Friday, June 12, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 12/6

Tin Thế Giới

1.
Bộ trưởng QP Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo --- Biểu tình về Biển Đông vào ngày lễ Độc lập của Philippines --- Chuyên gia Ba Lan sợ Biển Đông sẽ giống Ukraine

Tiếp một lãnh đạo quân sự cao cấp của Trung Quốc đến thăm Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Bắc Kinh ngưng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông.

Lãnh đạo Lầu năm góc đã đưa ra yêu cầu nói trên hôm qua, 11/06/2015, khi tiếp Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tại Washington.

Tướng Phạm Trường Long đã đến Mỹ từ ngày 08/06, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 6 ngày. Chuyến đi Hoa Kỳ của nhân vật lãnh đạo số hai của Quân uỷ trung ương Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.

Hoa Kỳ đã liên tiếp chỉ trích Trung Quốc về các công trình mở rộng, bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cho rằng chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng này là "không thể tranh cãi được", dựa trên những "bằng chứng lịch sử và pháp lý".

Theo bản thông cáo của Lầu năm góc, bộ trưởng Quốc phòng Carter đã nhắc lại với tướng Phạm Trường Long những mối quan ngại của Hoa Kỳ về Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt lâu dài việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này, bằng cách tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế".

Về phần tướng Phạm Trường Long thì nói với bộ trưởng Carter rằng không nên để bất đồng giữa hai nước trên vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Washington-Bắc Kinh. Mặc dù nhân vật lãnh đạo số hai của Quân ủy trung ương Trung Quốc kêu gọi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nên giảm bớt các hoạt động trên biển và trên không ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, nhưng giọng điệu của viên tướng này khá hòa dịu.

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo quốc phòng của hai nước là nhằm chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 năm nay. - RFI

***
Một ca khúc chủ đề kêu gọi người dân Philippines tự mình đứng dậy chống lại Trung Quốc vang lên vào lúc khoảng 500 người biểu tình đi tuần hành dưới trời nóng cháy trên con đường phía trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila.

Những người biểu tình tự xưng là “Đồng nhất ủng hộ Chủ quyền Philippines” muốn các tàu trinh sát của Trung Quốc và những tàu vét bùn để xây đảo ra khỏi vùng đặc khu kinh tế 370 kilomet bao quanh bờ biển Philippines.

Tổng thư ký Đảng Liên minh Mới, ông Renato Reyes, nói Trung Quốc phải “ngưng gây phương hại” đến chủ quyền của Philippines.

“Chúng tôi có thể là một nước nhỏ, nhưng người dân chúng tôi sẽ chống trả, sẽ đứng lên chống lại mọi hình thức can thiệp của nước ngoài dù là Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Chúng tôi muốn một nước Philippines độc lập thực sự, một nước không chịu sự chỉ huy hay gây phương hại của bất cứ lực lượng nước ngoài nào”.

Bắc Kinh đang sử dụng hàng chục tàu thuyền công nghiệp để vét bùn trong Biển Đông, xây lên các hòn đảo nhân tạo có thể dùng làm sân đáp máy bay và căn cứ cho các tiền đồn quân sự. Các hành động này đã khơi ra sự chỉ trích gay gắt từ phía các giới chức Hoa Kỳ và Philippines đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại rằng Bắc Kinh có thể có hành động hạn chế quyền tự do đi lại của tàu bè trong vùng nước cấp thiết cho hàng hải quốc tế.

E dè về liên minh chống Trung Quốc

Các chuyên gia phân tích nói đa số công chúng Philippines tán thành việc duy trì quan hệ với Hoa Kỳ trước sự hiện diện ngày càng hung hãn của Trung Quốc ngoài biển. Nhưng các nhóm như của ông Reyes vẫn e dè về những liên minh như vậy và chống đối hiệp ước phòng thủ chung của Manila với Washington. Ông Reyes đặt sự tin tưởng vào vụ kiện trọng tài của Manila chống lại Bắc Kinh, nêu nghi vấn về điều mà Manila gọi là “những khẳng định quá đáng” của Bắc Kinh trong vùng biển.

Trung Quốc bác bỏ việc trọng tài và không tham gia vào vụ việc còn đang chờ được xét xử. Trung Quốc nói họ có “chủ quyền không tranh cãi được” trong hải phận này và hàng trăm bãi cạn của họ.

Ông Roilo Golez, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, đứng đầu một nhóm khác có tên là “Không lệ thuộc,” đi theo sau một cuộc biểu tình trước đó tại lãnh sự quán. Nhóm người biểu tình này đang vận động thành lập các liên minh với những nước giúp củng cố lập trường của Manila.

Ông Golez nói không có thứ gọi là chính sách đối ngoại độc lập, như nhóm kia kêu gọi, nhất là khi Philippines với ngân sách quân sự tí hon, “phải đối đầu với một nước khổng lồ”.

“Và trong một tình huống như thế này, khi chúng ta có những lợi ích chung thì điều bình thường là thành lập các liên minh. Lợi ích chung là chúng ta muốn Biển Đông là một khu vực chung, chứ không phải là một cái hồ riêng của Trung Quóc. Phải có sự tự do đi lại của tàu bè ở đó. Họ không được xâm phạm đặc khu kinh tế của chúng ta”.

Giới hữu trách ở Manila tuần này cũng công bố một tài liệu 3 phần về Biển Đông nhắm mục đích bênh vực chủ quyền của họ trong vùng nước giàu có về sinh vật biển và tài nguyên năng lượng. - VOA

***
Diễn biến ở Biển Đông trong hiện nay giống như chuyện Nga thao túng khiến cho Ukraine bất ổn và thế giới phải gánh chịu hậu quả. Đó là phân tích của chuyên gia thời sự hàng đầu của Ba Lan về các vấn đề Đông Á, Rafał Tomański.

Rafał Tomański vừa tổ chức buổi giới thiệu quyển sách mới xuất bản tại tòa soạn tờ nhật báo lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza, với sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng trong đó có hai giáo sư đại học Ba Lan. Thông tín viên Lê Hải, tại Luân Đôn đã có dịp đến thủ đô Vacxava dự buổi ra mắt và cho biết thêm chi tiết:

Rafał Tomański là nhà báo nổi tiếng của tờ Rzeczpospolita, tức là Cộng Hòa – là tờ nhật báo có tầm ảnh hưởng mạnh nhất tới giới kinh tế và luật pháp ở Ba Lan. Vốn cho đến nay anh chuyên phân tích tình hình Nhật Bản và Đông Á, nhưng cuộc biểu tình của người Việt ở thủ đô Vacxava hồi năm 2014 đã khiến anh quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là gắn kết vấn đề Biển Đông với bối cảnh địa chính trị ở bờ Tây Thái Bình Dương.

Với cách nhìn của người Ba Lan, thì tư duy hiếu chiến và hành động can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cũng như tác động vào chính trị nội bộ của khu vực để chiếm đất Crimée, chuyên gia Tomański thấy tình hình ở Biển Đông cũng giống hệt như vậy, với một nước lớn đang đưa quân đội vào khu vực và chiếm Việt Nam để làm chủ toàn bộ Biển Đông cũng là một trong số những kịch bản có thể xảy ra nếu không có ai can thiệp.

RFI: Vậy thì Ba Lan trong tư cách là một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sẽ có can thiệp gì hay không?

Lê Hải: Tổng hợp lại những gì đã chứng kiến, anh Rafał Tomański thấy rằng chính sách của Ba Lan trong vài năm trở lại đây rất là chệch choạc, không có hướng đi hay nguyên tắc gì rõ ràng, thậm chí nhiều lúc chỉ vì hứng chí với ngân hàng đầu tư Trung Quốc mà nêu quan điểm ngược lại với chính sách của Hoa Kỳ, vốn là đồng minh rất quan trọng của Ba Lan trong khối NATO. Tuy nhiên, anh cho rằng quá trình đàm phán sắp tới đây giữa EU và ASEAN sẽ kéo Ba Lan quay trở lại một con đường rõ ràng hơn về chính sách đối ngoại.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu hiện nay chính là cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, cho nên đây sẽ là một lá bài rất khó đoán trước và chắc chắn sẽ rất bất ngờ cho tất cả các bên về tác động của Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu vào câu chuyện Biển Đông. Điểm lại lịch sử thì Ba Lan từng khiến thế giới bất ngờ khi đứng ra giám sát hiệp định đình chiến ở Việt Nam hồi 1954, và tới bây giờ rất nhiều cán bộ tập kết vẫn còn nhớ tới con tàu Kilinsky của Ba Lan từng chở họ trên Biển Đông ra Bắc vào Nam.

RFI: Ở Ba Lan có hàng chục ngàn người Việt đang sống và trên 2000 người mang quốc tịch Ba Lan. Vậy quan điểm và ảnh hưởng của họ ra sao?

Lê Hải: Trong buổi tọa đàm có hai giáo sư và một chính trị gia người Ba Lan, cùng với một lãnh đạo hội đoàn người Việt ở đây. Một vài người nghe khá bất ngờ khi thấy ông không nói mà đọc nguyên văn một tờ giấy đã được chuẩn bị từ trước. Có một số người Việt đến nghe nhưng không phát biểu. Tuy nhiên, đến phần giao lưu ở bên ngoài thì có một lãnh đạo hội đoàn người Việt bức xúc về lệnh của lãnh đạo Việt Nam cấm sử dụng vũ khí trên đảo Gạc Ma khi bị Trung Quốc đổ bộ chiếm đóng và giết chết bộ đội Việt Nam năm 1988. Ông cũng tỏ ý không hài lòng với tư duy biển đảo của các lãnh đạo hiện nay, và cho rằng đảng cộng sản Việt Nam cần phải coi lợi ích dân tộc là quan trọng hơn lối tư duy ý thức hệ cứng nhắc.

Có lẽ cũng cần nhắc thêm ý kiến của một thính giả người Ba Lan, rằng trong lịch sử, dư luận Ba Lan luôn ủng hộ nước yếu bị kẻ khác bắt nạt. Và điều đáng chú ý là tỷ lệ người nghe là thanh niên Ba Lan là rất ít, và hoàn toàn vắng mặt giới trẻ Việt Nam, kể cả những người từng tích cực tổ chức và tham gia biểu tình chống giàn khoan của Trung Quốc hồi năm 2014. Khi đó từng nổ ra các cuộc tranh cãi về chuyện số đông thuộc phe cờ đỏ sao vàng không muốn người cầm cờ vàng ba sọc cùng tham gia tuần hành thể hiện lòng yêu nước.

RFI: Nhìn rộng ra trên thế giới thì sau nhà báo Bill Hayton ở Anh thì đây là quyển sách thứ hai của các nhà báo trên thế giới phân tích tình hình Biển Đông. Tại sao Ba Lan lại sớm hơn nhiều nước khác ?

Đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế ở Ba Lan hay kể cả ở Anh trong vòng một năm qua thì đây là hiện tượng rất lý thú và thực sự ngay bây giờ sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng câu chuyện Biển Đông như hiện nay chỉ hấp dẫn với người nào quan tâm thường xuyên đến lịch sử và cục diện thế giới. Mà ở điểm này thì mối quan tâm đó của người Ba Lan cũng cao giống như là ở Anh, tạo ra nhu cầu cho thị trường sách, hay là các buổi tọa đàm chuyên đề như thế này.

Cũng cần nhìn vào tác động của cuộc biểu tình rầm rộ của người Việt ở Ba Lan đã tác động mạnh vào dư luận, đặc biệt khi ban tổ chức in sẵn hàng chục ngàn tờ rơi bằng tiếng Ba Lan để phát cho người dân đứng hai bên đường xem khi tuần hành ở khu trung tâm thủ đô Vacxava. Cuộc biểu tình cũng lôi kéo được một nữ giáo sư trẻ người Ba Lan đang dạy ở trường đại học tổng hợp Vacxava, cho nên cũng đánh động mối quan tâm của giới chuyên môn.

Và quan trọng nhất, Ba Lan có rất nhiều di dân sang Mỹ nay giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ hay quân đội, như chúng ta từng biết đến cố vấn tổng thống thời chiến tranh Việt Nam Zbigniew Brzeziński, hay Sikorsky là hãng sản xuất máy bay trực thăng cho hải quân Mỹ đang triển khai vào Biển Đông. Như vậy, thân nhân của di dân ở lại Ba Lan tất nhiên cũng quan tâm đến khu vực mà Hoa Kỳ đang xoay trục dần sang. Có vẻ như Trung Quốc hiểu được điều đó cho nên họ chi rất nhiều tiền cho các hoạt động nghiên cứu của giới chuyên gia Ba Lan và xuất bản sách báo ồ ạt, và với chi phí lớn như vậy sẽ dễ lấy lòng dư luận Ba Lan khi cần thiết. - RFI
|
|

2.
Nghi vấn về việc chính phủ Úc trả tiền cho những tay buôn người

Thủ tướng Australia, ông Tony Abbott, đã bị áp lực của công chúng đòi giải thích những cáo buộc cho rằng các giới chức biên phòng đã trả cho những tay buôn bán người hàng ngàn đôla để bỏ rơi hành trình của họ. Các tổ chức nhân quyền và các chính trị gia đối lập nói những cáo buộc này đã làm phương hại đến uy tín của Australia.

Cảnh sát Indonesia nói thuyền trưởng một chiếc tàu chở lậu người nói rằng nhân viên biên giới của Australia đã trả cho ông và thủy thủ đoàn của ông hàng ngàn đôla để quay tàu lại và trở về Indonesia.

Một tàu hải quân Australia đã chận chiếc tàu chở người lậu ngoài khơi Java vào ngày 20 tháng 5 trong lúc đang chở 65 hành khách, phần lớn từ Sri Lanka cũng như Bangladesh. Tin cho hay những người này đang tìm cách đến New Zealand.

Cảnh sát Indonesia ở tỉnh Đông Nusa Tenggara nói viên thuyền trưởng này cùng thủy thủ đoàn 5 người của ông mỗi người đã được trả khoảng 3.800 đôla để chiếc tàu quay về. Chiếc tàu sau đó đã đâm vào một bờ đá ở một hòn đảo hẻo lánh. Một người phát ngôn chính phủ cho hay Indonesia sẽ mở một cuộc điều tra về những cáo buộc đó.

Chính sách cứng rắn

Cả ngoại trưởng Australia Julie Bishop lẫn Bộ trường Di trú Peter Dutton đều bác bỏ các bản tin. Nhưng ông Abbot, phát biểu trên đài phát thanh thương mại Úc hôm nay đã từ chối không đề cập đến những khẳng định chi tiền cho viên thuyền trưởng và đoàn thủy thủ.

“Chúng tôi không bình luận về các vấn đề điều hành, nhưng chúng tôi nhất quyết bảo đảm rằng tàu thuyền bất hợp pháp không được đến Australia. Điều chúng tôi làm là ngăn chặn những tàu thuyền này bằng mọi cách. Tôi sẽ không đi vào những ‘giả định’. Điều quan trọng là chúng tôi chận các tàu thuyền đó lại”.

Chính sách của Australia vẫn là ngăn chặn tàu thuyền đến bờ biển Australia và ngăn không cho những người có thể muốn đi di trú thực hiện cuộc hành trình. Giới hữu trách đang gửi những người muốn xin tỵ nạn đến các trại ở Papua New Guniea và Nauru để giam giữ dài hạn.

Chính sách cứng rắn này đã dẫn đến những lời chỉ trích từ phía đối lập chính trị và các tổ chức nhân quyền, nhưng việc cáo buộc trả tiền cho các tay buôn người đã đưa đến những cáo buộc cho rằng Australia vi phạm luật quốc tế.

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young thuộc Đảng Xanh đối lập chỉ trích việc ông Abbott không giải tỏa những lời cáo buộc đó.

“Sự kiện Thủ tướng không loại trừ việc các giới chức Úc đã trả hàng ngàn đôla cho các cá nhân lái một chiếc tàu xin tỵ nạn để hối lộ cho họ đưa tàu trở lại Indonesia – nếu quả thật là như vậy thì đó là điều lạ lùng và chưa từng thấy từ trước đến nay. Nó làm ta tự hỏi thực sự mọi việc xấu đến mức nào ngoài biển khơi”.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở Bangkok, Thái Lan, về sự đi lại bất hợp pháp ở Đông Nam châu Á, đại diện của Australia kêu gọi có một giải pháp cho vấn đề đưa người lậu và mua bán người.

Ảnh hưởng thanh danh của Úc

Đại diện tổ chức Human Rights Watch ở Australia, bà Elaine Pearson, nói việc ông Abbot không phủ nhận những cáo buộc trả tiền là điều ‘đáng lo ngại.’ Bà Pearson nói những cáo buộc có khả năng làm tổn thương đến thanh danh của Australia ở Đông Nam Á.

“Thực là hết sức tai hại cho uy tín của Australia trong khu vực. Tham gia vào các hoạt động đơn phương như đẩy tàu bè trở lại Indonesia, hay thực sự trả tiền cho những tay buôn người để trả người về nước, cho thấy Australia không quan tâm đến những biện pháp có thể là một đường lối trong khu vực”.

Trong những tháng gần đây, Đông Nam Á đã chật vật đối phó với luồng người tỵ nạn Rohingya Hồi giáo vô tổ quốc từ bang Rakhine miền tây Myanmar đang trốn chạy nạn ngược đãi, bạo lực và lưu đày xã hội.

Hàng ngàn người tị nạn bị kẹt trên các tàu thuyền ngoài biển Andaman sau khi xảy ra một vụ trấn át ở Thái Lan và các tay buôn người bỏ rơi tàu thuyền ngoài khơi.

Nhưng nhân viên nhân đạo nói với đài VOA rằng trong khi đã có một sự lắng xuống về số tàu thuyền của các tay buôn người ra khơi thì số tàu thuyền đang sẵn sàng lên đường vào những tháng sắp tới. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tin tặc đánh cắp thông tin của ‘tất cả nhân viên chính phủ Mỹ’

Một liên đoàn lao động của Mỹ nói rằng những kẻ tin tặc hiện nắm giữ các thông tin cá nhân nhạy cảm về tất cả các nhân viên liên bang sau vụ tấn công mạng quy mô lớn mà các giới chức Hoa Kỳ nói là xuất xứ từ Trung Quốc.

Liên đoàn Các nhân viên chính phủ Mỹ, AFGE, đã tuyên bố như vậy hôm qua trong một bức thư gửi Văn phòng Quản trị Nhân viên, OPM, cơ quan quản lý nhân sự của chính phủ liên bang, mục tiêu của cuộc tấn công vừa qua.

Chủ tịch liên đoàn David Cox viết trong thư: “Những kẻ hacker hiện nắm giữ tất cả các thông tin cá nhân của tất cả các nhân viên liên bang, tất cả các nhân viên liên bang đã nghỉ hưu và khoảng một triệu cựu nhân viên liên bang”.

Tuần trước, OPM nói rằng khoảng 4 triệu nhân viên liên bang hiện thời cũng như đã nghỉ việc bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công mạng hồi tháng 12 năm ngoái.

Đây là một vụ tấn công lớn nhất nhắm vào các dữ liệu cá nhân của chính phủ Mỹ trong nhiều năm qua.

Theo AFGE, các thông tin bị đánh cắp gồm số an sinh xã hội, địa chỉ, ngày sinh, cũng như hồ sơ việc làm, lương bổng. Liên đoàn này cho rằng OPM chưa cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan tới vụ tấn công. - VOA
|
|

4.
Sony có thể mất quyền khai thác phim James Bond

Liệu hãng phim Sony Pictures sẽ tiếp tục được quyền khai thác phim điệp viên 007? Đó là câu hỏi mà tờ báo chuyên ngành Variety đã nêu ra trong số báo phát hành gần đây. Nếu điều này xẩy ra, thì đó sẽ là một vố đau thứ nhì trong vòng chưa đầy một năm, vì vào tháng 11 năm 2014, hãng phim Sony đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu, trong đó có bản phác thảo kịch bản bộ phim Spectre, tức là tập phim James Bond thứ 24.

Bản quyền của James Bond hiện đang nằm trong tay của hãng MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) và kể từ năm 2006, MGM đã ký hợp đồng hợp tác với Sony để cùng nhau khai thác thương hiệu này. Tuy nhiên, vào ngày 06 tháng 11 năm 2015, thỏa thuận giữa hai hãng phim MGM và Sony sẽ hết hạn, đúng vào thời điểm tập phim James Bond thứ 24 sẽ được công chiếu tại Hoa Kỳ. Và chưa chắc gì MGM sẽ muốn tiếp tục làm việc với Sony.

Theo tiết lộ của tờ báo US Weekly, tựa như một cuộc bán đấu giá, sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Nhân dịp này, MGM có thể thương lượng lại các điều kiện trong hợp đồng, do có rất nhiều hãng phim lớn muốn giành lấy quyền khai thác phim James Bond, cho nên MGM có thể nghiêng về phía công ty nào chịu trả giá cao. Trong số các công ty cạnh tranh với Sony, tập đoàn Warner được xem như là đối thủ đáng gờm nhất. Để chuẩn bị phản công, tập đoàn Sony sẵn sàng chi một khoản tiền kếch sù để giữ quyền làm phim điệp viên 007.

Cũng cần biết rằng kể từ khi MGM và Sony bắt tay hợp tác vào năm 2006, phim James Bond trở thành một trong những thương hiệu hái ra bạc tỷ, thu về rất nhiều lợi nhuận tại rạp hát. Sự kiện nam tài tử Daniel Craig vào vai một điệp viên 007 lầm lì, lực lưỡng nhưng ít khôi hài hơn, tuy có phần khác với lối mô tả nhân vật trong truyện của Ian Fleming, nhưng lại đem lại một luồng sinh khí nếu không nói là một hơi thở mới cho nhân vật này.

Hợp đồng giữa MGM và Sony đã cho phép James Bond chinh phục lại khán giả toàn cầu. Thậm chí trong năm 2012, Tử Địa Skyfall do đạo diễn Sam Mendes thực hiện, đã trở thành tập phim thành công nhất trong loạt phim 007, thu về hơn 1 tỷ đô la. Kể từ khi nhân vật này lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh lớn vào năm 1962 (James Bond chống Dr. No), thương hiệu James Bond qua 23 tập phim đã tích lũy được 6 tỷ đô la doanh thu tại các rạp hát toàn cầu. Phim James Bond là đứng hạng thứ ba trong số các thương hiệu ăn khách nhất thế giới, chỉ thua có phù thủy tí hon Harry Potter 7,7 tỷ đô la (hạng nhì) và loạt phim dựa trên các nhân vật từ kho truyện tranh Marvel 8,5 tỷ đô la (hạng nhất).

Về Tương quan lực lượng, thì trong cuộc đối đầu giữa hai tập đoàn Sony và Warner, có thể nói là cho tới giờ này vẫn bất phân thắng bại: Kẻ tám lạng người nửa cân. Phía Warner dường như có hai lợi thế: trước hết là sự thành công vô cùng ngọan mục của ba tập The Hobbit. Nhờ loạt phim này mà đạo diễn Peter Jackson đã thu về 3 tỷ đô la doanh thu cho Warner. Ấy là chưa kể đến một yếu tố quan trọng khác: ngoài đời giám đốc hãng Warner, ông Kevin Tsujihara là bạn thân của người lãnh đạo MGM ông Gary Barber.

Còn về phía Sony, hãng này có thể tự hào trong việc áp dụng một bí quyết mới giúp cho nhân vật điệp viên 007 thành công rực rỡ trên màn bạc. Nếu tiếp tục được quyền khai thác, Sony hứa hẹn là sẽ không áp dụng cùng một công thức, mà sẽ cho thấy nhiều khía cạnh khác lạ bất ngờ của James Bond. Nhìn kỹ lại, điệp viên 007 là loạt phim duy nhất bảo đảm cho Sony nhiều lợi nhuận, sau khi thất bại với phiên bản mới (tái khởi động/reboot) của Spider-Man, cũng như các dự án khác như Ghostbusters và RIPD pha trộn thế giới của Men in Black với 21 Jump Street. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
'Người VN tin blog hơn kênh nhà nước'

Đa số người dân Việt Nam tin tưởng các trang blog cá nhân hơn truyền hình nhà nước, theo kết quả thăm dò do hãng khảo sát quốc tế Gallup phối hợp thực hiện với cơ quan Quản trị Phát Thanh (BBG) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.000 người Việt Nam độ tuổi từ 15 trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 đến 13/3 năm nay.

88% số người được khảo sát nói họ xem tin tức mỗi ngày, trong khi 96,8% nói họ theo dõi tin tức ít nhất một tuần.

Tuy nhiên, 58,2% người dân Việt Nam từ các độ tuổi cho rằng blog cá nhân "đáng tin" hơn truyền thông nhà nước.

"Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng vào truyền thông nhà nước, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi được giáo dục tốt hơn", báo cáo nhận định.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ 48,6% người Việt độ tuổi 15-34 xem các kênh truyền hình nhà nước như VTV, trong khi tỷ lệ này là 74,1% ở những người độ tuổi trên 35.

Điện thoại di động đang trở thành công cụ tiếp cận internet chính tại Việt Nam, báo cáo cho biết.

Theo đó, hơn 80% cư dân mạng nói họ sử dụng điện thoại để truy cập mạng trong một tuần qua.

Chỉ 45,5% nói họ lên mạng bằng máy tính bàn và 26,5% nói họ dùng máy tính xách tay.

Các dịch vụ mạng xã hội cũng đứng đầu trong số những dịch vụ thịnh hành nhất trên máy tính lẫn thiết bị di động.

72,8% người Việt Nam độ tuổi 15-24 nói họ truy cập Facebook trong một tuần qua. Theo sau đó là YouTube, với tỷ lệ 59,7% và Google, 71,3%.

Quan tâm tình hình Biển Đông

Biển Đông hiện là vấn đề được giới trẻ trong nước quan tâm nhất, kết quả khảo sát cho thấy.

Cụ thể, 17,3% người Việt Nam độ tuổi từ 15-24 cho rằng Biển Đông là vấn đề nghiêm trọng nhất Việt Nam đang đối mặt hiện nay. Tỷ lệ này là 19,4% ở độ tuổi từ 25-34.

Đáng chú ý là hơn 60% số người dưới 35 tuổi cho rằng phương Tây nên giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

32,9% trong nhóm tuổi này cũng cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là không tốt cho các quốc gia châu Á.

9,6% trong nhóm tuổi này cho rằng vấn đề môi trường là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Các vấn đề như tội phạm, chất lượng giáo dục và thất nghiệp cũng được quan tâm, với tỷ lệ lần lượt là 9,6%, 9,2% và 8,1%.

Chỉ 1,1% người Việt từ 24 tuổi trở xuống quan tâm đến vấn đề tham nhũng, bằng 1/3 so với độ tuổi từ 35 trở lên.

Hơn 72% giới trẻ dưới 35 tuổi cho rằng truyền thông Việt Nam nên nói về Việt Nam cũng như người Việt Nam một cách tích cực.

37,7% giới trẻ trong độ tuổi từ 15-24 cho rằng truyền thông nước ngoài không thể đưa tin về tình hình tại Việt Nam một cách chính xác. Tỷ lệ này là 45,1% ở độ tuổi từ 24-25 tuổi. - BBC
|
|

6.
GS Huệ Chi nhận lại hộ chiếu --- Tường trình về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ

Một nhà nghiên cứu, bị công an Hà Nội thu hộ chiếu khi ra sân bay, cho biết ông đã nhận lại giấy tờ.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người khởi xướng trang web Bauxite Việt Nam, nói ông được công an trả lại hộ chiếu.

Hôm 18/5, khi đang làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hoa Kỳ thăm gia đình, ông Huệ Chi được an ninh thông báo ông không được xuất cảnh và bị thu hộ chiếu.

Trong bài viết hôm 12/6 trên trang Bauxite Việt Nam, ông thông báo đã có buổi gặp công an sau đó.

Tại buổi gặp ở Hà Nội hôm 7/6, Thiếu tá công an Nguyễn Trường Giang nói ông Huệ Chi nay “có quyền xuất cảnh đến bất cứ nước nào”, theo lời kể của ông Huệ Chi.

Vị thiếu tá hẹn ông một buổi khác để nhận lại hộ chiếu.

Hôm 9/6, ông Huệ Chi quay lại và gặp ba sĩ quan công an.

Thượng tá Nguyễn Thế Cường nói với ông Huệ Chi: “Có những kẻ nào đấy muốn lợi dụng uy tín của bác nhằm lôi kéo bác vào những việc không hay thì xin bác hãy tỉnh táo.”

Ông này đề cập một số bài viết trên trang Bauxite mà theo ông “có những bài có ích, rất đáng để Đảng xem xét lại những chủ trương cụ thể, nhưng cũng có những bài không phải không có vấn đề”.

Giáo sư Huệ Chi nói phía công an “đều có thái độ niềm nở ân cần, cư xử rất đúng mực”.

Dù vậy, ông nói ông vẫn chưa hiểu vì sao ông bị cấm xuất cảnh và vì sao lại được trả lại hộ chiếu nhanh chóng.

Trước đó, 155 người đã ký tên vào một tuyên bố kêu gọi chính phủ Việt Nam “phải chính thức giải trình” về vụ việc. - BBC

***
Các nhân chứng đến từ Việt Nam và một học giả luật quốc tế hôm nay trình bày trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ về tình trạng tù nhân lương tâm tại Việt Nam, kêu gọi quốc tế quan tâm hơn nữa và thúc đẩy Hà Nội chấm dứt vi phạm nhân quyền.

Buổi tường trình tại trụ sở Quốc hội Mỹ diễn ra từ 3-4 giờ chiều ngày 11/6 (giờ thủ đô Washington) do các đồng chủ tịch trong Nhóm làm việc về Việt Nam tại Hạ viện Mỹ (Vietnam Caucus) chủ trì.

Đây là cơ hội để các nhà lập pháp Hoa Kỳ trao đổi và lắng nghe giới hoạt động Việt Nam chia sẻ những gì đang diễn ra và những gì cần làm để giúp cải thiện bộ mặt nhân quyền của Hà Nội trong lúc nhân quyền vẫn là trở ngại chính cho các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước Việt-Mỹ.

Phái đoàn từ Việt Nam gồm có ông Nguyễn Văn Lợi, thân phụ nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang thọ án 8 năm tù về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’; mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam; và nhà hoạt động Trương Minh Tam, thành viên Phong Trào Con Đường Việt Nam. Ngoài ra còn có phần trình bày của Giáo sư Giáo sư Allen Weiner, Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế và Đối chiếu của Đại Học Luật Stanford (Hoa Kỳ), người từng nộp thỉnh nguyện thư lên Ủy ban Liên hiệp quốc Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện nhờ can thiệp các bản án Hà Nội dành cho các hoạt động thực thi quyền con người và cổ xúy dân chủ.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho VOA Việt ngữ biết thông điệp ông mang theo trong chuyến quốc tế vận này:

“Tôi muốn làm một nhân chứng để trình bày cho các vị dân biểu Mỹ, chính phủ Mỹ, và toàn thế giới biết rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Những bề nổi bên ngoài mà mọi người nhìn thấy là sự trá hình mà thôi. Họ chỉ dành một phần quyền tự do cho một số tín đồ, giáo hội phục tùng họ. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói về tình trạng họ đánh đập dã man, cầm tù các đồng đạo của tôi. Thông qua buổi tường trình này, tôi kêu gọi chính giới, Quốc hội Hoa Kỳ, cùng các tổ chức đấu tranh nhân quyền hãy lên tiếng. Đặc biệt là chính phủ Mỹ trong các quan hệ ngoại giao, kinh tế, mậu dịch như TPP với Việt Nam và trong chuyến thăm sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng, hãy gây áp lực buộc Việt Nam có bước cải thiện rõ rệt về tự do tôn giáo và nhân quyền, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.”

Thân phụ nhà hoạt động Minh Mẫn nói cuộc điều trần hôm nay sẽ vạch rõ những vi phạm nhân quyền của Hà Nội bao gồm việc ngược đãi, giam cầm phi pháp những nhà bất đồng chính kiến tham gia các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lợi nói:

“Tôi muốn chính giới Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền có tiếng nói mạnh mẽ hơn để Việt Nam tuân thủ rõ ràng. Tôi hy vọng rất nhiều vì không phải riêng mình tôi mà nhiều người, kể cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng đã lên tiếng như vậy. Tôi hy vọng sẽ có kết quả.”

Chuyến đi của các nhà hoạt động Việt Nam lần này dự kiến kéo dài hơn 1 tháng. Trước cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm nay, phái đoàn đã có buổi điều trần tại Quốc hội Canada để chuyển tải tới cộng đồng quốc tế cùng một thông điệp: Hãy lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam.

Hoa Kỳ xem vấn đề nhân quyền Việt Nam là cầu nối đưa tới mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp, gần gũi hơn, nhưng để tiến tới đích đến đó còn là một thử thách lớn giữa bối cảnh Hà Nội liên tiếp bị liệt kê vào danh sách những chính phủ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trên thế giới, theo đánh giá của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Chính phủ Việt Nam bác bỏ các chỉ trích về vi phạm nhân quyền và nói rằng có những khác biệt quan điểm về vấn đề này cần phải được thu hẹp. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế khẳng định các giá trị nhân quyền tại mỗi quốc gia đều phải như nhau vì quyền con người mang tính căn bản, phổ quát toàn cầu. 

Nhân quyền Việt Nam được xem là ‘khúc xương khó nuốt trong mâm cổ TPP’ giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Chủ tọa buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm nay, dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, và Chris Smith từng tuyên bố không thể chấp nhận TPP cho Việt Nam cho tới chừng nào chính phủ Hà Nội chứng minh những cải thiện rõ rệt, đáng kể về nhân quyền.

Điều này cũng được giới chức cấp cao trong hành pháp Mỹ khẳng định trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ gần đây. Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski nói phải có một số bước cải thiện nhân quyền trước từ phía chính phủ Việt Nam mới nói đến chuyện Hà Nội có thể gia nhập TPP.

Ông Malinowski nhấn mạnh Washington đang chờ đợi những tiến bộ nhân quyền cụ thể từ Hà Nội ngay trong vài tuần sắp tới, chứ không phải là vài tháng hay vài năm, giữa lúc giới lập pháp Hoa Kỳ đang thúc đẩy TPP đảm bảo các điều kiện về nhân quyền.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói ‘chìa khóa chính bây giờ là tiến bộ nhân quyền từ phía Việt Nam.’ - VOA


No comments:

Post a Comment