Tin Thế Giới
1.
G7: Mỹ, Đức 'cứng rắn' về trừng phạt Nga
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Đức nói các biện pháp trừng phạt Nga nên được duy trì cho đến khi Nga thực hiện một thỏa thuận kết thúc giao tranh ở Ukraine.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Angela Merkel đã hội đàm khi thượng đỉnh G7 của các cường quốc kinh tế khai mạc ở miền nam nước Đức.
Moscow là mục tiêu của các trừng phạt mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ nhắm vào vì vai trò của Nga trong việc hậu thuẫn quân nổi dậy ở Ukraine.
Nga đã bị loại ra khỏi cơ chế trước đây được biết đến là nhóm G8, kể từ khi nước này sáp nhập Crimea thuộc Ukraine vào Nga hồi năm ngoái.
Phương Tây đã cáo buộc Nga cử lực lượng quân sự vào miền đông Ukraine để giúp quân nổi dậy. Moscow đã bác bỏ điều này, nói bất cứ người lính nào của Nga hiện diện ở đó đều là tình nguyện.
Khi đến Bavarian Alps, Tổng thống Obama nói rằng các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận "chống lại cuộc xâm lăng của Nga" ở Ukraine.
Thời hạn trừng phạt
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm của ông Obama với bà Merkel, Nhà trắng nói:
“Thời hạn trừng phạt phải được gắn kết rõ ràng với việc Nga thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine."
Đức, Anh và Mỹ muốn đạt một thỏa thuận để cung cấp hậu thuẫn cho bất kỳ quốc gia thành viên EU nào định rút sự ủng hộ của họ đối với các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow vốn đang làm tổn thương nền kinh tế Nga.
Thỏa thuận Minsk tháng Chín năm ngoái liên quan Nga, quân nổi dậy do Nga ủng hộ và Chính phủ Ukraine, bao gồm việc thành lập một vùng đệm dài 30 km giữa hai bên.
Nhưng giao chiến đã tăng cường trong những tuần gần đây.
Trong vụ việc mới nhất, hai binh sỹ tuần duyên của Ukraine bị thương khi tàu tuần duyên của họ bị một vụ đánh bom tại cảng Mariupol tấn công, mặc dù vẫn còn chưa rõ ràng về các chi tiết.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh châu Âu, Donald Tusk, ra chỉ dấu cho thấy các biện pháp trừng phạt sẽ nghiêm ngặt hơn, trong một tuyên bố tại G7.
"Nếu bất cứ ai muốn bắt đầu một cuộc tranh luận về việc thay đổi cơ chế trừng phạt, các cuộc thảo luận chỉ có thể là về việc tăng cường nó."
Ảnh hưởng tất cả
Thủ tướng Anh David Cameron nói ông hy vọng sẽ có một mặt trận hợp nhất nhằm đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt tiếp tục mặc dù ông thừa nhận rằng "trừng phạt ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".
Biện pháp trừng phạt của EU sẽ hết hạn vào cuối tháng Bảy.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trước đó đã nêu những lo ngại về áp lực quân sự của Nga trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Andrew Marr Show của BBC.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mỹ có nên tái triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu hay không, ông Hammond nói:
"Chúng tôi đã gửi một tín hiệu rõ ràng đối với Nga rằng chúng tôi sẽ không cho phép họ vượt qua chỉ giới lằn đỏ của chúng tôi.
“Đồng thời chúng ta nhận ra rằng người Nga đã cảm thấy bị bao vây và bị công kích, nhưng chúng tôi không muốn thực hiện hành động khiêu khích không cần thiết."
Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm thứ Bảy rằng Nga không phải là một mối đe dọa và Nga đã có "những thứ khác để lo toan".
Ông nói với tờ báo Corriere della Sera của Ý:
"Chỉ có một người điên và chỉ trong mơ mới có thể tưởng tượng rằng Nga sẽ đột ngột tấn công NATO.”
Nhưng giao chiến đã tăng cường trong những tuần gần đây. - BBC
***
Tổng thống Obama cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel đã xuất hiện ngoài trời tại một khu nghỉ mát Bavaria trong thời tiết đẹp. Nhiều người Đức trong trang phục cổ truyền Đức lắng nghe phát biểu của hai nhà lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói ông hướng tới cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Đức về các "giá trị văn hóa chung" giữa Mỹ và Đức, kể cả "việc đối phó với hành động hung hãn của Nga ở Ukraine."
Thủ tướng Merkel gọi Hoa Kỳ là "nước bạn và đối tác của Đức."
Thương mại là nghị trình chính của hội nghị, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới đang đối diện với một số thách thức mà có thể cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị diễn ra tại khu nghỉ mát của Đức ở vùng núi Alpine.
Ông Obama và bà Merkel chắc sẽ dùng cơ hội này để giải tỏa những quan hệ bất hòa tiếp theo sau vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel bị bại lộ. Các thông tin gần đây cho thấy có lẽ Đức đã giúp Mỹ theo dõi tình báo các công ty và giới chức châu Âu.
Hôm thứ Bảy, hàng ngàn người biểu tình, trong đó có những người chống chủ nghĩa tư bản, các nhà tranh đấu cho hòa bình, và những người theo chủ trương phi chính phủ đã tập trung biểu tình ở thị trấn Garmisch-Partenkirchenon, gần nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Khoảng 20.000 nhân viên an ninh được triển khai để bảo vệ an ninh cho hội nghị, và chỉ có khoảng 4.000 đến 5.000 người tham gia biểu tình.
Đây là lần thứ hai hội nghị thượng đỉnh này không mời Nga tham dự. Nga không được mời dự hội nghị hồi năm ngoái sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Nhóm G7 bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản. - VOA
|
|
2.
Thổ Nhĩ Kỳ tổng tuyển cử --- Nghi ngờ bầu cử có gian lận
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, Chủ nhật 7/6, đi bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử gay cấn nhất so trong nhiều năm, với việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mưu tìm ủy nhiệm cho việc có thể thay đổi lớn trong hiến pháp.
Tình hình trở nên căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy khi những người Kurd biểu tình đòi điều tra thấu đáo những vụ đánh bom tại một cuộc mít-tinh chính trị trước cuộc bầu cử toàn quốc.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng hai vụ nổ tại cuộc mít-tinh của một chính đảng của người Kurd hôm thứ Sáu tại thành phố Diyarbakir ở miền đông nam là một hành động phá hoại và gây hấn. Ít nhất 2 người thiệt mạng.
Khối cử tri của cộng đồng người Kurd thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ một vai trò quan trọng trong quyết định liệu Đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan có giành được thế đa số cách biệt mà họ đang mưu tìm hay không.
Nếu thắng lợi, đảng của ông Erdogan, gọi tắt là AKP, theo dự liệu sẽ tìm cách thay đổi hiến pháp để trao nhiều quyền lực hơn cho tổng thống đương quyền vừa được sự ủng hộ nhưng cũng gây bất đồng trong công chúng.
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng AKP có thể nhận được ít hơn 50% tổng số phiếu như họ đã từng giành được trong cuộc bầu cử lần trước hồi năm 2011, thậm chí họ có thể phải thành lập chính phủ liên minh. - VOA
***
Hôm nay gần 53 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu để bầu lại 550 ghế đại biểu Quốc hội. Mục tiêu của đảng cầm quyền AKP vẫn là tăng cường đa số ở Quốc hội, cải tổ Hiến pháp để tăng thêm quyền hạn cho tổng thống. Nhưng mục tiêu này bị cản trở với sự xuất hiện của đảng đối lập HDP, một đảng phái thân người Kurdistan.
Cuộc vận động tranh cử đã kết thúc trong bầu không khí căng thẳng: hai vụ nổ đã nhắm vào buổi mít tinh của đảng HDP tại Diyarbakir hôm thứ Sáu vừa qua (05/06/2015), cũng như mối nghi ngờ về các trường hợp gian lận bầu cử. Thông tín viên RFI Jérôme Bastion tường trình từ Istanbul.
Tiến trình bầu cử cũng như kiểm phiếu được nhiều người quan tâm đến mức đảng cầm quyền AKP đã đệ đơn lên Hội đồng Tối cao Bầu cử để yêu cầu giới hạn số quan sát viên tại các phòng phiếu. Nhưng Hội đồng bầu cử đã bác bỏ yêu cầu này của đảng cầm quyền.
Các đợt bố ráp của cảnh sát hôm qua nhắm vào giới quan sát viên tại một số đơn vị bầu cử tại Istanbul cũng tại các thành phố miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, làm cho các đảng đối lập cũng như giới cử tri thêm hoài nghi về tính minh bạch của cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ còn nhớ hồi tháng Ba năm 2014, nhân cuộc bầu cử địa phương, nhiều vụ cúp điện khả nghi bỗng nhiên xảy ra ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa. Vào lúc ấy, dư luận nghi ngờ đã có gian lận bầu cử. Hôm thứ Sáu vừa qua, một số người chịu trách nhiệm phòng phiếu đã bị kết án 5 năm tù về tội sửa đổi kết quả bầu cử cũng như nhồi thêm phiếu vào các thùng phiếu.
Chính tổ chức ‘‘Oy Ve ötesi’’ đã phát giác các trường hợp gian lận bầu cử. Được thành lập ngay sau khi có phong trào tập hợp tại công viên Gezi nhằm phản đối chính quyền, tổ chức này triển khai 120.000 tình nguyện viên tại 45 tỉnh thành để theo dõi tiến trình bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dự đoán, đảng đối lập HDP có thể tạo bất ngờ trong cuộc bầu cử. Chủ tịch đảng này đã kêu gọi các đảng viên cũng như những người ủng hộ, trong mọi tình huống đừng nên rời khỏi các phòng phiếu, ngay cả trong trường hợp đảng HDP ăn mừng thắng lợi. - RFI
|
|
3.
Trung Quốc tập trận dọc biên giới Miến Điện
Bắc Kinh đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên bộ và trên không dọc theo biên giới Trung Quốc-Myanmar, tại một khu vực mà các phiến quân Kokang chiến đấu trong nhiều tháng với quân đội Myanmar.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan báo là cuộc tập trận diễn ra bên trong lãnh thổ tỉnh Vân Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, do Nhân dân Nhật báo bảo trợ, loan tin là quân đội Trung Quốc cho biết tọa độ chính xác của khu vực tập trận, nhưng không cho biết rõ rệt khi nào cuộc tập trận chấm dứt.
Tờ báo nói việc này tùy thuộc vào tình hình và mức độ hiệu quả tại chỗ. Tờ Hoàn cầu Thời báo gọi cuộc tập trận là “bất thường” nhưng nhấn mạnh đây là “một hành động nhằm bảo vệ an toàn và tài sản của nhân dân Trung Quốc.”
Ông Eric Shih trưởng ban phóng sự của tạp chí Phòng vệ Quốc tế của Đài Loan đồng ý.
“Đây có phải là mục tiêu của Quân đội Giải phóng Nhân dân bảo vệ người dân, chủ quyền và lãnh thổ hay không? Ít nhất Quân đội Giải phóng Nhân dân phải có một cuộc tập trận để chứng tỏ cho người dân thấy quân đội sẽ hành động, đặc biệt sau khi Myanmar đã vượt biên giới nhiều lần để chiến đấu chống các phiến quân và bom của Myanmar được thả xuống bên trong biên giới Trung Quốc.”
Bà June Dreyer, giáo sư Chính trị học tại trường đại học Miami nói với Đài VOA là chỉ Bắc Kinh mới biết được ý định của một cuộc tập trận như vậy, mà bà xem như dấu hiệu của mối quan hệ đang suy giảm giữa hai chính phủ Trung Quốc và Myanmar.
Bà nói: “Kề từ khi nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi được trả tự do, có một số cuộc biểu tình tại Myanmar chống lại các dự án phát triển của Trung Quốc mà cư dân địa phương cảm thấy có ảnh hưởng xấu đối với họ. Cũng có một số người tại Myanmar chống lại sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại đất nước họ. Mối quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc không được tốt đẹp như dưới sự cai trị độc tài của quân đội trước đây.”
Vào tháng 3 năm nay, xung đột giữa các phiến quân Kokang thuộc sắc dân Trung Quốc và quân đội Myanmar bắt đầu lan sang Vân Nam, Trung Quốc. Hai vụ oanh tạc của Myanmar gây nên nhiều thiệt hại bên trong lãnh thổ Trung Quốc làm phát sinh những phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Myanmar nói rằng các sự kiện này không cố ý nhưng Trung Quốc đòi Myanmar điều tra các vụ oanh tạc, xin lỗi, và bồi thường cho các nạn nhân.
Một số nhà phân tích cũng tin là Bắc Kinh có thể tìm cách đẩy mạnh việc bành trướng quyền hành của Trung Quốc qua cuộc tranh chấp đang tiếp diễn tại Biển Hoa Nam với các nước láng giềng, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Ông Peter Huessey, một nhà nghiên cứu có uy tín về Các Vấn đề An ninh Quốc gia tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ nói “Trung Quốc đang gởi những tín hiệu và tín hiệu họ gởi là - chúng tôi rất mạnh, chúng tôi là một nước lớn, và không ai nên can thiệp vào những gì chúng tôi muốn làm, và điều này không nên nhầm lẫn.”
Tuy nhiên ông Eric Shih, một chuyên gia quân sự Đài Loan cho rằng việc này ít chính xác. Ông nhấn mạnh hai lãnh vực căn bản khác biệt nhau.
“Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thăm dò ý định của nhau đối với vấn đề Biển Hoa Nam. Điều này khác với những gì xảy ra trên biên giới Trung Quốc Myanmar. Người Trung Quốc bị giết vì bom rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc. Nếu Quân đội Giải phóng Nhân dân không hành động, chính phủ Trung Quốc sẽ không làm dân chúng trong nước hài lòng.” - VOA
|
|
4.
Nửa triệu người ở Libya đang tìm đường vượt biển sang Âu Châu
Một giới chức Anh cho biết có đến nửa triệu người ở Libya đang tìm cách vượt Địa Trung Hải đầy hiểm nguy để sang Châu Âu trong mùa hè này nhằm tìm một cuộc sống tốt hơn.
Thuyền trưởng Nick Cooke-Priest từ chiến hạm HMS Bulwark của Anh nói rằng có những dấu hiệu cho thấy khoảng từ "450.000 đến 500.000 người ở Libya đang chờ ở biên giới để vượt Địa Trung Hải."
Hôm Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Anh cho hay tàu Bulwark được phái đi làm công tác cứu hộ, và đã cứu được ít nhất 500 di dân sau khi máy bay trực thăng phát hiện 4 chiếc thuyền của di dân đang trôi dạt.
Cũng trong ngày Chủ nhật, một tàu tuần dương của Italia đã chở 316 di dân từ những vụ cứu hộ khác ở ngoài khơi bờ biển Libya đến neo đậu tại đảo Lampedusa.
Các diễn biến này nối tiếp các vụ cứu hộ hôm thứ Bảy khi tàu hải quân của Italia, Anh, Ireland và các nước khác cứu được gần 3.500 di dân ở ngoài khơi biển Libya.
Làn sóng thuyền nhân tìm cách vượt biển sang Châu Âu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Các nhà quan sát nói rằng điều kiện ngày càng xấu đi ở đất nước Libya vô luật pháp, và ở Bắc Phi là nguyên nhân đẩy các di dân ra biển.
Nhiều di dân phát xuất từ Syria, Nigeria, Mali và Eritrea, trốn chạy chiến tranh, tình trạng ngược đãi chính trị và khó khăn kinh tế.
Italia kêu gọi các nước trong Liên hiệp Âu Châu hỗ trợ cho gánh nặng cung cấp chỗ trú cho các di dân. Liên hiệp Châu Âu hối thúc các thành viên chia sẻ trách nhiệm, nhưng một số nước không đồng ý tiếp nhận các di dân.
Theo Tổ chức Di dân Quốc tế, hơn 80.000 người đã vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Hơn 1.800 người đã bị chết đuối ngoài biển hoặc mất tích. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
VN tính chi hơn 60 triệu đôla mua tàu điện của TQ
Việt Nam dự tính mua 13 tàu điện của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội với tổng chi phí hơn 63,2 triệu USD.
Theo báo chí trong nước, mỗi đoàn tàu có 4 toa xe, sử dụng vật liệu không gỉ do Công ty trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
Tàu mô hình sẽ được giới thiệu với người dân vào cuối năm 2015, và 13 đoàn tàu sẽ được đưa về Việt Nam năm 2016.
Quyết đinh trên đã vấp phải nhiều phản ứng của dân chúng. Về lý do chọn mua tàu của Trung Quốc chứ không phải một quốc gia nào khác, theo truyền thông trong nước, theo hiệp định khung giữa hai chính phủ năm 2008, phía Trung Quốc đồng ý cho vay khoản tín dụng ưu đãi hơn 100 triệu đôla, và trang thiết bị, công nghệ cho tuyến đường sắt trên đều phải sử dụng của Trung Quốc.
Nhiều sự cố
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD.
Dự án này đã gặp phải một số sự cố nghiêm trọng, và đỉnh điểm là cuối năm ngoái, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao này chấn chỉnh nhà thầu thực hiện một dự án này.
Kiến nghị được đưa ra sau hai sự cố xảy ra, làm một người chết và ba người bị thương, trong chưa đầy hai tháng tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông với các tư vấn giám sát và tổng thầu Trung Quốc.
Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng nói rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc.
Việc ông Thăng chỉ trích nhà thầu Trung Quốc đã bị một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc cáo buộc là 'tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc'. - VOA
|
|
6.
Báo Việt Nam và Trung Quốc khẩu chiến vì Mỹ
Truyền thông của hai quốc gia cộng sản mới đây đã dùng những ngôn từ không hề kiêng nể để nhắm vào nhau, gây ra một cuộc đối đầu trên 'mặt trận báo chí' nhà nước của hai quốc gia láng giềng.
Trong một bài bình luận đăng ngày 2/6 về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “người Việt Nam thừa biết là Washington đang lợi dụng Hà Nội để khống chế Trung Quốc tại biển Đông”.
“Người Mỹ không hâm mộ thể chế chính trị của Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra sau khi nước này tự ngả vào vòng tay của Mỹ? Câu trả lời không thể rõ ràng hơn”.
Bài viết của tờ báo thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết thêm rằng “Hà Nội luôn luôn cảnh giác trước Washington, và điều đó không dễ thay đổi vì những lời đường mật của ông Carter, và ngược lại. Hoa Kỳ sẽ không tin Việt Nam sẽ trung thành với mình”.
Đáp lại, tờ Giáo dục Việt Nam nói rằng “bài xã luận sặc mùi cay cú” của Hoàn cầu Thời báo “xuyên tạc quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ, Việt-Trung”.
Tờ báo thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Đúng là Hoa Kỳ không ngây thơ, và người Việt Nam cũng không ngây thơ. Người Việt Nam không quên quá khứ, nhưng quá khứ ấy không chỉ có 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mà còn cả ngàn năm Bắc thuộc, gần nhất cũng là những cuộc chiến như năm 1979 Trung Quốc xua quân xâm lược tàn sát hàng ngàn đồng bào mình và xâm lược, thôn tính Hoàng Sa năm 1974, 6 bãi đá Trường Sa năm 1988”.
'Xóa sạch quá khứ'
“Còn Trung Quốc thì sao? Bề ngoài Bắc Kinh luôn miệng muốn "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" nhưng thực bụng lại chỉ muốn láng giềng xóa sạch quá khứ bị phương Bắc xâm lược để tiếp tục bành trướng, "xâm lược mềm" lãnh thổ trong hiện tại và tương lai,” tờ báo viết thêm.
Báo chí Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nên các nhà quan sát cho rằng phản ứng của tờ Giáo dục Việt Nam nhiều khả năng đã được “bật đèn xanh”.
Trên bình diện ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua cũng đã có lời qua tiếng lại về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Đích thân các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nồng hậu đón tiếp ông Carter. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang thì nói rằng “hai bên đã khép lại quá khứ và hướng tới tương lai thể hiện bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đặc biệt quan trọng là trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên hơn”. - VOA
No comments:
Post a Comment