Monday, August 22, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 22/8

Tin Thế Giới

1.
Hàn Quốc và Mỹ tập trận, Bắc Hàn đe dọa trả đũa

Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm nay, 22/8, bắt đầu cuộc tập trận chung, bất chấp lời đe dọa trả đũa quân sự từ Bình Nhưỡng, trong bối cảnh căng thẳng lại dâng lên giữa hai miền Triều Tiên quanh vụ đào tẩu sang Seoul mới đây của một quan chức ngoại giao Bắc Hàn.

Khoảng 25 nghìn binh sĩ Mỹ và 50 nghìn lính Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận theo hình thức mô phỏng trên máy tính, kéo dài hai tuần. 

Dù Hàn Quốc và Mỹ luôn nhấn mạnh rằng các cuộc thao dượt này chỉ đơn thuần nhằm mục đích phòng thủ, hoạt động thường niên này luôn khiến Bình Nhưỡng tức giận vì cho rằng chính quyền Seoul và Washington diễn tập cho một cuộc xâm chiếm toàn diện phía bắc bán đảo Triều Tiên.

Quân đội Bắc Hàn hôm nay, 22/8, ra thông cáo tuyên bố rằng các đơn vị tấn công của nước này đang trong tư thế sẵn sàng biến Hoa Kỳ và Washington “thành một đống tro tàn với một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân theo kiểu Triều Tiên”, nếu chủ quyền của Bắc Hàn bị đe dọa. 

Về phản ứng của Bắc Hàn, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee nói rằng “đáng tiếc” là Bắc Hàn đã “bóp méo thực tế”, và “đáng lẽ không nên đưa ra những lời đe dọa nghiêm trọng như thế”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dâng cao trong những tháng gần đây, nhất là sau khi Bình Nhưỡng phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc vì thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. 

Quan hệ hai miền Nam – Bắc mới đây cũng xấu đi sau khi có tin ông Thae Yong Ho, một nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn, từng là phó đại sứ của nước này ở Anh, bỏ chạy sang Hàn Quốc tuần trước. 

Bình Nhưỡng sau đó đã gọi cựu quan chức này là “kẻ cặn bã”, đồng thời cáo buộc ông đã phạm một số tội hình sự, trong đó có lạm dụng trẻ em. 

Trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 22/8, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-Hye nói rằng cuộc đào tẩu của quan chức ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn cho thấy “các rạn nứt nghiêm trọng” trong giới thượng lưu cầm quyền ở Bình Nhưỡng. 

Bà cũng yêu cầu “chính phủ và quân đội [Hàn Quốc] phải trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị cho khả năng Bình Nhưỡng sử dụng cuộc diễn tập để làm cái cớ khiêu khích”.

Bắc Hàn và Hàn Quốc hiện vẫn được coi là trong tình trạng chiến tranh, dù cuộc nội chiến ở bán đảo Triều Tiên đã kết thúc đầu những năm 50, bằng một thỏa thuận ngưng bắn, thay vì một hiệp ước hòa bình. - VOA
|
|

2.
Philippines sẽ không rút khỏi Liên Hợp Quốc --- Biển Đông: Singapore tái khẳng định lập trường độc lập --- Biển Đông: Bảo vệ sinh thái, chìa khóa giải quyết tranh chấp

Hôm nay 22/08/2016, một ngày sau khi tổng thống Philippnes đe dọa rút ra khỏi Liên Hợp Quốc, ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố Philippines sẽ không rời khỏi định chế quốc tế này.

Ông Perfecto Yasay, ngoại trưởng Philippines cho biết là tuyên bố của tổng thống Philippnes ngày hôm qua "thể hiện nỗi thất vọng sâu sắc và giận giữ ghê gớm". Trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố: "Chúng tôi cam kết vẫn là thành viên Liên Hợp Quốc, cho dù định chế quốc tế này có rất nhiều điều khiến chúng tôi rất giận dữ".

Theo hãng tin Reuters, hôm qua, 21/08/2016, đáp lại lời kêu gọi chấm dứt tình trạng sát hại bừa bãi những người buôn bán ma túy của Liên Lợp Quốc, tổng thống Philippines Duterte đã gọi bản báo cáo của Liên Hợp Quốc là "cái thứ chẳng ra gì chống lại một đất nước". Ông đả kích Liên Hợp Quốc là "vô dụng", gọi các chuyên gia Liên Hiệp Quốc là những kẻ "ngu ngốc".

Ông Duterte còn tố cáo Liên Hiệp Quốc không hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố và nạn đói trên thế giới, bất lực trong việc chấm dứt các xung đột tại Irak và Syria, cũng như không thể ngăn cản các nước lớn oanh kích các làng mạc, sát hại dân thường vô tội.

Tổng thống Philippines cũng đã đe dọa là ông có thể đề nghị Trung Quốc và các nước châu Phi, vốn thường chỉ trích Liên Hiệp Quốc, lập nên một tổ chức cạnh tranh. - RFI

***
Bị Trung Quốc cho báo chí đả kích về lập trường bị cho là thân Mỹ trong hồ sơ Biển Đông, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) vào hôm qua, 21/08/2016, đã gián tiếp đáp trả, cho rằng nước ông luôn có một lập trường độc lập về Biển Đông, và trong quan hệ quốc tế, "cả Mỹ lẫn Trung Quốc" đều quan trọng với Singapore.

Trong diễn văn nhân ngày Quốc Khánh Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long  xác định là trong tư thế là một nước nhỏ, Singapore một mặt phải có quân đội để tự vệ, nhưng một mặt khác cũng cần đến bạn bè, cả trong khu vực lẫn trên toàn thế giới.

Theo ông Lý Hiển Long, trong khu vực, quan hệ với hai láng giềng Indonesia và Malaysia là quan trọng nhất, còn trên thế giới thì đó là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Trong diễn văn của mình, thủ tướng Singapore không ngần ngại nhắc đến cuộc tranh chấp Biển Đông, và tái khẳng định lập trường độc lập của nước ông, một nước không có tranh chấp, và không thiên vị bên nào tại Biển Đông. Tuy nhiên, đối với ông Lý Hiển Long, có ba vấn đề quan trọng mà Singapore quyết bảo vệ : "Luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và ASEAN đoàn kết".

Một cách cụ thể thủ tướng Singapore xác định là cần phải đấu tranh cho "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", vì "nếu luật pháp không được tôn trọng, những quốc gia nhỏ bé như Singapore sẽ không thể tồn tại". Theo ông, Singapore sống được nhờ tuyến thông thương qua Biển Đông, cho nên vấn đề quan trọng là "tranh chấp Biển Đông không được ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải hoặc tuyến đường của tàu thuyền và máy bay".

Điểm đáng chú ý là ông Lý Hiển Long đã nhắc lại lập trường độc lập của Singapore sau khi ghi nhận rằng trong thời gian qua, báo chí nước ngoài, trong đó có báo chí Trung Quốc, đã chỉ trích Singapore là không đứng về phe Bắc Kinh nhiều hơn.

Ông cũng hàm ý nhắc đến những sức ép đến từ Trung Quốc, khi xác nhận rằng ông cũng biết là một số người Singapore đã lo ngại trước những chỉ trích đến từ Trung Quốc, vì bạn bè và đối tác kinh doanh của họ đã cho rằng bất kỳ căng thẳng nào giữa Trung Quốc và Singapore đều có hại cho công việc kinh doanh và hợp tác.

Theo thủ tướng Lý Hiển Long, dù hiểu được những lo ngại đó, nhưng chính quyền Singapore phải hành động sao cho bảo vệ được quyền lợi chung của đất nước. - RFI

***
Trong các tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á, cá và san hô là các nạn nhân tương đối ít được chú ý. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye ngày 12/07/2016 về vụ Philippines kiện các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh môi trường của các tranh chấp. Trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng sinh thái tại Biển Đông bị coi rất nhẹ, nhiều nhà khoa học khuyến nghị: Bảo vệ sinh thái cần phải coi là một chìa khóa để giải quyết tranh chấp.

Tòa án La Haye nhận định các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo "trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt". Khía cạnh môi trường được nêu bật trong phán quyết của Tòa án quốc tế khơi dậy niềm tin trong giới bảo vệ sinh thái, là môi trường có thể là "một chìa khóa" góp phần giải quyết cuộc xung đột tại Biển Đông.

Cho đến nay, dường như công luận chú ý nhiều hơn vào vấn đề tự do và an toàn hàng hải trên con đường huyết mạch của giao thông đường biển toàn cầu, với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại hàng năm và tiềm năng dầu mỏ tại Biển Đông, ước tính hơn 7,5 tỉ baril, tuy nhiên giá trị của Biển Đông về thực phẩm và sinh thái cũng hết sức lớn. Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học ngày càng chú ý đến các tổn hại về môi trường hết sức nghiêm trọng, không chỉ do việc bồi đắp các đảo nhân tạo, mà còn do việc khai thác hải sản bừa bãi. "Biển Đông bên bờ thảm họa sinh thái" là cảnh báo của The Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI).

San hô bị thảm sát 

Trong một khu vực tương đối nhỏ so với tổng diện tích biển toàn cầu, với khoảng 3 triệu km² ở vùng khí hậu cận nhiệt đới, nhưng Biển Đông là nơi cư trú của 37% giống cá của toàn thế giới và đến 76% loài san hô.

Giáo sư Edgardo Gomez, nhà sinh học Philippines, thuộc Viện khoa học hải dương, University of the Philippines (được trang mạng Quartz.com dẫn lời), nhận định: Biển Đông là "một thiên đường dưới nước".

Chỉ riêng hệ sinh thái san hô được các nhà khoa học ước tính giá trị khoảng 350.000 đô la đối với một hecta trong một năm. Theo các chuyên gia, sinh thái san hô mang lại giá trị hơn bất cứ loại sinh thái nào khác, như sinh thái rừng rậm nhiệt đới, hay sinh thái rừng ngập nước...

Tuy nhiên, san hô đã bị tàn phá kinh hoàng trong những năm gần đây. Theo giáo sư John McManus, chuyên gia về sinh vật biển đại học Miami, các hoạt động khai thác hải sản của con người đã hủy hoại đến 16.200 hecta (tương đương 162 km²) san hô, mà trong đó 98% là do người Trung Quốc. Thiệt hại ước tính 6 tỷ đô la/năm. Diện tích san hô tại Biển Đông cứ một thập niên lại giảm 16%.

Theo các hình ảnh vệ tinh mới đây, diện tích san hô bị phá hủy do người Trung Quốc khai thác (đặc biệt để phục vụ trang trí nhà cửa) là tương đương 104 km² (Bài "Giant Clam Poaching Wipes Out Reefs in South China Sea"). Việc ngư dân tăng cường khai thác hải sản bằng việc sử dụng thuốc nổ hay xyanua cũng tham gia vào quá trình san hô bị phá hủy với tốc độ rất nhanh chóng này. Bên cạnh đó, 58 km² san hô bị hủy diệt trong quá trình Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo.

Cá chỉ còn bằng 1/10 so với giữa thế kỷ trước

Bên cạnh các tổn hại nghiêm trọng về san hô, sự vắng mặt của một quy định bảo vệ môi trường và sinh thái tại Biển Đông cũng khiến tôm cá của khu vực này đang trên được bị đánh bắt đến mức cạn kiệt. Biển Đông vốn là nơi khai thác hải sản chiếm 12% sản lượng toàn cầu, với tổng trị giá 21,8 tỷ đô la. Nghề cá sử dụng khoảng 4 triệu nhân công, và là nguồn thực phẩm cho hàng trăm triệu cư dân ven bờ.

Trang mạng thông tin độc lập Theconversation.com dẫn lại một nghiên cứu hồi năm ngoái, theo đó, 55% tàu cá trên toàn thế giới hoạt động tại Biển Đông (Bài "Cá, chứ không phải dầu lửa, là trung tâm của tranh chấp Biển Đông"). Trữ lượng cá tại Biển Đông hiện nay giảm từ 70 đến 95% so với những năm 1950. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, tới năm 2045, đối với mỗi loài cá được nghiên cứu, trữ lượng sẽ còn giảm thêm từ 9% đến 59%.

Ước tính trong 30 năm vừa qua, lượng cá đánh bắt được mỗi giờ chỉ còn bằng một phần ba so so với trước. Điều đó có nghĩa là phải nỗ lực gấp bội để có thể đánh bắt được cùng một lượng cá so với trước đây.

Trong số các quốc gia ven bờ Biển Đông, Trung Quốc cũng là nước đang triển khai một chính sách khai thác quy mô lớn, vừa vì mục tiêu kinh tế, vừa nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này. Trước khi phán quyết La Haye được đưa ra, tương lai sinh thái Biển Đông là vô cùng u ám.

Bên cạnh việc khai thác bừa bãi, bồi lấp đảo quy mô lớn, thì tình trạng giao thông hàng hải gia tăng, và sự phát triển nhiều khu công nghiệp ven bờ biển, với hệ quả là vô số rác thải, độc chất, cũng là các nhân tố đe dọa nghiêm trọng môi trường Biển Đông.

Vẫn theo giáo sư John McManus, đại học Miami, cộng đồng quốc tế đang chứng kiến "sự sụp đổ của nghề ngư nghiệp tại Biển Đông, và hàng trăm thảm họa về môi trường tại khu vực này, đe dọa cuộc sống hàng trăm triệu cư dân ven bờ".

ASEAN phải đạt thỏa thuận về "an ninh sinh thái"

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi với phán quyết La Haye. Ông James Borton - nhà nghiên cứu tại học viện Mỹ-Châu Á ở Washington - DC, tác giả cuốn "South China Sea: Challenges and Promises/Biển Đông, các thách thách thức và hứa hẹn" - ví phán quyết của tòa án La Haye như "một siêu bão" đối với lập trường đầy tham vọng bất chấp láng giềng của Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết nói trên.

Trong bài viết "Hậu La Haye…", chuyên gia về Biển Đông James Borton nhấn mạnh đến sứ mạng hàng đầu của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông là tìm ra "một thỏa thuận về an ninh sinh thái". 

Trong bối cảnh môi trường và sinh thái Biển Đông lâm nguy, các nhà khoa học khuyến cáo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gia tăng hợp tác khoa học về biển, đặc biệt là mở cửa cho việc nghiên cứu tại các đảo và rạn san hô tranh chấp, dẹp qua một bên mọi bất đồng về chủ quyền, đổi mới phương thức hoạt động của Viện ASEAN vì Hòa Bình và Hòa Giải (APIR), lập ra một ủy ban khoa học để xem xét kinh nghiệm của Hiệp Ước Nam Cực trong việc quản lý Biển Đông, xúc tiến đối thoại để thành lập một công viên biển hòa bình, tại khu vực Trường Sa….

Dự án công viên hòa bình, hoặc ít nhất là một công viên biển được bảo vệ tại Trường sa, Biển Đông, "có thể là bước đi đầu tiên để cải thiện sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước láng giềng".

Theo nhà sinh vật biển John McManus, một thỏa thuận về khai thác hải sản tại Biển Đông là một điều cần thiết, một giải pháp duy nhất để tránh cho nghề cá Biển Đông rơi vào sụp đổ, và đây cũng là con đường đi đúng để tránh nguy cơ xung đột quân sự gia tăng. Giáo sư McManus lạc quan cho rằng hiện nay triển vọng cho một thỏa thuận sinh thái như vậy tăng lên rất nhiều, sau phán quyết La Haye (ông đưa ra hình ảnh: xác xuất 1/10 so với 1/100 trước đây). - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Một phụ nữ California bị tù vì âm mưu bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc

Trước khi bà Wenxia Man bị bắt vì tội làm môi giới bán thiết bị quân sự trị giá 50 triệu đôla cho chính phủ Trung Quốc, bà Man biết rõ những rủi ro của việc làm này.

Theo hồ sơ của tòa án liên bang, trong các cuộc đối thoại với một nhân viên mật vụ của chính phủ liên bang đóng vai bên bán, người phụ nữ ở California này thừa nhận bà biết việc buôn lậu 3 động cơ phản lực và một máy bay không người lái ra khỏi nước Mỹ là bất hợp pháp.

Giới hữu trách cho biết tuy vậy bà vẫn tiếp tục liên lạc với người giả làm bên bán, và một “gián điệp công nghệ” Trung Quốc tên Xinsheng Zhang, người làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc để nhập khẩu thiết bị và dữ liệu công nghệ.

Bà Man, 45 tuổi, còn dùng tên là Wency, có gia đình với hai đứa con nhỏ, làm phó chủ tịch một công ty phụ tùng công nghệ ở San Diego, bị tuyên án 50 tháng tù vì vai trò của bà trong âm mưu này. Một thẩm phán đã ra phán quyết tại tòa án bang Florida hồi tuần trước.

Bà Mam làm môi giới để được trả 1 triệu đôla huê hồng nếu thương vụ này trót lọt, nhưng các cuộc thương lượng kéo dài cả năm đã dừng lại vào năm 2013.

Theo lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Trung Quốc có từ năm 1990, không một vật dụng quốc phòng nào được bán hay chuyển giao cho Trung Quốc nếu không được chính phủ cấp phép bằng văn bản. Còn trong vụ này, bà Man không đăng ký làm môi giới. Bà Man bị bắt vào tháng 9 năm 2015 và đã không nhận tội trước những cáo trạng âm mưu và xúc tiến xuất khẩu các vật dụng quốc phòng từ Mỹ và làm môi giới không có giấy phép để xuất khẩu các vật dụng quốc phòng. Bồi thẩm đoàn đã kết tội bà Man hồi tháng 6.

Bà Man sinh ra ở Trung Quốc và đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 2006.

Phụ tá chưởng lý Mỹ viết trong đề nghị tuyên án: “Khả năng gây nguy hại lớn không thể đoán được đối với sự an toàn của các phi công chiến đấu cơ, các quân nhân và an ninh quốc gia và đã có thể xảy ra nếu bị cáo thực hiện âm mưu thành công. Thật rõ ràng bà Man và ông Zhang tham gia những nỗ lực nhằm giúp cho Trung Quốc tăng cường khả năng và sức mạnh quân sự.”

Âm mưu này khởi sự ít nhất là vào tháng 3 năm 2011 và tiếp diễn cho đến tháng 6 năm 2013. Zhang và Man bày tỏ quan tâm đến các vật dụng quân sự và cuối cùng đã rơi vào trao đổi qua điện thoại và email với nhân viên mật vụ của Bộ Nội an, theo hồ sơ của tòa. Họ bàn thảo về các thiết bị nào được mua bán và bàn với người giả bên cấp hàng về sự cần thiết phải xuất hàng sang một nước thứ ba – có thể là Nam Triều Tiên hoặc Israel – để tránh bị phát hiện. Trong số các thiết bị đặt mua, có một máy bay không người lái loại MQ-9 Reaper/Predator B và ba loại động cơ phản lực trong chiến đấu cơ.

Bà Man nhiều lần nói với nhân viên mật vụ rằng chính phủ Trung Quốc là bên mua các thiết bị đó. Mục tiêu đứng sau vụ mua bán này là Trung Quốc sẽ tìm hiểu và khám phá các bí mật của máy bay không người lái và động cơ phản lực để họ tự chế tạo các thiết bị đó.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm Chủ nhật, luật sư Alexander Strassman của bà Man bảo vệ quan điểm rằng hành động của bà Man không lên cao đến mức như bị truy tố.

Thẩm phán ra lệnh cho bà Man chữa trị về tâm thần trong vào sau khi thụ án tù 4 năm 2 tháng.

Ông Zhang, được cho là không có mặt ở Mỹ, vẫn chưa bị bắt. - VOA
|
|

4.
Chuyên gia y tế hàng đầu: virút Zika sẽ ‘dằng dai’ ở Mỹ hơn 2 năm

Một trong những chuyên gia y tế hàng đầu của Hoa Kỳ nhận định rằng virút Zika sẽ “dằng dai” ở Mỹ có thể đến hơn hai năm, trong đó các tiểu bang ven Vịnh Mexico sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bác sĩ Anthony Fauci phát biểu trong chương trình This Week hôm Chủ nhật trên đài truyền hình ABC rằng: “Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu chúng ta thấy các ca lây nhiễm virút Zika ở Texas và Louisiana, đặc biệt là vào thời điểm này khi Louisiana đang bị lũ lụt.”

Bác sĩ Fauci, chủ nhiệm Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng, tin rằng khu vực ven vùng Vịnh Mexico đang ở vào thời kỳ chín muồi cho virút Zika, vì đó là khu vực cận nhiệt đới hay bán nhiệt đới, có loại muỗi lan truyền virút này và có nhiều người liên quan đến dịch bệnh đi lại.”

Ông nói Hoa Kỳ phải chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh Zika trên diện rộng, nhưng ông nghĩ là dịch bệnh không có nhiều khả năng bột phát vì những “điều kiện” có được ở Mỹ.

Ông nói: “Hy vọng chúng ta sẽ đạt đến khả năng có thể khống chế được dịch bệnh, và chúng ta sẽ không bị rủi ro vì dịch bệnh.”

Trung tâm Kiểm soát Bệnh khuyến cáo thai phụ tránh khu vực bãi biễn South Beach nổi tiếng ở Miami Beach, bang Florida và khu vực Wynwood của Miami, sau khi có 7 ca bị nghi là nhiễm Zika hồi tuần trước.

Virút Zika do muỗi truyền nhiễm đã lây lan trên khắp Châu Mỹ La tinh và vùng Caribe, và mới đây đã xuất hiện ở Hoa Kỳ.

Người bị nhiễm Zika thường chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Nhưng virút này liên quan đến di tật đầu nhỏ và chứng thiểu não ở trẻ sơ sinh. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Mỹ ‘sớm muộn cũng thông qua TPP’ vì tính chiến lược

Bên lề một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam hôm 22/8 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói với báo giới rằng việc xem xét để phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP ở Mỹ đang là “một vấn đề rất phức tạp và khó khăn” do tình hình tranh cử tổng thống.

Nhưng Đại sứ Vinh nhận định rằng sau cuộc bầu cử, tổng thống mới và các quan chức Mỹ “tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có khả năng xem xét TPP”. Ông đề cập đến lịch sử của nước Mỹ và chỉ ra rằng “hầu hết các hiệp định thương mại tự do đều được thông qua với tỉ lệ sít sao vì nó liên quan trực tiếp đến kinh tế, điều kiện việc làm, tiền lương của người dân”.

Hiệp định TPP về tự do hóa thương mại được 12 nước ven hai bên bờ Thái Bình Dương hoàn tất đàm phán vào tháng 10/2015 nhưng mới chỉ một vài nước phê chuẩn. Mỹ, đối tác quan trọng nhất chưa phê chuẩn và nhiều chuyên gia cho rằng hiệp định sẽ đổ vỡ nếu Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng ông vẫn nhận định Mỹ sẽ phê chuẩn TPP:

“Tôi vẫn hy vọng là Mỹ dẫu chậm chăng nữa cũng sẽ thông qua TPP. Nếu cần thiết thì có thể có một vài bổ sung sửa đổi gì đó theo cái người tổng thống sẽ được đắc cử. Tôi tin rằng phía Hoa Kỳ sớm muộn cũng sẽ thông qua. Bởi vì TPP là một trong các quyết định chiến lược địa chính trị quan trọng của Hoa Kỳ”.

Về giả thuyết được đặt ra là Mỹ không tham gia TPP nữa sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, Tiến sỹ Doanh cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ thương mại do đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như với Liên hiệp Châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu, và Nam Triều Tiên. Ông nói rõ hơn:

“Giả định như không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại của mình và chủ ý để không phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế nào ở mức có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Việt Nam. Và đấy là cái phương hướng mà Việt Nam đang hướng tới”.

Tiến sỹ Doanh giải thích thêm rằng Việt Nam kiên định về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại do đã thấy những động thái của Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay, sử dụng thương mại để gây sức ép chính trị. Ông Doanh nêu ra các ví dụ về động thái của Trung Quốc là việc họ ngừng nhập thịt heo, thủy sản, trái cây của Việt Nam, giảm 20% lượng khách du lịch đến Việt Nam sau một phán quyết của Tòa trọng tài về đường 9 đoạn trên Biển Đông có tranh chấp. Ông nhấn mạnh:

“Vì vậy cho nên là trong tương lai dẫu có TPP hay không có TPP, thì Việt Nam sẽ hết sức kiên định trong việc đa dạng hóa, đa phương hóa và tạo ra các cái cân bằng, các đối trọng trong quan hệ thương mai và trong quan hệ kinh tế”.

Nhiều chuyên gia đánh giá Hiệp định TPP rất quan trọng vì nó không chỉ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và phát triển thương mại nhờ các điều khoản cắt giảm thuế, mà hiệp định còn có những cam kết theo đó khi thực thi Việt Nam sẽ cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường pháp lý và tăng tính minh bạch. - VOA
|
|

6.
Trung Quốc tập trận tại Vịnh Bắc Bộ sát Việt Nam

Phải chăng Trung Quốc đang trực tiếp cảnh cáo Việt Nam? Câu hỏi này được đặt ra sau khi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc đã bất ngờ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trên Vịnh Bắc Bộ. Địa điểm sát cạnh vùng biển Việt Nam đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh mới đây có tin là Việt Nam đã âm thầm cho chuyển giàn pháo tên lửa ra Trường Sa, trực tiếp đe dọa các cơ sở của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo trong vùng.

Theo hãng tin Mỹ AP, Cục Hải Sự Trung Quốc đã ra thông báo cấm tàu thuyền đã hoạt động trong một khu vực nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bờ biển miền Bắc Việt Nam từ ngày 22/08 cho đến ngày 24/08/2016.

Theo AP, cuộc tập trận trên Vịnh Bắc Bộ mở ra hôm nay nằm trong một loạt các cuộc diễn tập quân sự do Hải Quân và Không Quân Trung Quốc thực hiện trong vùng kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết hôm 12/07, bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc đã gay gắt bác bỏ phán quyết, đồng thời đẩy mạnh các động thái thị uy, tung oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tuần tra trên không phận Biển Đông và Trường Sa, loan báo việc đã cho Không Quân diễn tập « tuần tra tác chiến » trong khu vực từ ngày 19/07 đến 21/07.

Một cuộc tập trận bắn đạn thật luôn luôn mang tinh chất hù dọa thị uy, và việc Bắc Kinh cho tiến hành việc này trong Vịnh Bắc Bộ được cho là nhằm cảnh cáo Việt Nam, sau khi có tin là Việt Nam đã cho chuyển các hệ thống bắn pháo phản lực EXTRA ra năm cơ sở của mình tại quần đảo Trường Sa, đặt các cơ sở quân sự Trung Quốc trên các đảo nhân tạo trong khu vực vào trong tầm nhắm.

Không chỉ cho tập trận trong vùng, mà Trung Quốc còn tập trận ngoài vùng để phô trương uy lực. Hôm qua, 21/08, Bắc Kinh xác nhận là vào tuần trước, phi cơ và chiến hạm của họ đã tập trận trên Biển Nhật Bản, với sự tham gia của khinh hạm thế hệ mới nhất.

Tập trận là thị uy, nhưng Bắc Kinh không cho biết đối tượng là nước nào, cũng như không giải thích vì sao lại chọn Biển Nhật Bản làm nơi tập trận. Có điều là cuộc tập trận đó của Quân Đội Trung Quốc lại nằm trong một loạt động thái mới đây của Bắc Kinh, cho tàu cá và tầu Hải Cảnh tiến vào bên trong vùng biển mà Nhật Bản cho là lãnh hải của mình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Bên cạnh đó, vào tháng 9 tới đây, Trung Quốc còn có kế hoạch tập trận với Nga trên Biển Đông. Động thái này đã bị Hoa Kỳ chỉ trích là làm tổn hại đến an ninh khu vực. - RFI
|
|

7.
Biển Đông: Việt Nam gia hạn hợp đồng thăm dò dầu khí với Ấn Độ

Hợp đồng thăm dò dầu khí của tập đoàn quốc gia Ấn Độ OVL (ONGC Videsh Ltd - OVL) tại Biển Đông hết hạn vào tháng 6/2016. Nhưng vì quyền lợi địa chính trị của hai bên, Việt Nam lập tức gia hạn hợp đồng để Ấn Độ tiếp tục hiện diện trong khu vực bị Trung Quốc tranh giành chủ quyền.

Theo web site Infracircle Ấn Độ, tập đoàn dầu khí quốc gia OVL tiếp tục thăm dò lô 128. Một nguồn tin xin ẩn danh cho biết quyết định triển hạn hợp đồng đã được phía Việt Nam chấp thuận.

Sự kiện này xảy ra trong bối cảnh những lập luận của Trung Quốc tranh giành chủ quyền ở biển Đông bị Toà Án Trọng Tài La Haye bác bỏ.

OLV đã được triển hạn hợp đồng thăm dò và khai thác lô 128 hai lần, lần đầu tiên hai năm từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2016. Và lần thứ hai là một năm kể từ tháng sáu vừa qua. Một nhân vật thứ hai thông thạo hồ sơ này cho biết thêm là chính phủ Việt Nam muốn Ấn Độ « song hành» với Việt Nam tại Biển Đông, không muốn tập đoàn dầu khí của Ấn Độ rời khu vực bị Trung Quốc dòm ngó. Được triển hạn hợp đồng, tập đoàn OVL tiết kiệm được 15 triệu đô la, không phải bồi thường cho Việt Nam do không khoan đủ số giếng quy định.

Vì sao OVL đã bỏ lô 217, nhưng tiếp tục bám trụ lô 218 cho dù chưa tìm thấy dầu khí ? Theo chuyên gia Jabin T. Jacob thuộc viện nghiên cứu Trung Quốc, có trụ sở tại New Delhi, lợi nhuận không phải là lý do chính yếu của OVL tại Biển Đông. Trên thực tế, sự hiện diện của tập đoàn dầu khí quốc gia ở vùng tranh chấp là nhu cầu chiến lược tối quan trọng của Ấn Độ để cầm chân Trung Quốc. Lô 128 tại biển Đông là một thách thức khó khăn của OVL.

Báo mạng Ấn Độ Infracircle cho biết đã gửi email đến bộ Ngoại Giao Ấn Độ, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, các sứ quán Trung Quốc và Việt Nam tại New Delhi để xin thêm thông tin, nhưng chưa được trả lời.

Các dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại hai lô 127 và 128 ngoài khơi Việt Nam đã bị Bắc Kinh phản đối với lý do là nằm trong một khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. - RFI
|
|

8.
Hội đồng khoa học chưa khẳng định có thể ăn cá biển miền trung

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và một số cơ quan liên quan hôm 22/8 đã công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển ở 4 tỉnh miền trung. Báo chí Việt Nam đưa tin tại một hội nghị ở Quảng Trị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà khẳng định hiện tại hầu hết các vùng biển miền trung đều đã an toàn. Ông cũng cho hay các hoạt động “bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển đã được xác định đã an toàn tuyệt đối”.

Môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã bị ô nhiễm hồi tháng 4 do một nhà máy của tập đoàn Đài Loan Formosa xả chất thải trái phép, dẫn đến cá chết hàng loạt, nhiều ngư dân mất sinh kế, và du lịch ven biển giảm sút.

Tin cho hay, sau khi xảy ra sự cố kể trên mà nhiều nhà quan sát và hoạt động xã hội gọi là một thảm họa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số viện và trường đại học đã lập hội đồng thẩm định gồm nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong nước, tiến hành lấy mẫu ở vùng biển 4 tỉnh trong 4 tháng trở lại đây.

Theo kết quả được công bố hôm 22/8, gần 1500 mẫu nước biển được lấy và phân tích trong 3 tháng kết thúc vào đầu tháng 8 cho thấy “các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng cơ bản trong giới hạn cho phép, đảm bảo đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản. Các thông số sắt, phenol và xyanua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép”.

Các chuyên gia cũng đã phân tích hơn 190 mẫu trầm tích ở các vị trí khác nhau kể từ tháng 5, và kết quả cho thấy “giá trị nằm trong giới hạn, hàm lượng tổng phenol và xyanua giảm rõ rệt theo thời gian”. 

Về hệ sinh thái, hơn 3.100 mẫu là các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển đã được nghiên cứu. Các chuyên gia cho biết đến tháng 6 và 7 “san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn”. 

Tuy nhiên, ngoài các kết quả nêu trên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng xác nhận báo cáo này “chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi của người dân 4 tỉnh miền trung là cá đã ăn được chưa” mặc dù theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, “từ 28/4 đến 8/8 hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian”. 

Ông Hà nói rằng đối với vấn đề an toàn thực phẩm và an toàn hải sản, “cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế”.

Kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia môi trường công nghiệp với 27 năm kinh nghiệm, nhận xét rằng các cơ quan Việt Nam chưa khẳng định cá biển miền trung có an toàn để ăn hay không vì việc xét nghiệm cá có những khó khăn, đồng thời do các cơ quan có thể quá thận trọng. Ông Đình nói với VOA:

“Lấy mẫu để đo cái độc tố trong mô của cá là cái vấn đề rất khó. Lấy mẫu ở trong nước, trong đất so với lấy mẫu của cá thì lấy của cá khó hơn nhiều. Cái thứ hai là họ cũng thận trọng. Hai cái chất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường nói là gây độc là Phenol và Xyanua thì thời gian bán rã của hai chất đó rất ngắn. Do đó nếu biển sạch từ tháng 5 như thông cáo báo chí của bộ thì đến nay hai chất đó, giả sử nó là nguồn gốc từ một cái chất ô nhiễm thì nó cũng hết rồi, không còn lại trong hải sản nữa”.

Từ tháng 4 đến nay, mối lo về chất độc trong cá biển đã làm nhiều người không mua cá biển để ăn nữa, làm ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của ngư dân. Nhiều người mong muốn nhà chức trách Việt Nam sớm khẳng định cá biển đã đủ an toàn để ăn hay chưa. Kỹ sư Đình nêu ra gợi ý về hướng giải quyết. Ông cho rằng Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm việc cùng nhau và sớm đưa ra một lời xác nhận. Ông nói:

“Theo tôi thì hai bộ cần phải thống nhất với nhau và có thể lấy mẫu cá một lần cuối nữa, lấy mẫu cá tươi, cùng nhau đưa ra, ví dụ, 3 phòng thí nghiệm khác nhau để phân tích, và sau đó có một công bố rõ ràng”.

Theo báo chí Việt Nam, sau khi nghe báo cáo hôm 22/8 tại Quảng Trị, tiến sĩ Friedhelm Schroeder, người có 40 năm nghiên cứu về môi trường ở Đức, đã đánh giá rằng chương trình giám sát, phân tích lần này của Việt Nam “rất kỳ công, chính xác, tin cậy với phương pháp đánh giá ngang bằng với các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu”.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn có tâm lý hoài nghi về các kết quả công bố. Kỹ sư Đình cho rằng để giải tỏa tâm lý này, nhà chức trách Việt Nam cần để các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào tiến trình lấy mẫu, phân tích. Ông nói:

“Ví dụ như mời cơ quan quốc tế và họ độc lập lấy mẫu. Nếu ta cho họ điều kiện lấy mẫu phân tích, cho chuyên gia Nhật lấy mẫu phân tích, thì tôi nghĩ những việc đó sẽ gây lòng tin dễ hơn, bởi vì nói thẳng ra chính phủ chúng ta đã ăn vào lòng tin và tiền bạc nó hơi nhiều nên bây giờ khó lấy lại lắm”.

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng sau khi các nhà khoa học công bố nước biển miền Trung "đạt chuẩn", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều lãnh đạo đã xuống tắm biển ở Quảng Trị vào trưa 22/8, bất chấp lúc đó có mưa to, và sau đó họ đã ăn hải sản. - VOA
|
|

9.
Hai thái cực trong vụ nổ súng ở Yên Bái

Đám tang của ba người chết trong vụ nổ súng ở Yên Bái đang gây nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.

Trong khi báo chí trong nước đưa tin nhiều về tang lễ của ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND tỉnh này, thì hầu như không có tờ nào nhắc tới đám tang của nghi can Đỗ Cường Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. 

Tin ban đầu cho biết ông Minh là người bắn chết hai ông Cường và ông Tuấn, và cuộc điều tra, theo báo chí trong nước, vẫn đang tiếp diễn. 

Truyền thông Việt Nam đưa tin, tang lễ dành cho hai quan chức trên diễn ra “theo nghi thức cấp cao”. Trong số những người tới viếng hai ông Cường và ông Tuấn có nhiều bộ trưởng trong đó có ông Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an. 

Theo báo điện tử Tiền Phong, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và các Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, đã gửi vòng hoa kính viếng hai cựu quan chức này. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, một người dân sinh sống gần nhà nghi phạm, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ bắn người “gây chấn động” không chỉ tỉnh Yên Bái mà còn “cả nước”. 

Cư dân này cho biết thêm về tình trạng “các cơ quan đoàn thể không được cho mang hoa tới viếng ông Minh:

“Lãnh đạo cấm, không cho các cơ quan đoàn thể đến và đem vòng hoa. Các cấp dưới phải nghe theo, chứ làm trái, thì công việc của mình không được ổn định. Chứ còn nó không phải cấm người đến”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để phỏng vấn với các quan chức tỉnh Yên Bái để xác nhận thông tin này. 

Ông Sơn nói thêm rằng nhiều quan chức ở Yên Bái “không được lòng dân”, vì “dân đã nghèo, tham nhũng lại nhiều”. 

Các bức ảnh về tang lễ lặng lẽ của nghi can Đỗ Cường Minh đăng trên Facebook hôm 20/8 đã được gần 30 nghìn người like (thích), trong khi clip về tang lễ của hai quan chức tỉnh Yên Bái được gần 800 người like. 

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng viết dưới các bức ảnh lễ tang của ông Minh, xin trích: “Chúc ông yên giấc ngàn thu. Không ai biết rõ được động cơ nào của ông, còn ai đứng đằng sau chuyện này không, nhưng nếu quả thật ông bắn thì đây là một quyết định có tính toán. Dễ gì người ta bỏ tất cả để chơi đến cùng”. 

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết rằng qua thông tin trên báo chí trong nước, ông chỉ suy đoán về chuyện “quan chức mâu thuẫn về quyền lợi, tranh giành chức quyền thì họ xử nhau thôi”, và nói thêm rằng ông “không chắc chắn được vì không có bằng chứng”. 

Ông nói thêm về việc đưa tin vụ này của báo chí Việt Nam: 

“Tin của báo chí không khách quan và không có căn cứ pháp lý. Về luật pháp Việt Nam, ai có tội hay không phải do bản án của tòa có hiệu lực, chứ còn cơ quan điều tra hiện nay cũng chưa thể khẳng định ai là thủ phạm của vụ giết người đấy được. Nói chung là báo chí Việt Nam theo sự chỉ đạo, lãnh đạo của đảng mà. Cái nghị quyết của đảng người ta nói là nó còn trên cả hiến pháp, trên cả pháp luật”. 

Ông Sơn nói thêm rằng theo quy định của tố tụng hình sự, “nghi phạm chết thì người ta đình chỉ vụ án, không điều tra nữa”. 

Luật sư này nói tiếp rằng “nếu người ta điều tra mà không tìm ra được người thứ tư là thủ phạm hay liên quan thì không có cơ sở để khẳng định ai là thủ phạm trong vụ này và [vụ án] chấm hết”. 

Hôm 18/8, truyền thông trong nước dẫn lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi tố "vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng", trong khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng có mặt tại tỉnh này để chỉ đạo giải quyết vụ việc. - VOA

No comments:

Post a Comment