Tin Thế Giới
1.
Euro 2016: phi công Pháp đình công bốn ngày --- Euro 2016: Pháp thắng Romania 2-1
Các phi công ở hãng hàng không quốc gia Pháp bắt đầu một cuộc đình công kéo dài bốn ngày có thể gây gián đoạn kế hoạch của hàng ngàn người hâm mộ vào ngày thứ hai của giải bóng đá Euro 2016.
Air France đã hủy bỏ lên tới 30% các chuyến bay của mình vào thứ Bảy.
Nhưng hãng cho biết sẽ ưu tiên cho hành trình tới các thành phố tổ chức các trận đấu ở vòng chung kết Euro.
Công đoàn phi công muốn chính phủ bỏ luật lao động mới mà có thể sẽ làm cho việc thuê và sa thải dễ dàng hơn.
Đây là một trong nhiều công đoàn tham gia đình công ở Pháp vào thời điểm trước và trong giải bóng đá Euro.
Rác sẽ không được thu gom ở Paris cho đến thứ Tư, các chuyến tàu chỉ mới nối lại sau một cuộc đình công kéo dài chín ngày.
Và vào cuối tháng trước, các trạm xăng bị cạn khi người biểu tình phong tỏa các nhà máy lọc dầu.
'Cảnh báo'
Tổng thống Francois Hollande đã cảnh báo các công đoàn trước việc gây gián đoạn giải đấu.
"Tôi kêu gọi ý thức của mọi người về trách nhiệm bởi vì nếu nhà nước phải làm và sẽ làm nhiệm vụ của mình, thì nhà nước sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết," ông nói.
"Đồng thời, cũng là một điều cần thiết rằng những người đang tham gia đình công, hoặc những người đang tổ chức cũng phải gánh vác trách nhiệm của mình... để cho sự kiện lớn này có thể là một lễ hội được công chúng chia sẻ rộng rãi."
Công đoàn phi công Spaf của hãng Air France nói cuộc đình công của họ sẽ diễn ra từ thứ Bảy đến thứ Ba.
Nhưng giám đốc điều hành của hãng, Frederic Gagey, hứa sẽ cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn tới các thành phố tổ chức các trận bóng.
Ông nói: "Tất nhiên chúng tôi sẽ vẫn quan tâm và lo cho giải đấu Euro."
Ông cũng nói thêm rằng cuộc tranh chấp sẽ tiêu tốn của hãng hàng không 5 triệu Euro mỗi ngày.
Về tổng số, bảy triệu người được dự kiến sẽ đến 10 thành phố của nước Pháp, nơi mà các trận đấu ở Euro 2016 đang diễn ra. - BBC
***
Tuyển Pháp có chiến thắng sát nút 2-1 trong trận khai mạc Euro 2016 trước đối thủ Romania ở bảng A trên sân Stade de France, ở Saint Denis, mạn bắc Paris.
Bàn thắng do Payet ghi ở phút 89 sau cú sút từ xa rất căng và đẹp mắt.
Bóng đi vào góc cao bên phải khung thành của Romania sau nhiều phút cuối hiệp hai tuyển Pháp tìm kiếm bàn thắng bất thành.
Trước đó, Romania mở đầu hiệp hai chủ động dâng cao đội hình và có nhiều pha tấn công khá tích cực.
Tuyển Pháp sau đó đã đáp trả và bàn thắng của Giroud ở phút 57 đã giúp Pháp phá vỡ thế bế tắc trước đội bóng áo vàng chơi kỷ luật, chắc chắn và khá mạnh mẽ từ đầu hiệp một.
Tuy nhiên, chỉ tám phút sau, Stancu bị ngã trong vòng 16m50 của tuyển Pháp.
Ngôi sao của đội bóng Đông Âu đã tận dụng cơ hội và san hòa tỷ số trên chấm phạt đền.
Quyết định penalty của trọng tài dường như không thuyết phục tuyển Pháp vì họ cho rằng Evra chỉ chạm rất nhẹ vào Stancu và anh đã tránh phạm lỗi ngay trước cú ngã của đối phương.
Tuy nhiên tỷ số từ phút 65 là 1-1.
'Chiến thắng ngọt ngào'
Về cuối trận đấu, hai đội liên tục chơi ăn miếng trả miếng.
Đã có lúc các fan tuyển Pháp và ban huấn luyện có thể đã rất lo lắng.
Các cầu thủ áo vàng thi đấu ngày một tự tin.
Tuy nhiên, Pháp sau khi có một số thay đổi như Martial vào sân thay Pogba, trước đó Antoine Griezmann được rút ra để Coman vào sân, có vẻ đã chơi có nét hơn.
Hàng tiền vệ và hàng công của Pháp cũng bắt đầu chơi tích cực, áp sát và không để đội khách làm chủ thế trận.
Phút 89, cú sút xa đẳng cấp của Payet đã đem lại chiến thắng ngọt ngào cho chủ nhà.
Ba phút bù giờ có lẽ là quá ít cho Romania, nhưng đội bóng áo vàng, vốn thi đấu rất chắc chắn và khá hay ở hiệp một, mạnh mẽ không kém ở hiệp hai, đã cho thấy họ không phải là đối thủ đáng xem thường ở bảng A.
Ngày mai, tuyển Anh sẽ có trận cầu quan trọng khi gặp tuyển Nga ở bảng B tại Marseille.
Hôm Chủ nhật, ở bảng C, tuyển Đức, đương kim vô địch World Cup, sẽ có trận ra quân gặp Ukraine, mời quý vị đón theo dõi bên cạnh các trận cầu khác mà chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến trong dịp này. - BBC
|
|
2.
Hơn 2.500 nghi can Hồi giáo cực đoan bị bắt ở Bangladesh
Giới hữu trách Bangladesh cho biết họ đã bắt 37 phần tử thánh chiến Hồi giáo trong ngày hôm nay trong khuôn khổ của một cuộc trấn áp trên cả nước sau khi xảy ra một loạt những vụ tấn công gây chết chóc nhắm vào những nhóm thiểu số và những nhà hoạt động thuộc phe thế tục.
Các nguồn tin cảnh sát cho biết hơn 2.500 nghi can Hồi giáo cực đoan bị bắt từ khi chiến dịch được phát động hôm thứ 6 tại quốc gia đa số dân là tín đồ đạo Hồi.
Một làn sóng giết hại trong những tháng gần đây đã bùng ra từ thủ đô Dhka cho tới những vùng hẻo lánh ở miền bắc và vùng duyên hải phía nam.
Nhà nước Hồi giáo và một chi nhánh Nam Á của al-Qaida đã nhận trách nhiệm đối với hầu hết những vụ tấn công hồi gần đây.
Hàng trăm người Ấn Độ giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo đã xuống đường biểu tình ở Dhaka hôm nay để phản đối những vụ giết hại của những phần tử Hồi giáo hiếu chiến nhắm vào những người thuộc các cộng đồng thiểu số này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Xuất hiện đồn đoán về liên danh tranh cử toàn nữ của bà Clinton --- Ông Mitt Romney: Không bỏ phiếu cho ông Donald Trump
Ứng cử viên sắp trở thành tổng thống của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, hôm thứ Sáu đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ thiên tả Elizabeth Warren tại nhà riêng của bà Clinton ở thủ đô Washington.
Bà Warren nổi lên như một người vận động ủng hộ Cục Bảo vệ Tài chính Người Tiêu dùng, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để bảo vệ những nhà đầu tư nhỏ trong ngành tài chính. Kể từ khi đó bà đã thẳng thắn lên tiếng vận động cho cải cách Phố Wall và những biện pháp nhằm điều chỉnh sự bất bình đẳng thu nhập, khiến bà có chủ trương thiên tả nhiều hơn so với bà Clinton có chủ trương trung dung.
Cuộc gặp gỡ diễn ra một ngày sau khi thượng nghị sĩ này của bang Massachusetts tuyên bố ủng hộ bà Clinton. Bà là nữ thượng nghị sĩ Dân chủ cuối cùng làm như vậy.
Cuộc gặp gỡ giữa bà Warren và bà Clinton khơi lên đồn đoán rằng bà Clinton có thể chọn bà Warren trong liên danh tranh cử của mình.
Bà Warren có phần chắc sẽ tăng cường sự ủng hộ dành cho bà Clinton trong số những người ủng hộ ông Bernie Sanders. Một số người trong số này đã thể hiện sự miễn cưỡng ủng hộ bà Clinton. Giống như ông Sanders, bà Warren được coi là một người cấp tiến.
Bà Warren nói trên kênh MSNBC hôm thứ Năm rằng bà chưa được mời làm ứng cử viên phó tổng thống; và bà cũng chưa được thẩm duyệt lí lịch.
Bà Clinton đã giành đủ số đại biểu cần thiết để nhận được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ hồi đầu tuần này. Ông Sanders tuyên bố sẽ tiếp tục vận động cho tới cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng vào tuần sau ở khu vực thủ đô Washington. Nhưng những nhà lãnh đạo đảng đang hy vọng ông ta sẽ dừng nỗ lực tranh cử tổng thống sau cuộc bầu cử đó. - VOA
***
Ông Mitt Romney, cựu ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, cho biết tháng 11 năm nay ông sẽ không bỏ phiếu ông Donald Trump vì những phát biểu có tính chất kỳ thị chủng tộc và miệt thị phụ nữ của tỉ phú bất động sản này.
Ông Romney cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN hôm thứ 6.
Ông cũng nói rằng ông sẽ không bầu cho bà Hillary Clinton, người nắm chắc sự đề cử của đảng Dân chủ. Ông nói “Tôi không nghĩ rằng những chính sách của bà ấy là đúng cho đất nước.”
Cựu ứng cử viên bị Tổng thống Barack Obama đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2012 cho biết ông đang xem xét tới việc bỏ phiếu cho ông Gary Johnson, ứng cử viên của đảng Libertarian, là đảng có chủ trương sùng thượng tự do cá nhân.
Ông Romney đang tổ chức cuộc họp riêng tư hàng năm lần thứ tư của phe Cộng hoà. Khoảng 300 người tham dự cuộc họp bắt đầu hôm thứ 5 ở tiểu bang Utah với đề tài chính là ứng cử viên tổng thống của đảng.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã bị nhiều người chất vấn về việc hậu thuẫn cho ông Trump sau khi nhà tỉ phủ này đã có những phát biểu gây nhiều tranh cãi.
Theo tường thuật của tờ Washington Post về cuộc họp kín này, tổng giám đốc đại công ty Hewlett-Packard, bà Meg Whitman, so sánh ông Trump với Adolf Hitler và hỏi ông Ryan tại sao ông lại ủng hộ một người gây chia rẽ như ông Trump.
Có tin cho hay ông Ryan nói với các nhân vật trong đảng Cộng hoà của ông là ông đang ở trong một tình thế khó khăn bởi vì mặc dầu ông không hoàn toàn tán thành ông Trump, nhưng nhiều nhà lập pháp Cộng hoà có cử tri là những người ủng hộ ông Trump. - VOA
|
|
4.
Máy bay dùng năng lượng mặt trời bay qua tượng Nữ thần Tự do
Máy bay dùng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đã bay quanh tượng Nữ thần Tự do trước khi hạ cánh xuống New York trước khi trời sáng ngày hôm nay trong chặng mới nhất của chuyến bay vòng quanh thế giới.
Máy bay thử nghiệm này đã đáp xuống Phi trường Quốc tế John F. Kennedy trong bóng đêm, hoàn tất chuyến bay 5 giờ từ thành phố Alletown ở tiểu bang Pennsylvania.
Đây là chặng cuối của một chuyến bay có tính chất lịch sử của hai phi công Thuỵ Sĩ Bertrand Piccard và Andre Borchberg, là những người đã thay phiên lái máy bay. Những người tổ chức cho biết chuyến bay không dùng nhiên liệu này có mục đích chứng tỏ tiềm năng của kỹ thuật năng lượng sạch.
Điểm đích của chuyến bay là quay lại thành phố Abu Dhabi của Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, nơi chuyến du hành bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái. Trên đường đi, máy bay này đã dừng lại ở Oman, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản và Hawaii cùng với một số thành phố khác trên lục địa Mỹ.
Vận tốc của máy bay 4 động cơ này là khoảng 45 kilo mét giờ. Tốc độ của nó có thể tăng gấp đôi vào ban ngày. 17.000 chiếc pin quang điện trên cánh của máy bay nạp điện cho những bình ắc qui, giúp cho máy bay có thể bay vào ban đêm.
Chặng kế tiếp của máy bay có thể được thực hiện vào tuần sau với chuyến bay ngang qua Đại tây dương để tới Tây Ban Nha, Pháp hoặc Ma rốc. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Thù hận: Chiến tranh dường như chưa chấm dứt
Bao giờ hết hận thù?
Báo chí chính thức do nhà nước quản lý ở Việt Nam đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng, sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh một nhà trí thức nổi tiếng, từng giữ các trọng trách về đối ngoại trong Quốc hội và Chính phủ, đã phản bác một cách đầy hận thù việc ông Bob Kerrey giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Bob Kerrey là một người có quá khứ nặng nề trong chiến tranh Việt Nam và như lời bà viết nguyên văn “lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey” để giao nhiệm vụ này. Phải chăng 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, hai quốc gia Mỹ Việt đã bình thường hóa quan hệ một cách toàn diện, nhưng hận thù vẫn còn nằm sâu trong tâm thức những người Việt Nam mà bà Tôn Nữ Thị Ninh là một đại diện.
Trên các báo điện tử gọi là lề phải ở Việt Nam, đa số ý kiến của giới trí thức, chuyên gia và tướng lĩnh, cựu chiến binh quân đội nhân dân đã phản biện quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh, họ thể hiện sự tha thứ và chấp nhận việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.
Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam lại cũng để lộ quan điểm không muốn ông Bob Kerrey ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam. Ngày 2/6 một ngày sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh nổ phát súng quan điểm hận thù trên mạng Zing News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng trong cuộc họp báo ở Hà Nội. Tuy ông Bình sử dụng ngôn ngữ ngoại giao thận trọng, nhưng hàm ý khá rõ rệt. Hầu hết báo điện tử lớn như VnExpress, Vietnamnet, Dân Trí, Người Lao Động đều có dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng, Việt Nam tin tưởng phía Mỹ và lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ… Ông Lê Hải Bình đã nhấn mạnh là những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không có gì có thể bù đắp được.
Thông thường, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong một cuộc họp báo chính thức, được xem như quan điểm không chỉ của Bộ Ngoại giao mà là của Chính phủ Việt Nam.
Một sự kiện khác gây ngạc nhiên trên báo chí lề phải, nếu ông Lê Hải Bình trong tư cách người phát ngôn Bộ Ngoại giao có phát biểu như vừa nêu về trường hợp ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright, thì ngày 4/6 trên báo Tuổi Trẻ ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM lại rất cởi mở khi ông nói: "Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa." Một số báo khác đã đưa lại bài trên Tuổi Trẻ, nhưng đến ngày 7/6 thì bài đã bị gỡ xuống không còn truy cập được. Phải chăng quan điểm hòa giải của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng không hẳn được các giới chức Đảng chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên bộ môn quan hệ quốc tế Đại học George Mason tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, nhận định về sự kiện liên quan:
“Ông Bình không thể phát biểu với tư cách cá nhân mà phát biểu với tư cách chính phủ hay ít nhất cũng với tư cách của một bộ trong chính phủ. Tôi không nghĩ đó là sáng kiến riêng của Bộ Ngoại giao. Nếu đây là ý kiến của chính phủ thì nó là môt vi phạm vụng về đến nguyên tắc tự trị đại học, nền tảng quan trọng nhất của bất cứ một trường đại học có đẳng cấp quốc tế nào. Điều này làm cho người Mỹ thắc mắc không hiểu sau khi Việt Nam ký kết hiệp định cho mở Đại học Fulbright Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế như thế, thì bây giờ Việt Nam lại thay đổi chính sách… Tôi thấy đây là sự can thiệp tương đối vụng về.”
Vì một tương lai tốt đẹp hơn
Ông Bob Kerrey, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, nhân vật trong tâm trận bão dư luận, có thời gian là Thượng nghị sĩ rồi Thống đốc Tiểu Bang ở Hoa Kỳ. Được biết trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông Bob Kerrey là chỉ huy biệt kích thủy bộ. Sau này, ông nhận trách nhiệm đã chỉ huy một trận đánh được mô tả như một cuộc thảm sát tại tỉnh Bến Tre. Trên báo chí Hoa Kỳ, ông Bob Kerrey nói rằng sự việc xảy ra ám ảnh ông suốt đời. Và ông tự nhủ mình sẽ làm mọi việc có thể, để giúp đỡ Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó Chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội, cựu Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu âu EU, là người phóng đi ngọn lao đầu tiên khơi lại thù hận. Trong bài viết gởi đăng trên mạng Zing News hôm 1/6, bà Ninh tự mô tả mình không phải là người vì quá khứ mà gọi là ghét hay ác cảm với người Mỹ. Như hầu hết người Việt Nam, bà nói sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên để hướng tới tương lai cùng với nhân dân hai nước vì lợi ích chung. Bà Ninh nói bà hy vọng việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam ở TP.HCM góp phần tạo động lực cho nền giáo dục đại học Việt Nam lành mạnh, chất lượng và hội nhập thế giới. Nhưng bà đã vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey là chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam.
Bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh đã gây bão trong dư luận, một số người ủng hộ quan điểm của bà. theo đó không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật. Nhưng một số nhiều hơn thể hiện qua các bài trên báo chí chính thức, chấp nhận việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm chức chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam với nhiều phát biểu rất đáng chú ý như, ‘Đừng quên quá khứ nhưng đừng mãi sống với thù hận… Chuyện Fulbright: Xóa thù hận chứ không được quyền xóa lịch sử…Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright: nên tha thứ, cùng hướng tới tương lai… Cần cái nhìn điềm tĩnh, suy nghĩ toàn diện hơn trước khi phán xét Bob Kerrey…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có bài phát biểu khá dài trên VietnamNet hôm 3 tháng 6. Người đọc báo xin trích câu nói đầy ý nghĩa của nhà thơ: “Không ai quên lịch sử, không ai được phép quên lịch sử. Chúng ta xóa đi thù hận chứ không được quyền xóa lịch sử. Nhưng chúng ta không được đánh tráo khái niệm giữa sự tha thứ và sự lãng quên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, trường hợp của Bob Kerrey đã vô tình trở thành chất thử thái độ của chúng ta với lịch sử. Chúng ta đã lên tiếng. Chúng ta được quyền như thế và phải như thế. Hãy nói ra hết để rồi mỗi chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng thật thanh thản. Nhà thơ kết luận, Bob Kerrey chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta, hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé.
Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân tại đồng bằng sông Cửu Long nói với Đài Á châu Tự do:
“Trong mối quan hệ mới ‘khép lại quí khứ’ thì đừng nhắc lại tội ác của người này, người kia nữa. Vấn đề bây giờ người ta góp phần xây dựng cho một Việt Nam đổi mới và người ta đưa tri thức, nâng cao trình độ dân trí cho nước Việt thì đừng phân biệt người này, người kia; miễn là họ có tấm lòng giúp cho Việt Nam có hiệu quả.”
Sau khi khơi mào cơn bão thù hận với bài viết trên Zing News ngày 1/6, đến ngày 6/6, bà Tôn Nữ Thị Ninh tiếp tục gởi thư ngỏ cho người Việt Nam và các bạn Mỹ. Nội dung được cho là để đối phó với trận mưa đá của cộng đồng mạng. Bà Ninh nói là sẵn sàng gặp lại ông Bob Kerrey để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt. Bà Ninh cũng dẫn lời một số người không ủng hộ việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm chủ tịch Đại học Fulbright, điển hình như phát biểu của Phó Giáo sư Jonathan London trên BBC, ông cho rằng, đó là một quyết định vô trách nhiệm và muốn thành lập một đại học mới ở Việt Nam thì ít nhất phải nhạy cảm với lịch sử của hai nước…
Tuy vậy, trong thư ngỏ bà Ninh đưa ra thông tin liên quan đến nguồn tài chính 20 triệu USD tài trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam là không xác thực. Infonet và nhiều báo đã đăng phản hồi của Đại học Fulbright Việt Nam.
Cho dù trận bão hận thù và tha thứ sẽ xoay chuyển tới đâu, cho dù chủ tịch Bob Kerrey tại chức hay người khác thay thế, thì trường đại học Mỹ đầu tiên này ở Việt Nam cũng sẽ chính thức tuyển sinh vào tháng 9/2016, Đại học Fulbright Việt Nam dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên từ 80 tới 100 sinh viên cho chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách công. Theo thông tin chính thức được phổ biến, từ năm 2018, Trường Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam sẽ chính thức tuyển sinh hệ đại học. Nếu như mọi việc được tiến hành đúng kế hoạch, Đại học Fulbright Việt Nam có thể là nơi đào tạo bài bản nhất cho tối đa 10.000 sinh viên mỗi niên khóa. - RFA
|
|
6.
Bí thư Thăng: Giáo dục là khoa học, không phụ thuộc ý chí chính trị
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt vấn đề Trường quốc tế không dạy thêm, sao ta không theo” tại buổi làm việc bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM.
Buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, sáng 7-6.
Sau khi nghe báo cáo về hoạt động giáo dục đào tạo của TP và đánh giá, đề xuất của Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng cần phải xác định giáo dục TP.HCM có gì đặc sắc.
Với quy mô 13 triệu dân, nếu cơ chế chính sách nào về giáo dục và đào tạo TP.HCM làm thành công khi nhân rộng cả nước sẽ thành công.
Ông Thăng lưu ý những vấn đề gì liên quan đến cơ chế chính sách, phương pháp dạy, phương pháp học thuộc ngành giáo dục đều phải căn cứ vào khoa học để quyết định, không phụ thuộc vào ý chí chính trị và ý chí chủ quan của ai khác.
Đồng thời xác nhận nền kinh tế thị trường thì giáo dục cũng phải tuân theo thị trường.
Bí thư Thăng cho rằng: “Văn hóa Sài Gòn là nghĩa khí, hào sảng, dấn thân nên giáo dục phải duy trì những nét đặc sắc đó để văn hóa Sài Gòn không bị mai một”.
Chương trình giáo dục không đơn thuần là giỏi công nghệ thông tin, ngoại ngữ mà kiến thức phải bao quát. Đồng thời Bộ GD&ĐT cần đưa vào chương trình giáo dục khởi nghiệp để sinh viên khi ngồi trên giảng đường đã nung nấu ý chí khởi nghiệp, sáng lên ý chí hoài bão.
Lo lắng về vấn đề dạy thêm học thêm trước các nhà quản lý giáo dục, ông Thăng nói: “Đề án phát triển giáo dục phải xây dựng lâu dài, tuy nhiên đã là hội nhập thì cái gì lạc hậu thì phải bỏ”.
Từ đó ông đặt vấn đề tại sao các trường quốc tế không học thêm dạy thêm nhưng chất lượng vẫn cao, tại sao mình không học theo.
“Tuyệt đối không dạy thêm tại các trường. Nếu có nhu cầu cần tận dụng các trung tâm văn hóa, thể thao… thiết kế các chương trình để học sinh có nhu cầu đăng kí. Cái này có thể làm ngay không phải chờ đề án. Hội nhập là không thể dạy thêm học thêm.”, ông Thăng nhấn mạnh. - phapluat
No comments:
Post a Comment