Wednesday, June 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 22/6

Tin Thế Giới

1.
Bắc Hàn thử tên lửa bất chấp trừng phạt

Bắc Hàn phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung liên tiếp trong vòng vài giờ bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Nam Hàn cho hay.

Các viên chức quân sự miền Nam cho biết cả hai đều là tên lửa Musudan.

Vụ phóng đầu thất bại trong khi vụ thứ hai đang được phân tích.

Bắc Hàn bị các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo do chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Bốn tên lửa khác được phóng thử trong hai tháng gần đây được ghi nhận có thể phát nổ giữa không trung hoặc bị rơi.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết nếu vụ thử mới nhất được xác nhận là một tên lửa đạn đạo, điều này "rõ ràng không thể được dung thứ".

Các nước lân cận đã phát hiện việc Bắc Hàn chuẩn bị thử tên lửa từ vài ngày trước và cảnh báo rằng việc đó sắp xảy ra.

Nhật cho biết sẽ bắn hạ tên lửa nếu nó đi vào không phận nước này.

Tên lửa Musudan được cho là có tầm bắn khoảng 3.000 km, đủ để vươn tới Nam Hàn, Nhật và đảo Guam, lãnh thổ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Nhưng Bắc Hàn được cho là có hàng chục vụ thử tên lửa Musudan nhưng chưa bao giờ thành công.

Phóng viên BBC Steve Evans ở Seoul nói rằng thất bại của vụ thử tên lửa cho thấy những khó khăn về công nghệ mà Bắc Hàn đang phải đối mặt khi xây dựng một kho vũ khí hạt nhân nhằm tấn công các mục tiêu ở xa.

Các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại cũng cho thấy quyết tâm của Bình Nhưỡng, ông nói thêm. - BBC
|
|

2.
Anh chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu lịch sử về EU --- Châu Âu chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu dân ý Anh Quốc

Anh đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu quan trọng vào ngày mai để quyết định có rời khỏi Liên hiệp Châu Âu hay không. Những tranh cãi tập trung vào vấn đề di trú và an ninh kinh tế và thường gay gắt. Cả hai phía đã hạ giọng sau khi ngưng chiến dịch vận động 3 ngày tiếp theo vụ ám sát một nhà lập pháp chống lại việc Anh rời khỏi EU, một biến cố mà những cuộc thăm dò cho thấy đã gây sốc đối với nhiều cử tri trước đây chưa quyết định nay nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để Anh vẫn còn ở EU. Thông tín viên Luis Ramirez của Đài VOA tường thuật từ London.

Đây là thời điểm bấp bênh của một nước có nền kinh tế lớn thứ nhì tại Liên hiệp Châu Âu. Hậu quả thực là to lớn.

Có nhiều cảnh báo là việc rời khỏi khối gồm 28 thành viên sẽ làm cho đồng pound của Anh mất 15% giá trị và khiến cho Thủ tướng phải từ chức vì nhiệm vụ được giao phó của ông tùy thuộc vào việc người Anh có nghe theo ông và bỏ phiếu ở lại EU hay không.

“Nếu chúng ta chọn rời khỏi EU, chúng ta có thể rời khỏi khối này. Nhưng chúng ta cần phải biết rõ là nếu chúng ta ra đi, thì mọi sự chấm dứt. Chúng ta bước ra khỏi cửa.”

Đối với một cuộc bỏ phiếu quan trọng như thế này, nhiều cử tri than phiền là có quá ít thông tin chắc chắn để quyết định và có quá nhiều tin đồn gây lo sợ và những hành động và lời nói lôi cuốn người khác của cả hai phía. Các đội tàu của hai bên chủ trương “Rời khỏi”và “Ở lại” vừa mới đối đầu với nhau trên Sông Thames.

Từ nhiều tháng nay, bên chủ trương Rời khỏi đã đổ ra đường phố. Lập luận của họ căn cứ phần lớn vào di trú, và sự tin tưởng là nước Anh đã trao quyền kiểm soát biên giới cho một siêu quốc gia châu Âu.

Ông Tom Harwood, một người vận động cho việc Anh rút khỏi EU nói:

“Vương quốc Anh đã mất quyền kiểm soát về vấn đề di trú. Chúng ta phải chấp nhận cho bất cứ người nào vào Anh nếu họ có hộ chiếu EU, không cần biết họ có thành tích tội phạm hay không. Chúng ta không được phép nói không và điều này có thể gây tổn hại cho an ninh nước Anh, nhưng cũng gây áp lực trên công ăn việc làm và những cơ hội cho người trẻ.”

Vụ ám sát dân biểu Jo Cox, một nhà lập pháp chống việc Anh rời khỏi EU đồng thời bênh vực di dân do một phần tử cực đoan cực hữu với một lịch sử có những vấn đề tâm thần thực hiện đã có ảnh hưởng rõ rệt lên cả hai chiến dịch vận động và đến cả các cử tri nữa.

Bà Mary White một cử tri Anh nói:

“Có nhiều cảm tưởng xấu vì cách thức xử sự của hai phía vận động đòi Rời khỏi và Ở lại.”

Những cuộc thăm dò kể từ vụ ám sát ngày 16 tháng 6 vừa qua cho thấy phía chủ trương Rời khỏi đang mất thế, nhưng cả hai bên vẫn tranh đua khít khao trong một cuộc trưng cầu dân ý mà nhiều người tin rằng sẽ làm thay đổi chiều hướng lịch sử của châu Âu. - VOA

***
Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý về "Brexit" ở Anh Quốc ngày 23/06/2016 như thế nào, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu chưa đồng nhất về chiến lược sau đó nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng châu Âu hợp nhất, trong khi hai trụ cột Đức và Pháp thì vẫn chưa đạt đến một thỏa thuận nào.

Nước Pháp đã tỏ ý muốn là phải có một tín hiệu mạnh để đưa Liên Hiệp Châu Âu ra khỏi bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị hiện nay. Trên tờ Le Monde gần đây, bộ trưởng KinhTế Emmanuel Macron đã hứa rằng nước Pháp sẽ đưa ra sáng kiến để tránh lây lan "triệu chứng" Brexit và khởi động ngay một dự án mới mang tính tích cực cho châu Âu.

Nhưng Đức thì không lạc quan như vậy. Trên tờ nhật báo Spiegel, bộ trưởng Tài Chính Wolgang Schauble cho rằng trong trường hợp Brexit, không thể nào kêu gọi châu Âu hội nhập hơn nữa. Ông nói : "Đây sẽ là một điều ngu xuẩn, nhiều người sẽ trách các lãnh đạo chính trị đã không hiểu được tâm trạng của người dân các nước, đang ngày càng hoài nghi về châu Âu hợp nhất. Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng nghĩ rằng thúc đẩy hội nhập hơn nữa sẽ càng làm rối loạn thêm".

Thái độ thận trọng đó thật dễ hiểu trong bối cảnh mà các phong trào chống châu Âu hợp nhất, kể cả tại Đức, đang phát triển ngày càng mạnh, thể hiện qua kết quả các cuộc bầu cử gần đây. AFP trích lời một quan chức chính phủ Đức cho biết là hiện giờ rất chính phủ nhiều nước ngại đụng đến vấn đề này, bởi vì họ không được dư luận ủng hộ.

Đặc biệt là về đồng euro, giữa Paris và Berlin hiện vẫn còn nhiều bất đồng và nghi ky. Pháp thì vẫn không kềm chế được mức thâm thủng ngân sách và không muốn để một định chế châu Âu giám sát hồ sơ này. Đức thì dứt khoát không chấp nhận san sẻ các món nợ giữa các nước trong khối.

Chính vì bị hai "nút chặn" nói trên mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có được một chiến lược vững chắc nào cho giai đoạn hậu trưng cầu dân ý về Brexit. Không chỉ giữa Paris và Berlin, mà cả trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là đảng Xã hội Dân chủ, chủ trương hội nhập châu Âu hơn nữa và bên kia là đảng bảo thủ CDU, đề nghị là Liên Hiệp Châu Âu nên trao lại một số quyền cho các quốc gia thành viên, để trấn an công luận hoài nghi về châu Âu hợp nhất.

Cho nên, cho giai đoạn hậu trưng cầu dân ý về Brexit, các nước châu Âu chỉ có thể đề ra một số sáng kiến hạn chế trong các lĩnh vực ít gây tranh cãi như quốc phòng hay an ninh. Nhưng hãy còn xa họ mới có thể bàn đến việc thành lập một quân đội châu Âu.

Tóm lại, cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc ngày 23/06 buộc Liên Hiệp Châu Âu phải tìm một con đường khác để thích ứng với một công luận ngày càng bi quan, nhưng các nước thành viên vẫn chưa có một tiếng nói đồng nhất. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ có đứng về phía Philippines trong tranh chấp Biển Đông?

Ông Rodrigo Duterte, tổng thống vừa đắc cử của Philippines, hôm 21/6 cho biết mới đây ông đã hỏi đại sứ Mỹ liệu Washington có ủng hộ Philippines hay không trong trường hợp có thể xảy ra đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ở thành phố Davao ở miền nam, ông Duterte cho rằng Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 giữa Philippines và Mỹ không đương nhiên buộc Mỹ phải giúp đỡ ngay lập tức nếu Philippines rơi vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ.

Ông Duterte nói ông đã hỏi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg trong một cuộc họp gần đây: “Các ngài đứng cùng chúng tôi hay không,” và nói thêm rằng ông Goldberg đã trả lời: “Chỉ khi nào các ngài bị tấn công”.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ sẽ không bình luận về các chi tiết của các cuộc đàm thoại ngoại giao hay về khả năng Mỹ đến bảo vệ Philippines ở Biển Đông. Song bộ nói liên minh Mỹ-Philippines vững như thép và Mỹ sẽ làm đúng các cam kết trong hiệp ước.

Bà Anna Richey-Allen, nữ phát ngôn viên của Vụ Đông Á-Thái Bình Dương của bộ, nói: “Tổng thống Obama đã nêu rõ chúng ta sẽ làm đúng các cam kết đối với Philippines, cũng như chúng ta vẫn làm với bất cứ hiệp ước phòng thủ chung nào. Tính đáng tin cậy và trông cậy được của chúng ta với tư cách là một đồng minh đã được xác lập trong nhiều thập kỷ. Ngoài điều đó ra, chúng tôi không bình luận về các giả thiết”.

Hiệp ước giữa Philippines và Mỹ viết mỗi nước sẽ “hành động để giải quyết những mối nguy hiểm chung” nếu như một trong hai nước bị tấn công.

Đại sứ Goldberg chưa đưa ra bình luận về cuộc gặp của ông với ông Duterte.

Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Hiện các bên tranh chấp gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Hồi đầu tháng này, ông Duterte nói ông sẽ đưa ra chính sách đối ngoại độc lập “và không lệ thuộc vào Mỹ”, đồng minh lâu năm của Philippines. - VOA
|
|

4.
Bà Clinton đả kích ông Trump về kinh tế

Người sắp giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, mô tả đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump là người không thích hợp để giám sát nền kinh tế của Mỹ, tuyên bố rằng những chính sách "liều lĩnh" của ông ta sẽ "ném chúng ta lại vào cuộc suy thoái" và khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Phát biểu tại Ohio, một bang chiến trường quan trọng, bà Clinton đả kích thành tích kinh doanh của ông Trump như một chỉ dấu cho thấy cách thức mà ông ta sẽ quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bà Clinton nói trong một bài phát biểu tại thành phố Columbus: "Cũng giống như việc ông ta không nên nắm quyền kiểm soát mã hạt nhân, ông ta không nên nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của chúng ta."

Bà Clinton dẫn ra nhiều vụ phá sản và những vụ kiện tụng cáo buộc hành vi gian lận nhắm vào Đại học Trump, một hoạt động kinh doanh giáo dục sinh lợi nhuận của ông ta. Bà nói: "Đây không phải là hành vi bình thường. Chúng ta không thể để ông ta thảy xúc xắc với tương lai con cái của chúng ta."

Bà Clinton cũng cáo buộc 3.500 vụ kiện tụng đã được đệ trình nhắm vào ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong 30 năm qua. Bà ta nói nhiều đơn kiện trong số này được đệ trình "bởi những người Mỹ bình thường và doanh nghiệp nhỏ chưa bao giờ được trả tiền, không phải vì ông ta không thể trả tiền cho họ mà vì ông ta có thể quỵt được họ."

Bà Clinton nhắc tới một báo cáo được công ty Moody’s Analytics công bố hôm thứ Hai và được soạn thảo bởi một cựu cố vấn của một trong những người đồng Đảng Cộng hòa với ông Trump, Thượng nghị sĩ John McCain. Báo cáo này tiên đoán những đề xuất kinh tế của ông Trump sẽ gây ra một cuộc suy thoái và khiến 3,5 triệu công ăn việc làm bị mất đi chỉ riêng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta.

Với đợt công kích mới nhất nhắm vào ông Trump, bà Clinton hy vọng sẽ thuyết phục cử tri rằng bà ta sẽ là người lèo lái nền kinh tế tốt hơn. Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn cử tri ủng hộ Trump về những vấn đề kinh tế.

Một cuộc khảo sát do Gallup thực hiện trong tháng này cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton 10 điểm về câu hỏi nên tin tưởng ai quản lý nền kinh tế, và bảy điểm về vấn đề công ăn việc làm. Và một cuộc khảo sát của Bloomberg Politics công bố hồi tuần trước cho thấy 55 phần trăm số người được hỏi nghĩ rằng ông Trump hiểu biết nhiều hơn về việc làm thế nào để tạo ra công ăn việc làm.

Những quan chức trong ban vận động của bà Clinton nói rằng bài phát biểu của bà ta là một phần trong chiến lược cho thấy ông Trump không đủ năng lực quản lý nền kinh tế và để chống lại thành công của ông ta trong việc giành được sự ủng hộ của những cử tri thuộc tầng lớp lao động ở những bang như Ohio, Michigan và Wisconsin.

Những phụ tá của bà Clinton nói bài phát biểu này cũng được thiết kế để thu hút sự ủng hộ của những người ủng hộ đối thủ Đảng Dân chủ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont ở vùng đông bắc. Ban vận động tranh cử của hai ứng cử viên Dân chủ đang thảo luận về những vấn đề kinh tế chủ chốt, chẳng hạn như đại học miễn học phí và mở rộng những chương trình phúc lợi Medicare và An sinh Xã hội, có thể sẽ được đưa vào cương lĩnh của Đảng Dân chủ tại đại hội đảng ở thành phố Philadelphia vào tháng sau.

Ông Trump, người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống, đã nhanh chóng phản pháo đối thủ Đảng Dân chủ. Trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump nói "những chính sách nhập cư biên giới mở của Hillary Clinton sẽ hạ thấp tiền lương cho tất cả người Mỹ, và làm cho tất cả mọi người kém an toàn hơn." Và "Hillary Clinton khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng vọt 40 phần trăm khi làm ngoại trưởng, khiến người Mỹ mất hàng triệu việc làm."

Ông Trump trước đây nói rằng ông ta sẽ hữu hiệu hơn bà Clinton trong việc quản lý nền kinh tế. Nêu ra sự nhạy bén kinh doanh của mình, ông Trump nói rằng ông ta là ứng cử viên tốt nhất để củng cố nền kinh tế và thương lượng với những nước khác.

Ông Trump đã chỉ trích bà Clinton về sự ủng hộ của bà ta đối với những thỏa thuận thương mại trước đây như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), những thỏa thuận mà ông ta cũng nói là đã khiến Mỹ mất "hàng triệu việc làm."

Bà Clinton trước đây nói rằng bà sẽ đàm phán lại một số phần của NAFTA và đã bày tỏ sự chống đối đối với TPP, là thỏa thuận mà bà ta đã ủng hộ khi còn là bộ trưởng ngoại giao.

Bài diễn văn mới nhất của bà Clinton theo sau một bài diễn văn mà bà đã đọc vào ngày 2 tháng 6 tại thành phố San Diego tập trung vào an ninh quốc gia. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc sẽ mở tua du lịch thường xuyên đến Trường Sa --- Báo Trung Quốc phản đối Mỹ đưa hàng không mẫu hạm đến Biển Đông

Hôm nay, 22/06/2016, báo chí Nhà nước Trung Quốc loan tin là nước này sẽ mở các chuyến du lịch thường xuyên đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng này.

Hiện giờ, các công ty Trung Quốc đã mở các chuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa ( mà Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn từ 1974 ), dành riêng cho khách Trung Quốc. Theo tờ China Daily, chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra đề nghị phát triển các chuyến du lịch tương tự đến quần đảo Trường Sa, với các tàu xuất phát từ đảo này. Các chuyến du lịch đến Trường Sa theo dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2020.

Kế hoạch nói trên chắc chắn sẽ gặp phản đối từ các nước trong khu vực và Hoa Kỳ, vốn đã rất quan ngại trước việc Bắc Kinh có những hoạt động nhằm áp đặt chủ quyền lên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Theo các nhà phân tích, các kế hoạch phát triển của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ tạo nên sự hiện diện thường xuyên đầu tiên của Bắc Kinh sâu trong vùng Biển Đông.

Ngày 21/06, Tập Đoàn Vận Tải Biển Trung Quốc (COSCO) cũng thông báo sẽ khai trương các chuyến tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa kể từ tháng 7. Trước đó, cũng tờ China Daily đã trích dẫn thị trưởng « thành phố Tam Sa » trên đảo Phú Lâm, cho biết đã có khoảng 30 ngàn người đi du lịch Hoàng Sa.

Từ năm 2013, khách du lịch Trung Quốc đã có thể đến tham quan những khu vực không phải là quân sự ở Biển Đông, nhưng khách ngoại quốc thì chưa được đi theo các chuyến du lịch này. - RFI

***
Nhân dân Nhật báo hôm nay 22/06/2016 cực lực lên án việc Hoa Kỳ điều hai hàng không mẫu hạm đến vùng Đông Á. Một động thái được nhiều nhà quan sát cho rằng nhằm gửi tín hiệu răn đe Bắc Kinh, vào thời điểm Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: "Mỹ đã nhắm sai mục tiêu khi chơi trò này với Trung Quốc". Bài viết ký tên "Zhong Sheng" tức "Trung Thanh", đồng âm với từ "Tiếng nói Trung Hoa". Từ này thường được sử dụng để bày tỏ quan điểm của chính quyền Trung Quốc về chính sách đối ngoại. Tờ báo nói thêm: "Đằng sau tư tưởng sai lầm này là nỗi lo âu và sự ngạo mạn của Washington, và là biểu hiện chân thực cho đầu óc bá chủ của Mỹ".

Hôm thứ Hai 20/6, tư lệnh Hải quân Mỹ tuyên bố việc triển khai các tàu sân bay là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ về an ninh khu vực, và hy vọng sẽ ngăn cản được mọi âm mưu gây bất ổn tại Biển Đông. Hai hàng không mẫu hạm John C. Stennis và Ronald Reagan bắt đầu các hoạt động chung với Philippines từ cuối tuần trước, trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sắp ra phán quyết liên quan đến yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương (PACOM) nói rằng các hàng không mẫu hạm bắt đầu vào chiến dịch hôm thứ Bảy 18/6, trong đó có cả tập trận phòng không, giám sát trên biển, không chiến và tấn công tầm xa. Cũng theo PACOM, cuộc tập trận gần đây nhất có sự tham gia của hai tàu sân bay Mỹ tại Tây Thái Bình Dương là vào năm 2014, và trước đó năm 2012 hai tàu sân bay Mỹ cũng từng phối hợp hoạt động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. - RFI
|
|

6.
Các chuyên gia: Trao quyền cho cộng đồng giúp giữ rừng tốt hơn

Tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói phải đóng cửa rừng tự nhiên và các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn nạn phá rừng, buôn lậu gỗ. Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu đã diễn ra hôm 20/6, tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo chí trong nước, thủ tướng đánh giá rằng sự kiện trong thời gian vừa qua, Tây Nguyên đã mất 41% diện tích rừng là điều rất nghiêm trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến cuối năm 2014, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là hơn 3,3 triệu hecta, trong đó đất có rừng giảm 180.000 hecta so với năm 2010.

Bộ này nói diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm phần lớn vì nạn phá rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, việc lấy đất rừng để phục vụ quy hoạch của địa phương như xây dựng công trình hạ tầng cũng làm giảm diện tích rừng.

Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Phúc về việc phải đóng cửa rừng ở Tây Nguyên, Giáo sư Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với đài VOA:

“Chúng ta phải bảo về rừng đầu nguồn, phải bảo vệ nước mặt cho phát triển khu vực này. Tôi cho rằng đấy là những chủ trương mà có cái xuất phát điểm cũng rất là đúng, và chúng ta hãy thực hiện cái chủ trương này một thời gian nhất định để có thể tạo dựng được việc sử dụng đất bền vững tại khu vực Tây Nguyên.”

Trong quá khứ, người tiền nhiệm của Thủ tướng Phúc năm 2013 cũng đã từng ra lệnh đóng cửa rừng nhưng thực tế cho thấy rừng vẫn tiếp tục bị phá. Gợi ý về những biện pháp trong thời gian tới để chỉ thị của ông Phúc về đóng cửa rừng đạt hiệu quả, Giáo sư Võ nói:

“Về mặt thực hiện, tôi cho là chúng ta cũng không thể dựa vào kiểm lâm […] Chúng ta phải phát triển cơ chế quản trị, gọi là thể chế quản trị trong thực thi trên thực tế. […] Để thực thi thì sự tham gia của người dân từ dưới lên là rất quan trọng. […] Chúng ta trao quyền cho cộng đồng truyền thống ở Tây Nguyên thì người ta lại giữ rừng. Đấy là những cái yếu tố mà tôi thấy là chúng ta cần phải thay đổi”.

Một chuyên gia khác về môi trường, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường Pan Nature, cũng đồng ý rằng một trong những cách bảo vệ rừng hiệu quả là trao quyền cho cộng đồng. Ông nêu ý kiến:

“Các tổ chức phi chính phủ như của tôi thì cũng cố gắng đưa ra các khuyến nghị về việc trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng, các cộng đồng sống dựa vào rừng, để họ tham gia, hưởng lợi từ rừng, cũng như họ có thể tạo ra các thiết chế khu bảo tồn của cộng đồng, để họ vận hành, quản lý. Cũng là một hướng xã hội hóa việc bảo vệ rừng tự nhiên còn lại”.

Bên cạnh giải pháp vừa kể, ông Nguyên nêu ra những gợi ý quan trọng khác, trong đó việc tập trung quản lý rừng ở cấp trung ương và cải tổ lực lượng kiểm lâm là rất cần thiết:

“Cái hệ thống các khu bảo tồn quốc gia, các khu vực bảo vệ rừng tự nhiên này cần được quản lý thống nhất thay vì là phân quyền, phân cấp hiện nay. […] Nếu như đề cao tầm quan trọng mang tính quốc gia cũng như quốc tế của các khu vực rừng tự nhiên còn lại, nên có một cái cơ quan quốc gia. […] Về lực lượng kiểm lâm, cần có giải pháp cải tổ lực lượng kiểm lâm. Trước đây cũng có một số đề xuất chuyển đổi lực lượng kiểm lâm thành cảnh sát lâm nghiệp có thẩm quyền lớn hơn, quản lý chuyên nghiệp hơn. Tôi nghĩ hiện nay đến lúc nghiêm túc nhìn nhận lại đề án này để đảm bảo lực lượng giữ rừng họ đi vào hệ thống chuyên môn, chuyên nghiệp hơn”.

Việc bảo vệ rừng tự nhiên ở Việt Nam là một nhu cầu cấp bách. Mặc dù các báo cáo chính thức cho thấy diện tích, độ che phủ rừng nói chung, bao gồm cả rừng trồng, đã tăng lên trong vòng 10 năm qua, song các chuyên gia cho rằng trên thực tế, phần diện tích rừng tự nhiên luôn giảm mà nguyên do là hoạt động khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng và xâm hại rừng. - VOA

No comments:

Post a Comment