Tin Thế Giới
1.
Taliban tấn công Quốc hội Afghanistan
Một nhóm các tay đánh bom tự sát của phe Taliban vũ trang hùng hậu đã xông vào Quốc hội Afghanistan vào lúc Quốc hội đang họp để quyết định về việc phê chuẩn bộ trưởng quốc phòng được chỉ định là ông Massom Stanekzai.
Những người chứng kiến thuật lại một loạt các vụ nổ súng và chất nổ từ bên trong tòa nhà tiếp theo vụ đột nhập. Vụ tấn công bắt đầu bằng một vụ nổ lớn ở cổng chính.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Afghanistan Mohammad Ismail Kawassi cho hay cho đến giờ này, có 21 người bị thương và được chở đến 3 bệnh viện ở Kabul. Trong số này có 5 phụ nữ và 2 trẻ em. Các giới chức cũng xác nhận tất cả các nhà lập pháp đề an toàn vô sự và trở về nhà.
Cảnh sát Afghanistan nói 6 phần tử chủ chiến Taliban can dự vào vụ tấn công đã chết, và súng đã ngừng nổ.
Một người phát ngôn của Taliban là Zabihullah Mujahid cho hay vụ tấn công nằm sau điều ông gọi là một sứ mạng tự sát nhắm vào các thành viên của quốc hội “nô lệ.”
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy khói dầy đặc bốc lên từ khu vực tòa nhà quốc hội, với các binh sĩ và cảnh sát Afghanistan bố trí trên các con đường dẫn đến hiện trường.
Truyền thông Afghanistan phổ biến hình ảnh từ bên trong quốc hội cho thấy sảnh đường chính mù khói và các nhà lập pháp ùa ra ngoài.
Khu vực nơi xảy ra vụ tấn công hôm nay cũng là nơi tọa lạc văn phòng của các các tổ chức ngoại viện và các phái bộ ngoại giao.
Phái bộ Viện trợ Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan, tức UNAMA, đã cực lực lên án vụ tấn công này.
Phó Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Afghanistan, ông Tadamichi Yamamoto nói, “Vụ tấn công vào Quốc hội, mà phe Taliban đã nhận là thủ phạm, là một sự đối đầu rõ ràng và cố ý nhắm vào nền dân chủ ở Afghanistan – Một cuộc tấn công nhắm vào các đại diện của nhân dân Afghanistan được bầu lên một cách dân chủ.”
Thông cáo nói UNAMA cũng hết sức quan ngại trước tin tức về số thường dân bị thương vong trong vụ tấn công, và kêu gọi tất cả các bên trong vụ xung đột ở Afghanista, kể cả phe Taliban, hãy bảo vệ thường dân, trong đó có nhân viên chính phủ vào bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ nơi nào.
Vụ tấn công của Taliban xảy ra 1 ngày sau khi nhóm nổi loạn này chiếm một quận chủ chốt ở tỉnh Kunduz miền bắc và lực lượng an ninh Afghanistan đang chống chọi với các phần tử nổi dậy bên ngoài thủ phủ tỉnh này. - VOA
|
|
2.
Philippines tập trận chung với Mỹ-Nhật gần Biển Đông
Cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu hôm nay trong lúc hải quân Philippines và Nhật Bản tiến hành những cuộc thao dượt chung. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tại Manila, cả hai hoạt động này diễn ra ở Palawan, gần khu vực đang có tranh chấp gay gắt ở Biển Đông.
Cuộc thao dượt Mỹ-Phi có sự tham gia của chiến hạm USS Fort Smith và một chiếc máy bay trinh sát P-3 Orion. Hải quân Philippines cho biết các binh sĩ sẽ được huấn luyện về việc thực hiện những phi vụ trinh sát, tập trận bắn đạn thật, lục soát và chiếm giữ tàu bè cùng với những hoạt động khác. Các giới chức nói rằng những cuộc diễn tập chung sẽ diễn ra trong hải phận Philippines ở duyên hải phía đông của đảo Palawan.
Phát ngôn viên của Hải quân Philippines, Thiếu tá Lued Lincuna nhấn mạnh với đài VOA rằng cuộc thao dượt với Lực lượng Tự vệ Hải dương Nhật Bản là “một hoạt động hải dương chứ không phải là một cuộc diễn tập trên biển.” Ông Lincunna cho biết hoạt động này tập trung vào cứu trợ thiên tai cùng với tìm kiếm và cứu hộ.
Người phát ngôn của Hải quân Philippines nói rằng máy bay của hai nước, trong đó có máy bay trinh sát P-3C Orion của Nhật, sẽ bay trong khu vực nằm ngoài lãnh hải 22 kilomét của Philippines.
"Khái niệm về hoạt động hải dương là máy bay của cả hai nước sẽ cất cánh và bay tới khu vực - mà hiện giờ tôi chưa biết rõ là khu vực nào, và tại đó họ sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan tới công tác tìm kiếm cứu hộ."
Biển Đông nằm ở duyên hải phía tây của đảo Palawan, với quần đảo Trường Sa nằm cách đó khoảng 300 kilo mét về hướng tây bắc. Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo tại ít nhất 7 bãi đá ngầm trong vùng biển này và Philippines có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết các bãi đá đó.
Tuần trước, trang mạng Sina của Trung Quốc đã cho đăng 17 tấm hình của hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập, trong đó có hình của những nữ quân nhân của Trung Quốc đứng cạnh những tấm bia, một vườn rau và một chuồng heo.
Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau trong vùng biển giàu tài nguyên và có những tuyến hàng hải hết sức quan trọng cho thương mại quốc tế. Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với một quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Đảo Điếu Ngư và Tokyo gọi là Senkaku.
Trong những năm gần đây, Philippines – là nước có ngân sách quốc phòng thấp nhất trong khu vực, đã bắt đầu bổ sung các khí tài quân sự và tăng cường những mối quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia đồng minh trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc khẳng định điều mà họ gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Các giới chức quân sự Philippines cho biết cuộc diễn tập chung với Mỹ năm nay nằm trong khuôn khổ của các cuộc tập trận thường niên và không dính líu tới vụ tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cuộc thao dượt với Nhật Bản có ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng đối với Nhật Bản.
Đảng Liên minh Ái quốc Mới của Philippines là đảng chống đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines. Tổng thư ký của đảng này, ông Renato Reyes, nói rằng giờ đây nước ông phải “lo lắng” về những ý đồ quân sự của Nhật Bản.
"Có lẽ là họ định phô trương thêm sức mạnh quân sự trong những năm sắp tới. Chúng tôi không muốn bị họ lợi dụng để làm bàn đạp. Chúng tôi không muốn bị dùng làm bàn đạp cho chủ nghĩa can thiệp của Mỹ hoặc chủ nghĩa quân phiệt của Nhật."
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đến thăm Nhật Bản và cho biết hai nước sẽ thương thuyết để có một hiệp định chính thức về các lực lượng thăm viếng ngõ hầu các lực lượng Nhật Bản có thể được luân phiên bố trí ở Philippines. - VOA
|
|
3.
Philippines mua 100 tàu tuần duyên để bảo vệ ngư dân
Ngày 22/06/2015, Cục Ngư nghiệp Philippines thông báo đặt mua gần 100 tàu tuần duyên để bảo vệ các tàu cá của Philippines bị Trung Quốc và Đài Loan uy hiếp. Các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines ngày càng gia tăng.
Trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, lãnh đạo Cục Ngư nghiệp Philippines Asis Perez cho biết đã đặt mua 98 chiếc tàu mới. 71 đơn vị trong số đó có nhiệm vụ tuần tra sát bờ, 27 chiếc còn lại có kích thước lớn hơn để đáp ứng nhu cầu giám sát ở ngoài khơi. Cục Ngư nghiệp Philippines sẽ tiếp nhận toàn bộ số tàu vừa đặt mua nói trên trước cuối năm 2015.
Bờ biển của Philippines trải dài trên 36.000 cây số và với 7.100 hòn đảo từ bắc chí nam, tăng cường lực lượng tuần tra trên biển là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Manila. Ông Perez lưu ý cho biết, dù với 120 tàu tuần duyên, con số đó cũng quá ít ỏi so với nhu cầu thực sự. Tuy nhiên với điều kiện hiện tại, cục Ngư nghiệp Philippines chỉ có thể đặt mua 100 tàu mới.
Một trong những ưu tiên hàng đầu là nhằm bảo vệ ngư dân Philippines trước các hành vi đánh bắt trái phép ngày càng gia tăng của các tàu cá Trung Quốc và Đài Loan. Gần đây nhất là vào tháng 5/2015 cảnh sát biển Philippines phát hiện tàu cá Đài Loan hoạt động trái phép trong vùng biển của Philippines tại khu vực phía bắc quần đảo Batan. Nhân viên tuần duyên Đài Loan can thiệp kịp thời, tàu cá của Đài Loan vô sự. Năm 2013, căng thẳng giữa Manila và Đài Bắc đã gia tăng cường độ sau vụ một ngư dân Đài Loan thâm nhập trái phép vào vùng biển Philippines bị nhân viên tuần duyên nước này bắn chết. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thảo luận về thế phòng thủ mới của Châu Âu
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter sẽ đi thăm Châu Âu trong tuần này để kêu gọi các đồng minh NATO có những biện pháp thích ứng để đối phó với những đe dọa mới từ Nga ở miền đông, và Nhà nước Hồi giáo ở miền nam.
Ông Carter sẽ họp với các giới chức tại Đức, Estonia và Bỉ để khuyến khích bộ trưởng của các nước đồng minh làm việc với nhau chặt chẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa mà Châu Âu phải đối diện.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Bộ trưởng Carter kêu gọi NATO "bỏ đi sách lược của Chiến tranh Lạnh" sau việc Điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn quân sự cho các phần tử đòi ly khai Ukraine.
Tại một cuộc họp của NATO, các bộ trưởng quốc phòng sẽ thảo luận kế hoạch tăng cường các hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.
Các nhà lãnh đạo NATO theo trông đợi sẽ cung cấp cố vấn ở cấp bộ và hỗ trợ huấn luyện cho Iraq.
Bộ trưởng Carter cũng thảo luận về một đề nghị của Hoa Kỳ đưa xe tăng, xe Humvee và các khí cụ khác sang trang bị cho một tiểu đoàn để thao dượt và các chương trình huấn luyện khác ở Đông Âu.
Bộ trưởng Carter chưa chính thức thông qua kế hoạch này và các giới chức cũng chưa nói các loại khí cụ sẽ được đưa đến đâu, nhưng có nhưng dấu hiệu cho thấy Ba Lan, nước có chung biên giới với Nga, có thể là một địa điểm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak nói rằng ông đã thảo luận với Bộ trưởng Carter về việc thiết đặt các khí cụ bị ở Ba Lan và tại bốn nước NATO khác ở đông Âu.
Cách đây 2 tuần, các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của Hoa Kỳ và Âu châu đã họp với ông Carter và kết luận rằng Hoa Kỳ cần phải tăng cường các các cuộc thao dượt và huấn luyện quân sự với các nước trong khu vực, và phải tăng cường chia sẻ tình báo để đối phó hữu hiệu hơn với Nga. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Các lực lượng đặc biệt Việt Nam đang chuẩn bị cho tranh chấp Biển Đông?
‘Quân đội Việt Nam đang chuẩn bị các lực lượng đặc biệt để có thể tấn công các cơ sở Trung Quốc trong khu vực’ là hàng tít đăng trên báo Want China Times của Đài Loan hôm nay, trích nguồn tin từ báo Kommersant có trụ sở ở Moscow.
Bài báo viết rằng cũng như các cuộc diễn tập quân sự đã được quân đội Việt Nam tiến hành từ năm 2004 đã cho thấy, máy bay chiến đấu SU-22 của Không quân Việt Nam sẽ được dùng để phát động cuộc tấn công đầu tiên chống các mục tiêu trên biển bằng tên lửa không đối địa AS-10. Các chiến đấu cơ này có thể tấn công các tàu hải quân Trung Quốc từ độ cao 2.500 tới 3.000 mét.
Cùng lúc, các chiến đấu cơ SU-30 có khả năng được dùng để yểm trợ đội máy bay dội bom SU-22. Tờ Want China Times đưa ra kịch bản là kế đó, Hải quân Việt Nam có thể đổ bộ lên các hòn đảo và bãi đá ngầm hiện do Trung Quốc chiếm đóng. Tàu đổ bộ sẽ được yểm trợ bởi máy bay, các tàu ngư lôi và hộ tống. Bài báo dẫn tin của Hệ thống Quân sự Sina ở Bắc Kinh nói rằng các tàu hộ tống lớp Tarantul được trang bị tên lửa Kh-35 do Nga chế tạo đặc biệt nguy hiểm đối với các tàu bè của Trung Quốc.
Việt Nam là nước thứ nhì trên thế giới sở hữu loại tên lửa Kh-35 do Nga chế tạo. Tầm bắn của vũ khí nguy hiểm này là 130km.
Vẫn theo kịch bản này, thì sau đó các lực lượng đặc biệt Việt Nam sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào nhiều mục tiêu, kể cả các thương thuyền, tàu tiếp tế, các trạm radar, và các cơ sở và phương tiện khác của Trung Quốc trên các đảo nhỏ hay bãi đá, nơi mà một số ít binh sĩ Trung Quốc trú đóng.
Theo tờ Kommersant, mỗi đơn vị lực lượng đặc biệt của Việt Nam chỉ gồm từ 3 tới 5 người.
Một bài báo trên tờ Vancouver Sun của Canada viết rằng hiện nay, Việt Nam và Philippines nay đã công khai tranh chấp với Trung Quốc để giành chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cuộc tranh chấp đã âm ỉ từ lâu lại bùng phát mới đây vì các hoạt động qui mô lớn của Bắc Kinh để lấp biển xây đảo nhân tạo tại vùng biển đang trong vòng tranh chấp này.
Theo tờ báo, chính các hoạt động xây đảo của Trung Quốc cũng đã khiến Washington phải lên tiếng cảnh báo Trung Quốc, và tăng cường các chuyến bay tuần tra trên không phận Biển Đông.
Tờ Vancouver Sun trích lời Tổng lãnh sự Philippines Neil Ferrer nói rằng “Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, không chỉ ở Biển Đông, mà trong tất cả các quan hệ quốc tế. Trong nội bộ ASEAN, chúng tôi đã đi đến đồng thuận là chúng tôi mong muốn các nước khác phải tôn trọng. Chúng tôi đang tích cực kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp, kể cả Trung Quốc”.
Tờ báo trích lời Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver Trần Quang Dũng, đồng tình với phát biểu của tổng lãnh sự Philippines. Ông Dũng nói: “Về vấn đề Biển Đông, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn vấn đề này được giải quyết dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển. Chúng tôi muốn tất cả các bên liên quan tôn trọng luật này, và giúp tạo điều kiện để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử với Trung Quốc”.
Tờ báo nhận định rằng có rất ít triển vọng là Trung Quốc sẽ lùi bước trong cuộc tranh chấp để giành chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, Philippines và Việt Nam nối lại đàm phán về việc thực thi luật pháp trên biển. Tờ Philippines Star hôm nay loan tin hai nước đang làm việc để thiết lập một cơ chế hầu có thể giải quyết hòa bình các vụ đối đầu trên biển, đặc biệt liên quan tới các vụ đối đầu vì các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong các vùng biển thuộc chủ quyền của mỗi nước.
Từ tháng Ba năm nay, Philippines và Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để có thể phối hợp phản ứng trong trường hợp xảy ra các hoạt động bất hợp pháp, cũng như để hợp tác trong các hoạt động cứu nạn trên biển. - VOA
|
|
6.
Việt Nam: 8 người Indonesia nhận tội cướp tàu dầu Malaysia
Một giới chức Việt Nam hôm nay cho hay 8 công dân Indonesia bị chặn bắt tuần trước đã thú nhận là họ đã khống chế và cướp chiếc tàu dầu của Malaysia.
Hãng tin AP dẫn lời Đại tá Đoàn Bảo Quyết thuộc lực lượng tuần duyên Việt Nam ở tỉnh Kiên Giang nói rằng những người bị bắt, tuổi từ 19 tới 61, thoạt tiên nói họ đã lâm nạn trên biển trong khi đi đánh cá tới đảo Thổ Chu ngoài khơi bờ biển Việt Nam hôm thứ Sáu.
Nhưng sau khi được các giới chức Việt Nam cho coi hình ảnh và thông tin do nhà chức trách Malaysia cung cấp, nhóm người Indonesia đã thú tội và nhận trách nhiệm đã thực hiện vụ cướp chiếc tàu dầu hồi trước đây trong tháng.
Báo Asian Correspondent tường thuật rằng tàu dầu Orkim Harmony lúc bị cướp đang chuyên chở 7 triệu rưỡi lít dầu, trị giá khoảng 21 triệu Ringgit, tương đương với 5.7 triệu đôla. Tàu Orkim Harmony bị mất liên lạc trong lúc đang trên đường tới Kuantan ở Malaysia hôm 11 tháng 6.
Đại tá Quyết nói rằng nhóm 13 hải tặc Indonesia trang bị súng ngắn và mã tấu đã chiếm quyền kiểm soát của chiếc tàu dầu. Vẫn theo giới chức Việt Nam này thì khi bị bắt, nhóm hải tặc mang theo một món tiền lớn bằng Mỹ kim và tiền Ringgit của Malaysia.
Chiếc tàu đã được phát hiện hôm thứ Năm, lúc đó, tàu đã được sơn lại màu đen từ màu xanh dương trước đó.
Đây là chiếc tàu dầu thứ nhì của Malaysia bị cướp trong tháng này. Cơ quan Hàng Hải Quốc tế nói các vụ tấn công nhắm vào các tàu dầu nhỏ đã gia tăng trong khu vực kể từ năm ngoái. - VOA
No comments:
Post a Comment