Sunday, August 14, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 14/8

Tin Thế Giới

1.
Nhật Bản phát triển tên lửa mới phòng thủ Hoa Đông

Quân đội Nhật Bản có kế hoạch bố trí tên lửa chống tàu chiến loại địa đối hải ở phía nam Okinawa trong bối cảnh xẩy ra hàng loạt vụ hải thuyền Trung Quốc áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Yomiuri Shimbum, nhật báo bảo thủ có lượng độc giả đông nhất nước Nhật ngày 14/08/2016 cho biết Tokyo có kế hoạch đưa một dàn tên lửa chống hạm loại tối tân nhất ra đảo Miyako, thuộc tỉnh Okinawa.

Các hỏa tiễn này có tầm bắn 300 km, một khi được bố trí tại Miyako vào năm 2023, sẽ bao phủ khu vực Senkaku/Điếu ngư nơi mà Bắc Kinh gọi là "của Trung Quốc" từ xa xưa trong lịch sử.

AFP tìm cách kiểm chứng tin trên nhưng chưa liên lạc được với bộ Quốc Phòng Nhật Bản. Nhưng theo Yomiuri Shimbum, trước những hành động "khiêu khích liên tục của Trung Quốc chung quanh Senkaku, Nhật Bản cần tăng cường vũ khí răn đe với tên lửa mới có khả năng tấn công xa".

Bản tin cho biết nhiên liệu sử dụng thuộc loại "rắn" hàm ý tên lửa mới có thể được tích trữ lâu dài và không mất thời gian chuẩn bị khi có lệnh báo động.

Tháng 06/2016, Tokyo chính thức phản đối với Bắc Kinh vụ tàu tuần duyên Trung Quốc lần đầu tiên áp sát đường ranh 12 hải lý chung quanh các đảo đá Senkaku. - RFI
|
|

2.
Người biểu tình đòi tổng thống Philippines không an táng ông Marcos với nghi lễ nhà nước

Bất chấp mưa lớn ở thủ đô Philippines hôm Chủ nhật, hàng trăm người biểu tình đã lên án kế hoạch của Tổng thống Rodrigo Duterte về thực hiện an táng nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos với nghi lễ nhà nước ở một nghĩa trang dành cho các vị anh hùng.

Các cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức ở các nơi khác trong nước, nhưng ông Duterte vẫn giữ quyết định của mình về việc đưa thi hài của ông Marcos từ quê nhà của ông tới Nghĩa trang Anh hùng Quốc gia ở Manila vào tháng tới.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, người tham gia cuộc biểu tình, nói: "Marcos đã đi vào lịch sử như là một kẻ thù không hề có sự ăn năn đối với các vị anh hùng của chúng tôi". Bà nói thêm rằng ông Duterte không nên quyết tâm thực hiện điều mà bà gọi là "sai lầm tồi tệ ".

Trong số những người biểu tình còn có các nạn nhân bị tra tấn và bỏ tù trong thời ông Marcos cầm quyền.

Ông Marcos, người được bầu làm tổng thống vào năm 1965, đã tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972, và sau này bị cáo buộc đã vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn cũng như cướp bóc của cải của đất nước vì lợi ích cá nhân. Ông bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy thể hiện "sức mạnh nhân dân" vào năm 1986 và sống lưu vong ở Hawaii với gia đình cho đến khi ông qua đời vào năm 1989. Thi hài của ông sau đó đã được đưa trở về quê nhà và được đặt trong một quan tài kính.

Ông Duterte cho biết ông đã từng bỏ phiếu cho ông Marcos. Người cha quá cố của ông từng làm trong nội các của nhà độc tài. Ông Duterte lập luận rằng ông Marcos xứng đáng được chôn cất tại nghĩa trang của những người hùng với tư cách là một cựu chiến binh và tổng thống. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Lãnh tụ Dân chủ ở Hạ viện Mỹ nói bà nhận được các tin nhắn xấu xa sau vụ tin tặc

Lãnh tụ phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm thứ Bảy đã cảnh báo các nhà lập pháp khác của đảng Dân chủ không nên trả lời điện thoại hay đọc tin nhắn được gửi đến sau khi bà nhận được các cuộc gọi và tin nhắn dồn dập có nội dung "tục tĩu và bệnh hoạn" tiếp sau vụ một kẻ tin tặc phát tán thông tin cá nhân về gần 200 nhà lập pháp.

Một kẻ tin tặc tự xưng danh là Guccifer 2.0 đã đăng lên mạng các tuyên bố nói rằng anh ta đã thực hiện hai cuộc xâm nhập vào các tổ chức của Đảng Dân chủ Mỹ. Đó là vụ tiết lộ dữ liệu cá nhân mới đây và vụ làm lộ các nội dung email cá nhân của lãnh đạo đảng Dân chủ hồi tháng trước.

Các trang do kẻ tin tặc này quản lý trên Wordpress.com đã được cập nhật hôm thứ Sáu, đăng lên địa chỉ email, số điện thoại di động cá nhân, địa chỉ nhà và thông tin cá nhân khác. Vụ này làm lộ ra thông tin của khoảng 194 thành viên trước đây và hiện nay của Quốc hội, lịch làm việc của họ và của thư ký báo chí của họ, và những người khác.

Những phát biểu như của bà Pelosi cho thấy các thông tin có thể đúng, nhưng không đúng mãi.

Vị lãnh tụ phe Dân chủ ở Hạ viện nói bà sắp đổi số điện thoại, và bà khuyên các đồng nghiệp cũng làm như vậy.

Bà Pelosi nói: "Đây những sự việc đáng buồn, không chỉ đối với chúng ta, mà quan trọng hơn là đối với đất nước chúng ta".

Biện minh cho hành động của mình, kẻ tin tặc nói cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay "đang trở thành một trò hề." Đề cập đến vụ xâm nhập trước đó xảy ra với Uỷ ban Quốc gia của đảng Dân chủ, trong đó tiết lộ rằng các hoạt vụ của đảng có thể đã thiên vị một cách không đúng đắn đối với bà Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước cuộc đại hội để đề cử hồi tháng trước, Guccifer viết rằng vụ hack cho thấy rằng "tất cả mọi việc đều đã được giải quyết ở hậu trường".

20.000 email đã bị công bố, trong đó có một số ghi chép cá nhân cho thấy rằng các quan chức DNC đã chỉ trích gay gắt Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders, đối thủ chính của bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua giành sự đề cử của đảng. Nhiều người trong số những người ủng hộ của Thượng nghị sĩ Vermont đã tức giận về những bằng chứng rằng cho thấy đảng đã nghiêng cán cân theo hướng thiên vị bà Clinton.

Kẻ tin tặc tuyên bố rằng vụ xâm nhập mới nhất vào mạng máy tính của đảng Dân chủ không khó khăn, hắn lưu ý rằng tìm kiếm dữ liệu cá nhân của các nhà lập pháp "thậm chí còn dễ dàng hơn so với trường hợp xâm nhập DNC". - VOA
|
|

4.
Một giáo sĩ và tín đồ Hồi giáo bị bắn chết ở New York

Một giáo sĩ Hồi giáo và một tín đồ đã bị bắn chết ở New York. Tay súng gây ra vụ này vẫn chưa bị bắt.

Cảnh sát nói tay súng đã bắn cả hai nạn nhân vào sau đầu ở cự ly gần vào chiều thứ Bảy. Các nhân chứng nói tay súng đã bỏ trốn khỏi hiện trường, trên tay vẫn cầm khẩu súng.

Các nạn nhân được xác định danh tính là giáo sĩ Maulama Akonjee, 55 tuổi, và trợ lý của ông là Thara Uddin, 64 tuổi. Họ đã bị bắn khi rời nhà thờ Hồi giáo sau buổi cầu nguyện buổi chiều.

Vụ việc chết người này đã xảy ra bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Al-Masjid Jame Furqan trong khu Công viên Ozone ở Queens.

Người ta chưa biết ngay động cơ của vụ bắn người này.

Các thành viên của cộng đồng người Bengladesh đi lễ tại nhà thờ Hồi giáo này nói rằng họ muốn vụ bắn giết này phải bị coi là tội ác gắn với sự thù ghét. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam điều máy bay ra Trường Sa cứu người

Hải quân Việt Nam hôm 13/8 đã triển khai thủy phi cơ ra Trường Sa để đưa một người bị thương vào đất liền chữa trị.

Theo truyền thông trong nước, ba ngày trước đó, một công nhân bị tai nạn lao động khi “khi đang làm bờ kè”, và “đầu bị đập vào đá bất tỉnh”.

Đến ngày 12/8, bệnh tình của công nhân được cho là thuộc quân chủng phòng không, không quân “chuyển biến xấu”.

Chính vì thế, theo tờ Tuổi Trẻ, Bộ tư lệnh Hải quân đã “đề nghị” Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng thủy phi cơ DHC-6 chở kíp quân y của Bệnh viện 175 từ Cam Ranh, Khánh Hòa, ra Trường Sa để đưa bệnh nhân về đất liền chữa trị.

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam triển khai máy bay đưa bác sĩ ra Trường Sa cứu người. Hồi đầu năm, theo báo chí trong nước, một binh sĩ đã “ngã và tràn máu ổ bụng”.

Sau đó, tin cho hay, Bộ tổng tham mưu và Quân chủng hải quân Việt Nam đã điều máy bay đưa kíp phẫu thuật hồi sức gây mê ra hỗ trợ phẫu thuật tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn.

Phản đối

Hồi tháng Tư năm nay, Việt Nam trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối việc nước này đưa máy bay quân sự xuống một đảo nhân tạo ở Trường Sa để, theo lời Bắc Kinh, đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam để điều trị.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, đại diện của Bộ này tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để "trao công hàm phản đối". 

Ông Bình nói thêm: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam". 

Hãng tin Reuters trước đó đưa tin, máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên đáp xuống đường băng sân bay mới mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc đưa tin, máy bay này đang tuần tra trên vùng biển tranh chấp thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp yêu cầu đáp xuống để sơ tán ba công nhân bị bệnh nặng trên đảo.

Sau đó ba người này được đưa đến máy bay vận tải trở về Đảo Hải Nam để chữa trị. - VOA
|
|

6.
Quán ăn Việt không tiếp khách Trung Quốc

Một quán ăn ở Đà Nẵng, thành phố thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất nhì cả nước, gây tranh cãi công luận sau khi trưng bảng công khai từ chối tiếp khách người Trung Quốc.

Chuỗi quán ăn Ngọc Quý gồm hai tiệm nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, tháng rồi bắt đầu cho treo bảng bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Việt: “Quán Ngọc Quý không bán hàng cho người Trung Quốc.”

Hành động này bị xem là nhạy cảm giữa bối cảnh quan hệ Việt-Trung căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông và người Việt ngày càng thiếu thiện cảm với Trung Quốc trước các hành động bất chấp luật lệ của Bắc Kinh cùng các hành xử tai tiếng của người Trung Quốc trên thế giới.

Một số người, kể cả giới hữu trách, cho rằng từ chối tiếp khách Trung Quốc là “phản cảm, không nên”, nhưng một số khác lại ủng hộ việc tỏ thái độ dứt khoát đối với những du khách ‘thái quá.’

Còn tác giả tấm bảng gây tranh cãi nói gì? Tạp chí Thanh Niên VOA hỏi thăm chủ nhân 8x của chuỗi quán ăn Ngọc Quý, anh Nguyễn Thành Long, từ Đà Nẵng.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi 

Chủ quán Ngọc Quý: Từ khi tấm bảng của quán em bị đưa lên báo, khách Trung Quốc có tới em cũng không bán. Trước khi em treo bảng, họ tới thường xuyên nhưng lộn xộn quá, em bực, em mới treo bảng.

Trà Mi: Từ bao giờ anh quyết định cấm cửa khách Trung Quốc?

Chủ quán Ngọc Quý: Không phải em cấm cửa, mà em không thích giao tiếp với họ.

Trà Mi: Khách hàng Trung Quốc có những đặc tính thế nào khiến anh khó chịu?

Chủ quán Ngọc Quý: Họ vô ăn uống không đàng hoàng, không văn minh, không lịch sự. Họ ăn nửa đĩa rồi không chịu trả tiền. Họ vô quán, vô quầy tự tiện lấy hàng, chọn lựa tới lui mà không mua, hạnh họe mình. Ví dụ gói thuốc mình bán 13 ngàn, họ tự ý để 10 ngàn rồi bỏ đi, mình phải lôi đầu họ lại. Mỗi lần nhân viên em tiếp khách Trung Quốc mất từ nửa tiếng tới 45 phút. Họ đi quanh quán, dòm ngó khách, chỉ trỏ món này món kia làm mất khách của em.

Trà Mi: Những đặc tính hành xử anh vừa kể chỉ có ở khách hàng Trung Quốc? Các khách hàng khác có như thế?

Chủ quán Ngọc Quý: Dạ không bao giờ như thế. Khách người Nhật, người Hàn họ ăn xong họ cảm ơn nhân viên phục vụ, bắt tay lịch sự. Khách Trung Quốc vô, nhân viên của em không ai tiếp được hết, sợ lắm rồi.

Trà Mi: Có bao giờ trong những lần đôi co như thế xảy ra xô xát mời chính quyền địa phương đến can thiệp?

Chủ quán Ngọc Quý: Không, quán em không có đôi co. Những quán xung quanh cũng có xảy ra đôi co, chính quyền đến can thiệp rồi. Nhưng chính quyền cũng nói này kia, không hiểu nhau lắm.

Trà Mi: Có trường hợp nào mình chịu thua trước thái độ ngang ngược của họ như vậy không?

Chủ quán Ngọc Quý: Chấp nhận, chính quyền của mình chấp nhận để thua mà, vì họ là khách du lịch. Nhưng chấp nhận vừa thôi, riêng em thì được thì em bán, không được em cho đi. Những người kiểu đó em không thích bán.

Trà Mi: Anh có lường trước việc làm của anh sẽ gây tranh cãi, sẽ có rủi ro hoặc bị trả thù vặt?

Chủ quán Ngọc Quý: Ở đời, mình làm tốt thì điều tốt đến với mình. Mình xấu thì điều xấu ập tới nhanh lắm. Em chẳng sợ gì. Người nào trả thù người đó mang tội thôi.

Trà Mi: Anh có e quyết định này sẽ làm mất khách, nhất là du khách nước ngoài, họ có thể cho là quán của anh thành kiến, phân biệt kỳ thị?

Chủ quán Ngọc Quý: Khách Hàn, Nhật, Âu, Mỹ vẫn tới quán em bình thường. Em không sợ chi hết. Mình làm sao không trái lương tâm là được.

Trà Mi: Kể từ sau khi để bảng, có khác biệt hay ảnh hưởng gì không cho công việc kinh doanh của anh?

Chủ quán Ngọc Quý: Vẫn hoạt động bình thường, lượng khách vẫn bình thường, chỉ có cái là bị chú ý nhiều.

Trà Mi: Có ý kiến cho rằng hành động của anh ‘không nên, phản cảm’ vì động tới tự ái dân tộc của một sắc dân. Anh phản hồi thế nào?

Chủ quán Ngọc Quý: Họ phải nghĩ lại cho hợp lý hợp tình. Mình bán ngon thì họ ăn, không ngon thì trả lại là chuyện bình thường. Còn đây họ ăn nửa, trả lại nửa, không chịu tính tiền.

Trà Mi: Sắc dân nào cũng có người này người nọ, làm vậy có ‘quơ đũa cả nắm’, gây hiềm khích chăng? Anh nghĩ thế nào?

Chủ quán Ngọc Quý: Không, em không ‘quơ đũa cả nắm’ vì trực tiếp em là nạn nhân em mới làm vậy, chứ trước đây em nghe báo đài nhiều lắm. Tới khi bị, em bức xúc em mới làm.

Trà Mi: Ngược lại, nếu một ngày nào đó anh du lịch tới một nước nào đó và bắt gặp một tấm bảng từ chối khách Việt Nam, anh nghĩ sao?

Chủ quán Ngọc Quý: Thì do mình làm sao, đất nước mình làm sao, họ mới đối xử mình thế đó. Mình phải có cái tôi của mình, họ hạnh họe quá, làm quá, áp lực mình quá, mình chịu không được.

Trà Mi: Có người nói làm kinh doanh-dịch vụ là làm dâu trăm họ, nếu khoanh vùng khách kiểu này kiểu nọ thì lợi bất cập hại, anh nghĩ sao?

Chủ quán Ngọc Quý: Khách hàng ai cũng là Thượng Đế hết, ai mình cũng phục vụ hết, ai tốt với mình, mình phục vụ hết mình từ A-Z. Ai không tốt với mình thì mình không tiếp, không bán thôi.

Trà Mi: Khách tới quán anh thấy tấm bảng vậy có thể nghĩ Đà Nẵng không hiếu khách..v..v.. Anh có e hành động của mình làm ảnh hưởng tới du lịch thành phố?

Chủ quán Ngọc Quý: Em không quan tâm tới, em không biết. Nhiều đêm em về, em cũng suy nghĩ nhưng họ hạnh họe mình quá, em không thích.

Trà Mi: Thế phản hồi của nhà chức trách địa phương thế nào? Họ có đề nghị gì không?

Chủ quán Ngọc Quý: Họ không cho em treo bảng thì em rút bảng, nhưng em vẫn giữ nguyên lập trường. Hiện giờ, em đã rút bảng xuống, nhưng khách Trung Quốc vô, em bye bye, em không bán, không tiếp. Công an địa phương có nói với em là không hiểu họ nói gì thì không bán, ai quậy phá thì điện thoại họ xuống giải quyết.

Trà Mi: Trước giờ, có bao giờ anh báo công an và được hiệu quả như mong đợi chăng?

Chủ quán Ngọc Quý: Em nghĩ họ mới hạnh họe thôi, chưa đập phá đồ đạc gì của mình, nên em nghĩ chưa tới mức độ phải kêu công an đến làm phiền họ. Chứ họ làm căng thì em sẽ điện công an tới liền. Khách hàng ai em cũng tiếp, nhưng người Trung Quốc họ không tôn trọng mình.

Trà Mi: Mở cửa du lịch, hay nói cụ thể trong trường hợp của anh là mở cửa làm ăn kinh doanh, không thể chọn khách. Mình buộc phải tiếp những vị khách đa dạng, kể cả những người kém văn minh. Không cấm cửa được họ thì có cách nào khiến cho khách tới nhà phải tôn trọng chủ nhà?

Chủ quán Ngọc Quý: Việt Nam không có luật nghiêm, Việt Nam mình không quán triệt, làm rõ những chuyện đó. Em mong muốn phải hạn chế các tour du lịch ‘không đồng’ của Trung Quốc. Bên Trung Quốc họ khuyến khích dân đi Việt Nam bằng cách mở các ‘tour không đồng’ cho dân ai đi cũng được, miễn phí, không cần trả tiền, chỉ cần tiền ăn uống thôi. Nhà nước họ hỗ trợ đi. Đó là chuyện vô lý. Họ có mục đích gì đó họ mới cho qua bên này như thế. Qua quậy phá thế này thế kia. Ở đây buôn bán, em thấy có nhiều trường hợp khả nghi, nguy hiểm lắm.

Trà Mi: Bình diện chung người dân Đà Nẵng đón nhận khách Trung Quốc thế nào?

Chủ quán Ngọc Quý: Không nồng nhiệt vì họ không văn minh, họ không lịch sự. Họ qua đây họ coi thường mình lắm. Họ đi tour qua Đà Nẵng họ hỏi ‘Biển Trung Quốc ở đâu?’ chứ không phải là ‘Biển Đà Nẵng ở đâu?’ Họ đi từng đoàn, ăn nói tiếng to. Vô chợ, họ chọn lựa hàng hóa lấy lên, bỏ xuống, rồi không mua. Họ khinh thường mình vì họ nói hàng này nhập từ Trung Quốc qua mà. Không hiểu sao hết 80% khách du lịch Đà Nẵng là người Trung Quốc rồi. Em cũng nghe nói đất đai ở Đà Nẵng này người Trung Quốc họ mua sắp hết rồi. Không biết về sao đường mô mình ở đây.

Trà Mi: Với những bức xúc, quan ngại như thế, anh muốn nói gì với giới hữu trách?

Chủ quán Ngọc Quý: Em cũng mong chính quyền Việt Nam, chính quyền Đà Nẵng, phải làm ráo riết. Phải có cảnh sát du lịch đi tuần thường xuyên, thấy đụng chuyện phải tới liền. Phải bảo vệ nhiều hơn cho dân mình. Đừng để dân mình chịu thiệt thòi, đừng để ai khổ hết. Đừng để ai coi thường mình, coi thường đất nước mình hết. Vì răng để họ coi thường mình như thế? Phải có mục đích gì họ mới coi thường mình như thế chứ? Cũng do người Việt hại người Việt mình thôi, chẳng hạn như nhập hàng độc hại từ Trung Quốc. Còn hàng của mình làm lại bán cho dân họ, làm đôn giá lên với dân mình. Dân đói thì phải mua đồ giá rẻ của Trung Quốc về ăn. Kinh tế là một mặt, mà vì sao chính quyền mình không can thiệp đi? Nhiều chuyện lắm.. - VOA

No comments:

Post a Comment