Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc: Dân làng Ô Khảm biểu tình đòi trả tự do cho trưởng thôn --- Xã trưởng Ô Khảm 'thú tội ăn hối lộ'
Thứ Hai ngày 20/06/16, hơn một ngàn người dân làng chài Ô Khảm nằm ở ven biển miền nam Trung Quốc đã biểu tình đòi chính quyền trả tự do cho trưởng thôn Lâm Tổ Luyến (Lin Zuluan). Ông Lâm đã bị cảnh sắt bắt thứ Bảy ngày 18/06/16. Làng Ô Khảm được coi là ví dụ điển hình cho nền dân chủ của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Lâm Tổ Luyến bị bắt vì chính quyền cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nhưng đa số người dân thì cho rằng chính quyền địa phương bắt ông Lâm để trả đũa cho vụ nổi dậy của dân làng vào năm 2011. Vụ nổi dậy này nhằm phản đối nạn chiếm đất và tham nhũng ở địa phương. Thông tin về các cuộc nổi dậy của dân làng Ô Khảm năm 2011 đã xuất hiện trên nhiều trang nhất của báo chí quốc tế.
Lần này, bất chấp lời kêu gọi không biểu tình của chính quyền Trung Quốc, dân làng Ô Khảm vẫn tuần hành trong làng, la ó phản đối hàng trăm cảnh sát chống bạo động được điều đến để giám sát các vụ biểu tình. Dự kiến một cuộc biểu tình khác sẽ diễn ra vào thứ Tư 22/06/16.
Cuộc nổi dậy ở làng Ô Khảm lần này vẫn liên quan tới việc nạn thu hồi đất bất hợp pháp chưa được giải quyết dứt điểm và về việc thiếu các dự án phát triển kinh tế địa phương dựa vào nông nghiệp và du lịch. Một người dân nói: « Chúng tôi không tin tưởng vào chính phủ. Chúng tôi phải đấu tranh để bảo vệ làng Ô Khảm và giải phóng cho ông Lâm. »
Vợ ông Lâm Tổ Luyến cho báo chí biết bà đã nói chuyện qua điện thoại với ông Lâm sau khi ông bị bắt và ông yêu cầu dân làng tiếp tục đấu tranh đòi công lý và chống lại nạn chiếm đất. - RFI
***
Người đứng đầu Ô Khảm, ngôi làng ở Quảng Đông, Trung Quốc đã có cuộc nổi dậy hồi 2011 đuổi quan chức tham nhũng địa phương, đã xuất hiện trên truyền hình và nhận tội ăn hối lộ.
Ông Lâm Tố Luyến, người được dân làng bầu làm xã trưởng sau các kỳ bỏ phiếu dân chủ, đã bị bắt hôm thứ Bảy.
Hình ảnh phát trên truyền hình quốc gia hôm thứ Ba cho thấy ông đọc một tuyên bố, nhưng một số người dân nói rằng đó là màn cưỡng ép.
Ngôi làng Ô Khảm nổi tiếng sau đợt nổi dậy hồi 2011, phản đối tình trạng thu hồi đất trái phép.
Sau khi ông Lâm bị bắt, dân làng đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối, và hàng trăm cảnh sát chống bạo động có vũ trang đã được triển khai tới nơi.
'Ông ấy vô tội'
Ông Lâm bị bắt vài ngày sau khi ông kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình phản đối tình trạng thu hồi đất đai, điều mà dân địa phương nói là vẫn chưa được giải quyết xong.
Trong đoạn video hôm thứ Ba, ông mặc chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô và ngồi trước mặt hai người không rõ danh tính trong căn phòng kín.
Ông nói ông đã nhận tiền để đổi lấy các hợp đồng chính phủ, và gọi đó là "hành động phạm tội lớn nhất" của mình.
Vợ ông Lâm, bà Dương Chấn nói bà tin rằng lời nhận tội là do ép buộc, hãng tin Reuters đưa tin.
"Điều này nhằm lừa dối mọi người," bà nói. "Ông ấy vô tội."
Giới chức Trung Quốc thường công bố các đoạn video trên truyền hình quốc gia cảnh các nghi phạm thừa nhận tội trạng, điều mà các nhà hoạt động nhân quyền nói là những lời nhận tội cưỡng bức.
Hồi 2012, lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm qua tại quốc gia cộng sản đông dân nhất thế giới, Ô Khảm, một làng quê đông dân đã hoàn toàn tự quản và đuổi hết quan chức và công an địa phương.
Họ phẫn nộ và tổ chức tuần hành tập thể từ 12/12/2011 vì một người đại diện, ông Tiết Cẩm Ba đã chết trong lúc bị công an bắt.
Người dân làng thì cho rằng quan chức chính quyền địa phương chiếm đất của họ rồi bán kiếm lời mà không bồi thường đúng mức.
Họ cũng tin rằng ông Tiết bị công an giết còn nhà chức trách cho là ông "chết bệnh".
Sau cuộc bao vây của công an khiến người dân thiếu lương thực, chính quyền đã đàm phán để gỡ ngòi cho cuộc xung đột vốn xuất phát từ tranh chấp đất.
Ông Lâm Tố Luyến khi đó được bầu lên làm chủ tịch xã. - BBC
|
|
2.
Nhật, Hàn Quốc đề phòng Bắc Triều Tiên phóng phi đạn
Theo một nguồn tin không cho biết tên, Bắc Triều Tiên hình như đã triển khai một phi đạn đạn đạo ở bờ biển phía đông, nhưng không có dấu hiệu cho thấy sắp phóng phi đạn.
Một nguồn tin chính phủ cho hay quân đội Nhật Bản đang cảnh giác khả năng sẽ có một vụ phóng phi đạn.
Các đơn vị hải quân và phi đạn Patriot được lệnh bắn rơi bất cứ vật thể nào bay về phía Nhật Bản.
Phi đạn của Bắc Triều Tiên được cho là phi đạn tầm trung Musudan, tương tựa như phi đạn mà Bình Nhưỡng phóng thử ba lần thất bại hồi tháng 4.
Một vụ phóng phi đạng khác, dường như là phi đạn Musudan, cũng thất bại hồi tháng 5.
Tin nói phi đạn này có tầm bắn đạt từ 3.000 đến 4.000 kilômét. Nếu phóng thành công, phi đạn này có thể bay đến các mục tiêu ở Nhật Bản, Trung Quốc và đảo Guam.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã cấm Bắc Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, đã yêu cầu chính phủ của Chủ tịch Kim Jong Un quay trở lại bàn thương nghị quốc tế và giải trừ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy trợ giúp kinh tế và bảo đảm an ninh. - VOA
|
|
3.
Australia kêu gọi tăng cường an ninh ở Rio sau một vụ cướp
Ủy ban Olympic Australia đề nghị tăng cường bảo đảm an ninh tại Rio tiếp sau vụ một một vận động viên khuyết tật và nhà vật lý trị liệu của vận động viên này bị bọn cướp chỉa súng cướp của.
Trưởng đoàn Olympic Australia, bà Kitty Chiller nói: “Các nhà tổ chức Rio cần phải áp dụng thêm các biện pháp bảo vệ an ninh càng sớm càng tốt trước khi có một vận động viên nào bị hại.” Hôm nay chúng tôi đã gởi công văn yêu cầu họ phải giải quyết vấn đề này.”
Vận động viên khuyết tật Liesl Tesch đang chạy xe đạp cùng với nhà nhà vật lý trị liệu Sarah Ross trong một công viên ở Rio thì hai tên cướp áp đến, một tên chỉa súng đòi tiền. Khi hai phụ nữ này nói họ không có tiền, hai tên cướp đẩy họ té xuống đất và cướp đi xe đạp của họ.
Bà Tesch, 47 tuổi, là một vận động viên khuyết tật nổi tiếng, thi đấu môn bóng rổ xe lăn và thuyền buồm.
Tình hình tội phạm gia tăng tại Rio. Hồi đầu tháng này, một vận động viên bắn súng gần đạt chuẩn tham gia đội tuyển Olympic bị bắn vào đầu trong một vụ cướp có súng.
Thông báo của Ủy ban Olympic Australia nói: “Đây không phải là vụ duy nhất, nhiều vận động viên khi tập luyện hoặc thi đấu trong các cuộc tranh tài chuẩn bị ở Rio đã bị bọn cướp bóp cổ trấn lột. Chúng tôi muốn các vận động viên của chúng ta phải được bảo vệ.”
Ủy ban Tổ chức Rio đã hứa sẽ tăng cường an ninh trước Thế vận hội sẽ khai mạc vào ngày 5 tháng 8, và lực lượng bảo vệ an ninh sẽ tiếp tục nhiệm vụ cho Paralympic, khai mạc vào ngày 7 tháng 9. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Thượng viện Mỹ bác bỏ các dự luật siết chặt kiểm soát súng
8 ngày sau khi xảy ra vụ xả súng giết chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ, Thượng viện Hoa Kỳ đã bác bỏ một loạt những dự luật nhằm hạn chế số người được quyền mua súng và nới rộng việc kiểm tra những người muốn mua súng.
Tối thứ hai, các thượng nghị sĩ Cộng hoà đã ngăn chận hai đề nghị mà phe Dân chủ đưa ra với sự sôi nổi đặc biệt sau khi Omar Mateen, kẻ tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nổ súng giết chết 49 người và gây thương tích cho 53 người khác tại một hộp đêm của người đồng tính luyến ái ở Orlando, tiểu bang Florida.
Cuộc biểu quyết diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thuộc đảng Dân chủ, chiếm diễn đàn Thượng viện trong 15 giờ đồng hồ để đòi có hành động lập pháp về vấn đề bạo lực súng ống.
"Những kẻ khủng bố ngày nay dùng súng liên thanh, thay vì bom tự chế hay máy bay, để tấn công người Mỹ. Sau biến cố ngày 11 tháng 9, chúng ta đã quyết định là chúng ta sẽ không để cho quân khủng bố chiếm đoạt máy bay để giết hại thường dân. Ngày nay bọn chúng đã chuyển sang dùng súng liên thanh. Một cách cá biệt, bọn chúng tuyển mộ những kẻ tấn công thuộc loại con sói đơn độc đến mua súng liên thanh tại các cuộc triễn lãm súng ống và chúng ta nên áp dụng một chiến thuật tương tự để chống lại. Chúng ta không bỏ cuộc. Người dân nước Mỹ không bỏ cuộc. Chúng ta đang chờ xem các cuộc điều đình này diễn tiến ra sao trong những ngày sắp tới nhưng tôi xin thưa với quí vị như thế này: có nhiều bằng chứng cho thấy phe Cộng hoà biết rõ là họ đang ở về phía đối nghịch với giới cử tri. Dân chủ không cho phép cơ quan lập pháp này có lập trường khác biệt quá xa với lập trường của 90% dân chúng nước Mỹ trong một thời gian rất lâu như vậy."
Trong những dự luật bị bác hôm qua, có một dự luật cấm những người bị ghi tên vào các danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ, kể cả những người bị cấm đi máy bay, không được mua súng. Một dự luật khác sẽ nới rộng việc kiểm tra lý lịch có tính chất bắt buộc đối với những vụ mua bán súng ống để bao gồm những vụ mua súng tại các cuộc triễn lãm và qua mạng internet.
Phe Cộng hoà nói rằng họ không thể bỏ phiếu tán thành bất cứ dự luật nào không cung cấp một phương tiện để cho những người bị ghi tên lầm vào danh sách theo khủng bố có thể khiếu nại quyết định của chính phủ.
Trong khi đó, hai dự luật của phe Cộng hoà cũng bị bác trong cuộc biểu quyết hôm thứ hai. Một dự luật đòi hỏi chính phủ phải có trát toà mới có thể ngăn một nghi can khủng bố thủ đắc súng ống, và một dự luật đòi hỏi người bán súng thông báo cho các cơ quan thi hành công lực khi một người từng bị điều tra về vấn đề khủng bố mua một khẩu súng.
Các cuộc biểu quyết hôm qua tiếp nối một loạt những sự thất bại trong công tác lập pháp để kiểm soát súng ống sau khi xảy ra những vụ xả súng giết chết nhiều người ở nước Mỹ, trong đó có vụ thảm sát năm 2012 giết chết 20 học sinh tiểu học và 6 giáo viên ở thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut, và vụ tấn công khủng bố hồi năm ngoái giết chết 14 người ở thành phố San Bernadino, tiểu bang California.
Lãnh tụ phe đa số ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitch McConell tố cáo phe dân chủ lợi dụng thảm kịch Orlando “như một cơ hội để thúc đẩy cho một chương trình nghị sự mang tính chất đảng phái hoặc để lồng vào một mẫu quảng cáo 30 giây cho chiến dịch vận động bầu cử." - VOA
|
|
5.
Donald Trump 'sa thải người phụ trách tranh cử'
Người phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên được cho là sẽ đại diện phe Cộng hòa, Donald Trump, rời vị trí.
Nữ phát ngôn viên của chiến dịch nói rằng Corey Lewandowski "không còn làm việc trong chiến dịch vận động tranh cử nữa" và nói cả nhóm làm việc rất biết ơn "về những nỗ lực và cống hiến tích cực của ông".
Nguyên nhân chính xác cho việc ra đi của ông Lewandowski chưa rõ, nhưng các nguồn gần với ông Trump nói với truyền thông Mỹ rằng ông bị sa thải.
Tờ New York Times nói rằng chiến dịch vận động của ông Trump đang có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của cuộc tranh cử.
Sự ra đi của ông Lewandowski diễn ra trong lúc ông Trump, một doanh nhân New York, đang phải đối diện với những phản đối mạnh mẽ từ các thành viên cao cấp trong đảng Cộng hòa quanh thái độ gay gắt và chính sách nhập cư cứng rắn của ông.
Trong số những người chỉ trích có Chủ tịch Hạ viện và là một gương mặt hàng đầu của phe Cộng hòa, Paul Ryan, người có vẻ như đã bỏ ngỏ cho khả năng có cuộc nổi loạn trong kỳ đại hội đảng, theo kế hoạch sẽ được tổ chức trong tháng tới.
Hôm Chủ Nhật, khi được hỏi về các tường thuật theo đó nói các gương mặt trong đảng có thể nổi loạn phản đối việc ông bầu cho ông Trump tại kỳ đại hội đảng, ông nói: "Họ là những người làm luật, họ sẽ ra các quyết định."
Ông Trump bị chỉ trích về phản ứng cá nhân trước vụ bắn súng tại hộp đêm Orlando, là vụ khiến 49 người thiệt mạng.
Sau vụ tấn công, ông đã lặp lại lời kêu gọi của mình, nói Hoa Kỳ cần cấm, không cho người Hồi giáo nhập cảnh.
Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng đã tự tách mình khỏi ông Trump sau khi ông tấn công cá nhân vào một thẩm phán liên bang người gốc Mỹ La-tin, người phụ trách hai vụ kiện chống lại ông Trump.
Ông Lewandowski có mối quan hệ không thật suôn sẻ với báo giới.
Hồi đầu năm, ông bị buộc tội tấn công người khác sau khi kéo giật một nữ phóng viên ra khỏi đường đi của ông Trump sau một sự kiện vận động tranh cử.
Ông Trump đã bảo vệ ông trong vụ này, và sau đó lời buộc tội đã được gỡ bỏ.
Một giám đốc chương trình vận động của ông Trump, Michael Caputo, viết trên Twitter rằng "Tính toong, tên phù thủy đã chết" sau khi tin tức được đưa ra.
Ông Trump đang bị mất điểm trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây; hầu hết các cử tri coi ông là "rất không đáng ưa".
Một nhân viên trong chiến dịch vận động của ông Trump nói với hãng tin NBC News rằng chiến dịch đã không được thông báo về việc sa thải ông Lewandowski và ngay lúc này thì đang có "cảnh hỗn loạn trong cỗ máy của ông Trump. Không ai biết rồi điều gì sẽ xảy ra". - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Nhiều nghi vấn trong hai vụ rơi máy bay ở Việt Nam
Hiện có các giả thuyết về việc máy bay gặp nạn của Việt Nam chịu “va đập”, “tác động bên ngoài”, hay “chế áp điện tử”, nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng mọi phỏng đoán đều “không chắc chắn”.
Một tuần sau khi hai chiếc máy bay của lực lượng không quân và cảnh sát biển Việt Nam gặp nạn liên tiếp, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục, và đang gây ra nhiều đồn đoán trên mạng.
Về hai vụ việc đang tốn nhiều giấy mực của báo chí trong nước này, Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng không quân Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:
“Mình cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào thôi. Tai nạn lớn như thế thì ai cũng phải đau xót, suy nghĩ rất nhiều. Đây là mất mát rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cụ thể hiện nay, chúng ta đang bảo vệ biển đảo của chúng ta mà thì rõ ràng chúng ta có tổn thất to lớn. Ai cũng đau lòng trong vụ việc này”.
Chiếc máy bay tuần thám CASA 8983 của cảnh sát biển, chở 9 người, “mất liên lạc” trưa 16/6 khi đang đi tìm kiếm một phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 mất tích trước đó.
Báo chí trong nước sau đó cho đăng tải hình ảnh một mảnh vỡ của chiếc CASA rúm ró, và biến dạng.
Khi được hỏi về khả năng chiếc máy bay hiện đại của lực lượng gìn giữ chủ quyền lãnh hải Việt Nam “chịu va đập”, hay “chịu tác động từ bên ngoài”, ông Tuân từ chối trả lời.
Tuy nhiên, trao đổi với truyền thông địa phương, người từng lái máy bay chiến đấu này nói rằng “chúng ta không nên bị chi phối bởi thông tin không có căn cứ khoa học”, và “nên chờ kết luận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Còn về thông tin đồn đoán rằng máy bay bị chế áp điện tử, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên là Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines, nhận định rằng nếu điều đó xảy ra, việc làm đó “chỉ làm nhiễu động hệ thống điện tử của máy bay thôi, chứ không ảnh hưởng tới hệ thống khác, như hệ thống điều khiển”.
Phi công kỳ cựu này cho rằng “không có lý do gì để dùng chế áp điện tử phá hoại máy bay” và “cũng không thể phá hoại được”.
Cùng chung quan điểm với ông Tuân, ông Trung cho rằng cần phải tìm thấy hộp đen mới có thể công bố được nguyên nhân của vụ rớt máy bay. Ông nói thêm:
“Đến nay, chưa có kết luận nào chính thức cả. Tất cả mới chỉ là phỏng đoán thôi, chứ nó không chắc chắn lắm. Kết luận chính thức của nhà chức trách hàng không, thì phải chờ người ta có được những dữ liệu xác thực, chính xác, thì người ta mới dám công bố nó bị vì nguyên nhân gì. Cái đó phải chờ lấy được hộp đen của máy bay. Cái máy bay Ai Cập đấy [rơi xuống Địa Trung Hải hồi tháng Năm], cả tháng rồi, người ta có xác định được đâu, nên đâu có dám công bố nó bị cái gì”.
Về câu trả lời máy bay CASA 8983 “chịu tác động bên ngoài” trước đó, ông Trung giải thích rằng “bên ngoài đây là do thời tiết thay đổi đột ngột, chứ không phải do một tác động cơ khí gì bên ngoài”.
Ông nói thêm: “Người ta hỏi có tác động gì từ bên ngoài, ví dụ như vật gì bắn lên, hoặc là cái gì đấy tác động làm máy bay rơi, tôi nói tôi không nghĩ có yếu tố đấy”.
Tin mới nhất cho biết, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của hai chiếc phi cơ gặp nạn.
Nước láng giềng Trung Quốc cũng đã đáp lại đề nghị của Việt Nam, điều nhiều tàu tới vùng Vịnh Bắc Bộ để giúp công tác tìm kiếm. - VOA
|
|
7.
Biển Đông: Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS --- Trung Quốc mở tuyến tàu du lịch ra Biển Đông
Các nguồn tin ngoại giao, ngày hôm qua, 20/06/2016, cho hãng tin Kyodo biết là Trung Quốc đã nói với các nước châu Á khác là họ có thể rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để trả đũa, nếu như Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết trái với lập trường của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực được thành lập trong khuôn khổ Công ước.
Năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên tòa đề nghị xem xét tính hợp lệ của bản đồ « chín đoạn » thể hiện tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo giới chuyên gia, điều mà Trung Quốc lo ngại là tòa bác bỏ bản đồ « chín đoạn » và không thừa nhận các cơ sở pháp lý của các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh.
Theo nhiều nguồn tin, trong những tuần tới, Tòa Án sẽ ra phán quyết về vụ kiện này và có rất nhiều khả năng bất lợi cho Trung Quốc.
Chính vì thế, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) là Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước này năm 1996 nhưng nhiều lần tuyên bố là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và cũng sẽ không chấp hành các phán quyết của tòa nếu bất lợi cho Bắc Kinh. Mặt khác, Trung Quốc chỉ trích Philippines đã không chịu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông thông qua đàm phán song phương. Đồng thời Bắc Kinh lên án các nước ngoài khu vực can thiệp vào hồ sơ này.
Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ không có quyền nói đến vụ kiện vì bản thân Washington không phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh tố cáo Mỹ muốn khai thác vụ này để tạo dựng liên minh trong khu vực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không mang tính ràng buộc, nhưng quyết định không thi hành phán quyết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. - RFI
***
Báo chí Trung Quốc đưa tin hôm 21/6 rằng hãng tàu COSCO của nhà nước sẽ khai trương các chuyến tàu du lịch tới Biển Đông vào tháng sau, trong đó tuyến đầu tiên là từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam ra quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974 sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Trung Quốc gọi quần đảo này là Tây Sa.
Trong một tuyên bố gửi đến hãng tin Reuters, hãng COSCO nói việc phát triển các dịch vụ du lịch ở Biển Đông là một phần trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng như là trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines,và Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với một số phần của vùng biển.
COSCO cho hay sau khi khai trương tuyến đường đến Hoàng Sa, hãng sẽ phát triển các tuyến khác ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, rồi dần dần mở rộng thành các tuyến du lịch quốc tế. Hãng cho hay đây là nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia đầu tiên của Trung Quốc về tàu du lịch biển.
Tin cho hay chiếc tàu phục vụ du lịch hiện nay của COSCO đủ chỗ cho 400 khách. Họ phải là công dân Trung Hoa lục địa và chưa bao giờ có hành động chống chính quyền. Giá vé từ vài trăm đôla cho giường tầng cho đến hàng ngàn đôla cho phòng riêng loại tốt nhất.
Cho đến cuối ngày 21/6, không có tin tức về phản ứng của Việt Nam về việc mở tuyến du lịch kể trên. - VOA
No comments:
Post a Comment