Tin Thế Giới
1.
Philippines sẵn sàng chia sẻ Biển Đông --- Phán quyết về Biển Đông đặt châu Á trước sự lựa chọn --- Báo Trung Quốc kêu gọi "không từ bỏ chủ quyền" tại Biển Đông
Hôm 8/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với hãng tin AFP rằng nước ông sẵn sàng chia sẻ tài nguyên thiên nhiên tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ngay cả khi Philippines thắng trong vụ khiếu nại pháp lý có kết quả được công bố trong tuần tới.
Ông Yasay nói chính phủ của Tổng thống Duterte mong sớm đối thoại trực tiếp với Trung Quốc tiếp sau phán quyết dự kiến được Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra hôm 12/7. Ông cho biết Philippines mong đàm phán về việc cùng nhau khai thác các mỏ khí tự nhiên và đánh bắt cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn với AFP rằng: “Chúng tôi thậm chí có mục tiêu tìm hiểu xem chúng tôi có thể khai thác chung vùng lãnh thổ này ra sao, chúng tôi có thể sử dụng và hưởng lợi chung ra sao từ việc sử dụng các tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế này, nơi các tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau”.
Chính phủ của ông Aquino, người tiền nhiệm của ông Duterte, đã nộp đơn khiếu nại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013. Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông, song lâu nay bị Việt Nam và Philippines phản đối. Hai nước này cũng tuyên bố chủ quyền đối với về nhiều vùng ở Biển Đông.
Sau khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines hôm 30/6, ông đã có cách tiếp cận với Trung Quốc có tính hòa giải hơn so với ông Aquino.
Ngoại trưởng Yasay nói những tuyên bố mà Philippines sẽ đưa ra sẽ là nước ông mưu cầu tăng cường quan hệ với “mọi người” và sẽ vì mục đích bảo đảm rằng không có trở ngại gì lớn đối với việc nước ông đàm phán một giải pháp hòa bình cho vấn đề.
Ông Yasay nói Philippines cởi mở với việc chia sẻ bãi Scarborough nơi có nhiều cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này song đã bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 và cấm tàu thuyền Philippines đi vào.
Ông cũng cho hay Philippines sẽ cân nhắc việc khai thác chung mỏ khí thiên nhiên ở bãi Cỏ Rong cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng làm như vậy sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia của chúng tôi, và sẽ là một bước tiến lớn nếu như tất cả mọi người có thể đồng ý tiến hành trên cơ sở đó”.
Các ông Duterte và Yasay đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 7/7. Người ta nhìn thấy ông Triệu lại có mặt ở Bộ Ngoại giao Philippines vào ngày 8/7. - VOA
***
Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba tuần sau sẽ ra phán quyết về đơn khiếu nại của Philippines thách thức tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Trong một buổi điều trần tại Hạ viện hôm 7/7, các quan chức Mỹ nói phán quyết của tòa có thể xác định rằng khu vực đó sẽ điều hành theo pháp quyền hay bởi “những tính toán thô về sức mạnh”.
Tuy nhiên, các quan chức ra điều trần từ chối cho biết liệu nếu Trung Quốc có động thái quân sự hóa thêm các thực thể ở Biển Đông có dẫn đến việc Mỹ đáp trả bằng quân sự hay không.
Dân biểu Randy Forbes, thuộc đảng Cộng hòa, bang Virginia, chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về sức mạnh biển, nói thế giới đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có cư xử như một bên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế hay không, và nếu không, thế giới muốn nhìn thấy Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.
Ông Forbes phát biểu: “Chúng ta làm gì, hay không làm gì, để ủng hộ các đồng minh và hệ thống quốc tế dựa vào luật lệ trong những tuần sắp tới sẽ gây chú ý trên toàn khu vực và những nơi khác trên toàn cầu”.
Biển Đông có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số bên khác. Trong số đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết vùng biển. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở đó nhưng khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và thương mại tại nơi hơn một nửa hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đi qua.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett nói tại buổi điều trần rằng phán quyết về vụ khiếu nại sẽ không giải quyết các vấn đề về chủ quyền, nhưng có tiềm năng thu hẹp những vùng đủ tiêu chuẩn pháp lý để được coi là có tranh chấp. Ngoài ra, bà Willett khẳng định Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Các quan chức tham gia điều trần chỉ ra rằng hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì sau khi tòa ra phán quyết. Lâu nay, Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ sẽ không bị ràng buộc về phán quyết của Tòa Trọng tài, dự kiến sẽ được công bố hôm 12/7.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc quyết định chiếm bãi cạn Scarborough gần Philippines, đồng minh của Mỹ, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, nói sự phản ứng sẽ tùy thuộc vào Bắc Kinh bố trí gì tại nơi có tranh chấp. Ông nói Mỹ đang làm việc với các đồng minh, trong đó có Philippines và các đối tác trong khu vực, để xây dựng năng lực hàng hải, phát triển quy trình hoạt động chung để làm việc hiệu quả hơn cùng nhau cũng như giúp họ tạo sự hiện diện hàng hải như là một biện pháp răn đe.
Trong khi đó, bà Willett của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Bãi Scarborough là một thực thể có tranh chấp mà Mỹ không công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào ở đó. Cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với Philippines vững chắc như sắt thép”. Bà nói thêm việc chiếm đóng một thực thể chưa có người ở hay việc quân sự hóa một thực thể bị chiếm đóng sẽ rất nguy hiểm và gây mất ổn định.
Bà Willett cho hay Mỹ đang nỗ lực để bảo đảm rằng tất cả các bên đều hành xử kiềm chế sau khi phán quyết được đưa ra. - VOA
***
Bắc Kinh sẽ "không lui một bước" tại Biển Đông. Trên đây là bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của phe diều hâu trong bối cảnh hải quân Mỹ tuần tra gần những đảo nhân tạo của Trung Quốc và trước ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn kiện của Philippines.
Trong bài xã luận trên số báo ra ngày 07/07/2016, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định nếu "Mỹ và Philippines có hành động gây sự, khiêu khích thì Trung Quốc không lui một bước" và "sẽ chiến đấu chống trả". Phản ứng đáp trả Philippines mà Hoàn Cầu Thời Báo gọi là "giải quyết một lần cho xong" là biến bãi đá san hô Scarborough mà Trung Quốc cưỡng đoạt vào năm 2012 thành một "căn cứ tiền phương » và « dứt điểm" chốt chận của Manila trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa (một tiểu đội trú phòng trong tầu chiến cũ mắc cạn).
Song song với luận điểm chủ chiến này, quân đội Trung Quốc tổ chức một tuần lễ tập trận ở quần đảo Hoàng Sa và ra lệnh cấm tàu thuyền qua lại cho đến ngày 11/07. Trong khi đó, theo bản tin của tạp chí hải quân Mỹ Navy Times, ba tàu chiến Mỹ gồm các khu trục hạm Spruance, Stethem và Momsen đang tuần tra gần Scarborough và quần đảo Trường Sa có lẽ để đề phòng mọi tình huống.
Tình hình Biển Đông căng lên trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, vào ngày 12/07, sẽ công bố phán quyết về Biển Đông. Trong chiều hướng này, Washington kêu gọi Bắc Kinh và Manila "tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài" và tránh "mọi hành động khiêu khích".
Trong buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 07/07, ông Abraham Denmark, một viên chức cao cấp của bộ Quốc Phòng đặc trách Đông Á sự vụ tuyên bố như trên và cho biết thêm chính phủ Mỹ "hộ trợ giải pháp ngoại giao" và sẽ cung cấp phương tiện "răn đe hành động vũ lực".
Theo AFP, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhiều khu trục hạm đang có mặt trong vùng.
Manila sẵn sàng "hợp tác" với Bắc Kinh khai thác tài nguyên
Trong một diễn biến mới nhất, trả lời phỏng vấn AFP, nNgoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố là Manila hy vọng sớm mở đối thoại với Bắc Kinh và thẩm định xem có thể "hợp tác" thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng biển tranh chấp. - RFI
|
|
2.
Mỹ-Hàn đồng thuận quyết định triển khai THAAD
Bộ Quốc Phòng Mỹ và Hàn Quốc, hôm nay, 08/07/2016, ra thông cáo chung cho biết hai bên đồng thuận quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Seoul và Washington đã bắt đầu thảo luận dự án triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) từ tháng Hai, sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa.
Trong thông cáo chung, bộ Quốc Phòng Mỹ và Hàn Quốc giải thích, quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa, để có đủ khả năng phòng thủ "bảo đảm an ninh của Hàn Quốc và người dân nước này". Thông cáo cho biết thêm là hai nước đang ở giai đoạn cuối trong việc lựa chọn địa điểm, nhưng không nêu ra thời điểm triển khai THAAD.
Hệ thống lá chắn chống tên lửa có khả năng ngăn chặn hoặc phá hủy tên lửa đạn đạo khi còn bay ở ngoài hoặc vừa mới vào bầu khí quyển, trong giai đoạn cuối của hành trình tên lửa.
Trung Quốc và Nga có phản ứng gay gắt. Theo Bắc Kinh, hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ-Hàn Quốc gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh khu vực, còn Matxcơva thì cảnh cáo về những hậu quả nặng nề của dự án này.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng mới chỉ lên tiếng về vụ Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và một số quan chức cao cấp khác của nước này, do các vi phạm nhân quyền. Đối với Bắc Triều Tiên, thì đây là một "hành động thù địch" của Mỹ, một lời "tuyên chiến công khai" với chế độ Bình Nhưỡng. - RFI
|
|
3.
Tương lai EU sau Brexit đứng đầu nghị trình thượng đỉnh NATO
Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này được gọi là hội nghị trọng yếu nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu tham dự hội nghị hai ngày ở Warsaw hôm thứ Sáu với vấn đề Anh rút khỏi EU đứng đầu nghị trình và những lo ngại khác về việc thành viên rất quan trọng của NATO là Anh rút khỏi EU sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề an ninh của liên minh.
Sau khi gặp các lãnh đạo EU vào lúc bắt đầu hội nghị NATO, Tổng thống Obama hôm thứ Sáu nói rằng Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc và lâu dài” đến sự hợp nhất của Âu châu và mọi người đều quan tâm đến việc “giảm thiểu sự gián đoạn” trong tiến trình EU và Anh quốc “hình thành một quan hệ mới”.
Nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo Âu châu trong lúc lo lắng tăng cao trên châu lục về tương lai của sự hợp nhất của châu Âu sau Brexit.
Tổng thống Obama nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng là Anh quốc và EU sẽ làm việc với nhau một cách thực tế để bảo đảm một sự chuyển tiếp suôn sẻ và có trất tự”. Ông nói tiếp rằng “chúng ta không thể bỏ qua thành quả” của công cuộc hợp nhất châu Âu đã đạt được. Ông nói không có thành viên nào của EU chĩa vũ khí vào nhau, và đó là “những thành quả cần được phát huy”.
Sáng thứ Sáu, ông Obama theo trù liệu sẽ họp với Chủ tịch Hội đồng Âu châu, ông Donald Tusk, và Chủ tịch Ủy hội Âu châu, ông Jean-Claude Juancker. Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng các cuộc họp này sẽ thảo luận về các đề nghị của Tổng thống Obama về phương cách xúc tiến thương lượng cho việc Anh quốc rút khỏi EU.
Nhưng trên nghị trình chính thức, Nga, mà các giới chức Mỹ mô tả là với những hành động quyết đoán và hung hãn hơn ở mạn đông của NATO, là đề tài chiếm phần lớn hội nghị hai ngày.
Trong lúc Nga, nước có khả năng quân sự mạnh nhất nằm sát NATO, tiếp tục phát triển vũ khí và không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow chấm dứt can thiệp vào Ukraine, các giới chức Mỹ nhận thấy một mối đe dọa gia tăng đối với các nước NATO. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
5 cảnh sát thiệt mạng trong vụ phục kích ở Dallas
Cảnh sát thành phố Dallas cho biết ba nghi can đã bị câu lưu và nghi can thứ tư đã chết vài giờ sau khi những tay súng bắn tỉa hạ sát năm cảnh sát viên trong một vụ tấn công có phối hợp nhắm vào một cuộc biểu tình ôn hòa. Thị trưởng Dallas hôm thứ Sáu cho biết bảy cảnh sát viên và hai thường dân bị thương trong vụ phục kích.
Vụ tấn công xảy ra tối thứ Năm trong một cuộc biểu tình phản đối việc cảnh sát da trắng ở bang Minnesota và Louisiana bắn chết hai người đàn ông da đen.
Giới chức thành phố và giới chức chấp pháp vẫn kín tiếng về danh tính của nghi can, nhưng trong một cuộc họp báo sáng thứ Sáu, Cảnh sát trưởng Dallas David Brown cho biết một nghi can - người sau đó bị hạ sát trong một vụ nổ có chủ ý do cảnh sát kích hoạt - nói với một người thương thuyết của cảnh sát rằng "ông ta muốn giết người da trắng, đặc biệt là cảnh sát da trắng".
Cảnh sát trưởng Brown cho báo giới biết rằng nghi phạm chưa được nêu danh tính này cũng cho thấy ông ta "tức giận" về những vụ cảnh sát nổ súng hồi gần đây, và nói rằng ông ta không liên kết với bất kỳ nhóm nào.
Người đàn ông bị hạ sát sau khi cuộc thương thuyết với cảnh sát đổ vỡ. Cảnh sát trưởng nói họ đã sử dụng robot để kích nổ một thiết bị nổ không rõ là gì ở gần ông ta.
Một số nơi thuộc trung tâm thành phố Dallas vẫn bị phong tỏa trong khi giới chức chấp pháp điều tra những vụ nổ súng, đánh dấu ngày đẫm máu nhất đối với lực lượng chấp pháp của Mỹ kể từ những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Sáu nói rằng các vụ nổ súng bắn vào các nhân viên đang làm nhiệm vụ là “hành động tấn công đồi bại, có tính toán và hèn hạ”. Phát biểu tại Warsaw, nơi ông đang dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Obama nói công việc của cảnh sát là “cực kỳ khó khăn” và những vụ nổ súng bắn vào cảnh sát này là “một lời nhắc nhở thương tâm” về những hiểm nguy mà cảnh sát phải đối diện.
Cảnh sát trưởng David Brown cho biết một trong những nghi can bị bắt là phụ nữ. Ông nói hai nghi can kia đang bị thẩm vấn, được thấy có mang theo túi màu rằn ri và cảnh sát đã đuổi theo xe của họ. Ông Brown nói rằng các nghi can này không đưa ra một dấu hiệu nào cho thấy tại sao họ tấn công cảnh sát.
Cảnh sát trưởng nói thêm ông “chưa hoàn toàn an tâm” là tất cả các nghi can đã bị bắt.
Các giới chức nói rằng những người tấn công này dự tính gây thiệt hại trên diện rộng và một gói đồ khả nghi đã được đội chống bom thu giữ.
Thị trưởng Dallas, ông Mike Rawlings, kêu gọi những người làm việc ở khu trung tâm thành phố trong ngày thứ Sáu nên tránh xa nơi đã xảy ra các vụ nổ súng.
Cảnh sát đã phổ biến hình của một người da đen có vũ trang mặc đồ rằn ri tham gia cuộc biểu tình, và xem đó là “người đáng quan tâm” trong vụ nổ súng hôm thứ Năm. Người đàn ông này sau đó đã đến trình diện nhà chức trách, và các giới chức nói hình như ông ta không liên quan đến các vụ nổ súng.
Cuộc biểu tình ôn hòa chiều tối thứ Năm bao gồm 1.000 người. Họ phản đối những vụ cảnh sát bắn chết hai người da đen xảy ra trước đó trong tuần – một ở Minnesota và một ở Louisiana.
Vụ hai người da đen bị bắn chết này là những vụ mới nhất trong hàng loạt vụ nổ súng ở Mỹ bị dư luận xem là những thí dụ của việc cảnh sát dùng vũ lực thái quá với người thiểu số. - VOA
|
|
5.
Việc làm mới ở Mỹ tăng vọt trong tháng 6
Số lượng việc làm mới ở Mỹ đã tăng vọt trong tháng Sáu, với mức tăng thuần là 287.000 việc làm trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Con số này nhiều hơn con số tháng trước hàng trăm ngàn việc làm và mạnh hơn so với dự đoán của hầu hết những nhà kinh tế.
Báo cáo hôm thứ Sáu của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 4,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Những chuyên gia cho rằng sở dĩ tỉ lệ thất nghiệp gia tăng là do số lượng người Mỹ thất nghiệp tiếp tục tìm kiếm việc làm gia tăng. Tại Mỹ, người ta không được tính là chính thức thất nghiệp trừ phi họ đã tích cực tìm kiếm công việc trong khoảng thời gian bốn tuần trước.
Góp phần vào mức tăng việc làm là việc chấm dứt vụ đình công của 35.000 nhân viên trong lĩnh vực viễn thông.
Số liệu cho thấy mức tăng 59.000 việc làm trong ngành giải trí và nhà hàng khách sạn, 58.000 việc làm trong ngành chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội. Ngành dịch vụ kinh doanh và bán lẻ cũng thêm hàng chục ngàn việc làm. Ngành khai khoáng, bao gồm người lao động trong ngành dầu khí, tiếp tục mất việc làm. Những công ty dầu khí vẫn bị ảnh hưởng nặng vì giá dầu tuột dốc dài và mạnh.
Những con số mới nhất cũng cho thấy có 7,8 triệu người thất nghiệp trên khắp nước Mỹ. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Nhiều người bị thương khi biểu tình chống Formosa ở Quảng Bình --- Giáo dân Cồn Sẻ đụng độ với công an
Người dân thôn Cồn Sẻ ven biển Quảng Bình mới đây đã biểu tình để phản đối nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra thảm họa ô nhiễm biển, cũng như đòi nhà chức trách khôi phục môi trường. Xô xát đã xảy ra giữa người dân và các lực lượng an ninh làm nhiều người bị thương, trong đó một người dân bị công an đánh bị thương rất nặng.
Một người dân tham gia biểu tình đề nghị VOA viết tắt tên là Nguyễn V. M. biết khoảng 2.000 người, tức 2/3 dân số thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đã đi biểu tình từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày 7/7. Anh nói khi đoàn biểu tình đi được khoảng 1 kilomet, rất đông nhân viên công an và những người mặc đồng phục Thanh niên Xung phong đã tìm cách ngăn chặn cuộc biểu tình, dẫn đến xô xát. Anh cung cấp thêm thông tin như sau:
“Có bạo lực xảy ra. Bên công an và bên dân xô xát nhau. Công an đánh dân. Hai bên có bị thương. Bên dân bị thương 4 người, có 1 người bị nặng. Còn bên công an có bị 1, 2 người. Bên công an có bắt một người đưa xuống dưới đồn. Song, sau dân đi đòi mới đưa lên trả lại”.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình là người dân cho rằng nhà máy Formosa do người Đài Loan đầu tư ở Hà Tĩnh đã xả hóa chất độc ra biển, làm người dân hiện nay mất đi nguồn sống từ biển. Anh Nguyễn V. M. nói rõ hơn:
“Vì nhà máy Formosa nên bây giờ biển của chúng em…, người dân bọn em có 60 cái tàu mà toàn trông cậy vào biển cả. Mà giờ biển làm cho tàu làm ăn không được, cho nên bà con bức xúc muốn là làm cho các nhà chính quyền đuổi nhà máy Formosa đi, trả biển sạch lại để cho quê hương làm ăn. […] Formosa phải ngừng, phải đóng cửa, rồi là bồi thường cái thiệt hại sau này của cái chất độc mà Formosa đã gây ra”.
Sau khi cuộc biểu tình diễn ra, nhiều hình ảnh đã được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một số người dân bị đánh chảy nhiều máu. Về người bị thương nặng nhất mà người dân địa phương khẳng định là do công an đánh, anh M. cho biết thêm chi tiết:
“Người bị thương nặng là ông Phạm Đức, sinh năm 1968. Hiện tại ông ý nằm ở Bệnh viện Huế. Các bác sỹ nói là liệt nửa người. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 7/7, nhập viện tại Bệnh viện Ba Đồn, xét nghiệm CT, họ nói là bị có một cục máu đông ở não và bị rạn hộp sọ”.
Mặc dù cuộc biểu tình đã kết thúc với bạo lực làm cho một số người bị thương song người dân thôn Cồn Sẻ bày tỏ rằng họ sẽ không từ bỏ việc đấu tranh đòi trả lại biển sạch vì đó là yêu cầu chính đáng và cũng là nguồn sống truyền thống gần như duy nhất của họ. Người dân Cồn Sẻ cũng muốn thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác kêu gọi nhân dân các vùng bị ảnh hưởng do ô nhiễm biển cùng tham gia đấu tranh, lên tiếng để đòi nhà chức trách đóng cửa nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh.
Mới đây, ngày 30/6, chính phủ Việt Nam đã chính thức tuyên bố nhà máy Formosa đã xả chất thải độc ra biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bỉnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế trong tháng Tư năm nay. Tập đoàn Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù 500 triệu đôla, trong đó một phần dùng để khắc phục môi trường.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và đông đảo ngư dân cho rằng số tiền đó là không đủ. Khi xảy ra thảm họa cá chết, hàng vạn ngư dân và những người khác sống nhờ vào đánh bắt, nuôi hải sản cũng như du lịch biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như mất đi sinh kế kể từ đó đến nay.
Hiện nhiều người lo ngại việc xả chất thải độc của Formosa có thể gây hại lâu dài hàng chục năm dẫn đến tương lai bất định cho những người dân sống nhờ vào biển. - VOA
***
Hằng ngàn giáo dân xứ Cồn Sẻ chuyên sống bằng nghề biển và nuôi cá trên sông vào ngày 7 tháng 7 tiến hành biểu tình lên tiếng về tình cảnh hiện nay do thảm họa Formosa xả chất độc ra biến gây hại đến cuộc sống của họ.
Sau cuộc biểu tình, Gia Minh hỏi chuyện linh mục chánh xứ Cồn Sẻ, Phê rô Hoàng Anh Ngợi và được ông cho biết:
Thực tế từ 4 giờ hôm qua đến giờ yên rồi; nhưng không biết ngày mai, ngày mốt rồi những ngày sau đó như thế nào?! Bởi vì đó là việc của dân, không biết có yên được lâu hay không, tôi không thể biết được.
Gia Minh: Tâm tư nguyện vọng của giáo dân, cũng là người dân, hiện nay như thế nào?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Bức xúc chuyện cá chết, từ tháng tư đến giờ không đi biển được.
Thêm nữa một số bè cá trên sông trong 4 ngày này bị chết. Những con nào không chết bây giờ đem đi các chợ bán không ai mua. Vợ chồng phải ôm nhau khóc vì lỗ 100 triệu, 70-80 triệu. Ở một miền quê mà lỗ 100 triệu, 70-80 triệu- một khoản tiền rất lớn. Có khi họ làm cả đời cũng không được khoản tiền như thế. Mà ở đây cả hằng trăm bè cá. Bức xúc quá khứ, bức xúc hiện tại chồng nhau.
Công bố nói Formosa đền 500 triệu đô. Họ nghĩ đền 500 triệu đô thì làm sao đánh đổi được cuộc sống của họ, chưa nói đến 4 tỉnh miền Trung. Lấy gì cho tương lai đây.
Chính phủ có cho tiền đi viện, cho tiền con đi học, có cho tiền để trang trải cuộc sống từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác không? Họ đắn đo như vậy. Họ suy nghĩ, lo lắng như vậy.
Nhưng tiếc thay họ không chịu được ôn hòa, nên dẫn đến đánh nhau.
Gia Minh: Ai đánh ai và hậu quả thế nào?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Dân đánh công an, công an đánh dân. Tôi sợ dẫn đến hậu quả không hay nên cũng có mặt với bà con. Tôi khuyên bà con đấu tranh trong sự ôn hòa. Nếu có đấu tranh xuống đường thì đừng làm những điều vượt quá sự ôn hòa. Nhưng mà dân không kiềm chế được bức xúc nên dẫn đến chuyện đó.
Gia Minh: Ngoài lực lượng cảnh sát, cơ động, an ninh, chính quyền có ai nghe dân biểu tình trình bày không?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Chính quyền có yêu cầu về ủy ban xã để gặp, nhưng dân nói bây giờ không tin gì vào sự gặp gỡ nên họ không về. Chính quyền bảo nếu vậy thì về nhà thờ; dân cũng nói bây giờ không tin gì vào lời giải thích của chính quyền nữa.
Gia Minh: Linh mục có nói dân không tin gì vào chính quyền; nhưng phía chính quyền có nói đưa ra những biện pháp giải quyết thì dân nghĩ sao về giải thích chính quyền Sẻ lo ổn định cuộc sống cho dân?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Không biết ổn định cuộc sống như thế nào nhưng đến nay mỗi đầu người mới được mấy chục ký gạo và họ (dân) cũng ăn hết lâu rồi. Bây giờ họ chỉ trông chờ làm ra để ăn chứ trông chờ vào mấy chục cân gạo thì thế nào!
Nghe nói giai đoạn đầu hỗ trợ cho mỗi tàu 5 triệu, nhưng cho đến giớ có thấy 5 triệu đâu. Rồi lâu nay việc cá chết dân cũng muốn gặp chính quyền chứ qua màn hình TV thì không thể đủ được. Dân cũng khao khát muốn gặp chính quyền xã, huyện, tỉnh để xem để xem thử biện pháp gì cho hiện tại, biện pháp gì cho tương lai nhưng chính quyền không gặp; khiến dân mất lòng tin vậy thôi.
Vì sao chính quyền không gặp dân?
Gia Minh: Vậy cuộc sống thực tế hiện nay của người dân tại Cồn Sẻ ra sao?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Đến giờ 3 tháng rồi mà dân không có một đồng từ biển. Trước đây kiếm được 3 triệu nhưng suốt ba tháng nay không có nên họ thấy sự điêu đứng trong cuộc sống.
Dân Cồn Sẻ là người đi biển nuôi người không đi biển. Người đi biển đem cá về cho người không đi biển muối, kiếm được 20- 30 ngàn mỗi ngày. Nhà nào đông người thì có khi được 100 ngàn một ngày.
Có người lấy cá của người đi biển, chạy xe máy đến bỏ cho các chợ để kiếm sống.
Bây giờ không đi biển được nữa thì bị đẩy vào thế khổ cực không còn gì để nói nữa thị họ tự phát xuống đường đấu tranh để kêu gọi!.
Gia Minh: Hôm qua, ngày 7 tháng 7 ngư dân xã Cảnh Dương cũng thuộc huyện Quảng Trạch có đối thoại với chính quyền và đưa ra 7 điểm công khai, còn địa phương của linh mục thế nào?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Nếu như bây giờ có vị cán bộ nào gặp tôi, tôi cũng nói chính quyền cần về gặp dân để đối thoại. Đối thoại để chính quyền thấu hiểu những khó khăn hiện tại và những khó khăn trong tương lai gần và tương lai xa trong đời sống của dân.
Cán bộ không gặp gỡ dân, không hiểu vì sao không gặp gỡ dân. Chính tôi đề xuất điều này với chính quyền rồi. Phải gặp gỡ dân để đón nhận những thao thức của dân xem thử đâu là giải pháp hiện tại, đâu là giải pháp tương lai.
Xã Cảnh Dương đã làm được điều đó dù không biết tương lai như thế nào nhưng họ cũng làm được bước đó.
Còn chính quyền ở đây không làm là còn có lỗi lớn với dân. Có điều gì đó mà tôi cảm thấy không thể hiểu được mặc dù tôi đã yêu cầu rồi. Yêu cầu rất chính đáng là chính quyền phải gặp dân một chút, gặp dân một buổi, nhưng họ không làm!
Gia Minh: Còn biện pháp chuyển đổi nghề nghiệp và đưa đi xuất khẩu lao động thì ngư dân Cồn Sẻ nghĩ như thế nào?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Cho đến nay dân cũng không biết chuyển đổi nghề gì, chính quyền cũng không gặp dân để cho biết hướng dân chuyển nghề gì!
Gia Minh: Nhưng đã có những người dân Cồn Sẻ phải đi nơi khác để làm ăn chưa?
LM. Hoàng Anh Ngợi: Bây giờ trẻ em kể cả tuổi 14-15 tràn vào Sài Gòn rồi, không học hành gì nữa. Tôi đoán rằng (hết) hè năm nay các trường ở đây không có học sinh đi học đâu (mỗi lớp còn chừng dăm em thôi). Tiền đâu mà đi học.
Gia Minh: Cám ơn Linh mục. - RFA
|
|
7.
Lạm phát tại Việt Nam ‘đang tăng tốc’
Chỉ số đo lạm phát tăng liên tục trong 5 tháng tại Việt Nam và khó đạt chỉ tiêu.
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm hôm 07/07 tại Hà Nội.
CPI, hay chỉ số giá tiêu dùng, tăng liên tục từ tháng Hai năm nay được mô tả là "hiện tượng hiếm thấy suốt 20 năm".
Giá cả khu vực dịch vụ y tế (tăng 25%) và lương thực thực phẩm, giáo dục là những khu vực được cho là tác động mạnh nhất tới CPI trong 6 tháng qua.
Một số chuyên gia được dẫn lời nói lạm phát khó đạt chỉ tiêu dưới 5%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao, truyền thông trong nước đưa tin.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp, Bộ Công thương dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 7% so với chỉ tiêu 10%.
Ông Phương cũng dự đoán GDP, với xuất khẩu là lực đẩy chính, sẽ tăng 6,2- 6,3% trong năm nay, dưới chỉ tiêu 6,7% chính phủ đề ra cho năm 2016 và cũng thấp hơn mức 6,68% đạt được trong năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Công thương vào đầu tuần này nói sự sụt giảm về giá xuất khẩu và tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm lại là một số nguyên nhân chính.
"Nếu chúng ta quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8%, đó là dự báo của Bộ Công Thương," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được truyền thông trong nước dẫn lời tại nói tại buổi họp Chính phủ diễn ra hôm 1/7.
Lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo tình trạng “không mấy khả quan” do tình hình kinh tế và thương mại thế giới có tác động gián tiếp và “không nhỏ” tới cán cân thương mại của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng và yêu cầu Bộ Công Thương có chuyên đề riêng để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm, theo truyền thông trong nước.
"Bộ Công Thương đang quản lý nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, nếu không chấn chỉnh lại, phát triển mạnh mẽ thì rất khó đạt kế hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm như vậy thì phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn, bộ máy phải rất giỏi để xốc lại," ông Phúc nói.
Hàng nông sản Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong năm tháng đầu năm 2016, 11% nguồn thu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.
Vào cuối tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết GDP sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015.
Mục tiêu Quốc hội Việt Nam đề ra cho cả năm 2016 là 6,7%.
Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế gồm "Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu... các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của chúng ta," AFP dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu đôla cho Việt Nam.
Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.
Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị báo cáo Quốc hội về vụ cá chết để mang ra bàn thảo trong phiên họp Quốc hội vào tháng Bảy. - BBC
No comments:
Post a Comment