Tin Thế Giới
1.
Khối G7 đồng ý triển hạn các biện pháp chế tài Nga --- G7 chống lại việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông --- TQ đả kích lại nhóm G7 về chỉ trích chủ quyền Biển Đông
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu đồng ý siết chặt các biện pháp chế tài Nga nếu nước này không bắt đầu thực thi hiệp định Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Từ khu nghỉ mát Schoss Elmau ở Đức, nơi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hôm thứ hai, thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Thuyết phục các nước Liên hiệp Châu Âu trong khối G7 tán thành việc triển hạn những biện pháp chế tài sẽ hết hạn trong vòng hai tháng vốn là một thách thức đối với Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sự tán thành đó sẽ gởi tới Nga một thông điệp mạnh mẽ, và hôm thứ hai ông đã đạt được mục tiêu.
"Các đối tác Châu Âu của chúng ta đã tái khẳng định là họ sẽ duy trì các biện pháp chế tài đối với Nga cho tới khi nào hiệp định Minsk được thực thi một cách đầy đủ. Điều này có nghĩa là những biện pháp chế tài của Liên hiệp Châu Âu nhắm vào các khu vực kinh tế Nga sẽ tiếp tục được áp dụng sau tháng 7."
Hoa Kỳ và các thành viên khác của khối G7 cũng cảnh báo Nga là họ sẵn sàng áp dụng dụng thêm những biện pháp chế tài mạnh mẽ nếu Nga không tôn trọng chủ quyền của Ukraine.
Phát biểu vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở Đức, ông Obama nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải có một quyết định.
"Phải chăng ông ấy tiếp tục muốn phá nát nền kinh tế của đất nước và tiếp tục làm cho Nga bị cô lập qua việc theo đuổi một ước muốn sai lầm là xây dựng lại những vinh quang của đế quốc Xô Viết? Hay là ông ấy thừa nhận rằng sự vĩ đại của Nga không lệ thuộc vào việc vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của những nước khác?"
Tổng thống Obama nêu bật những cố gắng của ông để đạt được những hiệp định thương mại qui mô lớn với các đối tác ở cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Ông cũng kêu gọi Liên hiệp Châu Âu giúp giải quyết vụ khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Cuộc họp hôm thứ hai còn bao gồm phần thảo luận về khủng bố, một vấn đề quan tâm chính của các nước trong khối G7, trong đó có một số nước tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Obama đã hội đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, là người nói rằng sự thất thủ của thành phố Ramadi mới đây chỉ là một thoái bộ tạm thời của các lực lượng Iraq. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo.
Ông Obama cho biết Hoa Kỳ cần tăng cường kế hoạch huấn luyện cho các binh sĩ Iraq.
"Chúng tôi chưa có một chiến lược hoàn toàn bởi vì nó cũng đòi hỏi những cam kết của người Iraq đối với vấn đề là việc tuyển mộ được thực hiện như thế nào và việc huấn luyện được thực hiện như thế nào."
Ông Obama nói rằng các lực lượng Iraq cần phải tăng cường công tác tuyển mộ và tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni để có thể đánh bại những phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Phi châu cũng có một vai trò lớn tại hội nghị thượng đỉnh G7. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari được mời đến để nói về những nỗ lực của chính phủ ông nhằm chống lại nhóm hiếu chiến Boko Haram và Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cũng tham gia cuộc thảo luận về những bài học của vụ bộc phát dịch Ebola ở Tây Phi.
Các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ ra sức ngăn ngừa để cho những vụ bộc phát trong tương lai không trở thành những trận đại dịch với việc cung cấp những sự trợ giúp cho 60 quốc gia, kể cả các nước trong vùng Tây Phi. - VOA
***
Trong bản tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh tại Đức, kết thúc hôm qua, 08/06/2015, các lãnh đạo nhóm G 7 (Anh, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Nhật), tuyên bố mạnh mẽ chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở vùng Biển Đông, như việc "bồi đắp đảo với quy mô lớn".
Tuy không nêu tên quốc gia nào, nhưng rõ ràng là tuyên bố của nhóm G7 muốn nói đến những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, những hành động khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai thành viên của G7, ngày càng lo ngại.
Việc Bắc Kinh ráo riết xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đưa đại pháo đến các đảo này khiến mọi người lo ngại nguy cơ quân sự hóa vùng này. Riêng Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc bồi đắp các đảo và đưa thêm vũ khí đến đây là nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Đông, cản trở quyền tự do lưu thông ở khu vực này.
Ngoài Biển Đông, các lãnh đạo nhóm G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở vùng biển Hoa Đông, nơi mà tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật quản lý, nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền. Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không bên trên quần đảo này vào năm 2013. Tokyo đã cực lực phản đối hành động này.
Phản ứng lại việc thủ tướng Nhật đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự thượng đỉnh G7, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là "không một quốc gia nào khác có quyền can thiệp" vào khu vực Biển Đông.
Cũng liên quan đến Biển Đông, Malaysia cho biết sẽ phản đối qua đường ngoại giao việc một tàu tuần duyên của Trung Quốc xâm nhập khu vực đảo Borneo. Theo lời tư lệnh hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar nói với hãng tin AFP hôm nay, 09/06/2015, từ cuối năm 2014 đến nay, tàu của Trung Quốc ngày nào cũng xâm nhập hải phận Malaysia và lần nào chính quyền Kuala Lumpur cũng phản đối.
Trong vụ việc mới nhất, chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc hiện vẫn còn ở trong hải phận Malaysia, cụ thể là gần khu vực Luconia Shoals, thuộc vùng Biển Đông, cách không xa quần đảo Trường Sa. Tư lệnh hải quân Malasyia cho biết là lần này chính quyền Kuala Lumpur sẽ phản đối Bắc Kinh qua đường ngoại giao. - RFI
***
Trung Quốc hôm nay 9/6 đã mạnh mẽ đả kích Nhóm G7 về những phát biểu mà Bắc Kinh mô tả là “vô trách nhiệm” liên quan tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong thông cáo kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Đức hôm thứ Hai, các nhà lãnh đạo của nước công nghiệp hàng đầu thế giới bày tỏ quan tâm về những căng thẳng trên biển ở Châu Á, và kêu gọi tất cả các bên hãy tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bản thông cáo chung của nhóm G7 nói “Chúng tôi mạnh mẽ chống đối việc dùng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay vũ lực, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như những dự án cải tạo đất quy mô lớn”.
Tuyên bố đó được coi là một sự chỉ trích đối với việc Trung Quốc xây những hòn đảo nhân tạo để tìm cách khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ thông cáo của nhóm G7 là “hoàn toàn không đúng sự thật”. - VOA
|
|
2.
Tin tặc Syria tuyên bố đã phá hoại trang mạng quân đội Mỹ
Quân đội Hoa Kỳ hôm qua cho biết đã tạm thời đóng trang mạng sau khi một bộ phận nội dung của trang mạng bị xâm nhập trong một vụ tin tặc.
Một nhóm liên kết với chính quyền của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công mạng này.
Nhóm tự xưng là Quân đội Điện tử Syria rêu rao về vụ tấn công mạng trên trang Twitter và phổ biến hình ảnh của một thông điệp chống Mỹ được tải lên trang mạng của quân đội Hoa Kỳ, trước khi màn ảnh trang mạng trở nên tối đen.
Nhóm "Quân đội Điện tử Syria" thoạt tiên xuất hiện vào năm 2011, khi họ nhận trách nhiệm về các vụ tin tặc nhắm vào một loạt mục tiêu, kể cả Bộ Tư Lệnh miền Trung của Hoa Kỳ, các nhà thầu làm việc cho chính phủ Mỹ và các cơ quan truyền thông.
Người đứng đầu công tác quan hệ công cộng của Lục quân Mỹ nói: "Hôm nay, một bộ phận nội dung của trang mạng chính thức của quân đội đã bị thâm nhập".
Ông nói sau khi phát hiện ra vụ việc, quân đội Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp phòng chống để bảo đảm các dữ liệu của quân đội không bị thâm nhập bằng cách tạm thời đóng trang mạng. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Vụ bê bối FIFA: Công tố viên Mỹ lần theo đường dây chuyển tiền --- Nga và Qatar 'có thể đã mua phiếu'
Vụ bê bối tham nhũng gây chấn động người hâm mộ và các quốc gia yêu chuộng môn thể thao phổ biến nhất thế giới – môn bóng đá. Chính quyền Mỹ truy tố hơn 10 người dính líu trong tổ chức quản lý môn thể thao này là FIFA, tập trung vào những vụ tham nhũng và hối lộ mà dư luận đã đồn đại suốt mấy thập niên qua. Các nhà phân tích cho biết sự dính líu của các định chế tài chính tại Hoa Kỳ đã khiến các công tố viên Mỹ phải điều tra tổ chức bóng đá quốc tế này.
Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 14 người về tội làm tiền bằng mánh khóe gian lận, lừa đảo qua đường bưu điện và rửa tiền. Các công tố viên nói rằng tất cả những vi phạm đó liên can đến một phần của một đường dây dính líu đến các nhà quản lý truyền thông chịu chi hàng triệu đôla để được quyền tiếp thị quảng cáo trong các giải đấu của FIFA.
Cựu công tố viên Mỹ John Malcolm nói rằng các công tố viên liên bang có đầy đủ bằng chứng cần thiết:
"Hệ thống tài chính của Hoa Kỳ là trung tâm luân chuyển của rất nhiều giao dịch tài chính của thế giới. Có thể là tiền chuyển vào hệ thống ngân hàng của Mỹ, hoặc tiền giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng của Mỹ. Những vi phạm bị truy tố này bao gồm những công ty ma được dựng lên để chuyển tiền và nhận tiền. Do đó một lượng tiền lớn được rửa qua hệ thống tài chính của Mỹ để hợp pháp hóa".
Ông Malcolm nói lượng tiền bảo trợ khổng lồ bị cuốn hút vào đường dây này gây lo ngại cho các quốc gia muốn tranh tài một cách công bằng ở bên trong cũng như ở bên ngoài sân cỏ.
"Bóng đá đang ngày càng thịnh hành ở Mỹ. Chúng ta tranh tài bóng đá và các công ty tổ chức của Mỹ ra sức tranh giành quyền tiếp thị, quảng cáo và quyền đăng cai các giải đấu. Một số công ty thú nhận vi phạm trong hệ thống tham nhũng này và những nạn nhân bị lấy mất tiền, mà đúng ra thuộc về họ thay vì lọt vào túi các quan chức tham nhũng, là những công ty có trụ sở ở Hoa Kỳ.
Một số nhà quan sát khác nói các truy tố tham nhũng liên quan đến FIFA còn có việc trao quyền đăng cai vòng chung kết World Cup. Kinh tế gia Andrew Zimbalist nói việc Mỹ bị FIFA từ chối trao quyền đăng cai World Cup 2022 và thay vào đó đã trao cho Qatar là một sự sỉ nhục cho các giới chức Mỹ.
"Có những thông tin vào lúc đó nói rằng người ta đi mua phiếu. Có tin nói cựu lãnh đạo bóng đá Qatar, ông Mohammed bin Hamman đi vận động, lôi kéo, mua chuộc trong nhiều năm. Có những chỉ dấu cho thấy có sự phối hợp lên tận ông chủ tịch FIFA đã từ chức Sepp Blatter".
Ông Zimbalist nói rằng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch muốn nhấn mạnh đến những lo ngại về tham nhũng của FIFA trong môn thể thao mà Mỹ muốn có một vai trò lớn hơn.
Kinh tế gia này nói Mỹ có những nguồn lực lớn hơn các nước khác để chống tham nhũng.
"Hoa Kỳ đã là nước dẫn đầu thế giới. Mỹ đã là "cảnh sát quốc tế" kể từ Thế chiến thứ II, và tôi cho rằng nhìn chung thì Mỹ thuận lợi hơn bất cứ quốc gia nào khác để đảm nhiệm vai trò này".
FIFA cho hay họ hợp tác với chính quyền Mỹ trong cuộc điều tra này và một cuộc điều tra khác của Thụy Sĩ trong vụ trao quyền đăng cai hai World Cup 2018 và 2022. Giới hữu trách Thụy Sĩ đã bắt giữ 7 giới chức FIFA. - VOA
***
Nga và Qatar có thể đã trả tiền hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup, cựu cố vấn đặc biệt cho ông Sepp Blatter nói với BBC.
Ông Guido Tognoni từng làm việc "hết sức gần gũi" với chủ tịch Fifa Sepp Blatter trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
"Ở Fifa, trong nhiều năm, người ta chỉ có thể đạt được mục đích bằng việc có trong tay đồng đôla," ông Tognoni nói với BBC Sport.
Fifa nói các cuộc điều tra về những cáo buộc như vậy hiện đang được triển khai và cho tới nay chưa có bằng chứng về sai phạm.
Thủ tục đấu thầu đăng cai World Cup 2018 và 2022 đang được nhà chức trách Thụy Sỹ tiến hành điều tra hình sự.
Nga và Qatar bác bỏ làm gì sai trái trong khi ông Blatter không bị nêu tên trong một cuộc điều tra hình sự riêng rẽ của Hoa Kỳ đối với các cáo buộc tham nhũng diện rộng ở Fifa.
Mới đây trả lời báo Sonntagszeitung ở Thụy Sỹ, nước Fifa đặt trụ sở, ông Domenico Scala, chủ tịch ủy ban kiểm toán và thủ tục cần tuân thủ của Fifa nói "nếu có bằng chứng rằng việc thưởng cho Nga và Qatar quyền đăng cai bóng đá đến từ mua phiếu thì việc trao quyền đó có thể bị hủy".
Ông Scala nói thêm "tuy nhiên đến nay chưa thấy bằng chứng của tham nhũng" trong hai lần bỏ phiếu nói trên.
Ông Scala từng đưa ra nhận xét tương tự vào cuối năm 2013 nhưng xét trong bối cảnh có các diễn biến tại Fifa trong hai tuần qua, người ta xem bình luận này của ông là cảnh báo nghiêm trọng hơn.
Bảy quan chức cao cấp của Fifa bị bắt vào tháng trước tại một khách sạn ở Zurich nơi họ ở trước kỳ bỏ phiếu bầu ghế chủ tịch Fifa.
Họ nằm trong số 14 người bị giới công tố Hoa Kỳ buộc tội nhận hối lộ và tiền hoa hồng ước tính khoảng hơn 150 triệu đôla trong giai đoạn 24 tháng.
Nhà chức trách Thụy Sỹ cũng đã tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt về cách trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.
Một cuộc điều tra của BBC tiếp cận được bằng chứng cho thấy chi tiết về khoản tiền 10 triệu USD được Fifa chuyển vào các tài khoản của cựu phó chủ tịch Fifa là ông Jack Warner.
Chứng từ chuyển số tiền nhân danh Nam Phi cho thấy ông Warner đã dùng khoản tiền này qua việc rút tiền mặt, cho vay cá nhân và rửa tiền thay vì được dùng cho chương trình tài trợ cho bóng đá vùng Caribbean.
Báo chí Anh hôm Chủ Nhật có bài nói việc bỏ phiếu cho World Cup ở Nam Phi 2010 'bị mua' và phiếu cao hơn đáng ra phải cho Morocco.
Ông Jack Warner, 72 tuổi, đã bị FBI của Hoa Kỳ kết tội tham nhũng nhưng đã bác bỏ tất cả những cáo buộc này.
BBC đã được xem chứng từ cho thấy Fifa chuyển khoản ba lần vào ngày 4/01, 1/02 và 10/03 năm 2008 với tổng số tiền là 10 triệu USD từ các tài khoản của Fifa vào các tài khoản của Hiệp hội Bóng đá Bắc Trung Mỹ và vùng Caribbean, tổ chức mà ông lúc đó phụ trách.
Ông Sepp Blatter, Chủ tịch Fifa từ 1998, được tái bầu tại một phiên bỏ phiếu ở Zurich nhưng tuyên bố bốn ngày sau đó rằng ông sẽ từ chức sau các cáo buộc tham nhũng xảy ra với tổ chức này.
Ông Blatter sẽ vẫn ngồi ghế Chủ tịch cho đến ít nhất là tháng 12 năm nay.
Bê bối về cáo buộc tham nhũng tại Fifa đặt ra câu hỏi liệu nên cải tổ Fifa hay dẹp bỏ để làm lại từ đầu. - BBC
|
|
4.
Lãnh đạo quân đội Trung Quốc công du Hoa Kỳ
Trong bối cảnh những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông đã làm cho mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc hôm qua 08/06/2015 thông báo lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã bắt đầu chuyến công du sáu ngày tại Hoa Kỳ.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ đến thăm tàu sân bay mang tên Ronald Reagan tại một căn cứ hải quân tại California. Lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, cũng như nhiều quan chức cao quốc phòng cao cấp khác tại Lầu Năm Góc vào ngày thứ Năm 11/06 tới đây.
Những tuần gần đây, khẩu chiến Mỹ-Trung đã gia tăng do tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Washington chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động cải tạo các đảo đang có tranh chấp mà họ đang chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh thì khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại những khu vực đó là “không thể chối cãi” trên cơ sở những “lập luận lịch sử và pháp lý”.
Hoa Kỳ cảnh báo sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm tự do lưu thông hành hải được tôn trọng, như đưa tàu chiến hay chiến đấu cơ đến tuần tiễu trong khu vực, kể cả ở những vùng không phận hay lãnh hải xung quanh những đảo do Trung Quốc kiểm soát. Tại Diễn đàn An ninh Châu Á Thái Bình Dương, diễn ra tại Singapore ngày 31/05/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ rõ “Trung Quốc đã không tuân theo các luật lệ quốc tế”.
AFP cho biết để tránh xảy ra các sự cố hải quân hay không quân do những bất đồng giữa quân đội hai bên, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn duy trì các mối quan hệ quân sự thường xuyên ở các cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiền nhiệm, ông Chuck Hagel, từng đến thăm Bắc Kinh vào tháng 4/2014. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
5.
20 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc ‘bốc hơi’ ở Việt Nam? --- Có hay không nền kinh tế ngầm với TQ?
Một đại biểu quốc hội hôm qua, 8/6, đã làm nóng nghị trường với bài phát biểu về quan hệ thương mại Việt-Trung, trong đó có nêu ra việc 20 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã bị “bốc hơi”.
Ông Mai Hữu Tín cho rằng số liệu thống kê hai nước từ trước tới nay luôn chênh lệch theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam.
Nếu theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc hơn 63 tỷ đôla, chứ không phải 43 tỷ đôla như Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.
Đại biểu tới từ tỉnh Bình Dương nói:
"Một con số khổng lồ. Nói rõ hơn, chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ tung hoành, cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam".
Trong khi đó, dù thừa nhận con số nhập siêu 20 tỷ đôla của Việt Nam từ Trung Quốc mà “không ai biết” như ông Tín nêu ra, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng sự chênh lệch này là do cách thống kê dữ liệu xuất-nhập giữa các nước khác nhau và do ngành hải quan quản lý chưa tốt việc gian lận thương mại.
Nhận định về thông tin mà một số tờ báo trong nước cho rằng đã làm “chấn động” dư luận, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho VOA Việt Ngữ biết rằng thông tin mà đại biểu quốc hội Mai Hữu Tín đưa ra “không phải mới”.
“Phía Trung Quốc đã công bố và so sánh với số liệu của Việt Nam. Tiến sỹ Vũ Quang Việt cũng đã đối chiếu số liệu của Trung Quốc với Việt Nam và đã phát hiện từ năm 2012 rằng hai bên đã có khoản chênh lệch. Điều ông Mai Hữu Tín làm rất rõ và nêu bật lên là tại sao lại có khoản chênh lệch đó, và khoản chênh lệch đó đặc biệt đối với nhập khẩu. Như vậy là Việt Nam đã nhập siêu khoảng 20 tỷ đôla, và khoản đó nhân lên với số tỷ giá thì đó là một khoản tiền khổng lồ. Vì vậy cho nên là phát biểu của ông Mai Hữu Tín là phát biểu rất là tích cực, đã gây một tiếng vang lớn và tôi rất hoanh nghênh phát biểu đó”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong các năm gần đây cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng, từ 12,4 tỷ đôla năm 2010 lên 16,3 tỷ đôla năm 2012 và lên đến 29 tỷ đôla trong năm 2014.
Còn theo đại biểu Mai Hữu Tín năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ đôla, cao hơn so với con số 29 tỷ đôla mà Việt Nam công bố, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của phía Việt Nam.
Tiến sỹ Doanh nhận định rằng sự mất cân đối trong giao dịch thương mại Việt-Trung là một việc “rất nghiêm trọng” đối với Việt Nam. Ông nói tiếp:
“Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, và người dân Việt Nam đang mua hàng hóa của Trung Quốc và trả lương nuôi công nhân Trung Quốc trong khi đó công nhân Việt Nam rất khó khăn, và rất khó có thể vượt qua những thử thách trong thời gian tới đây. Vì vậy, việc hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ quá lớn như vậy và có thể xâm nhập thị trường Việt Nam một cách quá dễ dàng như vậy thì đã đến lúc, theo như phát biểu của Đại biểu Mai Hữu Tín, cần phải có một sự chấn chỉnh và xem xét lại rất nghiêm túc tình hình này”.
Về khoản chênh lệnh khổng lồ trên, ông Trí được báo chí trong nước trích lời nhận định rằng chiếc áo giáp bảo vệ thị trường Việt Nam “đang rách trong giao dịch thương mại với Trung Quốc”.
Việc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam thừa nhận có chênh lệch trong thống kê dữ liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến giới quan sát nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam “bị chi phối ngầm” vì chính phủ "không nắm được thực trạng phát triển kinh tế". - VOA
***
Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam vừa thừa nhận có chênh lệch trong thống kê dữ liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng chênh lệch trong thống kê cho thấy chính phủ "không nắm được thực trạng phát triển kinh tế", khiến nền kinh tế bị chi phối ngầm.
Ông Tín cũng đặt nghi vấn về tình trạng xuất khẩu lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc, bất chấp chính sách ưu đãi thuế.
Ông cho rằng đây có thể là các mặt hàng bị cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế, như tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam cùng ngày 8/6 dẫn lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói chênh lệch này là do "cách thống kê dữ liệu giữa các nước khác nhau" và do "ngành hải quan quản lý chưa tốt việc gian lận thương mại".
"Thế giới quy định xuất theo giá FOB (tức miễn trách nhiệm trên boong tàu), trong khi nhập thì theo giá CIF (bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, vận chuyển đến cảng)", ông Vinh cho biết.
"Hàng Việt Nam đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch... nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó".
Bên cạnh đó, cách tính thuế khác nhau nên cách tính giá trị hải quan giữa các nước cũng khác nhau, ông Vinh nói thêm.
"Không nắm được thực trạng"
Trả lời BBC ngày 9/6, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng chênh lệch trong số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy nhà chức trách "không nắm được đích xác thực trạng phát triển kinh tế của mình".
"Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận là có một lượng giao thương không được thống kê, như vậy không phải là Việt Nam hoàn toàn không biết", ông nói.
"Nhưng khi không thống kê được, tức là anh chỉ biết là nhiều hơn hay ít hơn thực tế, chứ không biết đích xác là bao nhiêu".
"Điều này dẫn tới sai sót trong đánh giá thực lực, không tốt cho hoạch định chính sách".
Ông Thiên cho rằng điều này là do hai nguyên nhân chính:
"Thứ nhất là thống kê của Việt Nam chưa được đầy đủ như của Trung Quốc, thứ hai là việc buôn lậu tiểu ngạch qua đường biên giới không được thống kê", ông nói.
"Thực ra thì giao thương qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc từ xưa nay vẫn có và người ta không đánh giá cao lắm, cho nên biết là vậy nhưng vẫn để trao đổi bình thường"
"Thế nhưng vì bỏ qua cái nhỏ dẫn đến sơ suất cái lớn, vì vậy tôi nghĩ nên có kiểm điểm lại".
"Việc kiểm soát biên giới Việt Nam cần phải phân cấp cho địa phương thì mới tốt hơn được, chứ hiện nay toàn những cửa khẩu quốc gia, kể cả những cửa khẩu tiểu ngạch, vì vậy quản lý không được linh hoạt và chặt chẽ."
"Tôi nghĩ đầu tiên là phải nhìn về phía Việt Nam, phải tăng cường quản lý giám sát. Chính vì mình sơ suất nên người ta lợi dụng."
"Đây là câu chuyện mang tính thị trường rất cao, không quản lý được thì họ sẽ lợi dụng, cơ chế quản lý của Việt Nam phải hiệu quả hơn."
"Tôi nghĩ là sắp tới sẽ có những chính sách khắc phục điều này."
'Biết nhưng không cứng rắn'
Trả lời BBC cũng trong ngày 9/6, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đồng ý với ý kiến của đại biểu Mai Hữu Tín về việc chênh lệch trong thống kê xuất khẩu là do một số mặt hàng xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm cả tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
"Vấn đề xuất khẩu tài nguyên thì mọi người đều thấy, đều biết," ông nói.
"Quản lý nhà nước thế nào mà để hàng chục nghìn tấn than đá từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tàu ngoài biển mà hải quân hay hải quan không thấy được."
"Các tài nguyên khác như khoáng sản đồng, sắt, cũng vậy, trong khi vận chuyển bằng những phương tiện rất lớn."
"Những chuyện đó hiển nhiên nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước biết, nhưng không có những động thái cứng rắn."
Ông Thành cho rằng sự thiếu sót trong thống kê và quản lý khiến nền kinh tế Việt Nam bị chi phối và gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
"Điều này tác động rất lớn trong giao thương Trung Quốc, không thấy được bộ mặt thật trong vấn đề giao thương giữa hai nước," ông nói.
"Việt Nam mua trang thiết bị của Trung Quốc rất nhiều và thường là những thiết bị mà các nhà máy của họ không còn dùng nữa, nhập những công nghệ phế thải khiến sản phẩm chất lượng không tốt, giá cao không cạnh tranh được với nước ngoài mà chỉ trong nước thôi."
"Việc mua bán khoáng sản và những hàng hóa khác với Trung Quốc qua đường lậu thì điều kiện giao thương không tối ưu, bị áp những điều kiện hoàn toàn bất lợi."
"Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc thì giá rẻ, không qua hải quan, khi đưa ra thị trường tiêu dùng giá rất rẻ, mặt hàng trong nước không cạnh tranh nổi, nên một số mặt hàng bị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đến 100%."
"Những hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam cũng rất độc hại như lương thực, đồ chơi trẻ em, không kiểm soát được vì không qua kênh chính thức."
"Thuốc lá bán trên chợ không qua các đường chính thức nhưng vẫn bán trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước, hay như thuốc trừ sâu độc hại vẫn không có ai kiểm soát."
"Đây không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề môi trường và sức khỏe của cả một dân tộc đối mặt với nguy hiểm." - BBC
|
|
6.
Dự án thờ Khổng Tử gây ‘bão’ dư luận Việt Nam
Một dự án xây Văn Miếu và thờ Khổng tử trị giá hàng trăm tỷ đồng tại một tỉnh ở Việt Nam đang vấp phải nhiều chỉ trích không những từ công chúng mà còn cả báo chí.
Truyền thông trong nước đưa tin, công trình Văn Miếu được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Trong tờ trình đề nghị phê duyệt dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng nên thờ Khổng Tử tại Văn Miếu này.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian của Việt Nam và Trung Quốc, cho biết ông cảm thấy “bàng hoàng” khi đọc tin về dự án tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng này.
“Kèm theo cảm xúc bàng hoàng là một sự xót xa vì một văn miếu do cấp tỉnh xây dựng với mức đầu tư kinh phí từ ngân sách của nhà nước, tức là tiền thuế của dân là 314 tỷ. Thật là một con số khủng khiếp, trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam đang sa sút như thế này. Việc tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Văn Miếu như thế đang gây ra những dư luận trái chiều, và căng thẳng trong dư luận xã hội. Giới chức của địa phương đã lên tiếng để bao biện cho việc làm của mình.”
Truyền thông đã có nhiều bài viết với những hàng tít như: “Vĩnh Phúc chi 300 tỷ xây Văn Miếu là có lỗi với mai sau…”, “Không thể tin nổi” hay “Bỏ hàng trăm tỷ xây Văn Miếu thờ Khổng Tử là không thực tế”.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Trần Mạnh Định - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết rằng trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử.
Một số thậm chí còn đề nghị không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ tại Văn Miếu. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện ủng hộ quan điểm này. Ông nói:
“Trong bối cảnh của thế kỳ 21, khi khoa cử, nho học đã chấm dứt, cái việc Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Phúc thờ trong chính điện một vị là Khổng tử thì đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Ngay cả quan chức lãnh đạo ngành văn hóa và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc họ cũng đang bối rối và lúng túng. Việc thờ Khổng Tử trong một khổng miếu vừa xây dựng mới hoàn toàn, không dựa trên những tài liệu cổ, thì là một điều chúng ta không nên làm.”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với lãnh đạo Sở Văn Hóa – Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc để phỏng vấn.
Tới tối ngày 9/6, không rõ lý do vì sao một số bài báo về dự án của tỉnh Vĩnh Phúc trên nhiều tờ báo đã bị gỡ khỏi mạng Internet.
Một dự án liên quan tới Khổng Tử khánh thành năm ngoái ở Việt Nam cũng đã vấp phải phản ứng mạnh của dư luận trong bối cảnh căng thẳng Việt-Trung dâng cao vì các tranh chấp ở biển Đông.
Cuối năm ngoái, Việt Nam đã chính thức khánh thành Học viện Khổng Tử và đích thân ông Du Chính Thanh, nhân vật đứng hàng thứ tư trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dự lễ gắn biển tại Đại học Hà Nội.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam gọi Học viện này là “cầu nối góp phần làm sinh động quan hệ” giữa hai nước.
Trong khi đó, nhiều học giả ở trong nước, trong đó có tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, cho rằng Viện Khổng tử là “một trong những ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng ảnh hưởng về văn hóa để thể hiện quyền lực mềm đối với Việt Nam”. - VOA
No comments:
Post a Comment