Tuesday, June 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 30/6

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc xây xong một số đảo ở Biển Đông --- Du Chính Thanh TQ lại đòi Nhật Bản tránh xa BĐ --- Tướng Chu Thành Hổ TQ về tuần tra BĐ: Mỹ thì được, Nhật thì không

Chính quyền Bắc Kinh hôm nay thông báo đã hoàn tất một số dự án lấp đất, lấn biển tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, gây thêm quan ngại cho các nước láng giềng.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết một số dự án xây đảo nhân tạo trên một số đảo và bãi cạn đã hoàn thành “trong những ngày gần đây”, nhưng không nói rõ đó là các đảo nào.

Bà Hoa nói tại một cuộc họp báo thường kỳ:

“Bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ hoàn thiện chức năng của các cơ sở này. Việc xây dựng chủ yếu nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu dân sự cũng như tăng cường nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề cứu hộ và tìm kiếm trên biển, an toàn hàng hải…”.

Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng các dự án xây dựng cũng có mục đích “đáp ứng các nhu cầu về phòng thủ quân sự”.

Các hình ảnh vệ tinh đăng tải gần đây cho thấy Trung Quốc cấp tập xây dựng các hòn đảo mới, gây lo lắng không những cho các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam mà còn cả các nước khác về việc Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải được coi là nhộn nhịp nhất thế giới.

Quan chức Mỹ nói rằng các cơ sở quân sự đang xây dựng gồm có một đường băng dài 3.000 mét cũng như các radar cảnh báo sớm có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Việt Nam mới đây đã lên tiếng nói rằng các hoạt động bồi đắp đất "bất hợp pháp" của Trung Quốc ở Trường Sa không thay đổi được thực tế chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. - VOA

***
Sau cuộc tập trận song phương Nhật Bản-Philippines tai Biển Đông, Bắc Kinh liên tục nã pháo vào Tokyo. Động thái mới nhất diễn ra ngày 29/06/2015, khi nhân vật số bốn trong chính quyền Trung Quốc lên tiếng đòi Nhật Bản tránh xa hồ sơ Biển Đông. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo yêu cầu Tokyo thận trọng khi xử lý các vấn đề an ninh, cũng như Biển Đông.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, nhân cuộc tiếp xúc với một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản ghé thăm Bắc Kinh, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã cho rằng vấn đề Biển Đông "hoàn toàn không có liên quan gì đến Nhật Bản".

Đối với nhân vật trên danh nghĩa là lãnh đạo đứng hàng thứ tư trong guồng máy lãnh đạo Bắc Kinh, việc Nhật Bản cùng với Mỹ đua nhau chỉ trích Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, mà không nói gì đến Philippines và các nước tranh chấp khác, là một điều "không công bằng".

Cũng trong chiến dịch phản công nhắm vào Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua đã lên tiếng cảnh cáo Tokyo là nên thận trọng và có thái độ đúng đắn khi xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự và Biển Đông.

Phản ứng trên đây được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khi nói chuyện với giới báo chí hồi đầu tháng Sáu, đã cho rằng các cải cách về an ninh mà Tokyo đang tiến hành đích thực nhắm vào Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nếu các thông tin trên xác thực, thì giới lãnh đạo Nhật Bản phải có lời giải thích với Bắc Kinh. - RFI

***
Trung Quốc không che giấu phản ứng cay cú sau khi Tokyo không ngần ngại tham gia tập trận cùng với Philippines tại Biển Đông, ngay gần khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Theo hãng truyền hình Mỹ NBC ngày 29/06/2015, một viên tướng Trung Quốc nổi tiếng là diều hâu vừa nhấn mạnh: không thể chấp nhận việc Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông, cho dù có thể chấp nhận Mỹ.

Theo đài NBC, Tướng Chu Thành Hổ, Giáo sư về chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã giải thích thái độ bên trọng bên khinh của ông bằng sự kiện Mỹ đã hiện diện từ lâu đời về mặt quân sự ở Đông Nam Á:

"Hoa Kỳ đã từng có căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, như ở Philippines và cả tại Việt Nam, đồng thời cũng có hợp tác quân sự với Singapore. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông do đó là điều có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc."

Còn về Nhật Bản, viên tướng Trung Quốc cho rằng "Nhân dân và chính phủ Trung Quốc rất khó mà chấp nhận được sự hiện diện quân sự của Nhật Bản" tại Biển Đông.

Tokyo có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, nhưng không hề có tranh chấp nào ở Biển Đông. Thế nhưng chính quyền Nhật Bản rất quan ngại trước sự hiện diện, cũng như ảnh hưởng càng lúc càng đáng kể của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Thái độ quan ngại lại càng tăng vào lúc Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế Biển Đông bằng việc bối đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, mà theo phía Mỹ, đã có thể dùng làm tiền đồn quân sự với vũ khí hạng nặng.

Theo các nhà quan sát, tuyên bố không chống Mỹ của tướng Chu Thành Hổ đã gây ngạc nhiên vì cho đến nay, nhân vật này nổi tiếng với những lời lẽ dao to búa lớn nhắm vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên thái độ gay gắt của nhân vật diều hâu này đối với Nhật Bản nằm trong một loạt những phản ứng dữ dội của Bắc Kinh đối với Tokyo trong những ngày gần đây, sau khi quân đội Nhật Bản tập trận chung với Philippines đã không ngần ngại cho trinh sát cơ bay lượn trên khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm trong thềm lục địa của Philippines những bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. - RFI
|
|

2.
Máy bay quân sự Indonsia rơi xuống khu dân cư, ít nhất 113 người chết

Chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của quân đội Indonesia bị rơi và nổ tung tại một khu dân cư ở Medan, một thành phố lớn trên đảo Sumatra (Kalimantan). Toàn thể 113 người trên máy bay đều tử nạn. Nhiều khu nhà mới bị tiêu hủy, nhưng chưa rõ thiệt hại nhân mạng của thường dân.

Vào khoảng 12 giờ trưa, giờ địa phương, hôm nay, 30/06/2015, chiếc vận tải cơ C-130 của Indonesia cất cánh được hai phút thì rơi vào một khu nhà dân, cách phi trương quân sự Medan 5 km. Nhiều tòa nhà gần nơi xảy ra tai nạn bị hư hại nặng , xe cộ bị cháy rụi.

Thiệt hại nhân mạng được công bố từng giờ và không ai rõ lúc máy bay lâm nạn và bốc cháy có bao nhiêu người trên máy bay và ở nơi rớt.

Khoảng 5 giờ đồng hồ sau, Tham mưu trưởng loan báo trên máy bay có 113 người và tất cả đều thiệt mạng.

Trước đó, đài truyền hình Indonesia, trích lời các nhân viên cứu hộ cho biết đã tìm thấy được 49 thi thể, từ một đoạn gẩy của máy bay và từ nhà dân, trong số này có một em bé.

Hãng Reuters được một nhân chứng là nhân viên tiếp tân khách sạn cho biết thêm một số chi tiết: phi cơ bay đảo rất thấp, bốc lửa và khói. Đến vòng thứ ba thì đụng nóc khách sạn Golden Eleven và nổ tung. Mảnh vụng bay vào một tiệm đấm bóp vào giờ đông khách.

Theo ông Fuad Basya, một phát ngôn viên quân đội, chiếc máy bay lâm nạn hoạt động từ năm 1964.

Báo chí Indonesia cho biết phi công đã xin quay lại phi trường vì có “vấn đề kỷ thuật”

Indonesia mang tiếng thiếu an toàn về giao thông hàng không. Gần đây, vào tháng 12/2014, một chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia bị rơi trên biển Java sau nửa giờ cất cánh, làm 162 hành khách và nhân viên phi hành đoàn tử vong. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
TT Obama chính thức ký ban hành luật thúc đẩy TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật hai dự luật mà ông đã dồn nhiều nỗ lực vận động, cho ông thẩm quyền lớn hơn để đàm phán những thỏa thuận thương mại quốc tế và cung cấp hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do những thỏa thuận như vậy.

Ông Obama đã ký ban hành hai luật này trong một buổi lễ hôm thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc, nơi ông ca ngợi sự hợp tác cần có của cả hai đảng để luật được Quốc hội thông qua, sau một chiến dịch vận động khiến Tổng thống Đảng Dân chủ lâm vào thế đối nghịch với những nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội và hình thành một liên minh hiếm hoi với đảng Cộng hòa.

Luật cho phép thẩm quyền xúc tiến thương mại, còn gọi là thẩm quyền cấp tốc, dự kiến sẽ gia tăng tốc độ hoàn tất những cuộc đàm phán Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác ven bờ Thái Bình Dương trong vài tuần tới.

Ông Obama cũng đã ký một luật cấp 450 triệu đôla để đào tạo lại người lao động bị mất việc làm do mở rộng thương mại, và gia hạn những ưu đãi thương mại thêm 10 năm nữa cho vùng châu Phi cận Sahara.

Tổng thống nói ông tin rằng việc ký luật là điều tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ và sẽ cho Mỹ một lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

Ông Obama đã tranh thủ sự kiện này để thúc đẩy những luật mang tính lưỡng đảng nhiều hơn, đặc biệt là đối với một dự luật cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà có thể giúp xây mới những đường cao tốc, sân bay, cảng vận chuyển mới. - VOA
|
|

4.
Tòa án Tối cao giữ nguyên hình phạt tử hình bằng thuốc độc

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết giữ nguyên việc sử dụng một loại thuốc gây tranh cãi trong những vụ hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc.

Trong một phán quyết hôm thứ Hai với kết quả 5-4, năm thẩm phán của tòa án cho rằng việc sử dụng loại thuốc an thần midazolam không vi phạm tu chính án thứ tám của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm những hình phạt dã man và khác thường.

Những tử tù ở bang Oklahoma thuộc miền trung tây của Mỹ cho rằng loại thuốc an thần này, dùng trong một hỗn hợp thuốc tiêm gây chết người ở bang này, không phải lúc nào cũng gây ra tình trạng bất tỉnh mê man khiến họ không cảm nhận được cơn đau từ những loại thuốc gây tê liệt và khiến tim ngừng đập được sử dụng sau đó.

Bang Oklahoma sử dụng loại thuốc này trong vụ hành quyết bất thành tử tù Clayton Lockett. Ông ta đã rên rỉ và ngẩng đầu lên sau khi hỗn hợp thuốc được tiêm vào người. Phải mất tới 43 phút sau đó ông ta mới được tuyên bố là đã chết sau mũi tiêm đầu tiên.

Trong phần thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến của mình, Thẩm phán Sonia Sotomayor của Tòa án Tối cao so sánh việc sử dụng loại thuốc gây tranh cãi này với việc "tra tấn từ từ đến chết, hoặc bị thiêu trên giàn.''

Thẩm phán Samuel Alito, người viết quan điểm của đa số, cho biết lập luận cho rằng thuốc này không thể được sử dụng một cách hữu hiệu như thuốc an thần khi hành hình là mang tính võ đoán. Ông gọi quan điểm bất đồng chính kiến của Thẩm phán Sotomayor của "kỳ dị."

Trong phần thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến riêng, Thẩm phán Stephen Breyer và Ruth Bader Ginsburg nói đã tới lúc tòa án tranh luận về việc liệu bản thân án tử hình có hợp hiến hay không.

Những cuộc khảo sát dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho hình phạt tử hình ở Mỹ thấp hơn so với trước đây, nhưng vẫn ở mức cao - khoảng 60 phần trăm.

Một số bang từng có án tử hình giờ đã đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ hoàn toàn. Chỉ có 32 bang tiếp tục áp dụng hình phạt tử hình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tàu ngầm thứ tư của Việt Nam cập cảng Cam Ranh

Tàu ngầm lớp Kilo hôm nay đã được tàu chuyên dụng Rolldock của Hà Lan đưa về neo đậu tại vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, sau hơn một tháng lênh đênh trên biển.

Chiến tàu ngầm thứ tư mà Nga đóng cho Việt Nam này sẽ được bàn giao cho Lữ đoàn tàu ngầm 189 của Hải quân Việt Nam vào đầu tháng sau.

Chiếc tàu ngầm được đặt tên là Khánh Hòa có chiều dài hơn 70 mét và rộng gần 10 mét. Tàu này có thể hoạt động độc lập 45 ngày đêm và lặn sâu 300 mét với hơn 50 thủy thủ trên khoang.

Trước đó trong năm 2013 và 2014, ba chiếc tàu ngầm Kilo 182 Hà Nội, 183 TP Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng lần lượt được đưa về Việt Nam và đã tham gia huấn luyện ở Quân cảng Cam Ranh.

Tất cả 6 tàu ngầm do Nga chế tạo đã được đặt mua qua một hợp đồng trị giá 2 tỉ đôla mà Việt Nam đã ký trong chuyến đi của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Moscow năm 2009.

Nga dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016, huấn luyện các thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm và cung cấp các linh kiện cần thiết.

Mới đây, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài nói rằng Trung Quốc đã chính thức khiếu nại với Nga, Việt Nam và Hoa Kỳ, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội. - VOA
|
|

6.
Ông Lê Thanh Tùng được ra tù trước thời hạn

Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng hôm qua 29 tháng 6 được cho về nhà từ Trại giam Yên Định Thanh Hóa 5 tháng trước khi mãn án tù 4 năm về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào chiều ngày 30 tháng 6, ông Lê Thanh Tùng cho biết việc được thông báo đặc xá và công an đưa về nhà tại thị trấn Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội:

"Trước đó 19 ngày họ có thông báo cho tôi làm giấy cam kết khi về địa phương chấp hành hiến pháp và pháp luật. Họ nói tôi được đặc xá kỳ này. Thế rồi hôm qua, sáng họ làm việc với tôi và đến chiều họ đưa tôi về ngay. Đến đêm hôm qua lúc 10 giờ mới về tới nhà.”

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Toàn, đưa ra nhận định về việc tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng được trả tự do trước thời hạn như sau:

"Tôi cũng nhận định có lẽ họ thả Lê Thanh Tùng cùng một vài người sắp tới để ‘làm quà’, dọn đường cho chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vào tháng 7 này. Họ không muốn gây căng thẳng và không muốn làm mất mặt ông Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ.”

Xin được nhắc lại, ông Lê Thanh Tùng là một người tham gia đấu tranh từ khi còn ở bên Kampuchia. Ông này từng là thành viên của Đảng Nhân dân Hành Động. Sau khi về lại Việt Nam, ông bắt đầu tham gia Khối 8406 từ tháng 9 năm 2007.

Ông Lê Thanh Tùng trước khi bị bắt viết nhiều bài đưa lên mạng Internet và giúp dân oan soạn thảo đơn thư khiếu nại.

Ông bị đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 với mức án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 28 tháng 11 cùng năm giảm án xuống 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Cả hai phiên tòa xử ông Lê Thanh Tùng đều không có luật sư bào chữa. - RFA

Monday, June 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/6

Tin Thế Giới

1.
Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng, máy rút tiền vì vụ khủng hoảng tài chính

Đất nước Hy Lạp thức dậy sáng nay với các ngân hàng bị đóng cửa và các máy rút tiền tự động trống rỗng.

Tuy nhiên, các khoản chi trả hưu bổng dự kiến sẽ nằm ngoài chính sách kiểm soát tiền bạc này. Từ sáng sớm, những người về hưu đã xếp hàng trước các chi nhánh ngân hàng với hy vọng lấy được tiền trong quỹ hưu bổng cá nhân thông qua các hệ thống rút tiền mặt, nhưng hy vọng bất thành. Bộ Tài chính loan báo hôm nay sẽ giải thích rõ ràng cách thức thanh toán lương hưu. 

Quốc gia đang kẹt tiền mặt bị cắt các nguồn bơm tiền mặt thêm từ những nguồn quỹ Châu Âu đã ra lệnh cho hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán đóng cửa 6 ngày kể từ hôm nay giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia đang ngày càng trầm trọng và thời hạn chót để xoa dịu tình trạng này đang cận kề vào ngày mai.

Thủ tướng Alexis Tsipras hôm qua lên truyền hình quốc gia loan báo chỉ thị này chỉ vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuyên bố ngưng chương trình cho vay khẩn cấp vốn đã giúp các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục mở cửa trong những tuần qua.

Loan báo của Thủ tướng được đưa ra sau các cuộc họp cuối tuần giữa các nhà thương thuyết của quốc gia với các nhà cấp tín dụng Châu Âu mà không đạt được một thỏa thuận về các điều kiện cho khoản cứu nguy tài chính đang tiếp diễn đòi hỏi Hy Lạp phải thực hiện những cải cách để được cấp tiền mặt.

Theo giới phân tích, không đạt được thỏa thuận, Athens có phần chắc sẽ vỡ nợ vào ngày mai đối với khoản chi trả 1,8 tỷ đô la cho Qũy Tiền tệ Quốc tế.

Thủ tướng Hy Lạp quy trách các nhà cấp tín dụng Châu Âu về cuộc khủng hoảng đe dọa tới tư cách thành viên của Hy Lạp trong khối 19 nước sử dụng đồng Euro.

Theo thời biểu hiện tại, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới khi cử tri Hy Lạp quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây về việc họ có chấp nhận các biện pháp kiệm ước do các chủ nợ yêu cầu hay không.

Tin tức từ Châu Âu cho hay trong thời gian ngân hàng đóng cửa, khách hàng sẽ được phép rút tiền tối đa là 60 Euro mỗi ngày và không được chuyển tiền mặt ra nước ngoài trừ phi được chấp thuận trước. - VOA
|
|

2.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á khai trương tại Bắc Kinh

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được Trung Quốc hỗ trợ khai trương hôm nay tại Bắc Kinh, với việc các thành viên sáng lập ký một thỏa thuận cho thấy những dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến giờ này về cách thức vận hành của ngân hàng. Trong số các dấu hiệu này có việc xác nhận là Trung Quốc sẽ chiếm khối có quyền biểu quyết lớn nhất là 26%.

Các thành viên của BRICS – là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – cũng sẽ nắm một khối cổ phần đáng kể với quyền biểu quyết gần 50%. Sự kiện này đã làm tăng thêm các mối lo ngại cho rằng AIIB không những có thể thách thức các cơ sở đã có từ lâu như Ngân hàng Thế giới, mà còn cả Ngân hàng BRICS vừa thành lập.

AIIB đã cam kết rằng công việc của ngân hàng sẽ là bổ sung, chứ không phải cạnh tranh với các cơ chế đa phương hiện hữu khác. Đây có thể là một trách vụ nặng nề, không những vì họ sẽ hoạt động trong cùng một thị trường, mà còn bởi lẽ các nhà lãnh đạo của những thị trường đang trỗi dậy đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn đối với các cơ chế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo ông Raymond Yueng, một kinh tế gia kỳ cựu của ANZ ở Hồng Kông: “Ở một mức độ nào đó, sự kiện này phản ánh những gì mà các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, họ đang phục hồi những gì mà lẽ ra họ phải có trong các tổ chức quốc tế”.

Cùng lúc đó, ông Yeung nói các Điều khoản Đồng thuận của ngân hàng nêu bật nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ cho ngân hàng mang tính cách không phải là chỉ dành riêng cho một số nào và không biến ngân hàng thành một câu lạc bộ đồng minh chặt chẽ. Ông nêu ra rằng các điều khoản thu nhận không hạn chế sự tham gia vào các dự án hay vào việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Ông Yeung nói: “Do đó không phải chỉ là 57 thành viên này. Tôi không cho rằng họ sẽ thành lập một nền kinh tế khép kín về việc chi tiêu cho hạ tầng cơ sở và các dự án hạ tầng cơ sở. Họ cũng sẽ mở cửa cho các nước khác không phải là thành viên sáng lập.”

Trong số các nước này có Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, mà cho đến giờ này vẫn chưa được gia nhập ngân hàng. Vốn cho phép của ngân hàng là 100 tỷ đôla, trong đó gần 98 tỷ đã được chia trong các thành viên sáng lập mà ngân hàng gọi là “khu vực” và “không thuộc khu vực.”

Quyền phủ quyết

Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác về các thỏa thuận của ngân hàng rọi một tia sáng vào việc liệu Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết hay không trong những quyết định của AIIB.

Thỏa thuận công bố hôm nay không dùng từ “phủ quyết” nhưng nói rằng đối với phần lớn các quyết định quan trọng, ngân hàng sẽ coi một “siêu đa số” là cấp thiết. Với 26% cổ phần, Trung Quốc sẽ có tiếng nói quyết định trong mọi quyết định. Trung Quốc từng cho biết họ không mưu tìm quyền phủ quyết tại ngân hàng. Các nhà phân tích lập luận rằng điều tự nhiên đối với các nhà đầu tư hàng đầu là có nhiều tiếng nói hơn những người khác.

Ông N.R. Bhanumurthy, một giáo sư kinh tế học tại Viện Quốc gia về Chính sách Tài chính Công cộng ở New Delhi nói: “Tôi sẽ không lấy làm lạ nếu Trung Quốc có quyền phủ quyết gián tiếp. Chúng ta biết rằng các nước phát triển thường áp dụng một quyền phủ quyết gián tiếp tại Ngân hàng Thế giới và IMF”.

Một trong các trắc nghiệm đầu tiên của quyền đó sẽ là khi nhà băng chọn chủ tịch đầu tiên trong những tháng sắp tới. Theo thỏa thuận ký hôm nay, chủ tịch phải là một người thuộc một nước sáng lập “trong khu vực”.

Ngân hàng dự trù sẽ chính thức hoạt động trước cuối năm nay.

Phá vỡ BRICS

AIIB không phải là ngân hàng nhiều tỷ đôla duy nhất mà Trung Quốc đóng một vai trò trong việc thành lập mới đây. Trung Quốc còn có ngân hàng BRICS với trụ sở ở Thượng Hải và nay do Ấn Độ đứng đầu. Nhưng một số người tự hỏi liệu hai ngân hàng có thể trở thành đối thủ hay không.

Ông Bhanumurthy nói: "Có những hy vọng cao từ phía AIIB. Nhưng có nguy cơ cạnh tranh giữa AIIB và Ngân hàng Phát triển mới của các quốc gia BRICS".

Ông nói thêm rằng điều mà thế giới đang phát triển không muốn có là hai cơ chế cạnh tranh nhau.

Ông Bhanumurthy nói: “Họ phải đảm bảo rằng không có sự chồng chéo trong hoạt động. Tân Ngân hàng Phát triển có thể tập trung vào các vấn đề phát triển xã hội và dành các khu vực cơ sở hạ tầng cho AIIB”.

Trung Quốc nói ngân hàng sẽ không những cổ súy cho sự phát triển trong khu vực, mà còn góp phần vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tất cả đều tham gia

Lễ ký kết hôm nay được tổ chức tại Nhân dân Đại sảnh. Gần như toàn bộ 57 thành viên sáng lập đã ký vào thỏa thuận. 7 nước còn lại đang chờ sự chấp thuận trong nước.

Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc vận động để tranh thủ hậu thuẫn cho AIIB sau khi đưa ra đề nghị đầu tiên cách đây 2 năm. Một số nhà phân tích coi khả năng của Trung Quốc thu hút hơn 50 quốc gia, bất chấp sự miễn cưỡng của Washington trong việc gia nhập, là một thành quả về chính sách đối ngoại. Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Australia, Anh, Đức, Israel và Nam Triều Tiên đã gia nhập.

Gần một nửa các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương là các thành viên sáng lập của ngân hàng.

Một trong những lý do chính khiến Hoa Kỳ và các nước khác ngần ngại là bởi vì có những thắc mắc về khả năng của ngân hàng tôn trọng các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm và quản trị. Đây là bởi vì một số nhà phân tích nói rằng nhiều dự án quan trọng được các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài tài trợ được cho là có động cơ chính trị nhiều hơn là vì tiêu chuẩn đầu tư có lời. Nhưng một số chuyên gia ở các nước đang phát triển có quan điểm khác.

Ông Bhanumurthy nói: “Không có lý do nào để nghĩ rằng AIIB sẽ không được quản lý một cách chuyên nghiệp hay không thể tuân hành các tiêu chuẩn quốc tế. Một số các thị trường tài chính như Singapore, Hồng Kông và London cũng can dự vào việc hình thành ngân hàng”. - VOA
|
|

3.
TQ giận dữ vì phim tài liệu của Philippines về Biển Đông

Trung Quốc cáo buộc Philippines là phát tán thông tin không trung thực và “tạo ra ảo tưởng mình là nạn nhân” trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, sau khi Manila trình chiếu một bộ phim tài liệu 3 tập để bảo vệ lập trường của mình về cuộc tranh chấp này.

Bản tin hôm nay của Reuters cho biết tập đầu tiên của bộ phim tài liệu của Philippines có tựa đề là “Quyền Hàng Hải”, ra mắt vào ngày Lễ Độc Lập của Philippines hôm 12 tháng 6.

Lên tiếng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tố cáo Philippines tìm cách khích động nhân dân của cả hai nước. Bà nói: “Philippines âm mưu đánh lạc hướng và lừa gạt nhằm chiếm cảm tình của người khác, bằng cách tạo ra cái cảm tưởng rằng họ là một nạn nhân”.

Bắc Kinh và Manila đã leo thang những lời qua tiếng lại trong những tháng gần đây. Tuần trước, sau khi Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập với Philippines, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Philippines là tìm cách lôi kéo các nước khác vào cuộc tranh chấp để khuấy động căng thẳng trong khu vực.

Philippines nói bộ phim tài liệu mới ra mắt nhằm mục đích thông tin cho dân chúng trong nước, và huy động sự hậu thuẫn của công chúng đối với các chính sách và hành động của chính phủ.

Lên tiếng tại cuộc họp báo thường ngày, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cũng bày tỏ giận dữ về những phát biểu của Phó Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, sau khi ông mô tả những dự án cải tạo đất xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là “một mối đe doạ cho hoà bình.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hiệp định hạt nhân Iran dự kiến không đạt được trước hạn chót

Cả hai bên trong cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran đều dự kiến cuộc thương thuyết sẽ kéo dài quá thời hạn chót 30 tháng 6 để đạt được một thoả thuận toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tại Vienna, các giới chức Mỹ và Iran hôm chủ nhật cho biết các phái đoàn sẽ lưu lại Vienna sau ngày thứ ba để tìm cách giải quyết những điểm bất đồng then chốt.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm chủ nhật đã lên đường về nước để tham khảo ý kiến và theo dự liệu sẽ quay lại Vienna vào ngày thứ 3. Một giới chức cấp cao của Mỹ nói rằng chuyến đi của ông Zarif không phải là một vấn đề đáng lo ngại vì các đại biểu của các nước tham dự hội nghị vẫn thường rời Vienna trong thời gian diễn ra cuộc thương thuyết.

Cũng trong ngày chủ nhật, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết một số điều kiện cần được thỏa mãn để có một thoả thuận mà ông gọi là “một hiệp định mạnh mẽ”, trong đó có việc kiểm tra các địa điểm hạt nhân bị nghi ngờ.

Ngoại trưởng Anh, ông Philip Hammond, nói rằng chẳng thà không có thoả thuận chứ không nên có một thoả thuận xấu.

"Có những lằn ranh đỏ mà chúng tôi không thể vượt qua và có những quyết định rất khó khăn, những sự lựa chọn khó khăn, mà tất cả các bên phải thực hiện để có thể đạt được một thoả thuận trong vòng vài ngày sắp tới."

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố một thoả thuận tốt phải bao gồm việc dỡ bỏ ngay các biện pháp chế tài.

"Tất cả các biện pháp chế tài -- chế tài kinh tế và chế tài tài chánh, cần phải được loại bỏ ngay tức khắc. Và những biện pháp chế tài của hội đồng bảo an cũng cần phải được chấm dứt."

Tuy nhiên, các cường quốc thế giới muốn các biện pháp chế tài được dỡ bỏ theo giai đoạn để đổi lấy một hiệp định hạn chế khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran.

Theo bà Marie Harf, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thông tin chiến lược, hiệp định toàn diện có phần chắc sẽ không đạt được vào ngày 30 tháng 6.

"Như chúng tôi đã nói, có lẽ chúng tôi sẽ cần có thêm vài ngày sau ngày 30 tháng 6, như chúng tôi đã làm tại Lausanne khi chúng tôi đúc kết thoả thuận khung hồi tháng tư, để có được một hiệp định mạnh mẽ nhất có thể có."

Một số giới chức cho biết thời hạn chót có tính chất quan trọng hơn ở Vienna thật ra là ngày 9 tháng 7. Đó là lúc mà thời gian của một cuộc duyệt xét bắt buộc của quốc hội sẽ được triển hạn từ 30 ngày thành 60 ngày.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Emanuele Ottolenghi của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, việc kéo dài cuộc đàm phán qua tới tháng 7 có thể tạo ra nhiều vấn đề.

"Vấn đề ở đây là những kinh nghiệm trong thời gian qua cho chúng tôi thấy rằng mỗi lần triển hạn là mỗi lần có thêm những sự nhượng bộ có lợi cho phía Iran."

Trong khi đó, theo Đại tướng James Cartwright, chuyên gia về chính sách hạt nhân của Mỹ, vấn đề ở đây là thế nào để đạt được một sự cân bằng.

"Chúng ta muốn dành cho Iran khả năng để bảo vệ chủ quyền của họ, nhưng chúng ta cũng muốn có một số luật lệ nào đó để chúng ta có thể tới Iran để kiểm tra nếu có một sự nghi ngờ hợp lý là một hoạt động lén lút đang diễn ra ở đó."

Ông Cartwright cho rằng trong trường hợp các nhà thương thuyết có thể có được một thoả thuận bao gồm một sự giám sát đầy đủ đối với mức độ tinh luyện uranium và khoảng thời gian mà Iran cần có để chế tạo bom hạt nhân thì đó sẽ là một thoả thuận tốt đẹp, mang lại một sự cải thiện đáng kể cho tình hình an ninh của vùng Trung Đông. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Vì sao Trung Quốc lưỡng lự đưa hồ sơ Biển Đông ra Tòa án Công lý Quốc tế?

Cựu Bộ trưởng Malaysia, Hiệu phó danh dự trường Đại học Mở Wawasan Malaysia, tiến sĩ Koh Tsu Koon, đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc lại không muốn đưa hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh thực sự có bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình.

Hôm qua, 28/06/2015, trường Đại học Mở Wawasan Malaysia đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề "Xung đột ở Biển Đông và Hợp tác An ninh". Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Koh Tsu Koon, hiệu phó danh dự, được hãng thông tấn Bernama trích dẫn, nhấn mạnh: "Về triển vọng của ASEAN, với tư cách là các nước nhỏ, chúng ta lo ngại về các cuộc xung đột ở Biển Đông và các yếu tố địa chính trị trong vùng, cũng như các vấn đề này sẽ tác động đến chúng ta ra sao".

Theo quan chức này, nếu các cuộc xung đột không thể giải quyết được qua đàm phán thì cần đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế. Ông Koh đặt câu hỏi: "Nếu Trung Quốc rất tin tưởng vào những cơ sở lịch sử và pháp lý về những đòi hỏi của mình tại các vùng biển có tranh chấp, tại sao họ lại lưỡng lự đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế như vậy?"

Ngày 27/06, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc là một quốc gia hàng hải từ một nghìn năm nay, do vậy, chắc chắn là Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa, với tên gọi là Nam Sa.

Theo tiến sĩ Koh, tất cả các nước ASEAN đều chấp nhận Tòa án Công lý Quốc tế như là một định chế chung để giải quyết các vấn đề.

Ông Barry Desker, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho biết, mặc dù Singapore, Indonesia và Cam Bốt không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng các nước này cũng có cùng quan điểm như vậy.

Theo chuyên gia này, cho đến nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã giải quyết các vấn đề về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge liên quan đến tranh chấp giữa Malaysia và Singapore cũng như các tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zonge) nói rằng các nước ASEAN đã thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ Luật ứng xử ở Biển Đông - COC. Thế nhưng, Philippines lại đưa hồ sơ tranh chấp với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc trong lúc các cuộc đàm phán về COC đang được tiến hành.

Về điểm này, theo tiến sĩ Koh, cho dù ASEAN là một hiệp hội nhưng khối 10 này không có lập trường mạnh mẽ ủng hộ Philipines. Mặt khác, đa số các đại diện những nước ASEAN tham dự hội thảo đều cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông có thể gây ra xung đột trong khu vực.

ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC- năm 2002, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán về COC, mang tính ràng buộc pháp lý. - RFI
|
|

6.
Xô xát tại biên giới Việt Nam-Campuchia

Xô xát diễn ra khi một nhóm khoảng 200 người Campuchia gồm Dân biểu, tu sĩ, thanh niên đến kiểm tra khu vực biên giới giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An vào ngày hôm qua 28 tháng 6 năm 2015.

Một nhà sư Khmer Krom cùng tham gia đoàn kiểm tra biên giới cho biết một nhóm bộ đội và một nhóm người Việt mặc thường phục dùng vũ lực ngăn cản không cho họ đến kiểm tra đường biên giới. Sư chia sẽ:

“Bộ đội biên phòng khoảng hai chục người, và mấy người mặc đồ thường khoảng từ năm chục đến sáu chục người. Mấy người mặc đồ dân thường thì có cầm cây gậy có đóng đinh trên đó, còn bộ đội trong tay có cầm súng. Ban đầu Dân biểu đi trước rồi bộ đội biên phòng qua nói đây là đất của Việt Nam. Ban đầu là xô đẩy nhau, bên Việt Nam, mấy người mặc đồ thường, thấy đa số là người ở đó say sỉn không. Mình đi vào xô đẩy nhau rồi bên kia cầm gậy đánh đập lại mình, nhưng mà bên mình không có gì trong tay hết. Bên dân Việt Nam đánh trúng dân biểu bên Campuchia, và mấy sư và mấy thanh niên bị thương cũng nhiều lắm”.

Hoạt động được nhà sư Khmer Krom mô tả như vừa rồi là một trong các chiến dịch kiểm tra biên giới của dân biểu, tri thức và người dân Campuchia tại các địa điểm mà những người này nghi ngờ có việc Việt Nam lấn chiếm bắt đầu diễn ra từ tháng 5 năm 2015.

Cột mốc số 203 

Cũng có mặt trong đoàn kiểm tra biên giới, ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Kampuchea Krom, cho biết phía Việt Nam ngang nhiên đi vào sâu trong lãnh thổ của Campuchia ngăn cản không cho họ đi đến khu vực biên giới. Ông Thach Setha: “Bên biên phòng của Campuchia nói đây là đất của Campuchia, cho tụi tui đi chỗ đó. Công an Việt Nam, có nhân dân Việt Nam cầm dao, có súng nhiều không cho vô, không cho đi coi chỗ biên giới đó. Thấy như vậy là xâm phạm lãnh thổ bên nước Campuchia rồi bởi có súng, có nhân dân nhiều ở đó cấm không cho nhân dân Campuchia đi trong đất nước Campuchia”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quan, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã xác nhận rằng trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, lực lượng chức năng và người dân Việt Nam có xảy ra mâu thuẩn với nhóm người Campuchia, tuy nhiên sự kiện này diễn ra trên lãnh thổ của Việt Nam.

Ông Quan phát biểu: “Cột mốc mà các anh muốn đi khảo sát còn đang đi sâu vào đất Việt Nam đang quản lý do đó chúng tôi xác định vị trí này là ở đất Việt Nam quản lý. Và nếu tương lai, hiện nay đã phân định, nếu mà phân định ra thì cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam quản lý. Cái này xác định lãnh thổ là lãnh thổ Việt Nam rồi, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa”.

Tuy vậy, trong thông cáo báo chí của Tòa Thị chính Svay Rieng, chính quyền địa phương này khẳng định sự kiện diễn ra tại cột mốc số 203 nằm trên địa bàn ấp Thlok Thmey, xã Thnaot, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng của Campuchia.

Đảng Cứu Quốc Kampuchia lên tiếng

Sáng ngày 29 tháng 06 năm 2015, ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Quốc đã lên tiếng phản đối hành vi bị ông này lên án là ‘bạo lực’ của Việt Nam.

Sự kiện này cũng gây bức xúc đối với nhiều người dân Campuchia. Tiến sĩ khoa học chính trị Sok Touch cho rằng là hai nước láng giềng, cách hành xử này của Việt Nam là kém văn minh và không phù hợp với xu hướng cộng đồng chung ASEAN sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.

“Thứ nhất, hành vi của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, thứ hai là Việt Nam đi ngược lại Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, khi chúng ta xây dựng cộng đồng chung, chúng ta sẽ phải mở cữa biên giới thôi, thứ ba là các tính chất lịch sử, Việt Nam không phải làm như vậy, Việt Nam đã lấy đất Khmer nhiều lắm rồi, giờ chúng tôi chỉ đi kiểm tra biên giới, trong khi người Việt không chỉ đến biên giới mà còn đến sống đầy trên đất Campuchia. Tôi thấy rằng Việt Nam vẫn còn kém văn minh, sử dụng luật rừng và thiếu nhân đạo. Tôi yêu cầu Việt Nam giáo dục quân đội và nhân dân của mình về luật láng giềng cũng như các điều khoản của cộng đồng chung ASEAN. Làm sao mà có cộng đồng chung được khi mà các anh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân như vậy”.

Tiến sĩ Sok Touch còn cho rằng việc quân đội và người dân Việt Nam mang vũ khí tiến vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một việc làm không thể chấp nhận được. Ông gợi ý chính quyền Phnom Penh phải ra thông cáo báo chí ngoại giao đính kèm những hình ảnh về hành vi bạo lực của người Việt Nam để người dân trên thế giới biết được vấn đề.

Tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia trở thành đề tài nóng trong quan hệ giữa hai nước. Hồi ngày 12 và ngày 14 tháng 6 vừa qua, Campuchia đã ra hai công hàm phản đối Việt Nam tự ý đào ao mương thủy lợi trên lãnh thổ Campuchia nhưng phía Việt Nam vẫn chưa có phản ứng về vấn đề này.

Đến ngày 27 tháng 6, đảng Cứu Quốc đã cho công bố 26 tấm bản đồ tỷ lệ 1/100000 được Chính quyền Pháp vẽ trong khoản năm 1933 đến năm 1953 liên quan đến biên giới Việt Nam và Campuchia. Hiến pháp Campuchia thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia được căn cứ theo bản đồ tỷ lệ 1/100000 này, theo đó đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia có khả năng bị thay đổi nếu phía Campuchia thấy rằng biên giới thực tế không đúng với bản đồ. - RFA

Sunday, June 28, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/6

Tin Thế Giới

1.
Quốc hội Hy Lạp tán đồng đề nghị trưng cầu dân ý của Thủ tướng

Quốc hội Hy Lạp vừa thông qua quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 05/07 tới. Cử tri Hy Lạp sẽ phải trả lời câu hỏi: có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách’’ của các chủ nợ Hy Lạp. Nói cách khác, nếu đồng ý, Hy Lạp sẽ ở lại trong khối euro. Không chấp nhận, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khối này.

Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua trong không khí tranh luận dữ dội sôi nổi. Phe đối lập hoàn toàn chống lại đề nghị của Thủ tướng Tsipras và đã chỉ trích chính phủ về tính khả thi của việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tuần. Thông tín viên RFI Charlotte Stiévenard tường trình từ thủ đô Athens.

Cuộc trưng cầu dân ý dự trù diễn ra vào ngày 05/07 tới, đã được thông qua với 178 phiếu thuận trên tổng số 300 đại biểu Quốc hội. Liên minh cầm quyền gồm đảng cánh tả cấp tiến Syriza và đảng dân tộc thuộc cánh hữu Anel đã bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, các đại biểu thuộc đảng Xã hội Pasok cũng như đảng Dân chủ Mới và đảng Potami thuộc cánh trung lại bỏ phiếu chống.

Phe đối lập Hy Lạp nêu lên câu hỏi: liệu ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có khả thi hay không? Theo bà Evy Christofilopoulou, dân biểu đảng Xã hội Pasok ‘‘Hy Lạp chỉ trong vòng năm ngày, không thể nào tổ chức và thiết lập các chi tiết kỹ thuật, huy động các định chế để bảo đảm cho cuộc bỏ phiếu dân chủ’’.

Một lập luận khác của phe đối lập. Hiến pháp Hy Lạp chỉ cho phép tổ chức trưng cầu dân ý hạn chế cho những vấn đề then chốt quốc gia. Đối với đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội, các vấn đề then chốt ấy chỉ có thể được áp dụng cho ‘‘an ninh quốc gia’’ và ‘’đối ngoại’’. 

Thế nhưng, theo một đại biểu thuộc đảng cầm quyền Syriza, lập luận của phe đối lập là không có cơ sở. Bà Aglaia Kyritsi đánh giá rằng: "Đây rõ ràng là một quyết định dân chủ, mang tính lịch sử. Qua trưng cầu dân ý, chính phủ đã đề nghị người dân Hy Lạp lấy quyết định cho vận mệnh đất nước, cho nền dân chủ cũng như chủ quyền quốc gia."

Các đảng đối lập cũng đặt lại vấn đề về nội dung của câu hỏi, được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý 05/07. Đằng sau câu hỏi khá phức tạp là có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách’’ của các chủ nợ, thật ra có một câu hỏi đơn giản hơn nhiều: Hy Lạp rời hay không rời khối sử dụng đồng euro. - RFI
|
|

2.
500 người bị phỏng trong tai nạn công viên giải trí Đài Bắc

Hàng trăm thanh niên bị bỏng, trong đó gần 200 người bị thương nặng, ngày hôm qua, 27/06/2015, lúc 20h30 (giờ địa phương), tại một công viên nước ở Tân Đài Bắc, nằm ở ngoại ô thủ đô Đài Bắc (Đài Loan). Bột màu được phun trên đám đông thanh niên đã bốc cháy, mà theo lời miêu tả của các nhân chứng như một "địa ngục" lửa.

Theo AFP, đám đông bị mắc kẹt bên trong một quả cầu lửa lớn. Nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do một loại bột màu được phun lên những người tham dự lễ hội ở công viên nước giải trí Formosa Fun Coast tại Tân Đài Bắc. Hàng nghìn người đang đang nhảy trong tiếng nhạc và chìm trong màn khói đa sắc màu đột nhiên bị ngọn lửa vây quanh, biến các nạn nhân thành ngọn đuốc sống. Trong buổi lễ, những người tham dự chỉ mặc áo tắm và cố chạy trốn khỏi quả cầu lửa càng ngày càng lớn. Phần lớn các nạn nhân bị bỏng hoặc bị những vấn đề về đường hô hấp sau khi hít phải bột màu.

Theo phát ngôn viên đơn vị cứu hỏa Tân Đài Bắc, "Vụ nổ và vụ hỏa hoạn không phải do việc phun bột màu gây ra, mà là do độ nóng từ các đèn chiếu sáng trên sân khấu khiến bột màu bốc cháy".

Một nhân chứng thuật lại trên đài truyền hình địa phương CTI: "Tai nạn bắt đầu từ cánh trái của sân khấu. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một phần hiệu ứng đặc biệt của buổi biểu diễn nhưng ngay sau đó, tôi hiểu rằng có chuyện gì đó đang xảy ra và mọi người bắt đầu gào thét và bỏ chạy".

Theo lời kể của một thanh niên khác, máu dính khắp nơi, ngay cả trong bể bơi vì rất nhiều người bị thương nhảy xuống đó để làm dịu vết đau. Bạn gái của cậu, vẫn còn sốc, nhớ lại là nhìn thấy rất nhiều người bị tróc hết da. Một nhà báo của AFP cho biết, sáng chủ nhật, các dấu vết máu vẫn còn in lại trên hiện trường.

Hôm nay, chính quyền địa phương cho biết có khoảng 519 người bị thương, trong đó có 188 trường hợp nghiêm trọng, 419 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Sáu khách du lịch nước ngoài, cùng với 7 du khách Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Macau, nằm trong số những người bị thương. Con số này sẽ còn tăng thêm nếu tính những nạn nhân không được sơ cứu tại chỗ mà tự tới bệnh viện điều trị.

Một số nạn nhân bị bỏng trên 40% bề mặt cơ thể. Nhưng ngoài các vết thương trên da, còn có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng tới đường hô hấp do hít phải lượng bột màu lớn. Theo ông Lee Lih-jong, 24 giờ tới sẽ còn rất nguy kịch đối với những người bị thương nặng.

Vụ hỏa hoạn nhanh chóng được lính cứu hỏa khống chế và xe cấp cứu tiến gần vào nơi xảy ra tai nạn. Nạn nhân được chở trên băng ca hay được bạn bè đặt trên phao và khiêng đi cấp cứu.

Công việc nhận dạng những người bị thương vẫn đang được tiến hành, nhưng phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn.

Nhà quản lý sự kiện "Color Play Asia", Lu Chung-chi, đã bị cảnh sát tạm giữ cùng với bốn cộng tác viên. Người phát ngôn của cảnh sát Tân Đài Bắc cho biết: "Họ đã trình diện tại viện kiểm sát trong khuông khổ một cuộc điều tra về vi phạm các điều khoản an ninh công cộng và gây thương tích do vô ý".

Trả lời giới báo chí, thị trưởng thành phố Tân Đài Bắc, Eric Chu nói rằng rất "buồn và lấy làm tiếc về vụ tai nạn". Ông cũng ra lệnh lập tức đóng cửa công viên và mở một cuộc điều tra nghiêm túc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Phái đoàn quốc hội Mỹ kêu gọi nới lỏng hạn chế với Cuba

Người đứng đầu phái đoàn lưỡng đảng của quốc hội Mỹ đang viếng thăm Cuba kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ nỗ lực của Tòa Bạch Ốc thiết lập hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao với Havana.

Ngày thứ Bảy, tại thủ đô Cuba, Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy kêu gọi xúc tiến đầy đủ các hoạt động của tòa đại sứ Mỹ tại Cuba trong khuôn khổ của chương trình “tạo hình ảnh tốt nhất của nước Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dean Heller, phát biểu bên cạnh Thượng nghị sĩ Leahy và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin nói “Tổng thống Barack Obama đúng trong trường hợp này.” Ông cũng nói việc mở rộng tòa đại sứ và những thay đổi khác trong lãnh vực du lịch có thể hoàn tất trước khi Tổng thống Obama rời khỏi chức vụ vào năm 2017.

Hai nước đang thương thảo về những qui định tái lập hoàn toàn các mối quan hệ, tiếp theo loan báo vào năm ngoái của Tòa Bạch Ốc về ý định làm như vậy. Các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bị gián đoạn sau khi chính phủ cộng sản của Fidel Castro lên cầm quyền cách đây hơn 50 năm.

Hôm thứ Sáu, phái đoàn Mỹ gặp phó tổng thống thứ nhất Cuba Miguel Diaz canel, nhưng không tiết lộ nội dung những cuộc thảo luận này.

Một vài dự luật liên hệ đến Cuba đang nằm chờ tại Thượng viện với tương lai không chắc chắn. Trong số này có dự luật bãi bỏ lệnh cấm du lịch hiện hành đối với những người Mỹ, và một dự luật khác bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ kéo dài nhiều thập niên nay.

Những dự luật này hiện bị giới lãnh đạo Cộng hòa hiện kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện chống đối.

Trước đây trong tháng, Hạ viện bác bỏ một dự luật nới lỏng những hạn chế du lịch đến Cuba. - VOA
|
|

4.
Mỹ: Cờ Liên minh miền Nam bị gỡ bỏ tại Columbia, South Carolina

Ngày thứ Bảy, một phụ nữ người Mỹ gốc châu Phi đã leo lên cột cờ gần trụ sở quốc hội bang South Carolina và gỡ bỏ cờ của Liên minh miền Nam treo tại đây, một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama gọi lá cờ “nhắc nhở đến việc áp bức có hệ thống và sự nô dịch chủng tộc.”

Cục An toàn Công cộng South Carolina trong một tuyên bố nói lá cờ, từ lâu là biểu tượng của niềm hãnh diện miền Nam, được treo lại một giờ sau đó và không gây thêm thiệt hại nào cả.

Sau khi gỡ bỏ lá cờ, bà Brittany Newsome và ông James Ian Tyson, đều 30 tuổi, từ North Carolina đến, bị bắt và bị truy tố về tội làm biến dạng một đài tưởng niệm, một khinh tội trong những trường hợp như vậy.

Bà Newsome đã leo lên cột cờ bên ngoài trụ sở quốc hội tiểu bang tại Columbia, thủ phủ của South Carolina và hạ cờ xuống. Ông Tyson, đi cùng bà Newston đứng trong một khu vực cấm gần cột cờ.

Một nhóm các nhà hoạt động địa phương nhận trách nhiệm lập kế hoạch hạ cờ.

Trong điếu văn đọc tại tang lễ cố nghị sĩ quốc hội tiểu bang và đồng thời là mục sư, tổng thống Obama bắt đầu hát thánh ca “Ơn Lạ lùng” và các mục sư và hàng ngàn người tham dự tang lễ tại trường đại học Charleston ở South Carolina hát theo.

Trên toàn nước Mỹ, người Mỹ gốc châu Phi ủng hộ phong trào hạ cờ Liên minh miền Nam được treo tại những nơi công cộng sau khi có vụ tàn sát vì động cơ phân biệt chủng tộc 9 tín hữu người da đen đang học kinh thánh tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina.

Theo luật, cờ được treo tại một đài tưởng niệm trong khuôn viên quốc hội các tiểu bang miền Nam để vinh danh các chiến sĩ chiến đấu cho liên minh ủng hộ chế độ nô lệ trong Cuộc Nội Chiến Mỹ.

Quốc hội South Carolina tuần tới sẽ bắt đầu thảo luận về việc có nên gỡ bỏ cờ Liên minh miền Nam tại đài tưởng niệm hay không. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam bỏ mức trần vốn nước ngoài vào xí nghiệp được yết giá

Hôm nay 28/06/2015, cổng thông tin điện tử của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thông báo sắc lệnh hủy bỏ mức trần 49% vốn đầu tư nước ngoài vào công ty yết giá trên sàn giao dịch. Biện pháp này nhằm kích thích kinh tế trì trệ vì nhiều thập niên bị chỉ đạo.

Thông báo "nới room" (nguyên văn) tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có quyền "đầu tư không hạn chế" vào những công ty đầu tư chứng khoán trừ trường hợp điều lệ của công ty quy định khác.

Tuy nhiên, theo AFP, sắc lệnh hủy bỏ mức trần giới hạn vốn đầu tư nước ngoài không ghi rõ khi nào có hiệu lực cũng như loại xí nghiệp nào vẫn tiếp tục được xem là "ngoại lệ" vì những hoạt động "chiến lược" theo quan điểm của chính quyền Việt Nam.

Tăng trưởng Việt Nam đạt tỷ lệ 6,28% trong sáu tháng đầu năm nay theo số liệu chính thức. Trên thực tế, nền kinh tế này phần lớn bị tê liệt, trì trệ vì lãnh vực quốc doanh thiếu hiệu năng.

Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần phải mở cửa cho đầu tư quốc tế và tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời hãng tin AFP, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng biện pháp mới của Hà Nội là tín hiệu tốt: một quyết định đúng lúc, cho phép giới đầu tư nước ngoài góp vốn mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam và giúp sinh hoạt được năng động hơn. Sắc lệnh mới cũng khuyến khích xí nghiệp Việt Nam cố gắng thêm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn. - RFI
|
|

6.
Ông Trần Quang Cơ qua đời

Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89.

Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7.

Ông Cơ là người từng khước từ chức bộ trưởng ngoại giao mà Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị buộc phải ra đi dưới áp lực của Trung Quốc năm 1991.

Ông Trần Quang Cơ sinh năm 1927 tại Nam Định, làm ngoại giao từ 1954 tới khi về hưu năm 1997.

Có thể nói ông là một trong các nhà ngoại giao lão luyện nhất của Việt Nam, từng kinh qua các chức vụ như Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.

Ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN từ năm 1986.

Trong suốt 12 năm kể từ 1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết vấn đề Campuchia.

Ông cũng tham gia tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với các nước lớn Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc.

'Hồi ức và Suy nghĩ'

Năm 2001 ông cho ra cuốn hồi ký mang tựa đề 'Hồi ức và Suy nghĩ' gây tiếng vang vì đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.

Đánh giá về ông, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nói: "Ông Cơ là một nhà ngoại giao lão luyện, có tầm nhìn chiến lược".

"Ông có chính kiến, độc lập, đặc biệt là không tán thành cách tiếp cận cơ hội với Trung Quốc như một số nhân vật cấp cao thời bấy giờ."

Sau khi từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1991 vì cho rằng không thể làm việc khi một số nhân vật cao cấp trong dàn lãnh đạo Việt Nam lúc đó quá ngả về phía Trung Quốc, cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Trần Quang Cơ cũng tự xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, "có thể xem ông Cơ như một nhà nho hiện đại, biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng nhưng có lẽ không biết biến..."

"Các phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Đó là nhân cách lớn của Trần Quang Cơ."

Trong cuộc phỏng vấn với BBC nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông Trần Quang Cơ đã bình luận rằng căn nguyên (của cuộc chiến Việt-Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương.

Ông nói: "Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam".

"Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."

Thời kỳ vô cùng khó khăn của ngoại giao Việt Nam này đã được phản ánh trong cuốn hồi ký Trần Quang Cơ, với những chi tiết như về Hội nghị Thành Đô 1990 cho thấy "các giới hạn của môt thời kỳ lịch sử, cái khó của đất nước đứng cạnh Trung Quốc và chịu sức ép của Trung Quốc", theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường.

Ông Trường nói với BBC: "Cuốn hồi ký thể hiện tính khách quan, không phải là chống Tàu, mà là 'thân Việt'".

"Chính vì vậy mà nhân dân biết đến ông và tôn trọng ông." - BBC

Saturday, June 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 27/6

Tin Thế Giới

1.
Mỹ: Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa hòa bình

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 26/06/2015 đã lại tố cáo các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo rầm rộ mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, xem đấy là "mối đe dọa cho hòa bình". Điểm đáng chú ý là nhân vật số hai của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại so sánh các hành vi chiếm đảo của Trung Quốc tại Biển Đông với những gì mà Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine.

Trong tham luận tại Trung tâm Center for a New American Century, một cơ quan tham vấn về an ninh, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại lập trường của Mỹ là không thiên về bên nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng có lợi ích thiết thân trong việc bảo về quyền tự do lưu thông tại vùng biển này. 

Đối với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, các đề án cải tạo đất trên quy mô to lớn của Trung Quốc tại Biển Đông là "một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định". Theo ông Blinken: "Con đường phía trước đối với Trung Quốc, và tất cả các bên tranh chấp, làm phải đình chỉ mọi hoạt động cải tạo đất và giải quyết bất đồng đúng theo quy định của pháp luật".

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và khẳng định họ có toàn quyền xây dựng trên các đảo đá trong tay ở Biển Đông. Nhân chuyến công du Hoa Kỳ hồi đầu tuần, nhân vật lãnh đạo nền ngoại giao Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định rằng tự do hàng hải ở Biển Đông không hề bị đe dọa. 

Hành vi hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông đã bị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ so sánh với các hành động của Nga tại miền Đông Ukraine: "Ở cả miền Đông Ukraine lẫn Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến ​​những hành động dùng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng – những hành vi mà Hoa Kỳ và các đồng minh đồng lòng chống lại".

Vào tháng Tư năm ngoái, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel cũng đã từng đánh đồng các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông với việc Nga lấn chiếm vùng Crimée của Ukraine. Theo ông Russel, sự đe dọa trả đũa về kinh tế có khả năng làm cho Trung Quốc chùn bước trong việc sử dụng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, tương tự như những gì Nga đã làm tại Crimée. 

Ông Russel cũng cảnh cáo Trung Quốc là không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh châu Á. - RFI
|
|

2.
Thủ tướng Hy Lạp quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ

Thủ tướng Hy Lạp quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về kết quả cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế về kế hoạch cứu nguy tài chánh.

Thủ tướng Alexis Tsipras loan báo quyết định bất ngờ này trên đài truyền hình vào sáng thứ bảy và cho biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 7.

Ông nói rằng một phiên họp khẩn của quốc hội sẽ được triệu tập xế ngày hôm nay để phê chuẩn quyết định của ông.

Ông Tsipras quyết định như vậy vài giờ sau khi vòng điều đình mới nhất với các chủ nợ Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không mang lại một thoả thuận.

Các vị bộ trưởng tài chánh của khu vực Euro gồm 19 nước sẽ họp tại Brussels ngày hôm nay trong nỗ lực cuối để đạt được thoả thuận.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ sáu cho báo chí biết rằng không còn nhiều thời giờ để có được một thoả hiệp cứu nguy cho Hy Lạp và mọi nỗ lực phải được thực hiện trong ngày thứ bảy để tìm kiếm một giải pháp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ họp với Ngoại truởng Iran ở Vienna

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang họp với giới chức đồng cấp phía Iran, ông Javad Zarif, tại Vienna ngày hôm nay, vài ngày trước thời hạn chót để có được một hiệp định toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran.

Hoa Kỳ cùng với 5 nước đối tác trong cuộc đàm phán sẽ tìm cách đạt được thoả thuận chung cuộc trước thời hạn tự ấn định là ngày 30 tháng 6. Nhiều giới chức dự kiến sẽ không có thoả thuận trước thời hạn chót.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Tây phương nói rằng các vấn đề vẫn còn cần phải giải quyết gồm có các cuộc thanh sát của Liên Hiệp Quốc tại các địa điểm ở Iran, vấn đề minh bạch, vấn đề chế tài, và khía cạnh quân sự có thể có của chương trình hạt nhân của Iran.

Các nhà thương thuyết đang tìm cách đạt được thoả thuận chung cuộc nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc giảm thiểu hoặc dỡ bỏ các biện pháp chế tài. - VOA
|
|

4.
Tòa Tối cao Mỹ: Các tòa tiểu bang phải cho phép hôn nhân đồng tính

Tối cao pháp viện Mỹ phán quyết rằng các cặp đồng tính có quyền thành hôn ở bất cứ nơi nào ở trong nước, và như thế đã vô hiệu hóa luật pháp tại một số tiểu bang nghiêm cấm hôn nhân đồng phái tính.

Hiện các cặp đồng tính nam và nữ được quyền thành hôn tại 36 tiểu bang và thủ đô Washington. Phán quyết của Tòa án Tối Cao sẽ nới rộng quyền này đến tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Tòa án biểu quyết với đa số 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng giới tính. Phán quyết của bên đa số viết rằng “khước từ quyền được thành hôn của các cặp đồng giới sẽ có tác động nghiêm trọng và lâu dài. Việc áp đặt lệnh cấm thành hôn đối với thành phần đồng giới nam và nữ, có tác dụng không tôn trọng và áp chế họ. Và Điều khoản về Quyền được Bảo vệ Bình đẳng, cũng như Điều khoản về Quyền được Hệ thống Pháp lý Đối xử Công Bằng nghiêm cấm việc vô cớ vi phạm quyền cơ bản được kết hôn". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Mãn hạn tù, luật sư Lê Quốc Quân tuyên bố tiếp tục chống Trung Quốc

Luật sư Lê Quốc Quân, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật tại Việt Nam cho AFP biết tiếp tục các hoạt động chống Trung Quốc xâm lược, khi ra khỏi trại giam hôm nay 27/06/2015 sau hai năm rưỡi ngồi tù vì tội danh trốn thuế.

Ông Lê Quốc Quân, một blogger Công giáo và là luật sư, đã ra khỏi nhà tù ở Quảng Nam sáng nay và gặp gỡ các thành viên gia đình lâu nay vẫn đấu tranh đòi trả tự do cho ông. Trả lời hãng tin Pháp AFP bằng tiếng Anh, ông nói: "Tôi rất vui mừng" và cho biết sẽ đến thẳng một bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Người luật sư 43 tuổi đã năm lần tuyệt thực trong tù, lần gần đây nhất kéo dài 14 ngày và chấm dứt vào ngày 24/6.

Luật sư Quân hứa hẹn tiếp tục các hoạt động chống Trung Quốc đã khiến chính quyền bực tức. Về hành động bồi đắp, xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông của Bắc Kinh, ông cho biết: "Tôi hết sức quan ngại trước việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho chủ quyền nước Việt không bị xâm phạm" và nói thêm, ông nóng lòng được đọc các tin tức sau thời gian dài bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Với tư cách blogger, ông Lê Quốc Quân viết về nhiều đề tài nhạy cảm như các quyền dân sự, đa đảng và tự do tín ngưỡng, đã bị giam cầm từ tháng 12/2012. Bản án vì tội trốn thuế dành cho ông hồi tháng 10/2013 đã bị Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo là mang động cơ chính trị. Nhà hoạt động này cũng tích cực tham gia loạt biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 trước các hành động xâm lăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Việt Nam đã phải vất vả tìm cách giữ thăng bằng giữa những chỉ trích dữ dội trong nước trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, và quan hệ chặt chẽ lâu nay với các lãnh đạo Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội đôi khi được làm ngơ, mà theo các nhà phân tích, như một thông điệp gởi đến Bắc Kinh. Nhưng chính quyền cũng thường trấn áp thô bạo, bắt giữ những người biểu tình.

AFP nhận xét, một tấm ảnh của luật sư Lê Quốc Quân được em trai ông là Lê Quốc Quyết đăng trên Facebook hôm nay cho thấy ông Quân tuy ốm hơn nhưng có vẻ khỏe khoắn, đang tươi cười ôm lấy người thân, chỉ sau hai tiếng đồng hồ đã thu hút được 1.500 like. Ông nói với hãng tin Pháp, việc bỏ tù ông là một "thất bại của tư pháp", và ông muốn giúp đỡ những người có tình cảnh tương tự vẫn đang phải chịu đựng trong tù. Blogger này luôn bác bỏ các cáo buộc đối với mình.

Việt Nam thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các chính phủ phương Tây tố cáo thái độ cứng rắn đối với các nhà ly khai, vi phạm tự do tôn giáo. Nhưng Hà Nội đang tìm cách siết chặt quan hệ ngoại giao và thương mại với cựu thù Mỹ, để làm đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông, nên có vẻ hòa dịu hơn trước những tiếng nói chỉ trích trong nước.

Năm ngoái, sau khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng biến thành bạo động. Một số nhà máy ngoại quốc bị phóng hỏa, ít nhất hai công nhân Trung Quốc thiệt mạng.

Việt Nam còn là đối tác đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thành lập khu vực tự do mậu dịch khổng lồ, vốn là dự án ưu tiên của Hoa Kỳ. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ lên đường công du Mỹ tháng tới. Đây là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một lãnh đạo đảng.

Một dấu hiệu khác cho sự thay đổi trong quan hệ: Washington mới đây đã ca ngợi những "tiến bộ" về nhân quyền tại Việt Nam, nói rằng số tù nhân lương tâm từ 160 trong năm 2013 nay chỉ còn khoảng 100 người, và "về mặt chính thức", "hầu như không có ai" bị truy tố về các hoạt động hay phát biểu mang tính chính trị trong năm nay.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch cho biết không nghĩ rằng việc phóng thích luật sư Lê Quốc Quân có quan hệ với đàm phán TPP, vì ông Quân đã phải chấp hành toàn bộ bản án. Ông Robertson nói: "Nhưng sẽ là điều tốt nếu chính phủ Mỹ dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu Việt Nam từ nay chấm dứt sách nhiễu ông Quân, để cho ông được thực hiện các quyền của mình mà không có sự ngăn trở hay trả thù nào". - RFI

***
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân được trả tự do sau khi mãn hạn tù và nói bản án 30 tháng tù mà ông bị cáo buộc về tội trốn thuế là 'hoàn toàn oan ức' và 'sai trái'.

Ông Quân nói với BBC ngay sau khi ra tù, hôm 27/6/2015, rằng việc ông bị bắt giữ và bỏ tù không 'làm thay đổi gì' tới ý muốn "làm những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam" của ông, nhưng có thể ông sẽ có một số 'điều chỉnh' về cách thức đấu tranh.

Trước mắt, ông Quân nói là ông sẽ 'kiểm tra sức khỏe' và ông cũng cho hay là ông không có dự định 'ra nước ngoài' mà muốn ở lại Việt Nam.

Hôm 26/6, em trai của luật sư bất đồng chính kiến, ông Lê Quốc Quyết nói là sức khỏe của anh trai của ông 'vẫn tốt'.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của BBC với ông Lê Quốc Quân.

BBC: Cảm xúc của ông như thế nào sau khi ra tù?

Ông Lê Quốc Quân: Tôi ra tù vào lúc 7:30 sáng nay. Họ thả ngay tại cổng trại và tôi có gia đình đón.

Cảm xúc rất vui và hạnh phúc vì được gặp em, gặp vợ và bạn bè thân hữu ngay tại đây.

BBC: Kế hoạch sắp tới của ông là gì, thưa ông?

Ông Lê Quốc Quân: Trước mắt tôi muốn kiểm tra sức khỏe, về quê thắp hương tổ tiên và cập nhật thêm thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội.

BBC: Vừa qua một số tổ chức nước ngoài đã viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam phục hồi giấy phép hành nghề luật sư cho ông. Đây có phải là điều ông muốn đạt được trong thời gian tới?

Ông Lê Quốc Quân: Đó là một trong những mong muốn rất lớn của tôi. Trong tù vừa rồi tôi có tiến hành tuyệt thực và tọa kháng từ ngày 10 tới ngày 24/6.

Mục tiêu của tôi là đòi công lý cho mình và những người bị giam oan khác ở Việt Nam. Tất cả những điều này có biên bản giấy tờ. Viện Kiểm sát, Tổng cục 8 họ cũng đã ghi nhận những thông tin này.

Một trong những điều tôi muốn là có được thẻ hành nghề luật sư và được bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình trong thời gian bị bắt giữ mà tôi cho là hoàn toàn oan ức và sai trái.

BBC: Họ đã phản hồi trước những yêu cầu này như thế nào thưa ông?

Ông Lê Quốc Quân: Tất cả những ngày tôi tuyệt thực và tọa kháng thì họ cũng chỉ ghi nhận, có biên bản, giấy tờ và ghi hình, ghi lời lại. Phía bên trại họ nói là chỉ giam giữ theo bản án và hết bản án thì ra, còn phản ứng chính thức thì chưa có.

'Không làm thay đổi gì'

BBC: 30 tháng tù đã thay đổi những gì trong ông?

Ông Lê Quốc Quân: Việc giam giữ không làm thay đổi gì cả vì cá nhân tôi chỉ muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam. Tôi thực sự mong muốn một đất nước Việt Nam giàu đẹp, phát triển, thịnh vượng, khi đó mới đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nhưng tất nhiên là có nhiều những cách thức làm việc, thái độ và quan điểm của mình thì có những điều chỉnh khác đi.

Quả thật thì thời gian 30 tháng cũng cho tôi nhiều suy ngẫm rất đáng lưu ý.

BBC: Ông đã bao giờ nghĩ tới việc đấu tranh từ Hoa Kỳ như các ông Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải hay chưa?

Ông Lê Quốc Quân: Phía Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam nói tôi có thể có cơ hội ra nước ngoài, nhưng tôi đã từ chối.

Tôi thực sự yêu đất nước và muốn ở lại Việt Nam. Tại đây tôi cũng có gia đình, bạn bè và tôi không muốn ra đi.

BBC: Thời gian qua có những người được trả tự do, như ông Nguyễn Quang Lập, nhưng bị nói là vẫn đang trong quá trình điều tra. Một số ý kiến nói đây là thủ thuật mới của chính quyền nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng mà không phải bỏ tù họ. Ông sẽ đối phó ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh này?

Ông Lê Quốc Quân: Tôi là một luật sư nên sẽ tận dụng tất cả kiến thức và sự hiểu biết của mình để sống đúng pháp luật và cũng hy vọng các cơ quan thực thi pháp luật làm việc theo đúng trình tự. Còn tôi cũng không làm chủ được tất cả các hoàn cảnh.

Cáo buộc trốn thuế

Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 do bị cáo buộc tội 'Trốn thuế' theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Đến tháng 10 năm 2013, Tòa án TP Hà Nội tuyên án ông 30 tháng tù và phạt công ty của ông 1,2 tỷ đồng.

Bản án này được tòa phúc thẩm vào tháng Hai năm 2014 giữ nguyên.

Sinh năm 1971, ông Quân từng là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tích cực trước khi bị bắt.

Luật sư Lê Quốc Quân cũng là tiếng nói bất đồng mạnh mẽ ở Hà Nội và từng bị giam 100 ngày sau khi du học từ Hoa Kỳ về nước. - BBC
|
|

6.
Chính quyền Thái hủy buổi phúc trình của HRW về tình hình người Thượng VN

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm nay 26 tháng 6 có kế hoạch họp với báo giới tại Câu lạc bộ Nhà báo Quốc tế ở Bangkok, để công bố phúc trình về việc chính quyền Việt Nam ngược đãi người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Thế nhưng theo như báo trước một hôm, cuộc họp báo bị chính quyền Thái Lan hủy vào giờ phút chót.

Chờ đợi đến phút chót

Lực lượng an ninh mặc thường phục có mặt từ lúc 9:30 sáng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế ở thủ đô Thái Lan nơi cuộc họp báo theo kế hoạch sẽ được tiến hành. Sau đó xuất hiện cảnh sát mặc sắc phục của Thái tại tòa nhà nơi đặt trụ sở CLB Nhà báo Quốc tế.

Tuy nhiên theo giờ thông báo là 10:30 sáng cuộc họp báo bắt đầu, nhiều nhà báo đã tập trung để tham dự; trong khi đó Ban Điều hành CLB Nhà báo Quốc tế cũng như thành viên của Human Right Watch đều chờ đợi thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng Thái Lan về việc phải hủy cuộc họp báo.

Đến giờ họp báo, người đại diện của CLB Nhà báo Quốc tế tại Bangkok là bà Veronica Pedrosa, thông báo chính thức cuộc họp báo phải bị hủy bỏ theo lệnh của cơ quan chức năng Thái Lan:

Đại ý theo bà này thì Hội đồng Quốc gia Vì Hòa Bình và Trật tự (NCPO- tức chính phủ quân nhân Thái Lan hiện nay) thông qua cảnh sát địa hạt Lumpini của thủ đô Bangkok thông cáo cho CLB Nhà báo Quốc tế cũng như HRW là theo Điều khoản 44 không được tổ chức sự kiện này bởi nó nhạy cảm cho quan hệ Thái Lan- Việt Nam và có thể gây nên bất ổn và bất an tại Thái Lan.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, ngay sau khi có thông cáo chính thức từ phía cơ quan chức năng Thái Lan tỏ ra thất vọng và ngạc nhiên về quyết định buộc phải hủy cuộc họp báo về vấn đề người sắc tộc Tây Nguyên ở Việt Nam. Theo ông này thì vấn đề không liên quan gì đến Thái Lan cả.

Thông cáo chính thức được Human Right Watch đưa ra vào trưa ngày 26 tháng 6 nêu rõ việc hủy bỏ cuộc họp báo là bị cưỡng bức. Theo HRW thì qua việc can dự bảo vệ những vi phạm nhân quyền của một quốc gia láng giềng đối với một nhóm người tại nước đó và ngăn cản một cuộc họp báo được lên kế hoạch trước, chính quyền quân sự Thái Lan đang vi phạm quyền tự do hội họp và cho thấy sự khinh thường quyền tự do báo chí. Hành động của chính quyền Thái Lan hôm nay là dấu chỉ mới nhất chứng tỏ rằng Thái Lan chọn đứng về phía các chế độ độc tài trong khối ASEAN trong khi tăng cường thêm nữa đàn áp tại Thái Lan.

Ông Phil Robertson cho rằng có sự tác động của chính quyền Việt Nam đối với chính phủ Thái để buộc hủy cuộc họp báo.

Một nhà báo nước ngoài đang ở Thái Lan và đến dự cuộc họp báo bị hủy, bà Jane Grant, cho biết ý kiến về quyết định của chính quyền quân nhân Thái Lan không cho HRW tiến hành kế hoạch đã định để trình bày phúc trình về việc bách hại người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên:

Đại ý theo bà này thì quyết định của chính phủ Thái là cẩn trọng không muốn làm tổn thương vị khách Việt Nam sẽ đến thăm Thái Lan vào cuối tháng.

Bà này cho rằng sự việc quá tồi tệ vì bà không thể có được những thông tin về người sắc tộc Tây Nguyên mà bà muốn biết được.

Nội dung phúc trình

Bản phúc trình dài 33 trang của HRW lần này có tên ‘Đàn áp các nhóm tôn giáo ‘Tà đạo’: vi phạm nhân quyền đối với người thượng ở Việt Nam’.

Phúc trình căn cứ vào những tìm hiểu của HRW tại Kampuchia và Thái  Lan từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Đó là hai quốc gia mà những người sắc tộc Tây Nguyên phải bỏ quê cha đất tổ chạy trốn sang để tìm qui chế tỵ nạn. Ngoài ra phúc trình còn căn cứ trên các tin bài của báo chí chính thống tại Việt Nam.

Theo thông cáo báo chí của HRW thì ‘báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ ràng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách Nhà nước.

Tiếng nói người sắc tộc thiểu số

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, một người dân tộc Jarai theo đạo Tin lành tại xã Iapiar, huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai cũng cho biết tình cảnh của một số gia đình đồng bào sắc tộc tại địa phương như sau:

“Họ bắt bớ người bình thường thì không nói rồi, còn chúng tôi những người ra trại rồi, bị tội phản động thì chỉ có quyền duy nhất là nghe theo lời của họ thôi. Còn nếu không nghe theo lời của chính quyền ở đây thì ngày nào cũng bắt (từ) chuyện nhỏ (đến) chuyện lớn. Bắt rồi họ đem về cứ tra tấn, đánh đập vậy thôi. Chẳng biết kêu la được với ai cả.

Chúng tôi chỉ làm nông thôi chứ đâu có nghề gì. Mà như anh biết làm nông phụ thuộc vào dân buôn. Nếu dân buôn chèn ép thì… Giá cả lên còn đỡ. Vay vốn Nhà nước không được, Nhà nước đâu có ưu tiên cho vay vốn đâu. Chỉ vay vốn ở ngoài không thôi. Bây giờ người này nợ, người kia nợ, chẳng ai khá lên nổi. Như gia đình ALư nợ nần chồng chất, bán hết đất đai cũng đâu thể trả hết nợ cho dân buôn. 

Nhà nước thì coi như chúng tôi ngoài vòng rồi, chả quan tâm gì nữa. Nếu có quan tâm thì cũng chẳng đủ để chúng tôi sống được.” 

Phúc trình của HRW chính thức được phổ biến vào ngày 26 tháng 6 kêu gọi chính phủ Hà Nội phải cho những tổ chức tôn giáo độc lập được tự do thực hành tín ngưỡng của họ.

Đối với những người bị bách hại phải chạy sang Kampuchia, HRW kêu gọi chính quyền Phnon Penh phải bảo đảm cho họ có được cơ hội nộp đơn tị nạn và các yêu cầu bảo hộ được xem xét một cách công bằng.

Đối với Cao ủy Tỵ Nạn Liên hiệp quốc, HRW kêu gọi phải yêu cầu chính phủ Kampuchia cho được tiếp cận với người sắc tộc thiểu số bị bắt giữ tại khu vực biên giới và tìm cách bảo đảm để họ được cấp quyền tìm qui chế tỵ nạn.

HRW kêu gọi những nhà tài trợ cho Việt Nam gây sức ép buộc chính quyền Hà Nội chấm dứt chính sách và các hành động đàn áp khiến nhiều người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên phải bỏ xứ trốn sang Kampuchia.

Hoa Kỳ cũng được HRW kêu gọi gây áp lực đối với chính quyền Việt Nam trong việc cải tổ thực chất dự thảo luật về tín ngưỡng- tôn giáo; theo đó việc đăng ký tôn giáo không phải là bắt buộc. - RFA

Friday, June 26, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 26/6

Tin Thế Giới

1.
Vụ tấn công khủng bố ở Tunisia 'làm 27 người chết'

Ít nhất 27 người đã bị giết, trong đó có cả người ngoại quốc, trong một vụ tấn công ở bãi biển gần hai khách sạn cho khách du lịch ở thị trấn nghỉ mát Sousse của Tunisia, theo Bộ Nội vụ nước này cho biết.

Các viên chức nói một tay súng đã bị bắn chết và một người khác đang bị truy đuổi trong khi 6 người bị thương trong vụ này.

Sousse là một địa điểm du lịch được ưa chuộng.

Tunisia đã ở trong tình trạng báo động từ hồi tháng Ba khi phe dân quân giết chết 22 người, chủ yếu là du khách, trong một cuộc tấn công vào một bảo tàng ở thủ đô Tunis.

Bộ nội vụ nói với BBC là đang xảy ra "một vụ tấn công khủng bố".

Một người Anh đang đi nghỉ nói với BBC rằng ông nghe thấy tiếng động từ vụ tấn công ở khách sạn bên cạnh. Từ phòng mình ông trông thấy một người đàn ông cầm súng lục nhưng không rõ liệu đây là kẻ tấn công hay nhân viên lực lượng an ninh.

Vị khách này nói ông và những khách khác được yêu cầu phải trú ẩn trong khu vực của nhân viên khách sạn và dặn đợi cho tới khi được báo mọi sự đã an toàn.

Một hình ảnh được truyền đi trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông nằm úp mặt xuống cát và quanh đầu ông ta trông như dính máu.

Nhóm dân quân Hồi giáo IS đã kêu gọi những người ủng hộ họ hãy gia tăng các vụ tấn công trong tháng ăn kiêng của người Hồi giáo, tháng Ramadan, nhưng chưa có ai lên tiếng nói rằng họ là người đứng đằng sau vụ tấn công này. - BBC
|
|

2.
Pháp: Taxi Pháp đốt xe UberPop, cao bồi Pháp chống cao bồi Mỹ --- Khủng bố làm người thiệt mạng, cảnh sát bắt giữ một nghi can.

Bất bình vì chính phủ Pháp chậm chạp thực hiện lời hứa ngăn cấm dịch vụ taxi song hành không bảng hiệu, không đóng thuế, UberPop, gần 3000 tài xế taxi truyền thống đã tham gia một ngày phản kháng đưa đến bạo động đốt xe suốt ngày thứ năm 25/06/2015 nhất là trên các trục giao thông dẫn đến phi trường.

Hôm nay, dưới bức ảnh một chiếc xe sang trọng bị lật đưa bốn bánh lên trời, nhật báo Le Figaro đề tựa: Chính phủ Pháp bất lực vì chiến tranh taxi. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi: Tại sao chiến tranh taxi làm rung chuyển nước Pháp? Theo Les Echos, một bên là hành động tranh đấu bạo động của giới taxi bảo vệ nồi cơm và bên kia là cách làm ăn bất chính của UberPop, chi nhánh của một tập đoàn quốc tế ở California. Chính phủ đứng giữa bất lực, mọi phe đều thiệt hại.

Trong bài phân tích "Cao bồi chống độc quyền", nhật báo Le Monde nhắc lại thế trận của "hai phe". Một bên là giới taxi chuyên nghiệp, được đào tạo, đầu tư từ 200 ngàn đến 350 ngàn để được giấy phép hành nghề, cái giá phải trả để được bảo vệ độc quyền. Bên kia là tập đoàn Uber ở California, với doanh số 40 tỷ đôla, đã phát triển mạnh nhờ khai thác kỹ thuật số, điện thoại "thông minh" (đa năng) để phá vỡ thế độc quyền của taxi truyền thống tại nhiều nước trên thế giới.

Theo Le Monde, nếu Uber tôn trọng đạo luật hiện hành cấm hành nghề lậu (luật Thévenaud được Quốc hội biểu quyết vào tháng 10/2014) thì tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Vấn đề là Uber tiến thêm một bước thành lập UberPop, xâm nhập thị trường Pháp từ một năm nay cho phép chủ nhân một chiếc xe du lịch, không được đào tạo chuyên môn, không bảo hiểm xã hội, sử dụng xe riêng của mình để chở khách với giá rẻ hơn. Tình trạng này đã gây bất bình cho ngành taxi truyền thống, chưa kể chiến lược "cao bồi" của chủ nhân Uber.

Tay tỷ phú này tuyên bố thẳng thừng "mở trận đấu chính trị với taxi". Tại Pháp, cũng như tại nhiều nước, Uber sử dụng mọi phương tiện tài chính và nhân sự cùng những lắt léo của pháp luật, kể cả dựa vào Hiến pháp của quốc gia sở tại, để chống án, câu giờ và tiếp tục làm ăn, làm giới taxi chuyên nghiệp nổi đóa. Tuy nhiên, theo Le Monde, giới taxi truyền thống phải tự trách mình trước. Mọi người đều biết hệ thống taxi hiện nay không đủ xe phục vụ khách hàng, giá cả lại đắt, dịch vụ thiếu chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thủ cạnh tranh. Theo Le Monde, giải pháp tốt đẹp nhất là thay vì "cố thủ", taxi Pháp lẽ ra phải tự canh tân từ 10 năm nay. Vì không phản ứng kịp lúc, ngày nay họ chỉ còn con đường duy nhất là tự vệ sống còn với một phương pháp cũng thuộc loại "cao bồi", không thể chấp nhận được.

Đối với Le Figaro, khó khăn của taxi truyền thống chỉ là trường hợp điển hình của sự tiến hóa xã hội và công nghệ: Giới trẻ thích sử dụng dịch vụ UberPop hơn là gọi taxi. Vấn đề là chính phủ, giới trách nhiệm chính trị phải tiến cùng vận tốc với thời đại nếu không kỹ thuật số sẽ biến thế giới thành rừng hoang. Viễn ảnh này được nhật báo cánh tả Liberation gọi là "Uber hóa xã hội". Kinh tế cổ truyền sẽ bị đào thải theo thuyết tiến hóa của Darwin: cái cũ bị hủy hoại để được thay thế bằng cái mới. Biến thành Uber hay bị Uber đập tan. Đó mới là vấn đề. - RFI

***
Vụ nổ khủng bố xẩy ra vào lúc 10h sáng nay, 26/06/2015, tại cơ sở sản xuất khí đốt thuộc tập đoàn Mỹ Air Products, ở phía bắc Isère, gần thành phố Lyon, miền nam nước Pháp. Trên hiện trường, có một đầu người cạnh các lá cờ của khủng bố. Có ít nhất hai người bị thương trong vụ này.

Bộ phận chống khủng bố của Viện Công tố Pháp mở điều tra. Theo các thông tin ban đầu, một hoặc những kẻ khủng bố đã đi xe hơi tới khu vực nhà máy và lao vào khu vực kho chứa các bình ga. Một nhân chứng cho biết, đã có một tiếng nổ lớn. Tại hiện trường, hiến binh Pháp tìm thấy một thi thể không có đầu và cách đó không xa, một đầu người mắc trên hàng rào. Mặc dù cảnh sát đã che kín khu vực có đầu người, nhưng từ xa, người ta vẫn nhìn thấy hai lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo mắc trên hàng rào nhà máy. Theo AFP, đây có thể là một cảnh được dàn dựng, làm người ta nhớ đến những hình ảnh đầu người bị khủng bố Nhà nước Hồi giáo chặt đầu.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve có mặt ở tỉnh lân cận, đã đáp trực thăng tới hiện trường vụ khủng bố. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang công du Nam Mỹ đã ra lệnh áp dụng biện pháp "tăng cường cảnh giác" đối với các cơ sở nhậy cảm trong vùng Rhone-Alpes, miền trung nam nước Pháp. Tổng thống François Hollande, đang dự thượng đỉnh Châu Âu tại Bruxelles, trở về Paris vào đầu chiều nay để chủ trì một cuộc họp của Hội đồng quốc phòng, tại điện Elysée, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Jean Yves Le Drian.

Cảnh sát đã bắt giữ một nghi can. Theo Tổng thống Pháp, người này không có giấy tờ tùy thân và từ chối trả lời. Tuy nhiên, cảnh sát cũng đã xác định được danh tánh của người này. Vụ tấn công này xẩy ra trong bối cảnh chính quyền Paris lo ngại có các vụ khủng bố mới ngay trên lãnh thổ nước Pháp, đặc biệt là sau vụ bắt giữ một sinh viên Algéri, hồi tháng Tư vừa qua. Người này bị nghi ngờ có kế hoạch tấn công vào một nhà thờ ở Villejuif, ngoại ô Paris.

Kể từ sau loạt khủng bố hồi tháng Giêng làm 17 người thiệt mạng, chính phủ Pháp đã áp dụng kế hoạch cảnh giác chống khủng bố chặt chẽ và Bộ Nội vụ đã nhiều lần cảnh báo là mối đe dọa khủng bố tại Pháp rất cao. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tình báo Mỹ: Trung Quốc là nghi can chính trong vụ tin tặc

Giới chức cao cấp nhất của tình báo Mỹ hôm qua nói rằng Trung Quốc là nghi can hàng đầu trong cuộc điều tra vào vụ tin tặc quy mô lớn, đánh cắp các dữ liệu về công nhân viên chính phủ liên bang Mỹ.

Nhận định của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper là lần đầu tiên một giới chức Mỹ trực tiếp tố cáo Trung Quốc về vụ dữ liệu bị tiết lộ.

Phát biểu tại một hội nghị về tình báo ở Washington và đề cập tới mức độ khó khăn của cuộc tấn công mạng, ông Clapper nói: “Theo một cách nào đó, chúng ta phải khâm phục người Trung Quốc về những gì họ đã làm.”

Một thông báo do văn phòng ông Clapper công bố sau đó xác nhận những lời phát biểu của ông, trong khi nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục điều tra vụ tấn công mạng này.

Hoa Kỳ chưa công khai tố cáo chính quyền Trung Quốc là đứng sau cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân viên (OPM), nhưng nhiều giới chức khác nhau đã nói rằng càng ngày họ càng tin hơn  về vai trò của Trung Quốc trong vụ tin tặc này. - VOA
|
|

4.
Ông Obama đọc điếu văn tại lễ tang nạn nhân vụ thảm sát Charleston

Tổng thống Barack Obama sẽ đọc một bài điếu văn hôm nay tại tang lễ của thượng nghị sĩ tiểu bang South Carolina Clementa Pinckney, một trong 9 người thiệt mạng trong một vụ nổ súng vào một nhà thờ lịch sử của người Mỹ da đen, nơi ông làm mục sư.

Nhiều người đã đến viếng ông Pinckney trong một buổi canh thức tại nhà thờ của ông ở Charleston đêm qua.

Vị mục sư này cùng 8 người khác đã bị sát hại bởi một tay súng người da trắng trong một vụ tấn công dường như vì hận thù chủng tộc tiếp theo một buổi học Thánh Kinh tại Nhà thờ Mother Emanuel AME trong tuần trước.

Trước đó trong ngày hôm qua, hàng trăm người để tang đã dự 2 tang lễ đầu tiên của các nạn nhân, trong đó có đám tang của bà Ethel Lance, 70 tuổi.

Người cháu trai của bà là Brandon Risher đã lên tiếng: “Phần lớn mọi người chết đi không cần phải tiêu biểu cho một hình tượng nào. Bà cùng 9 nạn nhân khác lại phải làm điều đó – Bà phải tiêu biểu cho một thứ gì mà tất cả chúng ta biết là có ở đó, phải chăng là sự hận thù? Bà là một nạn nhân của sự hận thù, nhưng bà có thể là biểu tượng cho tình thương, bởi vì đó chính là bản chất của bà lúc còn sống.”

Tình thương thắng hận thù là một chủ đề được nhắc đi nhắc lại ở Charleston kể từ khi kẻ bị cáo buộc là thủ phạm, Dylan Roof, 20 tuổi, đã làm tan nát cuộc đời của biết bao nhiêu người và làm cả nước phải chú ý.

Mục sư Jesse Jackson, một nhà hoạt động cho dân quyền phát biểu: “Tôi nghĩ giống y như vụ giết hại Tiến sĩ King năm 1968 đã là một thời khắc gây chuyển biến, biến cố này cũng có thể là một thời khắc gây chuyển biến. Vụ thảm sát ở nhà thờ Mother Emanuel sẽ được nhắc nhở đến như một dấu mốc lịch sử.”

Phản ứng trước những vụ sát hại vì lý do chủng tộc đang hình thành, với một số tiểu bang miền nam quyết định gỡ bỏ khỏi các tòa nhà của tiểu bang lá cờ trận của phe nổi dậy, thường được dùng để tiêu biểu cho sự ưu việt của người da trắng.

Người đàn ông bị cáo buộc là thủ phạm vụ giết người hàng loạt này là một người đã thú nhận theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đã chụp ảnh cầm lá cờ trận của miền Nam thời nội chiến Mỹ.

Trong khi đó, các tang lễ của 6 nạn nhân còn lại dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Biển Đông: Giàn khoan HD-981 lại xuống gần vùng biển Việt Nam

Chỉ vài tuần trước chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc vào hôm qua 25/06/2015 loan báo việc đã cho di chuyển giàn khoan HD-981 xuống vùng Biển Đông đang tranh chấp, hướng về bờ biển Việt Nam. Theo một chuyên gia tại Singapore, giàn khoan này nằm ở một vùng chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế hai nước ở phía Nam đảo Hải Nam.

Theo hãng tin Anh Reuters, chính Cục Hải sự, tức cơ quan phụ trách an toàn hàng hải của Trung Quốc, đã loan báo tin trên trên trang web của mình, cho biết là giàn khoan HD-981 sẽ thực hiện "các hoạt động khoan dò" tại vùng biển cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam 75 hải lý về phía nam.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore thẩm định rằng giàn khoan Trung Quốc hiện có dấu hiệu đang ở nơi chồng lấn giữa hai vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng xa hơn vị trí hạ đặt giàn khoan này vào năm ngoái, ngay trên thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Cục Hải sự Trung Quốc, vị trí khoan dò của HD-981 lần này nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 104 hải lý (167 km) về phía đông. Giàn khoan này sẽ hoạt động từ ngày 25/06 cho đến ngày 20/08.

Và như thông lệ, phía Trung Quốc yêu cầu mọi tàu thuyền tránh xa khu vực này trong một bán kính 2.000 m "vì lý do an toàn".

Báo Tuổi Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là giới hữu trách Việt Nam đang theo dõi sát động thái của giàn khoan.

Giới quan sát đã gắn liền việc Trung Quốc điều giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam với chuyến thăm Mỹ sắp đến của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chuyến đi được cho là có khả năng sưởi ấm thêm quan hệ Việt-Mỹ, điều mà Trung Quốc không hài lòng.

Việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào hạ đặt ngay trong vùng mà Việt Nam xem là thềm lục địa của mình vào tháng Năm 2014 đã làm dấy lên làn sóng chống Trung Quốc tại Việt Nam, gây căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung trong nhiều tháng trời.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, được Reuters trích dẫn, lần này có lẽ là chính quyền Việt Nam sẽ không phản ứng mạnh. Lý do là giàn khoan năm nay đặt bên trong vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố tính từ đảo Hải Nam, chứ không phải là tại vùng quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp như vào năm ngoái. - RFI
|
|

6.
Nhân quyền Việt Nam và Asean theo báo cáo Mỹ --- Ông Lê Quốc Quân "sắp ra tù" --- Đi đón tù nhân lương tâm Trịnh Bá Khiêm bị đánh hội đồng

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 25/6 công bố Báo cáo thường niên tình hình nhân quyền các nước, trong đó có Việt Nam.

Đây là năm thứ 39 Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện báo cáo nhân quyền theo yêu cầu của Quốc hội.

Dưới đây là một phần tóm tắt trong báo cáo về nhân quyền tại 10 nước trong ASEAN:

Brunei

Các vấn đề nhân quyền phổ biến nhất là việc công dân không thể thay đổi chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng, hạn chế tự do tôn giáo và bóc lột người lao động nước ngoài.
Các vấn đề nhân quyền khác gồm hạn chế tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội.

Myanmar

Các vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine là sự trái ngược gây nhiều lo lắng, khác với xu hướng tiến bộ từ 2011, gồm việc thả tù nhân chính trị năm 2012, nỗ lực cải thiện điều kiện trong tù và tiếp tục đàm phán để có ngừng bắn lâu dài.

Tại bang Rakhine, chính quyền trung ương và địa phương hạn chế nghiêm trọng việc tiếp cận nhân đạo và không làm gì mấy để giải quyết nguồn gốc bạo lực và phân biệt. Chính phủ không lập tiến trình công bằng để trao quyền công dân đầy đủ, không phân biệt cho người Rohingya vô tổ quốc. Hồi tháng 11 năm 2014, hơn 16.000 người Rohingya chạy trốn bằng thuyền chỉ trong hai tuần, chủ yếu có sự khuyến khích của an ninh, quân đội, kẻ buôn lậu và buôn người.

Các vấn đề nhân quyền lớn khác tiếp tục trên cả nước, đặc biệt ở các vùng xung đột, gồm hãm hiếp, bạo lực tình dục; các vụ bắt giữ có động cơ chính trị và nói chung là thiếu pháp luật, dẫn đến tham ô và lấy đất sâu rộng mà không đền bù đầy đủ; các vụ bắt nhà báo; và hạn chế tự do truyền thông. Chính quyền không bảo vệ dân ở các vùng xung đột.

Nhiều luật hạn chế tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, tôn giáo, đi lại vẫn tồn tại, và giới chức tiếp tục áp dụng.

Campuchia

Ba vấn đề nhân quyền hàng đầu là việc tùy tiện tạm ngừng quyền tụ họp ở thủ đô, tòa án thiếu hiệu quả và bị chính trị hóa, và hạn chế tự do báo chí.

Các vấn đề nhân quyền khác gồm hành hạ tù nhân, tham nhũng lan rộng, các cơ quan nhân quyền chính phủ thiếu hiệu quả, và buôn người.

Indonesia

Chính phủ không có điều tra công khai minh bạch về một số cáo buộc giết người, tra tấn, hành hạ của lực lượng an ninh.

Chính phủ áp dụng luật mưu phản, báng bổ, phỉ báng, hành vi lịch sự để hạn chế tự do biểu đạt, hội họp. Mặc dù có các vụ kết tội và bắt giữ gây tiếng vang, nhưng tham nhũng rộng khắp trong chính phủ, tòa án và an ninh vẫn là vấn đề.

Sự thụ động của cảnh sát, thiếu bảo vệ nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo, hành hạ tù nhân và người bị tạm giam, điều kiện vất vả trong tù, buôn người, lao động trẻ em, và không thi hành tiêu chuẩn lao động và quyền công nhân vẫn là vấn đề.

Lào

Các vấn đề nhân quyền quan trọng nhất vẫn là chính phủ không cho công dân quyền thay đổi chính phủ, điều kiện trong một số nhà tù khắc nghiệt, và tham nhũng trong cảnh sát và tòa án khiến cho thiếu tiến trình công bằng, các vụ bắt giữ và tạm giam tùy tiện.

Malaysia

Các vấn đề nhân quyền lớn nhất là chính phủ hạn chế tự do biểu đạt – gồm ngôn luận, hội họp, lập hội và truyền thông. Hạn chế tự do tôn giáo cũng là quan ngại lớn.

Philippines

Các vấn đề nhân quyền lớn nhất vẫn là các vụ giết người và làm mất tích của lực lượng an ninh và các nhóm dân sự; hệ thống luật hình sự quá tải và yếu ớt nổi bật vì thiếu hợp tác giữa cảnh sát và điều tra viên; hồ sơ yếu kém các vụ truy tố và kéo dài thủ tục; và tham nhũng chính quyền và lạm dụng quyền lực rộng khắp.

Singapore

Chính phủ có thể và đã kiểm duyệt truyền thông (từ show truyền hình đến website) nếu cho rằng nội dung gây hại cho hòa thuận xã hội hay chỉ trích chính phủ. Luật An ninh Nội bộ (ISA) cho phép bắt giam mà không cần trát, khởi tố hay quy trình xem xét của tòa án. Trong những năm gần đây, chính phủ dùng luật này với những người bị cáo buộc là khủng bố chứ không dùng với người của phe đối lập chính trị.

Thái Lan

Ngày 22/5/2014, trong một cuộc đảo chính không đổ máu, quân đội và cảnh sát, lấy tên Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), do Tướng Prayut Chan-Ocha dẫn đầu, đã lật đổ chính phủ lâm thời của đảng Puea Thai.

Các lãnh đạo đảo chính bãi bỏ hiến pháp (ngoại trừ các điều khoản liên quan nền quân chủ, tạm ngừng quốc hội, tiếp tục thiết quân luật đã áp dụng hai ngày trước đó, và ban hành nhiều nghị định hạn chế tự do dân sự. NCPO công bố hiến pháp tạm thời ngày 22/7, bổ nhiệm người vào quốc hội ngày 31/7, và các thành viên quốc hội thống nhất lựa chọn lãnh đạo đảo chính, Tướng Prayut, làm thủ tướng ngày 21/8.

Ngoài các hạn chế nhân quyền do đảo chính, các vấn đề nhân quyền kéo dài nhất là sự vi phạm của an ninh và tình nguyện viên quốc phòng địa phương trong cuộc nổi dậy Malay-Hồi giáo ở ba tỉnh miền nam, và thỉnh thoảng có sự dùng vũ lực quá tay của an ninh, trong đó có việc giết người của cảnh sát, tra tấn, hành hạ nghi phạm, người bị tạm giữ và tù nhân. Sau đảo chính 22/5, công dân không còn khả năng thay đổi chính phủ thông qua quyền bầu cử trong bầu cử tự do và công bằng.

Việt Nam

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc đoán do một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam - thống trị. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất, tổ chức năm 2011, đã diễn ra một cách không tự do và không công bằng. Chính quyền vẫn duy trì sự kiểm soát có hiệu quả đối với các lực lượng an ninh.

Những vấn đề quyền con người nổi bật nhất trong nước vẫn là: sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng; hạn chế quyền tự do dân sự của công dân; không bảo vệ đủ quyền pháp lý của công dân, gồm bảo vệ trước sự bắt bớ vô cớ.

Những vi phạm quyền con người cụ thể bao gồm việc làm chết người tùy tiện và phi pháp; các vụ tấn công của công an và tra tấn; bắt giữ và tạm giam tùy tiện vì hoạt động chính trị; công an tiếp tục đối xử không tốt với nghi phạm khi bắt giữ và tạm giam; và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng. Hệ thống tòa án không minh bạch và thiếu độc lập, ảnh hưởng kinh tế và chính trị thường xuyên tác động kết quả xử án. Chính quyền hạn chế các quyền tự do ngôn luận, báo chí và trấn áp những người bất đồng quan điểm; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet, tự do tôn giáo; theo dõi các nhà hoạt động; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do đi lại.

Mục 'Tra tấn' trong Báo cáo Nhân quyền thường niên về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu một loạt vụ việc:

Đó là các vụ bắt nhà báo tự do Trương Minh Đức (Bình Dương), ông Bùi Văn Luốt và Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa hảo, Vĩnh Long), bà Trần Thị Nga, bà Nguyễn Ngọc Lụa (TPHCM), ông Ngô Thanh Kiều (chết trong đồn công an Tuy Hòa, Phú Yên), các ông Y Ket Bdap (bị đánh chết sau khi vào đồn công an) và Y Abuil Bkrong (bị bắt) ở Đắk Lắk.

***
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân sắp mãn hạn 30 tháng tù về tội 'Trốn thuế', gia đình ông cho biết.

11 tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ luật sư và tự do báo chí đã gửi thư kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng các hành động đàn áp đối với ông Quân sau khi ông ra tù.

"Ngày 27/6 là ông Quân mãn hạn và được cho ra tù", ông Lê Quốc Quyết, em trai ông Quân, nói với BBC hôm 26/6.

"Lần cuối anh em tôi gặp nhau là ngày 7/6 vừa rồi, cách đây gần 20 ngày".

"Anh Quân vẫn khỏe mạnh và tinh thần tốt."

Ông Quyết nói chưa được biết kế hoạch sắp tới của ông Quân như thế nào, nhưng cho biết "anh tôi xưa nay vẫn thể hiện tinh thần sẽ không có gì thay đổi."

Ông cũng cho biết "gia đình càng gần ngày ông được thả thì càng có tâm trạng sốt ruột, muốn anh ra bình yên".

Cũng theo ông Quyết, "từ ngày về trại cải tạo thì họ vẫn đối xử đúng luật và không có ngược đãi trong quá trình cải tạo."

"Thế nhưng trong thời gian tạm giam ở Hỏa Lò thì có nhiều cái đối xử không được tốt như hạn chế nước uống và những thứ khác."

Hôm 25/5, 11 tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ luật sư và tự do báo chí quốc tế, trong đó bao gồm Ấn xá Quốc tế, Tổ chức Mặt trận Điện tử, đã gửi thư kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng ngược đãi, sách nhiễu và bắt giữ trái phép ông Lê Quốc Quân sau khi ông ra tù.

Thư cũng kêu gọi phục hồi giấy phép hành nghề luật sư, đồng thời đền bù những thiệt hại mà ông phải gánh chịu trong thời gian bị cầm tù.

Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 vì tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Đến tháng 10 năm 2013, Tòa án TP Hà Nội tuyên án ông 30 tháng tù và phạt công ty của ông 1,2 tỷ đồng.

Bản án này được tòa phúc thẩm vào tháng Hai năm 2014 giữ nguyên.

Sinh năm 1971, ông Quân từng là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam và sau đó bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh dân chủ tích cực trước khi bị bắt, ông đã bị cáo buộc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật sư Lê Quốc Quân cũng là tiếng nói bất đồng mạnh mẽ ở Hà Nội và từng bị giam 100 ngày sau khi du học từ Hoa Kỳ về nước.

"Không có cải thiện"

Trả lời BBC ngày 26/6, Phó Giám đốc tại châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói việc một số tù nhân lương tâm được trả tự do gần đây không có nghĩa rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang được cải thiện.

Ông Phil Robertson cũng cho rằng Hoa Kỳ cần xem xét lại tư cách thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.

"Các hành động xâm phạm nhân quyền khiến Việt Nam không xứng đáng là một thành viên của TPP và Quốc hội Hoa Kỳ có lẽ cần có nỗ lực để loại Việt Nam ra khỏi thỏa thuận này," ông nói.

"Một số người trong chính quyền Obama nghĩ nhân quyền tại Việt Nam có cải thiện và chúng tôi hoàn toàn bất đồng với họ."

"Vẫn còn rất nhiều tù nhân chính trị và các hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến."

"Không chỉ bản thân họ bị tấn công, mà cả gia đình, chủ nhà, chủ lao động của họ cũng bị đe dọa, khiến họ bị cô lập hoàn toàn."

"Đây là hình thức đàn áp một cách có hệ thống và đã được nhiều chế độ độc tài áp dụng."

"Cho đến nay chỉ có một số tù nhân chính trị cao cấp được trả tự do, với điều kiện phải sống lưu vong", ông Phil Robertson nói

"Các nhà bất đồng chính kiến chỉ được cho ra tù nếu họ đồng ý rời bỏ đất nước, gia đình và cuộc sống của mình".

"Cái chúng tôi muốn là những người này được trả tự do một cách vô điều kiện."

"Những gì họ làm không thể bị xem là nguy hiểm và hay xúi giục nổi loạn. Họ chỉ báo cáo về tình trạng tham nhũng, lạm quyền và chính phủ cần phải lắng nghe thay vì bịt miệng họ."

"Việt Nam vẫn là nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực và chúng tôi không đồng ý rằng nhân quyền ở nước này đã có bất cứ cải thiện nào."

"Tất cả những gì họ làm chủ yếu là để đánh bóng vẻ bề ngoài để làm hài lòng Hoa Kỳ nhằm tìm cách đạt được một thỏa thuận về TPP." - BBC

***
Nhóm người dân Dương Nội và các nhà hoạt động tại Hà Nội hôm nay 25 tháng 6 đi đón tù nhân Trịnh Bá Khiêm tại Trại 6, Thanh Chương Nghệ An bị đánh đập ngay tại khu vực cổng trại.

Blogger Nguyễn Tường Thụy, một trong những nhà hoạt động cùng đi trong nhóm và cũng là nạn nhân vụ hành hung trong ngày hôm nay, cho Đài Á Châu Tự do biết vào lúc 5 giờ chiều khi đoàn đang trên đường trở về như sau:

“Nhiều côn đồ đồng hơn dân Dương Nội nhiều, họ mặc thường phục mà chúng tôi nghĩ là công an mặc thường phục hay là côn đồ, vây và rượt đuổi đánh nhiều anh em chúng tôi rất dã man. Nhiều anh em chúng tôi bị thương. Những người đồng hành với anh em Dương Nội bị đánh hầu hết như anh Trương Văn Dũng, tôi và cô Mai Thanh đều bị đánh đau. Hai đứa con của anh Trịnh Bá Khiêm bị đánh nặng; cháu Trịnh Bá Tư máu me be bét, mắt sưng. Họ đánh cả phụ nữ, cực kỳ dã man.”

Gia đình của tù nhân Trịnh Bá Khiêm trong đợt thăm vừa qua được Trại giam cho biết ông này sẽ được trả tự do trước thời hạn một tháng tức vào ngày 25 tháng 6. Do đó thân nhân, người dân Dương Nội và một số nhà hoạt động tại khu vực Hà Nội từ tối ngày 24 tháng 5 đã lên đường để hôm nay đến trại 6 Thanh Chương, Nghệ An để đón ông này về.

Ông Trịnh Bá Khiêm và vợ là bà Cấn Thị Thêu cùng bị bắt trong đợt cưỡng chế đất Dương Nội, quận Hà Đông vào ngày 25 tháng 4 năm ngoái.

Hai ông bà bị kết án tội ‘chống người thi hành công vụ’ và mức án phúc thẩm là 15 tháng tù giam cho mỗi người. Bà Cấn Thị Thêu bị bắt khi đang đứng trên một chòi để quay cảnh lực lượng cưỡng chế đất của người dân.

Bà Cấn Thị Thêu hiện còn thụ án tại trại 5 Yên Định, Thanh Hóa cùng với một số tù nhân lương tâm khác như Tạ Phong Tần, Nguyễn Đặng Minh Mẫn… - RFA