Saturday, July 30, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 30/7

Tin Thế Giới

1.
Mỹ đưa máy bay chiến lược B-1 tới Guam trong lúc Biển Đông căng thẳng

Không quân Hoa Kỳ, ngày 28/07/2016, ra thông báo cho biết sẽ tiến hành triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ Guam, Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2000 hải lý. Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Guam.

Thông cáo của Không quân Hoa Kỳ cho biết : Các phi đội B-1 có nhiều kinh nghiệm tác chiến trong khu vực Thái Bình Dương, giúp nâng cao đáng kể khả năng tấn công nhanh, rộng, trấn an các đồng minh của Mỹ và tăng cường an ninh, ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Việc điều máy bay ném bom chiến lược B-1 cùng với khoảng 300 phi công và nhân viên kỹ thuật đến Guam là nhằm thay thế cho loại oanh tạc cơ B-52 và trong khuôn khổ kế hoạch của bộ Quốc Phòng Mỹ muốn chuyển khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tới vùng Thái Bình Dương, từ nay đến 2020.

Theo nhận định của báo Japan Times, kế hoạch triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông và Washington đã điều nhiều tàu chiến đi sát vào những thực thể địa lý mà Bắc Kinh kiểm soát, nhân danh quyền "tự do lưu thông hàng hải".

Hồi tháng Ba vừa qua, báo chí đưa tin là Washington đang tiến hành đàm phán với Canberra về việc điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 đến Úc.

Với tầm hoạt động 9400 km, việc triển khai B-1 tại Guam và Úc sẽ cho phép loại oanh tạc cơ này hoạt động dễ dàng trong khu vực Biển Đông.

Theo giới chuyên gia quân sự, oanh tạc cơ chiến lược B-1, tuy đã hoạt động từ 30 năm qua, nhưng có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn và và khả năng bay thấp, sẽ tạo ra nhiều lợi thế để đối phó với chiến lược "ngăn chặn và chống tiếp cận" của Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc cũng thông báo điều động oanh tạc cơ H6-K, có khả năng mang bom nguyên tử, đến hoạt động ở vùng Biển Đông.

Mỹ triển khai 2 máy bay do thám ở Singapore

Báo Straits Times, ngày hôm qua, 29/07/2016, cho biết, hai máy bay do thám hiện đại của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Singapore và hai máy bay này sẽ tiếp tục hiện diện ở quốc đảo cho đến giữua tháng Tám.

Hai máy bay do thám P-8A Poseidon, sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore để tham gia vào cuộc tập trận chung giữa hai nước, từ 15/07 đến 12/08.

Theo giới chuyên gia quân sự, máy bay P-8A Poseidon ngoài nhiệm vụ tuần duyên, còn tiến hành các hoạt động do thám, hỗ trợ nhiều Singapore bởi vì khả năng tuần duyên của không quân nước này còn yếu kém.

Các thông tin mà máy bay do thám P-8 thu thập được không chỉ chia sẻ cho Singapore mà cả với các nước láng giềng trong khu vực. - RFI
|
|

2.
Cam Bốt phàn nàn bị cáo buộc oan về Biển Đông

Chính quyền Phnom Penh đã bị một số nước trong khối ASEAN trách nhầm là có thái độ không thẳng thắn và đã cản trở việc đưa ra một thông cáo chung của khu vực về phán quyết Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn trước giới báo chí ngày 29/07/2016.

Theo tường thuật của tờ Cambodia Daily, phát biểu trong buổi họp báo, ngoại trưởng Sokhonn cho hay, một số truyền thông và nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã trách lầm Cam Bốt là cản trở việc đưa phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) về Biển Đông vào trong bản thông cáo chung của khối ASEAN.

Ông nói: “Tôi không muốn nói về những chuyện nội bộ của ASEAN, nhưng Cam Bốt đã chịu đựng quá nhiều bất công. Họ cáo buộc chúng tôi đã gây những cản trở bởi vì họ có những lợi ích riêng, nhưng Cam Bốt cũng cần bảo vệ những lợi ích riêng của mình”.

Theo ngoại trưởng Cam Bốt, "tình hình Biển Đông xuống cấp, nhất là sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đưa ra vào ngày 12/7 và đã làm cho một số bên nghĩ rằng họ đã giành được thắng lợi và số khác thì bác bỏ quyết định trên”.

Đối với ông Sokhonn, việc đưa phán quyết này vào trong thông cáo chung của ASEAN chỉ dẫn đến đối đầu với Trung Quốc một cách vô ích. Trung Quốc đương nhiên sẽ bác bỏ. “Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Tình hình có thể sẽ còn xuống cấp hơn và làm gia tăng nguy hiểm cho khu vực”.

Khi bị chất vấn về khoản hỗ trợ tài chính hơn 600 triệu đô la từ Trung Quốc, ngay sau khi có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, ngoại trưởng Cam Bốt đã khẳng định rằng điều này không làm thay đổi lập trường của Phnom Penh về Biển Đông là độc lập và trung lập.

Ông nói: “Cam Bốt không hưởng được lợi lộc gì khi ủng hộ bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ muốn giữ thái độ trung lập”.

Theo trích dẫn của tờ Cambodia Daily, một số tờ báo trong khu vực đã chỉ trích vai trò trách nhiệm của Cam Bốt về việc ASEAN không thể đưa phán quyết vào trong thông cáo chung.

Hãng Kyodo trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Cam Bốt ẩn danh cho biết một số thành viên khác trong khối ASEAN đã cảm ơn Cam Bốt đã “làm cho Trung Quốc cảm thấy hài lòng” với ASEAN.

Bất chấp khẳng định của ngoại trưởng Cam Bốt, một số chuyên gia trong khu vực tỏ ra nghi ngờ về vai trò trung lập của Phnom Penh. Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, đại học Chulalongkorn, tại Bangkok nhận định về vai trò trung lập “tương đối” vì Cam Bốt khó có thể trung lập với Trung Quốc và ASEAN cùng một lúc.

Vị chuyên gia này còn cho rằng việc gạt phán quyết của Tòa về Biển Đông ra khỏi thông cáo chung rất có thể tác động lên mối quan hệ giữa Cam Bốt với các thành viên khác trong ASEAN. - RFI
|
|

3.
Liên quân ồ ạt không kích cứ địa Nhà Nước Hồi giáo bên ngoài Aleppo, Syria --- Afghanistan: Taliban chiếm quận Khanashin ở tỉnh Helmand

Liên quân do Mỹ lãnh đạo đang chiến đấu chống các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria đang tập trung tấn công thành phố Manbij gần Aleppo, theo lời các giới chức hôm qua, tuy nhiên tin tức từ tuyến đầu cho hay các phần tử chủ chiến vẫn tiếp tục chiếm đóng trung tâm thành phố.

Bộ Tư lệnh miền Trung của Hoa Kỳ cho hay các cuộc không kích mới nhất tại Aleppo, tỉnh phía Bắc Syria bao gồm thành phố Manbij, đã tiêu diệt 19 đơn vị chiến thuật của Nhà Nước Hồi giáo và 17 trong các vị trí chiến đấu của các phần tử cực đoan.

Các cuộc không kích còn phá huỷ một súng máy hạng nặng và hai chiếc xe do các chiến binh Nhà Nước Hồi giáo sử dụng.

Ban tiếng Kurd của VOA tường thuật rằng các cuộc giao tranh tại trung tâm thành phố Manbij vẫn tiếp diễn trong lúc xảy ra các cuộc không kích. Một lực lượng dân quân chống IS đang giao chiến với các phần tử chủ chiến trong thành phố, để giành từng con đường, giữa lúc các lực lượng liên minh siết chặt vòng vây quanh cứ địa chính của IS ngay tại trung tâm thành phố.

Một chiến binh nói với VOA rằng anh ta đã trông thấy xác của nhiều phần tử chủ chiến bị giết trong các cuộc chạm trán hôm qua, vốn khởi sự từ buổi chiều và kéo dài tới khuya.

Trong một diễn biến riêng rẽ, quân đội Mỹ đang xét lại một cáo buộc thứ ba, về các tổn thất nhân mạng nơi thường dân trong một cuộc không kích do liên quân thực hiện gần Manbij.

Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Peter Cook nói với báo chí hôm qua rằng tiến trình thẩm định các cáo buộc đó đang ở trong “giai đoạn sơ khởi.”

Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói khoảng 25 thường dân đã bị giết trong một vụ không kích nhầm hôm thứ Năm vừa rồi, tiếp theo sau hai sự cố tương tự hiện đang trong vòng điều tra.

Ông Cook nói chính những báo cáo từ trong quân đội đã dẫn tới cuộc điều tra. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để giảm tới mức tối thiểu những nguy cơ đối với thường dân vô tội, duy trì tính minh bạch trong vụ này, đồng thời buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. ”

Hôm qua, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria kêu gọi Nga để cho Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về các hành lang nhân đạo trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này.

Phát biểu hôm thứ Sáu ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ông Staffan de Mistura bày tỏ sự ủng hộ "về nguyên tắc" đối với những hành lang nhân đạo "trong hoàn cảnh thích hợp," ông nói Aleppo đang ở một thời điểm hệ trọng khi lương thực đang cạn kiệt nhanh chóng, tác động tới 300.000 người bị mắc kẹt trong thành phố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm thông báo kế hoạch của Nga cho "những hoạt động nhân đạo quy mô lớn" bên ngoài Aleppo để "giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí."

Ông De Mistura nói ông đang chờ nhà chức trách Nga xác định rõ kế hoạch này sẽ được tiến hành ra sao, trong khi nhắc lại lập trường của LHQ, là không thường dân nào nên bị bắt buộc phải rời khỏi Aleppo. - VOA

***
Các giới chức và các nguồn tin Taliban ở Afghanistan xác nhận rằng phe nổi dậy Hồi giáo đã chiếm thêm một quận khác nữa ở tỉnh Helmand, tỉnh giáp ranh với Pakistan.

Quân Taliban đã thực hiện một cuộc đột kích vào Khanashin qua đêm và giao tranh vẫn đang tiếp diễn tại một số khu vực trong quận này, theo người phát ngôn của chính quyền tỉnh nói với báo chí Afghanistan hôm nay.

Tuy nhiên, một người phát ngôn của Taliban tuyên bố nhóm này đã chiếm được toàn thể quận Khanashin sau khi “đã quét sạch quân thù”.

Trong một bản tuyên bố gửi cho Đài VOA, ông này nói rằng phe nổi dậy đã gây những thương vong nặng nề cho các lực lượng an ninh Afghanistan trước khi các lực lượng này rút khỏi Khanashin.

Hiện tin này của Taliban chưa được kiểm chúng độc lập.

Khanashin nằm sát biên giới rất lỏng lẻo với Pakistan và, nếu tin được kiểm chứng, thì đây là lần thứ 3 quận này rơi vào tay quân Taliban trong vòng 1 năm qua.

Nói chuyện với Đài VOA với điều kiện danh tính đươc giữ kín, các giới chức an ninh Afghanistan tố cáo rằng các phần tử nổi dậy Taliban vũ trang tận răng được phía Pakistan chứa chấp cũng tham gia cuộc đột kích vào đêm thứ Năm.

Họ xác nhận rằng viên chỉ huy an ninh khu vực nằm trong số những người bị thương trong cuộc giao tranh. Cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề, nhưng hiện chưa có chi tiết về số thương vong này.

Helmand là tỉnh lớn nhất của Afghanistan và khét tiếng là một khu vực sản xuất thuốc phiện. Tỉnh này liên tục bị quân Taliban tấn công, khiến Hoa Kỳ phải triển khai binh sĩ tới khu vực đầy bất ổn này để hỗ trợ và cố vấn các lực lượng Afghanistan. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Toà án Mỹ bác luật bầu cử hạn chế --- Mỹ điều tra vụ chiến dịch của bà Clinton bị tin tặc tấn công

Các toà án tại 3 tiểu bang nước Mỹ, North Carolina, Wisconsin và Kansas hôm thứ Sáu đã ra phán quyết lật ngược luật bầu cử hạn chế.

Các phán quyết được đưa ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11, một cuộc đua gay gắt giữa tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hoà và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, thuộc Đảng Dân chủ.

Các phán quyết tại 3 bang vừa kể có phần chắc sẽ cho phép nhiều thành viên của các nhóm thiểu số hơn được đi đầu phiếu vào tháng 11 sắp tới.

Các luật bầu cử hạn chế về phần lớn được áp dụng sau khi bầu lên Tổng Thống Obama, một thành viên Đảng Dân chủ và là vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ các biện pháp hạn chế bầu cử nói các luật này sẽ ngăn chận các vụ gian lận, tuy nhiên nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng gian lận bầu cử ở Mỹ chỉ ở mức tối thiểu, không đáng kể. - VOA

***
Giới thẩm quyền liên bang Mỹ đang điều tra khả năng tin tặc đã thâm nhập hệ thống máy tính của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, như một phần trong một vụ tấn công mạng rộng lớn hơn nhắm vào Đảng Dân chủ Mỹ.

Các giới chức thi hành công lực nói với truyền thông Mỹ rằng cả Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI lẫn Bộ Tư pháp đang tham gia cuộc điều tra.

Hai cơ quan này, không cơ quan nào xác nhận tin về vụ điều tra. Cơ quan FBI trả lời VOA bằng văn bản nói rằng “FBI có biết về các bản tin của báo chí về các vụ thâm nhập mạng có sự tham gia của nhiều thực thể chính trị, và đang làm việc để xác định tính chính xác của các bản tin, cũng như tính chất và quy mô của các vụ việc này.”

Các giới chức của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton phản ứng tối hôm thứ Sáu, nói rằng một trong các cơ sở dữ liệu của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) được biết là đã bị tin tặc tấn công. Một người phát ngôn của bà Clinton, ông Nick Merrill, cho biết các chuyên gia không tìm thấy chứng cớ cho thấy các hệ thống nội bộ của chiến dịch tranh cử đã bị tấn công.

Các giới chức Đảng Dân chủ đã chỉ ra sự dính líu của Nga vào cả hai vụ thâm nhập máy tính, tăng cao những cáo buộc chưa được kiểm chứng rằng Moscow đang tìm cách ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.

Bà Hillary Clinton nói bà coi vụ tấn công tin tặc này là một vấn đề an ninh quốc gia.

Ông Trump đã tìm cách xa lánh mối liên kết với Nga trong vụ tấn công mạng tại các văn phòng Đảng Dân chủ, và lập luận cho rằng Moscow hậu thuẫn chiến dịch vận động tranh cử của ông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tin tặc Trung Quốc phủ nhận tấn công web Vietnam Airlines

Nhóm tin tặc 1937CN bị nghi tấn công các sân bay lớn của Việt Nam hôm 29/7 đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đã tấn công trang mạng của Vietnam Airlines.

Trên trang web của nhóm xuất hiện một bài viết mang tên “Tuyên bố của nhóm về sự cố tại sân bay Việt Nam”, trong đó đại diện của nhóm nhấn mạnh “Trung Quốc luôn bị đổ lỗi cho những vụ tin tặc tấn công tại các nước khác, đó là điều vô lý và phản khoa học”. Bên cạnh đó, nhóm này vẫn một mực khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Nhóm tin tặc 1937Cn có một bảng thành tích không lấy gì làm tốt đẹp khi đã từng gây ra rất nhiều vụ tấn công mạng vào các nước có tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2013, nhóm này tấn công vào hai trang mạng thegioididong.com va facebook.com.vn của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin khả tín của báo Người Lao Động cho biết, Hãng hàng không Việt Nam –Vietnam airlines đã nhận thấy những dấu hiệu của vụ tấn công trước đó 2 ngày nên đã chủ động có phương án dự phòng nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu.

Cục Hàng Không Việt Nam cho hay, Cục An ninh mạng (thuộc bộ Công An) đã vào cuộc. - VOA
|
|

6.
Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

100 nhân viên công an chìm, nổi

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng nay đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

Theo người dân trong sáng nay có khoảng 100 nhân viên công an chìm, nổi, xe cứu thương, xe chữa cháy… đã lập hàng rào phong tỏa đường đi ra khỏi làng của ngư dân nơi đây. Việc cảnh sát đánh đập một ngư dân, khi người này xin phép lực lượng chức năng đi rời khỏi nhà để đi bốc thuốc chữa bệnh khiến vụ xô xát nổ ra.

Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân cho biết việc ông bị lực lượng công an đánh đập sáng nay ngày 30, tháng 7:

“Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi. 

Tôi mới nói, các chú ơi, cho bác đi chút công việc vì người tôi có bệnh, sau đó bước đi thì bị một cảnh sát đạp vào ngực nên tôi đã ngã xuống đường, cảnh sát cơ động cứ lấy chân giẫm lên người tôi. Tôi mới kêu lên, bà con ơi, dân làng ơi cứu tôi, lúc đó có khoảng 4 – 5 người cảnh sát kéo tôi đi khoảng 100 m. Lúc đó có mấy người công an trong xã bảo, ông này bệnh này đấy, rồi họ buông tôi ra để tôi thở. Tôi nằm nghỉ được khoảng 5 phút thì bị công an tỉnh, cơ động, công an áo vàng lại xô tôi lên xe và đóng cửa lại. Xe chạy được khoảng 1 km thì bị dân đổ ra đường chặn xe yêu cầu thả người, nếu không ông Nồng sẽ chết, đến lúc này có một anh công an mới mở cửa xe thả tôi ra. Bác sĩ trạm xá của xã đến khám và nói rằng tôi bị chấn thương trên lồng ngực vì bị đạp mạnh.”

Một ngư dân có mặt tại cuộc đụng độ sáng nay cho biết, có hơn 400 hộ ngư dân tại đây đang phản đối giá cả đền bù chưa hợp lý từ dự án xây dựng nhà máy xi măng và cảng Vissa tại xã Nghi Thiết, cho nên người dân mới xuống đường. Ông xác nhận về việc đụng độ sáng nay:

“Sáng nay một số bà con đã bị công đánh bầm tím, hiện đang được khâu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Người nặng nhất hiện nay đang nằm tại nhà của công ty Xi măng Vissai tại xã Nghi Thiết, gia đình đang yêu cầu mời ông chủ tịch xã Nghi Thiết đến đây để lập biên bản đưa ông ấy đi bệnh viện để điều trị, nhưng ông chủ tịch không đến.”

Chính quyền không trả lời

Phái viên Xuân Nguyên của Đài RFA liên lạc công an xã Nghi Thiết, đơn vị trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng trong sáng nay để tìm hiểu vụ việc này và bị từ chối trả lời:

Xuân Nguyên: Alo, xin chào anh, cho tôi hỏi đây là công an xã Nghi Thiết phải không?

Nhân viên công quyền: “Ờ, anh muốn làm gì.”

Xuân Nguyên: Thưa anh, sáng nay có vụ xảy ra vụ việc đụng độ giữa người dân và lực lượng chức năng ở đây, xin anh cho biết về vụ việc?

Nhân viên công quyền: “Tôi không có thẩm quyền trả lời.”

Một ngư dân khác ở đây kể về diễn tiến của việc tranh chấp bến bãi do giá cả đền bù không thỏa đáng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương với hơn 400 hộ dân:

“Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.

Sau cuộc họp thứ 2, họ đưa về khai trương cảng biển Vissai, không có sự đồng tình của dân ở đây, dân giải quyết chế độ đền bù, họ trả cho dân chưa thỏa đáng.

Cuộc họp thứ 3 họ đưa ra ý kiến là sẽ hộ trợ mỗi một thuyền loại 1 là 48 triệu, thuyền loại 2 thì 24 triệu, thuyền loại 3 thì 6 triệu. Nhưng dân không đồng tình, dân bảo tầm này chưa đủ ăn 1 tháng cho dân, hết tiền rồi thì dân đi đâu, làm gì, chuyển đổi công việc cho dân như thế nào, rồi cho dân đi chỗ khác ở, họ cũng không nghe.

Cuộc họp thứ tư họ quyết định đổ đất để làm. Đổ đất là mất bến bãi đậu thuyền nên dân không cho đổ đất nhưng tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cho công an cơ động về ngăn đường không cho dân ra.”

Nhưng người tham gia trong buổi đụng độ sáng nay với lực lượng chức năng đều cho biết nguyên nhân của sự vụ là do giá cả đền bù chưa thỏa đáng và rất bức xúc trước hành xử của chính quyền địa phương khi đưa công an, cảnh sát đến ngăn chặn, đánh đập người dân. Dân chúng địa phương khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho họ. - RFA
|
|

7.
Tàu cá Đài Loan tới Ba Bình Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Đài Bắc

Hãng thông tấn Đài Loan CNA, ngày hôm qua, 29/07/2016, đưa tin, bốn tàu cá Đài Loan sẽ tới đảo Thái Bình (tên quốc tế là Itu Aba, mà Việt Nam gọi là Ba Bình) ở Trường Sa vào Chủ Nhật, 31/07.

Chuyến đi này nhằm khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với đảo Ba Bình, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, trong phán quyết công bố ngày 12/07, coi Ba Bình chỉ là một bãi đá, có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Đài Loan chiếm giữ Ba Bình từ năm 1946.

Bốn tàu cá Đài Loan xuất phát từ cảng Bình Đông, ngày 20/07. Một chiếc sẽ tới Ba Bình vào Chủ Nhật, 31/07, ba tàu còn lại tới đây vào thứ Hai, 01/08. Cả bốn tàu không được phép neo đậu tại Ba Bình vì chuyên chở một nhóm phóng viên truyền hình Hồng Kông Phoenix TV.

Sau khi được tiếp nước, lương thực, cả bốn tàu sẽ rời Ba Bình vào chiều thứ Ba 02/08. - RFI

No comments:

Post a Comment