Tin Thế Giới
1.
Nghị viện Hồng Kông bác luật bầu cử do Bắc Kinh áp đặt
Dự luật cải cách bầu cử Hồng Kông bị bác tại Nghị viện trong cuộc biểu quyết ngày 18/06/2015. Đây là một thắng lợi của phe dân chủ và là thông điệp mạnh phản đối Bắc Kinh can thiệp vào các hoạt động chính trị của đặc khu hành chính này.
Dự luật cải tổ bầu cử của Hồng Kông do Trung Quốc đề nghị chỉ được 8 dân biểu tán đồng. 28 nghị viên bỏ phiếu chống. Để được thông qua, tối thiểu văn bản này cần được 47 lá phiếu ủng hộ.
Nghị viện Hồng Kông bác bỏ kế hoạch do Trung Quốc đề xuất. Theo đó Bắc Kinh đồng ý cho người dân Hồng Kông chỉ định trưởng đặc khu hành chính, nhưng các ứng viên phải là người đã được chính quyền trung ương đồng ý cho ra tranh cử.
Theo ghi nhận của AFP tất cả các đại biểu Hồng Kông đại diện cho phong trào dân chủ đều đã có mặt trong cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện để từ chối "một trò hề dân chủ". Kết quả cuộc biểu quyết nói trên đã khiến nhiều dân biểu thân Bắc Kinh phẫn nộ. Nhiều người bỏ ra về trước khi diễn ra cuộc biểu quyết.
Ở bên ngoài Nghị viện, phe dân chủ Hồng Kông vui mừng đón nhận kết quả nói trên.
Dự luật bầu cử Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt đã dẫn tới các cuộc chiếm đóng đường phố hồi mùa thu 2014, làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, tài chính Hồng Kông. Tuy nhiên theo thông tín viên đài RFI, Florence de Changy, phong trào đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông vẫn chưa tới hồi kết.
"Dự luật bầu cử Hồng Kông bị bác vì 28 nghị viên bỏ phiếu chống. Không ai ngạc nhiên về kết quả cuộc biểu quyết hôm nay, nhưng diễn biến của vụ việc sẽ được bình luận nhiều trong những ngày tới, do có khoảng 30 nghị viên thân Bắc Kinh được chỉ thị bỏ phiếu ủng hộ dự luật bầu cử, nhưng vài phút trước khi bắt đầu biểu quyết, số này đã rời khỏi Nghị viện. Đây là một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa, và được coi như một hành động phản đối nhắm vào nhà cầm quyền ở Hồng Kông.
Dù sao đi chăng nữa, sau cuộc biểu quyết hôm nay, luật bầu cử ở Hồng Kông vẫn được giữ nguyên trạng. Có nghĩa là cử tri vẫn không được quyền bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử vào năm 2017. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông sắp tới vẫn sẽ do một ủy ban gồm 1.200 người chỉ định.
Ngoài ra, các dân biểu trong Nghị viện Hồng Kông ở nhiệm kỳ tới, dự trù mở ra vào năm 2020 cũng sẽ không do dân trực tiếp bầu lên. Lý do là Hồng Kông dự trù cải tổ luật bầu cử ở cấp Nghị viện sau khi đã cải tổ luật bầu cử để chỉ định trưởng đặc khu hành chính này. Như nhận xét của lãnh đạo phong trào sinh viên Hồng Kông, Hoàng Chi Phong, kết quả cuộc biểu quyết ở Nghị viện Hồng Kông nhắc nhở mọi người rằng, công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho vùng lãnh thổ này vẫn chưa kết thúc, lý tưởng về một nền dân chủ Hồng Kông đã bị thụt lùi". - RFI
***
Cuộc tranh luận tại nghị viện đã thu hút khoảng 1.000 người biểu tình, cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối, tới các văn phòng chính phủ trong tuần này.
Nếu kế hoạch được thông qua, cử tri Hồng Kông sẽ được phép trực tiếp bỏ phiếu bầu trưởng quan hành chánh, nhưng các ứng cử viên phải có được sự chấp thuận của một ủy ban mà hầu hết các thành viên là những người trung thành với Bắc Kinh.
Bà Emily Lau, Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, mô tả như sau về những gì đã xảy ra bên trong nghị viện.
"Toàn bộ sự việc là lố bịch, bởi vì mọi người ai nấy đều biết là dự luật sẽ bị bác bỏ, nhưng có quá nhiều các nhà lập pháp thân chính quyền bỏ ra ngoài, cho nên rốt cuộc dự luật chỉ có được 8 phiếu ủng hộ và 28 phiếu chống. Do đó, đây là một sự kết thúc lố bịch của một tấn tuồng rất buồn".
Vài giờ sau cuộc biểu quyết, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc phổ biến một thông cáo nói rằng quyết định của cơ quan lập pháp Hồng Kông về cải cách bầu cử hồi tháng 8 tiếp tục có hiệu lực trong tương lai, tuy Viện Lập pháp Hồng Kông ngày hôm nay đã phủ quyết dự luật về phổ thông đầu phiếu. Tường thuật của Tân Hoa Xã không có thêm thông tin nào khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, bày tỏ thất vọng đối với cuộc biểu quyết.
"Chính phủ trung ương và chính quyền đặc khu hành chánh đã thực hiện rất nhiều nỗ lực cho vấn đề này. Việc phủ quyết kế hoạch cải cách bầu cử là một việc mà Trung Quốc không muốn thấy".
Cuộc biểu quyết hôm nay diễn ra sau nhiều tháng tranh cãi và những cuộc biểu tình chống đối thủ tục bầu cử của thành phố Hồng Kông. Mùa thu năm ngoái, hàng vạn người biểu tình đòi dân chủ đã ngăn chận nhiều con đường ở Hồng Kông để đòi quyền trực tiếp bầu ra trưởng quan hành chánh. Ông Joseph Cheung, giáo sư chính trị học của Đại học thành phố Hồng Kông, nói rằng cuộc biểu quyết hôm nay phản ánh ước muốn của dân chúng.
"Các nhà lập pháp thuộc phe dân chủ đã thật sự cảm thấy họ có trách nhiệm đáp ứng đòi hỏi này bởi vì những người này chính là nền tảng của sự ủng hộ của giới cử tri".
Giờ đây, vì kế hoạch cải cách bầu cử bị bác, Hồng Kông sẽ giữ nguyên thủ tục bầu cử hiện nay là nhà lãnh đạo thành phố sẽ được chọn ra bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, trong đó đa số là những người thân Bắc Kinh. - VOA
|
|
2.
Liên minh đối lập Malaysia tan rã
Liên minh đối lập Malaysia đã sụp đổ, chỉ vài tháng sau khi lãnh đạo Anyar Ibrahim bị bỏ tù với tội danh quan hệ đồng tính.
Dưới sự dẫn dắt của ông Anwar, lực lượng có tên Liên minh Nhân dân đã giành được những thắng lợi to lớn và là mối đe dọa lớn nhất đối với liên minh cầm quyền tại Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập.
Tuy nhiên, sau khi ông bị bắt, ba đảng phái đã đụng độ nhau về các chính sách cần theo đuổi.
Trước khi xảy ra tình trạng tan rã của liên minh đối lập, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak đã phải vật lộn giành giật lại lá phiếu cử tri.
Cuộc tranh cãi bắt đầu từ nỗ lực của Đảng Hồi giáo Liên Malaysia (Pan-Malaysian Islamic Party - PAS) theo khuynh hướng bảo thủ muốn buộc thành lập một luật lệ Hồi giáo được gọi là hudud.
Đảng Hành động Dân chủ (DAP) có đa số thành viên là người gốc Hoa phản đối việc này và hai đảng đã biểu quyết không liên hệ với nhau.
Đảng Parti Keadilan Rakyat (PKR) đa tôn giáo và đa sắc tộc của ông Anwar hôm thứ Tư tuyên bố là liên minh "không còn chính thức hoạt động nữa".
Hiện tương lai của phe đối lập vẫn chưa rõ ràng bởi một số đảng nói họ sẽ vẫn hợp tác với nhau và một số phân tích gia nói việc hòa giải rất có thể sẽ xảy ra.
Ông Anwar hồi tháng Hai đã bị án tù năm năm sau khi đơn kháng cáo của ông không thành công. Ông nói tội kê gian mà ông bị gán cho là mang động cơ chính trị.
Phiên tổng tuyển cử tới tại Malaysia sẽ diễn ra vào năm 2018. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
9 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại nhà thờ người da đen ở Charleston
9 người thiệt mạng sau khi một kẻ có súng nổ súng tại một nhà thờ của người Mỹ da đen tại thành phố Charleston của tiểu bang South Carolina tối thứ tư. Hung thủ đã tẩu thoát và cảnh sát đang điều tra vụ này như một vụ án hận thù chủng tộc. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.
Cảnh sát trưởng Charleston, ông Greg Mullen, cho báo chí biết rằng một người đàn ông da trắng trong độ tuổi 20 đã đi vào nhà thờ Emmanuel African Methodist Episcopla Church trong một buổi cầu nguyện hàng tuần và bắt đầu nổ súng. Ông Mullen nói 8 người thiệt mạng tại chỗ trong lúc một nạn nhân khác qua đời sau khi được đưa tới bệnh viện. Ông Mullen cho biết thảm kịch này đang được điều tra như một vụ án thù hận chủng tộc.
Thị trưởng Charleston, ông Joseph Riley, gọi vụ thảm sát này là “một bi kịch đau đớn không thể nào tả siết.”
"Lý do duy nhất mà một người nào đó có thể đi vào nhà thờ và bắn vào những người đang cầu nguyện là vị thù hận. Đó là lý do duy nhất. Đó là hành động hèn nhát nhất mà chúng tôi có thể tưởng tượng và chúng tôi sẽ mang kẻ đó ra trước ánh sáng công lý càng sớm càng tốt."
Tin tức báo chí cho biết một trong những người thiệt mạng là ông Clementa Pinckney, thượng nghị sĩ tiểu bang và là mục sư cai quản nhà thờ này.
Một nhóm người gồm cư dân địa phương và các vị mục sư đã tụ tập gần nơi xảy ra vụ nổ súng và đứng thành một tròn để cầu nguyện với nhau trên đường phố. Một người trong nhóm này phát biểu như sau.
"Đây là một tình huống thật khủng khiếp. Và có rất nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. Chắc chắn là có rất nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. Những gì mà chúng tôi biết được vào lúc này là một người đàn ông da trắng đi vào một nhà thờ của người da đen và nổ súng trong lúc mọi người đang cầu nguyện, đang học phúc âm. Đó là một việc không thể chấp nhận. Không thể nào chấp nhận được. Như quí vị biết, chúng tôi đã quỳ gối cầu nguyện trong một thời gian rất lâu. Chúng tôi đã quỳ gối trong một thời gian rất lâu nhưng bây giờ đã tới lúc để đứng dậy."
Cảnh sát đã phải thực hiện một cuộc di tản tại khu vực xung quanh nhà thờ sau khi nhận được một lời đe dọa đánh bom. Cảnh báo này rốt cuộc đã được huỷ bỏ.
Cảnh sát trưởng Mullen nói rằng hung thủ đang tại đào và được cho là cực kỳ nguy hiểm.
Nhà thờ Emmanuel African Methodist Episcopla Church được xây từ giữa thế kỷ 19 và là một trong những nhà thờ cổ nhất ở miền nam nước Mỹ. Trung tâm King mới đây đã tải lên trang mạng twitter một bức ảnh chụp cảnh lãnh tụ dân quyền Martin Luther King thuyết giảng tại nhà thờ này trong thập niên 1960.
Thống đốc South Carolina, bà Nikki Haley, ngỏ lời chia buồn với gia đình của các nạn nhân và nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được điều gì khiến cho một người đi vào nơi thờ phượng của chúng ta và cướp đi mạng sống của người khác.”
Ông Jeb Bush, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà, đã hủy bỏ một cuộc vận động bầu cử vốn dự trù diễn ra ở Charleston ngày hôm nay. - VOA
|
|
4.
Mỹ dự định in hình phụ nữ lên đồng 10 đôla --- FED: Kinh tế Mỹ tăng trưởng chút ít
Đồng 10 đôla của Mỹ sẽ được in hình chân dung của một nhân vật nữ nổi bật của Hoa Kỳ vào năm 2020.
Hình ảnh mới sẽ thay thế Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ. Chân dung của ông Hamilton đã xuất hiện trên đồng 10 đôla kể từ cuối những năm 1920.
Việc thiết kế lại đồng tiền này sẽ được hoàn tất đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày tu chính án của hiến pháp trao quyền bầu cử cho phụ nữ được chính thức phê chuẩn.
Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew đã công bố kế hoạch trên hôm qua. Ông nói rằng ngoài một loạt các cuộc họp mở, Bộ Tài chính sẽ tiến hành một chiến dịch trên mạng xã hội có tên gọi “Đồng 10 đôla mới” để tham khảo ý kiến của công chúng về chân dung của nhân vật sẽ được chọn in lên trên đồng tiền mới. Ông Lew dự kiến sẽ công bố quyết định trong năm nay.
Chân dung của một phụ nữ chưa được in trên tiền giấy của Mỹ kể từ năm 1896, là thời điểm mà bà Martha Washington, vợ của tổng thống đầu tiên của Mỹ, được in lên tờ tiền 1 đôla của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Lew nói rằng đồng tiền 10 đôla được lựa chọn vì đây là tờ tiền chuẩn bị được thiết kế lại.
Ngoài chân dung khác được in, tờ giấy bạc này còn có các tính năng an ninh khác khiến khó có thể làm giả. - VOA
***
Những quan chức hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ nói rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã phục hồi từ sự sụt giảm trong những tháng đầu tiên của năm nay và đủ mạnh để bảo đảm tăng lãi suất trong tương lai.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn giữ lãi suất ổn định ở mức thấp kỷ lục bằng mức từ năm 2008. Cắt giảm lãi suất gần bằng không có mục tiêu là kích thích tăng trưởng kinh tế trong cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách làm cho việc vay mượn tiền trở nên ít tốn kém hơn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen nói với các nhà báo hôm thứ Tư rằng nền kinh tế đang mở rộng "vừa phải" và đang trên đà tăng trưởng với tỉ lệ 1,8-2 phần trăm trong năm nay.
Bà Yellen cho biết Fed sẽ tăng lãi suất khi các quan chức nhìn thấy "thị trường lao động tiếp tục cải thiện" và là "tương đối tin tưởng" rằng lạm phát cuối cùng sẽ đạt tỉ lệ 2 phần trăm hàng năm, là mức mà họ nghĩ là tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế cao cấp Gus Faucher của Ngân hàng PNC Bank nói rất có thể Fed sẽ bắt đầu nâng nhẹ lãi suất (0,25 phần trăm) vào tháng 9, và có lẽ sẽ tăng nhẹ lần hai vào cuối năm nay.
Thông báo được đưa ra vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày tại Washington, nơi những quan chức Fed tranh luận về chính sách lãi suất và những vấn đề kinh tế khác. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam bổ nhiệm tân đại sứ ở Trung Quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi mới được bổ nhiệm vào vị trí đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, thay ông Nguyễn Văn Thơ, người đã giữ chức vụ này từ 2008.
Ông Khôi, sinh năm 1964, là một trong các lãnh đạo trẻ của Bộ Ngoại giao. Ông mới được bổ nhiệm chức thứ trưởng hồi tháng Chín năm ngoái.
Ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có bằng thạc sỹ về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), Nga.
Ông nói thành thạo tiếng Trung, nhiều năm hoạt động trong khu vực Đông Bắc Á.
Riêng về Trung Quốc, ông khởi đầu sự nghiệp ngoại giao bằng công việc chuyên viên Vụ Trung Quốc và đã có hai nhiệm kỳ phục vụ tại nước này.
Lần thứ nhất, từ 9/2002-7/2006, ông làm lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu.
Sau đó từ 12/2006-5/2010, ông Đặng Minh Khôi làm Tham tán, Tham tán Công sứ rồi Công sứ Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh.
Trước khi được phong thứ trưởng, ông làm Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á.
Nguồn tin của BBC cho hay ông Khôi là người có hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.
Gần đây ông Khôi bắt đầu xuất hiện trước công chúng trong các cuộc họp liên quan tới Trung Quốc, thí dụ họp báo về giàn khoan 981 hồi giữa năm 2014.
Việc bổ nhiệm đại sứ Đặng Minh Khôi có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi tình hình Biển Đông đang căng thẳng trước việc cải tạo đảo của Trung Quốc.
Hiện tại, Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đang dẫn đầu đoàn Việt Nam có mặt tại Bắc Kinh để tham gia Phiên họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc từ 17/6-19/6. - VOA
|
|
6.
'Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam'
Một vị dân biểu có nhiều ảnh hưởng ở Hạ viện Mỹ cho rằng “Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam”, giữa lúc Washington tiếp tục cuộc thương thuyết với Hà Nội về Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dân biểu Chris Smith, một thành viên cấp cao của Uỷ ban Đối ngoại và là Chủ tịch của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu, nhận định như vậy hôm thứ tư tại cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam. Linh Đan của Ban Việt ngữ VOA tường thuật.
Trọng tâm của buổi điều trần hôm thứ tư là tình hình nhân quyền Việt Nam và TPP – Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đang đàm phán với Mỹ. Theo nhận định của Chủ tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Toàn Cầu của Hạ Viện Mỹ Chris Smith, cũng là người chủ tọa buổi điều trần, “chính phủ Việt Nam cần hợp tác an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam,” và Mỹ có sức ảnh hưởng để mang lại những sự thay đổi cụ thể ở Việt Nam. Ông Smith nói rằng “nếu các vấn đề nhân quyền không được nối kết một cách rõ rệt với các quyền lợi an ninh và kinh tế, chúng ta sẽ có mối rủi ro là các cuộc thảo luận về thương mại và quốc phòng tiến về phía trước, trong lúc tình trạng nhân quyền thụt lùi về phía sau”. Ông nói:
“Thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân kể từ khi Việt Nam được bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ vào năm 2000. Nếu sự gia tăng này tiếp tục trong Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, thì người dân Mỹ phải ít nhất là chắc chắn rằng Việt Nam, hiện là nguồn nhập khẩu lớn thứ 15 của chúng ta, đang bảo vệ những quyền tự do cơ bản.”
Theo báo cáo năm 2015 của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, “chính phủ Việt Nam tiếp tục khống chế các hoạt động tôn giáo thông qua luật lệ và sự giám sát hành chính, giới hạn nghiêm ngặt việc thực hành tôn giáo độc lập và đàn áp các cá nhân và tổ chức tôn giáo mà họ cho là ngăn cản quyền lực của họ”.
Những người ra điều trần tại Hạ Viện hôm thứ tư - gồm có người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do Việt Nam Nguyễn Văn Hải, nổi tiếng với tên gọi blogger Điếu Cày, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức Thuyền Nhân SOS, bà Đoàn Thị Hồng Anh, vợ của một nạn nhân bị tra tấn đến chết, và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, đều mong những ý kiến của họ được chính phủ và người dân Mỹ xem xét để ra những quyết định đúng đắn và kêu gọi quốc hội Mỹ đưa vấn đề nhân quyền nhiều hơn vào cuộc đàm phán TPP.
Blogger Điếu Cày, một tù nhân lương tâm đã trải qua 6 năm rưỡi trong 11 nhà tù ở Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông đến đây với tư cách là một người làm chứng hơn là một người điều trần.
“Tôi cũng muốn đặt câu hỏi trong buổi điều trần này là ‘Các vị sẽ làm gì cho chúng tôi? Vì sau buổi điều trần này chúng tôi sẽ cố gắng làm cho họ hiểu rõ hoàn cảnh của chúng tôi ở trong nước và trong tù và họ sẽ biết cách làm thế nào để giúp cho tình hình tự do dân chủ ở Việt Nam cũng như là nhân quyền trong các nhà tù ở Việt Nam.”
Kể từ khi được phóng thích năm ngoái và được đưa sang Mỹ, blogger Điếu Cày đã gặp gỡ đại diện của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia nhiều buổi điều trần trong đó ông nhấn mạnh vào thông tư 37 của bộ Công An. Theo blogger Điếu Cày, những vấn đề về thông tư 37 của bộ CA đã được đưa vào cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ.
“Khi họ ban hành luật thi hành án hình sự, trong luật có 1 số điều khoản – ví dụ như điều 27, 28, 42 – các điều luật có liên quan đến chế độ giam giữ quyền tự do con người của tù nhân nhưng song song đó họ ban hành thông tư 37 của bộ Công An và chính bằng thông tư 37 này họ triển khai hàng loạt nhà tù ra các khu giam giữ của tù nhân an ninh ở trong các nhà tù hình sự và ở trong những khu này hình thức giam giữ và hình thức biệt giam tù nhân hoàn toàn không được nêu trong luật. Bởi vậy tôi muốn làm cho các vị dân biểu ở đây rõ rằng ở đây chúng ta không nhìn vào luật của Cộng sản mà chúng ta phải nhìn vào các văn bản dưới luật thực tế nó đã tước đoạt đi những quyền của người dân được ghi trong luật. Cho nên luật đưa ra chỉ là để bịp cộng đồng quốc tế thôi, chứ còn thực tế là họ làm như vậy.”
Theo ông Hải, Việt Nam có hàng chục ngàn văn bản dưới luật có nội dung trái luật.
Buổi điều trần này đã xem xét kỹ lưỡng những vụ vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn của chính phủ Việt Nam đối với các công dân, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Chủ tọa buổi điều trần - dân biểu Smith – cũng chính là tác giả Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam đã được Hạ Viện thông qua năm ngoái nhưng đang chờ sự xem xét của Thượng Viện.
Những sự vi phạm này đã được chứng minh thêm bằng những lời điều trần của bà Đoàn Thị Hồng Anh, vợ của ông Nguyễn Thành Nam - một giáo dân ở giáo xứ Cồn Dầu đã bị công an tra tấn đến chết vào năm 2010. Bà Anh cho biết trong buổi điều trần là chính quyền Việt Nam đã tìm mọi cách ngăn cản bà nói ra sự thật về cái chết của chồng bà. Ông Nam là một trong những giáo dân bị công an địa phương bắt vì “tội gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ.” Ông Nam là một thành viên của đội trợ tang Giáo Xứ Cồn Dầu và đã lên tiếng phản đối việc giải tỏa của chính quyền địa phương đối với phần đất của khu nghĩa trang này.
Ông Nguyễn Đình Thắng của tổ chức Cứu giúp Thuyền nhân, cùng với Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng của Giáo hội Tin lành Mennonite, kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam và lồng ghép các điều kiện nhân quyền vào việc đàm phán TPP.
“Chúng tôi đã thành công trong việc cài một vài điều khoản về nhân quyền vào trong TPA - ví dụ trong đó đòi hỏi các cuộc đàm phán về mậu dịch với các quốc gia khác từ nay trở đi là phải đặt vấn đề tự do tôn giáo như là một mục tiêu. Nhưng chưa đủ. Chúng tôi muốn cài vào thêm nữa, kể cả TPP, vì Việt Nam hứa là một đằng nhưng thực thi hay không là một việc khác. Chúng ta phải có những cơ chế để theo dõi để kiểm soát và chế tài nếu như Việt Nam không thi hành đúng như những lời cam kết của họ.”
Blogger Điếu Cày tán thành lời kêu gọi này.
“Chúng ta biết rằng quốc hội Hoa Kỳ rất có quyền lực trong những vấn đề tham gia các công ước quốc tế và những vấn đề về tự do tôn giáo cũng được kết hợp vào các đàm phán. Mỗi một quốc gia khi đàm phán về kinh tế đều có lợi ích kinh tế của họ nhưng những đại biểu Hoa Kỳ mà tôi đã tiếp xúc rất có tâm và có lòng. Tôi nghĩ họ sẽ đòi hỏi nhân quyền. Chừng nào mà những lợi ích kinh tế mà đem lại những đau khổ cho nhân quyền Việt Nam thì đó không phải là mong muốn của những người có lương tâm. Và tôi kêu gọi họ là vì kêu gọi lương tâm của họ.”
Theo các nhà quan sát, Tổng thống Barack Obama đang mong muốn hoàn tất TPP trong chuyến công du của ông tới châu Á Thái Bình Dương vào cuối năm nay. - VOA
No comments:
Post a Comment