Saturday, June 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 27/6

Tin Thế Giới

1.
Mỹ: Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa hòa bình

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 26/06/2015 đã lại tố cáo các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo rầm rộ mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, xem đấy là "mối đe dọa cho hòa bình". Điểm đáng chú ý là nhân vật số hai của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại so sánh các hành vi chiếm đảo của Trung Quốc tại Biển Đông với những gì mà Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine.

Trong tham luận tại Trung tâm Center for a New American Century, một cơ quan tham vấn về an ninh, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã nhắc lại lập trường của Mỹ là không thiên về bên nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng có lợi ích thiết thân trong việc bảo về quyền tự do lưu thông tại vùng biển này. 

Đối với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, các đề án cải tạo đất trên quy mô to lớn của Trung Quốc tại Biển Đông là "một mối đe dọa cho hòa bình và ổn định". Theo ông Blinken: "Con đường phía trước đối với Trung Quốc, và tất cả các bên tranh chấp, làm phải đình chỉ mọi hoạt động cải tạo đất và giải quyết bất đồng đúng theo quy định của pháp luật".

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông và khẳng định họ có toàn quyền xây dựng trên các đảo đá trong tay ở Biển Đông. Nhân chuyến công du Hoa Kỳ hồi đầu tuần, nhân vật lãnh đạo nền ngoại giao Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định rằng tự do hàng hải ở Biển Đông không hề bị đe dọa. 

Hành vi hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông đã bị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ so sánh với các hành động của Nga tại miền Đông Ukraine: "Ở cả miền Đông Ukraine lẫn Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến ​​những hành động dùng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng – những hành vi mà Hoa Kỳ và các đồng minh đồng lòng chống lại".

Vào tháng Tư năm ngoái, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel cũng đã từng đánh đồng các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông với việc Nga lấn chiếm vùng Crimée của Ukraine. Theo ông Russel, sự đe dọa trả đũa về kinh tế có khả năng làm cho Trung Quốc chùn bước trong việc sử dụng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, tương tự như những gì Nga đã làm tại Crimée. 

Ông Russel cũng cảnh cáo Trung Quốc là không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh châu Á. - RFI
|
|

2.
Thủ tướng Hy Lạp quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ

Thủ tướng Hy Lạp quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về kết quả cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế về kế hoạch cứu nguy tài chánh.

Thủ tướng Alexis Tsipras loan báo quyết định bất ngờ này trên đài truyền hình vào sáng thứ bảy và cho biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 7.

Ông nói rằng một phiên họp khẩn của quốc hội sẽ được triệu tập xế ngày hôm nay để phê chuẩn quyết định của ông.

Ông Tsipras quyết định như vậy vài giờ sau khi vòng điều đình mới nhất với các chủ nợ Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không mang lại một thoả thuận.

Các vị bộ trưởng tài chánh của khu vực Euro gồm 19 nước sẽ họp tại Brussels ngày hôm nay trong nỗ lực cuối để đạt được thoả thuận.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ sáu cho báo chí biết rằng không còn nhiều thời giờ để có được một thoả hiệp cứu nguy cho Hy Lạp và mọi nỗ lực phải được thực hiện trong ngày thứ bảy để tìm kiếm một giải pháp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ họp với Ngoại truởng Iran ở Vienna

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang họp với giới chức đồng cấp phía Iran, ông Javad Zarif, tại Vienna ngày hôm nay, vài ngày trước thời hạn chót để có được một hiệp định toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran.

Hoa Kỳ cùng với 5 nước đối tác trong cuộc đàm phán sẽ tìm cách đạt được thoả thuận chung cuộc trước thời hạn tự ấn định là ngày 30 tháng 6. Nhiều giới chức dự kiến sẽ không có thoả thuận trước thời hạn chót.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Tây phương nói rằng các vấn đề vẫn còn cần phải giải quyết gồm có các cuộc thanh sát của Liên Hiệp Quốc tại các địa điểm ở Iran, vấn đề minh bạch, vấn đề chế tài, và khía cạnh quân sự có thể có của chương trình hạt nhân của Iran.

Các nhà thương thuyết đang tìm cách đạt được thoả thuận chung cuộc nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc giảm thiểu hoặc dỡ bỏ các biện pháp chế tài. - VOA
|
|

4.
Tòa Tối cao Mỹ: Các tòa tiểu bang phải cho phép hôn nhân đồng tính

Tối cao pháp viện Mỹ phán quyết rằng các cặp đồng tính có quyền thành hôn ở bất cứ nơi nào ở trong nước, và như thế đã vô hiệu hóa luật pháp tại một số tiểu bang nghiêm cấm hôn nhân đồng phái tính.

Hiện các cặp đồng tính nam và nữ được quyền thành hôn tại 36 tiểu bang và thủ đô Washington. Phán quyết của Tòa án Tối Cao sẽ nới rộng quyền này đến tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Tòa án biểu quyết với đa số 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng giới tính. Phán quyết của bên đa số viết rằng “khước từ quyền được thành hôn của các cặp đồng giới sẽ có tác động nghiêm trọng và lâu dài. Việc áp đặt lệnh cấm thành hôn đối với thành phần đồng giới nam và nữ, có tác dụng không tôn trọng và áp chế họ. Và Điều khoản về Quyền được Bảo vệ Bình đẳng, cũng như Điều khoản về Quyền được Hệ thống Pháp lý Đối xử Công Bằng nghiêm cấm việc vô cớ vi phạm quyền cơ bản được kết hôn". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Mãn hạn tù, luật sư Lê Quốc Quân tuyên bố tiếp tục chống Trung Quốc

Luật sư Lê Quốc Quân, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật tại Việt Nam cho AFP biết tiếp tục các hoạt động chống Trung Quốc xâm lược, khi ra khỏi trại giam hôm nay 27/06/2015 sau hai năm rưỡi ngồi tù vì tội danh trốn thuế.

Ông Lê Quốc Quân, một blogger Công giáo và là luật sư, đã ra khỏi nhà tù ở Quảng Nam sáng nay và gặp gỡ các thành viên gia đình lâu nay vẫn đấu tranh đòi trả tự do cho ông. Trả lời hãng tin Pháp AFP bằng tiếng Anh, ông nói: "Tôi rất vui mừng" và cho biết sẽ đến thẳng một bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Người luật sư 43 tuổi đã năm lần tuyệt thực trong tù, lần gần đây nhất kéo dài 14 ngày và chấm dứt vào ngày 24/6.

Luật sư Quân hứa hẹn tiếp tục các hoạt động chống Trung Quốc đã khiến chính quyền bực tức. Về hành động bồi đắp, xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông của Bắc Kinh, ông cho biết: "Tôi hết sức quan ngại trước việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho chủ quyền nước Việt không bị xâm phạm" và nói thêm, ông nóng lòng được đọc các tin tức sau thời gian dài bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Với tư cách blogger, ông Lê Quốc Quân viết về nhiều đề tài nhạy cảm như các quyền dân sự, đa đảng và tự do tín ngưỡng, đã bị giam cầm từ tháng 12/2012. Bản án vì tội trốn thuế dành cho ông hồi tháng 10/2013 đã bị Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo là mang động cơ chính trị. Nhà hoạt động này cũng tích cực tham gia loạt biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 trước các hành động xâm lăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Việt Nam đã phải vất vả tìm cách giữ thăng bằng giữa những chỉ trích dữ dội trong nước trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, và quan hệ chặt chẽ lâu nay với các lãnh đạo Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội đôi khi được làm ngơ, mà theo các nhà phân tích, như một thông điệp gởi đến Bắc Kinh. Nhưng chính quyền cũng thường trấn áp thô bạo, bắt giữ những người biểu tình.

AFP nhận xét, một tấm ảnh của luật sư Lê Quốc Quân được em trai ông là Lê Quốc Quyết đăng trên Facebook hôm nay cho thấy ông Quân tuy ốm hơn nhưng có vẻ khỏe khoắn, đang tươi cười ôm lấy người thân, chỉ sau hai tiếng đồng hồ đã thu hút được 1.500 like. Ông nói với hãng tin Pháp, việc bỏ tù ông là một "thất bại của tư pháp", và ông muốn giúp đỡ những người có tình cảnh tương tự vẫn đang phải chịu đựng trong tù. Blogger này luôn bác bỏ các cáo buộc đối với mình.

Việt Nam thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các chính phủ phương Tây tố cáo thái độ cứng rắn đối với các nhà ly khai, vi phạm tự do tôn giáo. Nhưng Hà Nội đang tìm cách siết chặt quan hệ ngoại giao và thương mại với cựu thù Mỹ, để làm đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông, nên có vẻ hòa dịu hơn trước những tiếng nói chỉ trích trong nước.

Năm ngoái, sau khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng biến thành bạo động. Một số nhà máy ngoại quốc bị phóng hỏa, ít nhất hai công nhân Trung Quốc thiệt mạng.

Việt Nam còn là đối tác đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thành lập khu vực tự do mậu dịch khổng lồ, vốn là dự án ưu tiên của Hoa Kỳ. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ lên đường công du Mỹ tháng tới. Đây là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một lãnh đạo đảng.

Một dấu hiệu khác cho sự thay đổi trong quan hệ: Washington mới đây đã ca ngợi những "tiến bộ" về nhân quyền tại Việt Nam, nói rằng số tù nhân lương tâm từ 160 trong năm 2013 nay chỉ còn khoảng 100 người, và "về mặt chính thức", "hầu như không có ai" bị truy tố về các hoạt động hay phát biểu mang tính chính trị trong năm nay.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch cho biết không nghĩ rằng việc phóng thích luật sư Lê Quốc Quân có quan hệ với đàm phán TPP, vì ông Quân đã phải chấp hành toàn bộ bản án. Ông Robertson nói: "Nhưng sẽ là điều tốt nếu chính phủ Mỹ dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu Việt Nam từ nay chấm dứt sách nhiễu ông Quân, để cho ông được thực hiện các quyền của mình mà không có sự ngăn trở hay trả thù nào". - RFI

***
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân được trả tự do sau khi mãn hạn tù và nói bản án 30 tháng tù mà ông bị cáo buộc về tội trốn thuế là 'hoàn toàn oan ức' và 'sai trái'.

Ông Quân nói với BBC ngay sau khi ra tù, hôm 27/6/2015, rằng việc ông bị bắt giữ và bỏ tù không 'làm thay đổi gì' tới ý muốn "làm những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam" của ông, nhưng có thể ông sẽ có một số 'điều chỉnh' về cách thức đấu tranh.

Trước mắt, ông Quân nói là ông sẽ 'kiểm tra sức khỏe' và ông cũng cho hay là ông không có dự định 'ra nước ngoài' mà muốn ở lại Việt Nam.

Hôm 26/6, em trai của luật sư bất đồng chính kiến, ông Lê Quốc Quyết nói là sức khỏe của anh trai của ông 'vẫn tốt'.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của BBC với ông Lê Quốc Quân.

BBC: Cảm xúc của ông như thế nào sau khi ra tù?

Ông Lê Quốc Quân: Tôi ra tù vào lúc 7:30 sáng nay. Họ thả ngay tại cổng trại và tôi có gia đình đón.

Cảm xúc rất vui và hạnh phúc vì được gặp em, gặp vợ và bạn bè thân hữu ngay tại đây.

BBC: Kế hoạch sắp tới của ông là gì, thưa ông?

Ông Lê Quốc Quân: Trước mắt tôi muốn kiểm tra sức khỏe, về quê thắp hương tổ tiên và cập nhật thêm thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội.

BBC: Vừa qua một số tổ chức nước ngoài đã viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam phục hồi giấy phép hành nghề luật sư cho ông. Đây có phải là điều ông muốn đạt được trong thời gian tới?

Ông Lê Quốc Quân: Đó là một trong những mong muốn rất lớn của tôi. Trong tù vừa rồi tôi có tiến hành tuyệt thực và tọa kháng từ ngày 10 tới ngày 24/6.

Mục tiêu của tôi là đòi công lý cho mình và những người bị giam oan khác ở Việt Nam. Tất cả những điều này có biên bản giấy tờ. Viện Kiểm sát, Tổng cục 8 họ cũng đã ghi nhận những thông tin này.

Một trong những điều tôi muốn là có được thẻ hành nghề luật sư và được bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình trong thời gian bị bắt giữ mà tôi cho là hoàn toàn oan ức và sai trái.

BBC: Họ đã phản hồi trước những yêu cầu này như thế nào thưa ông?

Ông Lê Quốc Quân: Tất cả những ngày tôi tuyệt thực và tọa kháng thì họ cũng chỉ ghi nhận, có biên bản, giấy tờ và ghi hình, ghi lời lại. Phía bên trại họ nói là chỉ giam giữ theo bản án và hết bản án thì ra, còn phản ứng chính thức thì chưa có.

'Không làm thay đổi gì'

BBC: 30 tháng tù đã thay đổi những gì trong ông?

Ông Lê Quốc Quân: Việc giam giữ không làm thay đổi gì cả vì cá nhân tôi chỉ muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam. Tôi thực sự mong muốn một đất nước Việt Nam giàu đẹp, phát triển, thịnh vượng, khi đó mới đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nhưng tất nhiên là có nhiều những cách thức làm việc, thái độ và quan điểm của mình thì có những điều chỉnh khác đi.

Quả thật thì thời gian 30 tháng cũng cho tôi nhiều suy ngẫm rất đáng lưu ý.

BBC: Ông đã bao giờ nghĩ tới việc đấu tranh từ Hoa Kỳ như các ông Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải hay chưa?

Ông Lê Quốc Quân: Phía Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam nói tôi có thể có cơ hội ra nước ngoài, nhưng tôi đã từ chối.

Tôi thực sự yêu đất nước và muốn ở lại Việt Nam. Tại đây tôi cũng có gia đình, bạn bè và tôi không muốn ra đi.

BBC: Thời gian qua có những người được trả tự do, như ông Nguyễn Quang Lập, nhưng bị nói là vẫn đang trong quá trình điều tra. Một số ý kiến nói đây là thủ thuật mới của chính quyền nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng mà không phải bỏ tù họ. Ông sẽ đối phó ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh này?

Ông Lê Quốc Quân: Tôi là một luật sư nên sẽ tận dụng tất cả kiến thức và sự hiểu biết của mình để sống đúng pháp luật và cũng hy vọng các cơ quan thực thi pháp luật làm việc theo đúng trình tự. Còn tôi cũng không làm chủ được tất cả các hoàn cảnh.

Cáo buộc trốn thuế

Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 do bị cáo buộc tội 'Trốn thuế' theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Đến tháng 10 năm 2013, Tòa án TP Hà Nội tuyên án ông 30 tháng tù và phạt công ty của ông 1,2 tỷ đồng.

Bản án này được tòa phúc thẩm vào tháng Hai năm 2014 giữ nguyên.

Sinh năm 1971, ông Quân từng là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tích cực trước khi bị bắt.

Luật sư Lê Quốc Quân cũng là tiếng nói bất đồng mạnh mẽ ở Hà Nội và từng bị giam 100 ngày sau khi du học từ Hoa Kỳ về nước. - BBC
|
|

6.
Chính quyền Thái hủy buổi phúc trình của HRW về tình hình người Thượng VN

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm nay 26 tháng 6 có kế hoạch họp với báo giới tại Câu lạc bộ Nhà báo Quốc tế ở Bangkok, để công bố phúc trình về việc chính quyền Việt Nam ngược đãi người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Thế nhưng theo như báo trước một hôm, cuộc họp báo bị chính quyền Thái Lan hủy vào giờ phút chót.

Chờ đợi đến phút chót

Lực lượng an ninh mặc thường phục có mặt từ lúc 9:30 sáng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế ở thủ đô Thái Lan nơi cuộc họp báo theo kế hoạch sẽ được tiến hành. Sau đó xuất hiện cảnh sát mặc sắc phục của Thái tại tòa nhà nơi đặt trụ sở CLB Nhà báo Quốc tế.

Tuy nhiên theo giờ thông báo là 10:30 sáng cuộc họp báo bắt đầu, nhiều nhà báo đã tập trung để tham dự; trong khi đó Ban Điều hành CLB Nhà báo Quốc tế cũng như thành viên của Human Right Watch đều chờ đợi thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng Thái Lan về việc phải hủy cuộc họp báo.

Đến giờ họp báo, người đại diện của CLB Nhà báo Quốc tế tại Bangkok là bà Veronica Pedrosa, thông báo chính thức cuộc họp báo phải bị hủy bỏ theo lệnh của cơ quan chức năng Thái Lan:

Đại ý theo bà này thì Hội đồng Quốc gia Vì Hòa Bình và Trật tự (NCPO- tức chính phủ quân nhân Thái Lan hiện nay) thông qua cảnh sát địa hạt Lumpini của thủ đô Bangkok thông cáo cho CLB Nhà báo Quốc tế cũng như HRW là theo Điều khoản 44 không được tổ chức sự kiện này bởi nó nhạy cảm cho quan hệ Thái Lan- Việt Nam và có thể gây nên bất ổn và bất an tại Thái Lan.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, ngay sau khi có thông cáo chính thức từ phía cơ quan chức năng Thái Lan tỏ ra thất vọng và ngạc nhiên về quyết định buộc phải hủy cuộc họp báo về vấn đề người sắc tộc Tây Nguyên ở Việt Nam. Theo ông này thì vấn đề không liên quan gì đến Thái Lan cả.

Thông cáo chính thức được Human Right Watch đưa ra vào trưa ngày 26 tháng 6 nêu rõ việc hủy bỏ cuộc họp báo là bị cưỡng bức. Theo HRW thì qua việc can dự bảo vệ những vi phạm nhân quyền của một quốc gia láng giềng đối với một nhóm người tại nước đó và ngăn cản một cuộc họp báo được lên kế hoạch trước, chính quyền quân sự Thái Lan đang vi phạm quyền tự do hội họp và cho thấy sự khinh thường quyền tự do báo chí. Hành động của chính quyền Thái Lan hôm nay là dấu chỉ mới nhất chứng tỏ rằng Thái Lan chọn đứng về phía các chế độ độc tài trong khối ASEAN trong khi tăng cường thêm nữa đàn áp tại Thái Lan.

Ông Phil Robertson cho rằng có sự tác động của chính quyền Việt Nam đối với chính phủ Thái để buộc hủy cuộc họp báo.

Một nhà báo nước ngoài đang ở Thái Lan và đến dự cuộc họp báo bị hủy, bà Jane Grant, cho biết ý kiến về quyết định của chính quyền quân nhân Thái Lan không cho HRW tiến hành kế hoạch đã định để trình bày phúc trình về việc bách hại người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên:

Đại ý theo bà này thì quyết định của chính phủ Thái là cẩn trọng không muốn làm tổn thương vị khách Việt Nam sẽ đến thăm Thái Lan vào cuối tháng.

Bà này cho rằng sự việc quá tồi tệ vì bà không thể có được những thông tin về người sắc tộc Tây Nguyên mà bà muốn biết được.

Nội dung phúc trình

Bản phúc trình dài 33 trang của HRW lần này có tên ‘Đàn áp các nhóm tôn giáo ‘Tà đạo’: vi phạm nhân quyền đối với người thượng ở Việt Nam’.

Phúc trình căn cứ vào những tìm hiểu của HRW tại Kampuchia và Thái  Lan từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Đó là hai quốc gia mà những người sắc tộc Tây Nguyên phải bỏ quê cha đất tổ chạy trốn sang để tìm qui chế tỵ nạn. Ngoài ra phúc trình còn căn cứ trên các tin bài của báo chí chính thống tại Việt Nam.

Theo thông cáo báo chí của HRW thì ‘báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ ràng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách Nhà nước.

Tiếng nói người sắc tộc thiểu số

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, một người dân tộc Jarai theo đạo Tin lành tại xã Iapiar, huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai cũng cho biết tình cảnh của một số gia đình đồng bào sắc tộc tại địa phương như sau:

“Họ bắt bớ người bình thường thì không nói rồi, còn chúng tôi những người ra trại rồi, bị tội phản động thì chỉ có quyền duy nhất là nghe theo lời của họ thôi. Còn nếu không nghe theo lời của chính quyền ở đây thì ngày nào cũng bắt (từ) chuyện nhỏ (đến) chuyện lớn. Bắt rồi họ đem về cứ tra tấn, đánh đập vậy thôi. Chẳng biết kêu la được với ai cả.

Chúng tôi chỉ làm nông thôi chứ đâu có nghề gì. Mà như anh biết làm nông phụ thuộc vào dân buôn. Nếu dân buôn chèn ép thì… Giá cả lên còn đỡ. Vay vốn Nhà nước không được, Nhà nước đâu có ưu tiên cho vay vốn đâu. Chỉ vay vốn ở ngoài không thôi. Bây giờ người này nợ, người kia nợ, chẳng ai khá lên nổi. Như gia đình ALư nợ nần chồng chất, bán hết đất đai cũng đâu thể trả hết nợ cho dân buôn. 

Nhà nước thì coi như chúng tôi ngoài vòng rồi, chả quan tâm gì nữa. Nếu có quan tâm thì cũng chẳng đủ để chúng tôi sống được.” 

Phúc trình của HRW chính thức được phổ biến vào ngày 26 tháng 6 kêu gọi chính phủ Hà Nội phải cho những tổ chức tôn giáo độc lập được tự do thực hành tín ngưỡng của họ.

Đối với những người bị bách hại phải chạy sang Kampuchia, HRW kêu gọi chính quyền Phnon Penh phải bảo đảm cho họ có được cơ hội nộp đơn tị nạn và các yêu cầu bảo hộ được xem xét một cách công bằng.

Đối với Cao ủy Tỵ Nạn Liên hiệp quốc, HRW kêu gọi phải yêu cầu chính phủ Kampuchia cho được tiếp cận với người sắc tộc thiểu số bị bắt giữ tại khu vực biên giới và tìm cách bảo đảm để họ được cấp quyền tìm qui chế tỵ nạn.

HRW kêu gọi những nhà tài trợ cho Việt Nam gây sức ép buộc chính quyền Hà Nội chấm dứt chính sách và các hành động đàn áp khiến nhiều người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên phải bỏ xứ trốn sang Kampuchia.

Hoa Kỳ cũng được HRW kêu gọi gây áp lực đối với chính quyền Việt Nam trong việc cải tổ thực chất dự thảo luật về tín ngưỡng- tôn giáo; theo đó việc đăng ký tôn giáo không phải là bắt buộc. - RFA

No comments:

Post a Comment