Monday, June 1, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 1/6

Tin Thế Giới

1.
Giới chức y tế Châu Á lo ngại vì vụ bộc phát bệnh MERS

MERS là một chứng bệnh đường hô hấp mà trong giai đoạn đầu tạo ra những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ca bệnh đầu tiên được xác định ở Ả rập Saudi năm 2012. Bệnh này hiện giờ không có cách chữa trị và không có vắc xin, tỉ lệ tử vong cao hơn 40%.

Giới hữu trách y tế ở Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Hồng Kông đang lo ngại vì sự gia tăng của số ca bệnh MERS, tức Hội chứng Hô hấp Trung Đông, được xác nhận. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, Bộ Y tế Nam Triều Tiên xác nhận 18 ca bệnh ở Nam Triều Tiên, một ca ở Trung Quốc và giới hữu trách tại các khu vực bị ảnh hưởng đã cách ly hàng trăm người để tìm cách ngăn chận đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Vụ bộc phát bệnh MERS ở Nam Triều Tiên là vụ bộc phát lớn nhất trong số các nước nằm ngoài khu vực Trung Đông.

Để phòng ngừa, Bộ Y tế Nam Triều Tiên cho biết họ đã thực hiện những biện pháp cách ly kiểm dịch hoặc theo dõi đặc biệt đối với hơn 680 người bị phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp với vi rút gây bệnh MERS, là loại vi rút ảnh hưởng tới hệ thống hô hấp và gây ra những triệu chứng như bệnh cúm.

Hồng Kông cũng cách ly kiểm dịch 18 người và cách ly 17 người khác.

Tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, nơi có một ca bệnh MERS được xác nhận, gần 80 người bị cách ly.

Ông Kwon Jun Wook, Giám đốc Chính sách Y tế Công cộng của Bộ y tế Nam Triều Tiên, đang lãnh đạo một toán chuyên viên quản lý bệnh MERS trên cả nước. Ông cho biết chưa có ca tử vong nào tính tới giờ này.

Ông Kwon nói rằng hiện có 5 bệnh nhân đang ở trong tình trạng bất ổn định và một bệnh nhân bất ổn định ở mức cao.

Giới hữu trách cho biết vụ bộc phát này bắt đầu ở Nam Triều Tiên với bệnh nhân số 1. Người đàn ông 68 tuổi này hồi tháng năm đã được chẩn đoán mắc bệnh MERS sau khi du hành tới Bahrain, Ả rập Saudi và Liên hiệp các Tiều Vương quốc Ả Rập. giới hữu trách không tiết lộ danh tánh của người đàn ông này.

Theo Bộ Y tế Nam Triều Tiên, tất cả các ca bệnh sau đó, tính tới giờ này, đều là hậu quả của sự phơi nhiễm cấp hai, có nghĩa là phơi nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 1.

Nam Triều Tiên đã bị một số người chỉ trích vì cách xử lý trong giai đoạn đầu.

Bệnh nhân số 1 đã tới tất cả 4 bệnh viện trước khi được chẩn đoán là mắc bệnh MERS.

Ông Kim Woo Joo, giáo sư bệnh truyền nhiễm của Đại học Hàn quốc, đang làm việc với Bộ Y tế để ngăn chận dịch MERS. Giáo sư Kim nói rằng ít nhất 10 người trong số những người Nam Triều Tiên nhiễm bệnh đã tiếp xúc với bệnh nhân số 1 tại bệnh viện thứ nhì mà ông này tới để được điều trị.

Ông Kim cho biết hầu hết những người bị phơi nhiễm là người ở cùng phòng hoặc cùng tầng lầu với bệnh nhân số 1, cho nên giới hữu trách cần tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ dựa theo thứ tự thời gian và phân tích việc quản lý tình hình lây nhiễm.

Ông cũng cho biết hai vị bác sĩ bị phơi nhiễm đã không mặc quần áo bảo hộ thích đáng.

Bên cạnh đó, Nam Triều Tiên cũng không áp dụng biện pháp cách ly kiểm dịch bắt buộc. Và có tin nói rằng một số người bị phơi nhiễm với vi rút bệnh MERS đã không chịu khép mình vào tình trạng cách ly tự nguyện.

Báo chí cho biết thương gia Nam Triều Tiên 44 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh MERS ở Quảng Đông đã bị phơi nhiễm với bệnh nhân số 1 tại Seoul. Ông này sau đó đã ngã bệnh, nhưng lại du hành sang Trung Quốc qua ngã Hồng Kông, bất chấp lời khuyên của bác sĩ là nên ở nhà.

Những vụ cách ly kiểm dịch ở Hồng Kông và Trung Quốc là để ứng phó với sự phơi nhiễm có thể có với bệnh nhân MERS ở Quảng Đông.

Giới hữu trách Nam Triều Tiên cho biết tuần này sẽ là một tuần vô cùng quan trọng để biết được họ có ngăn chận vụ bộc phát này hay không qua việc ngăn ngừa sự phơi nhiễm cấp ba, tức là sự lây lan cho một người không có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 1. - VOA
|
|

2.
Điện Kremlin: Sắc lệnh bí mật của tổng thống không liên quan gì tới Ukraine

Điện Kremlin cho biết một sắc lệnh của tổng thống xem những tổn thất của quân đội Nga trong thời bình là bí mật nhà nước không liên quan gì tới Ukraine, và nói rằng Tổng thống Vladimir Putin không định phát động bất kỳ hoạt động quân sự nào xuyên biên giới. Sắc lệnh này trước đây chỉ xem những người tử trận trong chiến tranh là bí mật nhà nước.

Phát ngôn viên Kremlin Dmitri Peskov hôm thứ Năm cho biết như vậy, một ngày sau khi từ chối bình luận về tường thuật tận mắt của một nhà báo phương Tây về việc Nga tăng mạnh quân lực gần biên giới Ukraine.

Ông Peskov được hãng thông tấn Interfax dẫn lời nói rằng, "câu trả lời là không, Sắc lệnh đó không liên quan tới Ukraine. Ông ấy (Putin) hiện không hoạch định một hoạt động đặc biệt."

Các nhà hoạt động đối lập Nga hồi đầu tháng này đã công bố một bản báo cáo, nói rằng hơn 200 binh sĩ Nga đã tử trận ở Ukraine trong khi chiến đấu trong những tháng gần đây. Tác giả của bản báo cáo, Boris Nemtsov, bị ám sát vào tháng 2 ở Moscow.

Ông Putin đã nhiều lần phủ nhận sự dính líu của quân đội Nga ở Ukraine, nơi thành phần ly khai thân Nga phát động một cuộc bạo loạn vũ trang chống lại chính quyền Kiev vào tháng 4 năm 2014. Hơn 6.100 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy này.

Điện Kremlin thường xuyên mô tả những chiến binh người Nga được nhìn thấy hoặc bị bắt ở Ukraine là quân tình nguyện.

Một phóng viên của hãng tin Reuters hôm thứ Tư tường trình đã nhìn thấy binh lính và hàng trăm thiết bị vũ khí trong tuần qua tụ về một trường bắn tạm bợ cách biên giới Ukraine 50 km.

Bài báo cho biết nhiều chiếc xe của Nga được nhìn thấy ở địa điểm này đã bị tháo bảng số và những dấu hiệu nhận dạng khác. Bài báo cũng nói nhiều binh sĩ đã tháo bỏ phù hiệu trên quân phục của họ.

Trả lời báo giới về bài báo này, phát ngôn viên Peskov gọi những câu hỏi về một cuộc xâm lược tiềm năng quy mô lớn của Nga nhắm vào Ukraine là "không phù hợp."

Hồi đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả việc Nga tăng cường quân lực gần biên giới Ukraine là "một dòng chảy ổn định bao gồm những thiết bị hạng nặng, xe tăng, pháo, đạn dược, những hệ thống phòng không và rất nhiều hoạt động huấn luyện."

Vào tháng 4, ông cho biết việc tăng cường quân lực này, khi đó gồm hơn 1.000 thiết bị nặng, sẽ cho phép phiến quân thân Nga phát động một cuộc tấn công mới nhắm vào lực lượng Ukraine ở phía đông với ít cảnh báo trước. - VOA
|
|

3.
Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á --- Australia quan tâm về hoạt động xây đảo của TQ ở Biển Đông

Bốn tàu chiến của Ấn Độ tiến hành tập trận với 5 nước Đông Nam Á xung quanh các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trước khi tới Úc.

Báo điện tử Ấn Độ Deccan Herald, ngày hôm nay 01/06/2015 cho biết, khu trục hạm tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta đã tham gia cuộc tập trận Simbex-2015 với Hải quân Singapore, từ ngày 23 đến 26/05.

Trong khi đó, hai tàu khác là khu trục hạm có trang bị tên lửa INS Ranvir và tàu tiếp tế nhiên liệu INS Shakt tới Jarkarta từ hôm qua, 31/05, để tham gia cuộc tập trận với Hải quân Indonesia trong vòng bốn ngày.

Kết thúc cuộc tập trận với Indonesia, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ tới các cảng Kuantan, Malaysia, cảng Sattahip tại Thái Lan và cảng Sinanoukville ở Cam Bốt để tập trận với hải quân các nước này. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ, thuộc hạm đội phương Đông sẽ tới cảng Freemantle, Úc.

Đợt triển khai tàu chiến này kéo dài trong ba tháng, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Ajendra Bahadur Singh, diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á ngày càng gia tăng và Hoa Kỳ cũng như nhiều nước phản đối ý đồ của Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa khu vực các khu vực đang có tranh chấp.

Trong thời gian qua, nhiều chỉ huy quân sự Ấn Độ tuyên bố là Hải quân nước này đủ khả năng can thiệp vào vùng Biển Đông, nếu các lợi ích của Ấn Độ tại vùng này bị đe dọa.

Hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố là New Delhi đòi hỏi phải có tự do lưu thông hàng hải. Các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực không phù hợp với các cam kết của hai nước trong việc giải quyết hồ sơ này.

Ngày 22/07/2012, trên đường tới thăm Việt Nam, khi cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, tàu chiến Ấn Độ INS Airavat đã nhận được tin nhắn từ tàu chiến Trung Quốc yêu cầu rời khỏi vùng biển, mà Trung Quốc tự khẳng định thuộc chủ quyền của mình, mà không coi đó là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, tàu Ấn Độ không nhìn thấy tàu chiến hoặc máy bay nào, do vậy vẫn tiếp tục hành trình tới Việt Nam.

Trong một tin liên quan khác, Reuters trích lời Thư ký Bộ Quốc phòng Australia Dennis Richardson nói trước một uỷ ban Thượng viện Úc rằng các hoạt động xây đảo giành đất nhanh chóng của Trung Quốc trên các hòn đảo trong vòng tranh chấp ở quy mô chưa từng thấy trước đây đặt ra những nghi vấn chính đáng về các ý đồ của Trung Quốc trong khu vực.

Hình ảnh vệ tinh do chiếc phi cơ trinh sát Poseidon P-8A của Hải quân Hoa Kỳ chụp hôm 21 tháng 5 cho thấy nhiều tàu nạo vét bên trong các vùng biển quanh Đảo Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Tại hội nghị Shangri-La hôm qua, Bộ trưởng quốc phòng Australia Kevin Andrews đã góp tiếng cùng Hoa Kỳ và các nước khác, phản đối các hoạt động lắp biển xây đảo của Trung Quốc trong Biển Đông.

Hệ thống truyền thanh ABC của Úc tường thuật rằng tại hội nghị an ninh khu vực ở Singapore hôm 31/5, ông Andrews nhấn mạnh sự cần thiết phải có hợp tác khu vực về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, và cảnh báo Trung Quốc về những hoạt động của nước này trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói: “Australia đã xác định rõ lập trường của mình, là chống đối bất cứ hành động trấn áp, đơn phương nào để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Austrlaia tin rằng tất cả các nước đối tác khu vực hiện diện tại đây đều có lợi ích lâu bền gắn liền với các hoạt động giao thương an toàn và ổn định trên biển và trên không.”

Lên tiếng trong cùng ngày tại hội nghị này, Thượng Tướng Hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc khẳng định các hoạt động xây cất của Trung Quốc ở Biển Đông là “hợp lý, hợp tình, và chính đáng”.

Ông Tôn tái khẳng định các hoạt động ấy hoàn toàn nằm trong khuôn khổ quyền chủ quyền của Trung Quốc, và nói rằng Trung Quốc đã hành động một cách hết sức tự chế, và đóng góp vào hoà bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. - RFI, VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Thượng viện Mỹ chấm dứt chương trình theo dõi điện thoại

Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ mất quyền pháp lý thu giữ các cuộc ghi âm điện thoại sau khi Thượng viện hôm qua 31/5 không đồng ý cho gia hạn một số điều khoản đề ra sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001.

Chương trình trước đây được giữ bí mật từng thu thập các thông tin như số điện thoại, ngày giờ thực hiện cuộc gọi và cuộc điện đàm kéo dài trong bao lâu để tìm cách phá vỡ âm mưu bị tình nghi khủng bố, nhưng đã bị dân Mỹ chỉ trích vì cho là vi phạm quyền riêng tư.

Luật mới đã được Hạ viện thông qua sẽ bổ sung cho chương trình vừa kể, cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia yêu cầu các công ty điện thoại cung cấp những dữ kiện trên cơ sở từng trường hợp một, chứ không được tự thu thập.

Luật không được Thượng viện chuẩn thuận trước khi chương trình theo dõi điện thoại bắt đầu hết hạn từ giữa đêm qua, nhưng vẫn có thể được Thượng viện thông qua trong tuần này.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Josh Earnest tối qua tuyên bố rằng Thượng viện cần phải khẩn trương hành động để giải quyết điều mà ông gọi là ‘sai sót vô trách nhiệm’.

Ông Earnest nói chương trình mới là ‘một sự thỏa hiệp thích ứng cân đối giữa vấn đề an ninh và vấn đề quyền riêng tư.’ - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Mỹ Việt ký tuyên bố chung phát triển quan hệ quân sự --- Hà Nội khẳng định chỉ gia cố các đảo thuộc chủ quyền

Hôm nay 01/06/2015, tại Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký một văn kiện hợp tác gọi là "Tuyên bố chung về quan hệ quốc phòng giữa Việt nam và Hoa Kỳ". Cũng trong chiều hướng này, chủ nhân Lầu Năm góc cam kết viện trợ cho Việt Nam 18 triệu đôla để tăng cường lực lượng tuần duyên.

Theo Reuters và báo chí chính thức tại Việt Nam, trong chuyến viếng thăm Việt Nam sau đối thoại an ninh tại Sangri-La trong hai ngày cuối tuần, hôm nay 01/06, bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Việt Nam đã ký tại Hà Nội "Tuyên bố tầm nhìn chung" về quan hệ quốc phòng song phương. Văn kiện này ấn định một khuôn khổ cho phép hai nước phát triển quan hệ quân sự trong tương lai. Trước đó, tại Hải Phòng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố cần phải "hiện đại hóa" quan hệ song phương và tỏ hy vọng hai nước có thể cùng "tiến xa hơn", sau 20 năm thiết lập bang giao.

Việt Nam là chặng đường công du châu Á-Thái Bình dương lần thứ hai của bộ trưởng Ashton Carter, kéo dài 11 ngày, kể từ khi ông được bổ nhiệm hồi đầu năm nay 2015. Mục tiêu chính của chuyến đi này là vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực. Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam và bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên ở Hải Phòng. Ông đã lên thăm một tàu tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu từng bị Trung Quốc tấn công trên biển trong vụ dàn khoan Haiyan 981 hồi năm 2014.

18 triệu đôla để mua tàu tuần Mỹ 

Trong bối cảnh biển đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp 18 triệu đôla giúp cho Hà Nội mua các tàu tuần duyên loại Metal Shark do Hoa Kỳ chế tạo, để tăng cường tiềm năng quân sự của Việt Nam.

Trong cuộc hội đàm hôm nay 01/06/2015 tại Hà Nội, hai bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về lời kêu gọi của ông Ashton Carter yêu cầu các bên, trong đó có Việt Nam, chấm dứt các công trình cải tạo xây dựng đảo tại Biển Đông. Hà Nội khẳng định chỉ gia cố, chứ không cơi nới đảo thuộc chủ quyền của mình.

Bắt đầu chuyến công du Việt Nam, ông Ashton Carter đã tới thăm căn cứ hải quân của Việt Nam tại Hải Phòng ngày hôm qua (31/5). Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố với báo chí: các bên đang có các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông phải dừng ngay mọi hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng các đảo tranh chấp, cũng như mọi cố gắng nhằm biến các điểm đó thành cơ sở quân sự.

Lời kêu gọi trên được đưa ra cho tất cả các nước liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và đặc biệt là Trung Quốc. Hoa Kỳ và các nước trong vùng đặc biệt lo ngại Trung Quốc gần đây bồi đắp trên quy mô lớn các đảo nhân tạo, nhằm xây dựng căn cứ quân sự làm bàn đạp cho việc kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Hà Nội, trả lời câu hỏi Việt Nam có cam kết gì về việc chấm dứt hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định lại đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã được hai bên thảo luận trong cuộc hội đàm hôm nay, đồng thời ông khẳng định: "Việt Nam vừa qua cũng có củng cố các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam". Ông Phùng Quang Thanh giải thích: "Việt Nam hiện đang đóng quân trên 19 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi thì chúng tôi chỉ cho kè kín lại xung quanh để tránh sóng đánh lở, đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân, quản lý trên đảo có cuộc sống an toàn".

Liên quan đến chủ đề thảo luận này lãnh đạo Quốc phòng Mỹ nhận định: "Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giải thích rất rõ ràng cho tôi biết các hoạt động của Việt Nam".

Sau cuộc hội đàm trong buổi sáng nay, lãnh đạo Quốc phòng hai nước đã ký "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ", văn kiện mang tính định hướng cho việc mở rộng quan hệ giữa quân đội 2 nước trong thời gian tới. - RFI
|
|

6.
Thoát khỏi sự nô dịch tư tưởng

Quốc hội Việt nam và mạng xã hội

Quốc hội Việt nam đang họp.

Về nguyên tắc đó là sự kiện lớn nhất ở Việt nam trong lúc này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng hoạt động Quốc hội ở Việt nam sôi động hơn lúc trước, người ta cũng bắt đầu tranh cãi.

Một trong những câu chuyện được tranh cãi lần này là liệu có đưa ra luật về sự im lặng hay không! Một nhóm ý kiến nổi trội nhất là từ phía các vị đại biểu từ ngành công an. Các vị này không đồng ý cho phép người bị tình nghi được quyền im lặng. Một vị là Thiếu tướng công an được báo chí trích lời:

“Người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật”.

Điều ngạc nhiên là nhà lập pháp này lại nói một điều ngược lại với Hiến pháp và luật tố tụng hình sự như blogger Đồng Phụng Việt trích dẫn:

Theo Hiến pháp thì: người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định

Còn theo luật tố tụng hình sự: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội

Đồng Phụng Việt viết rằng Luật im lặng đúng là cũng gây khó khăn cho cơ quan chấp pháp ở các quốc gia phát triển, nhưng đó là một điều đương nhiên vì những khó khăn mà hệ thống tư pháp gặp phải khi thừa nhận “quyền im lặng” được xem là tất nhiên và vì đối tượng của hệ thống tư pháp là con người, không phải súc vật!

Một lý do khác được các vị tướng công an đưa ra để chống lại luật im lặng là vì dân trí Việt nam còn thấp. Đây cũng là lý luận thường gặp để giải thích cho sự hạn chế quyền tự do dân chủ nói chung. Luật sư Lê Công Định bình luận ý kiến của các vị công an bằng một câu hỏi:

Tôi ngạc nhiên lắm, bởi mới đây nhân kỷ niệm ngày Thánh giáng sinh 19/5/2015, ông Tổng bí thư đảng đã long trọng ca ngợi rằng "thời đại HCM là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam", tôi dè dặt tự hỏi rằng đã rực rỡ nhất sao dân trí còn thấp và nhiều tội phạm thế? Dân trí thấp và nhiều tội phạm mà bảo rực rỡ nhất, thì khác nào chính các ông xỏ xiên và mỉa mai "thời đại HCM?"

Ngày 19/5 mà ông Lê Công Định vừa đề cập là ngày sinh của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng cộng sản Việt nam.

Một đại biểu nổi tiếng khác của Quốc hội Việt nam là ông Đỗ Văn Đương lại nói rằng Luật im lặng là… diễn tiến hòa bình.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, thốt lên là Không thể tin được!

Còn luật sư Lê Công Định thì chốt lại những nhận xét của mình về câu chuyện…im lặng… ở Quốc hội một cách chua chát là:

Khỉ vẫn hoàn khỉ, dù người ta cất công khoác cho nó bộ áo con người. Thuyết tiến hoá của Darwin xem ra không áp dụng được trong hoàn cảnh xứ man di.

Nhưng dù sao, như chúng tôi đề cập ở đầu bài viết này là đã có sự tranh cãi ở Quốc hội.

Không những thế, sự xuất hiện của những phản hồi của các blogger như Đồng Phụng Việt, của những cựu tù chính trị như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, là một sự tranh cãi rộng rãi hơn lan tỏa đến cả những người không có quyền lực.

Chất xúc tác mạnh mẽ cho sự lan tỏa đó chính là mạng xã hội.

Blogger Song Chi viết bài: Dạo qua thế giới Facebook Việt. Sau khi so sánh sự khác nhau giữa người Việt và một số dân tộc châu Âu khác, bà cho rằng Facebook không thể thiếu đối với những người như bà muốn dùng nó để thoát ra khỏi sự bưng bít thông tin của chế độ.

Blogger Nguyễn Vũ Bình gọi luồng thông tin không chính thống từ mạng xã hội giúp mọi người thoát khỏi sự bưng bít thông tin, đó là truyền thông lề dân. Ông viết là nhờ luồng thông tin này mà tất cả những tin khi xuất hiện một cách nhanh chóng đã làm công khai sự thật, chứ không phải qua một sự kiểm duyệt. Theo ông Bình thì sự công khai đó có một sức mạnh vô cùng lớn, nó đã từng làm sụp đổ cả một hệ thống Liên Xô cách đây ¼ thế kỷ.

Điều quan trọng theo ông Bình là để cho luồng truyền thông lề dân đó ngày càng phát triển thì cần Sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, ủng hộ sự thật, chân lý và tình người.

Thoát khỏi Sự nô dịch tư tưởng

Thoát khỏi sự bưng bít thông tin, theo các blogger thì sẽ thoát khỏi sự nô dịch bởi một loại tư tưởng nào đó và đó là điều cần thiết cho việc chấn hưng dân tộc hiện nay.

Người cựu sinh viên Hạ Đình Nguyên viết bài lấy điển tích Trung Quốc Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng để mô tả sự nô dịch tư tưởng của người Việt từ xưa tới nay. Trong câu chuyện cổ sử Trung quốc này có một hành động rất dã man của Thái tử Đan, kẻ mà Kinh Kha theo hầu, là chặt tay một người thiếu nữ, vậy mà suốt chiều dài văn chương Việt nam, sự việc này lại được hết lời ca ngợi.

Lấy chuyện xưa bàn chuyện nay, Hạ Đình Nguyên đặt câu hỏi hoài nghi là Thái tử Đan ngày nay phải chăng là những người đang cầm quyền ở Trung Nam Hải? Còn chuyến thăm Thủ đô nước Mỹ tới đây của ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam có phải là một chuyến đi Kinh Kha để làm hài lòng Thái Tử Đan Tập Cận Bình?

Câu hỏi của Hạ Đình Nguyên cũng chính là điều lo lắng của nhiều giới tại Việt nam trong thời gian qua, mà từ đó dấy lên phong trào Thoát Trung của các nhân sĩ trí thức.

Tác giả Trần Quí Cao trình bày quan điểm của mình trên trang blog Bauxite Việt nam về những diễn biến mới đây nhất tại biển Đông với sự gia tăng hoạt động quân sự của Hoa kỳ, một sự ngang nhiên thách thức sức mạnh đang lên của Trung quốc. Trần Quí Cao cũng như nhiều nhà hoạt động dân chủ trong nước hy vọng sự xích lại gần với những quốc gia khác, nhất là với triển vọng tham gia Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương do người Mỹ sáng lập, nước Việt nam sẽ ngày càng xa rời khỏi Trung quốc.

Thoát khỏi Trung quốc như Trần Quí Cao mong muốn, thoát khỏi cái hộp tư tưởng Mac Lê Nin mà Hạ Đình Nguyên cho là đã tiêu vong, những nhà tự do tiên phong ở Việt nam đã trả giá đắt. Tháng Năm này cũng đánh dấu thời điểm tròn sáu năm kỹ sư doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị cầm tù vì những hoạt động thúc đẩy một xã hội Việt nam tự do và dân chủ hơn.

Cựu sinh viên luật trẻ tuổi Trịnh Hữu Long viết về ông Trần Huỳnh Duy Thức:

Thế nhưng 6 năm qua đi, dòng chảy lịch sử đã không chảy theo cách mà những kẻ giam giữ ông mong muốn. Ngày qua ngày, có những con người bước ra khỏi chiếc hộp tư tưởng của Đảng, quay trở về với những cảm thức bản năng của họ về lẽ công bằng và bắt đầu đánh giá lại những vụ án chính trị như thế này. Điều quan trọng không phải là chúng ta đánh giá thế nào về những người như ông Thức, mà những đánh giá đó phải là của chính mỗi người, chứ không phải của Đảng.

Sự bước ra khỏi cái hộp tư tưởng của đảng, quay về với những cảm thức bản năng về lẽ công bằng, cũng là điều mà cây bút Huyền Oanh trình bày trong bài viết Sự thật không sợ mất lòng. Trong bài này Huyền Oanh nhận xét rằng trong xã hội đã bắt đầu có sự đối lập giữa ý thức của người dân về quyền lợi của họ và ý chí của những đảng viên cộng sản đang cầm quyền mong muốn duy trì quyền lợi phe nhóm.

Và điều đáng nói là sự đối lập đó của người dân ngày càng được cất lên  một cách can đảm. Hãy lắng nghe lời nói của blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất:

"Tôi ngại gì? Tôi có tội đâu mà tôi ngại? Còn giả sử nó bỏ tù tôi tiếp chung thân hay tử hình đi nữa thì tôi có một câu tôi từng nói mà chắc bạn đã thuộc rồi. “Có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”, tôi chỉ gửi lời cảm ơn tất cả các bạn đọc của tôi đã quan tâm trong suốt thời gian hai năm tôi ở tù. Và Trương Duy Nhất đã vận động người chung lên tiếng một lần khi tất cả các người khác lên tiếng."

Ông Trương Duy Nhất dõng dạc tuyên bố như vậy ngay sau khi mãn hạn tù hai năm vì bày tỏ ý kiến của ông trên trang blog Một góc nhìn khác.

Ông Trương Duy Nhất được trả tự do có lẽ là tin vui nhất của cộng đồng blogger Việt nam trong tháng Năm này. - RFA


No comments:

Post a Comment