Thursday, June 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 4/6

Tin Thế Giới

1.
Sinh viên TQ đòi công lý cho vụ thảm sát Thiên An Môn --- Hồng Kông: Hàng chục ngàn người tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn

Một nhóm sinh viên đại học Trung Quốc du học ở nước ngoài đang phổ biến một bức thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản phải nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi tàn ác đã phạm cách đây đúng 26 năm, khi lực lượng Trung Quốc giải tán người biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn.

Bức thư do sinh viên cao học trường Đại học Georgia viết và có chữ ký của 10 sinh viên khác, là cố gắng mới nhất để chống lại chiến dịch tuyên truyền ráo riết vây quanh vụ việc trong đó hàng trăm và có thể cả hàng ngàn người biểu tình ôn hòa đã bị sát hại.

Bắc Kinh không cho phép công khai bàn luận hay tưởng niệm vụ Quân đội Giải phóng Nhân dân thảm sát sinh viên biểu tình vào tháng 6 năm 1989. Các sinh viên này tụ tập ở trung tâm Bắc Kinh và các nơi khác khắp nước đòi cải cách dân chủ và chấm dứt nạn tham nhũng tràn làn trong các giới chức.

Kết quả là, nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi không biết ngay cả các chi tiết cơ bản của sự kiện được coi như một trong những thời khắc quyết định nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc. Những người viết bức thư hy vọng nỗ lực của họ sẽ giúp gia tăng nhận thức quần chúng ở Trung Quốc.

Kẻ giết người phải bị xét xử

Bức thư viết, “Càng biết nhiều, chúng tôi càng cảm thấy chúng ta gánh một trách nhiệm nghiêm trọng trên vai. Hỡi các bạn sinh viên đại học trong nước, chúng tôi viết bức thư ngỏ này để chia sẻ sự thực với các bạn và phơi bày các tội ác đã phạm cho tới ngày hôm nay, liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.”

Bức thư viết tiếp: “Chúng tôi không yêu cầu đảng Cộng sản Trung Quốc đền bù lại những sự kiện đã xảy ra vào mùa xuân ấy, bởi vì chúng tôi không trông mong những kẻ giết người sẽ thanh minh cho những người đã chết, nhưng những kẻ giết người phải bị xét xử. Chúng ta không quên, cũng không tha thứ, cho đến khi nào đạt được công lý và cuộc đàn áp đang tiếp diễn phải chấm dứt.”

Bức thư đã được phổ biến bên trong Trung Quốc dưới dạng PDF, một hình thức hồ sơ đã giúp vượt qua dễ dàng những cơ quan kiểm duyệt gay gắt của Trung Quốc. Hồ sơ cũng đã nhiều người đọc hơn sau khi nhật báo Global Times của đảng Cộng sản viết một bài xã luận đả kích bức thư.

Báo Bắc Kinh đả kích ‘Các Lực lượng Thù địch Nước ngoài’

Báo Global Times, với các bài xã luận thường phản ánh các ý kiến chính thức, đả kích những “quan điểm cực đoan” về vụ Thiên An Môn. Bài báo viết, “Bức thư của sinh viên đả kích gay gắt chế độ đương thời của Trung Quốc, bóp méo các sự kiện cách đây 26 năm với những lời tường thuật của các lực lượng thù địch nước ngoài.”

Bài báo nói thêm, “Nếu bức thư thực sự do một vài sinh viên nước ngoài viết, chúng ta phải nói rằng những người trẻ tuổi ấy đã bị tẩy não ở các nước ngoài, bắt chước nhóm thiểu số nghi kỵ ở nước ngoài.”

Giới hữu trách kiểm duyệt Trung Quốc sau đó đã yêu cầu gỡ bỏ bài báo Global Times khỏi các cổng thông tin trên mạng, theo trang web của China Digital Times, có lẽ bởi vì bài báo lại có tác dụng ngược lại với ý đồ của nó.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi đề cập đến vụ Thiên An Môn, thường tìm cách biện minh cho vụ trấn át tàn bạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân bằng cách nêu bật tiến bộ ồ ạt về kinh tế mà giới lãnh đạo đảng Cộng sản đã đạt được trong những thập niên sau đó.

Cựu Phụ tá viết bài Xã luận nghiêm khắc

Một cố vấn lâu năm cho cựu thủ tướng Triệu Tử Dương tuần này đã chống đối lập luận đó. Trong một bài xã luận đăng trên báo New York Times, ông Bao Đồng nói, “nhiều người cầu mong giới lãnh đạo đảng tự nguyện thú thực sự bất công và tính phi pháp của những vụ giết hại đó.”

Ông nói, “Đây cũng là hy vọng của tôi. Nhưng tôi không lạc quan, bởi vì cho đến giờ này, chưa có mấy dấu hiệu gợi ý là điều này sẽ xảy ra.”

Ông Bao cũng lên án điều ông gọi là “tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới” của đảng Cộng sản, mà ông cho là đã giúp các giới chức có thế lực cùng với thân nhân của họ làm giàu bất kể người khác.

Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch mạnh để diệt trừ tình trạng tham nhũng trong các giới chức. Nhưng chiến dịch này sẽ không có hiệu quả, theo ông Bao, một phần vì các công dân độc lập bị đối xử như tội phạm nếu họ tố giác tham nhũng.

Ông nói, “Các phong trào chống tham nhũng của quần chúng đã bị đàn áp gay gắt, giống như hồi năm 1989.”

Ông Bao từng là phụ tá của cựu thủ tướng Triệu Tử Dương, người đã có một chủ trương hòa giải hơn đối với những người biểu tình Thiên An Môn và sau đó đã bị cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình lật đổ.

Trong bài xã luận trên tờ New York Times, phát hành hôm qua, ông Bao nói trong tháng trước, ông đã bị ngăn không cho trả lời phỏng vấn. Truyền thông Hong Kong sau đó nói ông là một trong nhiều nhân vật bị buộc phải rời khỏi thủ đô Trung Quốc trước ngày kỷ niệm vụ thảm sát hôm nay.

Việc Bắc Kinh truy lùng và tạm thời làm biệt tích các nhân vật nhạy cảm đã trở thành lệ thường đối với Bắc Kinh trước ngày kỷ niệm Thiên An Môn. - VOA

***
Hàng chục ngàn người đã xuống đường tại Hồng Kông hôm nay, 04/06/2015, để tưởng niệm vụ đàn áp phong trào Mùa xuân Bắc Kinh ở quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989 và cũng để một lần nữa yêu cầu dân chủ thật sự cho đặc khu hành chính này.

Mỗi năm người dân Hồng Kông vẫn tập hợp đông đảo nhân ngày 04/06, nhưng cuộc biểu tình năm nay mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa phe đòi dân chủ với chính quyền địa phương.

Những người tổ chức chờ đợi là sẽ có khoảng 150 ngàn người đến tham gia buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn kể từ 8 giờ tối, giờ địa phương. Các nhóm ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng xuống đường hôm nay.

Buổi tưởng niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh vào ngày 17/6 tới, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ xem xét dự án cải tổ bầu cử theo đó lần đầu tiên toàn bộ cử tri sẽ được quyền bầu trực tiếp trưởng đặc khu hành chính vào năm 2017. Tuy nhiên, trong dự án cải tổ này lại có một điều khoản quy định là sẽ chỉ có tối đa 2 hoặc 3 ứng cử viên, mà những ứng cử viên này phải có sự chấp thuận của một uỷ ban thân Bắc Kinh.

Văn bản nói trên phải thu được phiếu thuận của hai phần ba số đại biểu Hội đồng Lập pháp. Phe dân chủ, hiện nắm hơn một phần ba số đại biểu, đã dọa sẽ ngăn chận dự án cải tổ. Cho nên chính quyền Hồng Kông sẽ phải bằng mọi giá thuyết phục bốn đại biểu thuộc phe dân chủ thay đổi ý kiến để có thể giành phần thắng trong cuộc biểu quyết.

Các vụ đụng độ giữa phe chống và thân Bắc Kinh trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ vào mùa thu năm ngoái đã phản ảnh những phân hóa sâu đậm giữa người dân Hồng Kông. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy là có gần 46% dân Hồng Kông ủng hộ dự án cải tổ và khoảng 35% thì chống, những người còn lại không cho biết ý kiến.

Còn tại Trung Quốc, theo tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc, hàng chục ngàn người đã bị bắt giữ ở hai tỉnh Thiểm Tây và Hồ Nam vào dịp kỷ niệm 26 năm sự kiện Thiên An Môn. - RFI
|
|

2.
Mỹ-Ấn ký hiệp định hợp tác quốc phòng

Ấn Độ và Hoa Kỳ ký lại hiệp định hợp tác quốc phòng để tăng cường quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo tường trình của Thông tín viên Anjana Pasricha từ Mumbai, sự hợp tác trong lãnh vực hải dương sẽ được chú trọng đặc biệt do những quan ngại chung về mưu toan bành trướng của Trung Quốc trong vùng.

Hiệp định mới, có thời hạn 10 năm, có tên là Hiệp định Khung Quốc phòng Mỹ-Ấn. Khía cạnh quan trọng nhất của thoả thuận này  là những biện pháp nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Ấn Độ, gồm có việc sản xuất chung và phát triển chung các loại công nghệ quân sự.

Hiệp định được ký cuối ngày hôm qua 3/6 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Những dự án được nhiều người chú ý là hai dự án để Mỹ giúp Ấn Độ chế tạo và thiết kế tàu sân bay và động cơ phản lực.

Vào lúc ông Carter kết thúc chuyến viếng thăm vào ngày hôm nay, hai nước cho biết sẽ xúc tiến nhanh chóng những cuộc thảo luận về những dự án này.

Ông Jayadeva Ranade, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại New Delhi, nhận định như sau:

“Đặc biệt tôi cảm thấy việc sản xuất chung và phát triển chung công nghệ tàu sân bay và công nghệ động cơ phản lực là những động thái chiến lược có những ảnh hưởng rất sâu rộng và đây là những dự án, nếu được thực hiện, tôi nghĩ sẽ thực sự là một dấu mốc trong mối quan hệ giữa hai nước.”

Chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Carter bao gồm một chặng dừng chân tại bộ chỉ huy hải quân miền đông ở Visakhapatnam, chuyến thăm một căn cứ hải quân Ấn Độ đầu tiên của một vị bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ.

Các giới chức Mỹ nói chuyến viếng thăm của ông Carter đến cảng này chứng tỏ cam kết của ông đối với an ninh biển mà hai nước muốn tăng cường.

Ông Rahul Bedi thuộc Tuần báo Quốc phòng Jane’s ở New Delhi nói hiệp định mới sẽ mang lại thêm đà tiến cho sự gia tăng “với cấp số nhân” của sự hợp tác trên biển giữa hai nước trong vài năm qua . Ông nói việc này là do sự lo ngại ngày càng tăng về những mưu toan của Trung Quốc để xâm nhập Ấn Độ Dương, là nơi mà các tàu chở dầu tới Trung Quốc phải đi ngang qua.

“Nếu bạn nhìn quanh vùng này, bạn sẽ thấy hải quân Ấn Độ đang phát triển rất mạnh để trở thành một lực lượng đáng nể. Và vấn đề đối với cả hai nước Ấn Độ và Mỹ là sự bành trướng của hải quân Trung Quốc vào vùng Ấn Độ Dương. Và đó là điều các nước trong vùng như Nhật Bản, Australia, các nước ASEAN, Ấn Độ và Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn. Trên thực tế Hoa Kỳ đang có kế hoạch chuyển một lượng lớn các tàu sân bay đến châu Á trong vòng 4, 5 năm và Hoa Kỳ rất muốn Ấn Độ tham gia vào việc tái cân bằng tại vùng này."

Đề cập đến dự án tàu sân bay, ông Bedi nói sự hợp tác hải quân giữa New Delhi và Washington sẽ gia tăng về mọi phương diện, “không chỉ về mặt tập trận, nhưng cũng về mặt trang bị, về mặt tàu chiến cũng như về những cuộc hành quân hỗn hợp”.

Truyền thông Ấn Độ loan tin các giới chức Hoa Kỳ cũng nhắc lại đề nghị là Ấn Độ nên mời Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập hải quân thường niên Mỹ-Ấn. Tuy nhiên, New Delhi cho đến nay vẫn còn ngần ngại vì họ không muốn bị xem là một phần của một liên minh quân sự.

Theo hiệp ước quốc phòng mới, hai dự án nhỏ đã được đồng ý là phát triển một loại máy phát điện mặt trời và những trang bị bảo hộ cho binh sĩ chống chiến tranh sinh học và hóa học.

Trong lúc Hoa Kỳ trở thành nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, New Delhi đã nhấn mạnh đến việc cùng nhau sản xuất vũ khí thay vì mua bán vũ khí.

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền vào năm ngoái, mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã được thay thế bằng một mối quan hệ năng động, với việc cả hai bên xem nhau như một đối tác chiến lược quan trọng.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Carter diễn ra sau khi ông đi thăm Singapore và Việt Nam, nơi ông nói là quân đội Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng này. - VOA
|
|

3.
Ứng viên đối lập Đài Loan cam kết duy trì quan hệ ổn định với TQ

Một ứng cử viên tổng thống của phe đối lập Đài Loan cam kết theo đuổi mối quan hệ ổn định, khả đoán và lâu bền với Trung Quốc nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm tới. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến, cho biết tại một cuộc diễn thuyết ở Washington rằng có một sự đồng thuận ở Đài Loan là nên duy trì hiện trạng.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington hôm thứ tư, bà Thái Anh Văn nói rằng việc duy trì một mối quan hệ hoà bình và ổn định với Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với Đài Loan. Bà cam kết, nếu đắc cử vào tháng giêng tới đây, bà sẽ đại diện cho toàn dân Đài Loan và theo đuổi những mối quan hệ xuyên eo biển mà bà mô tả là “nhất quán, có thể tiên đoán và lâu bền” với Hoa Lục.

"Việc thực thi chính sách xuyên eo biển phải vượt qua lập trường của một đảng phái chính trị và tổng hợp những quan điểm khác nhau. Một nhà lãnh đạo phải xem xét tới sự đồng thuận của công chúng khi làm ra quyết định. Chúng tôi có một sự đồng thuận rộng rãi ở Đài Loan và đó là duy trì hiện trạng."

Bà Thái Anh Văn cho biết, nếu được đắc cử, bà sẽ ủng hộ cho việc đặt ra luật lệ để có một tập hợp đầy đủ của các nguyên tắc chi phối sự giao lưu và thương thuyết giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Bà nói rằng những hiệp định với Bắc Kinh đang được thương lượng hoặc đang được quốc hội Đài Loan duyệt xét sẽ được duyệt xét lại hoặc thương thuyết lại dựa trên luật mới.

Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu muốn có những mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, nhưng nhà phân tích Bruce Jacobs của Đại học Monash ở Australia cho biết trong sự suy nghĩ của nhiều người thì Hoa Lục đã được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách đó.

"Chính phủ hiện nay nói rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và đó là một điều mà xét theo khía cạnh lịch sử thì không có cơ sở thật sự để khẳng định như vậy, nhưng sự khẳng định này được đưa ra với ý nghĩa là Đài Loan muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Trên thực tế, chính sách này không mang lại kết quả. Trung Quốc đã cho chính phủ của ông Mã Anh Cửu rất ít, mặc dù họ đã có những sự nhượng bộ nào đó; và tôi nghĩ rằng một trong những lý do khiến chính phủ Mã Anh Cửu không được dân chúng ủng hộ là họ đã áp dụng phương pháp tiếp cận vô lý như vậy đối với Trung Quốc. Tôi tin rằng bà Thái Anh Văn sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Đài Loan nếu bà thúc đẩy cho những chính sách mới."

Giáo sư Jacobs cho biết bà Thái Anh Văn chưa bao giờ tán thành điều được gọi là “sự đồng thuận năm 1992”, theo đó Đài Loan và Trung Quốc chấp nhận là chỉ có một nước Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn cho biết trong lúc ủng hộ cho những sự giao lưu và đối thoại xây dựng với Trung Quốc, bà sẽ làm cho tiến trình này có tính chất dân chủ và minh bạch và sẽ bảo đảm là những lợi ích kinh tế được chia sẻ một cách đồng đều.

Nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan này cũng nói rằng để Đài Loan có thể là một đối tác đáng tin cậy trong nền an ninh khu vực, đảo quốc này phải đầu tư vào lãnh vực quốc phòng để có được khả năng răn đe khả tín.

"Vì mối đe dọa quân sự và an ninh mà Đài Loan đối mặt mỗi lúc một tăng, cho nên sự phát triển những khả năng bất cân xứng -- bao gồm việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước thân hữu, tăng cường sự huấn luyện cho nhân viên quân sự về cơ cấu quân đội hiện đại và mua sắm những trang thiết bị quốc phòng cần thiết, là những bộ phận thiết yếu của chiến lược răn đe của chúng tôi."

Ông Bill Sharp, một chuyên gia về Đài Loan của Đại học Hawaii-Pacific, nói rằng Đảng Dân Tiến đang ra sức làm vui lòng cả Washington lẫn Bắc Kinh, không tạo ra tình huống đột ngột và không tranh thủ độc lập cho Đài Loan. Ông nói rằng dưới thời Tổng thống Trần Thuỷ Biển của Đảng Dân Tiến, Đài Loan đã mưu tìm độc lập thoát khỏi Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo hiện nay cần phải có một cái nhìn thực tế hơn.

"Họ muốn nắm quyền trở lại và họ nhận thức được là nếu họ cổ võ cho độc lập thì việc đó sẽ làm cho nhiều người ở Đài Loan cảm thấy bất an. Có một số người ở Đài Loan muốn như vậy, nhưng tôi tin rằng tỉ lệ đó rất thấp, cũng giống như có một số người ở Đài Loan muốn thống nhất với Trung Quốc vào lúc này, nhưng trong cả hai trường hợp, tỉ lệ của họ rất thấp."

Giáo sư Sharp cho biết ông tin là cuộc vận động bầu cử sắp tới ở Đài Loan sẽ dựa trên các vấn đề quốc nội, như kinh tế, chứ không phải các mối quan hệ với Trung Quốc. - VOA
|
|

4.
Cam Bốt chỉ trích tuyên bố "khiêu khích" của Mỹ về Biển Đông

Sau những lời cảnh cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong tuần qua rằng các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đe dọa ổn định trong khu vực Đông Nam Á, Phnom Penh không ngần ngại lên tiếng bênh vực Bắc Kinh và chỉ trích Washington. Theo nhật báo Cambodia Daily, số ra hôm nay, 04/06/2015, phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt đã cho rằng các tuyên bố gần đây của ông Ashton Carter mang tính « khiêu khích » và đe dọa nền hòa bình mà Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ.
 
Theo tờ báo Anh ngữ xuất bản tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh tại Hội đồng Bộ trưởng Cam Bốt Phay Siphan, đồng thời là phát ngôn viên chính phủ, đã nhận định rằng sở dĩ tình hình căng thẳng trên biển hiện nay gia tăng, phần lớn đó là vì những lời đe dọa của ông Carter gửi tàu chiến và máy bay do thám tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý (22 km) chung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Đối với ông Siphan, đó là những lời lẽ mang tính chất « khiêu khích… đi ngược lại mục tiêu duy trì hòa bình trong khu vực ».

Cho đến nay, là quốc gia được Trung Quốc hết sức ve vãn, Cam Bốt bị cho là luôn đứng về phía Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và bốn đồng minh của Cam Bốt trong khối Đông Nam Á ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruneii.

Một ví dụ rõ rệt nhất là việc Cam Bốt, trong tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN, đã sẵn sàng để cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 thất bại, không ra được thông cáo chung, chỉ vì Phnom Penh kiên quyết không đề cập tới vấn đề Biển Đông.

Cam Bốt dĩ nhiên đã phủ nhận các cáo buộc bênh Trung Quốc, lần này cũng thế. Tuy nhiên, ông Siphan đã lặp lại lời cảnh báo mà Trung Quốc đã gởi đến Mỹ, yêu cầu Washington không nên thực hiện những lời đe dọa nếu không muốn gánh chịu hậu họa.

Sau khi cho rằng Biển Đông không của riêng ai, nhân vật này khẳng định : « Chính phủ Cam Bốt không muốn nhìn thấy tàu chiến hoặc bất kỳ một hành động gây hấn nào tại Biển Đông. Bất kỳ quốc gia nào gây nên loại phản ứng đó (tức là gây hấn) phải chịu trách nhiệm nếu xẩy ra xung đột ».

Nhật báo Cambodia Daily đã nhắc lại là mới đây, vào tháng Tư vừa qua, Bộ Ngoại giao Cam Bốt đã cho rằng ASEAN nên đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông và để cho các thành viên có liên can tự mình giải quyết tay đôi với Trung Quốc.

Theo tờ báo Cam Bốt, trên đây cũng là một quan điểm của Trung Quốc, vốn đã trở thành cản lực cho các cuộc đàm phán. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Harvard nhận khoản tiền hiến tặng kỷ lục

Đại học Harvard, một trong những trường đại học danh giá hàng đầu ở Mỹ, cho biết họ đã nhận được khoản tiền hiến tặng lớn nhất từ trước tới giờ - 400 triệu đôla từ một tỉ phú làm chủ một quỹ đầu tư ở Phố Wall.

Đại học Harvard cho biết khoản tiền sẽ hỗ trợ Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng của họ. Trường đang được đổi thành tên của nhà tài trợ 59 tuổi này. Ông Paulson tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard vào năm 1980.

Trường khoa học và kỹ thuật của Harvard đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. Những phòng thí nghiệm nghiên cứu của trường đã dẫn đầu những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực như phát triển robot tự tổ chức và một loại vắc-xin chữa ung thư có thể cấy dưới da.

Tài sản của ông Paulson ước tính là hơn 11 tỉ đôla. Trong giới đầu tư ở Mỹ, ông được ca ngợi vì đã sáng suốt không đầu tư vào trái phiếu thế chấp dưới chuẩn khi thị trường địa ốc ở Mỹ lao dốc vào năm 2007 trong những tháng trước cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ sau cuộc Đại Suy thoái vào những năm 1930.

Loan báo khoản tiền quyên tặng cho Harvard, ông Paulson nói: "Không có gì quan trọng hơn giáo dục cho việc cải thiện nhân loại."

Khoản tiền hiến tặng mà Harvard nhận được tổng cộng giờ là 36,4 tỉ đôla, là trường đại học giàu nhất thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam định miễn thị thực cho thêm nhiều nước, không có Mỹ

Việt Nam dự tính miễn thị thực cho công dân của nhiều nước hơn và sẽ lập một ngân quỹ du lịch trị giá 100 triệu đôla Mỹ để quảng bá những điểm tham quan của mình trong một nỗ lực đảo ngược đà du khách nước ngoài sụt giảm, đang gây tổn hại cho nền kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg tại Hà Nội hôm thứ Tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn nói rằng "thủ tục xin thị thực rườm rà đang cản trở nghiêm trọng Việt Nam thu hút khách du lịch." Ông cũng được dẫn lời nói rằng quá trình nộp đơn xin thị thực dễ dàng hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn ở các nước khác trong khu vực.

Ông Tuấn cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý "miễn thị thực đơn phương" cho những nước có đông du khách đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết.

Bloomberg cho biết số lượt khách du lịch từ các nước Đông Nam Á sụt giảm tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 5, giảm nhiều nhất là du khách từ Thái Lan, Trung Quốc và Campuchia.

Theo số liệu của chính phủ, du lịch đóng góp khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Khoảng 3,3 triệu khách du lịch đến thăm Việt Nam tính đến cuối tháng 5, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắt đầu từ năm nay đến năm 2019, Việt Nam sẽ miễn thị thực cho du khách đến từ Đan Mạch, Phần Lan, Nhật Bản, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, và Thụy Điển.

Nhưng các quan chức du lịch đã yêu cầu Thủ tướng cho thêm chín quốc gia khác vào danh sách này, là Australia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, New Zealand, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh.

Ông Tuấn cho biết ngân quỹ dự kiến sẽ được sử dụng để đào tạo người lao động trong ngành du lịch, tổ chức những chương trình phục vụ du khách, và lập những văn phòng du lịch ở nước ngoài. Tới 30% ngân quỹ là từ ngân sách nhà nước, phần còn lại từ các công ty du lịch, ông nói.

Ngoài ra Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ miễn lệ phí thị thực 45 đô la Mỹ một người cho tất cả du khách quốc tế đến Việt Nam trong vòng sáu tháng, kể từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2015. - VOA


No comments:

Post a Comment