Sunday, August 21, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 21/8

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh vạch "lằn ranh đỏ" với Tokyo trên Biển Đông --- Ông Duterte dọa rút Philippines khỏi Liên Hiệp Quốc

Trung Quốc đã vạch ra « một lằn ranh đỏ » đối với Nhật Bản trên vấn đề Biển Đông. Đó là không nên cùng với Mỹ tham gia những cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Thậm chí Bắc Kinh còn đe dọa dùng hành động quân sự để ngăn chặn. Lời cảnh cáo này được đưa ra hồi tháng 06/2016, nhưng mãi đến hôm qua, 20/08/2016, mới được một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ. 

Theo hãng tin Nhật Kyodo, chính đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa (Cheng Yonghua) đã nói với một quan chức cao cấp Nhật Bản rằng Tokyo sẽ vượt qua "một lằn ranh đỏ" nêu tham gia vào một "hành động quân sự chung với lực lượng Mỹ mà mục đích là loại Trung Quốc ra khỏi Biển Đông".

Nhân vật này còn đe dọa là Trung Quốc « sẽ không nhượng bộ trên về vấn đề chủ quyền và không sợ hành động khiêu khích quân sự ».

Trả lời đại sứ Trung Quốc, quan chức cao cấp Nhật Bản xác định rằng Nhật Bản không có kế hoạch tham gia các hoạt động của Mỹ, nhưng đồng thời đã cực lực chỉ trích việc Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn có thể dùng vào mục tiêu quân sự trong vùng biển tranh chấp.

Cuộc đấu khẩu Nhật-Trung kể trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa hai bên do tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Ngày 09/06, một chiếc tàu Hải Quân Trung Quốc đi vào vùng biển ngay sát lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo này, khiến cho Tokyo phải lên tiếng cực lực phản đối động thái chưa từng có đó.

Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lên bộ Ngoại Giao và cảnh cáo rằng Tokyo sẽ có "hành động cần thiết" nếu tàu Hải Quân Trung Quốc thâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Theo Kyodo, với tuyên bố đó, Tokyo như cũng đã vạch ra một "lằn ranh đỏ" đối với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Hoa Đông, và việc tàu Hải Quân Trung Quốc thâm nhập vào lãnh hải của Nhật Bản quanh Senkaku có thể kéo theo phản ứng can thiệp của Hải Quân Nhật Bản.

Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc đi vào vùng biển Senkaku

Vào hôm nay, 21/08/2016, Tokyo lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh về việc tàu Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào vùng mà Nhật Bản xem là lãnh hải của mình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Từ ngày 05/08 đến nay, Nhật Bản đã gởi ít nhất 32 công hàm phản đối đến phía Trung Quốc liên quan đến khoảng 30 vụ tàu Trung Quốc thâm nhập lãnh hải của Nhật.

Theo lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản, 4 chiếc tàu Hải Cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 10 giờ, giờ địa phương, trước khi rút đi một tiếng đồng hồ sau đó.

Tổng vị trưởng vụ Châu Á và Châu Đại Dương của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, Kenji Kanasugi, ngay lập tức đã gởi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo một công hàm phản đối một hành động "vi phạm chủ quyền của Nhật Bản".

Trong một bản thông cáo, bộ Ngoại Giao Nhật Bản nói rõ: "Bất chấp những lời phản đối mạnh mẽ và liên tục Nhật Bản, phía Trung Quốc vẫn liên tiếp có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên hiện trường, và đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được". - RFI

***
Tổng thống hay nói khoa trương của Philippines đã đe dọa rút nước ông khỏi Liên Hiệp Quốc trong cơn thịnh nộ mới nhất của ông đối với những lời chỉ trích về chiến dịch chống ma túy của ông đã làm hàng trăm nghi phạm chết.

Tổng thống Rodrigo Duterte chế nhạo Liên Hiệp Quốc là vô ích, và công kích việc cảnh sát Mỹ giết những người đàn ông da đen.

Sáng sớm hôm 21/8, ông dẫn ra hình ảnh gây ám ảnh về một cậu bé với những vết máu me trên người được lôi ra từ đống đổ nát của một tòa nhà bị tên lửa đánh trúng tại thành phố Aleppo của Syria để công kích rằng Liên Hiệp Quốc và Mỹ không có khả năng ngăn chặn các cuộc xung đột chết người như vậy, trong khi đó, ông nói ông lại bị chỉ trích vì cái chết của bọn tội phạm.

Ông Duterte cũng nhấn mạnh các cáo buộc đối với một thượng nghị sĩ Philippines và là một người chỉ trích ông. Ông tố cáo rằng bà thượng nghị sỹ có quan hệ tình ái với người lái xe của bà và ông đã thấy người lái xe đó có liên quan đến ma túy bất hợp pháp. - VOA
|
|

2.
Thông cáo chung Miến Điện-Trung Quốc tránh đề cập đến Biển Đông

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay 21/08/2016. Thông cáo chung của đôi bên không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông. Đây là "một thắng lợi" của Bắc Kinh, hiện đang làm mọi cách để tránh né các nhận xét tiêu cực từ các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề này.

Theo báo Ấn The Hindu, thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp của bà Aung San Suu Kyi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề đề cập đến tranh chấp Biển Đông.

Thông cáo cho biết Miến Điện hoan nghênh sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, và hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ- Miến Điện (BCIM) chạy dài hơn 2.000 km nối liền Vân Nam của Trung Quốc với Mandalay của Miến Điện, đi ngang qua Bangladesh và kết thúc tại Ấn Độ. Phía Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của Miến Điện "vì hòa bình và hòa giải dân tộc thông qua đối thoại".

Trước chuyến đi, báo chí Miến Điện nhấn mạnh việc bà Suu Kyi tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc hòa giải với các nhóm nổi dậy mà từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn được nuôi dưỡng bằng việc buôn lậu ma túy, gỗ và cẩm thạch qua ngõ Trung Quốc.

Hồ sơ rất được chú ý là dự án đập thủy điện Myitsone 3,6 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, đã bị chính quyền Thein Sein trước đây cho ngưng vì gây thiệt hại cho môi trường, không thấy nhắc đến trong thông cáo. Trong một thư ngỏ gởi đến ông Tập Cận Bình, 60 nhóm xã hội dân sự tại Rangun nhấn mạnh rằng "Nhân dân Miến Điện chưa bao giờ được tham khảo ý kiến kể từ khi dự án đập Myitsone được khởi thảo".

Báo The Irrawaddy cho biết 26 tổ chức xã hội dân sự của người Shan và nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi cho ngưng ngay lập tức các dự án xây đập ở sông Salween. Một thư ngỏ khác gởi cho bà Aung San Suu Kyi cảnh báo dự án đập thủy điện gây tranh cãi có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại các khu vực nổi dậy. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Kerry sắp thăm Nigeria, Kenya, A-rập Xê-út

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Kenya hôm 22/8 để thảo luận về nạn khủng bố ở các nước láng giềng trước khi đi Nigeria và A-rập Xê-út.

Ông Kerry trước hết sẽ gặp Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta để thảo luận về các vấn đề khu vực như xung đột ở nước láng giềng Nam Sudan và bạo lực đang diễn ra ở Somalia.

Sau đó ông sẽ đi Nigeria để gặp gỡ Tổng thống Muhammadu Buhari để bàn về nền kinh tế đang xấu đi và các vấn đề tham nhũng của đất nước, cũng như mối đe dọa của nhóm khủng bố Boko Haram.

Boko Haram chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc gần 300 cô gái từ một trường học ở Chibok vào năm 2014. Nhóm này đã giết chết ít nhất 20.000 người trong cuộc phiến loạn kéo dài 7 năm chống chính phủ Nigeria. Vào năm 2014, nhóm này đã vượt lên trên Nhà nước Hồi giáo, trở thành nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo cuốn Chỉ số Khủng bố Toàn cầu 2015, do Viện Kinh tế và Hòa bình xuất bản.

Trong hai ngày 24 và 25/8, ông Kerry sẽ họp ở A-rập Xê-ut với các nhà lãnh đạo quốc gia vùng Vịnh cũng như các đối tác Anh và các phái viên Liên Hiệp Quốc về Yemen để thảo luận về cuộc chiến ở nước láng giềng.

Một liên minh do A-rập Xê-ut đứng đầu đã chiến đấu chống phiến quân Shiite ở Yemen để trợ giúp cho chính phủ được quốc tế công nhận trong nhiều năm, nhưng động thái yểm trợ này đã bị các nhóm nhân quyền và các nhà lãnh đạo thế giới chỉ trích vì đã ném bom bừa bãi.

Mới hôm 18/8 vừa rồi, nhóm y tế nhân đạo quốc tế Bác sĩ Không Biên giới (MSF) đã thông báo rút các nhân viên của họ từ một số bệnh viện ở Yemen sau vụ 19 người thiệt mạng khi một bệnh viện ở tỉnh miền bắc Hajja đã bị ném bom. MSF cho biết đó là vụ tấn công thứ tư như vậy đánh vào một trong những cơ sở của họ trong 12 tháng qua. - VOA
|
|

4.
Biệt kích vụ Osama bin Laden trả chính phủ Mỹ gần 7 triệu đôla

Một cựu biệt kích Mỹ trong nhóm triệt hạ Osama bin Laden đồng ý trả cho chính phủ Hoa Kỳ gần 7 triệu đôla vì vi phạm thỏa thuận không tiết lộ các thông tin mật về cuộc đột kích.

Ông Matt Bissonette đã không xin phép Lầu Năm Góc trước khi cuốn sách có tên gọi “No Easy Day” mà ông viết với bút danh Mark Owen được xuất bản năm 2012.

Cựu biệt kích này còn đồng ý từ bỏ tất cả tiền thù lao viết sách, tiền bản quyền phim cũng như tiền phí thu từ việc đi diễn thuyết.

Đổi lại, chính phủ Mỹ sẽ không truy cứu trách nhiệm đối với ông Bissonette.

Thủ lĩnh của al-Qaeda bị triệt hạ hồi tháng Năm năm 2011 trong chiến dịch bí mật của các biệt kích Mỹ nhắm vào tư gia của ông ta ở Pakistan.

Các biệt kích Mỹ tham gia các vụ độ kích như vậy thường phải tuân thủ việc giữ im lặng và không công khai hành động của mình.

Trong bản dàn xếp vụ việc được nộp lên một tòa án cấp quận ở tiểu bang Virginia, ông Bissonette thừa nhận rằng ông đã không chuyển sách tới cho Lầu Năm Góc thông qua trước khi xuất bản.

Ông cũng cho hay thêm rằng luật sư của mình đã tư vấn sai. Cựu biệt kích này còn ngỏ lời xin lỗi, và rằng việc ông không xin ý kiến thông qua của Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đẩy các đồng đội cũng như gia đình họ vào tình thế nguy hiểm.

Đồng đội của ông Bissonette từng phản bác về tính xác thực trong quyển sách của ông.

Cựu biệt kích có 4 năm để trả cho chính phủ Mỹ khoản tiền trên. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Phát động ‘Vì môi trường biển miền Trung Việt Nam’ tại Đài Loan

Các tổ chức xã hội dân sự của người Việt trong và ngoài nước phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan, quê nhà của công ty Formosa, vừa khởi sự cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung”, thúc giục chính phủ Đài Loan điều tra vụ Formosa gây thảm họa môi trường tại Việt Nam.

Cuộc vận động mở màn bằng buổi họp báo hôm 10/8 ngay trước trụ sở chính của tập đoàn Formosa Plastics tại Đài Bắc.

Các tổ chức từ Việt Nam gồm Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, Dân Trí Việt, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền và đảng Việt Tân từ hải ngoại. Phía Đài Loan có Hội Luật Sư Môi Trường EJA, tổ chức Giám Sát Các Quy Ước, Hội Nhân Quyền Đài Loan, và Văn phòng Pháp lý về Người lao động và Cô dâu Việt tại Đài Loan.

Cuộc vận động diễn ra trong lúc chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 500 triệu đôla bồi thường của Formosa để dàn xếp sự việc trong khi dân Việt vẫn phẫn nộ, yêu cầu khởi tố những quan chức liên quan và đóng cửa vĩnh viễn Formosa, tập toàn công nghệ lớn nhất Đài Loan với rất nhiều tai tiếng vi phạm môi trường trên thế giới.

Cuộc vận động sẽ kéo dài trong bao lâu, tác động đến những ai, và sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào? Tạp chí Thanh Niên VOA mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi với Echo Lin, Tổng thư ký Hội Luật Sư Môi Trường (EJA) tại Đài Loan, một trong những tổ chức tham gia cuộc vận động.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

Trà Mi: Xin bà cho biết những bước sẽ được thực hiện trong cuộc vận động này?

Bà Lin: Chúng tôi yêu cầu tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch, minh bạch về bản báo cáo điều tra đã được kết luận hồi cuối tháng Sáu vừa qua để xem thật sự đã xảy ra chuyện gì, hóa chất nào đã được xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. Dù Formosa đã thú nhận nguyên nhân là do chất thải của công ty đổ ra biển, nhưng các chi tiết cụ thể về các loại hóa chất không được tiết lộ thì làm thế nào có thể tính tới chuyện dọn sạch, làm sao biết được sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người dân về lâu về dài. Chẳng có thông tin nào rõ ràng cụ thể cả, cần phải minh bạch hóa mọi chuyện.

Trà Mi: Ban vận động sẽ làm gì để có được lời giải đáp cho những thắc mắc ấy?

Bà Lin: Chúng tôi hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự của người Việt trong và ngoài nước để mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam phải công bố báo cáo điều tra. Tại Đài Loan, chúng tôi thúc đẩy chính phủ chất vấn tập đoàn Formosa về những gì đã gây ra và hy vọng rằng chính phủ sẽ tiến hành một cuộc điều tra riêng, độc lập, về các hoạt động của Formosa. Bốn, năm năm trước từng xảy ra vi phạm nhân quyền tại một công ty Đài Loan đầu tư ở Campuchia. Qua cuộc vận động của các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan, chính quyền Đài Loan đã yêu cầu công ty đó phải trình báo cáo điều tra. Lần này cũng vậy, chúng tôi yêu cầu Bộ Kinh tế phải buộc Formosa nộp báo cáo điều tra. Chính phủ Thái Anh Văn có thể làm được điều đó nếu có ý chí chính trị.

Trà Mi: Formosa gặp áp lực ở nước ngoài vì hồ sơ gây ô nhiễm môi trường, thế còn ngay ở quê nhà Đài Loan thì sao?

Bà Lin: Tập đoàn Formosa Plastics chưa bao giờ thân thiện với môi trường cả, ngay cả với cộng đồng Đài Loan trong nước. Cộng đồng cư dân lân cận công ty này ở Đài Loan hơn 20 năm nay đã gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước do Formosa gây ra kéo theo những vấn đề sức khỏe của người dân. Điều tích cực là Đài Loan là một nước dân chủ, chúng tôi có những chuyên gia, khoa học gia đứng ra nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu cho dân chúng biết, bất chấp những áp lực từ Formosa. Chúng tôi có những luật sư sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho các khoa học gia phơi bày sự thật. Hiện tại, Hội Luật sư Môi trường chúng tôi có một số luật sư đang tham gia các vụ kiện chống lại Formosa tại Đài Loan để bảo vệ những người dân bị ảnh hưởng.

Trà Mi: Trong thảm họa môi trường miền Trung Việt Nam, tại sao chính người dân Đài Loan, chính các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan như tổ chức của bà lại chống lại một công ty Đài Loan dù hoạt động của Formosa trong vụ này hoàn toàn ở bên ngoài lãnh thổ Đài Loan, không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Đài Loan?

Bà Lin: Bởi vì ô nhiễm là vấn đề xuyên biên giới. Công lý môi trường không chỉ dành cho người dân xứ tôi mà cho tất cả mọi người. Chúng tôi quan tâm vụ này là vì công lý môi trường trong trường hợp này lại bị chính một công ty nước tôi vi phạm.

Trà Mi: Bà có e làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc đầu tư và thanh danh của Đài Loan ở nước ngoài chăng?

Bà Lin: Không, cuộc vận động này thật ra đang làm điều ngược lại, nhằm bảo vệ thanh danh và lợi ích quốc gia của Đài Loan. Formosa có hồ sơ vi phạm môi trường rất tai tiếng tại nhiều nơi trên thế giới, từ Đài Loan tới Mỹ, Campuchia, và giờ đây là Việt Nam. Các công ty Đài Loan làm ăn ở nước ngoài mà vi phạm môi trường hay vi phạm nhân quyền chính là đang phá hủy thanh danh của đất nước, gây ấn tượng rất tiêu cực về hình ảnh của Đài Loan trong ánh mắt bạn bè quốc tế. Cho nên người dân Đài Loan chúng tôi vận động để nói lên rằng đã đến lúc phải đảo ngược tình trạng này.

Trà Mi: Đó là thông điệp cuộc vận động này muốn gửi tới chính phủ Đài Loan. Còn với thế giới và với chính phủ Việt Nam, bà muốn nói gì từ chiến dịch vận động này?

Bà Lin: Với chính phủ Việt Nam, chúng tôi muốn nói rằng họ phải quan tâm đến người dân của họ và môi trường dân sinh. Họ phải có trách nhiệm cung cấp một môi trường sống lành mạnh cho người dân. Bất chấp là nhà đầu tư nào tại Việt Nam tuyên bố rằng giúp phát triển kinh tế cho đất nước, khi họ gây ô nhiễm cho môi trường sống của người dân Việt Nam tức là họ đang phá hủy lợi ích của người dân. Nhà nước Việt Nam phải quan sát hoạt động của giới đầu tư và khi xảy ra sự cố như Formosa thì phải công bố minh bạch kết quả điều tra. Dân phải được biết. Chính phủ Việt Nam phải chứng tỏ có trách nhiệm và minh bạch. Còn đối với chính phủ Đài Loan, chúng tôi muốn chính phủ Đài Loan được quốc tế ủng hộ từ những hành xử đúng đắn. Họ phải ngăn các nhà đầu tư Đài Loan vi phạm môi trường hay vi phạm nhân quyền hoặc hướng dẫn các công ty phải tuân thủ các quy chuẩn của quốc tế.

Trà Mi: Người Đài Loan phản đối công ty Đài Loan vi phạm ở nước ngoài, bà muốn chia sẻ thông điệp gì với người dân Việt Nam, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng từ thảm họa của Formosa?

Bà Lin: Bà Lin: Môi trường hay vấn đề ô nhiễm không có biên giới địa lý. Thảm họa môi trường đang ảnh hưởng tới vùng duyên hải Việt Nam, láng giềng của Đài Loan. Hơn thế nữa, thảm họa này lại do một công ty Đài Loan gây ra. Đó là lý do vì sao các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi quan tâm đến việc này. Người Đài Loan chống giới đầu tư Đài Loan vì công ty đầu tư này làm không đúng. Đó là lý do chúng tôi chống, chúng tôi chống hành vi của họ vì hành vi đó gây hại cho người dân Việt Nam và làm tổn hại thanh danh đất nước Đài Loan. Chúng tôi muốn nói với người dân Việt Nam rằng Formosa không đại diện cho người dân Đài Loan, rằng người dân Đài Loan chúng tôi cũng cố gắng bằng mọi cách có thể để bảo vệ môi trường, rằng chúng tôi đoàn kết đứng bên cạnh những nạn nhân Việt Nam để bảo vệ môi trường, theo đuổi công lý môi trường. Nếu người dân Việt cần sự hỗ trợ của chúng tôi, cần chúng tôi tiếp tục áp lực lên Formosa, chúng tôi sẽ làm điều đó, mà thậm chí họ không yêu cầu thì chúng tôi vẫn cảm thấy có trách nhiệm phải làm điều đó.

Trà Mi: Nếu những lời kêu gọi không được hồi đáp, các thành viên cuộc vận động này có tính tới một hành động pháp lý?

Bà Lin: Không giống như Mỹ có đạo luật quy định rằng nếu các nhà đầu tư Mỹ ở nước ngoài vi phạm môi trường thì có thể bị người dân Mỹ đưa ra tòa. Tại Đài Loan chúng tôi không có một đạo luật như thế. Dù chúng tôi không thể kiện Formosa ra tòa trong trường hợp này, nhưng chúng tôi đang nhắm tới việc vận động chỉnh sửa luật lệ để bảo vệ con người tốt hơn, để quy định những hành xử và hành vi thích hợp khi đầu tư trong và ngoài nước. Việc này cần có hành động lập pháp.

Tôi không nghĩ là chính quyền Việt Nam sẽ lắng nghe những yêu cầu chúng tôi đưa ra. Để họ lắng nghe, người dân Việt Nam cần có hành động. Kể từ khi sự cố Formosa xảy ra hồi tháng tư tới nay đã bùng phát nhiều cuộc biểu tình của người dân Việt chống Formosa và điều này một phần nào đã khiến cho chính phủ phải chuyển đổi động thái, không kể tiếp tục bao biện cho Formosa như từ bước đầu. Các cuộc biểu tình, những tiếng nói của người dân, nếu tiếp tục, sẽ đạt thêm động lực để áp lực chính phủ Việt Nam. Cho nên, việc chính phủ có công bố điều tra rõ ràng và giải quyết thấu tình đạt lý thảm họa môi trường do Formosa gây ra hay không hoàn toàn tùy thuộc vào những nỗ lực của chính những người dân Việt Nam.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn Tổng thư ký Echo Lin thuộc Hội Luật Sư Môi Trường Đài Loan đã dành cho Tạp chí Thanh Niên VOA cuộc trao đổi này. - VOA
|
|

6.
Việt Nam chỉ trích Mỹ ‘trích dẫn thông tin sai lệch’

Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích Hoa Kỳ “đánh giá không khách quan” và “trích dẫn những thông tin sai lệch” trong bản phúc trình về tự do tôn giáo công bố hôm 10/8.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao hôm 19/8, phát ngôn viên Lê Hải Bình lặp lại phát biểu trước đây về việc “Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.

Ông Bình được dẫn lời nói tiếp: “Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam “ghi nhận một số điều chỉnh trong báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ so với các báo cáo trước đây”.

Ông Bình đồng thời nói rằng “đáng tiếc báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Trong phần về Việt Nam của phúc trình có tên gọi “Phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế năm 2015”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết rằng chính phủ Việt Nam “tiếp tục giới hạn các hoạt động của các nhóm tín ngưỡng không đăng ký, đặc biệt là những tổ chức mà chính phủ tin là tham gia vào các hoạt động chính trị, trong khi thành viên các nhóm có đăng ký có thể thực thi tín ngưỡng mà ít bị can thiệp”.

Phúc trình còn dẫn lời các nhóm không đăng ký về tình trạng “sách nhiễu của chính phủ” như “hành hung, giam giữ ngắn hạn, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại hay từ chối không cho đăng ký”. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nêu dẫn chứng về một loạt các vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Hà Nội lên tiếng phản ứng về “báo cáo tự do tôn giáo quốc tế” của Washington.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng nhấn mạnh việc “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng”. - VOA

No comments:

Post a Comment