Sunday, June 5, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 5/6

Tin Thế Giới

1.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc: Trung Quốc sẽ không bị cô lập --- Quan hệ quốc phòng Việt-Trung tiến triển ‘suôn sẻ’ --- Trung Quốc lớn tiếng tại diễn đàn an ninh --- Mỹ và Trung Quốc tố nhau khiêu khích tại Biển Đông

Một giới chức quân đội cấp cao của Trung Quốc hôm Chủ nhật bác bỏ khẳng định của bộ trưởng quốc phòng Mỹ đưa ra hôm trước đó rằng Bắc Kinh “dựng lên Vạn lý Trường thành của tự cô lập” nếu họ tiếp tục những hoạt động quân sự hoá có tính chất gây hấn tại những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc tuyên bố: “Chúng tôi không bị cô lập trong quá khứ, chúng tôi không bị cô lập ở hiện tại, và chúng tôi sẽ không bị cô lập trong tương lai.”

Đô đốc Tôn, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, quy lỗi cho Mỹ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông lên án các cuộc hành quân tự do hàng hải của quân đội Mỹ và chỉ trích Washington ủng hộ các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh.

Đô đốc Tôn nói các nước vẫn mang “tư tưởng Chiến tranh lạnh” và không trực tiếp dính líu vào các tranh chấp không được phép tham gia “phá hoại” vì sự ích kỷ của họ.  Ông nhấn mạnh: “Không một ai được quyền chỉ tay vào Trung Quốc.”

‘Mối lo ngại mỗi ngày một tăng’

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu hôm thứ Bảy trước các vị bộ trưởng quốc phòng, các nhà phân tích an ninh và các học giả tham dự cuộc Đối thoại Shangri-la ở Singapore rằng có “mối lo ngại mỗi ngày một tăng” về những hành động của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược này và các nơi khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry hôm Chủ nhật nói với các phóng viên báo chí tại Mông Cổ rằng Washington xem bất cứ hành động thành lập khu vực phòng không nào của Trung Quốc trên Biển Đông đều là “hành động gây hấn và gây mất ổn định.”

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển này, hải lộ của lượng giao thương quốc tế trị giá 5.000 tỉ đô la mỗi năm.

Các nước trong khu vực và Mỹ lo sợ tự do hàng hải sẽ bị ảnh hưởng trước những hành động hồi gần đây của Trung Quốc xây dựng phi trường và thiết đặt các thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trên các bãi cạn.

Trong cuộc Đối thoại Shangrila và Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á châu hàng năm này, các giới chức Trung Quốc tái khẳng định lập trường kiên quyết của Bắc Kinh là các tranh chấp phải được giải quyết trực tiếp với từng nước một, chứ không chấp nhận giải quyết đa phương hay quốc tế làm trung gian.

Về các tranh chấp với Philippines, các giới chức Trung Quốc hoan nghênh những phát biểu mới đây của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.  Tân Tổng thống Duterte nói rằng Philippines mở ngỏ cho đối thoại song phương.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí, Đô đốc Tôn nói: “Chúng tôi hy vọng tân chính phủ Philippines có thể trút bỏ được gánh nặng” của vấn đề đang vượt quá mức. - VOA

***
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh chiều 3/6 gặp Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, bên lề diễn đàn an ninh khu vực tại Singapore.

Tại cuộc gặp, đôi bên “cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự hữu nghị và hợp tác, và duy trì hòa bình và ổn định khu vực một cách hiệu quả”.

Theo báo chí Việt Nam, về phần mình, ông Vịnh cho rằng hai nước “cần tăng cường hợp tác giữa lực lượng biên phòng hai nước, tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu biên giới, tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng…”

Ông Vịnh cũng nói thêm rằng hai bên “cũng cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như hợp tác hải quân và cảnh sát biển để góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định giữa hai nước”.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời quan chức quốc phòng Việt Nam nói rằng quan hệ quân sự giữa đôi bên đã “tiến triển suôn sẻ”.

Ông Vịnh được trích lời nói: “Đôi bên thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ biên giới, đối thoại chiến lược và giữa các lực lượng như hải quân lẫn tuần duyên. Các cuộc trao đổi được tiến hành nhằm thu hẹp các khác biển về quan điểm”.

Còn truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Tôn “nhất trí với những ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đề nghị hai bộ quốc phòng tiếp tục hợp tác trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy trao đổi cấp cao và đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng, giao lưu biên giới giữa hai bên”.

Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 3 đến 5/6. Ngoài Trung Quốc, ông Vịnh cũng phái đoàn đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với đoàn Mỹ, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Anh và Italy.

Tả lời báo chí tại Singapore, ông Vịnh nói rằng việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam tăng cường lòng tin giữa hai nước cựu thù.

Ông nói thêm rằng khả năng mua vũ khí từ Mỹ là một phần của chiến lược lâu dài nhằm tăng cường quan hệ đôi bên trong một loạt các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh.

Ông Vịnh cho biết Việt Nam “chưa rõ muốn mua gì và có thể mua gì từ Mỹ”, và mọi việc “vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khởi”. - VOA

***
Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, đại diện của cả Việt Nam và Trung Quốc đều đề cập tới chủ đề Biển Đông.

Trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đã nhắc tới những yếu tố mà họ cho là “đang gây quan ngại” cho an ninh khu vực, nhất là tại điểm nóng Biển Đông.

Ông Nguyễn Chí Vịnh ngay từ đầu bài phát biểu đã nhắc tới các “tranh chấp bất đồng” mà ông giải thích là “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế”.

Tuy không chỉ rõ là quốc gia nào, ông nói tới “sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp” đồng thời chỉ trích thái độ “hành xử áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Người đứng đầu đoàn Việt Nam cũng thừa nhận cơ chế hợp tác, công cụ ngoại giao và pháp lý quốc tế “chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng”.

Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cụm từ ‘đấu tranh’ được đặt bên cạnh 'hợp tác' trong bài phát biểu của người đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Ông nói: “muốn có hòa bình và thịnh vượng không thể không có đấu tranh, nhưng muốn đạt mục đích trong đấu tranh thì phải có hợp tác”.

Tất nhiên ông Vịnh không đi xa tới mức nói rõ đấu tranh với ai và như thế nào.

Trung Quốc la lối về Philippines

Nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, nói đã có một số điểm mới.

“Ông ấy đã đề cập tới tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời chỉ ra cái gì giải quyết được song phương thì giải quyết song phương, cái gì cần đa phương và quốc tế hóa thì phải đa phương.”

Giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương là quan điểm mà Trung Quốc lâu nay duy trì trong tranh chấp Biển Đông và quan điểm này đã được một số quốc gia trong khu vực ủng hộ.

Diễn đàn an ninh khu vực lần này diễn ra trong bối cảnh tòa trọng tài quốc tế chuẩn bị đưa ra phán quyết được cho là bất lợi cho Trung Quốc trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bài phát biểu kéo dài nửa tiếng đồng hồ của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói nhiều tới vụ kiện này, mà Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định là không tham gia.

Lần đầu tiên tại một diễn đàn quốc tế, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc ‘điểm mặt chỉ tên’ Philippines với những từ ngữ nặng nề nhất.

Đô đốc Tôn, với giọng điệu căng thẳng, tuyên bố Philippines, với hành động kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài, là đã vi phạm luật pháp và thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Tôn cáo buộc Philippines làm việc đó để che đậy sự chiếm đóng trái phép các đảo của Trung Quốc và nói rằng việc kiện lên tòa trọng tài là hành động vi phạm chủ quyền.

Người đứng đầu đoàn Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận việc trọng tài này”.

Ông cũng không tiếc lời chỉ trích các nước “bên ngoài”, nhất là Hoa Kỳ, đã can dự vào công việc trong khu vực dưới các chiêu bài như tự do lưu thông hàng hải.

Giới quan sát trong cử tọa cho rằng, bài diễn văn được truyền hình trực tiếp ở trong nước khiến ông đô đốc phải lên giọng thị uy một cách đao to búa lớn như vậy.

Tuy nhiên, các ngôn từ gay gắt và lập luận cực đoan cho thấy một thái độ hiếu chiến một cách đầy chủ ý, cho dù ông Tôn Kiến Quốc khẳng định: “Trung Quốc không có tham vọng bành trướng”.

Một quan chức quốc phòng khu vực, đề nghị giấu tên, nhận xét rằng thái độ của Trung Quốc lần này là đáng lo ngại và “tình hình có thể xấu đi” sau phán quyết của tòa.

Đối thoại Shangri-La mỗi năm một lần hiện đã vào năm thứ 15.

Diễn đàn tạo điều kiện cho giới chức quốc phòng các nước thảo luận các vấn đề quan tâm về an ninh trong bối cảnh bán chính thức. - BBC

***
Ngày cuối cùng tại Diễn đàn an ninh Shangri-La -Singapore, 05/06/2016, Mỹ và Trung Quốc lên án nhau "khiêu khích" tại biển Đông, nơi Bắc Kinh xây dựng một loạt tiền đồn và tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích bất chấp phản đối của các quốc gia Đông Nam Á.

Theo tuyên bố của đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo): "Hồ sơ Biển Nam Hải (Biển Đông) trở thành nghiêm trọng do có sự can thiệp của một vài nước bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ không muốn đồng hành hoà bình với Trung Quốc". Trưởng đoàn Trung Quốc không nhắc tên Hoa Kỳ nhưng cho rằng Trung Quốc "không tạo vấn đề cũng không sợ vấn đề".

Tuyên bố này có lẽ để đáp trả lời cảnh cáo của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ngày hôm trước, trưởng đoàn Mỹ khẳng định chính sách "xây tường thành ở biển Đông sẽ làm Trung Quốc bị cô lập và sẽ bị Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đáp trả".

Nhân cơ hội công du Mông Cổ, nền dân chủ nằm giữa Nga và Trung Quốc, từ Oulan-Bator, ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án chính sách "quân sự hoá" Biển Đông của Bắc Kinh. Ngoại trưởng John Kerry một mặt nhắc lại lập trường của Washington "không bênh vực yêu sách chủ quyền của phe nào" nhưng "yêu cầu Bắc Kinh không nên gây hấn" và "đơn phương quân sự hóa" Biển Đông.

Nếu Trung Quốc ban hành "vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông" thì "hành động kiêu khích này sẽ tức khắc làm tình hình căng thẳng lên". Chiều ngày 05/06/2016, ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Bắc Kinh trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ Trung mở ra trong hai ngày 06 và 07/06/2016.

Chính sách của Trung Quốc độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh không được một cường quốc nào hậu thuẫn cho dù trưởng đoàn Bắc Kinh phủ nhận là "không bị cô lập".

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một "khuôn khổ" an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực.

Dại diện cho Pháp tại diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Jean- Yves Le Drian tuyên bố "tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng". Bộ trưởng Pháp đề nghị "Hải quân Liên Hiệp Châu Âu" tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách "thường xuyên và rõ rệt". - RFI
|
|

2.
Mông Cổ: Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi "nền dân chủ dũng cảm"

Trong chặng dừng chân ít giờ tại Mông Cổ ngày Chủ nhật 05/06/2016, trước khi tới Bắc Kinh dự "Đối thoại chiến lược và kinh tế" Mỹ-Trung lần thứ 8, ngoại trưởng Hoa Kỳ hết lời ca ngợi Mông Cổ là một "nền dân chủ dũng cảm", đồng thời ghi nhận vị trí hết sức khó khăn của quốc gia Đông Bắc Á, kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ Trung Quốc và Nga.

Theo AFP, phát biểu trước báo giới, ông John Kerry nói: "Mông Cổ đã có những tiến bộ rất đáng kể, với tư cách một nền dân chủ non trẻ". Theo ngoại trưởng Mỹ, Mông Cổ phải đối mặt với những áp lực lớn từ Trung Quốc và Nga, và đã rất nỗ lực để trở thành một "ốc đảo dân chủ thanh bình", trong khi vẫn bảo lưu được "những truyền thống lớn lâu đời". Lãnh đạo ngoại giao cao Mỹ thừa nhận quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ, với 3 triệu dân, kể từ khi độc lập cách nay 25 năm, đã phải chung sống hết sức khó khăn với hai láng giềng lớn, và Mông Cổ thực sự là "một tấm gương lớn".

Theo Reuters, thường xuyên ca ngợi tính chất mẫu mực của nền dân chủ Mông Cổ non trẻ, nhưng Washington cũng hết sức chú ý đến các hồ sơ nhân quyền và dân chủ ở quốc gia này. Báo cáo năm 2015 của bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận "tính chất mơ hồ của nhiều luật (Mông Cổ) và sự thiếu minh bạch trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của chính phủ và niềm tin của dân chúng". Các nhà bảo vệ dân chủ cũng tố cáo Quốc Hội nước này thay đổi luật để cản trở sự tham gia của các đảng phái nhỏ trong cuộc bầu cử Quốc Hội, sẽ diễn ra trong tháng này.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng quyết định của một thỏa thuận Hoa Kỳ-Mông Cổ về gia tăng tính minh bạch, giúp Mông Cổ tạo được sự tin cậy của giới đầu tư quốc tế. Thỏa thuận này, được thông qua năm 2013, sau nhiều năm thương thuyết, nhưng hiện vẫn chưa được thực thi, do các rào cản hành chính.

Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, Mông Cổ phụ thuộc đến hơn ba phần tư năng lượng vào Nga, và 90% trao đổi thương mại là với Trung Quốc. Để phát triển, quốc gia này phải dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, đặc biệt là vàng, đồng và uranium, mà một số lượng lớn còn chưa được khai thác. Sau một thời gian tăng trưởng đến 17,5%, năm 2011, kinh tế Mông Cổ đang chững hẳn lại, với khoảng 3% tăng trưởng Nhu cầu nguyên liệu từ Trung Quốc sụt giảm là một nguyên nhân chính. - RFI
|
|

3.
Ông Duterte: Dân có quyền giết những kẻ buôn ma túy

Tổng thống tân cử Philippines nói rằng ông sẽ thưởng tiền cho ai giết những kẻ buôn ma túy.

Tổng thống Rodrigo Duterte nói tại một cuộc mít tinh rằng ông sẽ ra lệnh cho quân đội và cảnh sát chống những kẻ buôn ma túy.

Xế chiều hôm thứ Bảy, ông Duterte kêu gọi công chúng chống bọn buôn lậu ma túy.

Phát biểu trước một đám đông ủng hộ ông trên truyền hình, Tổng thống tân cử Duterte, người sẽ nhậm chức vào ngày 30 tháng này, nói rằng ông sẽ thưởng 107.000 đôla cho mỗi cái chết của các trùm buôn lậu ma túy.

Ông cũng cảnh cáo những con nghiện ma túy, mà ông nói là không phục hồi được. Ông Duterte nói: “Nếu các người dính váo ma túy, tôi sẽ giết chết các ngươi.”

Ông Duterte, người vận động tranh cử bằng khẩu hiệu kiên quyết chống tội phạm, nói trong bài phát biểu trên truyền hình rằng người dân Philippines giúp ông chống tội phạm sẽ được thưởng.

Ông nói trong bài phát biểu đó rằng nếu một kẻ buôn ma túy kháng cự khi bịt bắt hoặc không chịu bị đưa về đồn cảnh sát và đe dọa người dân bằng súng hoặc dao, “các bạn được quyền giết chết hắn.” Ông Duterte nói: “Bắn hắn và tôi sẽ thưởng huy chương cho bạn.”

Chưa rõ liệu người dân sẽ tố cáo các nghi can hay không. - VOA
|
|

4.
Bầu cử tổng thống Peru : Dự trù kết quả rất sít sao

Keiko Fujimori hay Pedro Pablo Kuczynski sẽ đắc cử tổng thống Peru sau cuộc bỏ phiếu ngày 05/06/2016? Các cuộc thăm dò cho thấy kết quả sẽ rất sít sao. Có một điều chắc chắn là vị tổng thống Peru cho nhiệm kỳ sắp tới xuất thân từ một gia đình nhập cư.

Ngày 05/06/2016, 23 triệu cử tri Peru bỏ phiếu bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 5 năm. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào lúc 9 giờ tối giờ địa phương. Các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu dự đoán, ứng cử viên của đảng cánh hữu Fuerza Popular Keiko Fujimori, 41 tuổi, có triển vọng về đầu với từ 50 đến 52 % số phiếu.

Để đắc cử, bà Keiko phải vượt qua một trở ngại lớn: quá khứ về tội ác chống nhân loại của thân phụ bà, ông Alberto Fujimori trong thời gian 10 năm cầm quyền (1990-2000). Cựu tổng thống Alberto Fujimori, gốc Nhật Bản, hiện đang thi hành bản án 25 năm tù vì tội tham nhũng và nhất là đã ra lệnh tiến hành các vụ thảm sát nhắm vào phong trào nổi dậy Sendero Luminoso -Con đường Ánh Sáng, hồi năm 1991-1992, làm hàng chục người thiệt mạng.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 2011, Keiko Fujimori đã nhập cuộc và tuyên bố ý định ân xá cho cha một khi bà đắc cử. Đây là một sai lầm chiến thuật. Kết quả là đối thủ của bà, đương kim tổng thống Peru, Ollanta Humala, đã dễ dàng giành thắng lợi.

Rút tỉa được bài học từ thất bại lần trước, kỳ này Keiko Fujimori lao vào cuộc vận động tranh cử với những hứa hẹn "tôn trọng nhân quyền và trật tự tại một nền dân chủ".

Đối thủ của trưởng nữ trong dòng họ Fujimori là ứng cử viên thuộc khuynh hướng tự do, Pedro Pablo Kuczynski, 77 tuổi, một người gốc Đức. Ông là một nhân vật lão thành trong chính giới và là một chuyên gia ngân hàng có uy tín không chỉ trong nước mà cả với cộng đồng quốc tế. Ứng cử viên Kuczynski từng làm việc tại thị trường tài chính Wall Street và Ngân Hàng Thế Giới. Ông cũng từng đứng đầu nội các chính phủ, từng là bộ trưởng Năng Lượng, Kinh Tế từ những năm 1980. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tuần hành vì cá chết 'bị chặn' ở Hà Nội

Một cuộc tuần hành nhân ngày Môi trường Thế giới và vì 'cá chết hàng loạt, bất thường' đã bị giải tán không lâu sau khi diễn ra ở Hà Nội, hôm Chủ nhật, theo các nhà hoạt động.

Cuộc tuần hành chỉ diễn ra được vài chục phút thì bị nhà cầm quyền và các lực lượng an ninh ngăn chặn, một số người tham gia đã bị bắt đưa đi, theo thành viên của nhóm Vì một Hà Nội Xanh (Green Trees).

Trao đổi với BBC hôm 05/6/2016, kỹ sư Đặng Vũ Lượng, nhà hoạt động tham gia cuộc tuần hành nói:

"Cuộc tuần hành ngày hôm nay do nhóm Green Trees, một nhóm xã hội dân sự về môi trường ở Việt Nam tổ chức nhân ngày Quốc tế về Môi trường. Cuộc tuần hành này bắt đầu từ khởi điểm đi được từ 10 - 15 phút thì bị các lực lượng an ninh ngăn chặn và bắt khoảng hơn 20 người lên xe bus.

"Hiện tại, một số người đã được thả ra và những người còn lại, thì (chúng tôi) tiếp tục yêu cầu thả ra, còn khoảng hai người nữa."

Giải thích lý do chính quyền được cho là đã ngăn chặn cuộc tuần hành, ông Lượng nói:

"Phía chính quyền họ đang rất nhạy cảm về chuyện thảm họa môi trường ở Vũng Áng về cá chết. Tại thời điểm này, sau 60 ngày, thì bên phía chính quyền vẫn chưa có được kết luận về nguyên nhân tại sao cá chết.

"Đấy cũng là một cái gây bức xúc cho người dân, người ta muốn biết nguyên nhân tại sao cá chết và giải pháp tức thời của chính quyền để giải quyết hậu quả trước cho những người dân ở những vùng bị thảm họa, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời nên người dân rất bức xúc.

"Và chính người dân bức xúc như thế, chính quyền cũng cảm thấy rất là nhạy cảm vì vấn đề này, mặc dù buổi tuần hành này thuần túy về môi trường nói chung và tổ chức vào ngày quốc tế, nhưng mà vì lý do là đã có một thảm họa về cá chết mà chưa có câu trả lời, nên nó là vấn đề nhạy cảm, nên chính quyền cũng muốn dẹp luôn đi cho nó khỏi rắc rối, theo quan điểm cá nhân của tôi là như vậy."

'Thể hiện tiếng nói'

Cũng hôm Chủ nhật một thành viên khác tham gia cuộc tuần hành thuật lại việc mình 'bị bắt' ra sao, trước hết nhà hoạt động Cao Vĩnh Thịnh nói với BBC:

"Tại Việt Nam, vụ việc bốn tỉnh miền Trung, biển đang chết và cá chết trắng bờ biển, cũng nhân ngày hôm nay, là ngày bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, tất cả anh chị em, những người quan tâm đến vấn đề về môi trường của Việt Nam cùng nhau xuống đường, để góp phần thể hiện tiếng nói của mình, đối với những người dân xung quan," cô nói.

"Và với phía nhà cầm quyền, mong rằng sẽ có câu trả lời đích đáng càng sớm, càng tốt để cho người dân có thể yên tâm, những người như là ngư dân họ có thể yên tâm, có thể ra khơi hay là có thể đánh bắt cá, phía người dân có thể thỏa đáng trong việc như là có thể phân biệt được cá nào là cá an toàn và vấn đề về muối, vấn đề về nước mắm, rồi hàng trăm tấn cá đã chết như thế, nhà nước bây giờ xử lý ra sao..."

Nhà hoạt động chia sẻ về chi tiết 'bị bắt' và bị đưa đi nơi khác của mình, cô cho biết:

"Khi vừa bị đưa về đấy, thì họ chia tất cả mọi người, mỗi người ở một phòng khác nhau, tôi không thể biết từng ấy con người, thì họ cư xử ra sao, với bản thân tôi, họ viết biên bản và họ hỏi lý do vì sao tham gia biểu tình, có ai dụ dỗ không, có ai kêu gọi không...

Nhà hoạt động này cho hay trước khi được thả ra, cô đã trao đổi lại các lý do như đã nói ở trên, và nói tiếp: "Còn rất nhiều anh chị em khác thì vẫn bị giam giữ và chưa được thả."

'Quốc hội ở đâu?'

Hôm Chủ nhật, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo, blogger Đoan Trang viết về cuộc tuần hành:

"Sáng nay (chủ nhật, 5/6/2016), khoảng 60 người đã tập trung ở Nhà Thờ Lớn để tổ chức cuộc tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường, yêu cầu chính quyền minh bạch trách nhiệm trong thảm họa cá chết ở miền Trung.

"Nhiều bạn trẻ giương cao các khẩu hiệu: "Quốc hội ở đâu?", "No Formosa", "Đại họa biển chết 2016, bạn đã làm gì?", v.v.

"Phần lớn mọi người (Nguyễn Anh Tuấn, Cao Vĩnh Thịnh, An Nhiên, Lê Thuỷ Tiên...) là thành viên của nhóm Green Trees (trước là Vì Một Hà Nội Xanh).

"Đây là nhóm dân sự “không giấy phép”, thành lập tháng 3/2015, đã tổ chức và tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, tuần hành, đấu tranh pháp lý... để bảo vệ môi trường Việt Nam, vận động cho một môi trường trong sạch (đương nhiên, bao gồm cả môi trường chính trị).

"Cuộc tuần hành chỉ kéo dài từ 9h02 đến khoảng 9h15 thì bị công an lao vào phá. Gần 30 người bị tống lên xe buýt, đưa về đồn CA quận Long Biên.

"Trong số này có Nguyễn Anh Tuấn (Vì Một Hà Nội Xanh), rapper Hoàng Thành, một nghệ sĩ piano/keyboard tên Cường, và nhiều gương mặt trẻ khác...".

Gần đây, hai cuộc tuần hành của người dân Việt Nam ở Hà Nội và Sài Gòn trong hai dịp cuối tuần đều đã bị nhà cầm quyền can thiệp, giải tán, nhiều người dân và các nhà hoạt động đã bị bắt giữ, câu lưu, trong lúc có các cáo buộc chính quyền và các lực lượng an ninh đã 'nặng tay' trấn áp.

Trong lúc đó, truyền hình và nhiều cơ quan báo chí của chính phủ cho rằng đã có các thế lực thù địch và nước ngoài đứng đằng sau các cuộc 'xuống đường' lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường phản đối ô nhiễm làm cá chết bất thường và hàng loạt để giật giây, kích động bạo loạn và thậm chí là để lật đổ chính quyền. - BBC
|
|

6.
Đà Nẵng: Ba người mất tích vụ lật tàu

Ít nhất hai trẻ em và một người lớn mất tích trong vụ lật tàu du lịch ở sông Hàn Đà Nẵng với hơn 40 người được cứu sống.

Truyền thông trong nước cho hay một tàu du lịch chở gần 50 hành khách đi ngắm cảnh sông Hàn về đêm bị lật vào khoảng 20h30 tối ngày thứ Bảy 04/06.

43 người được cứu và đã được đưa vào bệnh viện trong đó có 4 người Malaysia.

Ba người chưa tìm thấy gồm một bé gái 7 tuổi và bé trai 4 tuổi. Một người đàn ông sinh năm 1970 hiện cũng đang mất tích.

Thông tin ban đầu cho hay 43 người sống sót đều do ba tàu du lịch gần đó tới cứu, trước khi ca nô của công an, biên phòng tiếp cận hiện trường.

Tin cho hay khoảng 3h sáng hôm Chủ nhật 5/6, hàng trăm người tập trung kín hai bờ sông Hàn, đoạn trước bến cảng Đà Nẵng cũ, dù chính quyền đã dừng tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu du lịch này.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin đến 6g sáng ngày 5-6, các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã triển khai lực lượng tiếp tục tìm kiếm ba người còn mất tích.

Cách đây đúng một tháng xảy ra vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhưng toàn bộ hành khách được đưa lên bờ an toàn.

Hôm ngày 6/5, một chiếc tàu du lịch đang neo đậu tại bến, bất ngờ bốc cháy khiến "hàng chục du khách nhảy xuống biển thoát thân".

Công an tỉnh Quảng Ninh xác nhận cảnh sát cũng cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn được 37 người, trong đó có bốn thuyền viên và một thuyền trưởng. - BBC

No comments:

Post a Comment