Thursday, June 2, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 2/6

Tin Thế Giới

1.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Đức không nên công nhận vụ diệt chủng Armenia

Chính phủ Ankara cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu quốc hội Đức thông qua một nghị quyết để tố cáo giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Đế quốc Ottoman phạm tội diệt chủng đối với người Armenia thiểu số. Thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tại Istanbul gửi về bài tường thuật.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm 1/6 đả kích việc quốc hội Đức chuẩn bị biểu quyết về một nghị quyết để tố cáo các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Đế quốc Ottoman phạm tội diệt chủng đối với người Armenia thiểu số vào năm 1915.

Ông Yildirim nói: "Cuộc biểu quyết đó hết sức phi lý và hoàn toàn không có cơ sở. Vụ đó là một vụ việc thông thường, có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào vào năm 1915 trong tình hình của Thế chiến Thứ nhất. Nếu nghị quyết đó được thông qua, thì đương nhiên là các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức sẽ bị tổn hại. Chắc chắn là như vậy."

Lời cảnh báo của ông Yildirim được đưa ra tiếp theo sau những lời lẽ còn cứng rắn hơn nữa của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hôm 31/5 vừa qua, ông Erdogan nói sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu Đức công nhận vụ thảm sát người Armenia là một vụ diệt chủng.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn nhất mực cho rằng những người bị giết hại trong vụ giết người hàng loạt vào năm 1915 đã chết vì một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, có hơn 20 quốc gia, trong đó có một số nước ở Âu châu, công nhận vụ giết hại đó là một vụ diệt chủng.

Ông Cengiz Aktar, giáo sư chính trị học của Đại học Suleyman Sah ở Istanbul, cho rằng tuy Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa như vậy, nhưng sẽ không có những hậu quả lâu dài.

Ông Aktar phát biểu: "Có những lời lẽ cứng rắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thành thật mà nói, tôi không nghĩ là sẽ có một phản ứng kịch liệt từ phía Ankara. Nếu nghị quyết được thông qua, và đó là một việc có phần chắc sẽ xảy ra, thì sẽ có rất nhiều những lời lẽ tuyên truyền mang tính chất dân tộc cực đoan để phục vụ cho những mục tiêu chính trị quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ họ sẽ triệu hồi đại sứ."

Một trong những lý do chính được nêu ra để hậu thuẫn cho lập luận cho rằng quan hệ song phương sẽ không bị thiệt hại nhiều là Đức quá quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà bình luận Semih Idiz của nhật báo Cumhuriyet cho rằng Ankara không có nhiều lựa chọn khi muốn trả đũa nước Đức: "Thổ Nhĩ Kỳ không thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức, vì có 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở Đức. Họ không thể áp dụng các biện pháp chế tài chống lại các công ty Đức, vì làm như vậy thì chẳng khác nào lấy súng bắn vào chân của mình. Rất nhiều công ty Đức có một bộ phận Thổ Nhĩ Kỳ ở bên trong, hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ."

Ankara tin rằng đòn bẩy ngoại giao quan trọng nhất của họ đối với Âu châu là một thoả thuận đạt được hồi gần đây với Liên hiệp Âu châu về vấn đề di dân, làm cho số người tị nạn nhập cảnh vào Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ sút giảm đáng kể. 

Các nhà quan sát cho rằng thoả thuận này đặc biệt quan trọng đối với Thủ tướng Angela Merkel của Đức, là người đang ra sức ngăn chặn làn sóng người di dân tràn vào nước Đức. Nhà bình luận Idiz nói Ankara có phần chắc sẽ tránh gây tổn hại cho thoả thuận di dân.

Ông Idiz nói: "Đồng ý là Đức lệ thuộc vào thoả thuận di dân. Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng thoả thuận này như một cây gậy: nếu quí vị không thực thi nghĩa vụ của mình, thì chúng tôi sẽ không thực thi nghĩa vụ của chúng tôi. Tuy nhiên, vấn đề di dân, vấn đề tị nạn, không phải là vấn đề của một bên. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vấn đề này, cho nên dù muốn dù không, họ sẽ phải có được một sự giàn xếp nào đó với Âu châu để tìm cách giải quyết vấn đề."

Các nhà phân tích nói rằng Ankara có phần chắc sẽ không dùng thoả thuận di dân để gây sức ép lên nước Đức về vấn đề liên quan tới vụ thảm sát người Armenia. Nhưng rất có thể là họ sẽ dùng thoả thuận này để đạt được một mục tiêu quan trọng hơn: (đó là) đòi Liên hiệp Âu châu thực thi cam kết dành quyền du hành miễn thị thực cho công dân của Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Mỹ: Tỉ lệ sinh con thấp kỷ lục nơi các bà mẹ tuổi teen

Con số trẻ sơ sinh do những bà mẹ tuổi teen cho ra đời tiếp tục giảm tại Hoa Kỳ.

Trong năm 2015, một con số thấp kỷ lục các thiếu nữ tuổi teen và phụ nữ trong lứa tuổi 20 sinh con tại Hoa Kỳ, theo các dữ liệu mới của chính phủ công bố ngày hôm nay.

Các số liệu sơ khởi do Trung tâm Phòng chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ công bố cho thấy tỷ lệ sinh sản nơi các bà mẹ tuổi từ 15 tới 19 đã giảm 8% trong năm ngoái, và 64% tính từ năm 1991.

Về tổng thể, các bà mẹ Mỹ cho ra đời 3 triệu 980,000 trẻ trong năm 2015, chỉ ít hơn đôi chút so với năm trước đó. Tỷ lệ sinh sản là cứ mỗi 1.000 phụ nữ, có 62,5 bà mẹ sinh con.

Con số này tiếp tục xu hướng phụ nữ sinh con trễ hơn.

Số phụ nữ trong lứa tuổi từ 20 tới 24 sinh con giảm 3% trong năm ngoái, con số này cho thấy tỷ lệ sinh nở giảm sút 27% trong thập kỷ qua. Đối với phụ nữ trong lứa tuổi từ 25 tới 29, tỷ lệ sinh giảm 1%.

Nhưng phụ nữ trong độ tuổi 30 chứng kiến tỷ lệ sinh tăng liên tiếp trong 5 năm qua, trong khi tỷ lệ sinh nơi phụ nữ thuộc lứa tuổi từ 40 tới 44 tăng 4% trong năm ngoái.

Theo một hồ sơ dữ kiện riêng rẽ công bố trước đó bởi Cục An sinh Xã hội, tên phổ biến nhất cho trẻ sơ sinh nam hồi năm ngoái là Noah, Liam, Mason, Jacob và William. Đối với các bé gái, các tên được chọn nhiều nhất là Emma, Olivia, Sophia, Ava và Isabella. - VOA
|
|

3.
Chuyên gia Mỹ cảnh báo dịch Zika sắp xảy ra

Mùa muỗi ở Mỹ năm nay vừa bắt đầu, và kèm theo đó, là mối đe dọa của dịch Zika. Theo tường thuật của thông tín viên Carol Pearson của đài VOA, các chính quyền tiểu bang đang ra sức bảo vệ cho dân chúng trong lúc quốc hội chưa chấp thuận những ngân khoản khẩn cấp mà các chuyên gia nói là rất cần để chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Trong lúc dân chúng ở Mỹ chuẩn bị đi nghỉ mát với gia đình và bạn bè vào mùa hè, muỗi mòng ở đây cũng tới mùa sinh sôi nẩy nở, trong đó có loài muỗi mang theo virus Zika.

Bác sĩ Tom Frieden là người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC. Ông cho biết có nhiều việc cần phải làm để ngăn chận sự lây lan của Zika tại các tiểu bang miền nam, nhưng Quốc hội chưa chấp thuận những yêu cầu chi tiêu khẩn cấp.

"Chúng ta cần có một sự ứng phó rất mạnh mẽ để bảo vệ phụ nữ Mỹ và hạ thấp con số những gia đình bị ảnh hưởng tới mức thấp nhất có thể có được. Chúng ta không biết những em bé đó là ai. Chúng ta không biết các em sẽ lớn lên ở đâu, nhưng bất kỳ điều gì mà chúng ta không làm vào lúc này thì trong tương lai chúng ta sẽ phải hối hận là đã không làm."

Bác sĩ Frieden nói Zika mà một mối đe dọa lớn vì nó gây ra những khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng, kể cả bệnh đầu nhỏ.

"Khi một em bé chào đời với bệnh đầu nhỏ, thì không phải là sọ não của em bị nhỏ mà vì virus phá huỷ các tế bào não và sọ não bị sụp xuống xung quanh phần não bị huỷ hoại."

Một số các nhà lập pháp nói chính phủ không có đủ tiền và không có bằng chứng cho thấy virus Zika sẽ lây lan ở Mỹ như đã lây lan ở các nước Mỹ châu La tinh và vùng biển Caribe.

Tuy nhiên, nhiều vị bác sĩ, như bác sĩ Edward McCabe của tổ chức từ thiện March of Dimes, không muốn chấp nhận mối rủi ro này.

"Mối lo ngại của tôi là người ta sẽ không bắt đầu cảm thấy lo lắng về virus Zika ở Mỹ cho tới khi chúng ta bắt đầu trông thấy những em bé ra đời với bệnh đầu nhỏ và những dị tật bẩm sinh khác."

CDC và các cơ quan y tế tiểu bang đã lấy tiền từ các chương trình y tế khác để dùng cho những chương trình phòng chống Zika. Bác sĩ Frieden so sánh điều mà ông gọi là vụ khủng hoảng Zika với việc đứng nhìn một người chết đuối và biết rõ là có thể cứu được người đó nếu trong tay có được một chiếc phao. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
TS Nguyễn Quang A bị ngăn cản gặp đại sứ Liên Hiệp Châu Âu

Nhà hoạt động và cũng là tiếng nói phản biện được nhiều người biết đến tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào ngày 2 tháng 6 lại bị bắt đưa đi để không thể tham gia buổi ăn trưa theo lời mời của đại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam.

Sau khi được trả tự do sau giờ trưa tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết hình thức bắt ông đưa đi là cách bắt cóc tương tự lần ông được mời đến dự cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hà Nội trong ngày 24 tháng 5 vừa qua.

Ông xác nhận lại 3 lần bị bắt cóc để ngăn cản việc đến gặp những nhân vật được mời:

“Đây là lần thứ ba. Lần đầu tôi có cuộc gặp với ông Tom Malinowski trước chuyến thăm VN của tổng thống Barack Obama, họ cũng chặn như thế đến khi xong bữa cơm họ mới thả tôi ra. Lần đó do phía Mỹ đến chậm nên tôi cũng đến được và nói chuyện với họ vài chục phút. Lần thứ hai là cuộc gặp với tổng thống Obama và lần này là cuộc gặp với nhà đàm phán chính của EU về thương mại song phương.

Thật sự tôi có thư gửi lại cho những người đã mời tôi để xin lỗi họ vì đã không đến ăn cơm hay buổi gặp như dự định được.”

Theo lời của tiến sĩ Nguyễn Quang A thì những người bắt ông lên xe rồi đưa ông đi lòng vòng cho qua giờ hẹn như trong thư mời đều mặc thường phục. Theo ông thì những người này làm theo lệnh của những đơn vị an ninh của chính quyền Hà Nội. Biện pháp như thế bị ông cho là vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng nhưng phía an ninh thì nói họ làm theo luật an ninh quốc gia; tuy nhiên khi được yêu cầu trao thẻ hay văn bản liên quan thì họ đều không đáp ứng. - RFA
|
|

5.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng VN ra mắt quan chức an ninh khu vực

Người đứng đầu quân đội Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, sẽ tham gia Đối thoại Shangri-La tại Singapore với sự tham gia của nhiều quan chức quốc phòng nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.

Đây là lần đầu tiên ông Lịch dự một hội nghị lớn bàn về an ninh khu vực sau khi lên thay ông Phùng Quang Thanh, người cũng từng tới dự cuộc đối thoại này.

Dự kiến biển Đông sẽ là một phần chương trình nghị sự, cùng với các vấn đề nóng khác như chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang gia tăng ở khu vực, nạn buôn lậu, cướp biển và an ninh mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam hôm qua kết thúc chuyến thăm hai ngày sang nước láng giềng Campuchia. Sau cuộc gặp này, người đồng cấp chủ nhà, ông Tea Banh, nói với báo giới rằng “các quốc gia bên ngoài không nên can thiệp vào” tranh chấp trên biển Đông.

Liên quan tới chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Barack Obama, khi được hỏi liệu việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương và việc một chính trị gia gây tranh cãi ở Philippines, ông Rodrigo Duterte, được bầu làm tổng thống nước này, có tác động gì tới cuộc đối thoại lần này hay không, ông Brad Glosserman, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii nói là “có”. Ông nói thêm với VOA:

“Tôi nghĩ quan điểm cho rằng Mỹ hoàn toàn bình thường quan hệ với Việt Nam vì Trung Quốc đang “giương oai diễu võ” là sai lầm. Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vì có tiến bộ về phía Việt Nam và là một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ”.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, lần thứ 15 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6 trong bối cảnh Trung Quốc bị coi là không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông. - VOA
|
|

6.
FBI vào cuộc vụ sát hại 5 nhà báo Mỹ gốc Việt?

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 1/6 lên tiếng kêu gọi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra về trường hợp 5 nhà báo Mỹ gốc Việt bị sát hại trong khoảng thời gian từ năm 1981 tới năm 1990. 

CPJ dẫn điều tra của các tổ chức truyền thông ProPublica và Frontline viết trong một thông báo rằng, “khi FBI điều tra các vụ sát hại và các vụ tấn công nhiều khả năng mang động cơ chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cơ quan điều tra này đã chú ý tới tổ chức chống Cộng có tên gọi Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, hay còn được biết tới với tên gọi Mặt trận, với các thành viên là cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa. FBI, khi ấy, không thu thập đủ bằng chứng để tiến hành truy tố”. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington của Mỹ, ông Joel Simon, Giám đốc Điều hành của CPJ, nói: “Với các thông tin mới mà ProPublica và Frontline điều tra được, chúng tôi kêu gọi Bộ Tư pháp [Mỹ] mở lại cuộc điều tra các vụ giết người này”.

Ông Simon nói rằng “trên khắp thế giới, các vụ sát hại các nhà báo mà không điều tra ra manh mối đã dẫn tới một sự sợ hãi và tự kiểm duyệt”, và rằng “những kẻ tìm cách bịt miệng báo chí bằng cách sử dụng bạo lực không thể được cho phép thành công”. 

Có mặt tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Tú, con trai của ông Nguyễn Đạm Phong, một trong các nhà báo bị sát hại năm 1982, cũng cùng quan điểm với ông Simon. 

Ông Tú nói thêm: “Vụ sát hại cha tôi và bốn nhà báo Mỹ gốc Việt khác đã xảy ra từ năm 1981 đến năm 1990. Một số người có thể nghĩ rằng đó là chuyện đã cũ, nhưng không cũ đối với tôi và gia đình tôi, và cũng không cũ đối với tất cả những ai, giống như tôi, tin rằng chuyện này chưa kết thúc cho đến khi vụ án được mở lại và thủ phạm bị đưa ra trước ánh sáng công lý”.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và FBI chưa ngay lập tức lên tiếng hồi đáp về lời kêu gọi của CPJ cũng như của ông Tú. 

Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận, được thành lập hồi đầu những năm 80, và được xem là tiền thân của Đảng Việt Tân. 

Trước những cáo buộc đưa ra trong bộ phim “Terror in Little Saigon” (Khủng bố ở Little Saigon) do ProPublica và Frontline phối hợp thực hiện, Đảng Việt Tân đã ra thông cáo, “khẳng định Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam hoàn toàn không có liên hệ gì đến cái chết của những ký giả gốc Việt mà nhóm phóng viên Richard Rowley và A.C. Thompson của ProPublica cáo buộc trong đoạn phim nói trên”.

Tổ chức bị Việt Nam cấm hoạt động ở trong nước nói thêm trong thông cáo ra tháng 11 năm ngoái: “Hai nhân sự này đã đơn phương bác bỏ kết luận điều tra của một phần hành thuộc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) làm việc liên tục trong 15 năm. Đó là không tìm đủ chứng cớ để khởi tố ai. Thay vào đó 2 nhân sự nêu trên dựng lên các cáo buộc dựa vào lời của vài người giấu mặt, vài người thiếu uy tín, và suy diễn chủ quan của hai cựu nhân viên điều tra. Đây là cách làm việc thiếu đạo đức chuyên môn và cho thấy chủ đích đã có từ trước của người thực hiện đoạn phim”. - VOA

No comments:

Post a Comment