Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế --- Biển Hoa Đông: Hải quân TQ tập trận bắn đạn thật --- Nhật cảnh cáo TQ về các hành vi hung hăng trên biển --- TQ 'cần chuẩn bị chiến tranh nhân dân'
Tòa Án Tối Cao Trung Quốc vào hôm nay, 02/08/2016, đã quy định các hình phạt đối với những hành động bị coi là đánh cá "bất hợp pháp" trong vùng biển Trung Quốc, kể cả khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thông báo này bị đánh giá là một động thái thách thức mới của Bắc Kinh, ba tuần sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hôm 12/07, khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Theo Tòa Án Tối Cao Trung Quốc, bất kỳ ai, kể cả ngư dân ngoại quốc, bị bắt khi đánh cá trái phép trong vùng biển nước này, đều có thể bị phạt đến 1 năm tù. Phạm vi áp dụng biện pháp trừng phạt bao gồm các vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh một « lãnh thổ » của Trung Quốc.
Vấn đề là trong phán quyết ban hành hôm 12/07 vừa qua, tòa trọng tài La Haye đã cho rằng không một thực thể nào mà Trung Quốc kiểm soát tại khu vực quần đảo Trường Sa có quy chế hải đảo, cho phép Bắc Kinh được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu Hải Cảnh của họ trục xuất tàu đánh cá Philippines hoạt động tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.
Chính tranh chấp về quyền đánh cá tại Biển Đông là một nhân tố chủ chốt thúc đẩy Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, dẫn đến phán quyết vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một phán quyết bị Trung Quốc bác bỏ, cho là định chế trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xem xét vụ việc.
Việc Tòa Án Tối Cao Trung Quốc nhập cuộc được xem là một hành động trong chiến lược của Bắc Kinh, dùng luật pháp quốc gia để chống lại luật lệ quốc tế. - RFI
***
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Hải quân nước này, từ ngày hôm qua, 01/08/2016, đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông.
Thông cáo được đăng trên website của bộ Quốc Phòng, cho biết, trong cuộc tập trận này, Hải quân Trung Quốc bắn hơn một chục tên lửa và ngư lôi, với mục đích đẩy mạnh cường độ tấn công, cải thiện tính chính xác, ổn định và tốc độ triển khai quân, trong "môi trường điện từ phức tạp", hàm ý nói đến chiến tranh điện tử.
Tham gia cuộc tập trận có lực lượng không quân của hải quân, tàu ngầm, tàu chiến và cả lực lượng tuần duyên.
Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ địa điểm cụ thể của cuộc tập trận này tại biển Hoa Đông. Tại vùng biển này, Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự và tuần duyên tại các vùng biển đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo một báo cáo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản được công bố vào tháng trước, trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu vừa qua, các chiến đấu cơ của nước này đã phải xuất kích 199 lần để ngăn chặn các máy bay của Trung Quốc tiến lại gần không phận Nhật Bản.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự tại những vùng biển có tranh chấp. Tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận với Nga tại vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. - RFI
***
Bắc Kinh có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc xung đột với các láng giềng do lập trường hung hăng trong các tranh chấp trên biển. Trong bản báo cáo thường niên về quốc phòng công bố hôm nay, 02/08/2016, Nhật Bản không ngần ngại công kích các hành vi bị cho là thái quá của Trung Quốc cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài ý muốn.
Về Biển Đông, báo cáo quốc phòng của Nhật Bản ghi nhận là Trung Quốc "tiếp tục hành động một cách quyết đoán" và trong các hành động của Trung Quốc "có những hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn".
Trong thời gian qua, Trung Quốc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông, cho bồi đắp bãi cạn hay rạn san hô trong tay họ thành đảo nhân tạo có thể làm hạ tầng cơ sở cho hoạt động quân sự, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng, làm quốc tế càng lúc càng lo ngại.
Mới đây, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong đường chín đoạn trên Biển Đông, cho rằng đòi hỏi này không cơ sở pháp lý.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã tăng sức ép trên Bắc Kinh, và Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản vào hôm nay lo ngại rằng Trung Quốc "chuẩn bị có hành vi áp đặt yêu sách đơn phương mà không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào", trong đó có việc biến những thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng chế thành sự đã rồi".
Tokyo một lần nữa đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng Hai vừa qua đã cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng nguy cơ "tính toán sai lầm hoặc xung đột".
Washington thường xuyên gửi tàu chiến vào Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Và trong một điểm nóng mới nổi lên tại Biển Đông, tình hình quanh quần đảo Natuna của Indonesia giáp Biển Đông cũng căng thẳng lên, với việc tàu Trung Quốc và Indonesia chạm trán nhau. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng nội các của ông đã dùng tàu chiến đến thăm Natuna hồi tháng Sáu để bắn đi thông điệp rằng Jakarta kiên quyết bảo vệ quần đảo ngoài khơi xa của mình.
Về Biển Hoa Đông, nơi Tokyo có tranh chấp với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại về hoạt động gia tăng của Trung Quốc. Báo cáo viết: "Gần đây, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku, như cho máy bay quân sự bay gần các đảo".
Trong vòng một năm, cho đến tháng 3/2016, máy bay Nhật đã phái 571 lần bay lên nghênh chiến máy bay Trung Quốc bay sát không phận Nhật, một con số cao hơn năm trước đó đến 107 lần.
Tháng 6 vừa qua, Tokyo cũng tố cáo Bắc Kinh cho tàu do thám xâm nhập hải phận Nhật Bản vào lúc nước này tập trận cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Và mới tháng trước, hai nước lại đấu khẩu với nhau về việc Bắc Kinh tố cáo chiến đấu cơ Nhật hướng radar nhắm bắn vào máy bay Trung Quốc.
Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã cực lực bác bỏ các cáo buộc của Nhật Bản nêu lên trong Sách Trắng về quốc phòng vừa công bố.
Theo AFP, hãng tin chính thức Trung Quốc Tân Hoa Xã đã lớn tiếng tố cáo Tokyo là đã có "những nhận xét vô trách nhiệm" về quốc phòng Trung Quốc và những hoạt động trên biển được Bắc Kinh gọi là "bình thường và hợp pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".
***
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vừa kêu gọi chuẩn bị "chiến tranh nhân dân ngoài biển" để đối phó đe dọa an ninh và bảo vệ chủ quyền.
Tân Hoa Xã hôm thứ Ba 2/8 dẫn lời Thượng tướng Thường Vạn Toàn kêu gọi người dân Trung Quốc "nhận thức được tình hình an ninh quốc gia nghiêm trọng, nhất là đe dọa [an ninh] trên biển".
Ông Thường được hãng thông tấn nhà nước nói trong chuyến thị sát tỉnh duyên hải Chiết Giang rằng quân đội, công an và người dân cần sẵn sàng huy động lực lượng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Hôm 12/7 Tòa trọng tài quốc tế phán quyết rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với đường chín đoạn mà nước này sử dụng để hoạch chiếm Biển Đông.
Trung Quốc đã chống lại phán quyết này bằng cách dấy lên một làn sóng yêu nước, những cuộc biểu tình rải rác và các bài viết mạnh mẽ trên các kênh truyền thông quốc gia.
Cho đến bây giờ, Bắc Kinh chưa cho thấy bất kì hành động nào chỉ dấu mong muốn tác động mạnh hơn. Thay vào đó, Bắc Kinh đã kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán và hứa hẹn sẽ bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.
Nhưng một số thành phần bên trong quân đội của Trung Quốc đang đẩy mạnh cho việc trang bị vũ khí nhằm nhắm vào Mỹ và các đồng minh trong khu vực, theo những cuộc phỏng vấn với các nguồn tin có liên quan đến quân sự và lãnh đạo nước này.
"Quân đội Giải phóng Nhân dân đã sẵn sàng," một nguồn tin có quan hệ với quân đội nói với hãng thông tấn Reuters.
Cũng theo Reuters, một nguồn tin có quan hệ với lãnh đạo Bắc Kinh mô tả khí thế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang như diều hâu.
Trong một diễn biến liên quan quân đội Trung Quốc vừa khánh thành đài tưởng niệm liệt sỹ trên đảo Quang Hòa (tên quốc tế là Duncan, tiếng Trung là Sâm Hàng) thuộc nhóm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Hoàng Sa hiện hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc từ sau trận hải chiến với quân của Việt Nam Cộng hòa hồi tháng 1/1974.
Trận đánh đẫm máu khiến 74 thủy thủ Việt Nam tử trận, trong khi thiệt hại nhân mạng phía Trung Quốc là 18 người.
Việc Trung Quốc dựng đài tưởng niệm những người chết trận ở Hoàng Sa cho thấy phần nào thái độ cứng rắn của quân đội Trung Quốc.
Bỏ tù ngư dân
Trong khi đó, Tòa án Tối cao Trung Quốc ra phán quyết vào hôm thứ Ba 2/8 rằng những ai bị bắt khi đang đánh bắt trái phép trong vùng biển của Trung Quốc có thể bị tù tới một năm.
Tòa này nói phán quyết này được đưa ra dựa trên luật pháp Trung Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo Tòa Tối cao Trung Quốc: "Các tòa án nhân dân sẽ tích cực thực thi quyền tài phán trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, hỗ trợ các ban ngành hành chính quản lý biển một cách hợp pháp... bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc".
Tòa này cũng khẳng định các vùng biển này bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa.
Như vậy, theo cách định nghĩa của tòa Trung Quốc thì bất cứ ai đánh bắt trong khoảng 80% diện tích Biển Đông mà sau khi bị nhắc nhở không rút lui đều có thể bị cưỡng chế, bị phạt và có thể bị bỏ tù.
Tòa án Tối cao Trung Quốc nói phán quyết của tòa "bảo đảm về mặt pháp lý cho lực lượng chấp pháp nghề cá".
Nó một lần nữa cho thấy sự phản kháng của Bắc Kinh trước phán quyết của tòa quốc tế. - BBC
|
|
2.
Venezuela: Đèn xanh cho tiến trình trưng cầu dân ý phế truất tổng thống
Hôm qua, 01/08/2016, Ủy ban bầu cử Venezuela thông báo là phe đối lập đã thu thập đủ số chữ ký cần thiết của các cử tri tại 24 tiểu bang của nước này. Như vậy, bước đầu tiên trong tiến trình tổ chức trưng cầu dân ý về tổng thống Nicolas Maduro, đã được chấp thuận.
Vào tháng Giêng năm nay, Liên minh bàn tròn thống nhất dân chủ - MUD – của phe đối lập Venezuela đã khởi động quy trình tổ chức trưng cầu dân ý nhằm lật đổ tổng thống Nicolas Maduro.
Với quyết định ngày hôm qua, Ủy ban bầu cử Venezuela thừa nhận là phe đối lập đã thu thập đủ 1% chữ ký trong tổng số cử tri của nước này.
Bước tiếp theo là phe đối lập, giờ đây, phải thu thập khoảng 4 triệu chữ ký, tương đương 20% tổng số cử tri nước này. Đây là điều kiện tối thiểu để có thể áp dụng quy định của Hiến Pháp về việc trưng cầu dân ý phế truất tổng thống.
Theo luật pháp của Venezuela, quy trình chuẩn bị và tổ chức trưng cầu dân ý có thể kéo dài 8 tháng. Phe đối lập hy vọng sẽ có đủ số chữ ký này vào tuần đầu tiên của tháng Chín, nhờ vậy, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trước cuối năm nay và Venezuela sẽ tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn.
Mặt khác, để phế truất ông Maduro, cuộc trưng cầu dân ý phải thu thập được hơn 7,5 triệu phiếu thuận, tức là cao hơn số phiếu thuận mà ông Maduro đã có được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013.
Nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau ngày 10/01/2017, tức là quá thời hạn 8 tháng theo luật định, thì cho dù tổng thống Maduro bị phế truất, phe thân cận với ông sẽ tiếp tục nắm quyền, cụ thể là phó tổng thống Aristóbulo Istúriz sẽ lên thay. Cả hai nhân vật này đều thuộc đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Venezuela. - RFI
|
|
3.
Ông Erdogan nhất mực quy lỗi vụ đảo chính TNK là do âm mưu từ nước ngoài
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định cuộc đảo chính thất bại hồi tháng trước là do âm mưu đến từ nước ngoài.
Ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Cuộc đảo chính này không phải là một sự kiện được hoạch định ở trong nước. Những kẻ tham gia ở bên trong đã thực hiện một kịch bản cho cuộc đảo chính được soạn ra từ bên ngoài".
Những lời cáo buộc này có phần chắc nói đến giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, một người chống đối ông Erdogan đã sống ở Mỹ trong gần hai thập niên qua. Ông Gulen đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới cuộc nổi dậy. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen, 75 tuổi, và đã gửi cho các quan chức Mỹ các tài liệu về vai trò mà ông Gulen bị cáo buộc đã đóng trong âm mưu đảo chính bất thành.
Ông Erdogan cũng cáo buộc phương Tây là hỗ trợ cho khủng bố, đây là một trong những lời chỉ trích gay gắt nhất đối với các đồng minh phương Tây của ông kể từ cuộc đảo chính bất thành ngày 15 tháng 7.
Ông Erdogan nói: "Thật không may, phương Tây đang hỗ trợ cho khủng bố và đứng về phía những kẻ âm mưu đảo chính. Những người mà chúng ta tưởng là bạn đang sát cánh cũng những kẻ âm mưu đảo chính và những kẻ khủng bố".
Ông Erdogan cáo buộc cụ thể Liên hiệp châu Âu không làm đúng lời hứa của họ trong việc đền đáp cho Thổ Nhĩ Kỳ để kiềm chế người nhập cư bất hợp pháp, mặc dù theo lời ông chính phủ đạt thành công rất lớn trong vấn đề này.
Hơn 50.000 người đã mất việc làm trên cả nước và hơn 18.000 người bị giam giữ liên quan tới âm mưu đảo chính – những con số này đã khiến các chính phủ phương Tây và các nhóm bênh vực nhân quyền lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại.
Theo bộ trưởng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính bất thành đã làm nền kinh tế của đất nước thiệt hại khoảng 100 triệu đôla.
Ông Bulent Tufenkci, Bộ trưởng Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, nói thiệt hại trực tiếp do các hành động của chính phủ và việc các tòa nhà và tài sản bị hủy hoại sau đó lên đến khoảng 100 triệu đôla, nhưng "thiệt hại còn có thể tăng hơn nữa". Ông Tufenkci nói với báo Hurriyet rằng các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến tình trạng các đơn đặt hàng nước ngoài bị hủy do cuộc đảo chính, và việc các nhà đầu tư giờ đây thiếu niềm tin vào chính phủ có thể làm đất nước thiệt hại tiền bạc nhiều hơn nữa.
Một nhóm các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở Washington để gây sức ép với giới chức Mỹ phải đáp ứng yêu cầu của Ankara đòi dẫn độ một cựu giáo sĩ Hồi giáo bị cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước nằm giữa châu Âu và châu Á.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói không trao ông Fethullah Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây xáo trộn mối quan hệ giữa hai nước, và cũng sẽ có liên quan trực tiếp đến sự ổn định khu vực.
Ông Taha Ozhan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, nói: "Vào thời điểm khi mà cuộc đấu tranh quyền lực đang leo thang, không thể nào chấp nhận được khả năng người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được ở lại tại một nước đồng minh,và có thể trốn thoát khỏi nước Mỹ mà không bị bắt giữ".
Cuộc họp tại Bộ Tư pháp có tính hợp tác, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, nếu Washington không lưu tâm tới yêu cầu của Ankara đòi dẫn độ ông Gulen.
Các quan chức Mỹ không muốn thảo luận về kết quả của lời yêu cầu dẫn độ tại thời điểm này, mà chỉ trả lời rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang nghiên cứu hồ sơ đòi dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Trump tiếp tục khẩu chiến với gia đình Khan trên TV, Twitter --- Trump cảnh báo về gian lận phiếu bầu
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và cha mẹ của một binh sĩ Mỹ người Hồi giáo đã ngã xuống tiếp tục cuộc khẩu chiến đã nổ ra khi ông Trump buông lời dè bỉu ông Khizr Khan về phát biểu mà ông đưa ra tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc tuần trước. Ông Khan và vợ, bà Ghazala, hôm thứ Hai đã tiếp xúc với nhiều cơ quan truyền thông, kể cả Ban tiếng Urdu của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Đại úy Lục quân Humayun Khan là một binh sĩ người Mỹ theo Hồi giáo, hy sinh trong một vụ đánh bom tự sát cách đây 12 năm tại Iraq. Trong cuộc trao đổi với ban tiếng Urdu của Đài VOA, bà Ghazala Khan hồi tưởng về lần cuối cùng bà nói chuyện với người con trai:
"Nó gọi điện thoại cho tôi vào Ngày của Mẹ để chúc mừng tôi và tôi nói với nó, 'Con đừng làm anh hùng. Chỉ cần giữ an toàn thôi. Ở trong trại. Đừng đi ra ngoài.' Nó nói, 'Mẹ ơi con có trách nhiệm phải đảm đương.'"
Bà Khan đã đứng cùng chồng trên sân khấu tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc vào tuần trước, khi ông công kích ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump về những phát biểu khinh thường người Hồi giáo.
Tại bục diễn thuyết, ông Khan ngỏ lời trực tiếp ông Trump:
"Ông chẳng hy sinh bất cứ thứ gì và chẳng hy sinh cho bất cứ ai."
Tỉ phú địa ốc Trump đáp lại:
"Tôi nghĩ tôi đã hy sinh rất nhiều đó chứ. Tôi đã làm việc rất, rất chăm chỉ. Tôi đã tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm."
Trong cuộc phỏng vấn với VOA, ông Khan đặt câu hỏi:
"Làm thế nào mà ứng cử viên này sẽ đắc cử? Liệu ông ta sẽ là nguyên nhân làm chìm con tàu mang tên Đảng Cộng hòa?"
Về phần ông Trump, cuộc khẩu chiến dẫn đến một loạt thông điệp mà ông đăng lên Twitter. Ông Trump viết: "Tôi bị ông Khan công kích tàn tệ. Chẳng lẽ tôi không được phép đáp trả hay sao?"
Và:
"Chuyện này không phải là về ông Khan, người đi hết đầu này đầu kia trả lời phỏng vấn, mà là về CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ HỒI GIÁO CỰC ĐOAN và nước Mỹ. Hãy khôn ra đi!"
Đây chỉ là tuyên bố mới nhất trong một loạt những tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump - nhưng những chuyên gia chính trị không chắc chuyện này sẽ gây tổn hại cho ông ta.
Nhà phân tích Kyle Kondik của Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia nhận định:
"Tính tới mấy ngày trước ông ấy còn đang dẫn trước bà Hillary Clinton. Và vì thế, nhìn từ quan điểm của ông ấy thì cần gì phải thay đổi. Ông ấy có thể lý luận rằng ông ấy đã không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào vì những điều mà ông ấy đã nói."
Ứng cử viên Phó Tổng thống trong liên danh của ông Trump, Mike Pence, viết trên Facebook:
"Donald Trump và tôi tin rằng Đại úy Humayun Khan là anh hùng của nước Mỹ và gia đình của anh, giống như tất cả những gia đình Sao Vàng, phải được mỗi một người Mỹ trân trọng."
Những nhân vật khác của Đảng Cộng hòa cũng đưa ra những phát biểu tương tự. Cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa John McCain nói ông không tán đồng với ông Trump và bày tỏ hy vọng rằng "người dân Mỹ hiểu rằng những phát biểu này không đại diện cho quan điểm của Đảng Cộng hòa." - VOA
***
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump ám chỉ về khả năng có gian lận trong kỳ bầu cử sắp tới vào tháng 11. Trong khi đó, làn sóng chỉ trích lời bình phẩm của ông Trump về thân nhân của một người lính Mỹ gốc Hồi giáo ngày càng dâng cao.
Trong một buổi vận động tranh cử tại thành phố Columbus bang Ohio, ông Trump nói "ngày càng có nhiều" nghi ngờ về cuộc đua sắp tới tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ sẽ trở nên bất công bằng, mặc dù ông không đưa ra được bằng chứng.
Ông Trump từng đưa ra phát biểu tương tự về gian lận trong cuộc đua giành vị trí ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ mà người chiến thắng là bà Hillary Clinton.
Ông Trump đưa ra dự đoán này giữa hàng loạt những lời chỉ trích việc ông Trump bình phẩm về gia đình của một người lính Mỹ theo đạo Hồi.
Sau đó, ông Trump tiếp tục nhắc lại nghi ngờ về việc gian lận trong bầu cử trên kênh truyền hình Fox News.
"Vào ngày 8/11 sắp tới, chúng ta phải rất hết sức cẩn thận, bởi sẽ có gian lận trong bầu cử", ông Trump nói.
"Tôi hy vọng rằng những người ủng hộ Đảng Cộng hòa cần giám sát chặt chẽ để những phiếu bầu của họ không bị lấy đi".
Gọi đối thủ là "qủy dữ"
Trước đó, tại một cuộc vận động tranh cử khác ở bang Pennsylvania, ông Trump đã có một động thái bất tiền lệ khi trực tiếp so sánh đối thủ cạnh tranh của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, với "quỷ dữ".
Ông Trump công kích một ứng viên khác là ông Bernie Sanders vì sớm chịu thua bà Clinton trong cuộc đua đề cử của Đảng Dân chủ, và nói ông Sanders "đã bắt tay với quỷ dữ. Bà ta là quỷ dữ".
Trong khi đó, cử tri từ cả hai phía đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên án lời bình phẩm của ông Trump về bố mẹ của một người lính Mỹ gốc Hồi giáo đã hy sinh.
Cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa ông John McCain là người gần đây nhất lên án ông Trump công kích thân nhân Đại úy Humayun Khan, người đã hy sinh trong một vụ đánh bom bằng xe hơi vào năm 2004 tại Iraq năm 27 tuổi.
Trong bài phát biểu thắng thắn của mình, Thượng nghị sĩ McCain, cũng là một cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt Nam, nói ông Trump không có "giấy phép tùy tiện phỉ báng những người tốt đẹp nhất trong cộng đồng".
Bố và mẹ của người lính đã hy sinh là ông Khirz Khan và vợ ông Ghazala, nói với BBC rằng đã đến lúc họ lên tiếng chống lại ông Trump. Tuy nhiên vị tỉ phú lại cáo buộc cặp vợ chồng công kích ông một cách "ác ý".
Điều gây nên tranh cãi là việc ông Trump bình luận rằng bà Ghazala Khan đã không được phát biểu cùng với chồng mình tại hội nghị Đảng Dân chủ vào tuần trước.
Trong một động thái khác, doanh nhân triệu phú Warren Buffet yêu cầu ông Trump công bố bản kê khai thuế của mình.
Ông Trump trả lời không thể công bố kê khai thuế cho đến khi nhà chức trách về tài chính hoàn thành quá trình kiểm toán.
Ông Buffet sau đó nói không có luật lệ nào chống lại việc công bố kê khai thuế và cấm mọi người chất vấn về việc đó.
Phát biểu trong một buổi vận động tranh cử ủng hộ bà Clinton, ông Buffet nói chính công ty của mình cũng đang được kiểm toán.
Ông cũng nói thêm là mình sẽ sẵn sàng gặp ông Trump "ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào" để trao đổi về các bản kê khai thuế với nhau.
Phản ứng về bình luận của ông Trump
Đương kim Tổng thống Mỹ ông Barack Obama đưa ra lời chỉ trích ngầm đối với ông Trump: "Không ai hy sinh nhiều hơn cho tự do và an ninh đất nước như gia đình của một người lính nhận Huy chương Sao Vàng".
Thượng nghị sĩ bang South Carolina Lindsey Graham, trước đây là đối thủ chính của ông Trump: "Hành động này là không thể chấp nhận được".
Người phát ngôn Thượng viện Paul Ryan lên án bất cứ lời bình phẩm không hay đối với những người Mỹ gốc Hồi giáo đã từng phục vụ đất nước, nhưng tránh nhắc đến tên ông Trump.
Thống đốc bang Ohio John Kasich nói: Chỉ có một cách duy nhất khi nói chuyện với phụ thân của một người lính nhận Huy chương Sao Vàng: đó là với niềm vinh dự và sự trân trọng.
Cựu Thống đốc bang Florida Jed Bush nói lời phát biểu của ông Trump là "cực kỳ vô lễ".
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Ngoại chiến (VFW) Brian Duffy: "Dù có là năm bầu cử hay không, VFW sẽ không tha thứ bất cứ ai xúc phạm thân nhân của một người lính nhận Huy chương Sao Vàng".
Thống đốc bang Alabama Jeff Session, một người ủng hộ ông Trump, lên tiếng bảo vệ lời phát biểu nói trên và nói với CNN: "Bài phỏng vấn không có ý gì xấu. Ông Trump tôn trọng và gửi lời chia buồn đối với sự mất mát của gia đình người lính".
Có bao nhiêu người Hồi giáo trên đất Mỹ?
Trung tâm nghiên cứu Pews, trong bản Báo cáo Thực trạng Tôn giáo năm 2014, cho biết 0,9% số người trưởng thành ở Hoa kỳ là người Hồi giáo.
Một điều tra năm 2011 về người Hồi giáo ở Hoa Kỳ, ước lượng hiện có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trưởng thành (và 2,75 triệu người Hồi giáo ở mọi lứa tuổi) trên phạm vi toàn nước Mỹ.
Điều tra này cũng cho thấy đa số người Mỹ gốc Hồi giáo là người nhập cư (63%).
Kế hoạch về nhân khẩu học dự đoán đến năm 2050 số lượng người Hồi giáo sẽ chiếm 2,1% dân số Mỹ. Như vậy trên thang phân loại dựa trên tôn giáo, người Hồi giáo sẽ vượt qua người Do thái để trở thành nhóm tín ngưỡng đông thứ hai ở Hoa Kỳ (không tính số lượng người tự nhận là vô thần).
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew ước lượng tỷ lệ người Hồi giáo trong số người nhập cư được cấp quyền cư trú vĩnh viễn (thẻ xanh) sẽ tăng từ khoảng 5% năm 1992 lên 10% năm 2012, tức là vào khoảng 100.000 người nhập cư vào năm đó. - BBC
|
|
5.
Mỹ và Singapore kêu gọi sớm phê chuẩn TPP --- Quốc yến tại Tòa Bạch Ốc mừng quan hệ Mỹ-Singapore
Trong chuyến công du Hoa Kỳ, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vào hôm nay, 02/08/2016, sẽ cùng với tổng thống Mỹ Barack Obama dự lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao song phương. Tuy nhiên, cả hai vị lãnh đạo sẽ tập trung vào hồ sơ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Theo nhận định của AP, Singapore, đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, là một trong 12 nước đã ký TPP.
Hiệp định này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực châu Á.
Tuy nhiên, chuyến đi Mỹ của thủ tướng Lý Hiển Long diễn ra trong bối cảnh cả hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump, bên đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton, bên đảng Dân Chủ đều chống lại TPP.
Hôm qua, khi phát biểu tại Phòng thương mại Mỹ, ở Washington, thủ tướng Singapore đã kêu gọi Hoa Kỳ nhanh chóng phê chuẩn hiệp định này để có thể tiếp cận được thị trường của khối nước trong TPP hiện chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Mặt khác, hiệp định cũng giúp Washington thực hiện chính sách tái cân bằng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Duơng.
Về phần mình, tổng thống Barack Obama, khi trả lời phỏng vấn báo Singapore The Straits Times trong số ra ngày hôm qua, cũng nhấn mạnh là Hoa Kỳ không thể làm ngơ TPP và áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.
Mặc dù chính quyền Obama nhiều lần tuyên bố sẽ thuyết phục Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua TPP, nhưng theo giới chuyên gia, khả năng này ít hiện thực.
Vì sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 08/11/2016 và trước khi tân tổng thống nhậm chức ngày 20/01/2017, Quốc Hội Mỹ ở trong tình thế thường được gọi là "vịt què": ông Obama mãn nhiệm và chuẩn bị chuyển giao quyền lực, còn tân tổng thống thì chưa nhậm chức. - RFI
***
Để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ cùng Tổng thống Barack Obama dự quốc yến tại Tòa Bạch Ốc vào tối thứ Ba, 2/8. Đây là lần đầu tiên quốc yến được tổ chức dành cho một nhà lãnh đạo Singapore kể từ năm 1985.
Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cả hai nước đều là đối tác trong hiệp định, ngoài ra còn bao gồm 10 quốc gia khác, nhưng hiệp định này đang bị kẹt lại tại Quốc hội Mỹ.
Hôm 1/8, ông Lý đã phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ. Ông nói hiệp định này làm cho Mỹ tiếp cận tốt hơn với các thị trường chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia đàm phán TPP là Mỹ, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Mexico, Malaysia, Nhật Bản, Chile, Canada, Brunei, và Australia.
Tòa Bạch Ốc nói hiệp định này sẽ giúp dỡ bỏ thêm các rào cản thương mại toàn cầu, mở cửa những thị trường chưa khai thác, và phát triển nền kinh tế, cùng lúc mang lại một đối trọng quan trọng trước sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hôm 1/8, ông Obama nói ông lạc quan rằng Quốc hội cuối cùng cũng sẽ phê duyệt hiệp định thương mại TPP cho dù cả hai ứng cử viên tổng thống năm 2016 là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đều phản đối.
Ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1 năm sau. Ông đưa ra lời dự đoán hôm 1/8 trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Straits Times trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Lý đến Washington. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Thủ tướng Campuchia đáp trả cư dân mạng Việt Nam --- 'Việt Nam không phải chủ của tôi'
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đầu tuần này đã lên tiếng nói rằng Việt Nam không phải là “sếp” của mình, sau khi một cư dân mạng người Việt viết trên Facebook của ông rằng ông đã “phản bội” nước láng giềng.
Trên trang cá nhân của người đứng đầu nội các Campuchia, một người có tên Phạm Đức Hiển viết bằng tiếng Khmer rằng ông Hun Sen đã “phản bội Việt Nam”.
Lời bình luận này đã khiến Thủ tướng Campuchia lên tiếng phản bác, nói rằng Campuchia là “một nước độc lập, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam”.
Ông viết thêm: “Tại sao bạn lại nói là tôi phản bội Việt Nam? Việt Nam là cha hay là Quốc vương của tôi? Tôi phải thành thực nói với bạn rằng Việt Nam không phải là sếp của tôi”.
Thủ tướng Hun Sen sau đó nói thêm rằng người bình luận “nên tôn trọng luật pháp Campuchia nếu đang sinh sống ở vương quốc này”, còn nếu “đang sống ở Việt Nam, họ phải yêu quý các nhà lãnh đạo Việt Nam”.
Theo báo chí Campuchia, Facebooker Phạm Đức Hiển không phản hồi trước những lời bình luận của ông Hun Sen.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Campuchia buộc phải lên tiếng về mối quan hệ với Việt Nam.
Năm ngoái, ông Hun Sen nói rằng không sợ bất kỳ ai, kể cả Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng Phnom Penh sẽ đưa chính quyền Hà Nội ra Tòa Công lý Quốc tế cũng như Hội đồng Bảo an nếu vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.
Thủ tướng Campuchia đã tuyên bố như vậy sau khi bị chỉ trích rằng ông không dám kiện Việt Nam về vấn đề biên giới, và rằng Việt Nam là "chủ" của ông.
Lâu nay phe đối lập ở Campuchia vẫn dùng "con bài” biên giới để làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Hun Sen. Nhưng người đứng đầu chính phủ luôn bác bỏ cáo buộc đó. - VOA
***
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bất ngờ phản bác gay gắt một chỉ trích nhắm vào ông trên mạng xã hội Facebook.
Ông thủ tướng, chủ trang Samdech Hun Sen, Cambodian Prime Minister với gần 5 triệu người like trên Facebook, đáp lại bình luận đăng hôm 1/8 của một người tên là Phạm Đức Hiển, nói ông Hun Sen "phản bội Việt Nam".
Ngay lập tức, ông Hun Sen có phản hồi, nhưng câu trả lời của ông bị người có tên Phạm Đức Hiển xóa cùng với bình luận nói trên.
Ngày 2/8, ông Hun Sen phản pháo bằng một status kèm ảnh, gửi tới "đồng bào" Campuchia.
Ông thủ tướng đặt câu hỏi cho Phạm Đức Hiển: "Tại sao ông lại nói tôi phản bội Việt Nam?"
"Việt Nam có phải cha tôi hay Quốc vương của tôi đâu?"
Ông Hun Sen khẳng định: "Tôi trung thành với người dân Campuchia, với Quốc vương và với vợ yêu của tôi. Việt Nam không phải chủ của tôi".
"Tôi là lãnh đạo nước Campuchia độc lập, có chủ quyền, ngang hàng với lãnh đạo Việt Nam."
Ông đề nghị chuyển thông điệp của ông tới lãnh đạo ở Hà Nội.
Theo ông thủ tướng, "nếu anh là người Việt sống ở Campuchia thì anh phải tôn trọng luật pháp Campuchia, nếu anh ở Campuchia bất hợp pháp thì anh nên rút đi, còn nếu anh sống ở Việt Nam thì hãy yêu quý lãnh đạo Việt Nam".
Hun Sen, người sống nhiều năm ở Việt Nam, từng bị chỉ trích là "tay trong của Hà Nội". Chính phủ của Hun Sen vẫn bị phe đối lập nói là có nhiều chính sách thân Việt Nam.
Tuy nhiên những năm gần đây, Campuchia ngày càng tỏ ra xích lại gần Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở vương quốc này.
Năm ngoái, trong hành động chưa từng có tiền lệ, Bộ Ngoại giao Campuchia gửi một số công hàm lời lẽ cứng rắn phản đối Việt Nam xây dựng khu vực gần đường biên giữa hai nước.
Campuchia cũng phản đối Asean đưa ra các tuyên bố có điểm bất lợi cho Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên ông Hun Sen gay gắt và thẳng thừng như vậy trong phát ngôn về Việt Nam.
Ông là thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất ở Đông Nam Á. - BBC
|
|
7.
Nữ dân biểu Đài Loan bị chặn tại sân bay Việt Nam?
Một dân biểu Đài Loan cáo buộc hải quan Việt Nam giữ bà tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội nhiều giờ đồng hồ, khi bà chuẩn bị lên máy bay để tới nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.
Trên trang Facebook cá nhân, chiều 1/8, bà Tô Trị Phân viết rằng chính quyền Việt Nam đã, theo lời bà, “tịch thu hộ chiếu, và không cấp cho bà thẻ lên máy bay”.
China Post đưa tin, nữ dân biểu của Đảng Dân tiến của Đài Loan cùng với nhóm đi cùng với bà tới sân bay Nội Bài, chuẩn bị bay tới thành phố Vinh rồi sau đó dùng xe buýt di chuyển tới Hà Tĩnh để tới nhà máy thép Formosa.
Theo trang web Focus Taiwan, đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Việt Nam đã phải can thiệp để yêu cầu chính quyền Việt Nam “trả tự do” cho nhóm.
Trang này cũng đưa tin rằng bà Tô tới Việt Nam với tư cách cá nhân từ ngày 31/7 tới ngày 4/8. Ngoài Formosa Hà Tĩnh, bà còn dự tính tới thăm các doanh nhân Đài Loan hoạt động tại đây nhằm tìm hiểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Sau sự cố trên, bà Tô cho biết rằng thay vì đường hàng không, đoàn của bà đã phải di chuyển bằng đường bộ.
Hải quan sân bay Nội Bài chưa lên tiếng phản hồi trước các cáo buộc của nữ dân biểu Đài Loan.
Chuyến đi của bà Tô diễn ra một tháng sau khi Formosa “thừa nhận trách nhiệm” về thảm họa ô nhiễm môi trường, gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. - VOA
|
|
8.
Formosa: Tín hiệu sẽ có dê tế thần
Tiếp xúc cử trị Quận 1 và quận 3 TP.HCM sáng 1/8/2016, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang lần đầu tiên có phát ngôn về vụ thảm họa môi trường Formosa, khẳng định Nhà nước sẽ xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bật đèn xanh?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang có vẻ như đã bật đèn xanh, việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với các giới chức chính quyền Việt Nam ở địa phương, cũng như các bộ ngành ở Trung ương có liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định về điều mà dư luận cho là khá mới mẻ, khi nhân vật ở hàng lãnh đạo cao nhất của Nhà nước đã đề cập trực diện vào vấn đề đang làm nóng dư luận, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện làm việc ở TP.HCM phát biểu:
“Đã có nhiều nghị quyết của Đảng nói rằng, khi xử lý các vụ tham nhũng tiêu cực thì không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân đó giữ chức vụ như thế nào. Còn về cụ thể, nêu đích danh để xử lý thì vừa qua Tổng Bí thư đã có chỉ đạo một vụ cụ thể là Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang trúng cử Quốc hội, vụ đi xe… và sau đó là việc liên quan đến trách nhiệm trước đây, có dấu hiệu chạy chức chạy quyền chạy luân chuyển… Và nay theo nhịp độ đó Chủ tịch Nước cũng nêu một số vụ, một số tên tuổi, chẳng hạn như vụ Vinaconex… trong đó có vụ Formosa cần phải xử lý đúng theo pháp luật, bất cứ cơ quan tổ chức hay cá nhân nào, giữ cương vị trách nhiệm nào. Tôi cho rằng đó cũng là một hướng tích cực rất đáng hoan nghênh.”
Trao đổi với chúng tôi, nhà hoạt động dân quyền và báo chí công dân hiện sống và làm việc ở Saigon - TS Phạm Chí Dũng cho rằng, có thể nối kết một số sự kiện mới nhất vừa xảy ra. Theo lời ông, phát ngôn mới nhất của ông Trần Đại Quang gắn liền với một thông tin mà ông vừa nhận được, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chính thức xác định việc nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự chỉ đạo cấp phép 70 năm cho Formosa là vượt thẩm quyền và trái qui định, nói chung là trái phép. Việc này phải đưa lên chính phủ, không phải là Thủ tướng có thể quyết định mà phải là Chính phủ. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Phát ngôn của ông Trần Đại Quang Chủ tịch nước là một phát ngôn mang tính chất tín hiệu. Theo tôi hiểu ngay trước mắt là tín hiệu thí chốt, con chốt ở đây chính là ông Võ Kim Cự, tại vì dư luận xã hội đã bức xúc nhiều, phản ứng nhiều và nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra và đòi phải xử lý các quan chức. Thế thì bây giờ Trung ương Đảng và Bộ Chính trị không thể bỏ lơ được, thứ nhất phải xem xét sự tồn tại của Formosa ở VN, việc khởi tố Formosa có thể thực hiện được không. Thứ hai nữa là xử lý những quan chức liên quan cấp trung ở Việt Nam chẳng hạn như ông Võ Kim Cự, hay một vài quan chức nào đó của ngành tài nguyên môi trường…”
Theo tin truyền thông báo chí Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã nói với cử tri TP.HCM, vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung vừa qua là thảm họa hết sức nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài cho Việt Nam. Chủ tịch Trần Đại Quang đã hàm ý trong phát biểu là câu chuyện xem xét trách nhiệm của Formosa chưa chấm dứt. Nhất là gần đây đã phát hiện những vi phạm của Formosa về vấn đề chôn lấp chất thải ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh.
Võ Kim Cự - con chốt thí
Theo VnExpress bản tin trên mạng trưa ngày 1/8, Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết, Chính quyền đang tiến hành việc xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa. Vẫn theo lời ông Chủ tịch nước, để biết rõ cụ thể là ai thì phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng trên tinh thần không loại trừ bất kể ai, bất kể tổ chức cá nhân nào có liên quan, dù là địa phương hay các Bộ ngành đều phải xử lý.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi vào tối 1/8/2016, Luật sư Trần Quốc Thuận lưu ý tới sự kiện báo chí và các đại biểu Quốc hội, đặc biệt đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP.HCM đã nêu đích danh ông Võ Kim Cự. Nhiều ý kiến cần làm rõ trách nhiệm của ông này từ Phó Chủ tịch lên Chủ tịch rồi Bí thư Hà Tĩnh, thời gian các văn bản được thẩm định không bình thường. Bằng vào tư duy phân tích của luật gia và kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động Quốc hội, LS Trần Quốc Thuận nhận định:
“Tôi cho rằng, việc đó đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu và phải làm rõ và không loại trừ bất cứ cá nhân giữ chức vụ nào, kể cả những người đã nghỉ không còn làm việc cũng phải truy cứu trách nhiệm. Tôi nghĩ việc đó hiện giờ cũng đang triển khai làm rõ để tiếp tục xác minh và đến bây giờ dư luận rộng rãi cũng yêu cầu cần khởi tố vụ án. Khi khởi tố vụ án thì lúc đó người ta mới đi vào điều tra cá nhân và xác định trách nhiệm, còn trong đó ông Võ Kim Cự có bị xử lý hay không, thì sau kết luận thanh kiểm tra toàn diện vụ Formosa, tôi nghĩ là không những ông Võ Kim Cự mà còn có thể liên quan đến nhiều người khác… như lời phát biểu trên báo chí của ông Võ Kim Cự thì ông ấy vẫn còn hồ sơ của nhiều người cùng ký trên đấy, chứ không phải một mình ông ấy.”
Khi thảm họa môi trường xảy ra, chính là người dân địa phương phát hiện ra đường ống ngầm xả thải dài 1,5km đặt sâu 17m dưới mực nước biển. Khi ở cao điểm vụ khủng hoảng cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đã khẳng định việc đặt đường ống ngầm là trái pháp qui định pháp luật Việt Nam. Nhưng sau này Formosa cho biết họ được cấp phép đặt đường ống ngầm do một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường ký duyệt.
Câu chuyện truy xét trách nhiệm tất cả các cá nhân, tổ chức, bất kỳ ở chức vụ nào liên quan đến sai phạm ở Formosa, dù vừa có tín hiệu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thì trên thực tế vẫn còn những ẩn số.
Chúng tôi xin lập lại lời LS Lê văn Luân trong cuộc phỏng vấn tối vừa 28/7 vừa qua, khi nói về khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự vụ Formosa. Đó là khởi tố những người trực tiếp xả thải độc chất chưa qua xử lý ra biển gây thảm họa môi trường, đó là khởi tố hình sự đối với Formosa. Ngoài ra phải khởi tố trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan tới dự án Formosa, trong đó có những người cấp phép sai pháp luật, mà hành vi xả thải gây thảm họa môi trường là hậu quả của hành vi sai. - RFA
No comments:
Post a Comment