Tin Thế Giới
1.
ASEAN tránh nêu phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực --- Biển Đông: Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN --- TQ khẳng định ý muốn quan hệ tốt với Mỹ
Biển Đông được đề cập đến trong bản tuyên bố chung kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Vientiane, Lào ngày 24/07/2016. Các bên tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc và im lặng về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bất lợi cho Bắc Kinh về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Cuộc họp bộ trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á kết thúc ngày 24/07/2016 nhưng bản tuyên bố chung chỉ được công bố vào trưa nay 25/07/2016. Giới quan sát coi đây là một dấu hiệu cho thấy ASEAN đã chật vật mới tìm được đồng thuận trên hồ sơ nhạy cảm này.
Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN gồm 31 trang, Biển Đông được đề cập đến ở trang 29. Giới phân tích đưa ra những nhận định như sau : Thứ nhất là ASEAN tránh đề cập đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với hơn 80 % diện tích Biển Đông.
Thứ hai là ASEAN chỉ lập lại quan điểm cố hữu về tranh chấp trong vùng biển này, như là « rất quan ngại » trước những « đòi hỏi chủ quyền và các hoạt động ngày càng gia tăng » trong khu vực đang có tranh chấp. Do vậy, để bảo đảm an ninh trong vùng, ASEAN kêu gọi các bên « kềm chế ».
Nhận định thứ ba được các nhà quan sát nêu liên quan đến vai trò của Cam Bốt : là một đồng minh trung thành với Bắc Kinh, Phnôm Pênh đã nỗ lực ngăn cản ASEAN đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, tránh để các đối tác Đông Nam Á khác đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tới nay ASEAN vẫn đưa ra mọi quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận và toàn khối đã vấp phải sự chống đối từ phía Cam Bốt. Tháng trước, chính thủ tướng Hun Sen đã chỉ trích ASEAN phản đối bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc và Phnom Penh chủ trương các tranh chấp cần được giải quyết « giữa các bên liên quan », tránh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Một nhà ngoại giao của ASEAN tại Vientiane không ngần ngại coi hội nghị cấp ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á lần này đã « tránh được một thất bại ê chề » thứ nhì, sau Hội nghị ASEAN năm 2012 tổ chức tại Phnom Penh. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các bên đã không ra được một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị vì bị chia rẽ trên vấn đề Biển Đông.
Về phía Bắc Kinh, trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc song phương với đồng nhiệm Cam Bốt, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chính thức có lời cảm ơn « những nỗ lực » của Cam Bốt nhằm « bảo đảm công lý trên hồ sơ Biển Đông ». Đồng thời Trung Quốc nhắc lại sẽ không bao giờ « cho phép một lực lượng từ bên ngoài gây xáo trộn trong khu vực bằng cách quảng bá cho cái gọi Tòa án Trọng tài ». - RFI
***
Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN tại hội nghị Vientiane đã không đưa ra lập trường cứng rắn về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Khối Đông Nam Á trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị tỏ ra hài lòng trước một số tiến bộ trong quan hệ giữa ASEAN với đối tác thương mại quan trọng nhất của khối là Trung Quốc. ASEAN tránh nêu phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, bất lợi cho Bắc Kinh.
Bình luận về tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông sau cuộc họp cấp ngoại trưởng vừa kết thúc tại Vientiane, Lào hôm 24/07/2016 các nhà quan sát coi đây là một thất bại của ASEAN trước ông khổng lồ Trung Quốc trên hồ sơ nhậy cảm này.
Đành rằng Biển Đông đã được nhắc đến trong bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị, và các bên kêu gọi « kềm chế », tránh « quân sự hóa » khu vực làm phương hại đến quyền « tự do lưu thông hàng hải » nhưng, Cam Bốt đã tránh được búa rìu cho Bắc Kinh, khi đã ráo riết vận động để ASEAN không nhắc đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài La Haye.
Về phần Manila, theo như đánh giá của một nhà ngoại giao được hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận, Philippines đã chấp nhận lập trường chung được đưa ra tại Vientiane, tránh để rạn nứt trong nội bộ ASEAN. Trả lời hãng tin Bloomberg ngày 25/07/2016 một chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Ian Storey, Viện nghiên cứu ISEAS của Singapore không ngạc nhiên về thái độ rụt rè của ASEAN.
Sau khi Tòa trọng tài bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông, và bản đồ đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines, Manila mong đợi Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại Vientiane- Lào, bày tỏ lập trường ủng hộ những nỗ lực ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Một số thành viên khác, như là Việt Nam cũng đã coi cuộc họp vừa qua là « một bài toán trắc nghiệm » về sự đoàn kết của của ASEAN. Về phần mình, bộ Ngoại Giao Indonesia trong thông cáo trên mạng, quan niệm thể hiện đoàn kết chặt chẽ trong nội bộ ASEAN là điều hết sức cần thiết để thực hiện những mục tiêu chung của cả khối, và đây sẽ là đòn bẩy cho khu vực.
Cũng Bloomberg nhắc lại, mới chỉ tháng 6/2016 tuyên bố chung có nội dung cứng rắn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông được Malaysia đưa ra trong khuôn khổ hội nghị ngoại trưởng ASEAN- Trung Quốc tổ chức tại Vân Nam đã bị thu hồi vì có sức ép của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman đã vắng mặt tại cuộc họp ở Vientiane lần nay vì lý do cá nhân.
Cam Bốt và kể cả nước chủ nhà là Lào, trong quá khứ từng bị chỉ trích đã gây trở ngại cho việc đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung kết thúc hội nghị ASEAN. Đặc biệt là Phnôm Pênh luôn mạnh mẽ ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương. Không phải tình cờ mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đích thân cảm ơn Cam Bốt « có thái độ đúng đắn, trung thực » để bảo đảm ổn định trong khu vực.
Mọi chỉ trích lập tức nhắm và chính quyền Phnôm Pênh. Tờ báo Nhật The Diplomat trích dẫn lời hai nhà ngoại giao đang có mặt tại thủ đô Lào cho rằng, Cam Bốt đã bắt bí ASEAN, để cả khối phải nhượng bộ Trung Quốc.
Về phần mình, một chuyên gia uy tín Tang Siew Mun thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore ISEAS mạnh mẽ chỉ trích thái độ của Cam Bốt khi cho rằng chẳng việc vận động đề ngăn cản đưa tranh chấp Biển Đông vào bản tuyên bố chung làm rạn nứt đoàn kết của ASEAN. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ Phnôm Pênh không nhìn thấy tầm mức nghiêm trọng của vấn đề và cũng không có ý thức về mặt chiến lược của quyết định này.
Thái độ thuần phục Trung Quốc của Cam Bốt đe dọa đến tương lai của Hiệp hội ASEAN và qua đó là cả một mảng quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Trung Quốc, từ các vế kinh tế đến thương mại, chiến lược.
Theo chuyên gia họ Tang, Cam Bốt cần hiểu rằng, Phnôm Pênh là một thành viên của ASEAN và phải xác định vị trí của mình là đứng ở bên trong hay bên ngoài Hiệp hội này. Nếu đã là thành viên thì Cam Bốt phải tỏ thái độ liên đới với các nước còn lại của ASEAN, tránh gây thêm đổ vỡ trong cùng một gia đình. Điều nguy hiểm thứ hai, là Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng đó không chỉ dừng lại ở Cam Bốt.
Cuối cùng, theo các nhà phân tích bài học từ sau thất bại lần này tại Vientiane, có lẽ là đã đến lúc ASEAN cần nhanh chóng thay đổi luật chơi trong nội bộ, tránh để một quốc gia có thể dùng quyền phủ quyết, bắt chẹt cả khối Đông Nam Á phải nghe theo. Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia nào trong số 10 thành viên ASEAN có đủ nghị lực để áp đặt những quy tắc mới? - RFI
***
Theo AFP, trong buổi tiếp cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Susan Rice, hôm nay 25/07/2016, tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết mong muốn xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi với Mỹ và không nên để các vấn đề nhạy cảm làm tổn hại đến quan hệ quân sự giữa hai nước.
Quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến đi của tổng thống Mỹ Barack Obama tới dự thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang có những dấu hiệu gia tăng căng thẳng bởi các sự kiện liên quan đến Biển Đông. Tòa án Trọng tài Thường trực vừa ra phán quyết phủ nhận hầu hết các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những tháng gần đây, Washington, nhân danh quyền tự do hàng hải, đã đưa tàu chiến đến gần các khu vực bãi đá có tranh chấp mà Trung Quốc chiếm giữ và cho cải tạo thành đảo . Hành động này đã khiến Bắc Kinh rất tức tối.
Hôm nay trong cuộc tiếp bà Susan Rice, chủ tịch Tập cận Bình khẳng định Trung Quốc « cam kết chắc chắn » muốn xây dựng quan hệ tốt với Hoa Kỳ trên cơ sở « không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi ». Đáp lại bà cố vấn An Ninh Quốc Gia khẳng định Hoa Kỳ nhìn nhận các mối quan hệ với Trung Quốc là « quan trọng nhất trong thế giới ngày nay » và đó là mối quan hệ ngày càng phụ thuộc vào nhau.
Trong một cuộc gặp trước đó với bà Rice, tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã cảnh báo quan hệ quân sự giữa hai cường quốc có thể bị tổn hại vì những vấn đề nhạy cảm không được xử lý đúng đắn. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc tịch thu tài sản của Tướng Quách Bá Hùng
Một tòa án binh của Trung Quốc đã kết án tù chung thân đối với ông Quách Bá Hùng, một cựu quan chức cấp cao của quân đội nước này vì tội tham nhũng.
Tân Hoa Xã hôm nay, 25/7, đưa tin, ông Quách đã bị tước bỏ quân hàm, và bị nhà nước tịch thu tất cả tài sản.
Hiện có ít thông tin chi tiết về vụ việc, nhưng truyền thông Trung Quốc dẫn lời cơ quan công tố cho biết có bằng chứng cho thấy ông Quách và gia đình đã lợi dụng chức vụ của ông để nhận hối lộ.
Tờ South China Morning Post của Hong Kong còn dẫn lời các nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng ông Quách đã nhận các khoản hối lộ lên tới hơn 12 triệu đôla.
Ông Hùng được coi là quan chức quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc bị đưa xét xử trong nhiều thập kỷ.
Ông Hùng, 74 tuổi, từng giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
Trước đây, ông còn là một trong 25 thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan đưa ra chính sách quan trọng nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Trung Quốc “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Ngay từ năm ngoái, sau khi con trai ông bị truy tố về tội tham nhũng, dư luận đã đồn đoán rằng ông Quách sẽ bị truy tố. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Đại hội Đảng Dân chủ khai mạc giữa những tranh cãi về việc tiết lộ các email của đảng
Ngày hôm nay đại hội đảng Dân chủ đã khai mạc dự trù sẽ xác nhận cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng nhưng đại hội cũng đang sôi sục về những tranh cãi đối với những email được tiết lộ cho thấy các nhà lãnh đạo đảng đã tìm cách làm cho con đường được đảng đề cử của bà dễ dàng hơn bằng cách chế diễu đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders.
Bà Debbie Wasserman Schultz, chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Ðảng Dân chủ, ngày hôm qua bị buộc rời khỏi chức vụ sau khi Wikileaks tiết lộ gần 20.000 email. Ngày hôm nay bà bị các người ủng hộ ông Sanders chế nhạo khi bà nói chuyện với một nhóm đại biểu thuộc tiểu bang Florida nơi bà là một dân biểu, nhưng bà không đề cập đến vấn đề email.
Bà Wasserman Schultz cho biết bà vui lòng chấp nhận đề nghị của bà Clinton là người đại diện trong cuộc vận động tranh cử, sau khi rời khỏi chức vụ chủ tịch đại hội đảng vào lúc kết thúc 4 ngày đại hội. Bà dự trù sẽ gõ búa trong phiên họp khai mạc đại hội, nhưng sau đó bà không được làm như dự trù.
Ông Sanders, một nhà xã hội dân chủ đã vận động tranh cử kịch liệt chống lại bà Clinton trước khi bà được đề cử, nói ông phẫn nộ về vụ tiết lộ email kỳ thị ông, nhưng ông nói việc này chứng minh cho những tuyên bố của ông là các giới chức trong đảng thiên về bà Clinton trong nỗ lực của bà để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Ông Sanders gặp gỡ các người ủng hộ tại đại hội đảng được tổ chức tại thành phố Philadelphia thuộc miền đông Hoa Kỳ, nhưng bị la ó khi ông kêu gọi bầu cho bà Clinton thay vì bầu cho đối thủ của bà là ông trùm bất động sản Donald Trump.
Ông Sanders nói “Ông Trump là một kẻ hay bắt nạt và là một người mị dân. Chúng ta phải đánh bại Donald Trump.”
Ông Sanders sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng về bà Clinton vào ngày hôm nay. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và một đảng viên dân chủ cấp tiến và được nhiều người ưa chuộng, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Massachusetts Elizabeth Warren cũng sẽ lên tiếng ủng hộ bà Clinton.
Ngày hôm nay FBI cho biết đang điều tra về việc “xâm nhập trên mạng” tại trụ sở đảng Dân chủ đưa đến kết quả là những tiết lộ của Wikileaks.
Các giới chức Dân chủ nói “tin tặc của nhà nước Nga” đã xâm nhập vào các máy vi tính chính thức của họ và lấy cắp các tài liệu. Một số chuyên gia về máy vi tính Mỹ nói chuyện này có thể xảy ra nhưng ông Trump đã chế diễu nhận định này.
Trong một Twitter, ông Trump viết “Chuyện khôi hài mới là Nga đã tiết lộ email gây tai họa của Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ. Việc này lẽ ra không nên được viết ra, chỉ vì Tổng thống Nga Vladimir Putin thích tôi.”
Hai cuộc thăm dò mới ngày hôm nay cho thấy ông Trump, có một thời hướng dẫn chương trình truyền hình thực tế, đang mưu tìm một chức vụ được dân bầu đầu tiên, dẫn trước bà Clinton vài ngày sau đại hội của đảng Cộng hòa.
Các diễn giả tại đại hội đảng Cộng hòa bêu riếu những thành tích của bà Clinton trong 4 ngày đại hội và các đại biểu liên tục la lên “nhốt bà lại” ám chỉ cách thức bà xử lý những tài liệu bí mật trong một máy chủ lưu trữ các email tư khi bà là Ngoại trưởng Mỹ trong thời gian từ 2009 đến 2013. FBI mới đây kết luận là bà đã “hết sức không thận trọng” trong việc xử lý các tài liệu an ninh quốc gia, nhưng đã không truy tố hình sự.
Thông thường các ứng cử viên tổng thống được công chúng ủng hộ thêm sau những đại hội đề cử và ông Trump đã tăng thêm 10 điểm trong một cuộc thăm dò của CNN/ORC.
Các cuộc thăm dò của các hãng tin cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton 48% - 45% so với cuộc thăm dò trước đây cho thấy bà Clinton dẫn trước 49% so với 42% của ông Trump.
Một cuộc thăm dò của CBS cho thấy ông Trump được 44% so với 43% của bà Clinton.
Hơn 5.000 đại biểu trong số 50.000 người dự trù sẽ đến đại hội Philadelphia, trong đó có những người ủng hộ ông Sanders tiếp tục biểu tình phản đối việc bà Clinton được đề cử. - VOA
|
|
4.
Nổ súng ở Florida, 2 người chết, nhiều người bị thương
Ít nhất một người bị bắt giữ sau khi xảy ra vụ nổ súng tại một hộp đêm ở Florida, tiểu bang nằm ở đông nam Hoa Kỳ, làm hai người chết.
Các quan chức cho biết thêm rằng ít nhất 14 người bị thương, nhiều nạn nhân bị nặng, trong vụ việc xảy ra sớm hôm nay, 25/7, bên ngoài Club Blu ở Fort Myers thuộc vùng duyên hải dọc theo Vịnh Mexico.
Cảnh sát ra thông cáo cho biết đang tập trung “tìm kiếm các nghi can khác có thể dính líu tới vụ tấn công”.
Florida là tiểu bang nơi tháng trước xảy ra một vụ xả súng hàng loạt tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, làm 49 người chết.
Vụ việc đã khiến kiểm soát súng ống trở thành một vấn đề hàng đầu trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Một cuộc thăm dò công luận cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ muốn thắt chặt hơn luật về súng ống, nhưng bày tỏ bi quan rằng các nhà lập pháp sẽ không hành động ngay để mang lại các thay đổi.
Một cuộc thăm dò của hãng tin AP và GfK thực hiện cho thấy người Hoa Kỳ không cảm thấy an toàn, và tỏ ra lo ngại rằng bản thân họ hoặc người thân sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực súng ống. - VOA
|
|
5.
Hãng di động Verizon mua lại Yahoo
Hãng internet Yahoo được một hãng khổng lồ cũng của Mỹ là Verizon Communications mua lại với giá gần 5 tỷ đôla bằng tiền mặt.
Yahoo sẽ được kết hợp với AOL, một ngôi sao internet vang bóng một thời mà Verizon mua lại hồi năm ngoái.
Thỏa thuận mới không bao gồm cổ phần đáng giá của Yahoo tại hãng Alibaba của Trung Quốc.
Giá cả của thương vụ mới thấp hơn nhiều so với mức 44 tỷ đôla mà Microsoft chào mời Yahoo hồi 2008, và càng thấp nếu so với giá trị của hãng thời bùng nổ các công ty công nghệ thông tin, được cho là ở mức 125 tỷ đôla.
Verizon nói thỏa thuận nhằm mua dịch vụ internet chủ chốt của Yahoo, với hơn một tỷ người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng, sẽ đưa hãng trở thành một công ty truyền thông di động toàn cầu.
Marissa Mayer, giám đốc điều hành của Yahoo, nói: "Yahoo là một công ty đã làm thay đổi thế giới, và sẽ tiếp tục làm vậy thông qua việc kết hợp với Verizon và AOL."
Trong một email gửi nhân viên, bà Mayer nói bà "có kế hoạch ở lại", và nói thêm: "Tôi yêu Yahoo, và tôi tin tưởng vào tất cả các bạn. Với tôi, điều quan trọng là được chứng kiến Yahoo bước vào một chương mới."
Thương hiệu
Giám đốc điều hành của AOL, Tim Armstrong, nói thỏa thuận là nhằm "mở ra tối đa tiềm năng của Yahoo", và tạo nên một công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông di động.
Sau khi kết hợp, các hãng sẽ có hơn 25 thương hiệu, trong đó có Yahoo Mail, Flickr và Tumblr, cùng các trang tin Huffington Post và Techcrunch của AOL.
Thỏa thuận được trông đợi là sẽ hoàn tất vào đầu 2017.
Bà Mayer, người bắt đầu lãnh đạo Yahoo từ 2012, đã không đạt mấy thành quả trong việc đem lại lợi nhuận cho công ty.
Hồi tuần trước, hãng báo cáo thua lỗ 440 triệu đôla trong quý hai, nhưng nói hội đồng quản trị đã có "tiến bộ to lớn trong việc đưa ra các thay đổi chiến lược". - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Chủ tịch nước VN tuyên thệ nhậm chức lần 2, hứa ‘bảo vệ lãnh thổ’
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vừa tuyên thệ nhậm chức lần 2 vào chiều hôm nay (25/7) với kết quả bỏ phiếu tán thành trên 98% (485/494) số phiếu đại biểu Quốc hội với đa số là đảng viên đảng Cộng sản.
Ông Trần Đại Quang đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước lần thứ nhất vào tháng 4 vừa qua, trong một diễn biến mà nhiều người cho là bất ngờ, không theo lịch trình nhằm thay thế “bộ tứ” của chính quyền Việt Nam trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam hồi tháng 5.
Phát biểu trong lễ nhậm chức lần 2 được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hứa sẽ “nỗ lực làm hết sức mình” phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân và bảo vệ lãnh thổ.
Ông nói: “Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước”.
Ông Trần Đại Quang tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân và đã trải qua nhiều chức vụ về an ninh. Trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh… Ông Quang được thăng hàm từ trung tướng lên thượng tướng sau khi nhận chức Bộ trưởng Công an. Sau đó 1 năm, ông Quang được thăng hàm đại tướng. - VOA
|
|
7.
Liệu tân QH VN có khả năng đi tới cùng vụ Formosa?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa” trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội khóa 14 của Việt Nam, trong khi người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp phép đầu tư cho dự án Formosa lại vừa được phê chuẩn vào Ban Kinh tế Quốc hội.
Việc chính thức phê chuẩn người đang bị dư luận và báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi chính quyền Việt Nam thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay đã gây nhiều băn khoăn trong công chúng, kể cả giới chuyên gia và các nhà hoạt động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương, nói với VOA rằng dự án Formosa mà ông Võ Kim Cự đã cấp phép có “quá nhiều vấn đề” nhưng ông này lại “có chủ ý” tránh né báo chí và phủ nhận trách nhiệm.
Ông nói: “Ông Võ Kim Cự đã phủ nhận trách nhiệm của mình, nói là việc ông làm, ông quyết định, kể cả quyết định vượt khung luật 70 năm là đúng quy trình. Về mặt hình thức, có thể ông Võ Kim Cự tự biện minh cho mình như vậy. Song về thực chất, hiện nay dự án thép Formosa đang đề ra rất nhiều vấn đề”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề của dự án Formosa không chỉ dừng lại ở khía cạnh môi trường, việc đánh giá nhu cầu và công nghệ của Formosa cũng là điều đáng phải quan tâm.
Ông cho biết: “Công nghệ thép trên thế giới thay đổi khá nhanh. Thép của Formosa có cạnh tranh được với lượng thép khổng lồ của Trung Quốc với tổng công suất lên tới 1.200 triệu tấn/năm, đó là một vấn đề rất đáng tranh cãi. Bởi vì khi cho phép Formosa đầu tư vào Việt Nam mà không tính tới việc Formosa sẽ tiêu thụ ở đâu và cạnh tranh như thế nào với thép Trung Quốc, vả lại dự án đó kéo dài đến 70 năm, trong 70 năm đó, tiến bộ khoa học công nghệ liệu có cho phép Formosa tiếp tục cạnh tranh nếu như không thay đổi công nghệ hay không?”
Dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, do chủ đầu tư là tập đoàn nhựa Formosa của Đài Loan đầu tư từ năm 2008 với tổng đầu tư gần 10 tỷ đôla. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương trên tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm đất liền và mặt nước, với thời hạn cho thuê đất là 70 năm, đã khiến cho nhiều cư dân khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, chuyển đổi công việc. Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả “hệ thống chính trị” để dọn chỗ cho dự án Formosa, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn nhất quyết “bám đất”, bất chấp việc liên tục bị quấy nhiễu và con cái bị thất học.
Dự án Formosa gần đây bị người dân cực lực phản đối sau khi gây ra thảm họa cá chết khiến hầu hết người dân khu vực vốn sống dựa vào biển rơi vào tình cảnh mất nguồn sinh kế. Người dân khu vực và ở các tỉnh lớn đã liên tục biểu tình, đòi chính quyền phải dừng dự án Formosa tại Việt Nam.
Một video clip đăng tải trên Facebook cho thấy một linh mục ở đây đã cùng với người dân đề đạt ý kiến, nguyện vọng của họ:
“Chúng ta nói lên nguyện vọng của chúng ta là phải đóng cửa Formosa. Giờ đây, chúng ta cùng đồng thanh gửi đến chính quyền, các cấp lãnh đạo của Việt Nam này nguyện vọng tha thiết của chúng ta: Formosa – Cút! Formosa – Cút! Formosa – Cút!”
Người chịu trách nhiệm việc cấp phép đầu tư cho Formosa ở Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, sau nhiều ngày từ chối trả lời phỏng vấn báo chí, gần đây đã xuất hiện và nói rằng việc ông cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là “đúng luật”. Còn việc để xảy ra sự cố xả thải gây ô nhiễm biển, khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là từ phía Formosa. Ông này cũng nói với báo giới Viện Nam rằng “nếu không có sự cố, Formosa tạo ra nguồn thu lớn”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính thái độ dửng dưng, vô cảm, vô trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đối với những thiệt hại về kinh tế, đời sống xã hội của những người đồng hương, cũng là những nạn nhân của dự án mà ông đã cấp phép, cũng là một vấn đề cần quan tâm về tư cách của giới chức này, đặc biệt khi ông này tiếp tục giữ chức và còn kiêm thêm những nhiệm vụ mới như thành viên của Ban Kinh tế Quốc hội:
“Điều đó chứng tỏ sự đánh giá của giới lãnh đạo với dư luận, áp lực quần chúng, là khá xa. Kết quả là những ý kiến hoặc sự điều hành của ông Võ Kim Cự ở liên minh hợp tác xã mà ông ấy lại được bầu lại làm chủ tịch chắc chắn sẽ gặp những thách thức đáng kể, và tôi rất lấy làm tiếc là lãnh đạo chưa có quyết định kịp thời về trường hợp này”.
Cũng trong kỳ họp quốc hội đầu tiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ “nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm” và “giám sát chặt chẽ” vụ Formosa, một trong những vấn đề lớn “gây bức xúc” mà QH “chọn giám sát”, theo Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc.
Tuy nhiên, cam kết của vị nữ chủ tịch QH không làm tăng lòng tin của công chúng đối với khả năng “truy tới cùng” của cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã đấu tranh và theo dõi sát vụ việc Formosa, cho VOA biết nguyên nhân anh “mất lòng tin” vào QH Việt Nam:
“Thứ nhất, bản chất của QH Việt Nam chỉ là một cơ quan thể chế hóa những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như Bộ Chính trị. Do đó nếu nói rằng QH có thể làm được việc gì thì khả năng đó rất thấp. Nguyên nhân thứ hai là gần đây khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất ý kiến là QH trong thẩm quyền của mình lập một ủy ban kiểm tra độc lập đối với vụ việc Formosa và truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là chủ tịch QH là chưa đến lúc đặt vấn đề thành lập ủy ban độc lập. Lý do thứ ba khiến tôi không tin vào khả năng của QH Việt Nam có thể làm tới cùng vụ việc này đó là việc ông Võ Kim Cự được bầu vào ban kinh tế của QH. Rõ ràng nếu QH thực tâm muốn giải quyết vụ này tới cùng, thì với những người có khả năng phải chịu trách nhiệm như ông Võ Kim Cự là phải tạm dừng các chức vụ của ông và tiến hành điều tra, thì nay lại được bầu vào những vị trí trước đó đã ấn định”.
Phát biểu trước báo giới sáng nay, ông Võ Kim Cự cho biết ông “chưa nghe ai nói đình chỉ tôi hay Formosa”. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chính thức cho biết chưa có chủ trương thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc của Formosa theo yêu cầu của đại biểu quốc hội. - VOA
|
|
8.
Một doanh nhân lớn gia nhập nhóm gần trăm ngàn người Việt di cư hàng năm
Theo các trang tin điện tử lớn ở Việt Nam, cựu Tổng giám đốc tập đoàn FPT Trương Đình Anh mới đây đã “cùng cả nhà sang Mỹ định cư và làm việc lâu dài”. Tin tức trên VietNamNet, CafeF và Trí Thức Trẻ trong các ngày 24 và 25/7 không cho biết thêm ông Anh sẽ làm gì ở Mỹ. VOA chưa liên lạc được với ông Anh để phỏng vấn.
Trong ngày 23/7, cả gia đình ông Anh gồm hai vợ chồng và 4 con trai đã bay sang Mỹ.
Ông Trương Đình Anh là cháu của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn tư nhân FPT với nhiều thế mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông. Năm 2015, FPT là tập đoàn lớn thứ 3 ở Việt Nam.
Đầu năm 2011, ông Anh trở thành tổng giám đốc của FPT. Vào tháng 9/2012, ông đã xin từ nhiệm với lý do “những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT không thể giải quyết”.
Ông Anh nổi danh ở Việt Nam từ năm 1997 khi trở thành người nổi bật nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu của năm, đồng thời còn do ông đã tuyên bố: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Ông đã sớm trở thành tỷ phú tiền Việt nhưng giấc mơ làm thủ tướng chưa thành hiện thực. Năm nay ông Anh 46 tuổi.
Việc ông Anh đưa gia đình định cư ở Mỹ diễn ra chỉ ít ngày sau khi báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư.
Hầu hết những người này đi đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ, với hơn 1,3 triệu người.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng việc nhiều doanh nhân và người giàu Việt Nam rời đất nước đi làm ăn, sinh sống ở nước khác cho thấy có những vấn đề môi trường sống và kinh doanh. Mặt khác, theo ông, điều đó đồng thời cũng dẫn đến những mất mát đối với Việt Nam. Ông nói:
“Đang có cái nguy cơ là không chỉ có tiền vốn mà ngay cả các nhân tài kinh doanh của Việt Nam cũng đi ra ngoài lập nghiệp. Và từ đó, họ sẽ đổ tiền vốn vào đấy, họ tạo công ăn việc làm cho cái nước ấy, họ nộp thuế vào ngân sách cho những nước ấy, và ít đóng góp hơn cho Việt Nam”.
Nhiều nhà quan sát và báo chí Việt Nam nhìn vào sự ra đi của những người được coi là ưu tú của Việt Nam với nhiều lo ngại. Song Tiến sỹ Doanh cho rằng điều đó cũng có mặt tích cực:
“Theo tôi, đấy là một cái sức ép lành mạnh nhưng rất là mạnh mẽ đối với chính phủ Việt Nam phải cải cách cái hệ thống quản trị của Việt Nam, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giảm các cái chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh ở Việt Nam, bao gồm cả chi phí chính thức và lẫn các chi phí không chính thức hiện nay lên rất cao”.
Trong ấn bản "Sách dữ liệu về di cư và kiều hồi 2016" ở các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Ngoài Mỹ, trong 26 năm qua, người Việt đi định cư nhiều ở Pháp - 125,7 nghìn người, Đức - gần 113 nghìn người, Canada - 182,8 nghìn người, Australia - 227,3 nghìn người, và Nam Triều Tiên - 114 nghìn người. - VOA
No comments:
Post a Comment