Thursday, June 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 9/6

Tin Thế Giới

1.
Nhật triệu Đại sứ Trung Quốc vì vụ tranh chấp biển đảo

Bắc Kinh hôm nay bác bỏ một cảnh báo của Tokyo, vài giờ sau khi chính phủ Nhật phản đối việc một chiến hạm Trung Quốc tiến gần tới một nhóm đảo ở Biển Đông Trung Hoa do Nhật kiểm soát.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay nói rằng quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là lãnh thổ của Trung Quốc và hải quân nước này có quyền hoạt động trong vùng biển đó.

Trước đó trong ngày hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa vào lúc hai giờ sáng giờ địa phương, trong lúc vụ việc đang diễn ra, để bày tỏ “quan tâm sâu sắc” và đưa ra kháng nghị.

Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, hôm nay cho báo chí biết rằng Nhật Bản sẽ bảo vệ quần đảo Sensuku “bằng mọi phương tiện” và việc chiếc tàu của hải quân Trung Quốc tiến sát lãnh hải Nhật Bản là một vấn đề nghiêm trọng và là “một hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng”.

Trước đây, những chiếc tàu tuần của Trung Quốc thỉnh thoảng đã tiến gần hoặc tiến vào vùng biển mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình, nhưng vụ việc ngày hôm nay là lần đầu tiên một chiếc tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển có tranh chấp.

Các giới chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị các giới chức hữu quan phối hợp với Hoa Kỳ và các nước khác về vụ việc này.

Chiếc Setorigi, một khu trục hạm gắn phi đạn điều hướng, của Nhật xác nhận chiếc tàu Trung Quốc đã đi vào một khu vực được bảo vệ ở mạn đông bắc đảo Kuba, một phần của quần đảo Senkaku, và lưu lại ở đó hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Ông Yoichiro Sato, một nhà phân tích an ninh của Đại học Á châu Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Tokyo, cho đài VOA biết rằng vụ việc hôm nay là quan trọng nhưng không phải là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Sato: "Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc, chứ không phải là tàu hải giám dân sự, đi vào vùng biển tiếp cận lãnh hải Senkaku. Việc tàu chiến nước ngoài đi vào vùng biển tiếp cận lãnh hải 12 hải lý mà không có sự tán thành của nước liên hệ mặc dù không vi phạm luật quốc tế, nhưng vẫn là một vụ việc nghiêm trọng."

Giáo sư Sato cho rằng hành động hôm nay của Trung Quốc là một thông điệp gởi tới Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước ASEAN.

Ông Sato nói: "Đây là một diễn tiến quan trọng vì sau cuộc Đối thoại Shangri-la, trong đó Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì những hành động hung hăng ở Biển Đông, tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn đánh đi một thông điệp cho Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước ASEAN là Trung Quốc có thể tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với những quần đảo có tranh chấp."

Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 3 chiến hạm của Nga cũng tiến gần tới khu vực mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình.

Hãng thông tấn Fiji cho hay các chiếc tàu của Nga đã tiến vào khu vực này vào khoảng 9 giờ 50 tối thứ tư và rời khỏi khu vực vào khoảng 3 giờ 05 sáng nay.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói “Chúng tôi đang điều tra và phân tích để xem hai vụ này có liên hệ với nhau hay không.”

Trước đó, Nhật Bản cảnh báo rằng bất cứ tàu nào của nước ngoài tiến vào lãnh hải của Nhật vì bất kỳ lý do nào ngoài lý do thông qua vô hại đều bị tàu tuần Nhật Bản ra lệnh trục xuất.

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã xác nhận rằng dựa trên Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Nhật, các lực lượng của Mỹ có bổn phận giúp đỡ Nhật Bản trong trường hợp quần đảo có tranh chấp này bị tấn công. - VOA
|
|

2.
Nhà nước Hồi giáo tháo chạy trước cuộc tiến công ở Mosul

Các chiến binh người Kurd, thường được gọi là Peshmerga, ở Iraq đã tiến được 23 kilomét trong cuộc tấn công nhằm chiếm lại cứ địa của Nhà nước Hồi giáo ở Mosul. Thông tín viên Sharon Behn của đài VOA đã đến mặt trận để nói chuyện với các viên chỉ huy Peshmerga và gởi về bài tường thuật sau đây.

Tướng Saeed Khazar nói rằng đây là một trận chiến hết sức khốc liệt. Ông cho biết như sau về cuộc tiến công hai mặt do ông chỉ huy.

"Mặt thứ nhất bao vây phía sau quân địch với một lực lượng mạnh mẽ và chiếm khu vực phía sau của chúng. Tại một số khu vực, quân địch kháng cự lại chúng tôi. Tại những khu vực khác, bọn chúng tháo chạy."

Các vụ không kích của liên minh, những vụ tấn công bằng súng cối và những kẻ nổ bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo đã làm cho các ngôi làng bị tàn phá nặng nề.

Tướng Khazar cho biết chiến thuật của ông làm cho địch quân bối rối.

"Mặt trận thứ nhì là tấn công trực tiếp vào quân địch, làm cho bọn chúng phải đưa quân từ phía sau lên phía trước. Chúng không biết phải làm thế nào."

Một số chiến binh Nhà nước Hồi giáo trốn núp dưới những đường hầm kiên cố.

Tướng Salar Taimur, một viên chỉ huy khác của Peshmerga, cho biết như sau về chiến thuật của Nhà nước Hồi giáo.

"Nhà nước Hồi giáo được chia thành nhiều toán nhỏ, trải rộng tại nhiều khu vực. Một số xây hầm để tránh những vụ oanh tạc. Những đường hầm của họ khá kiên cố, cho nên cho dù những ngôi nhà bị dội bom thì những đường hầm vẫn không sao cả."

Tướng Taimur nói rằng Nhà nước Hồi giáo sử dụng mọi loại bom mìn.

"Họ có một đơn vị nổ bom tự sát mà họ dùng để thực hiện những tấn công tự sát nhắm vào địch thủ của họ."

Các chiến binh Peshmerga giờ đây đã chiếm được những khu vực chỉ cách thành phố Mosul 20 kilomét. Họ cho biết họ có khả năng để chiếm lại Mosul, nhưng họ chỉ tiến tới khi nào có được một thoả thuận với chính phủ trung ương Iraq về vấn đề ai sẽ nắm quyền kiểm soát thành phố này sau đó. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Obama: Chức vụ tổng thống 'không phải là truyền hình thực tế' (Reality Shows)

Tổng thống Barack Obama nói vai trò của ông trong cuộc bầu cử năm nay để chọn người thay thế ông là nhắc nhở để người dân Mỹ biết là chức vụ tổng thống là một công việc nghiêm chỉnh.

Khi xuất hiện trong chương trình NBC’s Tonight Show sẽ được trình chiếu ngày hôm nay, ông Obama nói “Chức vụ Tổng thống không phải là một chương trình truyền hình thực tế. Tôi đã thấy những quyết định cần phải chọn và những công việc cần phải làm, và tôi có nhiều tin tưởng là nếu người dân Mỹ được nhắc nhở về những hậu quả có thể xảy ra và về những vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần phải làm cho đúng, thì dân chúng sẽ chọn lựa một cách đúng đắn.”

Trước đây hầu như Tổng thống Obama không dính líu gì đến tiến trình bầu cử trong lúc các cử tri chọn lựa ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Nhưng bây giờ, trong lúc bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ là đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, Tổng thống Obama nói ông sẽ ra sức vận động để cho phe Dân chủ giành được Tòa Bạch Ốc trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Tổng thống Obama nói với người hướng dẫn chương trình Tonight Show Jimmy Fallon là ông đã nói chuyện với bà Clinton và đối thủ chính của bà trong cuộc chạy đua để được đảng Dân chủ đề cử là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, trong suốt tiến trình bầu cử sơ bộ và đưa ra những khuyến nghị. Ông nói tiếp là không có gì ngạc nhiên đối với việc ông đã không có bất cứ cuộc nói chuyện nào như thế với ông Trump.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích tổng thống Obama và nói nếu bà Clinton đắc cử, bà sẽ tiếp tục những chính sách của ông Obama.

Tổng thống Obama nói đùa là đảng Dân chủ rất mừng khi thấy các cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa đã đề cử ông Trump làm ứng cử viên tổng thống của đảng, nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại. Ông nói thêm là nước Mỹ sẽ làm việc tốt hơn nếu cả hai đảng “có thái độ nghiêm túc và cố gắng giải quyết những vấn đề.”

Ông nói “Các bạn muốn ứng cử viên được đề cử của đảng Cộng hòa phải là một người có thể hoàn tất nhiệm vụ nếu đắc cử.Và bạn muốn những người hiểu rõ vấn đề, và có thể cùng nhau ngồi vào bàn thảo luận và tranh luận với nhau dựa trên nguyên tắc và cuối cùng có thể đưa đất nước tiến lên.”

Tổng thống Obama nói ông hy vọng hai đảng sẽ tìm ra giải pháp để cùng nhau làm việc, một điều ông nhận thấy là khó khăn hơn dự kiến ban đầu, khi ông nhậm chức vào đầu năm 2009.

Ông nói “Khi tôi nhậm chức, chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng. Và thông thường, hy vọng của chúng ta là tuy chúng ta có chơi trò chơi chính trị, nhưng khi mọi vệc trở nên nghiêm trọng, khi chúng ta mất 800.000 việc làm mỗi tháng, khi chúng ta có 180.000 binh sĩ tại Afghanistan và Iraq, thì chúng ta bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc, gạt chính trị qua bên cạnh để thực hiện những việc cần thiết. Nhưng điều đó đã không xảy ra.”

Người tiền nhiệm của ông Obama là Tổng thống George W. Bush đã xuất hiện vài lần trên chương trình Tonight Show trong thời gian tại chức, nhưng việc xuất hiện trên truyền thông của ông Bush thường là những cuộc phỏng vấn trên các chương trình tin tức.

Trái lại, ông Obama và đệ nhất phu nhân Michelle thường xuất hiện trên các hệ thống truyền thông nhiều hơn, như những lần có mặt trên những chương trình trò chuyện, cũng như những chương trình khoa học và khôi hài. Nhiệm kỳ của tổng thống Obama cũng trùng hợp với sự mở rộng của mạng lưới truyền thông xã hội, và hai ông bà Obama đều có tài khoản trên Twitter với những bài viết thường xuyên của ông bà cũng như những nhân viên của họ. Các tài khoản chính thức khác của Tòa Bạch Ốc cũng được tìm thấy trên Facebook, Instagram và Snapchat.

Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng Twitter để bày tỏ quan điểm và nối kết với những người ủng hộ. Họ cũng sử dụng diễn đàn này để công kích nhau, và đó là điều chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày bầu cử vào tháng 11. - VOA
|
|

4.
Bà Clinton, ông Trump chuẩn bị cho cuộc chiến tổng tuyển cử

Cuộc đua đến chức tổng thống Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới, tiếp sau những cuộc đấu cuối cùng của vòng bầu cử sơ bộ, dọn đường cho cuộc quyết đấu tổng tuyển cử giữa hai ứng viên gần như chắc chắn sẽ được hai đảng đề cử - bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa. Cuộc đua sẽ đặt người dân Mỹ trước một sự lựa chọn khắc nghiệt và rất có thể sẽ là một trong những cuộc vận động tranh cử bẩn thỉu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Từ Washington, thông tín viên đài VOA Jim Malone tường trình về những dự báo.

Lúc này đối với bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ là một khoảnh khắc làm nên lịch sử, khi bà đang trên đường trở thành ứng viên tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

Nhưng bà Clinton đã không để phí thời gian, nhanh chóng chĩa mũi dùi vào ông Donald Trump của đảng Cộng hòa, người dự kiến sẽ là đối thủ của bà.

"Chúng ta tin rằng chúng ta mạnh hơn khi tập hợp với nhau, và tính chất hệ trọng của cuộc bầu cử này thật là cao, và sự lựa chọn rất rõ ràng. Ông Donald Trump về mặt tính khí không thích hợp để trở thành tổng thống và tổng tư lệnh quân đội".

Bà Clinton đã đánh bại đối thủ Bernie Sanders trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ trong số 6 6 cuộc bầu cử hôm 7/6, bao gồm chiến thắng lớn ở California. Nhưng hiện nay, ông Sanders vẫn chiến đấu.

"Cuộc chiến trước mặt chúng ta rất, rất khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu cho từng lá phiếu và từng đại biểu mà chúng ta có thể giành được".

Ông Donald Trump cũng sốt sắng đối đầu với bà Clinton, công kích nhiệm kỳ của bà khi giữ chức ngoại trưởng và những nỗ lực gây quỹ của Quỹ Clinton.

"Bà Hillary Clinton đã biến Bộ Ngoại giao thành một quỹ đầu tư tư nhân. Người Nga, A-rập Xê-út, người Trung Quốc, tất cả đều đưa tiền cho ông Bill và bà Hillary, và đổi lại họ đã được ưu đãi".

Nhưng ông Trump vẫn đang phải lo kiểm soát thiệt hại sau khi ông cáo buộc một thẩm phán liên bang đã thiên vị vì là người Mỹ gốc Mexico, một phát biểu gây bất bình cho các đảng viên Cộng hòa như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.

"Khẳng định một người không thể làm một công việc vì chủng tộc của họ chẳng khác gì một phát biểu phân biệt chủng tộc được định định nghĩa trong sách giáo khoa. Tôi nghĩ rằng điều này phải bị bác bỏ hoàn toàn và tuyệt đối không thể chấp nhận được. Nhưng tôi có tin rằng bà Hillary Clinton là câu trả lời hay không? Không, tôi không tin.”

Đối với Thượng nghị sĩ Mark Kirk của tiểu bang Illinois, ông Trump đã đi quá xa, và ông Kirk đã rút lại sự ủng hộ.

"Đối với tôi, và đối với đảng của (Abraham) Lincoln, như thế là phân biệt chủng tộc và hẹp hòi quá thể.”

Thống đốc New Jersey Chris Christie đã đứng lên bào chữa cho ông Trump.

"Tôi đã nói điều này trước đây, là tôi biết ông Donald Trump. Tôi đã biết ông ấy trong 14 năm, và ông Trump không phải là người phân biệt chủng tộc."

Nhà phân tích Kyle Kondik của Đại học Virginia cho rằng bà Clinton bước vào cuộc vận động cho tổng tuyển cử với một chút lợi thế.

"Nhìn chung, đó là sự lựa chọn giữa sự ổn định ở bà Clinton và sự thay đổi cấp tiến ở ông Trump, mà cử tri có thể hơi bảo thủ một chút, không phải là bảo thủ chính trị, mà đơn già là họ chỉ không muốn mạo hiểm nhiều, và tôi nghĩ điều đó rất tốt cho bà Clinton, để nói rằng ông Trump là quá mạo hiểm.”

Giáo sư Kondik cũng dự đoán sẽ có một chiến dịch tranh cử mà việc soi mói cá tính, đời tư chiếm phần lớn thời gian của cuộc đua trong 5 tháng tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đại sứ Mỹ ở Việt Nam lên tiếng về vụ cá chết và ông Bob Kerrey

Đại sứ Mỹ Ted Osius mới tiết lộ rằng Việt Nam không chấp nhận đề nghị từ Mỹ, hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt, cũng như nói rằng cuộc tranh luận về cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey là tín hiệu tích cực.

Người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Hà Nội hôm 8/6 đã có cuộc trao đổi dài hơn 1 tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington về chuyến thăm mới đây của của Tổng thống Obama tới Việt Nam.

Ngoài phát biểu về chuyến công du này, ông Osius còn trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau của người tham dự sự kiện có tên gọi “Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam: Một chương mới trong quan hệ Mỹ - Việt”.

Về thảm họa môi trường ở miền Trung khiến người dân ở nhiều tỉnh điêu đứng thời gian qua, Đại sứ Mỹ cho biết:

“Liên quan tới vụ biểu tình cá chết hàng loạt ở Việt Nam, gần như ngay lập tức, tôi đã đề nghị trợ giúp kỹ thuật từ phía Mỹ, nếu phía Việt Nam cần để điều tra xem chuyện gì đã xảy ra, và nguyên nhân khiến nhiều cá chết ở bờ biển miền trung. Và đề nghị giúp đỡ ngay lập tức đó đã không được chấp nhận. Nhưng hiện có sự phối hợp giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam để tìm hiểu về nguyên nhân gây ra vụ cá chết. Nhưng đó không phải là kết quả từ đề xuất chính thức của chúng tôi. Còn về các cuộc biểu tình, quan điểm của chúng tôi là, các cuộc biểu tình ôn hòa là điều tốt. Nhưng chúng tôi không can thiệp vào vấn đề này. Đó là vấn đề nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi chỉ khuyến nghị cách thức chính phủ Việt Nam xử lý các cuộc biểu tình. Rốt cuộc, đây không phải là điều chúng tôi quyết định mà đó là của chính phủ và nhân dân Việt Nam về các cuộc biểu tình. Chúng tôi đã thể hiện quan điểm của mình về việc sửa luật liên quan tới luật về hội họp và tụ tập”.

Tuy nhiên, ông Osius không cho biết cụ thể lý do mà Việt Nam đưa ra khi từ chối đề nghị từ phía Mỹ.

Trước chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam, một người dân từ Hà Tĩnh đã viết trên trang web kiến nghị của Nhà Trắng, kêu gọi Hoa Kỳ giúp Việt Nam điều tra vụ cá chết.

Cho tới nay, phía Mỹ chưa phản hồi về lời kiến nghị mà nay đã có hơn 140 nghìn người ký vào này.

Trong cuộc trao đổi ở CSIS, Đại sứ Mỹ cũng trả lời câu hỏi về một vấn đề đang gây nhiều ý kiến trái chiều ở Việt Nam liên quan tới việc bổ nhiệm cựu chiến binh Mỹ Bob Kerrey làm chủ tịch hội đồng tín thác ĐH Fulbright ở Việt Nam.

Ông Osius nói lên quan điểm của mình:

“Cuộc tranh luận hiện thời sau khi cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey tới TP HCM nhận giấy phép thành lập Đại học Fulbright Việt Nam là điều lành mạnh. Chúng tôi muốn thành lập đại học này để có những cuộc tranh luận lành mạnh kiểu như vậy về quá khứ cũng như tương lai mà Việt Nam hướng tới. Tôi coi những cuộc thảo luận sôi nổi như thế là một tín hiệu tích cực, và tôi vui mừng chứng kiến điều đó. Tôi muốn nói thêm rằng, tôi đã trao đổi với cả người dân cũng như chính phủ Việt Nam hơn 20 năm qua, và tôi nhận thấy rằng, không nơi nào trên thế giới mà người dân hướng về tương lai và khoan dung hơn người dân Việt Nam. Có thể thấy điều đó khi nghĩ về mối quan hệ giữa hai nước trong quá khứ, và những cam kết hiện nay nhằm gây dựng mối quan hệ đối tác mới. Tôi nghĩ rằng rốt cuộc, trong vụ việc này, rốt cuộc người Việt sẽ hướng tới tương lai và tỏ lòng khoan dung”.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Đại học Fulbright Việt Nam hoạt động “độc lập” và hội đồng quản trị của đại học này “không phải do chính phủ Mỹ hay Việt Nam chọn lựa”.

Hiện cuộc tranh luận trên mạng xã hội cũng như báo chí Việt Nam xoay quanh vai trò của cựu Thượng nghị sĩ Kerrey trong vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong, Bến Tre hồi tháng Hai năm 1969.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng nói “hãy để cho ông Bob Kerrey được thêm một lần nữa cảm nhận sự vĩ đại của đất nước mà ông đã gây đau thương chỉ vì thiếu hiểu biết”.

Trả lời báo chí Việt Nam, ông Thăng nói rằng dự án Đại học Fulbright Việt Nam “là một bằng chứng cụ thể và có tính biểu tượng cao cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đang quyết tâm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. - VOA
|
|

6.
Ấn Độ muốn bán tên lửa siêu thanh hiện đại cho Việt Nam

Ấn Độ dự định bán tên lửa đối hạm tối tân cho Việt Nam, một bước đi nhằm ứng phó trước sự gia tăng giương oai diễu võ của Trung Quốc trong khu vực. 

Reuters ngày 9/6 dẫn thông báo của chính phủ Ấn Độ cho hay New Delhi đã ra lệnh cho công ty BrahMos Aerospace, nhà sản xuất tên lửa BrahMos, xúc tiến các thương vụ với 5 nước dẫn đầu là Việt Nam.

Ấn lâu nay lưỡng lự trước đề nghị của Hà Nội từ năm 2011 muốn mua tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos vì e rằng sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại của Mỹ ở Washington, Jeff Smith, nói các nhà hoạch định chính sách Ấn trước nay cho rằng thăng tiến trong hợp tác quốc phòng với Hà Nội hay Washington có thể khiêu khích một sự trả đũa hung hăng từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vẫn theo phân tích gia này, rốt cuộc thì Thủ tướng Modi và ban cố vấn của ông đã đảo ngược quan điểm đó để đi đến kết luận rằng thật ra các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ, Nhật, và Việt Nam sẽ đặt Ấn vào vị thế mạnh hơn trong việc ứng phó với Trung Quốc.

Ngoài ra, chính phủ Ấn cũng đang cân nhắc một đề nghị cung cấp cho Việt Nam một tàu chiến được trang bị các tên lửa BrahMos thay vì chỉ là bệ phóng tên lửa, một nguồn tin không muốn nêu tên tiết lộ với hãng tin Reuters.  

BrahMos là hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình để chống hạm có tầm hoạt động 290 cây số, có thể phóng đi từ đất liền, từ máy bay, từ tàu chiến hoặc tàu ngầm.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với Reuters rằng New Delhi hy vọng đúc kết các cuộc thương lượng về việc cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam trước cuối năm nay.  

Indonesia và Philippines cũng đã lên tiếng hỏi mua tên lửa này.

Trong nỗ lực tăng cường xây dựng các mối quan hệ quân sự với Việt Nam giữa các kế hoạch quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông, Ấn Độ cũng đang cung cấp cho Hà Nội các tàu tuần tra theo thỏa thuận tín dụng trị giá 100 triệu đô la.

Trong các cuộc họp tuần này tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt, Ấn đã nhất trí trao đổi thông tin về vận tải thương mại trên biển cũng như mở rộng hợp tác thủy văn, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. - VOA
|
|

7.
Trung Quốc sắp lập ‘trạm không gian’ hải dương dưới Biển Đông

Trung Quốc đang tăng tốc các nỗ lực xây dựng một phòng thí nghiệm do người điều khiển dưới biển sâu để dò tìm khoáng sản ở Biển Đông. Phòng thí nghiệm này có thể sử dụng cả cho mục đích quân sự tại vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.

Bộ Khoa học Trung Quốc nói phòng thí nghiệm dưới đại dương này sẽ được đặt ở độ sâu tới 3,000 mét dưới mặt biển.

Dự án này được nêu lên trong kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc vừa công bố hồi tháng 3 vừa qua và được liệt vào hàng thứ hai trong danh sách 100 ưu tiên khoa học-công nghệ của Trung Quốc.

Chưa có nhiều thông tin được công bố về kế hoạch vừa kể cũng như chưa rõ thời điểm sẽ đưa vào hoạt động, kinh phí xây dựng bao nhiêu và vị trí cụ thể của ‘trạm không gian’ hải dương này sẽ được đặt tại đâu.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học Trung Quốc cho hay trạm nghiên cứu này có thể di chuyển được và được dùng cho mục đích quân sự.

Bộ nói một khi đưa vào hoạt động, hàng chục khoa học gia sẽ được được đưa xuống làm việc dưới phòng thí nghiệm này trong vòng tới 1 tháng.

Vẫn theo nguồn tin này, hoàn thành dự án này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với Nhật, Mỹ, Nga, và Pháp về công nghệ khai thác biển sâu. - VOA
|
|

8.
Báo VN ‘gỡ bài của Bí thư Đinh La Thăng’

Bài trả lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tranh cãi quanh việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey vào chức vụ quan trọng của Đại học Fulbright Việt Nam đã bị báo Tuổi Trẻ xóa khỏi trang web.

Hôm 4/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, đã trả lời báo Tuổi Trẻ về việc cựu binh Việt Nam, Bob Kerrey, được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học quốc tế Fulbright.

Nội dung được nhiều báo Việt Nam đăng lại nhưng sau đó các báo xóa đi mà không có giải thích.

Đến ngày thứ Tư 7/6, bài báo chính thức không còn truy cập được trên mạng báo Tuổi Trẻ - mặc dù bản dịch tiếng Anh hiện vẫn còn ở trang tiếng Anh của Tuổi Trẻ.

Tranh cãi

Khi thăm Việt Nam tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) sẽ mở cửa tại TP. HCM vào cuối năm nay.

Chính phủ Mỹ nói đại học này sẽ giúp Việt Nam “có được nền giáo dục độc lập, đẳng cấp quốc tế và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc”.

Liền sau đó, đã nổ ra tranh cãi quanh việc cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright.

Một số tờ báo Việt Nam nhắc lại cáo buộc ông Kerrey tham gia vụ “thảm sát đẫm máu” ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969, làm nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, là tiếng nói đi đầu phản đối.

Bà Ninh nói bà “vô cùng bàng hoàng” khi biết tin, và cho rằng “không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như Đại học Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ”.

Trong bối cảnh đó, tiếng nói của một ủy viên Bộ Chính trị như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng được cho là có tác động đặc biệt.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Thăng kêu gọi cần “lý trí tỉnh táo và sáng suốt”.

Ông Thăng nói ông Bob Kerrey đã “ thể hiện sự hối lỗi sâu sắc” và “tìm mọi cách khác để chuộc lỗi với nhân dân Việt Nam”.

“Hãy để cho ông Bob Kerrey được thêm một lần nữa cảm nhận sự vĩ đại của đất nước mà ông đã gây đau thương chỉ vì thiếu hiểu biết,” ông Thăng nói.

Trong bài này, ông Thăng kết luận: "Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa."

Ông Bob Kerrey, cùng với hai cựu chiến binh cuộc chiến Việt Nam khác là Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain, được cho là những người đã vận động nhiều năm cho việc mở Đại học Fulbright ở Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment