Monday, August 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 15/8

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc muốn né tránh chủ đề Biển Đông tại G20 --- Biển Đông phủ bóng quan hệ TQ và Singapore --- TQ tăng cường hiện diện hàng hải tại Scarborough

Theo hãng tin Bloomberg hôm nay 15/08/2016, Trung Quốc sẽ tìm cách giữ sao cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới tại Hàng Châu chỉ tập trung bàn về phát triển kinh tế, tránh né chủ đề Biển Đông.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm nay, khi được hỏi Trung Quốc sẽ cho phép thảo luận về Biển Đông trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 4 và 5 tháng Chín tới hay không, thứ trưởng Ngoại Giao Lý Bảo Đông (Li Baodong) nói rằng các nhà lãnh đạo không nên bị phân tâm vì các chủ đề khác.

Reuters ghi nhận ông Lý Bảo Đông đã không trả lời trực tiếp câu hỏi. Theo ông, hội nghị G20 Hàng Châu là về kinh tế, nếu muốn thành công cần phải tập trung vào mục đích phát triển kinh tế bền vững, mạnh mẽ và cân bằng. Ông nói : « Chúng tôi tin rằng các nước thành viên sẽ thảo luận về chủ đề quan trọng này và tìm ra giải pháp ».

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới họp thượng đỉnh vào lúc thương mại đang chậm lại và tăng trưởng toàn cầu ảm đạm. Trong cuộc gặp G20 tháng trước, các nhà hoạch định chính sách chú trọng đến tác động của việc Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và xu hướng bảo hộ đang tăng lên.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đóng vai trò quan trọng trong lịch trình ngoại giao của chủ tịch Tập Cận Bình, và Bắc Kinh hy vọng sẽ diễn ra suông sẻ.

Nhưng theo giới ngoại giao, cuộc gặp giữa Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo khác trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, được hy vọng là sẽ đề cập đến các chủ đề khó nuốt, như sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye hôm 12/7 khẳng định yêu sách chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò tự vẽ bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp.

Tháng trước Bắc Kinh đã ngăn chận được việc ASEAN ra thông cáo chung về Biển Đông, và trong tháng này đã cảnh cáo Ấn Độ không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông, nếu muốn « duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp » với Trung Quốc. - RFI

***
Quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đang trong tình trạng bất định, sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông. Theo các nhà quan sát, cho dù Singapore không đòi hỏi chủ quyền vùng biển này, nhưng các động thái liên quan gần đây của Singapore, đã khiến Bắc Kinh lo ngại.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc và Singapore có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là về kinh tế. Trong những thập kỷ qua Singapore đã trở thành nơi huấn luyện kỹ năng cho các quan chức Trung Quốc, và thường xuyên được các lãnh đạo Bắc Kinh nêu ra như tấm gương về quản lý đô thị.

Nhưng những phát biểu gần đây của thủ tướng Lý Hiển Long đã khiến Trung Quốc lo lắng về tương lai quan hệ hai nước.

Sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, ông Lý Hiển Long tuyên bố phán quyết là "sự khẳng định mạnh mẽ" về luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bắc Kinh đáp trả bằng cách kêu gọi Singapore nên có "thái độ khách quan và công bằng", trong vai trò người điều phối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

Bắc Kinh đã vô cùng tức tối khi Philippines, được Hoa Kỳ ủng hộ, đã nộp hồ sơ lên Tòa Trọng Tài năm 2013, tuyên bố sẽ làm ngơ trước mọi quyết định của tòa.

Ông Thẩm Thế Thuận (Shen Shishun), nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc cho rằng nếu Singapore có quan điểm tương tự như Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh sẽ coi đây là việc "đùa cợt với những vấn đề thuộc về nguyên tắc chủ đạo". Ông nói: "Trung Quốc tin rằng Singapore có thể giữ được cân bằng với các cường quốc, nhưng những vấn đề này không phải trò đùa. Là một quốc gia châu Á, Singapore cần phải gần gũi với Trung Quốc hơn".

Căng thẳng cũng đã khơi mào vào đầu tháng này, khi ông Lý Hiển Long nói với tổng thống Mỹ Barack Obama là ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động một cách tích cực ở Đông Nam Á. Ông Obama trả lời rằng Singapore và Mỹ là "các đối tác bền vững như bàn thạch".

Tờ Global Times, ấn bản của Nhân dân Nhật báo nổi tiếng là hung hăng, trong một bài xã luận nói rằng chuyến đi Mỹ của ông Lý Hiển Long khiến Trung Quốc cảm thấy "rất khó chịu". Đặc biệt là khi ông Obama ca ngợi Singapore là "một chiếc neo" cho sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á. "Hai chiếc neo" trước đây là Nhật Bản và Úc, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ với Trung Quốc không phải luôn căng thẳng như thế. Hồi năm 1978 lúc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore, ông rất ấn tượng và xin thủ tướng Lý Quang Diệu một lời khuyên để Trung Quốc có thể trở nên thịnh vượng. Ông Lý nói cần phải mở cửa với thế giới tư bản, và ba thập kỷ sau, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cải cách kinh tế thị trường.

Mối dây liên hệ về kinh tế cũng rất chặt chẽ. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, và đảo quốc sư tử là một nhân tố chủ chốt trong dự án Con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh. Các dự án giữa hai chính phủ như khu công nghiệp Tô Châu (Suzhou) và thành phố sinh thái Thiên Tân (Tianjin) cũng là những điểm chính trong việc hợp tác.

Thêm vào đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc thường xuyên gởi cán bộ sang Singapore học tập, nhiều người trong số đó nay đã là chủ tịch thành phố, thậm chí chủ tịch tỉnh tại Trung Quốc. Ngay cả phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang), vốn là bí thư tỉnh Quảng Đông, cũng đã dẫn nhiều phái đoàn đến Singapore nghiên cứu cung cách phát triển kinh tế xã hội.

Singapore cũng từng đón tiếp "Uông-Cô (Wang Koo) hội đàm" năm 1992, giữa ông Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) chủ tịch Hiệp hội vì quan hệ hai bên eo biển Đài Loan của Trung Quốc và ông Cô Chấn Phủ (Koo Chenfu), người đứng đầu tổ chức tương tự của Đài Loan. Cuộc gặp lịch sử tháng 11/2015 giữa ông Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Yingjeou), lần đầu tiên từ 70 năm qua, cũng diễn ra ở Singapore.

Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu tại S Rajaratnam School of International Studies, Singapore nhận định, Singapore có cùng quan điểm về tranh chấp Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác. Ông nói: "Hầu hết cho rằng trọng tài là giải pháp thông thường và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng pháp luật. Vì vậy chúng tôi không thấy có gì sai khi một lãnh đạo ASEAN bày tỏ cảm tưởng này".

Còn Du Jifeng, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phải cảnh giác nhiều hơn về vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng quan hệ kinh tế Trung Quốc-Singapore vẫn mạnh mẽ. Ông nhận xét: "Singapore không phải là nước yêu sách chủ quyền Biển Đông. Những lời bình luận của ông Lý Hiển Long không làm ảnh hưởng đến phương hướng giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines". - RFI

***
Trung Quốc đang tiến hành xây dựng lực lượng an ninh hàng hải xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi đang có tranh chấp với Philippines tại Biển Đông, bất chấp lời cảnh cáo không quân sự hóa khu vực này của Lầu Năm Góc.

Theo thông tin trên trang mạng Freebeacon, ngày 11/08/2016, các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết số lượng tầu hải cảnh của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborgouh, nằm trong quần đảo Trường Sa, đã tăng lên đáng đáng kể trong những tuần gần đây.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc chỉ triển khai hai đến ba chiến hạm gần bãi cạn đang có tranh chấp với Philippines. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ nắm rõ hồ sơ, con số này tăng lên khoảng 12 tầu trong vài tuần gần đây. Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa cả một đội hơn 100 tầu đánh cá đến bãi cạn Scarborough.

Những động thái trên trùng hợp với các hoạt động quân sự gây hấn khác đang được Bắc Kinh tiến hành trên Biển Đông, kể từ khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết bác bỏ hầu hết đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào đầu tháng 08/2016, oanh tạc cơ H-6K và chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên biển, trong đó có cả Scarborgough.

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc không đưa ra bất kỳ bình luận nào về những sự kiện trên. Tuy nhiên, cựu đại úy Hải Quân Mỹ Jim Fanell, đồng thời là cựu chỉ huy tình báo hạm đội Thái Bình Dương, nhận định: "Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện các tầu chiến tại Scarborgough có thể cho thấy Bắc Kinh quyết định bắt đầu quá trình chiếm đất trong và xung quanh bãi cạn để giúp quân đội Trung Quốc kiểm soát lối vào Biển Đông tại phía bắc".

Cựu sĩ quan Mỹ nói tiếp: "Nếu tầu thuyền của Trung Quốc đóng tại vị trí trên, Hải Quân Mỹ khó lòng thay đổi được tình hình, một khi quá trình chiếm đóng bắt đầu như là đưa các tầu nạo vét đến hoạt động tại đây. Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải tăng cường các chuyến bay tuần tra trực tiếp trên hòn đảo và phải chia sẻ thông tin với báo chỉ để vừa xác nhận hay phủ nhận các hoạt động mà Trung Quốc tiến hành".

Theo nhận định được đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (13/08), có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến "một bước đi lớn" tại Biển Đông vào tháng Chín, sau hội nghị G-20 và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. - RFI
|
|

2.
Ba lãnh tụ "Cách mạng Dù" Hồng Kông thoát án tù

Ba nhà đấu tranh dân chủ đóng vai trò quan trọng trong phong trào biểu tình đòi dân chủ được mệnh danh là "Cách mạng Dù" ở Hồng Kông năm 2014, hôm nay 15/08/2016 đã thoát được án tù giam vì tòa án công nhận tính chất chính trị trong các hành động của họ.

 Thẩm phán Trương Thiên Nhạn (June Cheung) hôm nay nhận định ba bị cáo Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) chưa hề có tiền án tiền sự, và động cơ của họ mang tính chính trị xã hội.

Bà nói: "Tòa án cho rằng vụ này không phải là một vụ án hình sự thông thường. Tôi công nhận họ thành thật muốn bày tỏ quan điểm, như vậy sẽ bất công đối với các bị cáo nếu áp đặt một bản án nặng nề vì không khí chính trị".

Hoàng Chi Phong, 19 tuổi, bị cáo buộc đã tham gia một cuộc biểu tình bất hợp pháp hôm 26/09/2014, cùng với các sinh viên khác leo qua các hàng rào sắt để xâm nhập vào Civic Square, khu vực tòa nhà chính phủ. Hành động này châm ngòi cho phong trào biểu tình đòi dân chủ quy mô tại Hồng Kông. Hai ngày sau, đông đảo người dân đã xuống đường, cảnh sát xịt hơi cay vào đám đông, người biểu tình giương dù ra tự vệ.

Còn hai khuôn mặt khác của phong trào là Chu Vĩnh Khang, 25 tuổi bị cáo buộc tham dự vào cuộc biểu tình trên ; và La Quán Thông, 23 tuổi do cổ vũ các bạn học tham gia.

Hoàng Chi Phong và La Quán Thông bị phạt lao động công ích, Chu Vĩnh Khang do có dự định đi du học, lãnh án ba tháng tù treo ; trong khi cả ba có nguy cơ bị mức án hai năm tù giam. Ba bị cáo đã hoan nghênh bản án của tòa.

Hoàng Chi Phong nói: "Tòa án đã thừa nhận cuộc Cách mạng Dù, và việc vào Civic Square không hề vì lợi ích cá nhân mà nhằm bảo vệ những giá trị chung". La Quán Thông tái khẳng định cả ba hành động vì "công lý, lợi ích xã hội và quyền công dân của người dân", tòa án đã "gởi đi thông điệp kêu gọi tôn trọng các quyền này".

Về phía Human Rights Watch thì đả kích tư pháp Hồng Kông đã không khép lại vụ án, coi đây là việc "vi phạm tự do ngôn luận và tự do hội họp". Tháng trước khi ba lãnh tụ sinh viên bị cáo buộc, Amnesty International tố cáo "bản án làm người ta lo sợ cho tự do ngôn luận và quyền biểu tình một cách ôn hoà".

Theo thỏa thuận khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, cựu thuộc địa được hưởng tự do không mơ thấy nổi tại Hoa lục nhờ nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" đến năm 2047. Nhưng nay nhiều người cảm thấy những quyền tự do này đang bị xói mòn. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Milwaukee trải qua đêm bất ổn thứ 2 sau vụ nổ súng của cảnh sát

Thành phố phía bắc của Mỹ Milwaukee đã trải qua đêm thứ hai trong tình trạng bất ổn hôm 14/8, với vụ cảnh sát chống bạo động đụng độ với một nhóm người biểu tình phản đối việc giết chết một người đàn ông da đen của cảnh sát.

Sở Cảnh sát Milwaukee cho biết một người đã bị bắn trong các cuộc biểu tình và họ đã sử dụng một chiếc xe bọc thép để đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Các giới chức đã ra lệnh cho người dân phải giải tán và tin cho hay họ đã bị ném đá và các vật dụng khác vào người. Sở cảnh sát cũng cho biết nhiều người đã bị bắt.

Các cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra vào đêm thứ Bảy, 13/8, sau khi một viên cảnh sát đã bắn Sylville Smith, 23 tuổi vào ngực và cánh tay sau khi dừng xe anh này vì có hành vi đáng ngờ, theo mô tả của các giới chức.

Cảnh sát trưởng Edward Flynn nói với các nhà báo hôm 14/8 rằng Smith đã chạy nhiều mét khỏi xe của anh ta trước khi viên cảnh sát, cũng là người da đen, nổ súng. Cảnh sát trưởng cho biết Smith có trang bị một khẩu súng và đã chĩa vào viên cảnh sát. - VOA
|
|

4.
Giải mã chiến lược Biển Đông của Mỹ thời “hậu phán quyết PCA”

Kể từ lúc Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA phán quyết hôm 12/07/2016 rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh đã liên tục có những hành vi hù dọa và thị uy, cả bằng lời lẽ lẫn hành động thực tế. Trong bối cảnh đó, Washington đã có những phản ứng khác nhau, về ngoại giao thì chủ trương hòa hoãn, nhưng về quân sự thì tiếp tục tăng cường lực lượng qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Về các hành vi hù dọa của Trung Quốc, giới quan sát đã ghi nhận những cuộc tập trận liên tiếp của Hải Quân Trung Quốc tại vùng Biển Đông, và nhất là hai phi vụ diễn tập “tuần tra tác chiến” trên không phận Biển Đông, đặc biệt là trên vùng quần đảo Trường Sa, và bãi cạn Scarborough, hai nơi được nhắc đến trong phán quyết phủ nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Còn trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh không từ một thủ đoạn nào để ép các nước khác không đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, thậm chí không nhắc đến văn kiện này.

Mỹ đối với Trung Quốc : Mềm về ngoại giao, cứng về quân sự

Trước những hành vi nói trên của Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã có những phản ứng mềm mỏng khác thường, nhất là trên bình diện ngoại giao, chẳng hạn như không can thiệp nhiều tại các diễn đàn ASEAN khi Trung Quốc tăng sức ép bịt miệng khối Đông Nam Á trên vấn đề phán quyết Biển Đông, hoặc liên tiếp cử phái viên cao cấp đến Bắc Kinh như cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice hay tư lệnh Hải Quân John Richardson.

Tuy nhiên, trên hiện trường châu Á, các giới chức quân sự Mỹ vẫn năng nổ hành động, với những tuyên bố cứng rắn của giới lãnh đạo Hải Quân, và nổi bật nhất là việc điều hai loại oanh tạc cơ chiến lược tối tân nhất của không lực Mỹ hiện nay là B1 và B2 đến đảo Guam, ngoài khơi Philippines.

Giới chức không quân Mỹ nêu lý do tình hình bán đảo Triều Tiên và các đe dọa đến từ Bình Nhưỡng, nhưng các nhà quan sát đều ghi nhận sự kiện các oanh tạc cơ này được bố trí sát cạnh Biển Đông, nơi Không Quân Trung Quốc càng lúc càng diễu võ giương oai.

Gs Nguyễn Mạnh Hùng: B1 và B2 đến Guam để thị uy và răn đe

Để hiểu rõ thêm về chiến lược Biển Đông của Mỹ sau khi Trung Quốc bị trúng một ngón đòn pháp lý cực mạnh của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, RFI đã phỏng vấn giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), một quan sát viên kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Châu Á và Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trước hết ghi nhận tính chất thị uy mạnh mẽ của việc Hoa Kỳ quyết định điều loại oanh tạc cơ tối tân nhất của mình qua đảo Guam. Một trong những mục tiêu hiển nhiên là răn đe Trung Quốc, cảnh cáo nước này là không nên thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như từng làm trên Biển Hoa Đông. Phản ứng tức tối sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, Bắc Kinh từng dọa là sẽ tuyên bố vùng phòng không trên Biển Đông.

Nguyễn Mạnh Hùng: … Răn đe là vì sau phán quyết đó, Hoa Kỳ đã lên tiếng khuyến cáo tất cả các quốc gia là đừng có thêm hành động leo thang, và phải tuân thủ luật quốc tế, nhất là tuân thủ phán quyết của tòa án. Hoa Kỳ cũng không muốn Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương lấn lướt… 

Điểm quan trọng thứ hai là Mỹ rất quan tâm đến việc Trung Quốc có khả năng lập ra một vùng nhận dạng phòng không. Mỹ cũng đã cảnh cáo Trung Quốc là không nên tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. 

Tuyên bố kết thúc cuộc thảo luận chiến lược tay ba Mỹ-Úc-Nhật ở Vientiane ngày 25/07 vừa qua, nhân hội nghị ngoại trưởng ASEAN, cũng nhấn mạnh đến quyền tư do lưu thông hàng hải và hàng không, tức là chống việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Việc điều oanh tạc cơ B1 và B2 đến sát vùng Biển Đông thể hiện một quan điểm cứng rắn của giới chức quân sự Hoa Kỳ. Điều đó có phần đối lập với đường lối ngoại giao có vẻ hòa dịu mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, các động thái của giới quân đội, và đường lối ngoại giao mềm dẻo của Washington hiện nay không hề mâu thuẫn với nhau:

Nguyễn Mạnh Hùng: Khác biệt trong tuyên bố của giới lãnh đạo quân đội Mỹ, nhất là giới lãnh đạo Hải Quân, với những tuyên bố của Nhà Trắng là điều rất dễ hiểu. Phía Hải Quân chỉ nói để nói thôi, còn phía Nhà Trắng nói thì phải làm, nên họ có thể dùng ngôn từ ngoại giao hơn. 

Riêng về phía quân đội Mỹ, họ rất quan tâm đến nhu cầu phải có ngân sách đầy đủ để phục vụ chính sách xoay trục và họ cũng muốn thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Do vậy, những tuyên bố gần đây của họ phản ảnh ý hướng đó.

“Hoa Kỳ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai”

Ngược lại, Nhà Trắng phải thận trọng hơn trong tuyên bố vì phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã là một thất bại pháp lý và ngoại giao của Trung Quốc. Một học giả thuộc Council on Foreign Relations có nói là bây giờ Trung Quốc thua rồi nên họ có thể hung hăng và nguy hiểm hơn. Thành ra chính quyền Hoa Kỳ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai, khiến họ phải phản ứng mạnh. 

Nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền Mỹ hòa hoãn. Qua đường lối ngoại giao kín đáo (quiet diplomacy), chính quyền Obama đã có những tín hiệu rất rõ cho Trung Quốc là không nên đi quá mức, nhất là trong việc xây dựng và quân sự hóa bãi Scarborough vì hai lý do: (1) Phán quyết của Tòa Trọng Tài nói rõ rằng Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; (2) Bãi Scarborough có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng vì rất gần Subic Bay – chỉ cách khoảng 130 hay 140 hải lý – tức là gần căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở đấy. Thành ra Hoa Kỳ không muốn căn cứ của họ bị vulnerable – dễ bị tổn thương (tức là bị đe dọa) từ phía lực lượng Trung Quốc.

Chính vì tầm quan trọng này mà chính tổng thống Obama đã nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc họp thượng đỉnh về an ninh nguyên tử tháng Ba 2016 rằng việc xây cất trên đá Scarborough sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”. Tóm lại Mỹ không hề hòa hoãn mà đã có thái độ rất rõ ràng. 

Mỹ dứt khoát bảo vệ tự do lưu thông hàng hải

Chính sách của Mỹ, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là không muốn để xẩy ra đụng độ không cần thiết với Trung Quốc, và khuyến khích Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo để đạt mục đích này.

Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu bị mất mặt, Trung Quốc có thể bị bắt buộc phải phản ứng mạnh. Nếu họ không mất mặt thì (vấn đề) may ra có thể có triển vọng giải quyết. 

Ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, Mỹ đã cử bà cố vấn an ninh quốc gia là Susan Rice đi Bắc Kinh để yêu cầu Trung Quốc đừng leo thang thêm. Gần như cùng một lúc, đô đốc Tư Lệnh Hải Quân Mỹ Richardson cũng được cử đi Trung Quốc để - như lời ông ấy nói – “tăng cường hiểu biết và trao đổi giữa Hải Quân hai nước”.

Nhưng cùng lúc đó, ông Richardson cũng nói là việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải là chính sách dứt khoát của Mỹ và Washington không nhân nhượng trên vấn đề này.

Thành ra mình thấy hai đường: một mặt là ngoại giao mềm dẻo, một mặt khác là phát ra những tín hiệu chắc chắn, và Mỹ cũng có những động thái để ngăn chặn những động thái lấn lướt sắp tới của Trung Quốc nếu họ muốn tiến tới.

Ví dụ, ngay sau khi phán quyết được công bố ngày 12/07/2016, những ngày sau, liên tiếp đã có một số những thông cáo, nào là của đảng Dân Chủ ở hai viện Quốc Hội Mỹ, nào là tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao, Ủy Ban Quốc Phòng, rồi tuyên bố chung của ông John McCain với ông Dan Sullivan… 

Đấy là những hành động thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng cũng như của cả hai viện Quốc Hội Mỹ, nói lên quan tâm của họ đối với phán quyết của Tòa Thường Trực, mà họ yêu cầu là phải tuân thủ.

Shamefare, lawfare và… warfare 

Nhìn chung, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược Biển Đông của Hoa Kỳ sau khi yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông bị phán quyết PCA phủ nhận, có thể được tóm gọn trong những điểm sau:

(1) Phát động chiến dịch tuyên truyền ủng hộ phán quyết của quốc tế, gây áp lưc buộc Trung Quốc tuân thủ và giải quyết tranh chấp trên căn bản luật quốc tế và tương nhượng lẫn nhau;

(2) Tăng cường hiện diện quân sự, phát triển quan hệ quốc phòng với đồng minh và đối tác nhằm tạo nên một cán cân lực lượng thuận lợi ở Châu Á-Thái Bình Dương;

(3) Kín đáo tăng cường số lượng và mức độ của các cuộc tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không, căn cứ phần nào vào kết quả của phán quyết;

(4) Phối hợp với các đồng minh, chuẩn bị đối đầu với các hành động lấn lướt của Trung Quốc;

(5) Cương quyết không cho Trung Quốc quân sự hóa đá Scarborough.

(6) Thông báo rõ cho Trung Quốc biết đâu là quyền lợi và phản ứng của Mỹ trước khi Trung Quốc hành động.

Toàn văn bài phỏng vấn

RFI: Hoa Kỳ đã liên tiếp điều oanh tạc cơ chiến lược B1 rồi B2 đến đảo Guam. Giáo sư nhận định sao về động thái này?

Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là một hành động để biểu dương lực lượng và cũng trong khuôn khổ chính sách tái phối trí lực lượng của Mỹ hướng về châu Á - Thái Bình Dương.

RFI: Phải chăng động thái điều thêm B1 và B2 đến sát hiện trường Biển Đông, cũng nhằm răn đe Trung Quốc vốn không loại trừ việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như là một phản ứng phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực?

Nguyễn Mạnh Hùng: Có hai điểm: Điểm thứ nhất là răn đe là tại vì sau phán quyết đó, Hoa Kỳ đã lên tiếng khuyến cáo tất cả các quốc gia là đừng có thêm hành động leo thang, và phải tuân thủ luật quốc tế, nhất là tuân thủ phán quyết của tòa án. Hoa Kỳ cũng không muốn Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương lấn lướt, thì đây là một hành động cũng trong mục đích răn đe.

Điểm quan trọng thứ hai là Mỹ rất quan tâm đến việc Trung Quốc có khả năng lập ra một vùng nhận dạng phòng không. Mỹ cũng đã cảnh cáo Trung Quốc là không nên tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Tuyên bố kết thúc cuộc thảo luận chiến lược tay ba Mỹ-Úc-Nhật ở Vientiane ngày 25/07 vừa qua, nhân hội nghị ngoại trưởng ASEAN, cũng nhấn mạnh đến quyền tư do lưu thông hàng hải và hàng không, nghĩa là chống việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

RFI: Các hành động của giới quân đội Mỹ có mâu thuẫn với thái độ nhìn chung là hòa hoãn vào lúc này của chính quyền Obama trên vấn đề Biển Đông hay không?

Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất là sự khác biệt trong tuyên bố của giới lãnh đạo quân đội Mỹ, nhất là giới lãnh đạo Hải Quân với những tuyên bố của Nhà Trắng là điều rất dễ hiểu. Phía Hải Quân chỉ nói để nói thôi, còn phía Nhà Trắng nói thì phải làm, nên họ có thể dùng ngôn từ ngoại giao hơn.

Riêng về phía quân đội Mỹ, họ rất quan tâm đến nhu cầu phải có ngân sách đầy đủ đểphục vụ chính sách xoay trục và họ cũng muốn thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hang hải (FONOPS) một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Do vậy, những tuyên bố gần đây của họ phản ảnh ý hướng đó.

Ngược lại, Nhà Trắng phải thận trọng hơn trong tuyên bố vì phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã là một thất bại pháp lý và ngoại giao của Trung Quốc. Một học giả thuộc Council on Foreign Relations có nói là bây giờ Trung Quốc thua rồi nên họ có thể hung hăng và nguy hiểm hơn. Thành ra chính quyền Hoa Kỳ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai khiến họ phải phản ứng mạnh.

Nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền Mỹ hòa hoãn: Qua đường lối ngoại giao kín đáo (quiet diplomacy), chính quyền Obama đã có những tín hiệu rất rõ cho Trung Quốc là không nên đi quá mức, nhất là trong việc xây dựng và quân sự hóa bãi Scarborough vì hai lý do: (1) Phán quyết của Tòa Trọng Tài nói rõ rằng Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; (2) Bãi Scarborough có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng vì rất gần Subic Bay – chỉ cách khoảng 130 hay 140 hải lý thôi – tức là gần căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở đấy. Thành ra Hoa Kỳ không muốn căn cứ của họ bị vulnerable – dễ bị tổn thương (tức là bị đe dọa) từ phía lực lượng Trung Quốc.

Chính vì tầm quan trọng này mà chính tổng thống Obama đã nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc họp thượng đỉnh về an ninh nguyên tử tháng Ba vừa qua rằng việc xây cất trên đá Scarborough sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”. Tóm lại Mỹ không hề hòa hoãn mà đã có thái độ rất rõ ràng.

RFI: Mỹ đã trở nên hòa hoãn hơn với Trung Quốc vì không muốn Bắc Kinh bị mất mặt quá sau khi đã mất mặt vì phán quyết của Tòa Trọng Tài?

Nguyễn Mạnh Hùng: Vâng. Nếu họ mất mặt thì họ có thể bị bắt buộc phải phản ứng mạnh. Nếu họ không mất mặt thì (vấn đề) may ra có thể có triển vọng giải quyết.

Ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, Mỹ đã cử ngay bà cố vấn an ninh quốc gia là Susan Rice đi Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc đừng leo thang thêm. Gần như cùng một lúc, đô đốc Tư Lệnh Hải Quân Mỹ Richardson cũng được cử đi Trung Quốc để - như lời ông ấy nói – “tăng cường hiểu biết và trao đổi giữa Hải Quân hai nước”.

Nhưng cùng lúc đó, ông ấy cũng nói là việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải là chính sách chắc chắn của Mỹ và Washington không nhân nhượng trên vấn đề này.

Thành ra mình thấy hai đường: một mặt là ngoại giao mềm dẻo, một mặt khác là phát ra những tín hiệu chắc chắn, và Mỹ cũng có những động thái để ngăn chặn những động thái lấn lướt sắp tới của Trung Quốc nếu họ muốn tiến tới.

Ví dụ, ngay sau khi phán quyết được công bố ngày 12/07/2016, những ngày sau, liên tiếp đã có một số những thông cáo, nào là của đảng Dân Chủ ở hai viện Quốc Hội Mỹ, nào là tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao, Ủy Ban Quốc Phòng, rồi tuyên bố chung của ông John McCain với ông Dan Sullivan…

Đấy là những hành động thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng cũng như của cả hai viện Quốc Hội Mỹ, nói lên quan tâm của họ đối với phán quyết của Tòa Thường Trực, mà họ yêu cầu là phải tuân thủ.

RFI: Giáo sư nhận định sao về chiến lược “hậu PCA” của Mỹ ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là họ làm áp lực với Trung Quốc. Nhưng theo tôi, việc sau đó họ sẽ hành động mạnh hơn là điều không thể chắc chắn. Hiện nay, Mỹ đã có những hành động gọi là vừa vuốt ve, vừa làm áp lực.

1/ Trước hết phát động một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài, gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ và giải quyết tranh chấp trên căn bản luật quốc tế và tương nhượng lẫn nhau. Người ta gọi lối hành động này là shamefare, tức là làm cho Trung Quốc phải xấu hổ, và lawfare, tức là dùng luật buộc Trung Quốc phải thi hành nghĩa vụ của họ.

2/ Đó là về tâm lý và tuyên truyền. Còn trên mặt thực tiễn, thì Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự, phát triển quan hệ quốc phòng với đồng minh và đội tác, tạo nên cái được lãnh đạo hai viện Quốc Hội gọi là “tạo một cán cân lực lượng thuận lợi ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

3/ Điểm thứ ba là đã có đề nghị tăng cường sô lượng và mức độ của các cuộc tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không, căn cứ một phần nào vào kết quả của phán quyết. Nhưng hành động này phải được tiến hành một cách kín đáo, không làm lộ liễu hay tuyên bố “tùm lum”, sao cho công việc ngày càng có hiệu quả hơn.

4/ Một điểm nữa là tất cả mọi người, tất cả các think-tank đều khuyến cáo là phải phối hợp với các đồng minh, để chuẩn bị đối đầu với các hành động lấn lướt có thể có của Trung Quốc. Chuyện này Mỹ đang làm.

5/ Một điểm khác là cương quyết không cho Trung Quốc quân sự hóa đá Scarborough. Điều này vẫn chưa xẩy ra.

6/ Cuối cùng thì có rất nhiều khuyến cáo là Mỹ phải bằng mọi cách thông báo rõ rệt cho Trung Quốc biết đâu là quyền lợi và phản ứng của mình trước khi Trung Quốc hành động, tức là trước khi xẩy ra sự đã rồi.

Mỹ phải nói rõ là mình sẽ làm gì, và đó là lý do tại sao có một số người đề nghị là Mỹ phải nói rõ hơn về việc nếu Trung Quốc tấn công bãi Scarborough, thì Mỹ phải tuân thủ hiệp ước phòng thủ với Philippines. Điều này Mỹ chưa làm.

Một điểm thứ hai nữa là một số người, nhất là ông Joseph Bosco, một chuyên gia về Đài Loan, cũng nói là Mỹ không nên duy trì sự mập mờ chiến lược (strategic ambiguity) về vấn đề Đài Loan, mà phải nói rõ rệt là nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì Mỹ sẽ có phản ứng... - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Còn nhiều dư âm sau khi Formosa ‘nhận tội’ ở Việt Nam

Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, do Đài Loan đầu tư, đã bị cáo buộc xả chất thải độc hại gây ô nhiễm đại dương vào tháng 4, khiến 80 tấn cá chết trắng trên bờ biển. Vụ việc này được xem là một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất của Việt Nam. Nhưng những nhà quan sát và những nhà hoạt động tại Việt Nam nói rằng mức tiền phạt kỷ lục đối với Formosa không những không đền bù đủ cho tất cả những người bị thiệt hại mà cũng không phát đi một cảnh báo đủ nghiêm khắc đối với những công ty sản xuất hàng xuất khẩu khác.

Vào tháng Sáu, chính phủ Việt Nam phạt nhà máy Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh 500 triệu đôla. Đây được coi là khoản tiền lớn nhất từ trước tới giờ nhắm vào một công ty hoạt động ở Việt Nam vì vụ cá chết hàng loạt dọc theo 200 kilômét bờ biển miền Trung. Nhà máy sản xuất thép này cũng đã tạ lỗi và đồng ý xử lý hệ thống nước thải.

Nhưng những người hiểu rõ vấn đề nói rằng khoản tiền đó không đủ đền bù những tổn hại vẫn tiếp diễn đối với các ngư dân, khu du lịch và những người dân địa phương có thể đã mắc những bệnh về da vì tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. Họ cũng hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ kiểm tra nước biển để bảo đảm mức độ an toàn.

Việc chính phủ Việt Nam đi xa tới đâu trong vụ cá chết sẽ gửi đi một tín hiệu đến hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đã thành lập những nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam, nơi có chi phí sản xuất thấp, và nhờ đó đã giúp nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 30 phần trăm trong 5 năm qua để đạt mức GDP 193 tỉ đôla trong năm 2015.

Luật sư Lê Công Định từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ:

"Chúng tôi muốn dùng trường hợp của Formosa để cảnh báo mọi doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi không muốn họ vì lợi nhuận mà bất chấp việc bảo vệ môi trường cũng như sinh mạng của người dân. Vì thế, chúng tôi muốn họ tuân thủ luật pháp và đáp ứng điều kiện về môi trường."

Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói với truyền thông trong nước rằng khoản tiền đó chỉ đủ trang trải những thiệt hại vật chất trực tiếp, chưa kể tới những thiệt hại tâm lý đối với ngư dân bị mất thu nhập. Ông gọi khoản tiền này là "quá nhỏ."

Chia sẻ tâm trạng đó, người Việt Nam sinh sống tại Đài Loan tuần trước đã lên tiếng đòi chủ đầu tư nhà máy thép này, Tập đoàn Nhựa Formosa, rời khỏi Việt Nam.

Ông Trần Bang, người nghiên cứu vụ việc vào tháng 4, nói: "Khi xuất hiện thông tin về vụ cá chết hàng loạt ở miền trung, vì tôi là kỹ sư, nên tôi biết vấn đề đó xuất phát từ hệ thống xả thải của Formosa ra biển. Nếu không có công nghệ tốt để kiểm soát chất thải thì rất nguy hiểm cho môi trường."

Còn theo lời nhà báo độc lập Trương Minh Đức, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, chính quyền Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn vì khoảng năm triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết hàng loạt và một số người vẫn chưa hồi phục được. 
 
Ông Đức và những nhà hoạt động khác nói rằng ngư dân đánh bắt ở vùng biển gần nhà máy thép đang thu được chỉ bằng một phần năm số lượng mà họ có thể có vào thời điểm này một năm trước, và những nhà sản xuất nước mắm đang bị nghi sử dụng cá chết bất hợp pháp.

Những cơ quan môi trường cần kiểm tra chất lượng nước của đại dương đã bị ô nhiễm, theo lời ông Trần Bang, một kỹ sư và nhà hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết một báo cáo độc lập cho thấy hàm lượng sáu loại hóa chất cao quá mức.

Tuy nhiên, Đà Nẵng hồi tháng Tư nói với truyền thông địa phương rằng biển của họ an toàn và có thể tắm được.

Một số người ngờ rằng chính phủ đã nương tay với Formosa để bảo vệ khoản đầu tư 10,5 tỷ đôla của công ty này.

Doanh số hải sản đã giảm trên khắp cả nước, nhưng ông Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng rất nhiều người đã ngưng nói về chuyện ô nhiễm biển vì “đã tìm ra thủ phạm là một công ty nước ngoài”. - VOA
|
|

6.
Chuyên gia Nga: Tên lửa Việt Nam tại Trường Sa dễ bị dập

Thông tin về việc Việt Nam dường như đã bố trí một số giàn phóng phi tên lửa EXTRA của Israel ra năm địa điểm tại quần đảo Trường Sa rất được báo chí Nga chú ý. Tờ báo mạng Sputnik số ra ngày 14/08/2016 đã trích dẫn một chuyên gia cho rằng động thái này của Việt Nam chỉ có giá trị phô trương, còn khi lâm trận, các giàn pháo của Việt Nam rất dễ bị triệt hạ.

Trong một bài phân tích, tờ Sputnik đã tỏ ý lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông với việc các nước càng lúc càng tăng cường lực lượng quân sự trong vùng vì không tìm được giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp. Riêng về tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, tờ báo Nga nêu bật sự kiện là nhiều chuyên gia phân tích địa lý chính trị Nga cho rằng Matxcơva, một đối tác của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội, có thể đóng một vai trò then chốt trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước.

Dĩ nhiên, tờ báo đã nêu lại thông tin được hãng Reuters hôm 10/08 tiết lộ theo đó một số nguồn tin phương Tây đã cho biết là Hà Nội đã cho chuyển một số giàn phóng tên lửa di động từ đất liền ra 5 vị trí khác nhau ở Trường Sa. Theo giới chuyên gia, thì những cơ sở của Trung Quốc ở các đảo lân cận đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Việt Nam.

Đúng như người ta dự đoán, truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo là động thái trên của Việt Nam sẽ là một "sai lầm ghê gớm" và nói thêm rằng Việt Nam nên "ghi nhớ và rút ra một số bài học trong lịch sử", ám chỉ 3 tuần lễ chiến tranh Việt-Trung năm 1979.

Tờ báo Nga đã nhắc lại rằng quần đảo Trường Sa bao gồm khoảng 100 hòn đảo nhỏ, tổng diện tích tính ra không đầy 5 cây số vuông, thức thể lớn nhất là đảo Ba Bình/Thái Bình - tên quốc tế là Itu Aba, chỉ có diện tích khoảng 46 ha. Quần đảo tuy nhiên lại trải rộng trên một vùng biển hơn 400.000 cây số vuông.

Chuyên gia phân tích kiêm nhà báo Nga Boris Stepnov, trên trang PolitRussia, đã ghi nhận thực tế là đám đảo nhỏ đó hiện có 6 bên tranh chấp chủ quyền - Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Brunei - cho dù đại đa số các thực thể địa lý có liên quan khó có thể được gọi là đảo.

Riêng về động thái mới nhất của Việt Nam, cho đặt giàn phóng tên lửa trong khu vực, nhà báo Stepnov đánh giá: "Đây là hành động hệ trọng nhất mà Việt Nam thực hiện trong khu vực trong những năm gần đây... Hiển nhiên là động thái đó bắt nguồn từ phán quyết thuận lợi cho Philippines của Tòa án La Haye ngày 12/07, khi cho là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý".

Tên lửa di động trên đảo hẹp không có ý nghĩa 

Tuy nhiên, tờ Sputnik đã trích dẫn nhà nghiên cứu Vasily Kashin, thuộc Viện Nghiên Cứu Viễn Đông Nga trên nhật báo Nga Kommersant, nhận định là động thái của Việt Nam không có ý nghĩa gì nhiều nếu xét về mặt giá trị quân sự quy ước.

Chuyên gia này giải thích: "Trong một trận chiến thực thụ, sự sống còn của những hệ thống tên lửa này tùy thuộc vào khả năng rút đi nhanh chóng để tránh bị phản pháo". Cho nên, "khi quyết định bố trí các giàn phóng tên lửa này trên những thực thể chỉ rộng khoảng 100x100 mét, tức là không có chỗ để hoạt động, thì động thái đó chỉ mang tính chất phô trương mà thôi".

Tờ Sputnik cũng nhắc lại rằng bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản ứng trước việc Việt Nam triển khai tên lửa bằng tuyên bố "dứt khoát chống lại việc (Việt Nam) chiếm đóng đảo và bãi đá tại Trường Sa của Trung Quốc... (và) triển khai quân sự và xây dựng trái phép trên đó".

Tuy nhiên, theo Sputnik, nhà báo Stepnov cho rằng, công bằng mà nói, thì "trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng những cơ sở được sử dụng cho cả mục tiêu dân sự lẫn quân sự". Stepnov còn ghi nhận thêm:

"Hơn thế nữa, từ năm 2013, Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng bến cảng... Dĩ nhiên là Trung Quốc cho đấy là những hạ tầng cơ sở dùng cho những mục tiêu hòa bình - có nghĩa là những chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ hay nghiên cứu về lưu thông hàng hải. Tuy nhiên, đối với các nhà phân tích nước ngoài, thì mục tiêu chính của Trung Quốc là tăng cường tiềm năng quân sự trong vùng. Nhất là Trung Quốc đã xây phi đạo trên một số đảo nhân tạo".

Chuyên gia Nga tuy nhiên đã cho rằng cũng may là một cuộc chiến tranh thực thụ giữa Trung Quốc và Việt Nam, trước mắt khó xẩy ra. Stepnov giải thích: "Nếu Trung Quốc gây sức ép quá trớn lên Việt Nam, thì Việt Nam sẽ nhờ đến sự che chở của Mỹ, và đó rõ ràng là điều Trung Quốc không muốn…"

Bằng một giọng điệu hóm hỉnh, chuyên gia Nga đã cho rằng như thường lệ, dầu hỏa là nguyên do làm tranh chấp nảy sinh, thế nhưng ở Biển Đông, đó không phải là vấn đề duy nhất và ông giải thích: "Cứ nhìn yêu sách của Trung Quốc xem: Nó hơi bị quá đáng phải không?" - RFI
|
|

7.
Giáo phận Vinh cầu nguyện và lên tiếng về thảm họa môi trường

Sáng hôm nay 15 tháng 8 năm 2016, hàng chục ngàn giáo dân thuộc nhiều giáo xứ trong giáo phận Vinh đã tập trung về khuôn viên Tòa Giám Mục Vinh để tham dự lễ Đức Mẹ lên trời và đồng thời cầu nguyện cho tất cả người dân tại các khu vực có thảm họa mội trường do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Từ sáng sớm trên khắp các ngã đường đổ về Tòa Giám mục các giáo xứ tập trung chung với nhau, trên tay cầm các biểu ngữ ngoài các nội dung tôn giáo người ta còn thấy những yêu cầu như: Dung túng Formosa là phản bội dân Việt, yêu cầu chính phủ đóng cửa Formosa, chính quyền + Formosa đang ra tay tàn hại giáo phận Vinh, cùng với hàng trăm biểu ngữ khác được giáo dân cầm trên tay và trật tự tiến về điểm tập trung.

Anh Chu Mạnh Sơn một giáo dân của Giáo phận Vinh cho biết:

-Sáng nay vào lúc 7 giờ rất đông những đoàn xe ô tô xe khách, xe máy hành hương về giáo phận. Rất đông giáo dân ở giáo xứ phụ cận giáo xứ Chính tòa đã đi bộ tuần hành cũng như cầm các banner biểu ngữ có ghi yêu cầu nhà cầm quyền duổi Formosa ra khỏi Việt Nam, phải minh bạch trong vấn đề cá chết, Lạy mẹ Maria xin thương đến giáo phận chúng con. Rất nhiều banner yêu cầu nhà cầm quyền phải đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. 

Những người đi bộ đã tuần hành từ thị trấn Quan Hành đi bộ khoảng 3 cây số về nhà thờ Chính tòa. Trên đường đi có các linh mục cùng đồng hành và hô các khẩu hiệu yêu cầu nhà cầm quyền phải đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, nhà cầm quyền đã bán Formosa Hà Tĩnh 500 triệu bằng với bán đất nước Việt Nam cho Trung Cộng.

Anh Long, một giáo dân tham dự buổi lễ cho biết:

-Theo ghi nhận như năm ngoái thì năm nay có trên 40 ngàn giáo dân. Công an giao thông cỡ hàng chục người đến giữ trật tự cho bà con giáo dân xem lễ ngay trước cổng nhà thờ Chính Tòa số mặc áo vàng cũng phải mấy chục người.

Đây là lần đầu tiên một thánh lễ kết hợp với thái độ phản kháng chính quyền của giáo dân qua việc cho phép công ty Formosa tiếp tục hoạt động sau khi công ty này chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la cho hành vi xả chất thải độc hại ra biển miền Trung.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp chủ tế trong buổi lễ này, trong bài giảng của ngài đã có những chia sẻ như sau:

-Những ngổn ngang bề bộn và khó khăn của đất nước cũng như của vùng đất thân yêu này…chúng ta biết rằng bên cạnh một số tiến bộ của tiến trình hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới, đất nước chúng ta đang trải qua một tình trạng tranh tối tranh sáng mà xem ra tối nhiều hơn sáng. Đạo đức xuống thấp, tham những và lợi ích nhóm đang ngự trị khắp nơi. Giáo dục mất định hướng, bạo lực tràn lan, nợ công tăng cao chất lượng của cuộc sống giảm. Nhân phẩm và nhân quyền chưa được tôn trọng. Mức lương thấp, việc làm thiếu. Môi trường sinh thái bị tàn phá chưa bao giờ thấy trong lịch sử. Nông thôn và nông nghiệp đang bị bỏ rơi... Hơn bao giờ hết chúng ta phải tha thiết xin Đức Maria giúp chúng ta giữ vững căn tính Kitô hữu của mình. Có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai. Nhất quyết bảo vệ môi trường đồng thời hiệp thông với những người đang là nạn nhân của thảm họa môi trường biển cũng như nạn nhân của rất nhiều thảm họa khác.

Vào hôm Chủ Nhật ngày 7 tháng 8 vừa qua Giáo phận Vinh đã phát động “một ngày vì môi trường” thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn giáo dân trong giáo phận. Ngày vì môi trường được dân chúng đánh giá cao sự dấn thân vào xã hội của giáo phận Vinh. - RFA
|
|

8.
Tổng bí thư Trọng gặp lại cựu Thủ tướng Dũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 14/8 đã gặp lại ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được coi là cạnh tranh chức người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với ông hồi đầu năm. 

Cuộc diện kiến, theo báo chí trong nước, diễn ra nhân dịp ông Trọng tham dự Hội nghị gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nghỉ hưu ở khu vực phía nam. 

Ngoài cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu đảng còn gặp gỡ với các cựu quan chức khác như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

Tại buổi gặp này, theo báo chí trong nước, Tổng bí thư Việt Nam đã “thông báo tình hình trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong thời gian qua”. 

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh, người theo dõi sát tình hình xã hội ở Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ về diễn biến này:

“Cuộc gặp quan trọng này do ông Tổng bí thư và ông thường trực ban bí thư thực hiện là để đáp ứng yêu cầu của nguyên lãnh đạo của đảng và nhà nước quan tâm tới các vấn đề thời sự của kinh tế và xã hội trong nước. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có giải thích, và có nói lời kết. Chắc chắn đây là một sự kiện quan trọng và nó cũng không diễn ra theo một lịch trình thường lệ nào. Đây có lẽ là một diễn biến đặc biệt để làm rõ tình hình và các ý kiến đối với các đồng chí nguyên lãnh đạo”. 

Chuyên gia từng là thành viên của ban tư vấn kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói thêm rằng hành động của ông Trọng “là một trong các nỗ lực để tạo ra sự thống nhất về ý kiến trong đảng và trong xã hội về những vấn đề có tính chất cấp bách mà công luận đang quan tâm”. 

​‘Ráng làm người tử tế’

Truyền thông trong nước đưa tin, hai vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là biển Đông, nhất là phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài Quốc tế, và vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung do Formosa gây ra, đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo.

Trước đó một ngày, tại miền Bắc, Tổng bí thư Trọng cũng đã tham dự một cuộc họp mặt tương tự với sự tham gia của các cựu quan chức như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức nghỉ hưu hồi tháng Tư, sau khi người kế nhiệm Nguyễn Xuân Phúc được quốc hội thông qua và tuyên thệ nhậm chức.

Trong kỳ Đại hội Đảng 12 hồi tháng Một, ông Dũng “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.

Lời khuyên “ráng làm người tử tế, sống tử tế” của ông Dũng trong phiên họp cuối cùng trên cương vị người đứng đầu chính phủ Việt Nam hồi tháng Ba đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận.

Sau khi đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng trước tuyên bố “không để tái diễn” vụ Formosa, nhiều nhà quan sát cho rằng ông đang phải “xử lý di sản” của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng để lại. - VOA

No comments:

Post a Comment