Wednesday, July 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 13/7

Tin Thế Giới

1.
Sau phán quyết của Toà Trọng tài: Philippines, Trung Quốc sẽ đàm phán? --- 'Trung Quốc có quyền tuyên bố vùng ADIZ'

Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang dự tính mở các cuộc đàm phán chính thức, một động thái chính trị được nhiều người ủng hộ bởi vì nó sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, sau khi Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm qua bác bỏ căn cứ pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị châm biếm phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đòi chủ quyền tới 95% diện tích Biển Đông, một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông phong phú hải sản và tài nguyên như dầu và khí đốt, và cũng là một tuyến hàng hải quan trọng cho thương thuyền qua lại.

Mặc dù vậy, ông Vương cũng đánh tiếng rằng ông muốn có đối thoại. Khuya hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Trung Quốc nói:

“Bây giờ trò hề đã qua, giờ là lúc chúng ta nên quay lại con đường ngay. Phía Trung Quốc nhận thấy rằng tân chính phủ Philippines hồi gần đây đã đưa ra một loạt tuyên bố, kể cả những phát biểu cho thấy họ sẵn sàng tái tục thương thuyết và đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.” 

Bắc Kinh từ lâu vẫn nói họ muốn mở các cuộc đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh chấp biển đảo, thay vì sử dụng các cơ quan đa quốc.

Tại Manila hôm thứ Ba 12/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay miêu tả phán quyết của Toà Trọng tài LHQ là “một quyết định có tính bước ngoặt”, nói rằng phán quyết này đã “đóng góp quan trọng” hướng tới việc giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo đang tiếp diễn, và ông hối thúc tất cả các bên “hãy tự chế và tỉnh táo.”

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nhậm chức vào ngày 30/6, từng nói rằng ông muốn thương thuyết tay đôi với Trung Quốc, bất chấp thái độ cứng rắn của ông trong một cuộc vận động tranh cử được đánh dấu bằng những lời lẽ thô tục và những hứa hẹn.

Đối thoại có thể giúp đẩy lùi mối đe doạ chiến tranh và giúp cho các vùng biển giữa hai nước trở nên an toàn hơn cho các hoạt động thương mại của cả hai nước, đặc biệt cho ngư dân Philippines. Giải pháp này cũng giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh của mình như một nước ỷ lớn hiếp bé trong cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài 4 thập niên nay, dưới con mắt của mọi người từ Châu Á cho tới Hoa Kỳ.

Vấn đề phức tạp

Trung Quốc đã gây phẫn nộ cho Philippines và 4 nước khác cũng tranh giành chủ quyền Biển Đông với các hoạt động quân sự hoá và các dự án lắp đất xây đảo của Bắc Kinh giữa vùng biển nơi có tới 500 đảo hay cấu trúc địa lý bé nhỏ trong Biển Đông, về phần lớn không có điều kiện để người có thể lập cư. 

Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần vùng biển dọc theo các bờ biển của các nước này. 

Chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino đã khởi tố Trung Quốc ra trước toà án Liên Hiệp Quốc cách đây 3 năm, sau khi Manila đối đầu với các tàu đánh cá Trung Quốc tại một bãi cạn trong vòng tranh chấp. Trung Quốc còn chiếm đóng hai bãi cạn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc viện dẫn các tài liệu lịch sử để biện minh cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Bắc Kinh đặt nghi vấn về tiến trình tìm sự thật của toà án Liên Hiệp Quốc, và nói rằng toà án này không có quyền tài phán trong vụ tranh chấp.

Mặt khác, phán quyết của Toà Trọng tài LHQ còn là một đòn nặng giáng xuống tuyên bố chủ quyền của Đài Loan, đặc biệt sau khi toà bác bỏ lập luận cho rằng các cấu trúc địa lý nổi khi thuỷ triều dâng tại quần đảo Trường Sa - kể cả đảo Itu Aba do Đài Loan kiểm soát, có quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý. 

Phát biểu từ một tàu chiến lớp La Fayette đang chuẩn bị lên đường thực hiện sứ mạng tuần tiễu Biển Đông hôm thứ Tư 13/7, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói:

“Itu Aba bị giáng cấp xuống thành một hòn đá phương hại nghiêm trọng tới vị thế pháp lý của chúng tôi trong việc hành xử quyền chủ quyền và các lợi ích hàng hải liên quan.”

Bà Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết đó.

Phán quyết được đưa ra sau 8 tháng thảo luận đã được người dân Philippines hoan nghênh nhiệt liệt, và được cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino ca tụng. Chính phủ của ông đã khởi sự hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế đặt tại La Haye, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm các quyền của Philippines được sử dụng các vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines.

Thế bất cân bằng ngoại giao

Tuy nhiên một số người Philippines bày tỏ lo sợ rằng Trung Quốc có thể thách thức phán quyết của toà và gây khó khăn hơn cho các tàu đánh cá Philippines trong các vùng biển đang tranh chấp. Những quan ngại ấy trao thêm quyền cho giải pháp mở đàm phán với Bắc Kinh.

Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng Hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói:

“Điều rõ rệt là chính phủ của ông Duterte sẽ tìm cách thương thuyết với người Trung Quốc để đạt một giải pháp hữu nghị nào đó.” 

Ông nói thêm rằng người Philippines đã giang tay đề nghị hoà bình, mục đích có lẽ là để Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để thảo luận về cuộc tranh chấp. 

Theo ông Batongbacal, công chúng Philippines rõ ràng trông đợi họ thắng kiện, và họ cũng trông đợi chính phủ của họ phải có một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc giờ đang lâm vào thế kẹt giữa việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong vụ tranh chấp Biển Đông hoặc, tìm một đường lối ngoại giao để thoát khỏi tình trạng bế tắc về vấn đề này với cộng đồng quốc tế.

Lập trường quá cứng rắn, chẳng hạn như tuyên bố một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ phương hại tới hình ảnh vốn đã xấu của Trung Quốc trên khắp Châu Á, khu vực trong đó Trung Quốc muốn trở thành một nước láng giềng tốt.

Trả lời câu hỏi của Đài VOA qua email, ông Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak, nói: “Có phần chắc Trung Quốc sẽ biểu dương lực lượng để khẳng định chủ quyền của họ, nhưng những biện pháp ấy chỉ làm cho hình ảnh rất xấu của Trung Quốc càng trở nên xấu xí hơn nữa.” - VOA

***
Bắc Kinh "có quyền" tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại Nam Hải (Biển Đông), một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói hôm thứ Tư.

Ông Lưu Chấn Dân nói rằng liệu Trung Quốc có lập một vùng như vậy hay không tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà Bắc Kinh nhận thấy.

"Đừng biến Nam Hải thành cái nôi của chiến tranh.

"Mục tiêu của Trung Quốc là biến Nam Hải thành biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác," ông nói với các phóng viên.

Tại cuộc họp báo sau phán quyết của tòa PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, ông Lưu nói thêm:

“Vấn đề cốt lõi của các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải nằm ở chỗ Philippines dùng vũ lực xâm chiếm một số đảo và bãi ngầm của Trung Quốc tại Nam Sa.

“Tuyên bố về chủ quyền của Philippines là vô căn cứ chiểu theo cả lịch sử lẫn luật quốc tế.

“Trung Quốc luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để giải quyết các tranh chấp với Philippines một cách hòa bình.” - BBC
|
|

2.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phát thanh Truyền hình Mỹ bị Nga cấm nhập cảnh

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phát thanh Truyền hình Mỹ (BBG) cũng là nhà Điều hành hãng truyền thông NBC Universal, ông Jeff Shell, bị Nga cấm nhập cảnh và giữ lại ở phi trường mấy tiếng đồng hồ khi ông đáp chuyến bay đến Moscow trong một chuyến công tác hồi đầu tuần này. 

Ông Shell, chủ tịch BBG, cơ quan quản lý Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Âu châu Tự do và các đài truyền thông khác của chính phủ Mỹ, bị mời ra khỏi hàng làm thụ tục nhập cảnh tại phi trường khi ông đến Moscow và bị giữ lại ở đó.

Một thông báo của BBG nói rằng ông Shell bị giữ trong phòng khóa cửa suốt mấy giờ đồng hồ. Sau đó ông bị các nhân viên an ninh Nga dẫn ra một chuyến bay khác trực chỉ Amsterdam, Hà Lan.

Theo thông báo này, ông Shell nói với các đồng nghiệp đi chung rằng an ninh phi trường nói lệnh cấm ông nhập cảnh là lệnh dài hạn của Nga và có “hiệu lực suốt đời.”

Thông báo nói ông Shell không được giải thích vì lý do gì ông không được phép nhập cảnh.

BBG cho biết thêm rằng các giới chức của họ đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ ở Moscow John Teff để thảo luận về vụ việc này. - VOA
|
|

3.
Bà Theresa May nhậm chức thủ tướng Anh

Sau biến động vì trưng cầu dân ý Brexit, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ của Đảng Bảo thủ lên thay ông David Cameron ở chức thủ tướng Anh.

Bà là nữ thủ tướng thứ nhì của Liên Hiệp Vương quốc Anh sau Margaret Thatcher và là thủ tướng thứ 54 của Anh.

Sau khi vào Điện Buckingham chiều 13/07/2016 nhận thư từ Nữ hoàng Elizabeth II ủy nhiệm bà lập tân nội các, bà May dự kiến sẽ công bố tên tuổi các bộ trưởng trong tân chính phủ vào buổi tối cùng ngày.

Thủ tướng sau Brexit

Dù là người ủng hộ Anh ở lại EU, bà Theresa May đã giữ thái độ khá yên lặng trong cuộc vận động của hai phe ủng hộ và chống lại tư cách thành viên EU của Anh.

Sau đó, bà chấp nhận ý nguyện của quá bán cử tri và trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Biến động tại chính trường Anh sau khi ông David Cameron tuyên bố từ chức vì thất bại, không vận động được đa số cử tri chống lại Brexit, nay có vẻ chấm dứt.

Bà Theresa May được cho là ứng viên tạo được sự tiếp nối và ổn định cho cả Đảng Bảo thủ và chính trường Anh.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osborne mà học trường công có tuyển chọn (grammar school).

Là con gái của một mục sư Anh giáo, có ông làm hạ sỹ quan Quân đội Anh, và cả hai bà nội và ngoại chỉ là người giúp việc nhà, bà May chỉ thuộc giới trung lưu.

Điều này khiến bà May khác một số nhân vật hàng đầu trong Đảng Bảo thủ cho tới gần đây như David Cameron, George Osborne và Boris Johnson vốn đều có gốc gác quý phái.

Tên khai sinh là Theresa Brasier, bà học Đại học Oxford và quen người chồng tương lai, ông Philip May qua giới thiệu củ̉a bạn học là Benazir Bhuto, người sau làm thủ tướng Pakistan. - BBC
|
|

4.
Nhật hoàng 'định thoái vị'

Nhật hoàng Akihito đã thông báo cho Cục Hoàng gia biết ý định thoái vị của ngài để truyền ngôi cho Hoàng thái tử, theo đài Nhật NHK.

Vị hoàng đế 82 tuổi, gặp nhiều bệnh tật những năm gần đây, được cho là không muốn tại vị nếu phải giảm bớt công việc.

Nhật hoàng đã tại vị 27 năm, và việc thoái vị là chưa từng xảy ra trong lịch sử Nhật Bản hiện đại.

Hoàng thái tử Naruhito, 56 tuổi, là người kế vị theo quy tắc.

Nhật hoàng Akihito kế vị cha, Hirohito, năm 1989.

Ngài được kính trọng vì đã tách hoàng gia ra khỏi quá khứ dân tộc chủ nghĩa thời Thế chiến Hai.

Năm 2011, ngài có động thái hiếm xảy ra khi có phát biểu trên truyền hình sau thảm họa động đất ở Fukushima. - BBC
|
|

5.
Venezuela huy động quân đội giải quyết khủng hoảng kinh tế

Ngày 12/07/2016 tổng thống Nicolas Maduro thông báo đặt 5 hải cảng chính của Venezuela, các sân bay, nhà ga dưới quyền kiểm soát của quân đội. Mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn, dẫn tới tham nhũng và đe dọa ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Sau khi tham khảo ý kiến bộ trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino, phát biểu trên đài truyền hình và truyền thanh Nhà nước, tổng thống Maduro chính thức thông báo huy động quân đội tuần tra tại 5 cảng chính của Venezuela gồm : Guanta, La Guaira, Puerto Cabello, Maracaibo và Guamache. Ngoài ra, các sân bay, nhà ga cũng được đặt dưới sự điều hành của quân đội.

Giải thích quyết định này, tổng thống Maduro cho rằng, đây là phương tiện hiệu quả, tái lập trật tự, ngăn chặn các hành vi tham nhũng tràn lan. Mặt khác, chính quyền Venezuela cũng xem đây là một giải pháp để kiểm soát các nguồn cung cấp lương thực, năng lượng, hay các mặt hàng cơ bản để bảo đảm đời sống cho người dân.

Quyết định này được đưa ra trong khuôn khổ Caracas đã ban hành tình trạng khẩn cấp kinh tế tại một quốc gia từ tháng Giêng và đã được tăng cường thêm hồi giữa tháng 5/2016 . Caracas trao cho quân đội một số quyền đặc biệt để đối phó với tình hình.

Theo các tổ chức tư nhân, 80 % các mặt hàng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hàng ngày không còn được lưu hành trên thị trường. Đời sống của người dân Venezuela vô cùng khó khăn. Đối lập Venezuela chiếm đa số tại Hạ Viện đòi tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế tổng thống Nicolas Maduro. - RFI
|
|

6.
Đối thoại Nga-NATO tại Bruxelles

Hôm nay, 13/07/2016, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO và Nga tiến hành đối thoại tại Bruxelles. Cuộc họp này diễn ra 3 ngày sau khi NATO họp thượng đỉnh tại Vacxava, Ba Lan, quyết định tăng cường lực lượng ở sườn phía đông nước Nga. Đây là một trong những chủ đề mà Nga muốn thảo luận với NATO.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne gửi về bài tường trình :

"Cuộc họp ngày hôm nay giữa NATO và Nga đã được quyết định trước khi diễn ra thượng đỉnh NATO tại Vacxava. Nga mong muốn thảo luận về an ninh không phận vùng biển Baltic. Nga và NATO tố cáo nhau xâm phạm không phận vùng này khi các máy bay của hai bên đều tắt bộ phát đáp tín hiệu. Đó là thiết bị điện tử cho phép các radar nhận diện các máy bay và tránh va chạm.

Trong chuyến thăm Phần Lan gần đây, tổng thống Nga đã tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt các chuyến bay quân sự không bật bộ phát đáp trên không phận vùng Baltic.

Nga cũng muốn đề cập tới hồ sơ lá chắn tên lửa mà Hoa Kỳ triển khai tại Đông Âu. Matxcơva coi đây là một mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược của châu Âu.

Cuộc họp ngày hôm nay cũng là dịp để NATO thông báo cho Nga các quyết định mà khối này đã thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh tại Vacxava.

Hai bên đều đồng ý là sẽ thảo luận về hồ sơ khủng hoảng Ukraina và việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Ngoài ra, Nga và NATO cũng có thể nối lại quan hệ hợp tác song phương về an ninh tại Afghanistan".
|
|

7.
Seoul chính thức chọn địa điểm đặt THAAD

Seongju cách thủ đô Seoul khoảng 200 cây số về hướng đông nam. Từ địa điểm này, hệ thống phòng thủ THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) của Mỹ có khả năng bảo vệ đến 2/3 lãnh thổ Hàn Quốc trong trường hợp Bắc Triều Tiên phóng tên lửa nhắm vào Hàn Quốc.

Ngày 13/07/2016 Hàn Quốc chính thức thông báo đã đồng ý với Hoa Kỳ về địa điểm đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD. Tuần trước bộ Quốc Phòng Mỹ - Hàn đã ra thông cáo chung về đồng thuận triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp chống đối mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc.

Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Han Min Koo, dự án thiết lập hệ thống phòng thủ nói trên sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017. Đây là công cụ bảo đảm an ninh cho 2 phần 3 lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có nhiều cơ sở công nghiệp then chốt, nhiều nhà máy điện nguyên tử, cơ sở dự trữ dầu hỏa mang tính chiến lược đối với an ninh quốc gia.

Seoul và Washington đã bắt đầu thảo luận dự án triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) từ đầu năm 2016, sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa. Seoul coi hệ thống THAAD là một yếu tố quyết định trong hệ thống phòng thủ và an ninh quốc gia. Tuy nhiên dự án lá chắn chống tên lửa không thuyết phục được một phần công luận Hàn Quốc, đặc biệt là đối với dân cư Seoungju.

Vào lúc Seoul thông báo chọn đặt hệ thống phòng thủ THAAD tại Seongju, hàng ngàn người xuống đường phản đối quyết định của chính quyền trung ương. Lý do 45.000 dân cư tại đây lo sợ dự án sẽ đem lại những tác động tiêu cực đối với kinh tế và môi trường của thành phố này, ảnh hưởng đến đời sống của 60 % dân cư sống bằng nghề nông. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Ông Sanders tuyên bố ủng hộ bà Clinton ra tranh cử tổng thống

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont, người đã quyết liệt nhưng sau đó thất bại trong cuộc vận động để được Ðảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống, cạnh tranh với bà Hillary Clinton, hôm 11/7 đã tuyên bố ủng hộ bà Clinton trong vai trò ứng cử viên tổng thống trong cuộc chạy đua với đối thủ Donald Trump thuộc Ðảng Cộng hòa để giành chức tổng thống Mỹ.

Ông Sanders mô tả bà Clinton là “ứng cử viên có khả năng nhất, vượt xa các đối thủ”. Ông cho biết ông trù tính sẽ “làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm bà Clinton sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.”

Ông Sanders, 74 tuổi, đã vận động chống lại sức mạnh tài chánh của các nhà tài phiệt phố Wall, và tình trạng cách biệt về thu nhập đang ngày càng tăng tại Hoa Kỳ. Ông dẫn chứng một danh sách dài các chính sách xã hội nghiêng về hướng cấp tiến của ông, mà bà Clinton tuyên bố ủng hộ sau nhiều tháng vận động tranh cử kình chống nhau.

Ông Sanders giành chiến thắng tại 22 trong tổng số 50 bang trong các cuộc bầu cử sơ bộ tranh với bà Clinton, nhưng bà Clinton rốt cuộc thành công trong cuộc vận động để được Đảng Dân chủ đề cử qua một loạt thắng lợi tại các tiểu bang lớn nhất nước Mỹ với đa số đại biểu sẽ dự đại hội toàn quốc của đảng này khai mạc vào ngày 25 tháng này.

Nói với đám đông hò reo ủng hộ, ông Sanders nói: “Bà Hillary Clinton biết rằng có một điều gì đó không ổn khi người giàu sụ trở nên giàu hơn trong khi nhiều người khác phải làm việc nhiều giờ hơn với mức lương thấp hơn.”

Ngay cả trước khi ông Sanders cùng tham gia cuộc mít tinh với bà Clinton ở tiểu bang New Hampshire, tỉ phủ địa ốc Trump đã lên tiếng nói rằng “tôi khá ngạc nhiên khi ông Sanders không thành thực với chính mình và với những người ủng hộ.” Ông Trump viết trên Twitter rằng “Những người ủng hộ ông Sanders không hài lòng khi ông phản bội họ như vậy!”

Ông Sanders nói: “Bà Clinton sẽ là một tổng thống xuất sắc và tôi tự hào được đứng bên bà ở đây hôm nay.”

Đã mấy tuần trôi qua kể từ khi có dấu hiệu rõ hơn cho thấy bà Clinton sẽ giành được sự đề cử của Ðảng Dân chủ, nhưng ông Sanders, trong khi khẳng định hai bên cùng chia chung mục tiêu đánh bại đối thủ Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 sắp tới, trước đây không hoàn toàn ủng hộ quyết định đề cử bà Clinton, giữa lúc ông tìm cách tạo ảnh hưởng đối với các chính sách của đảng.

Bà Clinton, đang trên đường tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, đồng ý ủng hộ đề nghị tăng mức lương tối thiểu từ 7,25 đôla một giờ lên hơn gấp đôi là 15 đôla một giờ cho những người lao động có thu nhập thấp, và hướng tới miễn học phí đại học cho sinh viên. 

Cuộc mít tinh ở bang New Hampshire diễn ra một tuần sau khi bà Clinton đón tiếp một nhân vật quan trọng khác trong cuộc vận động của bà – đó là Tổng thống Barack Obama xuất hiện chung với bà tại bang North Carolina.

Bà Clinton chưa chính thức được đề cử cho tới đại hội toàn quốc của Ðảng Dân chủ sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Điều còn chưa rõ là mức độ ông Sanders dự định sẽ xuất hiện trong cuộc vận động tranh cử cho bà Clinton. 

Ông Sanders trước đây thắng bà Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhờ sự ủng hộ của giới cử tri trẻ, một bộ phận cử tri mà bà Clinton hy vọng sẽ giành được trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 để lên kế vị ông Obama, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng Giêng năm tới.

Ông Trump theo dự kiến sẽ được Đảng Cộng Hoà đề cử tại đại hội Ðảng Cộng hòa sẽ diễn ra ở thành phố Cleveland, bang Ohio.

Cả ông Trump lẫn bà Clinton vẫn đang nghiên cứu danh sách những người có triển vọng được chọn ra đứng chung liên danh. Ông Trump theo trông đợi sẽ công bố ứng cử viên Phó Tổng thống của ông trong tuần này, và sau đó vài ngày sẽ đến phiên bà Clinton. - VOA
|
|

9.
Tổng thống Mỹ tìm cách hàn gắn chia rẽ giữa cảnh sát và cộng đồng

Một ngày sau khi nhấn mạnh rằng nước Mỹ không bị chia rẽ như một số người nói, Tổng thống Barack Obama quy tụ những quan chức thực thi công lực, các nhà lãnh đạo dân quyền, các nhà hoạt động và các lãnh tụ chính trị để thảo luận các phương sách khôi phục lòng tin trong các cộng đồng dân chúng, nơi đang có những căng thẳng giữa cảnh sát và người dân mà họ đã tuyên thệ phải bảo vệ.

Cuộc gặp hôm thứ tư tại Tòa Bạch Ốc diễn ra sau khi tổng thống phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm 5 cảnh sát bị bắn chết ở Dallas, nơi ông nói rằng bạo lực trong 1 tuần qua đã phơi bày “đường rạn nứt sâu nhất trong nền dân chủ của chúng ta.”

Thủ phạm vụ tấn công hồi tuần trước nhắm vào cảnh sát Dallas là một cựu chiến binh da đen giận dữ về việc cảnh sát sát hại 2 người da đen ở Louisiana và Minnesota. Vụ này gây sôi nổi thêm cho các cuộc bàn cãi trên toàn quốc về thành kiến chủng tộc trong giới thực thi công lực.

Trong một bài phát biểu đề cập đến các vấn đề từ sự tận tụy của các nhân viên thực thi công lực cho đến tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, ông Obama nói ông hiểu rằng mọi người ở Dallas và trên khắp nước Mỹ đang cảm thấy đau buồn.

Tổng thống Obama vinh danh 5 cảnh sát bị sát hại và kêu gọi đoàn kết và hy vọng.

“Tôi thấu hiểu người dân Mỹ đang cảm thấy thế nào, nhưng Dallas, tôi tới đây để nói rằng chúng ta phải chối bỏ nỗi tuyệt vọng đó,” ông Obama nói.

Tổng thống thúc giục toàn đất nước nói lên “một cách trung thực và cởi mở” về tình trạng hiện tại của mối quan hệ chủng tộc và nói “chúng ta biết rằng đại đa số cảnh sát xứng đáng “được chúng ta tôn trọng chứ không phải bị khinh bỉ.”

Mặc dù mối quan hệ chủng tộc đã được cải thiện đáng kể ở Mỹ trong những thập niên vừa qua, ông Obama nói “nước Mỹ, chúng ta biết rằng thành kiến vẫn còn tồn tại, chúng ta biết điều đó.”

5 chiếc ghế được để trống để tượng trưng cho mỗi một sỹ quan cảnh sát bị sát hại trong buổi lễ tưởng niệm đầy xúc động và có đông đảo người tham dự tại Trung tâm Morton Meyerson Symphony ở Dallas.

Thị trưởng Mike Rawlings tuyên bố: “Họ là những người mang lại hòa bình trong chiếc áo màu xanh; họ chết cho chính nghĩa đó.” Ông nói thêm, “Linh hồn thành phố của chúng ta đã bị đâm thủng khi những cảnh sát viên bị phục kích trong một cuộc tấn công hèn hạ. Ngày hôm nay phải là một ngày của sự đoàn kết.

Phó tổng thống Joe Biden cùng với người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W. Bush, cũng có mặt trong lễ tưởng niệm.

Ông Bush lên án “sự thù hận và dã tâm” đằng sau vụ tấn công và kêu gọi sự đoàn kết, hy vọng và sự bao dung sau biến cố này. Vị cựu tổng thống thúc giục người dân Mỹ phải “tôn trọng những hình ảnh của Thượng Đế mà chúng ta thấy trong mỗi con người.”

Trước lễ tưởng niệm, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Josh Earnest đã nói rằng tổng thống Obama tin là nước Mỹ phải vừa ủng hộ tuyệt đối những sỹ quan cảnh sát vừa thừa nhận “thực tế của những bất bình đẳng chủng tộc” tồn tại ở nước Mỹ.

Tòa Bạch Ốc nói tổng thống muốn an ủi người dân trên toàn đất nước sau những biến cố đầy xúc động xảy ra trong những ngày gần đây, kể cả những vụ nổ súng gây chết người ở Baton Rouge và St. Paul.

Trong khi tới Dallas, ông Obama đã gọi điện cho những gia đình của cả 2 người da đen bị cảnh sát bắn chết, là Alton Sterling và Philando Castile, để thay mặt cho toàn thể người dân Mỹ gửi lời chia buồn.

Phát ngôn viên Josh Earnest nói: “Đây là những mối quan tâm chính đáng từ cả 2 phía của những vấn đề này. Tổng thống muốn tìm cách thúc đẩy cuộc tranh luận tiến tới hành động cụ thể.”

Theo giáo sư Anderson Francois của Trường Luật thuộc đại học Georgetown ở Washington: “Cuộc đối thoại đó đang diễn ra trong bối cảnh nó thường được mô tả, mà theo tôi là không công bằng, là sự thù nghịch đối với nhân viên thi hành công lực. Nhưng tôi nghĩ cuộc đối thoại này là một cuộc đối thoại quan trọng và theo tôi, tổng thống là người ở vị thế tốt nhất để làm điều đó.”

Những vụ nổ súng làm chết người ở Louisiana và Minnesota được thu hình và châm ngòi cho những cuộc biểu tình trên khắp đất nước và những lời cáo buộc rằng cảnh sát viên da trắng đã nhắm mục tiêu vào các nhóm người thiểu số một cách bất công.

Tay bắn tỉa ở Dallas, Micah Johnson, đã giết chết 5 sỹ quan cảnh sát trong một cuộc biểu tình của nhóm Black Lives Matter (tạm dịch là Mạng Sống Người Da Đen là Quan Trọng) – một phong trào quần chúng tìm cách làm áp lực với các nhà lãnh đạo chính trị phải có biện pháp trước sự tàn bạo của cảnh sát và cải cách hệ thống tư pháp hình sự.

Tổng thống cực lực lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực trong các cuộc tuần hành nhưng ông cũng bày tỏ sự cảm thông đối với nguyên nhân của nó.

Giáo sư Francois nói ông nghĩ rằng “tổng thống đã rất rõ ràng trong một số lần về sự ủng hộ của ông đối với phong trào Black Lives Matter (của người da đen). Vâng có những lần tổng thống đã thách thức các phương thức của họ nhưng cuối cùng thì ông luôn luôn rõ ràng trong việc ông ủng hộ mục đích cuối cùng (của phong trào này).”

Các nhà điều tra đang xem xét tiểu sử của Johnson. Cựu chiến binh quân đội trừ bị này đã chết khi cảnh sát dùng một robot có trang bị chất nổ để giết ông ta.

Cảnh sát trưởng của sở cảnh sát Dallas David Brown nói: “Chúng tôi tin rằng nghi can này có những kế hoạch khác và ông ta cho rằng những gì ông ta làm là chính đáng và chúng tôi tin rằng ông ta đang nhắm vào nhân viên thi hành công lực và buộc chúng ta phải trả giá cho cái mà ông ta cho rằng những nỗ lực của giới thi hành công lực nhắm trừng trị người da màu.”

Các thiết bị chế tạo bom và một cuốn sổ ghi chép lan man được tìm thấy trong nhà của Johnson trong một vụ khám xét. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Biểu tình ngắn trước tòa lãnh sự TQ ở Tp.HCM sau phán quyết Biển Đông

Sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye ra phán quyết Philippines thắng trong vụ khiếu nại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, người dân Philippines đã đổ xuống đường trong ngày 12/7 để ăn mừng. Việt Nam cũng có nhiều tranh chấp với Trung Quốc và thắng lợi của Philippines được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, đã không có những cảnh đông người hân hoan chào đón phán quyết của tòa tại Việt Nam.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 10 bạn trẻ và một số nhà hoạt động vì tự do, dân chủ biểu thị sự vui mừng trong chớp nhoáng với các biểu ngữ làm tạm trước tòa lãnh sự Trung Quốc vào chiều tối 12/7.

Nhà hoạt động Hoàng Dũng mô tả lại với VOA về sự việc:

“Tổng cộng có 3 người ra mặt để biểu thị thế còn những người bạn chung quanh thì chụp hình và canh gác xem có chuyện gì xảy ra hay không. […] Tôi cũng kịp chuẩn bị một tờ giấy với nội dung là ‘Đường chín đoạn vô giá trị’. Tôi rất là vui mừng, thực sự rất là vui mừng khi nghe tin thắng lợi như vậy. Mặc dù là Philippines thắng lợi nhưng Việt Nam cũng coi như được thắng lợi bởi vì có tuyên bố đường chín đoạn là không có giá trị. Cái thông tin này chúng tôi chờ mong rất là nhiều năm nay rồi, nhưng bây giờ mới được nghe nên là lúc đấy rất là vui mừng”.

Cuộc biểu tình chớp nhoáng đã diễn ra suôn sẻ, các nhân viên công an bảo vệ tòa lãnh sự Trung Quốc đã không trấn áp nhóm của ông Hoàng Dũng. Ông nhận xét rằng phía công an đã hành xử đúng mực:

“Họ chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của người ta. Tức là họ chỉ canh giữ địa điểm đấy và ngăn cản trong cái mức độ vừa phải để cho mình không có những hành động vượt tầm kiểm soát”.

Ông Dũng đã đưa ra nhận định riêng về việc đã không nổ ra biểu tình rầm rộ ở Việt Nam giống như ở Philippines sau khi Trung Quốc nhận phần thua trong phán quyết quốc tế về tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo ông Dũng, trong số những nguyên nhân là việc các nhà hoạt động gần đây bị đàn áp mạnh tay và tính bất ngờ của phán quyết. Ông nói:

“Thứ nhất là tỷ lệ dân số quan tâm đến chính trị hàng ngày của Việt Nam cũng còn thua xa Philippines rất là nhiều. Thứ hai, những người có quan tâm đến lại bị trấn áp rất là dữ dội, và sau những cái hành động sử dụng bạo lực cái khoảng thời gian vừa qua, nhất là cái vụ mà đánh anh Lã Việt Dũng ở Hà Nội thì cũng làm giảm tinh thần của người ta. Và thêm một cái nữa, tôi cho rằng tại vì hôm qua những thông tin thắng lợi không nằm trong kỳ vọng của những người quan tâm đâm ra khi mà thắng lợi như thế thì người ta hơi bất ngờ và không kịp chuẩn bị gì cả. Tôi cho rằng một hai ngày nữa thì Việt Nam mới có nhiều người ăn mừng hơn nữa”.

Trong khi trên đường phố thiếu vắng những hành động công khai bày tỏ sự vui mừng, một số lượng đông đảo người Việt đã bày tỏ cảm xúc của họ trên mạng xã hội. Đặc biệt, các nghệ sỹ hoặc nhân vật nổi tiếng Việt Nam như ca sỹ Thu Minh, nghệ sỹ Thành Lộc, MC Phan Anh, người mẫu Trúc Diễm đã bày tỏ quan điểm trên các trang cá nhân của họ, đón chào phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng cả phán quyết lẫn chủ quyền Việt Nam. Những bài của họ đã được hàng triệu người thích và chia sẻ. - VOA

No comments:

Post a Comment