "Tung hỏa mù” trước khi tuyên bố nguyên nhân cá chết?

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn của Việt Nam, Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo hôm 30/6 để công bố thông tin về nạn cá chết vừa qua ở miền trung. Công chúng cho rằng đã hơn hai tháng kể từ khi nạn cá chết bắt đầu, việc nhà nước chần chừ trong việc công bố cho thấy có vấn đề về sự minh bạch và trách nhiệm.

Nạn cá chết xảy ra từ đầu tháng Tư, bắt đầu ở Hà Tĩnh rồi xuất hiện liên tiếp ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nằm ở phía nam của Hà Tĩnh.

Nhiều người nghi ngờ rằng một khu phức hợp công nghiệp thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh là thủ phạm, vì khu này sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa và hệ thống xả nước thải của nó không tuân theo các quy định của Việt Nam.

Hồi đầu tháng này, ngày 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói đã xác định được nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì cần điều tra thêm để có “đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật” nhằm xác định thủ phạm. Gần cuối tháng, một Phó Tổng cục trưởng của Bộ Công an nói có thể có họp báo vào ngày 29/6 để cung cấp thông tin về nạn cá chết.

Việc nhà chức trách trì hoãn công bố thông tin và dời ngày họp báo càng làm tăng thêm sự nghi ngại của công chúng về tính minh bạch. Cựu ký giả và hiện là một nhà hoạt động vì dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét với VOA:

“Người dân cũng thấy rằng chính phủ đang có những cái mắc mớ rất lớn. […] Vì cái nguyên nhân có thể liên quan đến cái nhà máy Formosa. […] Nếu liên quan tới đó, thì do những sai sót từ hồi trước. Chính phủ đã cấp phép dễ dàng, không kiểm tra chuyện xử lý nước thải, và họ có một phần trách nhiệm lớn trong chuyện xả thải này”.

Xét đến tính đáng tin cậy của các cơ quan nhà nước Việt Nam, ông Chênh cho rằng không thể chắc chắn nhà chức trách sẽ công bố cụ thể nguyên nhân gì hay ai là thủ phạm gây ra nạn cá chết hay không. Ông nói thêm điều đáng quan tâm lúc này là hướng khắc phục như thế nào.

“Quan trọng là hướng khắc phục chứ không phải chỉ có chỉ ra nguyên nhân. Mà có nguyên nhân cho rõ ràng thì mới nói tới cái chuyện khắc phục được”.

Một thạc sỹ kỹ thuật môi trường, ông Đào Nhật Đình, nói với VOA ông không kỳ vọng cuộc họp báo ngày 30/6 sẽ công bố thủ phạm. Với kinh nghiệm 17 năm kinh nghiệm trong ngành môi trường và 10 năm trong công nghệ hóa, ông Đình nhận định:

“Phần lớn những cái mẫu lấy được như lần họp lần trước đã không chứng minh được cái gì cả, […] và sau đó vẫn tiếp tục lấy mẫu và có lẽ cũng không chứng minh được gì do đó mới kéo dài như vậy. Cái thứ hai, là hóa chất cụ thể gì thì cho đến nay vẫn là bí mật. Tôi chỉ đoán là người ta có thể lấy một trong những hóa chất tẩy rửa để người ta kết tội thôi”.

Ông Đình cho rằng cá ở các tỉnh chết ở các vùng nước nông sâu khác nhau vì vậy nhiều khả năng là do các độc tố khác nhau gây ra. Về phương pháp tìm nguyên nhân, ông góp ý:

“Quan điểm của riêng tôi thì nên tách cái vụ đó ra thành những vụ riêng biệt thì có lẽ sẽ dễ giải thích hơn”.

Mặc dù nhiều người quan tâm đến nguyên nhân gây cá chết, song ông Đình chỉ ra rằng lúc này chính phủ cũng cần phải cho biết biển miền trung Việt Nam đã sạch hay chưa.

“Tôi kỳ vọng nhất là chính phủ có nói là như vậy thì biển đã sạch chưa, bởi vì kết quả phân tích từ hôm 26/4 đến giờ cứ đều mỗi ngày lấy một lần thì như vậy biển đã sạch. Nhưng mà tại sao không ai dám công bố?”

Do lo ngại các vùng biển còn bị ô nhiễm, sinh kế của người dân ven biển sống nhờ vào đánh bắt hải sản và du lịch đã chịu tác động tiêu cực trong mấy tháng qua. Điều này có một phần liên quan đến việc chính quyền chần chừ công bố thông tin. - VOA

***
Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết vào chiều ngày 30 tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân cá chết hằng loạt tại 4 tỉnh miền trung khởi đi từ Hà Tĩnh hồi đầu tháng tư vừa qua.

Hai ngày trước khi công bố Bộ Công an họp sơ kết 6 tháng đầu năm và báo Hà Tĩnh đăng bài nhắc đến ‘thế lực thù địch’ lợi dụng thảm họa môi trường cá chết để phá hoại.

Nhận định của những người quan tâm về điều đó ra sao?

‘Thế lực thù địch’

Truyền thông trong nước loan tin tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an diễn ra sáng 28 tháng 6 ở thành phố Hồ Chí Minh, ông bộ trưởng Tô Lâm cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là ‘tiếp tục ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình’.

Mạng báo Thanh Niên dẫn lời ông thượng tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An rằng trong thời gian 6 tháng qua ‘các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, vấn đề an ninh, trật tự, môi trường gia tăng các hoạt động chống phá quyết liệt hơn…’

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có ý kiến về nhận định đó của người đứng đầu ngành công an Việt Nam:

“Tôi cho rằng đánh giá của ông bộ trưởng Bộ Công an là hết sức bất công đối với lòng người, đối với những cuộc biểu tình về vụ cá chết ở Formosa. Vì theo đánh giá 6 tháng đầu năm của ông bộ trưởng Bộ Công an chỉ chuyên chú vào các ‘lực lượng thù địch’ mà ông không hề nêu lên thực trạng là những cuộc biểu tình của người dân chứ không phải cúa các ‘lực lượng thù địch’ đã bị công an tại một số tỉnh, thành đàn áp thô bạo, rất dã mạn. Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8 tháng 5 năm 2016: bắt bớ, đánh đập, câu lưu hàng vài trăm người một cách thô bạo. 

Đó là một thực tế mà các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ quốc tế đã lên án chính phủ Việt Nam, lên án ngành công an Việt Nam về chuyện đó. Đó là đánh giá bất công của ông bộ trưởng Bộ Công an; đã không nêu ra vấn đề đó!

Thứ hai nữa sau những cuộc biểu tình về môi trường của dân chúng, ngành công an đã không thể có chứng minh nào về việc có lực lượng thù địch tham gia: tỷ lệ của lực lượng thù địch tham gia là bao nhiêu và những bằng chứng xác đáng về lực lượng thù địch- là ai, ở đâu; mà chỉ nêu chung chung là ‘lực lượng thù địch’. 

Nếu mà như vậy thì đánh đồng với một khối quần chúng nhân dân khổng lồ bức xúc về hằng loạt vấn đề, về cá chết, về đời sống ngư dân miền Trung nheo nhóc; mà chính phủ chưa hề chưa hề và chậm trễ trong việc công bố nguyên nhân cá chết. Và về những việc liên quan đến quốc gia, rồi liên quan đến Trung Quốc…”

Ý thức người dân

Mạng báo Hà Tĩnh vào ngày 28 tháng 6 có bài của tác giả Văn Lý tựa đề ‘Hãy tỉnh táo trước âm mưu lợi dụng cá chết để phá hoại!’. Trong bài tác giả viết ‘…rồi đây nếu nguyên nhân gây nhiễm độc biển được xác định; trong trường hợp này người dân phải hết sức tỉnh tảo, sáng suốt sát cánh cũng các cơ quan chức năng; các cấp chính quyền để cùng nhau xử lý. Tất cả những hành động quá khích, ‘vơ đũa cả nắm’, đổ lỗi, trút giận lên đầu hằng vạn lao động trong và ngoài nước có mặt trong khu vực gây nhiễm độc, hay vào những cỗ máy, những công trình hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho dân tộc…, là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực thù địch, đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân dân.”

Một người dân sống tại khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh lâu nay phải thất nghiệp không thể đi biển kiếm sống, hiện đang trông chờ chính phủ công bố nguyên nhân vùng biển quê anh bị nhiễm độc khiến cá chết, dân không dám ăn, không dám tắm biển. Còn ai đi biển xa về thì hải sản bán giá chỉ còn 1 phần 5 trước đây, rồi nơi thu mua mang cá đó đi tiêu thụ ở đâu không biết. Anh này nói rõ:

“Không có sự gì kích động, phá hoại cả! Đó là phía Nhà nước, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh lo sợ, nói lên vậy thôi. Chứ ở vùng này chưa có gì cả! Không ai có thể kích động được mình cả. Chỉ có mình đứng lên nói lên tiếng nói của mình chứ không ai xúi giục cả!”

Chị Thu Nguyệt, một người tham gia biểu tình đòi hỏi minh bạch về nguyên nhân cá chết tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ phản bác lại ý kiến nói những người đi biểu tình như bản thân chị là do ‘thế lực thù địch xúi giục’:

“Điều đó họ nói hoàn toàn sai sự thật. Trong những cuộc biểu tình tôi tham gia; nếu nói biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa bị cho là ‘chính trị’ thì tôi không nói. Còn đây là biểu tình vì môi trường. Trong những cuộc biểu tình về môi trường mà hô Hoàng Sa, Trường Sa thì tôi ngăn họ lại; chúng tôi chỉ hô hào cần minh bạch, ‘cá cần nước sạch’. 

Chính tôi là người đi biểu tình thường xuyên nên những điều họ nói hoàn toàn sai sự thật!”

Xu thế tất yếu

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra nhận định nếu nguyên nhân cá chết mà chính phủ đưa ra bị cho là không trung thực, không xác đáng, thì sẽ có phản kháng. Ông nhận định:

“Nói chung ngành công an rất sợ biểu tình. Vậy bây giờ họ phải làm sao? Họ phải thành thật thôi. Sợ thì muôn đời, và sợ không giải quyết được gì cả. Vì có một qui luật ‘họ càng đàn áp, thì đấu tranh càng mạnh’. Tất cả đấu tranh sinh ra từ áp bức. Đấu tranh đến một lúc nào đó để giải quyết áp bức, giải quyết bất công.”

Chị Thu Nguyệt khẳng định lực lượng công an, an ninh sẽ tiếp tục đàn áp những người dân xuống đường bày tỏ quan điểm của họ trước những vấn đề xã hội, nhất là tình trạng môi sinh tồi tệ; tuy nhiên chị cho biết vẫn phải lên tiếng:

“Cho dù họ ngăn cấm hay ngăn cản việc đòi hỏi quyền của mình bảo vệ môi trường cho người dân Việt Nam (dù họ ngăn cản thế nào đi nữa), tôi nói thẳng là sẵn sàng hy sinh để đi ra ngoài sát cánh cùng với anh em đứng lên bảo vệ môi trường của đất nước Việt Nam cho trong sạch. Còn việc họ đàn áp chúng tôi (điều đó đương nhiên có rồi); nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm để họ thấy rằng họ đang làm sai. 

Tôi biết điều 43, Hiến Pháp 2013 của Việt Nam (qui định) là người dân có quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường nên tôi cứ dựa theo đó để làm. Tôi nói với họ nếu có bắt tôi, đưa tôi vào tù đi chăng nữa, tôi vẫn làm đúng luật của Nhà nước Việt Nam đưa ra, chứ tôi không làm sai. Họ làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Tôi biết làm việc này sẽ không thắng lại họ đâu; nhưng phải làm để lớp trẻ thấy rằng những gì luật pháp đưa ra đều sai hoàn toàn. Mình quyết chiến cho dân tộc Việt Nam chứ không phải cho bản thân mình nữa. Nếu mình không đứng lên được thì người dân Việt Nam sẽ chết dần, chết mòn trong sự ô nhiễm này.”

Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì chính quyền Hà Nội đang bối rối vì có ra luật biểu tình hay không thì tình trạng ức chế sẽ khiến dân chúng ‘bùng nổ’ phản kháng. - RFA
|
|

6.
Bộ trưởng Thông tin kiêm ghế tuyên giáo

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phân công Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm ghế Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Quyết định phân công về nhân sự trung ương được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký.

Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã từng là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong giai đoạn 2011-2014.

Ông được báo chí trong nước mô tả là người có nhiều kinh nghiệm về công tác tuyên giáo và thông tin và từng giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (2007-2011).

Ông Tuấn cũng là trưởng phòng Tuyên truyền, báo chí - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình trong 10 năm (1988-1998).

Ông sinh năm 1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình và được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng tại Đại hội Đảng 12.

Vào đầu tháng Tư năm nay, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông vào ghế Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son.

'Tập trung quyền lực'

Nói với BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định đây là “một quyết định hi hữu”.

“Không có việc bốc thẳng một quan chức hành chính bên chính phủ đưa về kiêm nhiệm một chức vụ bên đảng cho nên đây là quyết định hết sức bất thường, rất hi hữu, thường chỉ xảy ra trong thời chiến thôi, thời bình không có,” ông Dũng nói.

Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập phân tích: “Ông Trương Minh Tuấn là về làm phó cho ông Võ Văn Thưởng. Có lẽ trong thời gian gần đây Đảng lo lắng về tình trạng tản quyến và phân quyền về một số địa phương các bộ ngành, và phát sinh tình trạng cát cứ quyền lực với một số bộ ngành và địa phương. Có thể nói là trong thời gian qua và sau Đại hội 12, thì nguy cơ về cát cứ được đặt lên cao không kém gì nguy cơ về tham nhũng trong Đảng”.

Ông Dũng nhận định động thái phân công kiêm nhiệm này là “"Đảng muốn tập quyền, và chọn một lãnh vực rất quan trọng là mặt trận tư tưởng, thông tin, quản ly hơn 800 tờ báo. Đây là một ý tưởng Đảng hóa chính phủ, để Đảng dễ quản lý hơn về con người, công việc."

“Hệ quả là "một cổ hai tròng" cho ông Trương Minh Tuấn, vừa chạy đi chạy lại Bộ thông tin Truyền thông và Ban Tuyên Giáo. Ông sẽ nhận chỉ đạo từ cả hai cấp trên, một bên là Võ Văn Thưởng hay cao hơn là ông Đinh Thế Huynh và Nguyễn Phú Trọng, một cấp trên trực tiếp là ông Nguyễn Xuân Phúc.”

Tuy nhiên, ông Phạm Chí Dũng nhận định việc này "không ảnh hưởng gì” đến thông tin báo chí.

“Khi ông Tuấn làm thứ trưởng bộ thông tin truyền thông thì đã nổi tiếng là có bàn tay sắt rồi, nên nếu ông có kiêm thêm một chức vụ bên ban tuyên giáo Trung ương thì mức độ vẫn vậy thôi, không hơn và cũng không kém hơn,” ông Dũng cho biết.

Một nhà báo muốn ẩn danh từ Sài Gòn cũng nói với BBC đây là biểu hiện mà ông gọi là “tập trung quyền lực”.

Người này nói: “Tập trung quyền lực thì dễ giải quyết công việc hơn, nhưng mặt xấu là quyền lực thì có thể tha hóa, như chúng ta có thể thấy xếp hạng tự do báo chí ở Việt Nam”.

Nhà báo này cho biết: “Ta có thể thấy qua những việc làm của ông Trương Minh Tuấn như rút thẻ nhà báo của nhà báo Đỗ Hùng hay gần đây là nhà báo Mai Phan Lợi. Về mặt luật pháp rõ ràng không ổn, ông Tuấn đã căn cứ vào luật gì để thu thẻ các nhà báo này, như với nhà báo Đỗ Hùng thì là một nội dung trên Facebook, nhà báo Phan Lợi là vì từ “tan xác”.”

“Tôi thấy các hành xử quyền lực này còn cảm tính, và không hành xử dựa trên pháp luật, và dễ dẫn đến thể hiện quyền lực theo hướng tha hóa,” phóng viên này nhận định.

'Phép thử'

Vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền trung đang được dư luận và truyền thông quan tâm nhiều và có thể là phép thử về tự do thông tin tại Việt Nam.

Truyền thông tại Việt Nam khá kín tiếng về vụ cá chết sau một giai đoạn đầu đưa tin khá rầm rộ.

Tuy nhiên vào tuần này báo chí trong nước đồng loạt chạy tin phóng sự của truyền thông Đài Loan, theo đó tập trung vào cáo buộc đối với công ty Formosa.

Theo dự kiến nhà chức trách Việt Nam sẽ công bố kết quả điều tra về nguyên nhân gây cá chết vào cuối tháng Sáu.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói tại cuộc họp báo của Chính phủ rằng chưa thể công bố nguyên nhân cá chết.

"Các cơ quan phải điều tra đầy đủ các bằng chứng pháp lý về môi trường xem các tổ chức, cá nhân có vi phạm không. Quan điểm của Chính phủ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cho nên, cần phải có thời gian kỹ lưỡng để có kết luận xác thực.

“Vụ cá chết là một sự cố môi trường nghiêm trọng. Dư luận quan tâm là hoàn toàn chính đáng. Chính phủ cầu thị lắng nghe ý kiến và có trách nhiệm minh bạch thông tin”, Bộ trưởng Tuấn nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng Tư, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) nói "bản chất của hệ thống Việt Nam vẫn nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, của bộ máy chính trị với báo chí".

Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever mới đây bàn về quyền được tiệp cận thông tin, những thách thức và khó khăn trong khi tác nghiệp.

“Tiếp cận Thông tin và các Quyền Tự do Cơ bản: Quyền của bạn!” là chủ đề được ông Lever đề cấp tới vào Ngày Quốc tế về Tự do Báo chí. - VOA
|
|

7.
Thủ tướng VN chỉ thị Sài Gòn phải là 'hòn ngọc chiếu sáng', dân nói gì?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Sài Gòn phải ‘phát huy được vai trò đầu tàu, là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’. Phát biểu trên được người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 27/6. Người dân nói gì về việc này? Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh Sài Gòn với Bangkok của Thái Lan. Ông Phúc nói thành phố đứng đầu Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó. Báo chí Việt Nam trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “So với Bangkok, một thủ đô với diện tích nhỏ hơn, dân số tương đương, nhưng lại có GDP gấp 3 lần TP.HCM”.

Để xứng đáng là thành phố “đầu tàu” của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thành phố phải có tầm nhìn xa, quyết tâm chính trị rõ ràng hơn để có thể trở thành “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường”.

Nhận xét về ý tưởng và phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, anh Bùi Mạnh Tiến, một kỹ sư làm việc tại TP.HCM, cho VOA biết:

“Nếu thủ tướng nói như vậy thì em nghĩ có lẽ cũng có thể, vì bây giờ Việt Nam đang gia nhập TPP, hợp tác với Mỹ. Bây giờ chuyển hướng sang hợp tác với Mỹ nên em nghĩ là chắc được. Sài Gòn bây giờ đô thị, địa ốc phát triển nhiều lắm, giới nhà giàu cũng nhiều nữa”.

Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng để biến Sài Gòn hiện tại thành “hòn ngọc” trên thực tế phải mất rất nhiều thời gian, có thể tới 20, 30 năm vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề.

“Nói chung là về sự chênh lệch, thu nhập. Sài Gòn cũng là mảnh đất mà người dân ở các tỉnh tập họp về nên thành phần hơi đa dạng, đủ loại thành phần. Nếu muốn cải thiện đều lên hết thì cũng phải mất thời gian”.

Trong khi đó, cô Diên An, một người làm nghề tự do ở TP.HCM, thẳng thắn nói:

“Thấy mới tin, còn nghe thì hổng tin đâu!”

Giải thích cho sự “mất lòng tin” của mình đối với các lãnh đạo Việt Nam, Diên An cho biết:

“Gần đây xảy ra quá nhiều chuyện, vừa rồi là cái vụ Formosa đó, cá chết quá trời còn chưa xong nữa mà nói gì hòn ngọc chiếu sáng gì. Mình không tin gì hết á”.

Cả Mạnh Tiến và Diên An đều cho rằng ý thức của người dân Việt Nam còn kém và để cải thiện điều này, cần phải có sự thay đổi gốc rễ từ rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, môi trường...

“Nói chung Việt Nam mình còn thiếu nhiều lắm, nhưng yếu tố đầu tiên mình quan tâm là vấn đề môi trường và ý thức của người dân”.

“Em không biết là sẽ thay đổi như thế nào. Người dân bây giờ đi ra nước ngoài, ý thức của người ta chưa được bằng các nước châu Âu hay các nước phát triển khác. Cái đó nếu muốn phát triển thì phải đẩy mạnh giáo dục và làm nhiều thứ khác. Bây giờ Việt Nam vẫn còn tụt hậu nhiều”.

Với cái nhìn của một kinh tế gia và nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hiện đang sinh sống tại TP.HCM, cho rằng việc biến Sài Gòn thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ hiện nay là một ‘ý tưởng ảo’.

“Một hòn ngọc thì phải đúng nghĩa là hòn ngọc saphire, nghĩa là về mặt kinh tế phải bảo đảm đời sống cho người dân. Đứng so sánh GDP (bình quân thu nhập đầu người) trước năm 1975 và hiện nay, mà bây giời phải nhìn vào tỉ lệ nghèo hóa của người dân. Ở Sài Gòn hiện nay còn rất nhiều người nghèo, rất nhiều người lang thang ăn xin. Tất cả những gì mà Sài Gòn thể hiện ra hiện nay là một bộ mặt hoàn toàn không đáp ứng được giống như Đà Nẵng: không có tình trạng ăn xin, cướp giật hay gái điếm, mà Sài Gòn tràn ngập những cái đó. Cho nên tôi nghĩ việc đưa Sài Gòn trở về ‘hòn ngọc viễn Đông’ trước đây là một ý tưởng rất ảo”.

Theo nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam, những việc cần làm trước mắt đối với thành phố đứng đầu cả nước là phải giảm số lượng hộ nghèo, giảm tình trạng cướp giật mà ông gọi là ‘kinh khủng’ hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe… và khoan hãy bàn đến những ý tưởng mà ông cho là ‘chẳng bao giờ thực hiện được’.

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng biến Sài Gòn trở lại thành ‘hòn ngọc Viễn Đông’ được đưa ra bàn thảo. Trước đó vào cuối năm ngoái, Bí thư Thành ủy mới nhậm chức Đinh La Thăng cũng đã đưa ra ý tưởng này khiến báo chí và dư luận Việt Nam được dịp bàn luận xôn xao cùng với những ý tưởng hiến kế được đưa ra. Tuy nhiên cũng như nhiều phát biểu được cho là thẳng thắn, có tính ‘cải cách’, ‘đột phá’, ông Đinh La Thăng cho tới nay vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả lời nói của mình.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại nhưng nhấn mạnh thêm ý tưởng ‘không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường’, mà là ‘hòn ngọc chiếu sáng’, theo nhận xét của TS. Phạm Chí Dũng, không phải là dấu hiệu cho thấy có sự hợp lực giữa hai người đứng đầu Chính phủ và thành phố.

“Tôi không cho rằng có sự hợp lực giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Đinh La Thăng ở đây, mà đây là chuyện của ai người đó làm, gần như là mạnh ai người đó làm. Theo kinh nghiệm ở Việt Nam, những người nói ít thì làm được nhiều hơn, người nói nhiều thì làm được ít hơn. Từ lúc ông Thăng nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông nói quá nhiều. Nhưng cho tới giờ, hiệu quả đạt được của lời nói của ông thì không bao nhiêu, có thể nói là rất ít. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc nói ít hơn hẳn và ít xuất hiện hơn hẳn, thì về phía doanh nghiệp, họ có khen ông Phúc. Họ nói rằng đây là người làm việc thực chất, mặc dù trong tình cảnh ngổn ngang hiện nay còn quá nhiều việc phải làm, nhưng dù sao ông Phúc cũng có làm được một vài việc. Ít nhất là hiện nay ông ấy đang thúc đẩy giải quyết tình trạng giấy phép con, một trong những căn cơ về tham nhũng ở Việt Nam”.

Theo thống kê được Bí thư Đinh La Thăng đưa ra hôm 27/6, mức độ tăng trưởng của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay đạt 7,47%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đưa ra là từ 8% - 8,5%. Cũng theo nhận xét của người đứng đầu thành phố, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị TP.HCM xây dựng đề án thí điểm cơ chế đặc thù để trình Chính phủ thẩm định. Được biết, TP.HCM đã kiến nghị 7 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính đặc thù, chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư…Bí thư Thành ủy thành phố cho biết những kiến nghị này căn cứ trên Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, cho phép thành phố thí điểm tất cả những vấn đề luật chưa có, chưa quy định. - VOA

Tuesday, June 28, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/6

Tin Thế Giới

1.
EU: Không thảo luận trước khi Anh có tiến trình rời khỏi khối --- Lãnh đạo EU: Anh phải làm rõ lập trường

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu đã bác bỏ thảo luận với Anh về việc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu trước khi có tiến trình chính thức về việc này. Từ Paris, Thông tín viên Lisa Bryant tường trình rằng những cuộc thảo luận giữa Đức, Ý và Pháp diễn ra chỉ vài giờ trước khi các nguyên thủ quốc gia dự một hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Brussels để đưa ra quyết định về tương lai của Châu Âu sau khi Anh rời khỏi EU.

Thông điệp được các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ý đưa ra rõ ràng là sẽ không có những cuộc thảo luận chính thức hay không chính thức với Anh cho đến khi nào Anh vận dụng Điều khoản 50-một điều khoản chính thức áp dụng thời gian 2 năm để Anh rời khỏi EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điểm này tại một cuộc họp báo ở Berlin, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của một số nhà lãnh đạo ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Bà Merkel nói:

“Chừng nào yêu cầu này chưa được đưa lên Liên hiệp Châu Âu, thì không thể tiến hành biện pháp nào cả.”

Điều này dự kiến sẽ không xảy ra cho đến khi có một Thủ tướng mới thay thế ông David Cameron, có lẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Bà Merkel phát biểu sau khi 3 nguyên thủ quốc gia họp để đưa ra một lập trường chung, giữa lúc xáo trộn lan rộng tại nước Anh và lan sang EU và những thị trường tài chánh sau khi người Anh trong tuần qua đã bỏ phiếu rời khỏi khối 28 thành viên.

Ba nhà lãnh đạo cũng phác họa những ưu tiên là an ninh, tăng trưởng và việc làm, giới trẻ và khu vực dồng Euro- mà các nhà lãnh đạo này tin là EU nên chú tâm đến, trước hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại Brussels về việc EU vẫn tiếp tục tiến về phía trước dù không có nước Anh.

Dù chứng tỏ có sự đoàn kết trong EU, nhưng vẫn có những thông điệp lẫn lộn. Tổng thống Pháp Francois Holland nói:

Trong khi bà Merkel kêu gọi một tiến trình có chừng mực, Tổng thống Pháp Francois Hollande thuộc số những người thúc đẩy một tiến trình nhanh chóng để phá vỡ những bế tắc. Ông nói điều quan trọng là không phí phạm thì giờ, vì không có gì tệ hại hơn sự bất định. Nó sẽ làm nẩy sinh những thái độ chính trị và tài chánh không hợp lý- và Anh đang trải qua chuyện này.

Quyết định của Anh rời khỏi EU đã khiến cho Châu Âu lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trước đây, châm ngòi cho những lời hô hào của một số người Châu Âu noi theo Anh và đòi hỏi những cuộc cải cách quan trọng khác nữa. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày hôm qua đã gặp các nhà lãnh đạo Châu Âu và Anh, cảnh báo các nước thành viên Châu Âu không nên trả đũa. - VOA

***
Sau cuộc đầu phiếu lịch sử của Anh để rời Liên hiệp Âu châu, các nhà lãnh đạo Âu châu bắt đầu tìm cách xác định mối quan hệ của họ với London.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi phát biểu tại Quốc hội Đức ngày hôm nay, nói rằng tuy Anh sẽ mất đi những quyền lợi của một thành viên EU, nước này vẫn tiếp tục là một đồng minh thân thiết trong khối NATO. Bà cũng cảnh báo EU không nên xao nhãng những vấn đề cấp bách khác, như vụ khủng hoảng di dân, mà phải cùng nhau lớn mạnh hơn nữa để ngăn ngừa những hội viên khác rời khỏi liên hiệp.

Bà nêu Na Uy như một thí dụ về mối quan hệ mà Anh có thể thiết lập với Âu châu – (đó là) một nước không phải là hội viên EU nhưng có quyền tiếp cận thị trường tự do này vì sẵn sàng tôn trọng sự tự do đi lại.

Mặc dầu vậy, bà Merkel cũng nói rằng cuộc thảo luận chính thức về mối quan hệ mới sẽ không diễn ra cho tới khi nào nước Anh bắt đầu thủ tục chính thức để chia tay.

Tại một phiên họp khẩn của Nghị viện Âu châu để thảo luận về cuộc đầu phiếu “thoát Âu” ở Anh, Chủ tịch Uỷ hội Âu châu Jean-Claude Juncker cho biết ông hy vọng Anh Quốc có thể duy trì những mối quan hệ thân thiện với EU, nhưng ông lập lại là các cuộc thương thuyết sẽ không thể thực hiện cho tới nước Anh biết chắc lập trường của mình.

Ông nói “Chúng ta không thể để cho mình tiếp tục ở trong một thời kỳ bất định kéo dài. Không thông báo, không thương thuyết.”

Ông Juncker đã cấm những cuộc họp “bí mật” giữa các giới chức Anh với các giới chức của từng nước trong Liên hiệp Âu châu, và nói rằng các cuộc thương thuyết chỉ diễn ra trong một khung cảnh toàn thể Liên hiệp Âu châu và có tính chất minh bạch sau khi tiến trình rời liên hiệp chính thức khởi sự.

Cử tri Anh đồng ý rời EU với tỉ lệ chênh lệch khít khao, nhưng Thủ tướng David Cameron nói quốc hội nước ông phải phê chuẩn quyết định này trước khi một tiến trình ra đi có thể khởi sự.

Ông Cameron đã loan báo quyết định từ chức và nói rằng ông sẽ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, tuy trên lý thuyết chính phủ có thể đảo ngược kết quả của cuộc đầu phiếu.

Nếu quốc hội phê chuẩn quyết định này, tiến trình rời liên hiệp sẽ mất hai năm và trong thời gian đó Anh Quốc về mặt chính thức vẫn là một thành viên của EU. - VOA
|
|

2.
Cam Bốt sẽ không ủng hộ phán quyết về Biển Đông

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đồng thời là lãnh đạo đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền ngày 28/06/2016 tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông, do đây là "sự thông đồng chính trị tệ hại nhất".

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đảng Nhân dân Cam Bốt tại Phnom Penh, ông Hun Sen nói: "Đảng CPP không ủng hộ, và hơn nữa còn phản đối bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN nhằm ủng hộ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực liên quan đến tranh chấp Biển Đông, mà một số quốc gia bên ngoài khu vực đã giật dây và gây áp lực lên các thành viên ASEAN, thậm chí còn trước cả khi tòa án chưa có quyết định".

Theo Tân Hoa Xã, năm 2013, Philippines đã đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" tại Biển Đông.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc dẫn lời thủ tướng Hun Sen: " Đảng Nhân dân Cam Bốt dự kiến điều này, và cho rằng đây là sự thông đồng chính trị tệ hại nhất trong khuôn khổ quốc tế, kết quả là dẫn đến sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc".

Ông Hun Sen cảnh báo rằng nỗ lực của một số quốc gia bên ngoài khu vực nhằm huy động lực lượng chống lại Trung Quốc sẽ gây tác động tiêu cực đối với ASEAN và hòa bình trong vùng này.

Hôm 14/6, ngoại trưởng các nước ASEAN họp tại Vân Nam đã đưa ra một tuyên bố chung với lời lẽ cứng rắn khác thường, chỉ trích các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông. Nhưng vài giờ sau bản tuyên bố đã được thu hồi với lý do nhầm lẫn, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định do Trung Quốc đã gây sức ép.

Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ đô la vào Cam Bốt, cùng với viện trợ quân sự hào phóng. Năm 2012 Phnom Penh với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN đã phá hỏng nỗ lực của khối này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Người Mỹ đối đầu về vấn đề liên quan đến phá thai

Những người ủng hộ quyền phá thai ca ngợi quyết định hôm qua của Tối cao Pháp viện Mỹ bãi bỏ các quy định gắt gao gây khó khăn cho việc được tiến hành các thủ tục phá thai ở Texas, bang đông dân thứ nhì của Hoa Kỳ. Phá thai là hợp pháp ở Hoa Kỳ, nhưng một số bang áp dụng các quy định nhắm gây khó khăn cho việc tiến hành phá thai. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Những người hoạt động ủng hộ cho quyền được phá thai tụ tập ở thủ đô hôm qua có lý do để vui mừng. Tòa án cao nhất Hoa Kỳ đã đứng về phe các bệnh xá ở Texas trong lập luận cho rằng mục đích của các nhà chính trị bảo thủ của bang này là muốn đóng cửa các bệnh xá đó. Một phụ nữ thuộc tổ chức phụ nữ Whole Women’s Health phát biểu ý kiến:

“Sau nhiều năm tranh đấu, các chính trị gia chống lại quyền được lựa chọn của phụ nữ dường như không từ nan một việc gì để gây khó cho việc phá thai. Tôi muốn mọi người hiểu là: đừng hòng lộn xộn với phụ nữ Texas.”

Phán quyết có phần chắc sẽ khiến các bang khác không tìm cách sử dụng các chiến thuật tương tự. Chủ tịch Trung tâm Quyền Sinh sản, bà Nancy Northup nói:

“Rõ ràng quyết định hôm nay của Tối cao Pháp viện có tác động thay đổi cục diện cuộc tấn công tàn nhẫn nhắm vào sức khỏe và các quyền của phụ nữ đã tiếp diễn từ nhiều năm nay ở các cơ quan lập pháp cấp bang.”

Thống đốc bang Texas Dan Patrick bác bỏ lời cáo buộc đó và nói rằng các quy định nhắm vào việc bảo về sức khỏe của phụ nữ.

“Quý vị đã nghe cơ quan Kế hoạch Gia đình và những người ủng hộ phá thai nói rằng, nếu chúng ta tiếp tục thông qua các luật lệ, thì chúng ta sẽ có phụ nữ phá thai ở những nơi không an toàn. Đó chính là điều mà Tối cao Pháp viện hôm nay đã chấp thuận.”

Quyết định với 5 phiếu thuận và 3 phiếu chống của tòa án với 8 thành viên là một thất bại cho những người hoạt động ủng hộ quyền sống và các tổ chức chống phá thai.

Một thành viên của tổ chức Sinh viên Bênh vực Quyền sống ở Mỹ nói:

“Chúng tôi tin rằng phụ nữ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn là phá thai. Phá thai là hình ảnh cho thấy chúng ta đã phụ lòng phụ nữ. Tôi không muốn coi phá thai là bất hợp pháp, mà chỉ muốn đó là điều mình không nên nghĩ tới.”

Người Mỹ gần như chia rẽ làm hai bên đều nhau về vấn đề này, và cả hai phía đều nhất quyết tiếp tục tranh đấu.

Bà Penny Nance thuộc tổ chức Phụ nữ Quan tâm đến nước Mỹ nói:

“Texas đã cố gắng một cách đích đáng để thực thi quyền bảo vệ phụ nữ, nhưng điều đáng buồn là Tối cao Pháp viện lại đứng về phe bênh vực phá thai, vì thế hôm nay chúng tôi đứng ở đây trong tư cách thành viên của phong trào ủng hộ quyền được sống và nói rằng chúng tôi sẽ không lùi bước.”

Bà Erin, một người ủng hộ quyền được lựa chọn nói:

"Nay cuộc tranh đấu là bảo đảm mọi người, bất kể chủng tộc, thu nhập, nơi sinh sống, được quyền tiếp cận phá thai một cách an toàn.”

Tổng thống Barack Obama hoan nghênh quyết định và nói rằng nó gỡ bỏ “một trở ngại vi hiến trên con đường tiến tới quyền tự do sinh sản của một phụ nữ.” - VOA
|
|

4.
Ông Trump thua sút về tỉ lệ ủng hộ, tăng cường đả kích bà Clinton

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã tụt lại sau ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đối đầu tranh cử tổng thống vào tháng 11. Ông Trump đang cố sức vượt qua những tranh cãi hồi gần đây và hiện đang thua sút bà Clinton cả về việc gây quỹ và tổ chức chiến dịch tranh cử. Nhưng ông Trump cũng đang tăng cường công kích bà Clinton.

Đi tới đâu ông cũng thu hút đông đảo người ủng hộ, và cả những người gièm pha.

Dù tìm cách đoàn kết Đảng Cộng hòa, ông Trump đang dịch chuyển trọng tâm của mình sang ứng viên sắp được Đảng Dân chủ đề cử Tổng thống, Hillary Clinton.

Ông gọi cựu ngoại trưởng là "kẻ nói dối đẳng cấp thế giới" trong một bài phát biểu hôm 22 trước các ủng hộ viên ở New York.

Ông Trump nói: "Không có ngoại trưởng nào mắc nhiều sai lầm một cách thường xuyên và tại nhiều nơi như bà Hillary Clinton. Những quyết định của bà ta gieo rắc cái chết, sự hủy diệt và chủ nghĩa khủng bố ở khắp mọi nơi bà ta động tay vào."

Bà Clinton cũng tăng cường công kích ông Trump, không chỉ về chính sách đối ngoại mà còn về những đề xuất kinh tế của ông ta.

Bà Clinton phát biểu: "Mỗi ngày chúng ta lại thấy rõ sự liều lĩnh và bất cẩn của ông Trump. Ông ta tự hào về việc đó, đó là chuyện của ông, nhưng khi ông muốn trở thành Tổng thống, thì đó là chuyện của chúng ta."

Nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa vẫn chỉ trích ông Trump. Nhưng tới giờ ít người bỏ rơi ông, theo lời nhà phân tích Kyle Kondik.

Ông Kondik nhận định: "Họ không thể tin tưởng Trump và họ cũng không thể tin tưởng ông ta sẽ theo đuổi những ưu tiên của họ nếu ông ta đắc cử. Tôi nghĩ rằng phe Cộng hòa đang tính toán rằng trong một trận chiến giữa hai ứng cử viên không mấy tốt đẹp thì họ sẽ chọn người đồng đảng với họ."

Nhưng ông Trump còn phải nỗ lực để biến mình thành một ứng cử viên phù hợp cho cuộc tổng tuyển cử, theo lời chuyên gia về Đảng Cộng hòa, Scot Faulkner.

Ông Faulkner nhấn mạnh: “Ông Trump cần phải mở rộng sức hút của mình để lôi cuốn công chúng Mỹ, khiến họ cảm thấy có lý do để bỏ phiếu cho ông ta. Ông ta rõ ràng đã khai thác được những bức xúc. Giờ ông ta cần khai thác những lý tưởng.”

Những cuộc khảo sát ý kiến hiện tại cho thấy bà Clinton đang dẫn trước, nhưng cũng cho thấy cử tri mong muốn có sự thay đổi mà rốt cục có thể có lợi cho ông Trump, theo lời bà Lara Brown.

Bà Brown chia sẻ: "Còn có sự chán chường tuyệt vọng và cảm giác của nhiều người Mỹ rằng không chỉ hệ thống của chúng ta bị hỏng, mà hơn thế nữa là khi người dân tiếp tục cố gắng chuyển tải thông điệp tới Washington, Washington chẳng thèm lắng nghe."

Cơ hội tốt nhất để ông Trump khởi động lại chiến dịch tranh cử của mình có thể tới tại đại hội Đảng Cộng hòa vào tháng 7 ở thành phố Cleveland, dù một số đại biểu vẫn đang tìm cách từ chối trao đề cử cho ông ta. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc sắp lập lãnh sự quán tại Đà Nẵng

Tin chính quyền Bắc Kinh sắp mở thêm một cơ quan ngoại giao tại thành phố chiến lược ở miền Trung Việt Nam đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng xác nhận tin này hôm 27/6.

Việc hoàn tất các thủ tục lập tổng lãnh sự quán Trung Quốc cũng là một phần nội dung của phiên họp lần thứ chín của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung do ông Minh và ông Dương chủ trì tại Hà Nội.

Khi đi vào hoạt động, đó sẽ là cơ quan ngoại giao thứ ba của Trung Quốc ở Việt Nam cùng với đại sứ quán tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở Sài Gòn.

Về quyết định này, một doanh nhân có tiếng ở trong nước viết: “Tôi buồn chảy nước mắt khi nghe sẽ có Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng. Là một Công dân Việt nam tôi phải nói với Lãnh đạo Trung Quốc và người dân Việt nam rằng: 'Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Trung Quốc đã xâm lược trái với đạo lý và luật pháp quốc tế. Nay các ông còn xin mở Lãnh sự quán tại Đà Nẵng? Thì tốt nhất các ông nên xây trên đất Đà Nẵng ngoài Hoàng Sa. Chúng tôi và sau này là con cháu chúng tôi sẽ dứt khoát lấy lại Hoàng Sa cho Đà Nẵng và cho Việt Nam'."

Sự xuất hiện rầm rộ của người Trung Quốc ở Đà Nẵng thời gian qua cũng đã gây “sốt” dư luận.

Chính quyền địa phương năm ngoái cho biết nhiều người Trung Quốc đã “núp bóng” người dân Đà Nẵng, mua hơn 100 khu đất ở “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, và quốc phòng”.

Sau đó, trong một động thái được coi là “mạnh tay”, Đà Nẵng đã trục xuất 64 người Trung Quốc làm việc “chui”, sau khi phạt mỗi người gần 1.000 đôla.

Ngoài vấn đề lập lãnh sự quán Trung Quốc ở Đà Nẵng, tại cuộc họp hôm 27/6, quan chức đôi bên cũng đã thảo luận về việc không làm phức tạp tình hình trên biển Đông.

Hai phía cũng ký “bản ghi nhớ hợp tác” giữa cảnh sát biển hai nước cũng như trao đổi về việc Trung Quốc cung cấp bổ sung khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 129,5 triệu nhân dân tệ cho dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung.

Cung hiện được xây dựng ở Hà Nội được quan chức hai nước coi là sẽ “góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”. - VOA
|
|

6.
Việt Nam định hoãn thi thành bộ luật hình sự mới

Quốc hội Việt Nam đã gửi phiếu biểu quyết đến các đại biểu để hoãn thi thành Bộ Luật hình sự mới vì “90 lỗi kỹ thuật”.

Theo báo chí trong nước, Bộ luật được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 mới đây và có hiệu lực từ ngày 1/7 “nhưng do lỗi kỹ thuật nên có nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế”.

Ước tính có 90 lỗi kỹ thuật, trong đó có hàng chục lỗi cần sửa đổi, như điều 292 quy định xử phạt với hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông có nêu tên một số dịch vụ khiến cộng đồng khởi nghiệp lo lắng.

Về việc hoãn này, luật sư Võ An Đôn cho biết ông cảm thấy “rất là bất ngờ”.

“Việc hoãn này rất là ảnh hưởng tới xã hội. Bộ luật hình sự là bộ luật đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật. Bộ luật mới bỏ nhiều tội phạm trong bộ luật cũ. Việc tạm ngưng thi hành bộ luật hình sự mới ảnh hưởng trực tiếp đến người bị tạm giữ, tạm giam cũng như luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo. Việc tạm ngưng phản ánh việc các nhà làm luật, ở đây là các đại biểu quốc hội quá sơ sài, không xem xét kỹ.”

Quốc hội khoá 13 năm ngoái đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự 2015 ngày 27/11 với hơn 84% đại biểu tán thành.

Theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi phát hiện các lỗi trên, thay vì có hiệu lực từ 1/7, Bộ luật này sẽ lùi đến 1/7/2017.

Nếu đa số đại biểu Quốc hội đồng ý hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015, Bộ luật hình sự hiện hành sẽ có hiệu lực đến khi việc sửa đổi, bổ sung hoàn tất. - VOA
|
|

7.
Việt Nam sắp công bố nguyên nhân thảm họa cá chết

Một quan chức của Bộ Công an mới tiết lộ rằng Việt Nam có thể công bố nguyên nhân cá chết vào ngày mai, 29/6.

Tin này được ông Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đưa ra trong cuộc họp báo hôm 27/6.

Quan chức này được trích lời nói: “Tôi được biết khả năng trong ngày 29/6 sẽ họp báo công bố rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra”.

Theo báo chí trong nước, Bộ Công an đã được chính phủ giao phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để “làm rõ nguyên nhân, xác minh vi phạm”.

Nhận định về việc này, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người từng giúp ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết ở miền Trung, nói với VOA Việt Ngữ:

“Việc công bố thời điểm bây giờ cũng khá là muộn rồi, và nó cũng để lại rất nhiều hậu quả, nhất là về mặt sinh kế cho người dân ở 4 tỉnh miền trung, nhất là những người sống bám vào biển. Nguyên nhân chưa biết họ sẽ đưa ra nguyên nhân như thế nào, cũng như chứng cứ, phân tích, lập luận đi kèm kết luận của họ ra sao. Tuy nhiên, có còn hơn không, người dân, chẳng hạn như ở vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bây giờ người ta đang rất là mong đợi thông tin để rồi người ta tính đường cho tương lai của người ta, bởi vì còn rất nhiều khó khăn cho tương lai trước mắt. Có lẽ không dễ dàng cho cả chính phủ cũng như người dân trong khoảng thời gian sắp tới.”

Vấn đề cá chết đã khiến nhiều người dân xuống đường đòi hỏi minh bạch trong việc xử lý thảm họa này, cũng như làm bùng ra các cuộc tranh luận trên mạng, mà mới nhất là giữa luật sư Trần Vũ Hải và bà Lê Bình, người quản lý một chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa phản hồi trước thỉnh nguyện thư kêu gọi Hoa Kỳ giúp Việt Nam thảm họa cá chết ở miền Trung nhiều tuần trước.

Ông Tuấn nói thêm rằng, từ trước tới giờ, ông chưa thấy sự kiện nào mà khiến “rất nhiều người dân quan tâm” như vụ cá chết. Nhà hoạt động này nói thêm:

“Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng mọi chuyện, dù sao nó vẫn nằm ngoài cánh cổng của gia đình họ, nhưng bây giờ, với sự kiện cá chết, nó có thể bước lên cả bàn ăn của họ đấy. Nó khiến sự quan tâm của xã hội rất là sâu sắc”.

Trong khi đó, sáng 28/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết một trong các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của lực lượng do ông phụ trách là “tiếp tục ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình...”

Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã cáo buộc “các tổ chức phản động ở nước ngoài” xúi giục người dân xuống đường biểu tình vụ cá chết. - VOA

Monday, June 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/6

Tin Thế Giới

1.
Brexit vẫn gây bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu --- Nhật Bản ứng phó với 'cơn sóng thần Brexit' --- Brexit lan tỏa chấn động sang cuộc đua tổng thống ở Mỹ

Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh vẫn tiếp tục gây xáo trộn trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến giá cổ phiếu giảm ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tại New York, chỉ số Dow và S&P 500 giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sớm hôm nay. Trong khi đó, chỉ số FTSE ở London giảm 2%.

Hiện có các lo ngại rằng việc người dân Anh quyết định rời EU sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế của nước này, và điều đó càng khiến giá trị đồng Bảng Anh giảm sút.

Trên các thị trường thế giới, lo ngại rằng sự sút giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu về năng lượng đã khiến giá dầu thô giảm thêm nữa.

Trong nỗ lực trấn an các nhà đầu tư Anh cũng như thị trường toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng nền kinh tế Anh hiện “mạnh nhất có thể để đương đầu với thách thức mà đất nước đang đối mặt”.

Trước đó, tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản hồi phục hôm nay, nhờ lời trấn an của thủ tướng nước này, trong khi các thị trường mới nổi ở châu Á vẫn chịu áp lực trước tình trạng bất ổn sau kết quả trưng cầu dân ý, theo đó Anh sẽ rời Liên hiệp Châu Âu.

Chỉ số Nikkei ở Tokyo hôm nay tăng 357 điểm lúc đóng cửa, tức tăng khoảng 2,4%, sau khi sụt giảm gần 8% thứ Sáu tuần trước.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu: “Tôi đã yêu cầu Ngân hàng Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng trung ương của khối các quốc gia phát triển G7 để có các bước đi cần thiết nhằm ổn định nền kinh tế và các thị trường tài chính”.

Ông Abe cũng nói thêm rằng ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Taro Aso “theo dõi chặt chẽ các thị trường tiền tệ cùng với Ngân hàng Nhật Bản”.

Hiện có đồn đoán rằng Nhật Bản sẽ phá vỡ cam kết với các đối tác G7 về việc không can thiệp vào thị trường tiền tệ, sau khi đồng Yen tăng mạnh so với đồng đôla, vì kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.

Đồng Yen hiện tăng hơn 15% so với đồng đôla kể từ đầu năm nay, và xu thế này đang gây thách thức cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản mà hiện đang gặp khó khăn, vì nó khiến các sản phẩm làm ra tại Nhật đắt đỏ hơn.

Các quan chức chính phủ Nhật và các giám đốc điều hành doanh nghiệp hôm nay đã họp bàn để chia sẻ quan ngại của họ về tác động kinh tế từ cuộc trưng cầu dân ý chưa có tiền lệ.

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới hiện lo ngại rằng bước đi của Anh có thể dẫn tới sự sụp đổ của Liên hiệp Châu Âu, và điều đó lại càng khiến đồng euro chịu áp lực giảm giá trên thị trường tiền tệ. - VOA

***
Thị trường chứng khoán Nhật Bản hồi phục hôm nay, nhờ lời trấn an của thủ tướng nước này, trong khi các thị trường mới nổi ở Châu Á vẫn chịu áp lực trước tình trạng bất ổn sau kết quả trưng cầu dân ý, theo đó Anh sẽ rời Liên hiệp Châu Âu.

Chỉ số Nikkei ở Tokyo hôm nay tăng 357 điểm lúc đóng cửa, tức tăng khoảng 2,4%, sau khi sụt giảm gần 8% thứ Sáu tuần trước.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu: “Tôi đã yêu cầu Ngân hàng Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng trung ương của khối các quốc gia phát triển G7 để có các bước đi cần thiết nhằm ổn định nền kinh tế và các thị trường tài chính”.

Ông Abe cũng nói thêm rằng ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Taro Aso “theo dõi chặt chẽ các thị trường tiền tệ cùng với Ngân hàng Nhật Bản”.

Hiện có đồn đoán rằng Nhật Bản sẽ phá vỡ cam kết với các đối tác G7 về việc không can thiệp vào thị trường tiền tệ, sau khi đồng Yen tăng mạnh so với đồng đôla, vì kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.

Đồng Yen hiện tăng hơn 15% so với đồng đôla kể từ đầu năm nay, và xu thế này đang gây thách thức cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản mà hiện đang gặp khó khăn, vì nó khiến các sản phẩm làm ra tại Nhật đắt đỏ hơn.

Các quan chức chính phủ Nhật và các giám đốc điều hành doanh nghiệp hôm nay đã họp bàn để chia sẻ quan ngại của họ về tác động kinh tế từ cuộc trưng cầu dân ý chưa có tiền lệ.

Trong nỗ lực trấn an các nhà đầu tư Anh cũng như thị trường toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã lần đầu tiên phát biểu, và tuyên bố rằng chính phủ nước ông đã chuẩn bị sẵn cho kết quả “rời” EU.

Ông Osborne nói rằng nền kinh tế Anh hiện “mạnh nhất có thể để đương đầu với thách thức mà đất nước đang đối mặt”.

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới hiện lo ngại rằng bước đi của Anh có thể dẫn tới sự sụp đổ của Liên hiệp Châu Âu, và điều đó lại càng khiến đồng euro chịu áp lực giảm giá trên thị trường tiền tệ. - VOA

***
Quyết định của Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu đang lan tỏa chấn động tới cuộc đua tổng thống ở Mỹ. Ứng cử viên sắp trở thành người được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống Donald Trump coi hành động của Anh như một sự khẳng định những thông điệp cốt lõi của chiến dịch tranh cử của ông ta, trong khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton xem sự kiện này là một bằng chứng nữa cho thấy ông Trump không thích hợp trở thành tổng thống.

Chiến thắng bất ngờ của phe ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit) đã khiến chính quyền Obama vất vả tỏ ra bình thản trước một kết cục mà họ không muốn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu ở Rome hôm Chủ nhật: "Một đất nước đã đưa ra quyết định. Rõ ràng, đó là một quyết định mà Mỹ đã hy vọng là sẽ theo hướng kia. Nhưng nó đã không diễn ra như vậy. Và vì thế chúng tôi bắt đầu với sự tôn trọng căn bản đối với cử tri."

Nhưng ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump dường như hoan nghênh kết cục này. Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, ông ta phát biểu tại sân golf mang tên mình ở Scotland.

"Người ta muốn giành lại đất nước của họ. Họ muốn có độc lập, theo một nghĩa nào đó... Tôi thực sự thấy có sự tương đồng giữa điều đang diễn ra ở Mỹ và điều đang diễn ra ở đây. Người ta muốn nhìn thấy biên giới."

Ban vận động tranh cử của ứng cử viên sắp được Đảng Dân chủ đề cử tổng thống Hillary Clinton đả kích tuyên bố của ông Trump rằng biến động tiền tệ ở Anh có thể làm lợi cho hoạt động kinh doanh của ông ta ở Scotland.

Quảng cáo mới của bà Clinton nói: "Mỗi một tổng thống đều bị thử thách bởi những sự kiện thế giới. Nhưng Donald Trump nghĩ về chuyện sân golf của ông ta hưởng lợi ra sao từ những sự kiện này. Trong một thế giới đầy biến động, điều cuối cùng chúng ta cần là một tổng thống không ổn định."

Nhưng nếu cuộc bỏ phiếu Brexit cho thấy rõ sự bất mãn của công chúng ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, phe Cộng hòa nói rằng thái độ tương tự cũng đang hiện hữu ở bờ bên này.

"Những gì bạn nhìn thấy ở Anh, ít nhất là từ những gì tôi đọc thấy, là người dân đã chán ngán chuyện bị những quan chức không được dân cử ở Brussels ra lệnh," nhà lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ bang Kentucky, phát biểu trên chương trình This Week của đài ABC. "Và tất nhiên tình trạng đó có rất nhiều ở đất nước này. Rất nhiều những quan chức của tổng thống mở rộng những quy định theo cách làm chậm nền kinh tế của chúng ta và làm cho tăng trưởng khó đạt được."

Một cuộc khảo sát ý kiến mới cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump 12 điểm, nhưng hầu hết cử tri muốn có một hướng đi mới cho nước Mỹ. Phe Dân chủ khẳng định cử tri không bị sự bất an và bất mãn làm mờ mắt.

Tom Perez, Bộ trưởng Lao động và là một đồng minh của bà Clinton đồng minh, nói trên chương trình This Week: "Những khác biệt giữa Ngoại trưởng Clinton và Donald Trump về tính khí, về sự suy xét, về những giá trị là không thể rạch ròi hơn. Và những khác biệt đó một lần nữa hiển hiện suốt hai tuần qua."

Một cơn chấn động xuyên Đại Tây Dương làm rung chuyển sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Mỹ có thể là điều khó có thể tiên đoán được tác động của nó trong cuộc bầu cử. Chính quyền Obama nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu tối đa những gián đoạn bắt nguồn từ Brexit. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Trung Quốc dọa kéo tàu quân sự Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây

Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 27/06/2016 nhận định: quân đội nước này « hoàn toàn có khả năng kéo tàu quân sự của Philippines ra khỏi vùng có tranh chấp ở Biển Đông (...) nhưng vì sự ổn định chung Trung Quốc sẽ kiên nhẫn và giữ thái độ kềm chế ». Tuy vậy, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh cũng có giới hạn.
 
Trích lại tin từ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, báo South China Morning Post, ấn bản tại Hồng Kông, nhắc lại: từ năm 1999 Philippines đã cố tình cho mắc cạn chiếc tàu rỉ sét BRP Sierra Madre trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Và Manila coi đây là một "căn cứ quân sự" của Philippines trong vùng. Hơn một chục nhân viên được điều tới hoạt động một cách thường trực trên tàu.

Bắc Kinh đã có những lời lẽ đe dọa như trên trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Haye chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Báo Nhân Dân Trung Quốc nhấn mạnh là nước này "quyết tâm và thừa sức bảo vệ từng tấc đất" thuộc chủ quyền lãnh thổ và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Án La Haye.

Đây là một chiếc tàu chở dầu cũ của Mỹ, Philippines đã mua lại. Năm 2015 Hải quân nước này đã vượt qua vòng kiểm soát của tàu tuần duyên Trung Quốc, chuyển vật liệu để trùng tu chiếc tàu. - RFI
|
|

3.
Máy bay Singapore Airlines bốc cháy trên đường băng

Một chiếc máy bay của Singapore đã bốc cháy sớm nay, sau khi buộc phải quay trở lại phi trường khi đang bay tới Milan vì gặp trục trặc về động cơ.

Động cơ bên phải của chiếc Boeing 777 của Singapore Airlines đã bốc cháy sau khi chiếc máy bay này hạ cánh xuống sân bay Changi.

Hãng máy bay thuộc nhóm an toàn nhất thế giới này cho biết các lực lượng cứu hỏa đã dập tắt lửa.

Tin cho hay, không ai trong số 222 hành khách và 19 thành viên phi hành đoàn bị thương.

Chuyến bay mang số hiệu SQ368 xuất phát tới Milan, Ý, khoảng 2 giờ sáng.

Nhưng chỉ sau hai giờ bay, phi công thông báo động cơ máy bay gặp trục trặc, và buộc phải quay lại Singapore.

Các hình ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy, cánh phải của chiếc máy bay hoạt động 10 năm qua bốc cháy ngay trên đường băng, trong khi lực lượng cứu hỏa gâp rút tới dập lửa.

Singapore Airlines được coi là một trong những hãng hàng đầu thế giới, và được coi là chuẩn mực trong ngành hàng không.

Hãng này chưa gặp phải sự cố lớn nào trong những năm gần đây. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Thị trưởng Mỹ theo đạo Hồi kêu gọi lòng khoan dung

Anh Mohamed Khairullah mô tả bản thân là một thị trưởng Mỹ ngẫu nhiên theo đạo Hồi. Là thị trưởng 3 nhiệm kỳ của thành phố Prospect Park, bang New Jersey, Khairullah nói thị trấn 6 ngàn cư dân này là một ví dụ cho thấy yếu tố sắc tộc và tín ngưỡng không chi phối quyết định lựa chọn một lãnh đạo cộng đồng.

Khi cậu bé Mohamed Khairullah 16 tuổi, người gốc Syria, tới định cư tại thị trấn nhỏ bé ở bang New Jersey này vào năm 1991, cậu không dám mường tượng rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành thị trưởng nơi đây.

Nhưng một ngày nọ, cậu chợt nhìn thấy một điều gợi ra tương lai của mình.

Khairullah chia sẻ: “Tôi nhớ trên đường đi bộ tới trường tôi nhìn thấy một tấm bảng chính trị có tên một người gốc Ả Rập. Tôi nhủ thầm: ‘Hay thật.’ Điều đó đã ươm một hạt mầm trong đầu óc của tôi.”

Năm 2001, một năm sau khi nhập quốc tịch Mỹ, Khairalluh ra vận động một vị trí dân cử. Khairullah cho biết tín ngưỡng Hồi giáo trong anh không là một vấn đề lớn đối với các cử tri.

Khairullah nói: “Bất chấp những khác biệt, chúng ta không tấn công nhau dựa trên tôn giáo hay sắc tộc. Sắc tộc là của chúng ta, của gia đình dòng tộc sinh ra chúng ta. Và tôn giáo của chúng ta là nơi thờ tự, tôn giáo thuộc về nơi ấy.”

Khairullah nói, tôn giáo đối với anh, có vai trò cung cấp nền tảng đạo đức: “Tôi không áp đặt tôn giáo của mình trong công tác vận hành thị trấn này, nhưng tôn giáo của tôi áp đặt lên tôi những giá trị đạo đức để tôi hoạt động.”

Cũng giống như những nơi khác tại Mỹ, hiện giờ là mùa bầu cử ở Prospect Park. Khairullah không ra tái tranh cử, nhưng 2 trong số 6 người nắm ghế ở hội đồng thành phố đang ra tranh cử.

Ngoài công tác vận động, hầu hết thời gian của Khairullah được dành để trao đổi với cư dân thành phố qua điện thoại hoặc giao tiếp với cộng đồng qua mạng xã hội.

Bên cạnh những trách nhiệm công tác hằng ngày, Khairullah không bỏ quên quá khứ của mình. Anh đã nhiều lần trở lại quê hương Syria bị chiến tranh tàn phá trong các chuyến cứu trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm và đồ tiếp tế cho những người cơ nhỡ.

Thị trưởng Khairullah nói: “Bất chấp những hiểm nguy, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người dân bị cộng đồng quốc tế và thế giới bỏ rơi và điều đó là một thách thức đối với chính phủ độc tài và những người ủng hộ chế độ độc tài.”

Những người biết Khairullah, một cựu giáo viên, mô tả anh là một người đàn ông hướng về gia đình.

Anh Intashan Chowdhury, từng là học trò của Khairullah, cho biết: “Đây là một cộng đồng hướng về gia đình, chúng tôi cần những người hướng về gia đình như Thị trưởng Khairullah.”

Một học trò khác của Khairullah tên là Priscilla Nunez, chia sẻ cảm nghĩ: “Tôi phải nói là anh ấy rất ôn hòa, nhắc nhớ tôi đến thân phụ của mình. Anh ta luôn nói chuyện với chúng tôi với một sự tôn trọng.”

Mục tiêu Khairullah đề ra cho 3 đứa con của mình là chúng phải trở thành những nhân tố tích cực cho thế giới. Thông điệp anh gửi tới con cái và những người có chí hướng muốn lãnh đạo chính là tinh thần nhân ái quan trọng hơn nhiều so với sắc tộc hay tín ngưỡng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc thăm Việt Nam

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam hôm 27/6 theo lịch đã có từ trước nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước vào lúc mối quan hệ này đang bị căng thẳng  bởi những tranh chấp ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm, ông Dương cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh làm đồng chủ tọa Ban chỉ đạo về hợp tác song phương Việt-Trung có mục tiêu tăng cường quan hệ và giải quyết tranh chấp.

Phát biểu sau khi đón ông Dương, ông Phạm Bình Minh nói: “Chúng tôi vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước trong thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cho dù có một số vấn đề còn tồn tại cần giải quyết”.

Chuyến thăm của ông Dương, người có cấp bậc cao hơn bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, diễn ra vào lúc Trung Quốc ráo riết vận động để các nước khác xem nhẹ một phán quyết sắp được một tòa quốc tế đưa ra có thể làm suy yếu lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng ông Dương có phần chắc sẽ không tìm cách giành lấy sự thông cảm từ Việt Nam, vốn là nước có vấn đề về lòng tin đối với Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam cũng trở nên gần gũi hơn với Philippines.

Ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói ông Dương có thể cố gắng vận động các nhà lãnh đạo Việt Nam song Việt Nam sẽ không thay đổi sự phản đối của mình đối với việc Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông.

Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà học thuật làm cố vấn cho chính phủ, nói không có “nghị trình bí mật” trong chuyến thăm của ông Dương và sẽ không có thỏa hiệp nào về Biển Đông.

Mặc dù Việt Nam không tham gia cùng Philippines trong việc khiếu nại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại tòa trọng tài ở La Haye, song Việt Nam sẽ có lợi nếu tòa ra phán quyết tích cực cho Philippines. Hà Nội đã đồng thanh cùng Manila trong các lời phản đối về việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và những cơ sở quân sự tại những nơi đó. Việt Nam cũng phản đối các hành vi của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và những vụ mà Việt Nam cho là Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo dự liệu, phán quyết của tòa La Haye sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Nhiều người đang lo ngại về những phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp phán quyết bất lợi cho nước này. - VOA
|
|

6.
Luật hình sự mới của VN 'nhiều sai sót'

Việc giới chức phải tìm phương án nhằm tạm ngưng hiệu lực Bộ luật Hình sự cho thấy một "cuộc khủng hoảng về lập pháp và tư pháp" ở Việt Nam, một luật sư từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt.

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/6 nói: "Cơ quan chức năng đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung."

Điều này khiến việc đưa Bộ luật Hình sự vào thực thi từ 1/7 tới đây là bất khả thi.

Ngày 1/7 cũng là thời điểm có một số bộ luật khác liên quan tới ngành tư pháp có hiệu lực.

"Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự có vấn đề. Hai bộ luật này có liên quan đến nhau, nhiều điều khoản mâu thuẫn nhau, và gây hậu quả không tốt tới dân chúng và các nhà kinh doanh nếu đem ra thực hiện," luật sư Trần Vũ Hải nói.

Sáng hôm 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp bất thường, khẩn cấp nhằm tìm giải pháp tình thế, theo đó cơ quan này muốn đề xuất giải pháp lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự và cả hai văn bản luật liên quan; Trong thời gian tạm hoãn, Quốc hội sẽ điều chỉnh sửa đổi các nội dung có sai sót trong các văn bản này.

Bộ luật Hình sự, vốn được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao trong Quốc hội, đạt 84% đại biểu có mặt, được xác định có tới 95 nội dung, điều khoản sai sót, trùng lặp hoặc mắc lỗi kỹ thuật.

Mức độ sai sót nhiều như vậy là điều gây ngạc nhiên, khi mà các cơ quan dự thảo luật của Việt Nam luôn rất thận trọng thậm chí tới mức dè dặt trong việc soạn thảo, và các điều khoản dự thảo cũng được cân nhắc rất kỹ khi đưa ra Quốc hội thảo luận nếu đó là các chủ đề nhạy cảm.

Chẳng hạn như dự thảo Luật về Hội, cũng do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, "được nâng lên, đặt xuống khá nhiều lần" trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc nói với BBC Tiếng Việt trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Chín 2015.

Kể cả đã được chuẩn bị kỹ càng như vậy, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó vẫn xác định 'nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn' và cho đến nay văn bản này vẫn nằm ở mức dự thảo.

Tính pháp lý của quá trình điều chỉnh

Quốc hội khóa 13, là khóa thông qua Bộ luật Hình sự 2015 mắc nhiều sai sót, đã mãn nhiệm và Quốc hội khóa mới sẽ phải đảm nhận trách nhiệm "sửa sai".

Cuộc "khủng hoảng về lập pháp và tư pháp" này, theo lời luật sư Trần Vũ Hải, đòi hỏi phải được tháo gỡ thận trọng, với sự tham vấn đầy đủ từ các chuyên gia pháp luật.

Trong lúc đó, Quốc hội khóa mới "gần 65% là người chưa có kinh nghiệm lập pháp, 35% là những người cũ, là những người chịu trách nhiệm về các sai lầm về Bộ luật Hình sự", theo luật sư Trần Vũ Hải.

"Bản thân các đại biểu Quốc hội có khá ít các chuyên gia có thể hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này," ông Hải nói. "Trong lúc đó, bộ máy nhân sự của cơ quan tư pháp cũng đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây, gồm cả việc thay đổi các vị trí Chánh án Tòa tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và Bộ trưởng Tư pháp."

"Lẽ ra trưởng ban dự thảo Bộ luật Hình sự phải từ chức và bị kỷ luật. Các quan chức đã làm quá cẩu thả, không chấp nhận được," ông Hải nói thêm.

Tuy nhiên, vị luật sư từ Hà Nội nói việc 'chữa cháy' bằng một nghị quyết của Quốc hội là điều chấp nhận được theo luật Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên các văn bản pháp luật do Quốc hội Việt Nam thông qua bị phát hiện có sai sót nghiêm trọng.

Trường hợp tương tự xảy ra trước đây là với Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, với điều 60 của luật này bị phản ứng gay gắt. Quốc hội sau đó đã ra Nghị quyết 93 hoãn thi hành điều khoản này.

Luật sư Trần Vũ Hải nêu giải pháp cho lần này, với việc áp dụng tạm đình chỉ các điều khoản có nội dung cần sửa đổi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "nghị quyết mới không được phép sai lầm thêm".

Ông Hải cũng chỉ ra rằng trình tự làm luật của Việt Nam hiện nay đang "có vấn đề" và đó là nguyên do dẫn tới những sai sót lớn trong quá trình lập pháp.

"Có nhiều điều luật thậm chí các đại biểu Quốc hội còn chưa được bàn tới mà vẫn được đưa vào. Ví dụ như trong Bộ luật Hình sự 2015 có điều luật 292 đang được nêu ra, theo tôi nghiên cứu thì tới tháng Chín, tháng Mười 2015 điều luật đó mới được đưa vào. Trước đó các doanh nghiệp chưa được biết tới điều khoản này [trong các bản dự thảo được công bố trước đó]. Vậy mà tháng Mười Một đã được đem ra bàn thảo rồi thông qua."

Phiên họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự tham dự mở rộng của các trưởng hoặc phó đoàn đại biểu, các đại diện từ ngành tòa án, kiểm sát và một số bộ ngành khác, được tiến hành khi chưa đầy một tháng nữa, Quốc hội khóa mới theo kế hoạch sẽ có phiên họp đầu tiên, bắt đầu từ 20/7. - BBC
|
|

7.
Hải quân Úc chặn bắt người tị nạn Việt Nam

Hải quân Australia mới chặn một tàu chở 21 người xin tị nạn Việt Nam ở vùng biển Timor, rồi sau đó xử lý và buộc những người này phải trở về nước.

Đây là chiếc thuyền thứ ba từ Việt Nam bị hải quân Australia chặn trong vòng 14 tháng qua.

Vụ bắt giữ được tiến hành ít lâu sau khi Việt Nam kết án 4 thuyền nhân bị Australia trả về, dù chính quyền Hà Nội và Canberra từng cam kết rằng họ sẽ không bị truy tố, hay trừng phạt ai vì tìm cách tới Australia.

Hôm 26/5, Tòa án ở Bình Thuận kết án 4 người nhiều tháng tù về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo điều 275 bộ luật hình sự.

Trước đó, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi “hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc liên quan đến hành vi vượt biên trái phép đối với những ‘thuyền nhân’ bị Úc trả về”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”. - VOA