Sunday, June 28, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/6

Tin Thế Giới

1.
Quốc hội Hy Lạp tán đồng đề nghị trưng cầu dân ý của Thủ tướng

Quốc hội Hy Lạp vừa thông qua quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 05/07 tới. Cử tri Hy Lạp sẽ phải trả lời câu hỏi: có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách’’ của các chủ nợ Hy Lạp. Nói cách khác, nếu đồng ý, Hy Lạp sẽ ở lại trong khối euro. Không chấp nhận, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khối này.

Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua trong không khí tranh luận dữ dội sôi nổi. Phe đối lập hoàn toàn chống lại đề nghị của Thủ tướng Tsipras và đã chỉ trích chính phủ về tính khả thi của việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tuần. Thông tín viên RFI Charlotte Stiévenard tường trình từ thủ đô Athens.

Cuộc trưng cầu dân ý dự trù diễn ra vào ngày 05/07 tới, đã được thông qua với 178 phiếu thuận trên tổng số 300 đại biểu Quốc hội. Liên minh cầm quyền gồm đảng cánh tả cấp tiến Syriza và đảng dân tộc thuộc cánh hữu Anel đã bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, các đại biểu thuộc đảng Xã hội Pasok cũng như đảng Dân chủ Mới và đảng Potami thuộc cánh trung lại bỏ phiếu chống.

Phe đối lập Hy Lạp nêu lên câu hỏi: liệu ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có khả thi hay không? Theo bà Evy Christofilopoulou, dân biểu đảng Xã hội Pasok ‘‘Hy Lạp chỉ trong vòng năm ngày, không thể nào tổ chức và thiết lập các chi tiết kỹ thuật, huy động các định chế để bảo đảm cho cuộc bỏ phiếu dân chủ’’.

Một lập luận khác của phe đối lập. Hiến pháp Hy Lạp chỉ cho phép tổ chức trưng cầu dân ý hạn chế cho những vấn đề then chốt quốc gia. Đối với đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội, các vấn đề then chốt ấy chỉ có thể được áp dụng cho ‘‘an ninh quốc gia’’ và ‘’đối ngoại’’. 

Thế nhưng, theo một đại biểu thuộc đảng cầm quyền Syriza, lập luận của phe đối lập là không có cơ sở. Bà Aglaia Kyritsi đánh giá rằng: "Đây rõ ràng là một quyết định dân chủ, mang tính lịch sử. Qua trưng cầu dân ý, chính phủ đã đề nghị người dân Hy Lạp lấy quyết định cho vận mệnh đất nước, cho nền dân chủ cũng như chủ quyền quốc gia."

Các đảng đối lập cũng đặt lại vấn đề về nội dung của câu hỏi, được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý 05/07. Đằng sau câu hỏi khá phức tạp là có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách’’ của các chủ nợ, thật ra có một câu hỏi đơn giản hơn nhiều: Hy Lạp rời hay không rời khối sử dụng đồng euro. - RFI
|
|

2.
500 người bị phỏng trong tai nạn công viên giải trí Đài Bắc

Hàng trăm thanh niên bị bỏng, trong đó gần 200 người bị thương nặng, ngày hôm qua, 27/06/2015, lúc 20h30 (giờ địa phương), tại một công viên nước ở Tân Đài Bắc, nằm ở ngoại ô thủ đô Đài Bắc (Đài Loan). Bột màu được phun trên đám đông thanh niên đã bốc cháy, mà theo lời miêu tả của các nhân chứng như một "địa ngục" lửa.

Theo AFP, đám đông bị mắc kẹt bên trong một quả cầu lửa lớn. Nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do một loại bột màu được phun lên những người tham dự lễ hội ở công viên nước giải trí Formosa Fun Coast tại Tân Đài Bắc. Hàng nghìn người đang đang nhảy trong tiếng nhạc và chìm trong màn khói đa sắc màu đột nhiên bị ngọn lửa vây quanh, biến các nạn nhân thành ngọn đuốc sống. Trong buổi lễ, những người tham dự chỉ mặc áo tắm và cố chạy trốn khỏi quả cầu lửa càng ngày càng lớn. Phần lớn các nạn nhân bị bỏng hoặc bị những vấn đề về đường hô hấp sau khi hít phải bột màu.

Theo phát ngôn viên đơn vị cứu hỏa Tân Đài Bắc, "Vụ nổ và vụ hỏa hoạn không phải do việc phun bột màu gây ra, mà là do độ nóng từ các đèn chiếu sáng trên sân khấu khiến bột màu bốc cháy".

Một nhân chứng thuật lại trên đài truyền hình địa phương CTI: "Tai nạn bắt đầu từ cánh trái của sân khấu. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một phần hiệu ứng đặc biệt của buổi biểu diễn nhưng ngay sau đó, tôi hiểu rằng có chuyện gì đó đang xảy ra và mọi người bắt đầu gào thét và bỏ chạy".

Theo lời kể của một thanh niên khác, máu dính khắp nơi, ngay cả trong bể bơi vì rất nhiều người bị thương nhảy xuống đó để làm dịu vết đau. Bạn gái của cậu, vẫn còn sốc, nhớ lại là nhìn thấy rất nhiều người bị tróc hết da. Một nhà báo của AFP cho biết, sáng chủ nhật, các dấu vết máu vẫn còn in lại trên hiện trường.

Hôm nay, chính quyền địa phương cho biết có khoảng 519 người bị thương, trong đó có 188 trường hợp nghiêm trọng, 419 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Sáu khách du lịch nước ngoài, cùng với 7 du khách Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Macau, nằm trong số những người bị thương. Con số này sẽ còn tăng thêm nếu tính những nạn nhân không được sơ cứu tại chỗ mà tự tới bệnh viện điều trị.

Một số nạn nhân bị bỏng trên 40% bề mặt cơ thể. Nhưng ngoài các vết thương trên da, còn có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng tới đường hô hấp do hít phải lượng bột màu lớn. Theo ông Lee Lih-jong, 24 giờ tới sẽ còn rất nguy kịch đối với những người bị thương nặng.

Vụ hỏa hoạn nhanh chóng được lính cứu hỏa khống chế và xe cấp cứu tiến gần vào nơi xảy ra tai nạn. Nạn nhân được chở trên băng ca hay được bạn bè đặt trên phao và khiêng đi cấp cứu.

Công việc nhận dạng những người bị thương vẫn đang được tiến hành, nhưng phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn.

Nhà quản lý sự kiện "Color Play Asia", Lu Chung-chi, đã bị cảnh sát tạm giữ cùng với bốn cộng tác viên. Người phát ngôn của cảnh sát Tân Đài Bắc cho biết: "Họ đã trình diện tại viện kiểm sát trong khuông khổ một cuộc điều tra về vi phạm các điều khoản an ninh công cộng và gây thương tích do vô ý".

Trả lời giới báo chí, thị trưởng thành phố Tân Đài Bắc, Eric Chu nói rằng rất "buồn và lấy làm tiếc về vụ tai nạn". Ông cũng ra lệnh lập tức đóng cửa công viên và mở một cuộc điều tra nghiêm túc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Phái đoàn quốc hội Mỹ kêu gọi nới lỏng hạn chế với Cuba

Người đứng đầu phái đoàn lưỡng đảng của quốc hội Mỹ đang viếng thăm Cuba kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ nỗ lực của Tòa Bạch Ốc thiết lập hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao với Havana.

Ngày thứ Bảy, tại thủ đô Cuba, Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy kêu gọi xúc tiến đầy đủ các hoạt động của tòa đại sứ Mỹ tại Cuba trong khuôn khổ của chương trình “tạo hình ảnh tốt nhất của nước Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dean Heller, phát biểu bên cạnh Thượng nghị sĩ Leahy và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin nói “Tổng thống Barack Obama đúng trong trường hợp này.” Ông cũng nói việc mở rộng tòa đại sứ và những thay đổi khác trong lãnh vực du lịch có thể hoàn tất trước khi Tổng thống Obama rời khỏi chức vụ vào năm 2017.

Hai nước đang thương thảo về những qui định tái lập hoàn toàn các mối quan hệ, tiếp theo loan báo vào năm ngoái của Tòa Bạch Ốc về ý định làm như vậy. Các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bị gián đoạn sau khi chính phủ cộng sản của Fidel Castro lên cầm quyền cách đây hơn 50 năm.

Hôm thứ Sáu, phái đoàn Mỹ gặp phó tổng thống thứ nhất Cuba Miguel Diaz canel, nhưng không tiết lộ nội dung những cuộc thảo luận này.

Một vài dự luật liên hệ đến Cuba đang nằm chờ tại Thượng viện với tương lai không chắc chắn. Trong số này có dự luật bãi bỏ lệnh cấm du lịch hiện hành đối với những người Mỹ, và một dự luật khác bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ kéo dài nhiều thập niên nay.

Những dự luật này hiện bị giới lãnh đạo Cộng hòa hiện kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện chống đối.

Trước đây trong tháng, Hạ viện bác bỏ một dự luật nới lỏng những hạn chế du lịch đến Cuba. - VOA
|
|

4.
Mỹ: Cờ Liên minh miền Nam bị gỡ bỏ tại Columbia, South Carolina

Ngày thứ Bảy, một phụ nữ người Mỹ gốc châu Phi đã leo lên cột cờ gần trụ sở quốc hội bang South Carolina và gỡ bỏ cờ của Liên minh miền Nam treo tại đây, một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama gọi lá cờ “nhắc nhở đến việc áp bức có hệ thống và sự nô dịch chủng tộc.”

Cục An toàn Công cộng South Carolina trong một tuyên bố nói lá cờ, từ lâu là biểu tượng của niềm hãnh diện miền Nam, được treo lại một giờ sau đó và không gây thêm thiệt hại nào cả.

Sau khi gỡ bỏ lá cờ, bà Brittany Newsome và ông James Ian Tyson, đều 30 tuổi, từ North Carolina đến, bị bắt và bị truy tố về tội làm biến dạng một đài tưởng niệm, một khinh tội trong những trường hợp như vậy.

Bà Newsome đã leo lên cột cờ bên ngoài trụ sở quốc hội tiểu bang tại Columbia, thủ phủ của South Carolina và hạ cờ xuống. Ông Tyson, đi cùng bà Newston đứng trong một khu vực cấm gần cột cờ.

Một nhóm các nhà hoạt động địa phương nhận trách nhiệm lập kế hoạch hạ cờ.

Trong điếu văn đọc tại tang lễ cố nghị sĩ quốc hội tiểu bang và đồng thời là mục sư, tổng thống Obama bắt đầu hát thánh ca “Ơn Lạ lùng” và các mục sư và hàng ngàn người tham dự tang lễ tại trường đại học Charleston ở South Carolina hát theo.

Trên toàn nước Mỹ, người Mỹ gốc châu Phi ủng hộ phong trào hạ cờ Liên minh miền Nam được treo tại những nơi công cộng sau khi có vụ tàn sát vì động cơ phân biệt chủng tộc 9 tín hữu người da đen đang học kinh thánh tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina.

Theo luật, cờ được treo tại một đài tưởng niệm trong khuôn viên quốc hội các tiểu bang miền Nam để vinh danh các chiến sĩ chiến đấu cho liên minh ủng hộ chế độ nô lệ trong Cuộc Nội Chiến Mỹ.

Quốc hội South Carolina tuần tới sẽ bắt đầu thảo luận về việc có nên gỡ bỏ cờ Liên minh miền Nam tại đài tưởng niệm hay không. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam bỏ mức trần vốn nước ngoài vào xí nghiệp được yết giá

Hôm nay 28/06/2015, cổng thông tin điện tử của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thông báo sắc lệnh hủy bỏ mức trần 49% vốn đầu tư nước ngoài vào công ty yết giá trên sàn giao dịch. Biện pháp này nhằm kích thích kinh tế trì trệ vì nhiều thập niên bị chỉ đạo.

Thông báo "nới room" (nguyên văn) tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có quyền "đầu tư không hạn chế" vào những công ty đầu tư chứng khoán trừ trường hợp điều lệ của công ty quy định khác.

Tuy nhiên, theo AFP, sắc lệnh hủy bỏ mức trần giới hạn vốn đầu tư nước ngoài không ghi rõ khi nào có hiệu lực cũng như loại xí nghiệp nào vẫn tiếp tục được xem là "ngoại lệ" vì những hoạt động "chiến lược" theo quan điểm của chính quyền Việt Nam.

Tăng trưởng Việt Nam đạt tỷ lệ 6,28% trong sáu tháng đầu năm nay theo số liệu chính thức. Trên thực tế, nền kinh tế này phần lớn bị tê liệt, trì trệ vì lãnh vực quốc doanh thiếu hiệu năng.

Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần phải mở cửa cho đầu tư quốc tế và tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời hãng tin AFP, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng biện pháp mới của Hà Nội là tín hiệu tốt: một quyết định đúng lúc, cho phép giới đầu tư nước ngoài góp vốn mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam và giúp sinh hoạt được năng động hơn. Sắc lệnh mới cũng khuyến khích xí nghiệp Việt Nam cố gắng thêm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn. - RFI
|
|

6.
Ông Trần Quang Cơ qua đời

Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89.

Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7.

Ông Cơ là người từng khước từ chức bộ trưởng ngoại giao mà Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị buộc phải ra đi dưới áp lực của Trung Quốc năm 1991.

Ông Trần Quang Cơ sinh năm 1927 tại Nam Định, làm ngoại giao từ 1954 tới khi về hưu năm 1997.

Có thể nói ông là một trong các nhà ngoại giao lão luyện nhất của Việt Nam, từng kinh qua các chức vụ như Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.

Ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN từ năm 1986.

Trong suốt 12 năm kể từ 1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết vấn đề Campuchia.

Ông cũng tham gia tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với các nước lớn Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc.

'Hồi ức và Suy nghĩ'

Năm 2001 ông cho ra cuốn hồi ký mang tựa đề 'Hồi ức và Suy nghĩ' gây tiếng vang vì đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.

Đánh giá về ông, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nói: "Ông Cơ là một nhà ngoại giao lão luyện, có tầm nhìn chiến lược".

"Ông có chính kiến, độc lập, đặc biệt là không tán thành cách tiếp cận cơ hội với Trung Quốc như một số nhân vật cấp cao thời bấy giờ."

Sau khi từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1991 vì cho rằng không thể làm việc khi một số nhân vật cao cấp trong dàn lãnh đạo Việt Nam lúc đó quá ngả về phía Trung Quốc, cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Trần Quang Cơ cũng tự xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, "có thể xem ông Cơ như một nhà nho hiện đại, biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng nhưng có lẽ không biết biến..."

"Các phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Đó là nhân cách lớn của Trần Quang Cơ."

Trong cuộc phỏng vấn với BBC nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông Trần Quang Cơ đã bình luận rằng căn nguyên (của cuộc chiến Việt-Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương.

Ông nói: "Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam".

"Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."

Thời kỳ vô cùng khó khăn của ngoại giao Việt Nam này đã được phản ánh trong cuốn hồi ký Trần Quang Cơ, với những chi tiết như về Hội nghị Thành Đô 1990 cho thấy "các giới hạn của môt thời kỳ lịch sử, cái khó của đất nước đứng cạnh Trung Quốc và chịu sức ép của Trung Quốc", theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường.

Ông Trường nói với BBC: "Cuốn hồi ký thể hiện tính khách quan, không phải là chống Tàu, mà là 'thân Việt'".

"Chính vì vậy mà nhân dân biết đến ông và tôn trọng ông." - BBC

No comments:

Post a Comment