Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc cải tiến hệ thống tên lửa địa đối không --- TQ đẩy châu Á-Thái Bình Dương chạy đua trang bị tầu ngầm --- Tấn công tự sát vào đại sứ quán TQ ở Kyrgyzstan
Trang mạng bộ Quốc Phòng hôm qua 29/08/2016 thông báo hệ thống tên lửa địa đối không đã được nâng cấp, sẵn sàng chiến đấu và có thể nhắm đến những mục tiêu xa hơn so với các hệ thống tên lửa khác.
Trong một thông cáo được tờ South China Morning Post hôm nay trích dẫn, phát ngôn viên lực lượng không quân Thân Tiến Khoa (Shen Jinke) cho biết là quân đội nước này đã hoàn thiện công tác đại tu hệ thống phòng thủ tên lửa địa đối không do Trung Quốc chế tạo. Giàn tên lửa này giờ có thể đánh chặn các loại hỏa tiễn từ tầm ngắn đến tầm xa và các mục tiêu từ thấp đến cao.
Đại diện lực lượng không quân Trung Quốc cho rằng : “ Hệ thống phòng không và chống tên lửa là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng tác chiến của không quân ” và “ lực lượng không quân đang thiết kế một hệ thống phòng thủ phòng không và không gian hợp nhất ” và đang chuyển đổi từ lực lượng phòng thủ không phận lãnh thổ thành một lực lượng có khả năng thực hiện cả phòng thủ lẫn tấn công.
Trong quá trình đại tu, không quân đã sử dụng các công nghệ nước ngoài và cải tiến các loại tên lửa do Trung Quốc chế tạo, bao gồm các hệ thống HQ-9, HQ-6 và HA-12.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) nhận định dường như có một sự thay đổi lớn đối với các loại tên lửa, do các mối đe dọa trong tương lai từ trên không sẽ không còn chỉ là những chiến đấu cơ nữa. Theo ông Tống, “ với việc tập trung chống tên lửa, không lực Trung Quốc giờ đã hoàn thiện một hệ thống có khả năng đánh chặn ở tầm trung và xa ”.
Sự việc cũng cho thấy là “ Quân đội Giải phóng Nhân dân đang tỏ ra minh bạch hơn về chương trình phát triển vũ khí, và chứng tỏ sự tự tin về khả năng chiến đấu ”.
Theo South China Morning Post, thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh phản đối việc Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hàn Quốc. - RFI
***
Một vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến thế hệ tầu ngầm mới của Ấn Độ cho thấy rõ hơn cuộc chiến tầu ngầm đang trở thành trọng tâm cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á-Thái Bình Dương.
Theo báo mạng Foreignpolicy.com (26/08/2016), đối mặt với một nước Trung Hoa mạnh tay chi tiền cho cỗ máy quân sự và tăng cường những đòi hỏi chủ quyền quá đáng tại các hòn đảo đang có tranh chấp, các đối thủ của Bắc Kinh buộc phải đầu tư cho quân đội để có thể ngăn chặn quân đội giải phóng Trung Quốc ngày càng hùng hậu. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước láng giềng của Trung Quốc chi rất nhiều để mua tầu ngầm, những cỗ máy yên tĩnh chạy bằng điện và diesel có khả năng qua mặt lực lượng quốc phòng Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, tiết lộ vào tuần trước của nhật báo Australian về vụ rò rỉ 20.000 trang dữ liệu liên quan đến thiết kế kỹ thuật chi tiết của tầu ngầm lớp Scorpene, được Pháp bán cho Ấn Độ, đã gây nên làn sóng lo ngại. New Delhi ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp điều tra làm sao một nhà sản xuất nổi tiếng như DCNS lại có thể để mất các dữ liệu trên. Chính quyền Úc, đất nước đã chọn tập đoàn của Pháp để đóng thế hệ tầu ngầm mới, cũng nhanh chóng lên tiếng cảnh cáo nhà thầu Pháp tăng cường an ninh bảo mật.
Những phản ứng gay gắt trên cho thấy vị trí quan trọng của tầu ngầm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Thông qua tầu ngầm, các quốc gia đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển quân sự của Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rằng họ không khoanh tay đứng nhìn những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh bằng các biện pháp cưỡng chế và đơn phương hành động, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trang bị tầu ngầm để đối phó với lực lượng quân sự hùng hậu Trung Quốc
Úc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ khó có thể kháng cự được hệ thống radar và các giàn tên lửa được đặt dọc bờ biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này có thể có được những con tầu ngầm âm thầm lướt dưới hàng rào hải quân của Bắc Kinh.
Thực vậy, trong khi Trung Quốc chi hàng tỉ đô la để nâng cấp mọi mặt của quân đội, từ chiến đấu cơ đến tầu khu trục, nhưng khả năng chiến đấu chống tầu ngầm của họ thì lại ì ạch, theo nhận định của ông Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách. Và kẽ hở này đã để mở một chiến lược cho các đối thủ của Trung Quốc. Vị cựu thành viên Hải Quân Mỹ và cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực tầu ngầm cũng nhận định : “Các nước này thật sự thấy tầu ngầm là yếu tố quan trọng cho đội tầu của họ”.
Còn theo ông Jonathan Greenert, cựu tư lệnh Hải Quân Mỹ, tầu ngầm là một loại vũ khí hấp dẫn cho các nước châu Á-Thái Bình Dương. Các chính phủ trong vùng có thể sẽ tăng ngân sách đầu tư mua tầu chiến trong bối cảnh đáng lo ngại là Trung Quốc không ngừng phát triển kho tên lửa. Ông nhận định : “Bạn có thể chứng tỏ một cách kín đáo sức mạnh hủy diệt, và đó là một lời răn đe”.
Chính vì vậy, tiết lộ về vụ rò rỉ dữ liệu các thiết kế tầu ngầm Scorpene khiến cả hai khách hàng của tập đoàn Pháp DCNS, là Ấn Độ và Úc, lo sợ vì những tài liệu trên chứa rất nhiều thông tin vô cùng quan trọng, như thời gian lặn, các loại ngư lôi và mọi kiểu tiếng ồn trong thời gian vận hành dưới nước.
Ông Emmanuel Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, thừa nhận vụ rò rỉ dữ liệu là một “vấn đề nghiêm trọng” và đang được chính quyền Pháp điều tra vì an ninh quốc phòng. Họ sẽ đánh giá tính chất các tài liệu bị đánh cắp, những thiệt hại có thể xảy ra cho khách hàng của DCNS, cũng như trách nhiệm của vụ rò rỉ thông tin này.
Cuộc chạy đua tầu ngầm xuất phát từ việc Bắc Kinh ngăn cản các đối thủ của mình thâm nhập vào các vùng biển nhờ một hệ thống tên lửa và căn cứ hải quân. Các giàn radar hùng hậu của Trung Quốc càng khiến các đội tầu của Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác tăng cường tuần tra tại Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai vài chục hệ thống tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cách bờ biển nước này hàng trăm dặm.
Việt Nam trang bị tầu ngầm để buộc Trung Quốc cân nhắc đối đầu
Để đối phó với tình hình trên, từ năm 2006, Việt Nam, đất nước thường xuyên có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông, đã mua sáu tầu ngầm lớp Kilo của Nga với tổng trị giá khoảng 2,6 tỉ đô la để triển khai ở vịnh Cam Ranh.
Các tầu ngầm Kilo tàng hình chạy bằng điện và diesel có khả năng hoạt động gần như tuyệt đối im lặng và được trang bị thủy lôi tầm ngắn và tên lửa chống tầu biển với tầm bắn khoảng 188 dặm. Những vũ khí mới của quân đội Việt Nam sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định đối đầu với Việt Nam. Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay tuần tra P-3 Orion của Hoa Kỳ để theo dõi tầu ngầm của Trung Quốc.
Dù Trung Quốc có cả một hạm đội tầu hùng mạnh, trong đó có 70 tầu ngầm, đông hơn rất nhiều so với số lượng của hải quân Việt Nam, nhưng Bắc Kinh khó lòng theo dõi được những chiếc tầu ngầm mới được Hà Nội mua, được đánh giá là di chuyển nhẹ nhàng và có thể tấn công theo kiểu du kích dưới biển. Hạm đội tầu ngầm của Hà Nội có thể tiến hành một cuộc chiến không cân sức với một đối thủ hùng mạnh hơn, như chiến lược trước đây mà Việt Nam đã sử dụng để chiến thắng quân đội Mỹ và Pháp.
Việc Việt Nam mua tầu ngầm cũng góp phần làm ngân sách quân sự tại châu Á không ngừng tăng. Trong suốt thập kỷ qua, các nước trong vùng tăng cường cải tiến quân sự do Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này. Theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), chi tiêu cho quân sự tại châu Á đã tăng 5,4% từ năm 2014 đến 2015, so với mức tăng 1% trên toàn thế giới.
Đông Nam Á và Nam Á, thị trường béo bở cho tầu ngầm
Indonesia cũng gia nhập thị trường tầu ngầm tàng hình chạy bằng diesel và tập trung mở rộng hạm đội tầu của mình, từ 2 lên thành 7 chiếc. Kế hoạch này được công bố vào năm 2015, với việc mua hai tầu ngầm lớp Kilo của Nga và đang chờ nhà sản xuất tầu ngầm Hàn Quốc giao ba chiếc theo đơn đặt hàng từ năm 2012. Jakarta lên kế hoạch triển khai một số tầu, cùng với chiến đấu cơ, tại một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, khu vực nằm chồng lấn với “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông.
Ấn Độ thận trọng theo dõi việc Trung Quốc bắt đầu cho vận hành tầu ngầm tại Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. New Delhi thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đóng 24 tầu ngầm từ nay đến 30 năm nữa với mục đích theo dõi đội tầu ngầm tối tân của Bắc Kinh.
Thế nhưng, dự án tầu ngầm Scorpene đã bị gián đoạn trong vòng nhiều năm. Chiếc tầu ngầm đầu tiên INS Kalvari, nằm trong đơn đặt hàng 6 chiếc thuộc lớp này, được dự kiến giao vào năm 2012, cuối cùng phải chờ đến tận năm 2016 mới được thử ngoài khơi lần đầu tiên.
Ngoài việc dự án Scorpene gần như giậm chân tại chỗ, tiếp theo là vụ đánh cắp hơn 20.000 trang thiết kế, đã khiến chính quyền Ấn Độ phẫn nộ. Và sự kiện này cũng tác động đến Úc, khi chính phủ nước này vừa mới ký 38 tỉ đô la hợp đồng với tập đoàn DCNS để đóng một tầu ngầm tân tiến. Dựa trên thiết kế tầu ngầm nguyên tử của Pháp, tầu ngầm loại Barracuda, phiên bản ngắn, được cho là sẽ giúp Canberra thị uy sức mạnh trong khu vực ngoài khơi phía bắc Úc.
Thay vì chạy bằng nguyên tử, tầu ngầm Barracuda sử dụng điện-diesel, có khả năng thực hiện những chiến dịch ngoài khơi dài ngày và được trang bị một hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ. Ônng Clark nhận xét: "Đó sẽ là tầu ngầm chạy diesel tốt nhất thế giới nếu họ (Úc và Pháp) thực hiện được”.
Paris đã vận động hành lang không mệt mỏi để đạt được hợp đồng đầy lợi nhuận này cho tập đoàn DCNS, bất chấp sự phản đối của Washington. Nhà Trắng muốn Úc chọn nhà thầu Nhật Bản để tăng cường căn cứ công nghiệp quốc phòng của quốc gia Đông Á này vào lúc mà Hoa Kỳ tìm kiếm một đồng minh chiến lược để cùng gánh trách nhiệm trong khu vực và nhằm ngăn chặn những động thái quân sự của Trung Quốc.
Vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến thiết kế tầu ngầm Scorpene của DCNS đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tình trạng bảo mật của tập đoàn này. Liệu tập đoàn của Pháp có giữ được bí mật các thông số kỹ thuật của Scorpene hay không trong khi Bắc Kinh luôn quan tâm đến khả năng của tầu ngầm này ?
Nhiều quốc gia khác đang đặt tầu Scorpene của Pháp, như Chilê, Malaysia và Brazil, cũng lo ngại trước sự kiện đánh cắp thông tin trên.
Ông Cameron Stewart, biên tập viên của Australian, tờ báo đã đưa tin về vụ đánh cắp thông tin từ DCNS, nhận định với Foreign Policy : “Tôi không nghĩ là thông tin bị đánh cắp nhằm mục đích gián điệp mà có thể là nhằm mục đích hỗ trợ, như là tài liệu tham khảo, cho một khóa học quân sự với một lực lượng hải quân trong khu vực Đông Nam Á”.
Vẫn theo ông Stewart, “những dữ liệu này đã nằm tại Đông Nam Á ít nhất trong vòng vài năm sau khi bị đánh cắp từ Pháp vào năm 2011”. Ông tin là “những dữ liệu sẽ không bị phát tán ngoài phạm vi những người nhận ở Úc, nhưng hiện vẫn chưa rõ phải chăng các thông tin đó bị sao chép, đánh cắp hay bị tiết lộ một cách nào đấy khi chúng ở Đông Nam Á”.
Thế nhưng, với danh sách dài các nước đang tìm mua tầu ngầm của Pháp, các quan chức của DCNS cũng phải điều tra xem vụ rò rỉ thông tin trên có nhằm mục đích tình báo công nghiệp hay không. Tập đoàn DCNS hiện đang cạnh tranh để giành được các hợp đồng đóng tầu ngầm cho Ba Lan và Na Uy. Theo nhận định của ông Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, “vấn đề cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn và đánh cắp thông tin có thể là phương thức được sử dụng”. - RFI
***
Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của một vụ tấn công tự sát ở Bishkek, thủ đô nước Kyrgyzstan thuộc Liên Xô cũ. Một người lái chiếc xe hơi có gài chất nổ đã kích nổ ngay trong khuôn viên đại sứ quán Trung Quốc sáng nay 30/08/2016, làm ít nhất ba người bị thương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án vụ tấn công này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết thêm chi tiết:
"Kẻ tấn công tự sát đã lao chiếc xe gài chất nổ tông vào cổng đại sứ quán Trung Quốc. Một vụ nổ dữ dội đã xảy ra bên trong cơ sở ngoại giao này, ngay gần nhà ở của đại sứ, khiến thủ phạm bị chết và làm bị thương ít nhất ba người - một người làm vườn cùng với hai bảo vệ, đều là người Kyrgyzstan. Các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc và tòa đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh đã được sơ tán.
Trung Quốc ngày càng bị khủng bố quốc tế nhắm đến, và vụ tấn công vào ngoại giao đoàn Trung Quốc tại Bishkek là ví dụ mới nhất.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, một nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở Somalia đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công ở Mogadishu. Chưa đầy một tháng sau, bảy khách du lịch Trung Quốc bị chết trong vụ nổ gần một ngôi đền ở Bangkok. Đến tháng 11, một con tin Trung Quốc đã bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hành quyết, và tiếp theo là vụ tấn công đẫm máu vào một khách sạn ở Bamako làm chết ba người Trung Quốc.
Các vụ tấn công này cũng như các vụ khác ngay trên lãnh thổ của mình khiến Bắc Kinh không ngừng lên tiếng đòi tham gia cuộc chiến chống khủng bố quốc tế".
Phía Tân Hoa Xã đưa tin có năm người bị thương, gồm hai bảo vệ và ba nhân viên người Kyrgyzstan. Thủ tướng Kyrgyzstan, ông Janysh Razakov nói rằng đây là một "hành động khủng bố".
Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 6 triệu dân hầu hết theo đạo Hồi, thường xuyên bắt giữ các chiến binh Hồi Giáo bị cho là có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, vốn tích cực tuyển mộ ở Trung Á.
Kyrgyzstan có đường biên giới chung với Trung Quốc, đặc biệt là với khu tự trị Tân Cương, nơi có phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh coi là "khủng bố". - RFI
|
|
2.
Mỹ-Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng --- Chuyên gia Nhật: Các nước ASEAN bên Biển Đông hãy đoàn kết lại!
Quan ngại trước đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, Hoa Kỳ và Ấn Độ hôm qua 29/08/2016, đã đạt được thỏa thuận hợp tác quốc phòng, một ngày trước khi khai mạc chương trình “Đối thoại chiến lược và thương mại” lần hai, dự kiến diễn ra ngày hôm nay 30/08/2016 tại New Dehli.
Trong một thông cáo chung của hai chính phủ, cả hai bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter và Manohar Parrikar hôm qua tại Washington đã ký kết một thỏa thuận hợp tác dự kiến mở cửa các khu căn cứ quân sự giữa đôi bên cho các hoạt động bảo trì và cung cấp thiết bị quốc phòng.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, hợp tác song phương này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các chiến dịch quân sự chung trên phương diện hậu cần. AFP nhận định là thỏa thuận trên sẽ mang lại lợi thế cho kế hoạch “xoay trục” từ châu Mỹ sang châu Á của Hoa Kỳ nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Kể từ những năm 2000, trên phương diện quốc phòng, hai bên đã xích lại gần nhau một cách ngoạn mục. Quan hệ Mỹ - Ấn luôn gặp khó khăn trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh, do việc New Dehli tuy là trung lập, nhưng có phần hơi ngả theo khối Xô viết. Bên cạnh đó, Washington cũng đã đề ra những biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998.
Trong khuôn khổ chương trình “Đối thoại chiến lược và thương mại” lần hai, hôm nay ngoại trưởng John Kerry có buổi gặp với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Lãnh đạo Ấn Độ trong chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng 6/2016 đã đề nghị với Washington tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và quân sự giữa đôi bên, với tham vọng tăng gấp 5 lần khối lượng trao đổi mậu dịch lên 500 tỷ đô-la/năm. - RFI
***
Một số nhà phân tích đã cho rằng việc ASEAN không ra được phản ứng về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không phải là một triệu chứng của sự thiếu hiệu quả của khối nước Đông Nam Á, mà là một điều phù hợp với phong cách ngoại giao của ASEAN và những khiếm khuyết "lành mạnh" của luật pháp quốc tế. Nhung quan điểm này đã bị phản bác.
Trong một bài viết đăng ngày 25/08/2016 trên tuần san PacNet thuộc Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Mỹ CSIS, giáo sư người Nhật Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Tokyo, đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng cách tiếp cận của ASEAN đối với Trung Quốc "không hiệu quả" và phản ánh một sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên có biển và thành viên lục địa.
Trong bài phân tích mang tựa đề "Một nhóm riêng cho các quốc gia ‘duyên hải’ trong ASEAN", giáo sư Nishihara cho rằng các nước Đông Nam Á có biển cần đoàn kết thành một nhóm riêng để tạo thành một tập hợp có thế lực hơn để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
ASEAN chia rẽ đến mức bị tê liệt trước Trung Quốc
Chuyên gia Nhật Bản trước hết ghi nhận là tình trạng chia rẽ trong ASEAN hiện đã trở thành nghiêm trọng đến mức làm cho bất kỳ một cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc nào cũng trở thành vô nghĩa.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Vientiane (Lào) vào ngày 24/07, các ngoại trưởng ASEAN lại không thể nhất trí về một tuyên bố chung. Các thành viên "duyên hải" của ASEAN muốn bản Tuyên Bố Chung nhắc đến phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA), bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, trong khi Lào và Cam Bốt thì chống lại, dưới áp lực mạnh mẽ của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bản Tuyên Bố Chung hôm sau đó đã được công bố, nhưng không đề cập đến phán quyết của tòa La Haye.
Giáo sư Nishihara đánh giá là ASEAN cần xem xét lại cách tiếp cận Trung Quốc không hiệu quả hiện nay. Hầu hết các cuộc họp gần đây của ASEAN và liên quan đến ASEAN, đều không đưa ra được các tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc là đã không tôn trọng quan sát các nguyên tắc của luật pháp trong vùng Biển Đông, bất chấp việc ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.
Mười năm sau, năm 2012, Trung Quốc đã đồng ý nâng cấp bản tuyên bố, biến nó thành một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ràng buộc hơn. Tuy nhiên cho đến nay, không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Trung Quốc chỉ đơn giản là đã kéo dài cuộc đàm phán, trong khi tiếp tục bồi đắp và xây dựng trên các rạn san hô và bãi ngầm mà họ chiếm giữ.
Sự chia rẽ chính trị giữa các quốc gia "duyên hải" ASEAN và phe ủng hộ Trung Quốc trong khối Đông Nam Á lộ rõ lần đầu tiên vào năm 2012, khi Cam Bốt hỗ trợ Trung Quốc tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN để chặn không cho các ngoại trưởng ban hành một tuyên bố chung chỉ trích hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Từ khi đó, cả hai đã ngăn cản bất kỳ sự chỉ trích nào nhắm vào Trung Quốc tại các hội nghị về sau của ASEAN và liên quan đến ASEAN. Do kinh tế yếu kém, Lào và Cam Bốt bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, do đó đã sợ không dám lên tiếng chống lại Bắc Kinh. Ngoài ra, các nước này không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, cho nên hầu như không quan tâm đến an ninh hàng hải, mà chỉ đơn giản là theo đuôi Trung Quốc.
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07, Trung Quốc tiếp tục bám chắc lập trường của mình, gạt bỏ phán quyết gọi đấy là "giấy vụn", và thậm chí còn tiến hành một cuộc tập trận Hải Quân ở vùng Biển Đông một vài ngày trước khi phán quyết PCA được ban hành.
Hơn nữa, vào cuối tháng Bảy, Trung Quốc và Nga đã thông báo rằng họ sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng Chín. Bắc Kinh cũng bác bỏ các cuộc đàm phán song phương với Philippines nếu Manila khăng khăng đòi chú ý đến phán quyết của PCA.
Nên thành lập một nhóm nước 'duyên hải' bên trong hay bên ngoài ASEAN
Đối với giáo sư Masashi Nishihara, tất cả các quốc gia hàng hải ASEAN - Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam - đang quan tâm không chỉ đến an toàn của đường giao thông trên biển mà còn đến nguyên tắc của pháp luật.
Khi Singapore có một tranh chấp với Malaysia về đảo Pedra Blanca, ngoài khơi Singapore, hai bên đã nhờ đến Tòa Án Công Lý Quốc tế, vốn đã phán quyết vào năm 2008 rằng đảo này thuộc về Singapore. Hai nước đều đã sẵn sàng chấp nhận phán quyết. Đó là cách vận hành cần có của pháp luật.
Trên tinh thần đó, sáu nước ASEAN đồng quan điểm, hoặc bốn thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông nên thành lập một nhóm nước ở bên trong hay bên ngoài ASEAN, để có thể tham khảo ý kiến với nhau và cùng nhau đàm phán với Trung Quốc. Điều này sẽ hữu ích hơn là các cuộc họp gồm cả 10 thành viên ASEAN, vốn sẽ bị những mâu thuẫn nội bộ làm cho vô hiệu.
Ông Nishihara khẳng định là tính chất thống nhất hoặc "trung tâm" của ASEAN không vì thế mà giảm bớt. ASEAN có nhiều mối quan tâm, trong đó có cả việc thúc đẩy thương mại và du lịch trong khu vực, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên các vấn đề này, ASEAN vẫn có tiếng nói chung mỗi khi cần thiết.
Các quốc gia duyên hải ASEAN có thể quyết định với nhau về cách tốt nhất để giảm căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, rồi sau đó hành động. Ví dụ, các nước này có thể tổ chức một đội tuần tra biển hỗn hợp với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài của mình, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản. Việc tuần tra như vậy có thể góp phần kiểm soát việc phá hủy san hô trái phép và đánh bắt quá mức để bảo vệ môi trường biển.
Các quốc gia bên ngoài ASEAN cũng nên có vai trò ở Biển Đông. Ngoài các chiến dịch bảo đảm quyền tự do hàng hải, Hoa Kỳ hay Úc đã có những tuần tra không phận. Tàu Hải Quân Nhật Bản cũng tiến hành tập trận chung với đối tác Philippines, và thường xuyên ghé thăm Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, còn Pháp thì đã kêu gọi lực lượng Hải Quân châu Âu thực hiện một cuộc tuần tra chung trên Biển Đông.
Các cơ chế khu vực như Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF), Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+, tức là ASEAN và các đối tác khu vực) sẽ không thể phát huy tác dụng và cung cấp các giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông khi mà Trung Quốc (và những nước đi theo, bao gồm cả Nga) từ chối thương lượng.
Thay vào đó, các quốc gia đồng quan điểm trong khu vực nên tham khảo ý kiến lẫn nhau về các cách thiết thực nhằm thúc đẩy yêu cầu của mình, nhưng đồng thời giảm bớt căng thẳng. - RFI
|
|
3.
Philippines: Trung Quốc sẽ thiệt nếu bác bỏ phán quyết về Biển Đông
Trung Quốc sẽ "thiệt thòi" nếu không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay 30/08/2016 tuyên bố như trên.
Điều trần trước Quốc hội Philippines, ông Yasay nói: "Chúng ta cố gắng làm cho Trung Quốc đặc biệt hiểu rằng, khi tình hình yên ắng lại, rốt cuộc họ sẽ là người thua thiệt trong vấn đề này, trừ phi họ tôn trọng và công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài".
Ông cho biết, trước khi tiến hành đối thoại song phương, Manila muốn Bắc Kinh để cho ngư dân Philippines hành nghề tại bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã chiếm vùng biển giàu tài nguyên này vào năm 2012, không cho ngư dân Philippines vào đánh bắt - đây là một trong những yếu tố khiến Manila phải tìm đến giải pháp trọng tài.
Ngoại trưởng Philippines tuyên bố: "Khi chúng ta khởi động đàm phán chính thức hay cam kết song phương với Trung Quốc, cần phải tiến hành trong khuôn khổ phán quyết của Tòa Trọng Tài. Chính sách của chúng ta về vấn đề này dứt khoát là như thế".
Tuần trước, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông hy vọng bắt đầu đối thoại với Bắc Kinh trong năm nay.
Hôm 12/7, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye khẳng định Trung Quốc không có "quyền lịch sử" tại Biển Đông, cho rằng yêu sách chủ quyền theo đường lưỡi bò tự vẽ là vô căn cứ. Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa.
Tổng thống Mỹ gặp tổng thống Philippines tại Lào
AFP hôm nay 30/08/2016 trích tuyên bố của Nhà Trắng cho biết tổng thống Mỹ Barack Obama nhân thượng đỉnh ASEAN tuần tới tại Lào, sẽ gặp đồng nhiệm Philippines, ông Rodrigo Duterte – người đã nhiều lần đe dọa cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ.
Philippines vốn là một trong những quốc gia Đông Nam Á thân thiết nhất với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Hai nước có ký kết một hiệp ước liên minh quân sự.
Nhưng từ khi lên làm tổng thống hồi tháng Năm, sau một chiến dịch tranh cử thô bạo và mị dân, ông Duterte liên tục đưa ra những lời thóa mạ - nhất là đối với đại sứ Mỹ. Ông đe dọa rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc, cắt đứt quan hệ với Washington và Canberra.
Tổng thống Philippines bị Liên Hiệp Quốc và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích vì đã cổ vũ các công dân tự tay sát hại những người sử dụng và buôn bán ma túy, để diệt trừ tệ nạn này. Theo con số chính thức, các vụ giết người ngoài luật pháp đã làm cho gần 2.000 người chết.
Ông Ben Rhodes, cố vấn thân cận của tổng thống Mỹ cho báo chí biết đang rất chờ đợi ông Obama bày tỏ quan ngại về những tuyên bố mới đây của ông Duterte. Theo ông, thì Hoa Kỳ thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh được ràng buộc qua các hiệp ước; và khi có những bất đồng về nhân quyền hay những tuyên bố khó nghe, nhân các cuộc gặp gỡ Mỹ sẽ đề cập trực tiếp vấn đề. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
EU 'tuyên chiến' với Apple, Mỹ và Ireland --- Apple đối mặt với án phạt hàng tỷ euro
Làm thế nào để đánh thuế những tập đoàn công nghệ khổng lồ, là những công ty có khả năng chuyển tiền, hoạt động và hàng hóa dưới dạng kỹ thuật số qua biên giới một cách rất dễ dàng?
Đây cũng là tâm điểm trong phán quyết của liên minh châu Âu đưa ra vào hôm nay.
Ủy ban châu Âu cho rằng đã đến lúc cần phải có hành động triệt để bắt buộc các công ty đa quốc gia đóng thêm thuế và ngăn chặn chính phủ các nước cạnh tranh nhau bằng cách cho những công ty này chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhưng đây không phải là điều dễ thực hiện, với thách thức đến từ nhiều phía.
Trước tiên, đối với những quốc gia như Ireland, Luxembourg và Hà Lan, điều này có nghĩa những nước này mất đi lợi thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ các nước đó sẽ có phản ứng giận dữ vì cho rằng đang bị can thiệp vào quyền được tự áp dụng mức thuế. Kể cả lợi ích từ việc thu thêm được nhiều thuế cũng không làm chính phủ Ireland hài lòng.
Tiếp theo đó, Apple là một tập đoàn có thế lực với đội ngũ luật sư và những người vận động hành lang hùng hậu. Hãng công nghệ khổng lồ tỏ ra khá tự tin và cho rằng Ủy ban châu Âu đang cư xử vượt khỏi khuôn khổ luật lệ do chính họ đặt ra trong việc diễn giải những thỏa thuận về thuế dưới dạng gói hỗ trợ chính phủ bất hợp pháp- điều mà Apple luôn phủ nhận.
Apple hướng báo giới đến một bài báo gần đây, viết bởi một chuyên gia về luật, nói rằng Ủy ban châu Âu đề cập đến khoản hỗ trợ chính phủ như một phương tiện để tiến hành cải cách về thuế là “có nguy cơ làm tổn hại đến nền tảng của pháp luật”.
Bên cạnh đó còn là chính phủ Mỹ, mới tuần trước đưa ra lời cảnh báo rằng EU đang tìm cách trở thành tổ chức quản lý về thuế của thế giới và có sự phân biệt đối xử với những công ty của Mỹ.
Hiện tại, chính phủ Mỹ cũng đồng ý rằng Apple nên trả thêm thuế- nhưng chỉ là trả cho Mỹ.
Quy mô sản xuất toàn cầu của Apple và giá trị công ty lên đến 215 tỉ đôla (164 tỉ bảng Anh) đã trở thành vấn đề trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
Vì vậy, Ủy ban châu Âu đang phải đối diện với những đối thủ đầy thế lực và có thể sẽ rơi vào tranh chấp pháp lý và căng thẳng về ngoại giao trong nhiều năm tới đây. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tin rằng họ có một sự chống lưng cũng có thế lực không kém- đó chính là người tiêu dùng từ khối cộng đồng chung châu Âu.
Vào thời điểm khi toàn cầu hóa và những tập đoàn đa quốc gia cao ngạo không còn được ngưỡng mộ, và các chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách thắt lưng buộc bụng, Ủy ban châu Âu tin rằng việc tuyên chiến với Apple sẽ nhận được nhiều lời khen hơn là sự chê bai từ những người dân thường, là những người cũng phải đóng thuế. - BBC
***
Ireland cần đòi lại 13 tỉ euro tiền thuế từ Apple, theo phán quyết của Ủy ban châu Âu.
Sau cuộc điều tra ba năm, Ủy ban châu Âu nói các ưu đãi thuế của công ty Mỹ là vi phạm luật.
Theo ủy ban, Ireland đã cho phép Apple trả ít thuế hơn các doanh nghiệp khác, chỉ ở mức 1%.
Ireland và Apple đều nói họ không tán thành với quyết định và sẽ kháng cáo.
Theo luật EU, cơ quan thuế quốc gia không được phép ưu đãi thuế cho các công ty được chọn - điều mà EU xem là trợ giúp bất hợp pháp của nhà nước.
Theo EU, hai phán quyết của chính phủ Ireland năm 1991 và 2007 đã cho phép Apple giảm thiểu hóa đơn thuế ở nước này.
'Đáng ngại'
Apple hợp pháp hóa kênh bán hàng quốc tế thông qua Ireland để tận dụng ưu đãi thuế.
Hôm 30/8, Ủy viên phụ trách cạnh tranh EU Margrethe Vestager sẽ công bố mức ước lượng khoản phạt mà Apple phải trả.
Nhưng chính quyền Ireland sẽ quyết định khoản tiền chính xác.
Cuộc điều tra nhắm vào Apple và các công ty khác của Mỹ đã bị chính quyền Mỹ chỉ trích.
Tuần trước, Bộ Ngân khố Hoa kỳ cho biết Ủy ban châu Âu đang có nguy cơ trở thành "cơ quan thuế siêu quốc gia".
Brussels áp tiêu chí khác để phân định trường hợp liên quan đến các công ty Mỹ, Bộ Ngân khố Hoa kỳ cảnh báo rằng các khoản phạt "vô cùng đáng ngại".
Apple không phải là công ty duy nhất được hưởng ưu đãi thuế trong Liên minh châu Âu.
Năm ngoái, ủy ban yêu cầu Hà Lan truy thu 30 triệu euro từ Starbucks và Luxembourg được lệnh truy thu một khoản tiền tương tự từ Fiat.
Apple đang có nguy cơ đối mặt với một khoản phạt nặng hơn nhiều, nhưng với dự trữ tiền mặt hơn 200 tỷ đôla, đó chỉ là vấn đề nhỏ với hãng này. - BBC
|
|
5.
Mỹ: 600 ngàn máy bay không người lái thương mại sắp được đưa vào sử dụng
Chính phủ Mỹ cho biết trong vòng một năm tới đây sẽ cho phép 600 ngàn máy bay không người lái phục vụ thương mại được đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, Anthony Foxx, ngày 29/8 mở đường cho việc sử dụng rộng rãi các máy bay điều khiển từ xa giữa lúc các luật lệ an toàn mới bắt đầu có hiệu lực. Ông cho biết Mỹ ‘bị quyến rũ bởi những khả năng vô hạn mà các máy bay không người lái có thể mang lại.’
Các quy định mới cho phép các doanh nghiệp vận hành máy bay không người lái có trọng lượng lên đến 25kg với cao độ 122m trong khu vực thưa dân cư mỗi ngày từ rạng đông tới khi mặt trời vừa khuất dạng. Ngoài ra, người điều khiển phải giữ các máy bay này trong tầm ngắm và tốc độ không quá 160km/h.
Ông Foxx cho hay Mỹ đang phát triển các sáng kiến khác liên quan đến vận tải, bao gồm hệ thống phanh tự động cho xe lửa và xe hơi, xe tải tự hành.
Ông nói ‘Cũng như chúng ta đang thấy công nghệ tiên tiến chuyển hóa đường bộ, đường biển, và các hải cảng; máy bay không người lái đang mở ra một con đường thám hiểm mới tiếp tục cách mạng hóa không phận của chúng ta.’
Ngành công nghiệp máy bay điều khiển từ xa dự kiến việc gia tăng sử dụng các máy bay này sẽ giúp tạo ra 100.000 việc làm và 82 tỷ đôla trong hoạt động kinh tế từ nay đến năm 2025.
Mỹ đã cho phép 76 ngoại lệ đối với các quy định mới, chủ yếu dành cho các công ty muốn vận hành máy bay không người lái vào ban đêm.
Một số máy bay không người lái phục vụ thương mại đã được sử dụng để giám sát mùa màng, kiểm tra cầu đường và các đường truyền thông tin liên lạc, hỗ trợ nhân viên cứu hỏa và cảnh sát, quay phim điện ảnh và làm video đám cưới. - VOA
|
|
6.
Chuyến bay thương mại đầu tiên từ Mỹ sang Cuba trong 50 năm
Cuba đang chuẩn bị đón chuyến bay thương mại đầu tiên của Mỹ trong hơn 50 năm, sắp hạ cánh xuống quốc gia cộng sản này, bước cuối cùng trong việc bình thường hoá quan hệ bang giao giữa hai nước.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 8 khi chiếc máy bay của công ty Jet Blue bay từ Fort Lauderdale, bang Florida tới thành phố Santa Clara ở trung bộ Cuba.
Cuba đã chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực du lịch từ tháng 12/2014 sau khi Hoa Kỳ loan báo sẽ bình thường hoá các quan hệ ngoại giao với Cuba và dồn nỗ lực để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Khoảng 300.000 người Cuba đang sinh sống tại Hoa Kỳ vẫn trở về quê cũ hàng năm.
Một công dân Cuba tên Evailyn Fernandez nói:
“Đây là một diễn biến tích cực đối với chúng tôi vì tại Hoa Kỳ có rất nhiều người còn gia đình ở Cuba này, và giờ họ được mua vé với giá rẻ hơn. Như vậy họ sẽ về thăm gia đình thường xuyên hơn.”
Luật pháp Mỹ vẫn nghiêm cấm phần lớn các chuyến du lịch tới Cuba. Tuy nhiên Tổng thống Barack Obama đã nới lỏng một số quy định và cho phép một số trường hợp ngoại lệ cho các cuộc du hành có mục đích khác như thăm viếng gia đình, làm ăn, nhà báo tác nghiệp và các tour du lịch có tính cách giáo dục.
Một số hãng hàng không khác đang lập kế hoạch để mở đường bay tới Cuba gồm có American Airlines, Frontier Airlines, Silver Airways, Southwest Airlines và Sun Country Airlines. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Chủ tịch VN: Tất cả sẽ thua nếu bùng ra xung đột ở biển Đông --- Việt Nam nêu khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang hôm nay, 30/8, cảnh báo rằng sẽ không có ai thắng cuộc nếu xảy ra xung đột vũ trang vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Ông Quang nói như vậy tại một diễn đàn ở Singapore khi công du tới quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này. Nguyên thủ Việt Nam nói thêm rằng các diễn biến gần đây tại biển Đông đe dọa tới an ninh khu vực, nhưng không đề cập cụ thể tới một quốc gia nào, dù Hà Nội gần đây bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thực hiện các dự án xây đảo nhân tạo quy mô lớn cũng như các cơ sở quân sự trên biển Đông.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao, các học giả và sinh viên tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức, ông Quang nói rằng, với vị trí trung tâm ở Đông Nam Á, biển Đông “không những mang lại các lợi ích quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn là nơi có tuyến hàng hải và hàng không sống còn của thế giới”.
Chủ tịch Việt Nam nói thêm rằng “những diễn biến đáng ngại gần đây có tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là an toàn và an ninh hàng hải, vấn đề tự do đi lại và bay ngang qua” biển Đông.
Ông Quang cảnh báo rằng nếu “chúng ta để cho bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp bùng ra xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng, kẻ thua, mà tất cả sẽ thua”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Quang cũng nói rằng thành công của Singapore là một “bài học giá trị” cho Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ quốc gia.
Chủ tịch Việt Nam thăm Singapore từ ngày 28 tới 30/8 theo lời mời của nguyên thủ nước chủ nhà. Theo tuyên bố chung, trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Singapore, đôi bên “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”. - VOA
**
Được mời phát biểu tại cuộc Đối Thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38 vào hôm nay 30/08/2016, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã tỏ ý rất "lo ngại" về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên tranh chấp tiến tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trả lời một câu hỏi của cử tọa, người đứng đầu Nhà Nước Việt Nam đã không loại trừ khả năng sửa đổi quy tắc đồng thuận trong ASEAN, một quy tắc đang gây tranh cãi.
Hiện đang viếng thăm chính thức Singapore trong ba ngày, chủ tịch nước Việt Nam đã được mời đọc diễn văn tại cuộc Đối Thoại Singapore do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tổ chức. Cử tọa gồm hơn 500 người, từ giới hoạch định chính sách cho đến các nhà nghiên cứu, cùng nhiều quan khách khác.
Ông Trần Đại Quang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được mời phát biểu tại Đối thoại Singapore, một vinh dự từng được dành cho một số lãnh đạo như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong diễn văn của mình, khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng là Biển Đông, chủ tịch nước Việt Nam đã nêu bật một tình hình rất "đáng quan ngại", với vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đe dọa tự do, an ninh và an toàn hàng hải, cũng như làm xói mòn lòng tin, tác hại đến hợp tác trong khu vực. Ông nhấn mạnh: "Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có kẻ thắng, người thua, mà tất cả cùng thua".
Đối với ông Trần Đại Quang, để duy trì ổn định trong khu vực, tất cả các quốc gia phải cùng nhau hành động, và các tranh chấp cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế - trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - bình đẳng, cùng có lợi.
Gián tiếp chỉ trích Trung Quốc
Theo ghi nhận của báo Today tại Singapore, chủ tịch nước Việt Nam đã ám chỉ những hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông khi nêu bật các thách thức nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối phó, trong đó có vấn đề "tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo". Đối với ông Quang: "Tính chất nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại".
Điểm đáng chú ý là phát biểu vào hôm nay, chủ tịch nước Việt Nam đã không ngần ngại gợi ý rằng Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN có thể tìm kiếm thêm những cơ chế ngoại giao khác nhau để bổ sung cho quy tắc đồng thuận hiện hành.
Cần "bổ sung" nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN
Trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak, về nhận định của Việt Nam liên quan đến những khó khăn mà ASEAN gặp phải gần đây trong việc đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông, ông Quang đã cho rằng các thành viên ASEAN cần tìm kiếm thêm các cơ chế ngoại giao mới.
Theo báo Today, chủ tịch nước Việt Nam đã nói ngắn gọn như sau: "Chúng ta đều biết rằng nguyên tắc đồng thuận được ghi trong Hiến chương ASEAN... Nhưng với sự phát triển mới, chúng ta có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác".
Trả lời báo Today, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng chủ tịch nước Việt Nam có vẻ rất cởi mở trước khả năng điều chỉnh phương pháp làm việc của ASEAN hoặc là bổ sung thêm một số cơ chế để xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo ông Hiệp: "Trước lúc xẩy ra những sự cố gần đây, nguyên tắc đồng thuận rất hợp với Việt Nam và một số nước khác, vốn rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền. Nhưng với sự thất vọng của Việt Nam sau những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Việt Nam đang suy nghĩ về làm thế nào để lách được qua nguyên tắc này".
Uy tín của ASEAN đã bị sứt mẻ vì đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một quan điểm chung trên vấn đề Biển Đông do sự chống đối của một số quốc gia thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc - đặc biệt là Cam Bốt – bị cho là đã răm rắp chiều theo áp lực từ Bắc Kinh. - RFI
|
|
8.
Quan chức Trung Quốc nói gì với Bộ trưởng Quốc phòng VN?
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc hôm nay, 30/8, hội đàm tại Bắc Kinh sau đó ra tuyên bố nói rằng hai nước láng giềng nên “thúc đẩy hợp tác quốc phòng và đóng góp vào hòa bình khu vực”.
Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói với người đồng nhiệm phía Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, rằng quân đội Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như huấn luyện, phòng thủ biên giới, và các vấn đề an ninh đa phương”.
Chuyến công du của ông Lịch từ ngày 28 tới ngày 31/8 đánh dấu lần đầu tiên ông tới Trung Quốc trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến đi này “cho thấy tầm quan trọng của quan hệ quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc”.
Ông nói thêm:
“Điều đó không có nghĩa rằng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên cao nhất. Đó là ưu tiên, nhưng mà nó không phải là tất cả. Trong điều kiện Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra khu vực này, bằng tất cả những biện pháp, kể cả quyền lực ngầm, việc đi thăm Trung Quốc không có nghĩa là làm cho quan hệ quá gần gũi, hay là nó nghiêng về một bên nào. Nó cho thấy là để thích ứng và đối phó với sự thách thức từ Trung Quốc do điều kiện địa chiến lược của mỗi quốc gia”.
Theo hãng tin nhà nước của Trung Quốc, trong cuộc gặp với ông Lịch, phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng đôi bên “có thể xử lý phù hợp các khác biệt để đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực”.
Cả Xinhua và các hãng tin chính thống của Trung Quốc đều không nhắc tới biển Đông trong các bản tin của mình, nhưng tiến sĩ Trường nhận định rằng tranh chấp lãnh hải là “một phần quan trọng” và “không thể thiếu” trong nghị trình làm việc của ông Lịch ở Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu này nói thêm:
“Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam đi Trung Quốc mà lại không trao đổi về biển Đông thì không phải là Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam. Tất nhiên ông Bộ trưởng Quốc phòng thì liên quan đến quân sự và quốc phòng, làm thế nào phải để cho quan hệ đó minh bạch và có thể dự đoán được, và có thể kiểm soát được mối quan hệ đó. Quan hệ hai nước là hợp tác, nhưng đồng thời cũng có những khía cạnh đấu tranh”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lịch nói rằng hai nước “nên tăng cường hợp tác quân sự và đưa quan hệ quốc phòng trở thành một thành tố chính trong mối quan hệ song phương”.
Trong khi đó, tính tới 7 giờ 30 tối giờ Hà Nội ngày 30/8, truyền thông Việt Nam vẫn chưa đưa tin về cuộc hội đàm quan trọng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng nhiệm Trung Quốc. - VOA
|
|
9
VN mua tên lửa của Ấn Độ từng khiến TQ ‘quan ngại’?
Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới Việt Nam vào đầu tháng sau nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, và các nhà quan sát dự báo, đôi bên có thể ký thỏa thuận mua bán loại tên lửa từng khiến quân đội Trung Quốc buộc phải bày tỏ lo ngại.
Theo báo chí Việt Nam và Ấn Độ, ông Narendra Modi sẽ đặt chân đến Hà Nội vào đêm 2/9 và sẽ dành trọn ngày 3/9 để gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước chủ nhà.
Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt - Ấn “mang tính truyền thống” và “không có bất cứ một trở ngại gì”.
Ông nói thêm rằng Hà Nội và New Delhi lâu nay “quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng”:
“Quân sự là một trong bảy hay tám lĩnh vực hợp tác chủ chốt mà hai bên đã cam kết trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, và được nhắc lại trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Ấn Độ trước đây. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự cũng là một trong các mặt mà hai nước cùng quan tâm. Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong chuyện gia tăng năng lực quốc phòng của Việt Nam”.
Câu chuyện biển Đông “cũng là một nhân tố” thúc đẩy mối bang giao giữa New Delhi và Hà Nội, và theo ông Bình, việc “Ấn Độ điều chỉnh chính sách hướng đông sang hành động phía đông chứng tỏ rằng nước này quan tâm tới vấn đề biển Đông”.
Nhiều hãng tin quốc tế từng đưa tin về khả năng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình BrahMos. Hiện chưa rõ là thỏa thuận về loại tên lửa do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất có được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi hay không.
Trả lời báo điện tử VnExpress về việc Ấn Độ cân nhắc bán loại tên lửa này cho Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nói rằng “Việt Nam sẽ cân nhắc mua các loại vũ khí cần thiết, nhằm tăng cường khả năng tự vệ của mình. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, tên lửa, trong đó có BrahMos”.
Nhận định về việc Hà Nội mua vũ khí từ New Delhi, Tiến sĩ Ngô Xuân Bình nói:
“Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ cũng là một trong những nội dung của quan hệ quốc phòng hai bên. Tôi cho rằng câu chuyện Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam hay Việt Nam mua vũ khí của Ấn Độ là chuyện bình thường. Nếu vũ khí ấy, một là, nó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà Việt Nam đặt ra trong vấn đề phòng thủ, và giá cả nó hợp lý, thì người Việt Nam có thể mua. Trên thực tế, nghe nói rằng người ta sẽ mua. Tôi không nắm cụ thể về câu chuyện này lắm, nhưng qua báo chí, qua truyền thông, thì thấy rằng Việt Nam họ tính tới câu chuyện này. Trong tương lai, nếu Ấn Độ có các loại vũ khí hiện đại hơn, giá cả hợp lý hơn thì người Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mua”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/8 bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi các tin tức nói rằng New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tối tân dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Các quan chức quân sự Ấn Độ nói rằng nước này dự tính trang bị cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc tên lửa BrahMos trong nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở vùng biên.
Chính quyền của ông Modi từng lệnh cho liên doanh BrahMos, vốn sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Trong một diễn biến khác liên quan, báo điện tử VnExpress dẫn lời Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết rằng hai nước “có thể hoàn tất việc ký kết thoả thuận cung cấp 4 tàu cho Việt Nam trong gói tín dụng 100 triệu USD nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi”. - VO
|
|
10.
VN-Campuchia ký bản ghi nhớ về biên giới
Việt Nam và Campuchia vừa ký biên bản ghi nhớ về vấn đề cắm mốc biên giới sau cuộc họp từ 29 đến 30/8.
Văn bản do đại diện mỗi bên, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung và Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Campuchia Var Kimhong, ký sẽ được trình lên thủ tướng hai nước tiếp tục xem xét.
Trong văn bản vừa ký có nội dung đề nghị Pháp trợ giúp xác định đường biên sau khi có những tường thuật nói Việt Nam đào hồ chứa nước và xây một tiền đồn trên đất Campuchia.
Hai phía tuyên bố trong khi chờ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, hai nước sẽ "không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư".
Về mặt lịch sử, đường biên giới giữa hai quốc gia được xác định dựa vào bản đồ thời thuộc địa Pháp và Hiến pháp Campuchia.
Hai nước có kế hoạch đặt 317 điểm đánh dấu tính đến cuối năm nay và sau đó có kế hoạch đàm phán về đường biên trên biển.
Campuchia đã chi hơn 16 triệu đô la để làm các cột mốc, nhưng vẫn chưa các định được các tuyến vận chuyển để đưa các cột mốc tới vị trí nào, Reuters nói.
Hai bên tại cuộc họp xác định đã thực hiện được khoảng 83% việc phân giới, cắm mốc trên thực địa, trang tin thuộc Đài truyền hình Việt Nam nói, và "đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn" và "nhất trí tiếp tục thực hiện quản lý biên giới" theo các văn bản hai bên đã ký kết hồi 1983 và 1995.
Tuy nhiên, báo Bưu điện Campuchia (Cambodia Post) nói rằng cuộc họp kín kết thúc sau sáu tiếng thương thảo hôm 29/8 nhưng hai bên đã không thể đồng ý được về mức độ cần trợ giúp từ Pháp trong vấn đề phân định đường biên.
Báo này dẫn lời Bộ trưởng Var Kimhong nói phía Việt Nam nêu ra danh sách bảy điểm cần Pháp trợ giúp, nhưng phía Campuchia chỉ đồng ý được hai điểm và cho rằng năm điểm còn lại cần phải được giải quyết trực tiếp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông bộ trưởng từ chối cho biết nội dung bảy điểm mà phía Việt Nam nêu ra, nhưng nói mục tiêu của cuộc họp lần này là nhằm soạn thảo thư yêu cầu Pháp cung cấp các bản đồ đường biên có tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000.
Campuchia cáo buộc
Còn tờ Nhật báo Campuchia ngày 30/8 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói phía Việt Nam bác bỏ cáo buộc xây dựng trên các "vùng trắng" chưa được phân định dọc biên giới, nhưng sẽ xem xét các khiếu nại của Phnompenh.
"Thường thì Việt Nam nói là họ xây trên đất của họ," ông Long Visalo, Trợ lý Ngoại trưởng, được báo này trích lời nói lúc nghỉ giải lao giữa cuộc họp.
"Cuối cùng thì họ nói họ sẽ đưa vấn đề ra thảo luận với các bộ ngành liên quan."
Nếu các công trình được xây trên vùng đất có tranh chấp vẫn tiếp diễn, ông Visalo nói ông sẽ yêu cầu Hà Nội dỡ bỏ chúng.
Phía Campuchia nói việc xây dựng được thực hiện ở các tỉnh đường biên Ratanakkiri, Mondolkiri và Svay Rieng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Var Kimhong thúc giục người dân Campuchia không nên nhanh chóng cáo buộc Việt Nam "xâm chiếm" Campuchia khi việc phân định biên giới chưa hoàn tất.
“Xâm chiếm là dùng vũ lực. Còn đây là việc bí mật xây cất," ông nói về các cáo buộc Việt Nam lấn đất.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã không trả lời các câu hỏi của phóng viên khi ông rời cuộc họp, báo Bưu điện Campuchia nói.
Đảng đối lập ở Campuchia đã thúc giục chính phủ phải dừng tiến trình đàm phán về đường biên cho tới sau kỳ tổng tuyển cử tới, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào 2018.
Phe này nói Campuchia đã mất những vùng đất rộng lớn vào tay Việt Nam.
Thượng nghị sỹ Hong Sok Hour và nhà lập pháp Um Sam An từ phe đối lập, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đã bị tù do nói Việt Nam lấn đất hồi đầu năm nay.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/8, một cựu quan chức phụ trách vấn đề biên giới của Việt Nam nói "tất cả những công trình Việt Nam đang làm, những nhà cửa đang xây, những công trình thủy lợi đang làm rõ ràng là hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, chứ không phải nằm trên phía đất của Campuchia".
Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng thừa nhận là hai bên có "những quan điểm khác nhau, những nhận thức khác nhau" về khu vực mỗi bên quản lý. - BBC
|
|
11.
TS Nguyễn Quang A được đề cử giải thưởng
Tiến sĩ Nguyễn Quang A được chọn vào 10 ứng cử viên cho giải thưởng nhân quyền hàng năm của chính phủ Hà Lan.
Giải Nhân quyền Hoa Tulip cho phép công chúng bỏ phiếu qua mạng humanrightstulip.nl.
Từ ba người cao phiếu nhất, bộ trưởng ngoại giao Hà Lan sẽ chọn ra người được giải.
Việc bỏ phiếu qua mạng kéo dài đến ngày 7/9.
Giải nhân quyền này thành lập năm 2008, do Bộ Ngoại giao Hà Lan tổ chức.
Người được giải sẽ nhận được hỗ trợ đào tạo trị giá 25.000 euro.
Ngoài ra, một phần thưởng 75.000 euro được trao thêm cho người thắng giải để hỗ trợ công việc nhân quyền của họ.
Khi thông báo giải thưởng, Facebook Sứ quán Hà Lan ở Việt Nam giới thiệu TS Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, là "đã khuyến khích công dân thực hiện quyền của mình, quyền đã được Hiến pháp Việt Nam công nhận; ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ". - BBC
No comments:
Post a Comment