Tin Thế Giới
1.
Thắng lợi của Trung Quốc có thể chết yểu --- Tin tặc TQ tấn công hai sân bay lớn của Việt Nam --- Biển Đông: TQ diễu võ giương oai sau thất bại của ASEAN --- TQ xuyên tạc lời nghị sĩ Anh để tuyên truyền
Trung Quốc dường như đã giành chiến thắng ngoại giao trong tuần qua khi thách thức phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Nhưng có những người tin rằng Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với tác động lâu dài của phán quyết.
Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở châu Á nói các cuộc đàm phán song phương sắp tới của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Philippines diễn ra trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông nhận định: "Nói cách khác, họ - Philippines và Việt Nam - sẽ nói, Được, chúng ta có thể nói chuyện. Nhưng chúng tôi sẽ không nói theo các điều kiện của quý vị. Mà chúng tôi sẽ theo các điều kiện của chúng tôi và các điều kiện của chúng tôi là trên cơ sở pháp luật quốc tế".
Nhà nghiên cứu ở Singapore này nói thêm rằng có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới thấy được những tác động dài hạn của phán quyết trên thực tế.
Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã tác động để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến quyết định xoá bất kỳ từ ngữ nào nhắc đến Trung Quốc hoặc phán quyết của tòa trọng tài trong thông cáo chung của ASEAN sau cuộc họp của các ngoại trưởng tại Lào.
Điều đó được xem là một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc.
Có thể Trung Quốc đã giữ được thể diện bằng cách gây sức ép với ASEAN, nhưng liệu Bắc Kinh có giữ được uy tín của họ không?
Walden Bello, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Kyoto, Nhật Bản, nói: "Trong ngắn hạn, các nước có thể bị dọa dẫm, nhưng các mưu toan bắt nạt này bị người ta ghi nhớ, và chắc chắn sau cùng sẽ không giúp Trung Quốc giành được điểm".
Còn ông Bello, cựu dân biểu Hạ viện Philippines nói: "Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở đây là họ càng lên án phán quyết, họ càng mất đi độ tin cậy"
Ông Dan Steinbock, giám đốc nghiên cứu về kinh doanh quốc tế tại Viện Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cho rằng vụ khiếu nại của Philippines và phản ứng của ASEAN đối với phán quyết của tòa là những ví dụ hoàn hảo về việc các nước châu Á đang bị mắc kẹt ra sao giữa việc bảo đảm an ninh của Mỹ và hợp tác kinh tế của Trung Quốc.
Ông Steinbock đưa ra ý kiến: "Tập trung vào chỉ một mặt này hay mặt kia chưa bao giờ có tính xây dựng cả, còn cân bằng giữa hai mặt đã chứng minh là có lợi cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".
Ông cũng cho rằng các nước ASEAN biết quá rõ rằng "luật pháp quốc tế là một chuyện, còn hiện thực về chính sách trong khu vực là một chuyện khác".
Vì vậy, ông Steinbock lập luận rằng xác suất vô tình xảy ra xung đột ở khu vực vẫn tiếp tục tăng, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để xuống thang căng thẳng thông qua xây dựng lòng tin và đàm phán. - VOA
***
Các hãng tin AP và Reuters hôm nay 29/07/2016 dẫn nguồn tin từ báo chí Việt Nam cho biết, hệ thống thông tin tại hai sân bay chính của nước này đã bị tin tặc xâm nhập để xuyên tạc về Biển Đông, lăng mạ Việt Nam và Philippines.
Hệ thống thông tin dữ liệu chuyến bay tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đồng loạt bị xáo trộn, khiến nhà chức trách buộc lòng phải tắt hệ thống check-in lên máy bay và âm thanh. Nhân viên phải làm thủ tục cho hành khách một cách thủ công. Một số sân bay khác trong hệ thống 21 sân bay của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Trang VnExpress dẫn lời thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng tin tặc chỉ xâm nhập được giao diện màn hình hiển thị, chứ không vào được hệ thống tra cứu, đặt vé.
Trang web của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng bị tin tặc xâm nhập một thời gian ngắn. Nội dung của trang chủ bị thay đổi hoàn toàn, xuất hiện các dòng chữ kích động, xưng tên nhóm hacker 1937cn.
Theo Vietnam Airlines, trang mạng của hãng bị chiếm tên miền, chuyển sang trang web xấu ở nước ngoài. Đến khoảng 17 giờ 45 đã khắc phục được, nhưng cuối website vẫn còn liên kết dẫn sang trang khác, với các tập tin chứa dữ liệu cá nhân của trên 400.000 tài khoản khách hàng Golden Lotus. Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo không nên vào các link này vì có thể hacker đã nhúng mã độc.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết nhóm 1937cn là tin tặc Trung Quốc, trước đây đã nhiều lần xâm nhập vào các hệ thống của Việt Nam. Năm 2014 hơn 200 website của chính phủ Việt Nam đã bị bọn chúng tấn công. Theo trang hack-cn.com xếp hạng các nhóm tin tặc Trung Quốc thì 1937cn là nhóm mạnh nhất, với thành tích 36.820 cuộc tấn công vào Việt Nam và các nước láng giềng trong năm 2014.
The Diplomat nhắc lại, tháng 5/2014 sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, dẫn đến phong trào biểu tình chống Bắc Kinh tại Việt Nam, tin tặc Trung Quốc đã thu thập được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Đến tháng 10/2014 lại diễn ra đợt tấn công tương tự, có thể nhằm trả đũa việc Việt Nam mua vũ khí để tăng cường an ninh hàng hải.
Còn đối với Philippines, ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hôm 12/7 ra phán quyết có lợi cho nước này, trong hai ngày 15 và 16/7, hàng chục trang web của các cơ quan chính phủ Philippines đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công.
Báo chí trong nước cho biết Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành điều tra. - RFI
***
Việc ASEAN không đưa được phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, rất bất lợi cho Trung Quốc, vào tuyên bố chung (ngày 25/07/2016) của hội nghị các ngoại trưởng của khối tại Lào được nhiều nhà phân tích đánh giá như một "thất bại" của khối này. Trong bối cảnh một mặt trận ngoại giao quốc tế nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh thực thi phán quyết của Tòa dường như không thành công, Trung Quốc đã diễu võ giương oai.
Hãng thông tấn AP ghi nhận, sau phán quyết 12/07/2016, Bắc Kinh vừa có những phản ứng hết sức cứng rắn, vừa thực thi một chính sách ngoại giao mua chuộc tinh vi nhằm gia tăng các chia rẽ trong nội bộ ASEAN, nhằm bác bỏ tính chính đáng của phán quyết về Biển Đông.
Theo chuyên gia về Đông Nam Á John Ciorciari, đại học Michigan, Hoa Kỳ, được AP dẫn lời, thì khi không có được tiếng nói chung về vấn đề này, thì "với tư cách là một hiệp hội, ASEAN đã mất đi uy quyền và hiệu quả của tổ chức này trong những vấn đề khu vực quan trọng nhất". Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á vận hành theo nguyên tắc đồng thuận 100%, chỉ một mình Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc thì mọi nỗ lực của các nước khác đều vô tác dụng.
AP cho biết, các nhà ngoại giao tham dự các hội nghị tại Lào quan sát thấy một hiện tượng đáng chú ý là, ngay cả những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, dường như cũng đã lùi bước. Ví dụ Philippines – bên thắng trong vụ kiện Trung Quốc – cũng tỏ ra không quyết liệt trong việc đòi hỏi đưa những ngôn từ mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung ASEAN.
Manila nhiều lần nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài chỉ là kết cục của vụ Philippines kiện Trung Quốc, vì vậy ASEAN không cần tham gia. Ngoại trưởng Malaysia thậm chí không có mặt trong phiên họp về chủ đề này. Còn Brunei – một nước tranh chấp khác tại Biển Đông – thậm chí còn ca ngợi vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong một cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác châu Á- Thái Bình Dương. Hôm thứ Ba 26/07, một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội thiên về đối thoại song phương để giải quyết các tranh chấp, mà đây dường như cũng chính là điều mà Bắc Kinh đòi hỏi.
Một số nhà quan sát ghi nhận, cho dù phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ tiếp tục gây nhức nhối cho Trung Quốc, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy là Bắc Kinh đang từ bỏ tham vọng chủ quyền tại vùng biển này.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục nhiều hoạt động để khẳng định quyền kiểm soát, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa.
Vài ngày sau khi Tòa ra phán quyết, tập đoàn viễn thông China Telecommunications Corp – một trong công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này – quyết định triển khai dịch vụ internet 4G tại 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh đang kiểm soát ở Trường Sa. Một tập đoàn viễn thông lớn khác cũng chuẩn bị một kế hoạch tương tự.
Trung Quốc cũng đang cho xây dựng bốn bến cảng tại khu vực này, để chuẩn bị đón đến 2 triệu khách du lịch một năm.
Hôm qua 28/07, bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận với Nga tại Biển Đông trong tháng 9/2016. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước tại khu vực này. Đây là cũng là cuộc tập trận đầu tiên được dự trù sau phán quyết của Tòa án La Haye.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ có những phản ứng táo tợn hơn nhiều sau hội nghị G20 - nhóm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới - tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5/9 tại Hàng Châu (Hangzhou), Trung Quốc.
Theo ông Trần Việt Thái, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong giai đoạn hiện tại, phán quyết của Tòa án cũng không phải là cây gậy thần có thể giải quyết mọi vấn đề, mà nó cần phải được phối hợp với nhiều biện pháp khác.
Nhà nghiên cứu Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện tư vấn Heritage Foundation, Hoa Kỳ, đề xuất biện pháp đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, trong một phân tích được đưa ra một tuần sau khi Tòa án ra phán quyết (Bài “South China Sea After the Tribunal Ruling: Where Do We Go From Here?”, www. heritage. org). Đó là thay vì đặt trọng tâm vào ASEAN, Washington cần hỗ trợ nhóm các nước có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Bắc Kinh, tức Philippines, Việt Nam, Maylaysia và Brunei, "xây dựng một lập trường chung". Điều này có thể tạo thêm một áp lực "chính trị và ngoại giao" để buộcTrung Quốc phải xét lại quan điểm. - RFI
***
Bị thất bại nặng nề vì phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò", Trung Quốc tiếp tục chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về chủ quyền Biển Đông trên truyền thông phương Tây. Ngày 27/07/2016, một nghị sĩ Anh đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh xuyên tạc phát biểu của bà, trong một video được phát liên tục ở trung tâm thành phố New York, Hoa Kỳ.
Theo Tân Hoa Xã, video được chiếu đi chiếu lại 120 lần một ngày, từ 23/07 đến 03/08 trên một bảng quảng cáo khổng lồ tại Times Square, tức Quảng trường Thời Đại nổi tiếng ở trung tâm New York.
Trong video dài ba phút này có đoạn trích dẫn nghị sĩ Công Đảng Anh, bà Catherine West nói: "Tôi nghĩ rằng đàm phán là cốt yếu, vì vậy mà chúng ta phải thận trọng. Vâng, chúng ta cần giải quyết vấn đề chỉ trong phạm vi khu vực, và có cách tiếp cận chú trọng đến đối thoại".
Nhưng ngay sau đó, bà Catherine West đã phản ứng trên mạng Twitter. Trên tài khoản cá nhân, bà viết: "Tôi luôn bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và cổ vũ các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực".
Bà còn dẫn chứng một đoạn chất vấn trước đó với ngoại trưởng Anh: "Ông có đồng ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tôn trọng, và bất kỳ hành động không tuân thủ nào của chính quyền Trung Quốc không chỉ làm tổn hại nặng nề cho uy tín của Bắc Kinh, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế?"
Trả lời trang mạng Buzz Feed News, nghị sĩ Catherine cho biết phát biểu của bà đã bị bóp méo, và bà rất bối rối, lo ngại khi bị cho xuất hiện trong video tuyên truyền này. Hơn nữa, bà còn bị giới thiệu nhầm là đang giữ một chức vụ trong đảng đối lập, mà khi Công Đảng nắm quyền sẽ trở thành ngoại trưởng.
Video này giải thích Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi" tại Biển Đông, đưa các hình ảnh nhằm cố chứng minh Trung Hoa là nước đầu tiên đã phát hiện, đặt tên, khám phá, khai thác "Nam Hải" và các vùng biển xung quanh ; "liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình và hiệu quả" tại khu vực này.
Báo chí nhà nước Trung Quốc khoe khoang : "Video đã làm rõ sự thật đằng sau trò hề trọng tài, và nhắc nhở rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Nhiều chuyên gia và quan chức trên toàn thế giới ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông".
Tuy nhiên trang mạng Buzz Feed News cảnh báo độc giả "sẽ mất toi ba phút và mười hai giây trong cuộc đời" với video tuyên truyền của Trung Quốc. Nhiều tờ báo khác cũng chế giễu động thái quá đáng này. Theo New York Times, tiền thuê màn hình khổng lồ ở địa điểm sầm uất này từ 300.000 đến 400.000 đô la một tháng.
Tại Pháp trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cũng đã vung tiền ra mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để khẳng định « chủ quyền » Biển Đông. Ngay hôm nay 29/07/2016 trên báo Le Figaro, Trung Quốc mua hẳn bốn trang để đăng những bài tuyên truyền do China Daily soạn thảo, và trên trang nhất là tựa lớn: "Biển Đông: Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trọng tài". Ảnh minh họa là hai nữ tiếp viên Hainan Airlines đang tươi cười trước chiếc máy bay của hãng này vừa đáp xuống Đá Xu Bi hôm 13/07/2016. - RFI
|
|
2.
LHQ: Nga hãy để LHQ đảm trách hành lang nhân đạo ở Syria
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria đã kêu gọi Nga để cho Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về bất kỳ hành lang nhân đạo nào trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này của Syria.
Phát biểu trước báo giới hôm thứ Sáu ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ông Staffan de Mistura bày tỏ sự ủng hộ "về nguyên tắc" đối với những hành lang nhân đạo "trong hoàn cảnh thích hợp," và nói rằng Aleppo đang ở một thời điểm hệ trọng khi mà thức ăn đang cạn kiệt nhanh chóng cho 300.000 người bị mắc kẹt trong thành phố.
Ông De Mistura cũng nhắc lại lời kêu gọi của trưởng phụ trách viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Stephen O'Brien, cho một sự đình chỉ chiến sự vì lý do nhân đạo trong 48 tiếng đồng hồ để cho phép thực phẩm và những vật phẩm khác được đưa vào thành phố một cách khẩn cấp. Viện trợ nhân đạo vào thành phố đã bị lực lượng ủng hộ chính phủ cắt đứt kể từ 17 tháng 7.
Giống như ông O'Brien một ngày trước đó, ông De Mistura đưa ra phản ứng về một đề xuất của Nga mở tới bốn hành lang nhân đạo để di tản thường dân và những chiến binh muốn hạ vũ khí khỏi mạn đông Aleppo do phiến quân chiếm giữ. Ông nêu nghi vấn về tính khả thi của đề xuất này trong khi chiến sự tiếp tục:
"Làm thế nào có thể trông mong hàng ngàn thường dân đi bộ qua hành lang trong khi có những vụ pháo kích, ném bom, và giao tranh?"
Ông De Mistura cũng ca ngợi một thông cáo của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế hoan nghênh đề xuất của Nga, nhưng nói rằng những hành lang như vậy cần có "sự đồng ý của tất cả các bên."
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm thông báo kế hoạch của Nga cho "những hoạt động nhân đạo quy mô lớn" bên ngoài Aleppo để "giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí."
Ông De Mistura cho biết ông đang chờ nhà chức trách Nga làm rõ kế hoạch này sẽ được tiến hành ra sao, trong khi nhắc lại lập trường của Liên Hiệp Quốc là không thường dân nào nên bị bắt buộc phải rời khỏi Aleppo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ứng cử viên TT Hillary Clinton hứa xây dựng ‘một ngày mai tốt đẹp hơn’ --- Hillary Clinton 'không ủng hộ TPP'
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm thứ Năm kêu gọi cử tri Mỹ chớ nên khuất phục trước những luận điệu chính trị dựa trên sự sợ hãi. Bà cam kết sẽ đoàn kết đất nước và lèo lái đất nước hướng tới phía trước, nếu bà đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới. Đêm hôm qua, bà Hillary Clinton đã chính thức chấp nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ tại đại hội toàn quốc đảng này tổ chức ở Philadelphia.
Vào đêm cuối cùng của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, bầu không khí tại đại hội có vẻ lạc quan, các đại biểu đã sẵn sàng để ăn mừng và làm nên lịch sử.
Chelsea Clinton, ái nữ của vị Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, giới thiệu thân mẫu với cử toạ, bà Hillary Clinton, người đang hy vọng có thể trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Cô Chelsea Clinton nói: “Tôi sẽ bầu cho một chiến sĩ không bao giờ bỏ cuộc, một người tin rằng chúng ta luôn luôn đạt thành quả tốt hơn khi chúng ta sát cánh với nhau và làm việc với nhau.”
Tại Philadelphia, một thành phố nổi danh nhờ các cha già dân tộc đã sáng lập nên nước Mỹ, bà Hillary Clinton bước ra dưới ánh sáng sân khấu để làm nên lịch sử của chính mình trong tư cách là phụ nữ đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử ra tranh chức Tổng thống Mỹ.
Bà phát biểu: “Như thế thưa các bạn, với lòng khiêm cung, quyết tâm và niềm tự tin vô bờ bến vào sự hứa hẹn của nước Mỹ, tôi xin chấp nhận sự đề cử của quý vị để ra tranh chức Tổng thống của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.”
Như một điềm báo trước về chiến dịch vận động gay go sắp tới, bà Clinton vững vàng nhắm thẳng vào đối thủ, người đàn ông sẽ chạy đua với bà để giành chiếc ghế trong Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 sắp tới, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump.
Bà Clinton nói: “Hãy tưởng tượng ông Trump trong Phòng Bầu dục, đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự. Một người đàn ông mà ta có thể cho rơi vào bẫy chỉ bằng một dòng trên trang Twitter, không phải là người mà chúng ta có thể tin cậy với những vũ khí hạt nhân.”
Bà Hillary Clinton cam kết sẽ tập trung vào việc kiến tạo công việc làm ăn và phát triển kinh tế. Bà cam kết sẽ dồn nỗ lực làm việc để đoàn kết quốc gia, nếu bà được bầu lên vào tháng 11 này.
Bà nói tiếp:
“Cho nên chúng ta hãy cùng nhau củng cố thêm sức mạnh, hỡi đồng bào Mỹ của tôi. Hướng nhìn về tương lai với lòng can đảm và sự tự tin. Hãy xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho những đứa con yêu của chúng ta và tổ quốc thương yêu của chúng ta. Bởi vì khi thực hiện điều đó, nước Mỹ sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết. Xin cảm tạ quý vị, và xin Thượng đế ban phước lành cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Sau bài diễn văn, chồng và con gái bà Clinton bước lên sân khấu để đứng bên bà, cũng như ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Kaine, người được chọn đứng chung liên danh tranh cử của Đảng Dân chủ.
Nhưng sự tập trung vào đại hội Đảng Dân chủ không ngăn được ông Donald Trump tiếp tục vận động. Ông tuyên bố sẵn sàng là một tác nhân của sự thay đổi tại một cuộc mít tinh ở Iowa.
Ông phát biểu: “Chúng ta không thể chấp nhận thêm 4 năm Tổng thống Obama, bởi vì về cơ bản đó là bản chất của 'Hillary Clinton gian trá'. Chúng ta không thể chấp nhận thêm 4 năm cai trị của Obama!”
Theo nhà phân tích Gerald Seib của tờ Wall Street Journal, giờ đại hội toàn quốc của cả hai chính đảng Mỹ đã qua, mọi tập trung sẽ dồn về hai ứng cử viên tổng thống, với những đánh giá tiêu cực từ giới cử tri. Ông nhận định:
“Chiến dịch vận động sắp tới sẽ rất hỗn độn, có thể rất tiêu cực, không mấy lịch sự. Tôi nghĩ rằng dù mọi người có thích hay không, tôi thì không thích rồi đấy, phần lớn chiến dịch này chủ yếu sẽ nhắm mục tiêu thuyết phục cử tri hãy bầu để chống lại người kia, chứ không phải là bầu cho người này. Và trong các điều kiện đó, tất nhiên là chiến dịch vận động tranh cử sẽ rất tiêu cực.”
Mức ủng hộ dành cho ông Trump đã tăng sau Đại hội Đảng Cộng hoà tại Cleveland hồi tuần trước, bây giờ bà Hillary Clinton và các thành viên Đảng Dân chủ đang hy vọng mức ủng hộ dành cho họ cũng sẽ tăng giữa lúc họ đang chuyển tiếp sang chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay. - VOA
***
Cố vấn thân cận về ngoại giao của bà Hillary Clinton khẳng định bà sẽ không ủng hộ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu trở thành Tổng thống Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, và sẽ tranh chức tổng thống với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.
TPP là nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tập hợp 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Một số nhận định cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi vào TPP, và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ủng hộ ký kết hiệp định này.
Tuy vậy, tại Mỹ vẫn không chắc TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua hay không.
Trả lời phóng viên BBC Vincent Ni, bà Laura Rosenberger, cố vấn ngoại giao của bà Hillary Clinton, khẳng định bà Clinton sẽ không ủng hộ TPP nếu trở thành tổng thống Mỹ.
“Bà Clinton tin rằng các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ. Bà có ba trắc nghiệm cho bất kỳ thỏa thuận nào: nó cần tạo ra việc làm cho người Mỹ, cần tăng lương cho người lao động Mỹ, và nó cần thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.”
“Khi xem bản chung cuộc của TPP, bà thấy nó không đáp ứng được ba trắc nghiệm trên. Vì thế bà quyết định rằng bà không thể ủng hộ.”
Bà Laura Rosenberger nhấn mạnh: “Nghĩa là hiện nay bà không thể ủng hộ nó, cũng không ủng hộ nó sau bầu cử tháng 11, cũng như tháng Giêng năm sau.”
Khi được hỏi liệu việc này có làm các nước như Việt Nam thất vọng, bà Laura Rosenberger cho rằng quan hệ của Hoa Kỳ với các nước trong vùng châu Á “rất đa dạng, sâu sắc”.
“Thương mại không phải là điều duy nhất trong quan hệ. Với Việt Nam, chúng tôi đã thúc đẩy quan hệ về cả ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao nhân dân.”
Bà đề cập ví dụ chương trình Peace Corps vừa mới được phép mở tại Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama hồi tháng Năm.
“Bà Clinton quyết tâm làm sâu sắc thêm quan hệ với khu vực. Khi còn là ngoại trưởng, bà tin rằng Hoa Kỳ chưa có mặt đủ ở châu Á, một khu vực có tiềm năng to lớn trong thế kỷ 21.”
“Hoa Kỳ cần đầu tư đủ vào khu vực. Nếu trở thành tổng thống, bà sẽ tiếp tục điều này.”
Phán quyết The Hague
Trong cuộc phỏng vấn tại Mỹ của phóng viên Vincent Ni, cố vấn ngoại giao của bà Clinton, người từng nhiều năm làm tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhắc lại khi còn là ngoại trưởng, bà Clinton can dự rất sâu trong vấn đề Biển Đông.
"Mọi người còn nhớ năm 2010 bà đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh khu vực và đã đề ra những nguyên tắc chung mà bà cho rằng quan trọng cho Hoa Kỳ và khu vực.”
“Phán quyết gần đây của tòa ở The Hague, về nhiều mặt, đã chứng thực cho những nguyên tắc mà bà từng đề ra.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng cạnh các đồng minh và đối tác để giúp bảo đảm tranh chấp được giải quyết trong hòa bình. Đây là điều rất quan trọng với bà.”
Trung Quốc đã tuyên bố nước này không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague về vụ kiện của Philippines tại Biển Đông.
Nhưng trả lời BBC, bà Laura Rosenberger cho rằng Hoa Kỳ có thể có tác động quan trọng.
“Hoa Kỳ giúp đồng minh và đối tác có niềm tin rằng chúng tôi ở bên cạnh họ, và gửi tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc là không thể phá vỡ quy tắc.”
“Anh không thể bỏ qua phán quyết của một tòa án là một phần của hiệp định mà anh đã ký. Anh không thể phá vỡ quy tắc thương mại của WTO, không thể phá vỡ quy tắc về nhân quyền.”
“Bà Clinton rất coi trọng làm sao Trung Quốc sẽ là đối tác xây dựng và tuân thủ các quy tắc.”
Nói về quan hệ tương lai với Việt Nam, bà Laura Rosenberger nhận định Việt Nam đang có mối quan hệ “rất quan trọng, rất tiềm năng” với Hoa Kỳ.
“Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam cũng cần có thêm những bước về cải tổ, tôn trọng nhân quyền. Đó là những khía cạnh được bà Clinton quan sát kỹ.”
“Nhưng bà rất ủng hộ và khi là ngoại trưởng, bà đã khuyến khích mối quan hệ phát triển rộng và sâu hơn.” - BBC
|
|
4.
Ông Trump dịu giọng, bớt ca ngợi Nga
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đang dịu giọng xuống, bớt tán dương Nga và nhà lãnh đạo độc tài của nước này là ông Vladimir Putin, sau khi những lời phát biểu như thế của ông gây rắc rối cho ông mới đây. Sau khi hối thúc Nga hãy tìm 30.000 email thất lạc của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông không quen ông Putin, và chưa bao giờ nói ông này là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, mà chỉ là một nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Barack Obama.
Ông Putin hoan nghênh thái độ thân thiện hơn của ông Trump, nhưng theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của VOA, người dân Nga bình thường nói họ không mấy tin tưởng vào ông Trump.
Ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch vận động tổng thống, ông Trump đã tuyên bố là nếu đắc cử, ông có thể giao hảo với ông Putin.
Ông Trump nói: “Khi người ta thích tôi, thì tôi thích họ. Ngay cả Putin, các bạn biết ông Putin mà. Người ta muốn tôi gạt ông sang một bên, nhưng ông Putin của nước Nga nói rằng ông Trump là một thiên tài, ông ấy sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ”.
Phản ứng của Tổng thống Nga có vẻ thận trọng hơn:
“Ông Trump là một nhân vật hoa hòe. Tôi không đưa ra đánh giá nào khác về ông. Nhưng điều tôi đặc biệt chú ý và hoan nghênh, và tôi không thấy cũng có gì sai trái là ông Trump tuyên bố ông sẵn sàng khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ Nga-Mỹ. Có gì sai trái đâu? Tất cả chúng ta đều hoan nghênh chuyện này mà, phải không?”
Những người dân Nga bình thường tỏ ra cởi mở hơn đôi chút về những điều họ nghĩ về ông Trump.
Cô Galina, một kỹ sư người Nga, cho biết:
“Tôi không xem ông Trump là một người tích cực. Tôi cho rằng một tổng thống phải là người khiêm tốn, tự chủ và không bốc đồng, một người giống như ông Putin của chúng tôi”.
Họ không chắc ông Trump có thể tạo ra được sự thay đổi đáng kể cho mối quan hệ Mỹ-Nga, như ý kiến của cô Kristina sau đây:
“Tôi cho rằng việc ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ, sẽ có ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ, nhưng không phải là một ảnh hưởng lớn. Cuối cùng, điều thực sự quan trọng là cương lĩnh mà các ứng cử viên đưa ra, chứ không phải là ý định muốn gây sốc của họ, đây không phải là điều cần cân nhắc khi chọn lựa một tổng thống”.
Nhà báo Nga Mikhail Zygar nói ông Trump không phải là loại người mà ông Putin có thể điều khiển:
“Ông Putin có thể hy vọng là sẽ có thể chia thế giới ra thành những vùng ảnh hưởng khác nhau với ông Donald Trump. Tôi thực sự không cho rằng ông Donald Trump là một người có thể nghe theo đề xuất đó.”
Nhưng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ và chiến dịch vận động của bà Clinton tuần này cáo buộc Moscow đã thâm nhập các máy chủ của ủy ban này để lấy các email đề nghị các giới chức trong đảng ủng hộ bà Clinton thay vì đối thủ trong nội bộ đảng là ông Bernie Sanders. Chính phủ Mỹ đặt nặng tầm quan trọng của những cáo buộc đó, và giới truyền thông cũng đang xem xét các mối quan hệ kinh doanh của ông Trump với Nga.
Hôm thứ Năm, ông Trump nói ông chỉ châm chọc khi kêu gọi Nga tìm email của bà Hillary Clinton. Ông Trump cũng rút lại những lời phát biểu của ông ca tụng ông Putin. - VOA
|
|
5.
Hai cảnh sát bị bắn ở San Diego --- LHQ: Phân biệt chủng tộc cản trở Mỹ thực hiện tiềm năng và lý tưởng
Một cảnh sát thiệt mạng và một cảnh sát khác bị thương nặng trong một vụ nổ súng vào sáng sớm thứ Sáu tại thành phố San Diego của Mỹ, theo lời cảnh sát trưởng của thành phố này.
Tin cho hay vụ nổ súng xảy ra trong một khu phố ngay sau khi hai cảnh sát này chặn một chiếc xe lại để kiểm tra. Những cảnh sát ở gần đó đến hiện trường và thấy cả hai cảnh sát này đã bị bắn, một người bị bắn nhiều phát vào ngực.
Tin tức của truyền thông địa phương cho hay những cảnh sát đồng nghiệp đã đưa cảnh sát này vào trong xe và đưa ông ta tới bệnh viện trong khi thực hiện những thao tác cứu sinh.
Cảnh sát trưởng Shelley Zimmerman nói với truyền thông địa phương: "Tôi đau buồn loan báo là họ đã không thể cứu được tính mạng của ông ấy."
Cảnh sát trên khắp nước Mỹ đang trong tình trạng cảnh giác sau vụ sát hại một số cảnh sát ở hai thành phố Dallas và Baton Rouge trong những tuần gần đây.
Trong vụ việc ở San Diego, bà Zimmerman nói rằng nghi can, một người đàn ông gốc Mỹ Latin, đang bị câu lưu. Người này đang được điều trị vết thương do bị bắn tại một bệnh viện địa phương.
Bà Zimmerman cho biết trên Twitter của mình rằng viên cảnh sát bị thương đã được phẫu thuật và sẽ sống sót.
Một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ súng đang được tiến hành. - VOA
***
Một chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế và xã hội đã khiến Hoa Kỳ không thực hiện được những lý tưởng của mình, trong đó có quyền tự do hội họp và lập hội.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Maina Kiai hôm thứ Năm tường trình về chuyến thăm 17 ngày của ông quanh nước Mỹ, với các chặng dừng chân ở các thành phố lớn như Baltimore, Washington, New York và Philadelphia.
Ông Kiai nói: “Người dân có lý do chính đáng để tức giận và bất mãn tại thời điểm này.”
Ông nói mặc dù nhiệm vụ đi tìm hiểu sự thật của ông không dự trù bao gồm những vấn đề về chủng tộc, nhưng chuyến công tác quanh nước Mỹ của ông không thể nào hoàn thành mà không nhắc tới vấn đề phân biệt chủng tộc, bởi vì đây là vấn đề nổi lên trong các cuộc thảo luận.
Ông Kiai nói rằng hiểu biết về phân biệt chủng tộc có nghĩa là phải nhìn lại lịch sử 400 năm của Mỹ, trong đó có chế độ nô lệ và luật phân biệt chủng tộc đã gạt người Mỹ gốc Phi sang bên lề, khiến hàng triệu người phải chịu đựng “đau khổ, nghèo đói và hành hạ ngược đãi.”
Ông Kiai nhận xét rằng mặc dù chế độ nô lệ đã bị khai tử rất lâu rồi, và phân biệt chủng tộc là bất hợp pháp, phân biệt đối xử ở Mỹ ngày nay được che giấu trong những ngôn từ khác, chẳng hạn như “cuộc chiến chống ma túy” và chính sách phạt nặng sau lần phạm tội thứ ba, kể cả có những án phạt tù dài hạn đối với những tội nhẹ.
Ông nói các chính sách như vậy đã khiến cho nhiều người Mỹ gốc châu Phi rất khó xin được việc làm và tìm được nhà ở tử tế.
Ông Kiai nói “sự tức giận rõ rệt và có lý do của cộng đồng người da đen về những sự bất công đó” đã dẫn đến phong trào Black Lives Matter – nghĩa là Mạng sống Người da đen là quan trọng – nổi mạnh lên sau hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết các thanh niên da đen.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng lên án tình trạng của người lao động di cư tại Mỹ. Ông nói họ bị bóc lột và không dám hành động để cải thiện điều kiện làm việc vì sợ bị trả thù.
Nhưng ông Kiai nói Hoa Kỳ là quốc gia có truyền thống “tranh đấu và quật cường” và xã hội dân sự tại Mỹ là một trong những lực mạnh nhất của nước này.
Chính phủ của Tổng thống Obama chưa đưa ra bình luận nào về phúc trình của ông Kiai. Phúc trình này sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm tới. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Vụ Formosa: 'Truy trách nhiệm cá nhân, xử cả những người không còn đương chức' [LMN: Sau vụ Hậu Giang, BT Vũ Huy Hoàng, Núi Pháo, đây là tín hiệu ông Trọng muốn truy ông Ba Dũng với 70 năm cho thuê đất]
(PLO)- Sáng nay 29-7, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng cuối năm của Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến báo cáo của Chính phủ về tình hình Formosa.
Phải công khai minh bạch được đền bù hay được hỗ trợ
ĐBQH Trần Công Thuật (Quảng Bình) phát biểu, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng lớn đến người dân, đến an ninh trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân.
“Nhân dân và cử tri Quảng Bình cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần; hoan nghênh Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và thủ phạm của sự cố môi trường biển”.
Tuy nhiên, ĐB Trần Công Thuật cũng gửi đến QH nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Quảng Bình.
Một là, ảnh hưởng đối với môi trường biển của tỉnh Quảng Bình là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của địa phương cả về kinh tế, xã hội, an ninh xã hội và giảm lòng tin của nhân dân. Ít nhất trong bốn tháng qua, kinh tế Quảng Bình điêu đứng. Người dân Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ và lên án hành động hủy hoại môi trường biển của Formosa.
Hai là, nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị: Sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ với người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan. Hiện nay một số chính sách này chưa đến được với địa phương và người dân; nhanh chóng giải quyết khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.
Quảng Bình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương và Chính phủ vì những tác động của sự cố đối với tỉnh là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài.
Phải công khai minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì là được hưởng từ hỗ trợ Nhà nước, Chính phủ; cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua.
“Bà con cử tri cũng rất quan tâm đến việc quản lý Nhà nước đối với việc xử lý trách nhiệm đã để xảy ra sự cố môi trường biển… Trong lúc dư luận và người dân cho là sự cố nghiêm trọng và rất lo lắng, thì một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan chức năng lại phát biểu, trả lời thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục, khiến cho tình trạng phức tạp hơn, làm cho người dân lo lắng và bức xúc hơn” - ĐB Trần Công Thuật nhấn mạnh.
Đề nghị hỗ trợ thỏa đáng và công bằng
Đại biểu QH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đồng quan điểm. Ông phát biểu:
Sáu tháng qua, với sự cố môi trường chưa từng có, là ĐBQH của một trong bốn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề chúng tôi rất đồng cảm với bất bình, bức xúc với cử tri cả nước.
Sự việc này đã được phản ánh qua báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQVN, báo cáo của CP. Sự cố đã ảnh hưởng trực tiếp lên đến hàng trăm ngàn người và thiệt hại về hải sản cũng lên đến hàng ngàn tấn, đặc biệt là hệ sinh thái, những rạn san hô bị ảnh hưởng vô cùng lớn. Việc khắc phục phải mất nhiều năm, hiện nay đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ khó tiêu thụ. Trong khi các tàu cá gần như nằm tê liệt hoàn toàn, các hộ thu mua và các hộ kinh doanh thủy hải sản cũng như các hoạt động hậu cần nghề cá không làm gì được. Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải mưu sinh nghề khác kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà hoạt động của các các nhà hàng, khách sạn, các công ty lữ hành cũng hoàn toàn bị ngưng trệ. Lượng khách du lịch đến Quảng trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để không xảy ra tình trạng tương tự. Đồng thời có biện pháp khắc phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt. Ngoài trách nhiệm của Formosa thì ngân sách nhà nước cũng cần phải dành cho công việc này thỏa đáng và kịp thời.
“Tôi nhất trí với ý kiến đóng góp của đại biểu Quảng Bình. Chính phủ đang giải quyết hậu quả, QH cũng không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đề nghị việc quan trọng QH cần làm là không chỉ tìm ra câu trả lời minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa mà còn phải nhanh chóng rà soát các văn bản pháp luật và có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân kể cả những người không còn đương chức" - đại biểu Hà Sỹ Đồng kết. - phapluat