Friday, June 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 17/6

Tin Thế Giới

1.
Tạm ngưng vận động trưng cầu ý kiến vì cái chết của dân biểu Anh

Dân biểu Anh Jo Cox đã qua đời hôm 16/6 sau khi bị bắn và đâm bằng dao nhiều lần tại một thị trấn vùng Tây Yorkshire nơi bà đại diện. Một người trạc 50 tuổi đã tấn công thành viên của đảng Lao động này trên một con đường ở Birstall, thị trấn bà định mở một cuộc họp với cử tri. Cái chết của bà Cox đã tạm thời đình chỉ cuộc vận động đòi trưng cầu dân ý vào tuần tới về việc liệu Anh quốc có nên ở lại trong liên hiệp Âu châu hay không. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết.

Thủ tướng Anh David Cameron hoan nghênh quyết định tạm ngưng vận động cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6. Phát biểu từ Gibraltar hôm 16/6, ông Cameron ngỏ lời chia buồn với gia đình bà Cox và nói ông cũng đình chỉ cuộc vận động của chính ông ở lãnh địa Anh trên duyên hải phía nam của Tây Ban Nha.

“Chúng ta đã mất đi một ngôi sao lớn. Bà ấy là một dân biểu, một dân biểu vĩ đại với lòng từ ái bao la, với một trái tim vĩ đại, và dân chúng sẽ rất đau buồn trước sự việc đã xảy ra, một tin thực là khủng khiếp. Việc đình chỉ sinh hoạt vận động trong cuộc trưng cầu dân ý này là đúng đắn, và mọi người đều thông cảm với gia đình bà Jo và đơn vị bầu cử của bà vào thời điểm khủng khiếp này”.

Bà Cox, 41 tuổi, có hai người con. Bà ủng hộ việc Anh Quốc tiếp tục là thành viên của khối Âu châu. Bà cũng đã vận động cho việc đối xử một cách nhân đạo với những người Syria tị nạn ở châu Âu. Chưa rõ ngay liệu vụ tấn công nhắm vào bà có động cơ chính trị hay không. Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra tường tận.

“Vì cuộc điều tra còn trong giai đoạn quá sớm, và chúng tôi đã bắt giữ một người nên chúng tôi không thể bàn luận về động cơ nào vào lúc này”.

Một người đàn ông 52 tuổi đã bị bắt vì liên can đến vụ tấn công. Bà Cox được đưa đến bệnh viện và được loan báo đã chết chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau vụ nổ súng. Một người bán hàng ở địa phương đã chứng kiến vụ việc từ cửa hàng của ông.

“Phải, tôi đã nhìn thấy hắn ta, tôi thấy hắn ta như thế. Rồi sự việc đã xảy ra… Tôi thấy hắn ta rút súng ra”.

Bà Cox được coi là rất được lòng cử tri tại đơn vị của bà.

“Phải, tôi biết bà Jo. Bà ấy là một vị nữ lưu rất vui vẻ. Bà ấy rất tốt, rất bình dị… Lúc nào cũng tươi cười”.

Những người chống đối việc Anh quốc ở lại trong khối EU viện dẫn chủ quyền và vấn đề di dân là các lý do chính khiến họ muốn rút ra khỏi khối này. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc đề nghị châu Âu không can thiệp vào hồ sơ Biển Đông --- Hoa Kỳ triển khai phi cơ tấn công điện tử đến Philippines

Trang thông tin châu Âu Euro Activ, ngày 17/06/2016, cho biết, đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu khối này không nên can thiệp vào cuộc xung đột ở Biển Đông.

Đầu tuần trước, nhân chuyến thăm Bắc Kinh, thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột ở Biển Đông và cho rằng « cần phải sử dụng một loạt cơ chế, kể cả đàm phán đa phương, để tránh làm nẩy sinh những căng thẳng mới ».

Truớc đó, trong tháng Năm, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố là Liên Hiệp Châu Âu cần phải có một lập trường rõ ràng về các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc.

Đáp lại, đại sứ Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu, bà Dương Yến Di (Yang Yan Yi) cho rằng do đây là các xung đột về chủ quyền liên quan đến lợi ích hàng đầu của Trung Quốc và việc giải quyết các loại bất đồng này không thuộc thẩm quyền của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các quy định của Công ước này, Trung Quốc đã làm như nhiều quốc gia khác và đã lựa chọn hình thức đàm phán song phương, thay cho một giải pháp có sự tham gia của bên thứ ba.

Vẫn theo đại sứ Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu không nên từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông và nên tập trung vào việc bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực, ví dụ như chống nạn cướp biển.

Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, nạn cướp biển « mới là mối đe dọa thực sự, khác với vấn đề chủ quyền hoặc biên giới trên biển » và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết giữa Trung Quốc và các nước có đòi hỏi và đó không phải là vai trò của châu Âu.

Nhân dịp này, đại sứ Trung Quốc cũng tố cáo, các khiêu khích chính trị và quân sự của Mỹ mới thực sự là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông.

Ngày 15/06, bộ Ngoại Giao Malaysia đã công bố thông cáo của các ngoại trưởng ASEAN, sau cuộc họp với đồng nhiệm Trung Quốc ở Vân Nam, bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về căng thẳng tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo bình luận của website EuroActiv, thái độ chống Trung Quốc này không kéo dài vì chỉ vài giờ sau đó, bản tuyên bố này đã được rút lại và theo giải thích của đại diện Malaysia là văn bản này cần được « sửa đổi khẩn cấp". - RFI

***
Trong một thông cáo đưa ra ngày 16/06/2016, tư lệnh Đệ thất Hạm đội của Mỹ cho biết là một phi đội máy bay tấn công điện tử vừa được điều động đến căn cứ không quân Clark Air Base ở Philippines để giúp huấn luyện quân đội nước này.

Phi đội gồm bốn phi cơ điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ cùng với 120 quân nhân đã đến căn cứ Clark Air Base ngày 15/06 để yểm trợ các hoạt động thường xuyên của hải quân Philippines. Phi cơ EA-18G Growler được thiết kế để phát hiện, gây nhiễu và phá hủy các sóng radar của địch, cũng như làm rối loạn các cuộc tấn công bằng vũ khí điện tử của đối phương. Phi đội của Mỹ cũng sẽ yểm trợ các hoạt động thuờng xuyên nhằm "nâng cao hiểu biết về hàng hải khu vực và bảo đảm việc tiếp cận các vùng biển và vùng trời theo đúng luật pháp quốc tế".

Phi đội này là một phần của đơn vị không quân được Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thành lập tháng Tư vừa qua tiếp theo sau một hiệp định hợp tác phòng thủ giữa Hoa Kỳ với Philippines. Hiện giờ, Trung Quốc chưa có phản ứng gì về việc triển khai các phi cơ tấn công điện tử của Mỹ đến Philippines.

Quân đội Philippines đã đề nghị cho đơn vị nói trên đóng tại căn cứ Clark Air Base để huấn luyện các phi công Philippines lái chiến đấu cơ FA-50, đồng thời yểm trợ cho các đơn vị đóng tại đây.

Cũng theo báo chí Mỹ, ngày 16/06, các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ, xin miễn nêu tên, đã xác nhận kế hoạch của Washington đưa thêm tàu chiến đến tăng cường cho việc triển khai Đệ tam Hạm đội ở vùng Biển Đông. - RFI
|
|

3.
Phán quyết của Tòa trọng tài có thể đặt ra thách thức lớn với Trung Quốc

Có nhiều dự báo cho rằng Tòa trọng tài thường trực ở La Haye sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ nước này khiếu nại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam cũng là một bên tuyên bố chủ quyền và có nhiều tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển này.

Phán quyết của tòa sẽ không chỉ thách thức tính pháp lý của đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc nêu ra để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, mà phán quyết cũng sẽ xác định đây là việc Trung Quốc đòi bảo vệ “danh dự quốc gia” và “lợi ích cốt lõi” hay thể hiện họ là một cường quốc đang mạnh lên có trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình.

Có 6 bên đang tranh chấp ở Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Mặc dù phán quyết sắp được đưa ra không đủ để giải quyết các tranh chấp, do tính phức tạp của chúng, hơn nữa tòa ở La Haye không có thẩm quyền cưỡng bức thực thi phán quyết; song phán quyết cũng tạo ra những thách thức cho Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, thách thức là ở chỗ nước này có thể thua một cuộc chiến pháp lý theo một luật quốc tế mà họ là một bên ký kết. Bắc Kinh cũng có thể thua trong trận đấu giành ủng hộ của công luận quốc tế nếu họ từ chối tôn trọng phán quyết. Thêm vào đó, họ có nguy cơ bị các nước láng giềng xa lánh hơn nữa nếu họ sử dụng phán quyết bất lợi cho họ để làm cái cớ thực hiện hành động gây hấn như xây thêm các cơ sở hay tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trong khu vực, hay nhanh chóng cho phi cơ hạ cánh trên các thực thể họ chiếm đóng. - VOA
|
|

4.
Chuyên gia kinh tế của chính phủ báo động về nợ của Trung Quốc

Tổng nợ của Trung Quốc vào năm 2015 đã nhiều hơn gấp hai lần GDP của nước này. Đây là báo động của một chuyên gia kinh tế của chính phủ Bắc Kinh.

Nợ của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng do chính phủ Bắc Kinh thi hành chính sách tín dụng rẻ trong nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới, hiện đang chậm lại.

Ngày 15/06/2016, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc cho báo chí biết rằng tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã vay tổng cộng hơn 25 ngàn tỷ đôla, tương đương với 249% GDP.

Thật ra con số nợ khổng lồ này vẫn còn thấp hơn một số thẩm định của quốc tế. Theo công ty tư vấn McKinsey Group, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng gấp bốn kể từ năm 2007 và tính đến giữa năm 2014 đã lên đến 28 ngàn tỷ.

Theo kinh tế gia Trung Quốc nói trên, rủi ro đáng lo ngại nhất là nằm ở khu vực doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính. Nhiều công ty trong số này là các doanh nghiệp Nhà nước đã vay rất nhiều từ các ngân hàng được Nhà nước hỗ trợ. Các vấn đề của khu vực này có thể gây nên những rủi ro mang tính hệ thống (systemic risks) cho nền kinh tế Trung Quốc.

Vấn đề này cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước bởi vì các ngân hàng Trung Quốc có liên hệ rất chặt chẽ với chính phủ. Chính vì vậy mà theo chuyên gia kinh tế của chính phủ, Trung Quốc phải giải quyết vấn đề nợ khẩn cấp hơn là các quốc gia khác, tuy rằng tỷ lệ nợ tính trên GDP của Trung Quốc không phải là thuộc loại cao nhất thế giới (tỷ lệ này của Hoa Kỳ là 331%).

Vào tuần trước, một lãnh đạo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cũng đã báo động về món nợ ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Phát biểu trước các kinh tế gia tại Thâm Quyến ngày 11/06, phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF David Lipton cho biết nợ của các doanh nghiệp Nhà nước nay đã chiếm đến 145% GDP. Theo ông, mức nợ này là rất đáng quan ngại cho nền kinh tế thứ hai thế giới và chính phủ phải cấp tốc giải quyết vấn đề này để tránh những vấn đề nghiêm trọng khác.

Những báo động về nợ của Trung Quốc được đưa ra vào lúc tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại, năm ngoái chỉ đạt 6,9%, tức là mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua. Các số liệu kinh tế yếu kém cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm sẽ tiếp diễn năm nay.

Vấn đề là Trung Quốc đang ở trong một cái vòng lẩn quẩn : Trong năm tháng đầu năm 2016, mức tăng đầu tư của Trung Quốc đã sụt xuống dưới mức 10% lần đầu tiên từ năm 2000. Cho nên, chính phủ Bắc Kinh được dự báo là sẽ lại thi hành những biện pháp mới để kích thích nền kinh tế, với nguy cơ làm tăng hơn nữa mức nợ của Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Xác định máy bay tuần thám của Việt Nam rơi ngoài khơi gần Hải Phòng --- Mỹ 'sẵn sàng' hỗ trợ tìm kiếm máy bay

Nhà chức trách Việt Nam đã tìm thấy các mảnh vỡ của một chiếc máy bay tuần thám chở 9 người đã rơi xuống biển gần thành phố Hải Phòng ở miền bắc Việt Nam hôm 16/6 trong khi đang tìm kiếm một chiến đấu cơ bị mất tích trước đó.

Bộ Quốc phòng Việt Nam nói với báo chí trong nước và quốc tế hôm 17/6 rằng chiếc máy bay tuần thám đã biến mất trên màn hình radar khi nó đang cố giảm độ cao vì thời tiết xấu. Bộ cũng cho hay chưa tìm được ai trong số những người trên máy bay.

VOA Việt Ngữ đã cố liên lạc với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng của quân đội Việt Nam, vào lúc 5 giờ chiều ngày 17/6 để cập nhật tình hình và được ông Tuấn cho biết ông đang bận họp.

Với nỗ lực tìm thông tin mới nhất, VOA cũng đã liên lạc với Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hương, phụ trách đối ngoại của Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Việt Nam. Bà Hương đã hướng dẫn gọi điện thoại đến Trực ban của Văn phòng Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Bà nói:

“Là cơ quan nhà nước đấy, là cơ quan cao nhất về tìm kiếm cứu nạn rồi. Trực 24/24. Anh gọi về đấy. Anh gọi từ trực ban. Người ta nắm cập nhật. Đến sỹ quan chỉ huy là người ta nắm ở đấy”.

VOA đã gọi ngay cho bộ phận trực ban này và được người trực trả lời rằng:

“Chúng tôi giờ mới đang thu thập. Chưa có kết quả đâu anh”.

Sau đó người trả lời nhanh chóng dập máy. Phóng viên của VOA không kịp hỏi tên và chức vụ người đó.

Chiếc máy bay CASA-212 bị rơi thuộc về lực lượng cứu hộ cứu nạn quốc gia của Việt Nam. Máy bay mất tín hiệu trên radar vào trưa 16/6 trong khi tìm kiếm một chiến đấu cơ SU-30 do Nga sản xuất được cho là đã rơi ngoài khơi tỉnh Nghệ An ở miền trung hôm 14/6. Một trong hai viên phi công trên chiếc SU-30 đã được cứu sống. Người còn lại vẫn mất tích.

Về khả năng sống sót của viên phi công chiếc SU-30, một cơ trưởng phi cơ Boeing 777 thuộc Vietnam Airlines đề nghị không nêu danh tính, đưa ra nhận định với VOA Việt Ngữ:

“Thậm chí tới 36 giờ sau phi công vẫn sống được. Bởi vì họ có những lương khô, như [phi công] máy bay SU chẳng hạn”.

Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 17/6 công bố thông tin rằng nơi tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay tuần thám nằm cách đường phân giới Vịnh Bắc Bố giữa Việt Nam và Trung Quốc 3 hải lý và ở trong vùng của Trung Quốc.

Bộ đã đề nghị Trung Quốc cho phép tàu của Việt Nam đi vào vùng của Trung Quốc cũng như giúp đỡ tìm kiếm chiếc máy bay rơi. Bộ cho biết phía Trung Quốc đã điều ít nhất 3 tàu đến địa điểm phát hiện các mảnh vỡ để giúp đỡ.

Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã gánh chịu một loạt vụ tai nạn với các máy bay trực thăng cũ kỹ nhưng hiếm có những vụ rơi máy bay cánh cố định nên 2 vụ rơi máy bay loại mới vừa rồi đã làm chấn động dư luận. - VOA

***
Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam nói "nước Mỹ sẵn sàng hỗ trợ" tìm người mất tích trong hai vụ máy bay rơi "bằng bất cứ cách nào có thể".

Chiều 17/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius thông báo trên mạng xã hội: "Hôm nay, nước Mỹ cùng sát cánh đoàn kết với Việt Nam khi các bạn tìm kiếm một phi công bị mất tích, Thượng tá Trần Quang Khải, và những con người dũng cảm trong đội tìm kiếm và cứu nạn trên máy bay CASA 212 8983. Nước Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các bạn bằng bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể".

Trước đó, truyền thông Việt Nam cho biết, lực lượng cứu hộ đã vớt được một số mảnh vỡ máy bay CASA 212 số hiệu 8983 của Lữ đoàn không quân 918.

Trên máy bay có chín người gồm sáu sĩ quan, ba quân nhân.

Vị trí máy bay rơi tạm xác định ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc bộ, cách 3 hải lý.

VnExpress tường thuật, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển nói lực lượng tìm kiếm chưa tiếp cận được vị trí máy bay rơi cũng như chưa tìm được các thành viên trong tổ bay chiếc CASA mất tích trên vùng biển Bạch Long Vỹ, Hải Phòng, ngày 16/6.

Hôm 17/6, Trung Quốc triển khai tàu giúp Việt Nam tìm máy bay CASA 212 chở chín người đi tìm kiếm phi công chiếc Su-30MK2 gặp nạn.

Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, lái chính chiếc CASA 8983 gặp nạn.

'Thời tiết xấu'

"Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết diễn biến xấu bất thường nên đoàn đã xin hạ độ cao và gặp nạn", tướng Đạm được báo này dẫn lời.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, lúc 21:30 ngày 16/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã gặp Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng, đề nghị Trung Quốc “phối hợp, tạo điều kiện cho các tàu, máy bay và lực lượng của Việt Nam triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ”; “cung cấp thông tin nếu phát hiện ra vật thể nghi là của máy bay hoặc của các phi công, thành viên phi hành đoàn bị trôi dạt sang phía Đông đường phân định”.

Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin "cùng phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ngay sau khi nhận được thông tin từ phía Bộ Quốc phòng Việt Nam, đêm 16/6, Trung Quốc đã cử tàu Nam Hải Cứu - 101 cơ động từ Nam Hải có mặt tại hiện trường, phía Đông đường phân định, đối diện với khu vực máy bay CaSa - 212 gặp nạn vào lúc 05h00 sáng 17/6; tiếp đó, 07h00 ngày 17/6, 02 tàu Hải cảnh số hiệu 46021 và 45102 của Trung Quốc đã có mặt tại khu vực nêu trên, để cùng sẵn sàng phối hợp với Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng Việt Nam tìm kiếm".

Báo VNexpress cho biết lực lượng tham gia tìm kiếm máy bay CASA gồm 1.564 người, trong đó có 764 cảnh sát biển và 800 ngư dân. Có 184 phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, trong đó có 5 máy bay của Binh đoàn 18 (gồm 3 chiếc Mi171, 2 chiếc EC 155) và 155 tàu xuồng các loại cùng hàng trăm phương tiện khác.

Báo Quân đội Nhân dân cho hay, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sở chỉ huy cứu hộ cứu nạn tại Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Hải Phòng.

Cho tới nay tín hiệu cấp cứu từ ông Trần Quang Khải bị cho là không còn, có lẽ vì thiết bị báo hiệu đã hết pin.

CASA 212 là loại máy bay nhỏ, có khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến.

Loại này chuyên dùng để theo dõi, truy tìm mục tiêu trong các vụ chống đánh bắt trộm cá và hải sản, chống buôn bán ma túy và buôn lậu trên biển.

CASA 212 được trang bị động cơ turbine cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và thời gian dài ở trên biển. Tốc độ bay hành trình cao nhất 360km/giờ và tầm bay cao nhất đạt 1.800km.

Danh sách những người trên chiếc máy bay CASA 212:

1. Lê Kiêm Toàn - Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội)

2. Nguyễn Đức Hảo - Thượng tá, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội)

3. Nguyễn Văn Chính - Thiếu tá, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam)

4. Nguyễn Ngọc Chu - Thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương)

5. Lê Văn Đình - Đại úy, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh)

6. Đỗ Văn Mạnh - Thượng úy Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không e 918 Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

7. Lê Đức Lam - Trung úy, CN Cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương)

8. Nguyễn Văn Thái - Trung úy, CN Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An)

9. Nguyễn Bá Thế - Trung úy CN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). - BBC
|
|

6.
Thành phố Hồ Chí Minh : Đô thị hoá và thách thức

Với 10 triệu dân và tỉ lệ tăng trưởng dân số trên 3%, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và đang có tham vọng vươn lên ngang hàng với các thành phố kinh tế lớn khác trong khu vực. Nhưng liệu TP. HCM có đủ phương tiện để hiện thực hóa tham vọng của mình hay không ? Trên đây là câu hỏi của phóng viên tự do Sabrina Rouillé, cựu tổng biên tập tạp chí L’écho des rizières của Hội Pháp Ngữ Việt Nam.

Kiểm soát quá trình đô thị hóa

Sau Đổi Mới năm 1986, rất nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn. Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, di cư tới thành thị tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển công nghiệp và dịch vụ. Bà Fanny Quertamp, đồng giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Dự Báo Đô Thị tại TP. HCM nhận định : Ở đâu có hoạt động kinh tế thì ở đó dần dần sẽ thu hút được nhiều nhân lực và phần lớn các khu vực này nằm ở ngoại ô thành phố. Nguồn nhân lực này không chỉ gồm có di dân từ nông thôn ra thành thị mà còn có di dân từ nội thành ra ngoại ô. Điều này gây ra áp lực về hạ tầng cơ sở và chính quyền không thể giải quyết ngay lập tức các vấn đề này vì thiếu ngân sách.

Các cuộc chuyển động dân cư này cũng tạo ra « dân số trôi nổi ». Đây là bộ phận dân số thường xuyên di chuyển giữa quê quán và TP. HCM. Họ không được tính tới khi tiến hành điều tra dân số. Theo ông Patrick Gubry, phụ trách nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Phát Triển, những người này thường làm việc ở thành phố nhưng vẫn có tên trong hộ khẩu ở nông thôn. Họ sinh hoạt và ngủ ngay tại nơi làm việc. Việc không thu thập được thông tin về bộ phận dân số này thường làm sai lệch kết quả các nghiên cứu về đô thị hóa, di cư, sự nghèo đói ở thành thị, việc làm và khu vực phi chính thức…

Sự xuất hiện của các khu vực dân cư sống tạm bợ và thiếu trang thiết bị đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về điều kiện vệ sinh và giao thông vận chuyển. Vì thế sự phát triển các khu vực này phải đi đôi với việc tài trợ các thiết bị, dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng (cung ứng nước sạch, vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, giao thông, trường học, bệnh viện…)

Theo đường lối phát triển chính, thành phố chủ trương mở rộng và hiện đại hóa khu vực nội thành, xây dựng các khu đô thị mới, tăng cường hệ thống giao thông công cộng.

Thủ Thiêm - dự án đầu tàu

Sau Đổi Mới, nhu cầu tăng trưởng và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài đã kéo theo sự phát triển về xây dựng và đẩy giá bất động sản tăng cao. Thành phố đã chủ trương tái quy hoạch khu vực nội thành và xây dựng các thành phố vệ tinh với các khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm. Dự án này như một tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp quốc tế lớn thấy TP. HCM có khả năng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính quốc tế hấp dẫn.

Dự án khu đô thị siêu hiện đại Thủ Thiêm sẽ biến khu vực nông thôn, sình lầy chủ yếu với các hoạt động nuôi cá có diện tích 657 ha ven bờ sông Sài Gòn thành một trung tâm tài chính, thương mại và dân cư cao cấp với 130.000 người sinh sống và 220.000 người tới làm việc hàng ngày. Một cây cầu và một đường hầm đã được xây dựng để kết nối Thủ Thiêm với phần còn lại của TP. HCM. Bốn cây cầu khác và một tuyến tàu điện ngầm cũng đang trong giai đoạn thi công hoặc đang nằm trong quy hoạch. Chính quyền cũng dự kiến xây dựng các tuyến phà, taxi đường sông và các tuyến xe buýt.

Do 65% diện tích nằm thấp hơn mực nước biển 1,5 mét và bị ngập lụt theo chu kỳ, thành phố sẽ phải đặc biệt lưu ý đến các tác động của biến đổi khí hậu khi xây dựng chính sách phát triển đô thị. Và trong dự án Thủ Thiêm, sẽ có rất nhiều điểm mới : Thủ Thiêm sẽ có vành đai xanh chạy dọc bờ sông ; sẽ có nhiều không gian chung, đặc biệt là cho người đi bộ.

Tuy nhiên, hiện tại, những trở ngại về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ thi công dự án Thủ Thiêm.

Hệ thống giao thông đầy tham vọng

Từ năm 2003 đến năm 2013, số lượng xe cơ giới tham gia lưu thông đã tăng gấp ba lần. Việc cải thiện mức sống của các hộ gia đình và việc xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới đã khiến số lượng xe ô tô tăng vọt. Bên cạnh đó, số lượng xe máy cũng không ngừng tăng. Vì vậy, tình trạng tai nạn đường bộ, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Một thách thức lớn đặt ra là chính quyền phải khuyến khích được người dân dùng các phương tiện giao thông công cộng. Muốn thế, phải đa dạng về phương tiện, hấp dẫn về giá cả, đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt. Song hiện nay, hệ thống giao thông công cộng gồm 100 tuyến xe bus cũng chỉ mới đáp ứng được 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Chính quyền đề ra mục tiêu đến năm 2030, giao thông công cộng phải chiếm 60%, triển khai được 8 tuyến tàu điện ngầm cao tốc và 6 tuyến xe bus cao tốc. Tuyến tàu điện ngầm cao tốc đầu tiên được Cơ quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản đầu tư phần lớn, đang trong giai đoạn xây dựng theo công nghệ Nhật Bản và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020. Ngân Hàng Thế Giới cũng đã đồng ý cho vay vốn để xây dựng tuyến xe bus cao tốc đầu tiên. Còn cơ quan Hợp Tác Đức, ngân hàng Châu Á Phát Triển và ngân hàng Đầu Tư Châu Âu thì hợp tác tài trợ xây dựng tuyến xe bus cao tốc thứ 2.

Do số vốn đầu tư 18 tỉ USD vượt xa ngân sách của thành phố, chính quyền phải huy động thêm nguồn vốn tư nhân.

Ngoài hạn chế về tài chính, chính quyền còn phải đối mặt với các vấn đề về quỹ đất, thu hồi đất và bồi thường, xác định địa điểm xây dựng các tuyến đường, các điểm dừng đỗ xe, bến bãi.

Thành phố cũng đã tính tới hệ thống taxi điện để giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí nhiên liệu. Tập đoàn Mai Linh đã ký thỏa thuận với nhà phân phối chính thức của hãng Renault tại Việt Nam để mua 5.000 ô tô điện Renault trong vòng 3 năm và dự kiến nhập khẩu 10.000-20.000 ô tô điện của hãng này trong vòng 5 năm tới.

Câu hỏi bảo tồn di sản kiến trúc 

Hiện đại hóa thành phố có thể ảnh hưởng tới việc bảo tồn các di sản kiến trúc. Kiến trúc hiện đại, các tòa nhà chọc trời sẽ làm thay đổi cảnh quan đô thị. Ngay cả các công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đã được xếp hạng di tích lịch sử như trụ sở UBND thành phố, Nhà Hát Lớn và Bưu Điện cũng như nhiều ngôi nhà cổ được xây theo phong cách kiến trúc Pháp cũng không tránh khỏi bị phá dỡ. Tuy nhiên, năm 2012, UBND TP. HCM đã xây dựng chương trình bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị, bảo tồn các biệt thự tuyệt đẹp ở quận 1 và quận 3 cũng như kho di sản Khu phố Tàu Chợ Lớn. - RFI

No comments:

Post a Comment