Wednesday, June 8, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 8/6

Tin Thế Giới

1.
Washington tố cáo Trung Quốc ngăn chặn máy bay Mỹ một cách nguy hiểm --- Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng vì vấn đề thương mại, chiến lược

Bộ Quốc Phòng Mỹ, ngày hôm qua, 07/06/2016, đã tố cáo tiêm kích Trung Quốc ngăn chặn máy bay trinh thám Hoa Kỳ một cách nguy hiểm trên không phận Biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, David Benham, trong lúc máy bay RC-135 của Hoa Kỳ đang đi tuần tra thì hai tiêm kích Trung Quốc J-10 đã bay ở cự ly gần và "một trong hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay cắt ngang quá gần" máy bay của Mỹ.

Đại diện quân đội Hoa Kỳ nhận định: Theo phân tích ban đầu, dường như đây là hành động "thiếu chuyên nghiệp" vì sau đó, các tiêm kích Trung Quốc không có những thao tác khiêu khích hoặc nguy hiểm nào nữa.

Theo báo The Wall Street Journal, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hôm nay, cho biết sẽ tìm hiểu về trường hợp này, nhưng đồng thời tố cáo Hoa Kỳ "lại một lần nữa cố tình thổi phồng" vụ máy bay trinh thám Mỹ đi tuần tra ở Biển Đông. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định là "các phi công Trung Quốc luôn luôn hành động phù hợp với các quy định và luật pháp, chuyên nghiệp".

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chưa có phản ứng gì vụ này.

Ngày 17/05 vừa qua, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã thông báo về một trường hợp tương tư.

Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định không đứng về bên nào, đồng thời liên tục nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông trong khu vực.

Trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên, kết thúc ngày hôm qua tại Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận về hồ sơ này. - RFI

***
Trung Quốc hôm nay cho biết xuất khẩu của nước họ trong tháng 5 đã giảm 4,1% trong khi nhập khẩu giảm 0,4%. Các nhà quan sát nói rằng đây là những dấu hiệu cho thấy một sự yếu kém trong môi trường kinh tế thế giới và nhu cầu nội địa của Trung Quốc nằm ở mức thấp, giữa lúc các mối quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ tiếp tục bị căng thẳng vì những vấn đề thương mại và chiến lược. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này trong tháng 5 đã giảm 4,1% và dự kiến sẽ tiếp tục sút giảm, nhưng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ đạt mức 6,8%.

Những số liệu đó được công bố hôm nay, một ngày sau khi cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế với Mỹ kết thúc ở Bắc Kinh. Ông Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết các mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục bị căng thẳng vì những vấn đề thương mại và chiến lược.

"77% các công ty Mỹ cho biết họ nhận thấy môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên kém thân thiện hơn. Trong cuộc khảo sát mà kết quả được công bố hôm nay, Phòng Thương mại Liên hiệp Âu châu ở Trung Quốc cho biết 70% công ty hội viên của họ nói môi trường kinh doanh đã trở nên kém thân thiện hơn. Có rất nhiều mối lo ngại về những chính sách công nghiệp của Trung Quốc và sự minh bạch của tiến trình hoạch định chính sách của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, luật lệ mới được ban bố hồi tháng tư về việc quản lý các tổ chức phi chính phủ làm cho các tổ chức phi chính phủ -- từ các đại học,  những hiệp hội chuyên nghiệp cho tới các tổ chức nghiên cứu, cảm thấy lo ngại là họ sẽ không thể giúp Trung Quốc giải quyết hàng loạt các vấn đề từ kinh tế cho tới xã hội. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng giêng và nhiều người đang cảm thấy lo lắng."

Ông Kennedy cho biết chính quyền ở Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã kết luận là Trung Quốc đã trở thành một đại cường thế giới và cần phải được đối xử như vậy. Ông nói Bắc Kinh đang ra sức cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lãnh vực và Washington nên kiên nhẫn vì các mối căng thẳng phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Trong phần phát biểu bế mạc hội nghị ở Bắc Kinh hôm thứ ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng thời đại phức tạp mà chúng ta đang sống đòi hỏi hợp tác và cộng tác, chứ không phải xung đột và bất hoà.

Ông cho rằng cần có một mô thức mới của quan hệ đối tác và hai nước sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc thảo luận chặt chẽ, thẳng thắn và có tính chất xây dựng. - VOA
|
|

2.
TQ: Philippines nên 'dừng ngay' vụ kiện về Biển Đông

Trung Quốc mới đây đã kêu gọi Philippines dừng vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông để giải quyết thông qua đàm phán song phương.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được phát đi hôm thứ Tư, chỉ vài tuần trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về đơn kiện do Philippines nộp năm 2013 đối với các đảo có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Có những dự đoán cho rằng phán quyết sẽ bất lợi cho Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này kiên định với lập trường rằng họ không chấp nhận và cũng không tham gia vào việc phân xử qua trọng tài, và vẫn quyết tâm giải quyết các tranh chấp qua đàm phán song phương.

Tuyên bố của bộ nêu rõ: “Trung Quốc thúc giục Philippines ngừng ngay hành vi sai trái là thúc đẩy tiến trình phân xử qua trọng tài, và quay trở lại con đường đúng đắn là giải quyết những tranh chấp liên quan ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông] thông quan đàm phán song phương với Trung Quốc”.

Trước đó, Tổng thống đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte đã đề xuất đàm phán đa phương bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng như các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông Duterte nói đề xuất của ông có tiên liệu đến phán quyết của tòa trọng tài mà Philippines hy vọng sẽ thách thức tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra đối với hầu hết Biển Đông.

Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng đòi chủ quyền về những vùng chồng lấn lên nhau ở Biển Đông. - VOA
|
|

3.
Ngày Đại dương Quốc tế: Đáy biển ít được biết so với mặt trăng

Hôm nay, 08/06/2016, ngày Đại dương Quốc tế, các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này cho biết địa hình đáy biển ít được biết đến, và cần thêm đầu tư từ các chính phủ.

Theo một nhà khoa học Pháp trong tổ chức Đại dương và Khí hậu (Ocean and Climate Platform), con người hiện nay biết rất ít về đáy đại dương. Theo đó, chưa tới 10% địa hình đáy biển sâu hơn 200m được biết đến trong khi 2/3 diện tích mặt đất được bao phủ bởi nước. Cũng theo nữ khoa học gia này, việc tìm hiểu về đáy đại dương cũng quan trọng không kém việc tìm hiểu về mặt trăng. Cả hai đều tốn kém nhưng ưu tiên lại khác nhau.

Theo một nghiên cứu của Mỹ năm 2001, có thể chụp địa hình của toàn bộ đáy đại dương, sâu hơn 500m, với một tàu nghiên cứu trong 200 năm. Nếu được đầu tư 40 tàu, công việc sẽ được rút ngắn còn 5 năm. Nhưng phải cần hai đến ba tỉ đô la. Con số này nghe qua có vẻ nhiều nhưng còn ít hơn kinh phí của NASA trong chương trình Europa, nhằm thám hiểm Sao Mộc.

Hiện nay, các vệ tinh có thể cung cấp các hình ảnh đáy biển một cách tổng quan nhưng kém chính xác. Trong khi đó, phương pháp thu thập qua dữ liệu bằng âm thanh chính xác hơn nhưng mất nhiều thời gian. Điển hình là hộp đen của máy bay AF447 bị rơi trong hành trình Rio-Paris cần 23 tháng để trục vớt.

Theo các nhà khoa học, hiểu biết thêm về địa hình đáy biển sẽ giúp con người biết được các dòng chảy. Điều này rất cần thiết khi có máy bay rơi dưới biển hay tàu thủy bị trục trặc. Nếu không có bản đồ địa hình đáy biển, sẽ rất khó mô hình hóa và tính toán. Ngoài ra, biết được địa hình đáy biển còn giúp cho việc khai thác hay bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, cũng như nắm bắt được các hiện tượng như trôi đất bề mặt đáy biển, sóng thần và bão.

Tuy nhiên, hơn 95% diện tích vùng biển có độ sâu từ 0m đến 200m ở Tây Nam Thái Bình Dương và hai cực bán cầu không được biết đến một phần hoặc toàn bộ. Chỉ số này với Pháp là 19%, Anh Quốc là 30% và Hoa Kỳ là 40%.

Hiện nay, các chính phủ ít đầu tư cho phương tiện nghiên cứu hải dương, các lợi ích không được xem xét ở góc độ kinh tế môi trường và xã hội trong dài hạn. - RFI
|
|

4.
Thượng đỉnh Obama-Modi: Mỹ và Ấn Độ gia tăng hợp tác quốc phòng

Nhân cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng vào hôm qua, 07/06/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết biến quan hệ an ninh quốc phòng Mỹ-Ấn Độ hiện còn sơ khai, thành một cực "ổn định". Một bước tiến cụ thể là ông Obama đã hậu thuẫn cho việc Ấn Độ muốn có công nghệ tên lửa hiện đại và gia nhập nhóm nước được quyền buôn bán nguyên liệu hạt nhân.

Trong một bản tuyên bố chung công bố sau cuộc gặp, hai bên đã xác định rằng "Quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn có thể trở thành một ‘cái neo’ giúp duy trì ổn định". Hai bên cũng đã đúc kết các thỏa thuận song phương về hậu cần quân sự và chia sẻ "thông tin về việc thanh lọc khủng bố."

Theo một thỏa thuận tháng Tư vừa qua, quân đội Mỹ-Ấn có thể sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa tàu thuyền và tiếp liệu. Hai bên cũng thảo luận về việc hợp tác sản xuất thiết bị quân sự tối tân. Một tầm nhìn chiến lược chung đã được thông qua, có đề cập đến vấn đề bảo đảm tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông.

Riêng về mong muốn của Ấn Độ là được kết nạp vào nhóm các nước được phép kinh doanh vật liệu hạt nhân nhạy cảm, tổng thống Obama hôm qua xác nhận rằng Mỹ "ủng hộ việc Ấn Độ trở thành thành viên của nhóm các nhà cung cấp hạt nhân".

Theo AFP, tuyên bố ủng hộ công khai của tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ bị Trung Quốc ghi nhận vì Bắc Kinh không muốn kết nạp New Delhi vào nhóm Quốc Gia Cung Ứng Hạt Nhân. Trung Quốc cũng không muốn Washington và New Delhi thắt chặt quan hệ, xem đấy là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh.

Ngoài vấn đề hợp tác an ninh và hạt nhân, hai lãnh đạo Mỹ-Ấn còn thảo luận về việc thúc đẩy thực thi Hiệp Ước Paris về khí hậu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Bà Clinton trở thành nữ ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên --- Bầu cử tổng thống Mỹ: Tuần lễ tệ hại đối với D. Trump

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Ba tuyên bố chiến thắng trong cuộc vận động để trở thành phụ nữ đầu tiên được một đảng chính đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở North Dakota và Montana ngày hôm qua, nhưng thua bà Clinton tại các tiểu bang South Dakota, New Mexico và New Jersey.

Tổng thống Barack Obama hôm thứ ba gọi điện thoại chúc mừng bà Clinton đã giành đủ phiếu đại biểu để được đảng Dân chủ đề cử là ứng cử viên tổng thống. Ông cũng gọi điện thoại cám ơn Thượng nghị sĩ Sanders đã động viên hàng triệu người Mỹ và thu hút sự chú ý đối với như vấn đề như đấu tranh chống lại bất bình đẳng kinh tế.

Bà Clinton tối qua đã gặp gỡ những người ủng hộ tại Brooklyn, New York, sau khi giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại South Dakota, New Mexico và New Jersey.

“Nhờ các bạn mà chúng ta đã đạt tới một dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng ta, là một phụ nữ sẽ là ứng cử viên của một đảng lớn. Chiến thắng tối nay không phải thuộc về một người, nó thuộc về các thế hệ nam, nữ đã tranh đấu, hy sinh và tạo ra thời khắc này”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Sanders cam kết tiếp tục cuộc tranh đua khi ông nói chuyện với những người ủng hộ ở California.

“Đến cuối ngày hôm nay, tôi tin là chúng ta sẽ thắng cuộc bầu cử sơ bộ và bỏ phiếu kín ở 22 tiểu bang. Chúng ta sẽ có được hơn 10 triệu phiếu bầu. Và điều phi thường nhất đối với tôi là trong từng tiểu bang, chúng ta đã giành chiến thắng với số lượng lớn số phiếu của giới trẻ”.

Nhà lập pháp đại diện tiểu bang Vermont hứa mang cuộc tranh đấu cho công lý xã hội, kinh tế, chủng tộc và môi trường đến tận đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Philadelphia vào tháng 7.

Về phía đảng Cộng hoà, người nắm chắc sự đề cử của đảng này là tỉ phú Donald Trump đã phát biểu như sau tại New York, sau khi giành được thắng lợi trong tất cả 5 cuộc bầu cử sơ bộ hôm thứ 3.

“Tôi muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn người dân Montana, South Dakota, New Mexico, New Jersey và California. Chúng ta đã những ngày trọng đại và chúng ta sẽ có những con số lớn trong thời gian sắp tới. Tôi thực sự vinh hạnh có được sự hỗ trợ của các bạn. Cùng với nhau, chúng ta sẽ thực hiện được điều mà không ai nghĩ là hoàn toàn có thể. Các bạn biết đó là gì và chúng ta chỉ mới bắt đầu, và đó sẽ là điều tuyệt vời.”

Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều bắt đầu ra sức tranh thủ sự ủng hộ của những người về phe ông Sanders trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Bà Clinton mô tả ông Trump là người có tính khí không thích hợp để làm tổng thống, trong khi ông Trump cho biết ông sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng vào tuần sau để nói tới tất cả những gì đã xảy ra với bà Clitnton và chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton. - VOA

***
Hôm qua 07/06/2016, bà Hillary Clinton đã chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, trong khi đó, ông Donald Trump, chắc chắn sẽ đại diện cho đảng Cộng Hòa, đã phải trải qua một tuần lễ tệ hại.

Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio từ Louisville cho biết thêm chi tiết:

"Tuần lễ vừa qua của ông Donald Trump thật là tệ hại, có lẽ là tồi tệ nhất kể từ đầu chiến dịch tranh cử đáng ngạc nhiên đã giúp ông loại trừ tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa khác.

Việc trường đại học "quá cố" của ông bị mấy chục cựu sinh viên thưa kiện đã chiếm trang nhất các nhật báo. Và các phát biểu mang tính kỳ thị chủng tộc đối với vị thẩm phán phụ trách hồ sơ đã gây sốc cho những người ủng hộ nhiệt thành nhất của đảng bảo thủ Mỹ.

Khoảng hai chục dân biểu, lần lượt từng người một đã tố cáo việc "kỳ thị chủng tộc từ trong gốc rễ" - theo lời chủ tịch Hạ viện. Người con trai của cựu tổng thống Ronald Reagan công khai tuyên bố sẽ không bầu cho ông Trump, cũng như cựu thống đốc California, ông Schwarzenegger. Cuối cùng, thủ lãnh phe đa số Cộng Hòa tại Thượng viện đã trịnh trọng yêu cầu ứng cử viên Trump phải thay đổi giọng điệu.

Có lẽ vì thế mà tối qua ông Donald Trump đã đọc một bài diễn văn với sự hỗ trợ của máy chiếu, để không sơ suất thêm lần nữa. Một bài phát biểu đả kích dữ dội bà Hillary Clinton, từ nay đã chắc chắn trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ". - RFI
|
|

6.
'Washington cần cứng rắn hơn trước hành động gây hấn của Nga'

Các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ quan tâm rằng chính phủ của Tổng Thống Obama không hành động đủ để chống lại điều mà họ cho là cách hành xử xấu của Nga tại Ukraine và Georgia

Vấn đề đáng quan tâm là vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở vùng Hắc Hải và sự hỗ trợ mà Nga dành cho thành phần ly khai tại miền đông Ukraine.

Năm 2008, Nga can thiệp quân sự vào Georgia, và sau đó công nhận các nước cộng hoà ly khai South Ossetia và Abkhazia như những quốc gia độc lập.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez thuộc Đảng Dân Chủ đặt câu hỏi tại một cuộc điều trần của Uỷ ban Quan hệ đối ngoại hôm qua: “Tại sao chúng ta không tỏ thái độ quyết liệt hơn và sử dụng các công cụ ngoại giao khả dĩ có thể giúp chúng ta làm Nga phải hiểu rằng sẽ có những hậu quả cho những hành động của họ.”

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Âu Châu và Âu-Á, bà Victoria Nuland nói Nga đã phải trả một giá đắt cho sự hung hăng của họ qua các các biện pháp chế tài do Mỹ và nhiều nước khác áp đặt.

Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt nhiều đợt phong toả tài sản, cấm du hành và các biện pháp khác đối với Nga.

Ngoài ra, các cường quốc cũng kêu gọi cả Nga và Ukraine hãy thi hành đầy đủ hiệp định Minsk, một cuộc ngưng bắn nhắm mục đích chấm dứt giao tranh giữa chính phủ Ukraine và phe nổi dậy thân Nga ở Ukraine.

Trong tháng này, Liên Hiệp Âu Châu sẽ cứu xét liệu có nên gia hạn các các biện pháp chế tài rộng rãi về kinh tế và các biện pháp khác đối với Moscova vì sự can thiệp của nước này ở Ukraine hay không.

Các nhà lập pháp Mỹ nêu ra những nghi vấn này giữa lúc căng thẳng đang leo thang giữa Nga và Mỹ và các đồng minh Tây phương về việc phát động các cuộc diễn tập của NATO ở Ba Lan.

Các cuộc diễn tập nhằm mục đích huấn luyện này, một phần là để trấn an các quốc gia Trung Âu và Đông Âu, vốn lo ngại về các hành động của Nga ở Ukraine.

Nga đã lên án các cuộc diễn tập đó, nói rằng chúng không đóng góp gì để tăng niềm tin giữa các bên, hay cho an ninh tại đây. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Đại biểu Quốc hội ngoài Đảng 'rất ít'

Chỉ có 4,2% người trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa XIV là người ngoài Đảng Cộng sản, Chánh văn phòng Quốc hội cho biết.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có 21 đại biểu ngoài Đảng, chiếm 4,2%, báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam đưa tin.

Số ứng viên tự ứng cử lần này là 317 người, và có 2 người trúng cử.

Có 496 người trúng cử, thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu tối đa được bầu, trong đó 95,8% số đại biểu là đảng viên.

Trước thềm kỳ bầu cử Khóa XIV, Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIII ra nghị quyết dự kiến số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu, tức chiếm khoảng đến 10% số đại biểu Quốc hội. Con số 4,2% thấp hơn so với tỷ lệ dự kiến 10% này.

Bình luận về tỷ lệ này, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu quốc hội nói với BBC Tiếng Việt ông "rất lấy làm tiếc vì tỷ lệ đại biểu ngoài đảng lần này ít như thế. Chưa từng bao giờ cái tỷ lệ này thấp như vậy."

"Tỷ lệ này không đạt được chỉ tiêu mà chính Đảng Cộng sản cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt nam đề ra là ít nhất là 10%." – ông Thuyết nói.

Ông Thuyết cho rằng tỷ lệ đại biểu ngoài đảng thấp chưa từng có này ”phản ánh một điều, đó là công tác tổ chức bầu cử chưa tốt, chưa giới thiệu được nhiều người ngoài đảng mà được quần chúng tín nhiệm, hoặc nói cách khác là cũng là chưa hoàn thiện những thiếu xót trong quá trình vậy động bầu cử để người dân hiểu rõ các ủy viên để bỏ phiếu. ”

Nguyên do của việc có tỷ lệ này quá thấp, theo ông Thuyết là “Có rất nhiều ứng viên đạt tín nhiệm cử tri ở nơi làm việc, nơi cư trú đến 100% hoặc gần 100% và cũng là người có nhiều đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ngay ở vòng hiệp thương rồi, hoặc hiệp thương vòng hai như Nghệ sĩ Nhân dân Kim Tiến hay ông Trần Đăng Tuấn bị loại ở vòng ba. Mình loại ngay từ đầu vì sợ không phù hợp với cơ cấu thì kết quả nó như thế thôi.”

Khác với ông Thuyết, luật sư Lê Văn Luân, một người tham gia tự ứng cử đại biểu quốc hội nói ông “không bất ngờ” vì con số 4,2% này.

Ông Luân giải thích: “Trước đây, đại biểu quốc hội Huỳnh Nghĩa trưởng đoàn đại biểu Đà Nẵng, ông có nói là phải xóa bỏ cơ chế đảng cử, dân bầu. Bởi vì khi có cơ chế đảng cử thì đảng chắc chắn là cử người của đảng thôi, chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tỷ lệ như vậy thì 90 triệu dân là người ngoài đảng, trong khi đó 96% đại biểu là người trong đảng, chỉ còn 4%, một tỷ lệ quá ít ỏi dành cho dân chúng. Vậy thì tiếng nói của người ngoài đảng là vô cùng thiểu số, gần như không có tác dụng trong quốc hội. ”

Khi được hỏi về lo ngại liệu có ảnh hưởng đến ý chí và nguyện vọng của người dân trong Quốc hội không, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “không ảnh hưởng gì” và quốc hội vẫn “như từ trước đến nay”.

Ông nói: “Thực sự thì ở Việt Nam có một đảng thôi. Các ý kiến của chính các đại biểu là đảng viên trong quốc hội cũng rất đa dạng chứ không phải là họ nhất nhất theo một hướng. Tôi vẫn nghĩ rằng là trong khuôn khổ nhất định thì việc bàn thảo ở Quốc hội, quyết định ở Quốc hội vẫn đảm bảo được nguyện vọng của người dân, tất nhiên là ở mức độ không phải là cao lắm.”

'Loại bỏ người tài'

Ông Lê Văn Luân lại cho rằng: "Lợi ích của đảng gắn với vai trò đại biểu quốc hội vô hình chung là sự ràng buộc về ý chí và lợi ích. Khi đại biểu Quốc hội bị ràng buộc bởi ý chí và lợi ích của đảng thì không thể nào độc lập ra được. Vì thế có một bài báo nói rõ đề nghị những người đại biểu quốc hội ở tỉnh khi ra Quốc hội không được nói về tham nhũng."

"Có nghĩa là việc đó là việc kiêm nhiệm chức danh từ quốc hội, thứ hai là khoác áo đảng. Cái áo Đảng đó vô hình chung đã ràng buộc lợi ích con người ta và ý chí người ta. "

“Nếu muốn thay đổi thì phải giảm được tỷ lệ người trong đảng, ví dụ như 50% người trong đảng, 50% người ngoài đảng, thì lúc đó có thể trở thành thế cân bằng nào đó. 50% bầu trực tiếp từ dân chúng và cử tri sẽ lựa chọn được người tài, và không bị ràng buộc bởi lợi ích và ý chí của đảng, chắc chắn là người ta sẽ độc lập, và lúc đó chất lượng của Quốc hội sẽ tốt hơn nhiều," ông Lê Văn Luân nói.

“Cơ chế lộ ra hạn chế là đã loại bỏ người tài hoặc người đại diện cho số dân còn lại là người không có đảng, gần như không có cơ hội vào quốc hội. Đấy là thực tế chứng minh bằng tỷ lệ luôn.” - BBC
|
|

8.
Đại học Fulbright VN dưới quan điểm của GS Nguyễn Mạnh Hùng

Trong chuyến công du vừa qua của Tổng thống Obama, VN đã ký kết với Hoa Kỳ thành lập đại học Fulbright tại VN và động thái này được người Việt đón nhận với tâm trạng phấn khởi. Tuy nhiên cũng có những dư luận trái chiều về việc này. Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này.

Món quà của Mỹ

Mặc Lâm: Thưa GS, đại học Fulbright đã chính thức mở tại VN, là người theo dõi dự án này từ lâu xin GS cho biết tầm quan trọng của nó đối với VN ra sao và liệu nó sẽ giúp gắn bó hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia hay không?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đại học Fulbright Vietnam (FUV) bắt nguồn từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright do trường Đại học Harvard cộng tác với Trường Đại học kinh tế thành phố HCM, Sự hình thành của FUV là kết quả của các cố gắng từ hơn mười năm nay để thành lập môt trường đai học có đẳng cấp quốc tế, có sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam.

Theo dự tính, đây sẽ là môt trường đại học tư, không lợi nhuận, tự trị, có đẳng cấp quốc tế, được thừa nhận (accredited) theo tiêu chuẩn giáo dục đại học Mỹ. Việt Nam từ lâu muốn thiết lập môt đại học có đẳng cấp quốc tế mà chưa làm đươc thì đây là một món quà của Mỹ đóng góp vào việc phát triển Việt Nam và xiết chặt quan hệ giữa hai nước, hai dân tôc, ít nhất là trên phương diện văn hóa, giáo dục.

Nhưng ý định tốt này có thực hiên được hay không tùy cách cư xử của hai chính phủ, nhất là nước chủ nhà.

Mặc Lâm: Tuy VN đón nhận nó như một tin vui nhưng một số trí thức đã công khai chống lại vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường Fulbright là ông Bob Kerrey vì ông này từng tham gia vụ thảm sát tại Thạnh Phong, GS có chia sẻ gì về cá nhân ông Kerrey về những đóng góp của ông cho VN trong những năm qua?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Thái độ chống đối là điều dễ hiểu, nhất là đối với người ở Việt Nam. Có dư luận chống nhưng cũng có dư luận ủng hộ.  Chống đối hay ủng hộ tùy thuôc vào cách nhìn, cảm tính, kinh nghiệm cá nhân, và tính toán của mỗi người.

Trong một cuôc hội luận bàn tròn của BBC tuần trước, một chuyên viên truyền thông, cô Đỗ Thị Thủy, nói rằng cách đây hơn 10 năm cô đã phỏng vấn một nạn nhân vụ thảm sát Thanh Phong cho tuần báo Time là bà Phạm Thị Lành; bà này xác nhận không thấy tận mắt sự việc mà người ta quy tội cho ông Kerrey. Một phóng viên BBC, ông Nguyễn Hùng, mới gọi điện thoại phỏng vấn ông cựu Chủ tịch xã Thạnh Phong ông này trả lời vội rằng “chuyện cũ rồi nên bỏ qua.” Đó là quan điểm của người dân đia phương. Tranh cãi xảy ra giữa những người ở trung ương và không phải là nạn nhân trực tiếp của vụ thảm sát.

Tôi tôn trọng cả hai cách nhìn, nhưng tôi đồng cảm với bài viết của cựu đai biểu Quôc Hôi Nguyễn Minh Thuyết và tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bí Thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Cả hai đều chủ trương tha thứ. Tôi chỉ xin có thêm môt số nhận xét sau đây.

Thứ nhất, việc này đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ, chính môt số nạn nhân và người ở đia phương đã tỏ ý muốn bỏ qua. Trong khi ấy thì ông Bob Kerrey đã tỏ lời ăn năn, xin lỗi với sư thành khẩn và ở mức độ chưa từng thấy, nhất là những lời ấy xuất phát từ một nhân vât đươc coi là can đảm, chính trực, và trọng danh dự. Về phương diên tâm lý, rõ ràng ông Kerrey muốn làm mọi việc tốt cho dân tộc Việt Nam để chuộc lỗi lầm của ông ấy. Các cụ ta thường nói “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lai.” Tại sao không để cho ông Kerry có cơ hội giúp VN?

Thứ hai, về khả năng chuyên môn thì ông Kerry có kinh nghiệm với hai trường đại học tân tiến của Mỹ không tổ chức theo lề lối cổ truyền, là New School ở New York và Dự Án Minerva ở San Francisco. Dự Án Minerva đưa ra một mô himh đại học mới, có phẩm chất của những đại học nổi tiếng tại Mỹ nhưng học phí lại rất rẻ. Để giảm phí tổn, sinh viên được khuyên khích học một số môn dễ học trên internet; trường không có giáo sư cơ hữu và chủ trương mời các học giả và chuyên viên nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới để dạy những khóa ngắn hay tiếp xúc với sinh viên qua không gian ảo (cyber space). Mô hình này có nhiếu khía cạnh giống như FUV, nhất là trong giai đoạn phôi thai.

Thứ ba, về phương diện tình cảm cá nhân, ba ông Kerry, McCain, và Kerrey mới viết chung một bài báo trên tờ New York Times ủng hộ và chống lưng cho ông Obama bỏ hoàn toàn viêc cấm bán vũ khi sát thương cho Việt Nam. Họ vừa là chiến hữu vừa là bạn thân, họ mến trọng và tin tưởng nhau. Cùng với ông Thomas Vallery, những người ấy đã đóng góp vào việc vận động thành lập trường FUV từ năm 1991. Ở Mỹ không còn bao nhiêu chính trị gia tha thiết với Việt Nam. Buộc những người có thiện cảm với Việt Nam như các ông Kerry, McCain và Vallely phải bỏ rơi bạn họ thì họ sẽ nghĩ gì về thiện chí và cái mà chính phủ VN rêu rao khi có lợi cho mình, là “gác quá khứ, hướng tơi tương lai.”

Theo thiển ý, việc chấp nhận ông Kerrey vừa phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tôc, vừa phù hợp với chính sách “gác quá khứ, hướng về tương lai” của chính phủ, vừa không làm nản lòng những người còn có thiện chí muốn giúp Việt Nam, vừa không thọc gậy vào bánh xe lòng tin chiến lược mới băt đầu quay giữa hai nước.

Mặc Lâm: Mới nhất là việc trả lời của Bộ ngoại giao VN, tuy không nói trắng ra nhưng người phát ngôn Lê Hải Bình gián tiếp cho rằng vai trò của ông Kerrey là không thích hợp. Theo GS với cái nhìn của một nhà chuyên môn và tích lũy nhiều kinh nghiệm cuộc chiến VN ông có ý kiến gì về quan điểm của Bộ Ngoại giao VN?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Phát biểu cá nhân thì hiểu được, nhung phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoai Giao làm cho người ta phải thắc mắc. Ông Bình không thể phát biểu với tư cách cá nhân mà phát biểu với tư cách chính phủ hay ít nhất cũng với tư cách của một bộ trong chính phủ. Tôi không nghĩ đó là sáng kiến riêng của Bộ Ngoại giao, bác ý kiến của Ủy viên bộ CT Đinh La Thăng. Nếu đây là ý kiến của chính phủ thì nó là môt vi phạm vụng về đến nguyên tắc tự trị đại học, nền tảng quan trong nhất của bất cứ một trường đại học có đẳng cấp quốc tế nào. Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam có vẻ không mặn mà lắm với FUV với những tiêu chuẩn cao của nó.

Mặc Lâm: Theo ông, cửa Fulbright đã mở, trí thức VN nên có những thái độ nào nhằm thúc đẩy cho ngôi trường này phù hợp thật sự với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Không có mô thức suy nghĩ nào đúng cho mọi trí thức, mỗi người có lối suy luận và quyết định riêng. Trong ngành khoa học xã hội, tri thức và trí thức khó có thể phát triên đươc hết tiềm năng trong một đại học không được quyên tư trị và tự do học thuật (academic freedom). Nhưng người đã từng làm việc tại các trường đại học Tây phương, nhất là các học giả thượng thặng, khó có thể cảm thấy thoải mái làm việc trong khung cảnh ấy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn GS. - RFA

No comments:

Post a Comment