Tuesday, August 23, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 23/8

Tin Thế Giới

1.
Quân đội Nga-Trung xác nhận tập trận ở biển Đông

Cuộc thao dượt hải quân giữa Trung Quốc và Nga sẽ diễn ra trên biển Đông từ ngày 12 tới 19 tháng Chín. 

Theo các hãng tin, trong cuộc tập trận chung, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cùng với hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập việc phòng thủ cũng như triển khai binh sĩ trên biển Đông. 

Kế hoạch này đã được đôi bên thống nhất trong cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị tại Trạm Giang, Trung Quốc. Đôi bên trước đây từng diễn tập hải quân, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ở La Haye, Hà Lan, ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh. 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tháng trước tuyên bố đây là cuộc tập trận “thường lệ” và “không nhắm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào”. 

Cuộc tập trận diễn ra cùng tháng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc mà nước chủ nhà tuyên bố không muốn vấn đề biển Đông được đề cập. 

Trong khi đó, hôm qua, 22/8, hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài đến ngày 24/8 ở Vịnh Bắc Bộ, nơi có một số tranh chấp lãnh hải giữa các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. - VOA
|
|

2.
Manila truy sát tội phạm ma túy, quan hệ Mỹ-Philippines căng thẳng

Gần 2000 người bị giết tại Philippines trong khuôn khổ chiến dịch bài trừ ma túy từ ngày tổng thống Rodrigo Duterte được bầu lên vào tháng Năm đến nay. Số liệu do chỉ huy cảnh sát Philippines tiết lộ hôm nay, 23/08/2016, cho thấy quy mô của chiến dịch có thể gọi là "truy sát tội phạm" ma túy một chiến dịch được tân tổng thống Philippines cho phép nhưng đã làm cho quan hệ với Mỹ căng thẳng thêm lên.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Washington vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mark Toner đã lên tiếng bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" trước các thông tin được tiết lộ, đồng thời thúc giục chính quyền Duterte đảm bảo sao cho các cơ quan chấp pháp Philippines hành xử đúng theo các chuẩn mực nhân quyền.

Chiến dịch bài trừ ma túy một cách quá mạnh tay, mở đường cho các hành vi lạm quyền và lạm dụng, cùng với những lời lẽ thiếu ngoại giao của tân tổng thống Philippines đã khiến Hoa Kỳ lâm vào một tình thế lúng túng, vì Washington cần đến Manila trong chiến lược liên kết các đồng minh và đối tác ở châu Á để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, đặc biệt là ở vùng Biển Đông chiến lược.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua đã để lộ thái độ tiến thoái lưỡng nan khi xác định rằng Hoa Kỳ "tiếp tục làm rõ với chính phủ Philippines ... mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền, về tình trạng giết người ngoài vòng pháp luật, nhưng Hoa Kỳ cũng cam kết duy trì và tăng cường quan hệ song phương" với Philippines.

Đối với ông Toner, hoàn toàn không có việc Mỹ nhắm mắt làm ngơ trước các vụ vi phạm nhân quyền, và quan hệ với Manila trong thời gian gần đây, vừa tốt, vừa "thẳng thắn", ám ngữ chỉ tình trạng căng thẳng.

Riêng về chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines, trong cuộc điều trần tại Thượng viện nước này vào hôm nay, Ronald dela Rosa, chỉ huy cảnh sát Philippines xác nhận rằng đã có hơn 1.900 người bị giết từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống đến nay.

Lãnh đạo cảnh sát nói rõ là trong tổng số đó, chỉ có 750 người bị lực lượng an ninh hạ sát, còn cảnh sát đang điều tra về cái chết của khoảng 1.100 người khác.

Theo ông dela Rosa, cảnh sát không hề được chỉ thị là bắn bỏ những thành phần sử dụng hay buôn bán ma túy. - RFI
|
|

3.
Thượng đỉnh Pháp-Đức-Ý tìm xung lực mới cho Châu Âu hậu Brexit

"Liên Hiệp Châu Âu chưa phải đã kết thúc" sau vụ Brexit. Ông Matteo Renzi hôm qua 22/08/2016 đã tuyên bố như trên, nhân cuộc họp thượng đỉnh châu Âu thu nhỏ tại Ý. Thủ tướng Ý đã mời tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm đảo Ventotene, nơi yên nghỉ của một trong những người sáng lập EU là Alberto Spinelli, trước buổi ăn tối làm việc trên hàng không mẫu hạm Garibaldi.

Theo đặc phái viên Domitille Piron của RFI tại Napoli, lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Ý muốn tiến nhanh, sau cú sốc Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu:

Cuộc gặp gỡ này cho phép vạch ra những nét căn bản cho hội nghị thượng đỉnh Bratislava ngày 16/9 tới. Ông Matteo Renzi, François Hollande và bà Angela Merkel nay có thể nghĩ đến tương lai châu Âu, vì nguy cơ "tan rã, chia cắt và co cụm" vẫn hiện hữu - theo tổng thống Pháp.

Những ưu tiên được ấn định, để có thể đến Bratislava với những đề nghị cụ thể nhằm tái thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu, mà trước hết là an ninh nội địa và ngoài nước. Ba nhà lãnh đạo muốn tăng cường kiểm soát biên giới, với một tổ chức biên phòng và tuần duyên chung của châu Âu, hợp tác chặt hơn về tình báo, và tăng thêm phương tiện cho quốc phòng. Ông François Hollande nói: "Ngày nay châu Âu phải tự bảo đảm vấn đề quốc phòng cho mình".

Ưu tiên thứ hai là kinh tế, vì châu Âu "vẫn chưa phải là vùng đất có ưu thế cạnh tranh nhất trên thế giới" - theo nhận định của bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức và các đồng nhiệm châu Âu trông cậy vào kỹ thuật số và công nghệ mới để tái thúc đẩy tăng trưởng, riêng ông François Hollande mong muốn tăng ngân sách gấp đôi cho kế hoạch Juncker.

Cuối cùng, xung lực mới cho châu Âu có thể đạt được thông qua việc quan tâm hơn đến giới trẻ. Đối với ông Matteo Renzi, "cần phải chứng tỏ cho thế hệ trẻ rằng châu Âu có nghĩa là hòa bình, là an ninh". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump: cần bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để điều tra Quỹ Bill và Hillary Clinton

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump yêu cầu một công tố viên độc lập đặc biệt lập tức điều tra Quỹ Bill và Hillary Clinton, nói rằng không thể tin cậy Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ - FBI làm công việc này.

Ông Trump bỏ phần lớn bài diễn văn vận động hôm qua đọc tại Akron, bang Ohio để nói đến điều mà ông miêu tả là “quy mô lớn” của sự phạm tội của bà Hillary Clinton, nói rằng ông cảm thấy bị chấn động về điều này.

Ông Trump nói: “Bộ Tư pháp Mỹ có trách nhiệm bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt độc lập, bởi vì Bộ cho tới nay đã chứng tỏ mình là một cánh chính trị đáng buồn của Nhà Trắng. Chưa ai từng phải chứng kiến những điều này bao giờ. Bộ Tư pháp Mỹ đã hành xử một cách thiếu đạo đức.”

Các đối thủ của bà Hillary Clinton cáo buộc rằng những người tặng nhiều tiền cho hội từ thiện của hai vợ chồng ông bà Clinton lợi dụng hành động này để tiếp cận bà Hillary Clinton và các phụ tá hàng đầu của bà thời bà làm Ngoại trưởng.

Bà Hillary Clinton từ trước tới giờ vẫn bác bỏ lời cáo buộc đó. Xuất hiện trên chương trình giải trí của đài truyền hình ABC “Jimmy Kimmel Live” chiều tối thứ Hai, bà Clinton bác bỏ những tố cáo của ông Trump là “những lời bịa đặt.”

“Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng cuộc vận động tranh cử này đã bước vào một thế giới nào khác. Ông ấy bịa đặt những điều để tấn công tôi. Nếu ông ấy vẫn ở thế giới thật này, thì tôi không có điều gì phải lo lắng.” 
 
Các email mới được công bố cho thấy là trong khi một số phụ tá của bà Hillary Clinton yêu cầu bà giúp về một số việc riêng tư, không có chứng cớ cho thấy những yêu cầu đó được bà nhận lời, hoặc chính bà Clinton có liên can trong các hành vi mờ ám.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Hillary Clinton dẫn trước ông Trump 6% ở Ohio, và gần 6% trên toàn quốc. - VOA
|
|

5.
Chuyên gia nói viện trợ Mỹ rất quan trọng với an ninh châu Phi

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Nigeria hôm 23 và 24/8 trong khuôn khổ chuyến công du bắt đầu ở Kenya và sẽ kết thúc ở Ả-rập Xê-út. An ninh khu vực và chống khủng bố là những chủ đề chính trong các cuộc hội đàm của ông Kerry với các quan chức chủ nhà. Ngoại trưởng Mỹ cũng thông báo cấp thêm viện trợ để giúp cấp ngân quỹ cho các cuộc tổng tuyển cử trong năm tới ở Kenya, và để bảo đảm các nhu yếu phẩm cho người dân mất nhà cửa do xung đột ở Nam Sudan.

Các lãnh đạo Nigeria đã rất vất vả giữ gìn sự thống nhất ở đất nước bị chia rẽ vì tôn giáo và bị khủng bố bởi các chiến binh Boko Haram. Trong cuộc họp với Tổng thống Muhammadu Buhari và các quan chức hàng đầu của Nigeria, ông Kerry sẽ thảo luận về các nỗ lực chống khủng bố và cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khoan dung tôn giáo. Ông Steve McDonald, một chuyên gia châu Phi tại Viện Woodrow Wilson, cho rằng Nigeria có thể muốn nhiều điều chứ không chỉ các cuộc hội đàm. Ông nói với VOA:

"Thời gian này, người châu Phi rất, rất thiếu kiên nhẫn với người phương Tây, những người đến cùng với các khoản trợ giúp an ninh thêm nữa và rao giảng với họ. Họ cần thấy một số điều cụ thể. Nếu người phương Tây ngỏ lời cung cấp thêm trợ giúp, thêm trợ giúp an ninh cũng như trợ giúp phát triển, trợ giúp giáo dục, nhất là tập trung vào Bắc Phi, tôi nghĩ người ta sẽ hoan nghênh điều đó".

Ông Kerry đến Nigeria sau chặng dừng chân ở Kenya, nơi ông tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp 25 triệu đôla để giúp nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm tới.

Ông Steve McDonald nói: "Tôi nghĩ khoản trợ giúp bầu cử dành cho Kenya là một điều rất quan trọng. Những cuộc bầu cử như vậy đã không diễn ra suôn sẻ trước đây. Có một số phản đối về kết quả và bầu cử cần diễn ra trơn tru. Kenya là một đối tác cực kỳ quan trọng cả về an ninh lẫn kinh tế ở khu vực đó của châu Phi, và giữ cho đất nước này ổn định cũng như đi đúng đường là điều thực sự quan trọng".

Ở Nairobi, ông Kerry cũng đã gặp gỡ với các quan chức khu vực để thảo luận về các giải pháp cho tình trạng bạo lực ở Nam Sudan. Họ đồng ý về việc cần phải có một lực lượng của khu vực bảo vệ cho dân thường bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Ông Kerry công bố khoản viện trợ mới trị giá 138 triệu đôla để mang lại thực phẩm, nước và thuốc men cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Sudan.

Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng điều này không vĩnh viễn, chúng tôi sẽ không đơn thuần lấp đầy một khoảng trống, chúng tôi sẽ không giúp đỡ mãi, nếu họ không sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm và làm những điều cần thiết dành cho người dân của họ".

Các chuyên gia nói rằng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng viện trợ đi đến đúng địa chỉ.

Ông Steve McDonald nói: "Nam Sudan đầy tai tiếng về tham nhũng lớn. Hơn 3 tỷ đôla đã chảy vào Nam Sudan dưới hình thức viện trợ và trợ giúp ngân sách từ khi nước này giành độc lập cách đây vài năm - và hầu hết số đó vào túi các quan chức tham nhũng".

Chính sách của Mỹ đối với Châu Phi có thể thay đổi khi có chính quyền mới. Ông McDonald nói ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump không nắm rõ hoặc quan tâm đến châu lục này. Nhưng ông cho rằng ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton có thể chú ý đến châu Phi hơn cả chính quyền hiện nay, nếu tính đến việc bà từng là ngoại trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia nói bà Clinton có thể đòi hỏi nhiều hơn đối với các nhà lãnh đạo châu Phi, yêu cầu họ làm tốt cho người dân của họ. - VOA
|
|

6.
Phó Tổng thống Biden sẽ gặp áp lực trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Khi Phó Tổng thống Joe Biden đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư, ông sẽ là lãnh đạo cấp cao nhất của phương Tây đến thăm đất nước này kể từ vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất thành vào ngày 15/7. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang tức giận về điều mà họ cho là thiếu đoàn kết từ phương Tây, trong khi nhiều người ở phương Tây lo ngại về việc Ankara sa thải hoặc đình chỉ gần 80.000 nhân viên chính phủ và binh sĩ kể từ cuộc đảo chính bất thành. Thông tín viên VOA tại Tòa Bạch Ốc Cindy Saine tường trình về mối quan hệ Hoa Kỳ-Thổ Nhĩ Kỳ và sứ mệnh của ông Biden.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối diện với một loạt các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng như vụ xảy ra hôm thứ Bảy nhắm vào một đám cưới của người Kurd ở Gaziantep, theo sau một âm mưu đảo chính bao gồm vụ đánh bom đầu tiên vào quốc hội nước này. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết về mục tiêu của Phó Tổng thống Biden trong chuyến thăm này:

“Đầu tiên và trên hết là thông điệp mà Phó Tổng thống sẽ đưa ra là sự hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục của chúng ta đối với các đồng minh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng đây là một đất nước đang gặp phải rất nhiều chuyện”.

Một số nhà phân tích nói hầu hết người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã chỉ trích thái quá phản ứng của Ankara sau cuộc đảo chính.

Ông Kemal Kirisci của Viện Brookings nói:

“Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ hoang mang là tại sao một đồng minh rất lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ lại phải mất một thời gian dài như vậy để bày tỏ và biểu lộ tình đoàn kết qua một chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, và câu hỏi này cũng đặt ra cho EU”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo sống tại Mỹ Fethullah Gulen đã gây ra vụ đảo chính và yêu cầu Washington trao ông ta cho Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Campuchia ‘làm đường, đưa dân’ lên biên giới giáp VN

Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới thông báo kế hoạch xây đường dọc biên giới với Việt Nam, và yêu cầu chính quyền địa phương đưa dân tới đó sống, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên vùng biên. 

Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói trước khoảng 700 người tại một sự kiện ở thủ đô Phnom Penh hôm 22/8 rằng nhà nước đã thông qua đề xuất xây đường ở tỉnh Takeo, sau khi bị chỉ trích về tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém ở vùng biên gần Việt Nam. 

Thủ tướng Campuchia được trích lời nói rằng “cách tốt nhất để bảo vệ biên giới là đưa người Campuchia tới sinh sống tại các vùng biên ở phía đông, tây và bắc đất nước”.

Kế hoạch trên được loan báo ít ngày sau khi Bộ Ngoại giao Campuchia gửi thư kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt điều bộ này nói là “sự xâm phạm lãnh thổ Campuchia của Việt Nam”, nhất là “việc đào ao, xây dựng tiền đồn” trên các vùng đất mà Phnom Penh nói là của mình. 

Ông Var Kim Hong, quan chức phụ trách ủy ban xử lý tranh chấp biên giới, nói rằng Campuchia quyết định công bố bức thư sau khi các cuộc thảo luận kín với phía Việt Nam “rơi vào ngõ cụt”, đồng thời bày bỏ hy vọng rằng Hà Nội sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này. 

Việt Nam chưa lên tiếng là có nhận được bức thư của Bộ Ngoại giao Campuchia hay không, cũng như phản ứng của Hà Nội. 

Theo ban tiếng Khmer của Đài VOA, quan chức hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 29/8 để thảo luận về các vấn đề biên giới. 

Tranh chấp lãnh thổ là một vấn đề đã và đang gây nhiều sóng gió trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh.

Thủ tướng Hun Sen của Campuchia mới đây đã lên tiếng nói rằng Việt Nam không phải là “ông chủ” của mình, sau khi một cư dân mạng người Việt viết trên Facebook của ông rằng nhà lãnh đạo này đã “phản bội” Hà Nội. - VOA
|
|

8.
Hai thanh niên bị tù vì 'chống phá' trên Facebook?

Hai thanh niên bị kết án đến ba năm tù vì điều 88 tội “'tuyên truyền chống phá Nhà nước' trên mạng xã hội tại Việt Nam.

Phiên tòa xử Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) và Nguyễn Hữu Thiên An diễn ra tại Tòa án tỉnh Khánh Hòa.

Nguyễn Hữu Quốc Duy, thường trú ở phường Cam Phú, TP Cam Ranh, làm nghề buôn bán. Quốc Duy bị đưa ra xét xử theo điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam, với “Tội tuyên truyền chống nhà nước” và bị ba năm tù. Quốc Duy đã bị tạm gia trong tám tháng kể từ sau khi bị bắt. Thiên An bị án hai năm tù.

Vào tháng 11/2015, Quốc Duy bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì lý do mà gia đình được nói là 'tuyên truyền chống phá Nhà nước' trên mạng xã hội.

Nhiều nhà hoạt động nói họ không thể đến tham dự phiên tòa vì “bị chặn lại” và “bắt đi”.

Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy được cho là "bị bắt" và không thể tham dự phiên tòa.

BBC liên lạc với người thân của gia đình và được cho biết bà Nay "bị thu giữ điện thoại" và "vừa được thả".

Hình ảnh từ các thành viên nhóm hoạt động nhân quyền Con đường Việt Nam cho thấy nhiều người bị đưa về trụ sở công an phường trước thời gian diễn ra phiên xử.

Trước thời gian diễn ra phiên xử, hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành, được mẹ của Quốc Duy, bà Nguyễn Thị Nay mời bào chữa miễn phí.

Tuy nhiên đơn xin bào chữa bị từ chối.

'Từ chối bào chữa'

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong hai người tình nguyện bào chữa kể lại: “Chúng tôi nộp đơn bào chữa vào cách đây khoảng ba tuần. Theo quy định của pháp luật thì trong vòng ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng, ở đây là tòa án, phải cấp giấy cho luật sư.”

“Nhưng sau đó chúng tôi đợi một tuần sau khi nhận được văn bản từ chối luật sư với lý do em Duy ở trong trại giam đã viết đơn nhờ một luật sư là luật sư Bạch Mai của Đoàn luật sư Khánh Hòa và trong đơn đó Duy cũng viết không nhận một luật sư nào khác bào chữa cho em.”

“Đó là theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời cho chúng tôi, chứ chúng tôi cũng chưa bao giờ thực sự thấy bức thư đó là thế nào. Với lý do đó, tòa án tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cho chúng tôi bào chữa.”

Tuy bị từ chối, luật sư Khả Thành cũng cho biết ông đã làm đơn kiến nghị gửi chánh án tòa án Khánh Hòa vì cho rằng sự việc “khá lạ”.

“Cái đơn đó hoàn toàn đó không thể hiện được ý chí thật sự của em Duy vì theo chị Nay là mẹ em Duy thì Duy ở nhà không có quen biết bất cứ một luật sư nào khác. Và người nhà cũng thế.

“Nên bây giờ đường đột vậy. Nếu mà Duy biết thì ngay từ lúc mới bắt và khởi tố Duy, thì em đã nhờ người luật sư đó ngay nhưng cho đến bây giờ trước khi xử vài tuần có một cái đơn như vậy.

“Theo chúng tôi nghĩ như vậy hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng của Duy. Do vậy, trong cái đơn kiến nghị của chúng tôi, chúng tôi mong muốn được gặp luật sư hoặc người nhà trực tiếp gặp Duy để hỏi cái đơn đó có phải thực sự là nguyện vọng của Duy hay không. Hoặc là cho đến thời điểm này Duy có giữ yêu cầu là từ chối hay không.”

Luật sư này nói ông và gia đình Quốc Duy “không được tòa án tỉnh Khánh Hòa trả lời theo quy định của pháp luật”.

Sau phiên xử sáng 23/8, Nguyễn Hữu Quốc Duy bị phạt ba năm tù giam, Nguyễn Hữu Thiên An bị phạt hai năm tù giam.

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, việc tạm giam tám tháng “dứt khoát là vi phạm pháp luật về tạm giam, tạm giữ rồi."

Điều 88

Vào năm 2013, luật sư Hà Huy Sơn từng có bình luận về điều 88 Bộ luật Hình sự với BBC. Ông nói:

“Đối với các phiên tòa xét xử tội 79 và 88 nói xét xử là công khai nhưng thực tế là xét xử kín và người thân trong nhiều trường hợp không được dự phiên tòa.

“Nội dung hai điều 79 và 88 qui định không cụ thể và rõ ràng và công dân Việt Nam rất khó xác định ranh giới đâu là quyền của công dân và đâu là hành vi bị nhà nước cấm.

“Vì thực tế như thế nên các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng hai điều này chủ quan và tùy tiện. Hai điều này hạn chế quyền công dân do chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.”

Nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam từng bị bắt và kết án dựa trên điều 88 này. - BBC

No comments:

Post a Comment