Saturday, August 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 6/8

Tin Thế Giới

1.
Thế vận hội Rio 2016 khai mạc với vũ điệu Samba và pháo hoa hành tráng --- Olympic mùa hè Rio 2016 chính thức khai cuộc

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Rio đã diễn ra trong tiếng hò reo của hàng chục ngàn người và bài ca thể hiện tình yêu với đất nước Braxin.

Nhà sản xuất của buổi lễ, Macro Balich, là một nhân vật đã quen mặt trong các sự kiện lớn. Ông đã tổ chức 17 buổi lễ lớn trên khắp các châu lục, kể cả Thế vận hội mùa đông Turin 2006 và Sochi 2014. Ông nói ông muốn mang đến một màn trình diễn giàu cảm xúc, nhưng cũng không quên những thách thức xã hội và kinh tế mà Braxin đang phải đối mặt. Nhà sản xuất này muốn chuyển đi một thông điệp về môi trường và tương lai của hành tinh chúng ta.

Hàng triệu người đã theo dõi buổi lễ khai mạc trên truyền hình vào ngày thứ 6, với sự hiện diện của 200 đội tuyển Olympic, và cả một đội tuyển đặc biệt nhất từ trước tới giờ, với thành phần là những người tỵ nạn.

Đội tuyển đặc biệt này gồm 10 vận động viên đến từ Nam Sudan, Ethiopia, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Công Gô và Syria, tất cả đều được tuyển bởi Ủy ban Olympic nơi họ đang sinh sống như Kenya, Luxembourg, Brazil, Bỉ, và Đức. 6 người đàn ông và 4 người phụ nữ trong đội sẽ tranh tài tại các bộ môn điền kinh, judo và bơi lội.

Buổi lễ khai mạc Thế vận hội Rio kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, hơn 45 phút so với chương trình đã ấn định, bao gồm những màn trình diễn pháo hoa, và sự góp mặt của hàng trăm vũ công trong các trang phục sặc sỡ, óng ánh sắc màu. Bầu không khí của buổi lễ hoành tráng, tràn đầy nhiệt huyết, vốn là đặc tính nổi bật của đất nước Braxin.

Hàng chục nguyên thủ quốc gia có mặt để tham dự lễ khai mạc, bất chấp những khó khăn mà Braxin đang gặp phải về kinh tế cũng như chính trị.

Hoa Kỳ, nước có thành phần hùng hậu nhất tham gia Thế vận hội lần này, được chào mừng với những tràng pháo tay nồng nhiệt. Trong khi đội tuyển Nga, với rất nhiều vận động viên bị cấm tham dự do dính líu đến vụ bê bối chất kích thích, chỉ được động viên lấy lệ.

Tuy nhiên, khi đoàn vận động viên nước chủ nhà xuất hiện, cũng là lúc cả sân vận động tràn ngập trong những âm thanh như sấm rền. Những tiếng hô vang “Braxin, Braxin, Braxin” liên tục được cất lên từ lúc đoàn xuất hiện cho tới khi về vị trí trên sân vận động Maracana.

Sớm hôm đó, cảnh sát chống bạo động đã đập tan một cuộc biểu tình bằng hơi cay và lựu đạn choáng. Vài trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài sân vận động để lên án nạn tham những và chi tiêu quá ngân sách trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội.

Những người biểu tình cho biết Thế vận hội 2016 chỉ mang lại lợi nhuận cho một thiểu số trong khi đó gạt đi số đông còn lại, thành phần thiếu thốn cần các việc làm có thu nhập, các dịch vụ giáo dục và y tế tốt hơn.

Tổng thống đương nhiệm của Braxin, bà Dilma Rousseff không có mặt tại buổi lễ do đang trải qua các thủ tục của tiến trình luận tội. Quyền Tổng thống Michel Temer đã có mặt thay cho bà tại buổi lễ. 

Trong hàng chục ngàn khán giả dự lễ khai mạc tại sân vận động Maracana, có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, cả hai nước này đều đang chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội 2024.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng có mặt cùng với hàng chục quan chức đại diện cho các quốc gia trên toàn thế giới. - VOA

***
Tối qua, 05/08/2016, trên sân vận động huyền thoại Maracaña tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ 31, đã chính thức khai cuộc. Buổi lễ khai mạc Thế vận hội đầu tiên tại Nam Mỹ đã kéo dài gần 4 giờ trước hơn 78 nghìn khán giả và 45 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ trên thế giới có mặt trên sân chứng kiến sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Đúng 20 giờ, giờ địa phương, lễ khai mạc Olympic Rio 2016 bắt đầu. Sau nghi thức thượng cờ trong tiếng quốc ca do ca sĩ nổi tiếng Brazin Paulinho da Viola, 73 tuổi thể hiện, là màn trình diễn nghệ thuật đầy màu sắc và âm thanh độc đáo tái hiện lại toàn bộ lịch sử đầy biến động của đất nước Brazil. Tiếp đó là màn diễu hành truyền thống của hơn 200 đoàn thể thao.

Từ Rio de Janeiro, đặc phái viên RFI Eric Mamruth tường trình:

207 đoàn nối tiếp nhau tiến vào sân vận động Maracana trong tiếng hoan hô của khán giả trên sân, đặc biệt như các đoàn Brazil, Bồ Đào Nha, đoàn Pháp với người cầm cờ là võ sĩ Judo Tedy Riner hay đoàn vận động viên của những người tị nạn.

Sau khi quyền tổng thống Brazil Michel Temer tuyên bố khai mạc Thế vận hội Rio trong tiếng la ó phản đối của một bộ phận khán giả, đến màn châm đuốc lên đài lửa Olympic. Đây là màn được giữ bí mật đến tận phút chót. Cuối cùng không phải Vua bóng đá Pelé hay vận động viên Guga Kuerten, ba lần vô địch giải quần vợt Roland Garros như dự đoán, mà Vanderlei Cordeiro, cựu vận động viên marathon, huy chương đồng tại Olympic Athens 2004, là người cầm đuốc Olympic châm lên đài lửa thắp sáng bầu trời Rio cho đến tận ngày 21/8 tới đây.

Rio 2016: Ngày hội trong một đất nước khủng hoảng toàn diện

Thế vận hội mùa hè Rio 2016 lần đầu tiên tổ chức tại Nam Mỹ như vậy đã chính thức khai cuộc, tuy nhiên đất nước Brazil đón nhận ngày hội thể thao lớn trong bối cảnh đang bị khủng hoảng, kinh tế chính trị và xã hội.

Trước lễ khai mạc, cách không xa sân vận động Maracana, một cuộc biểu tình của khoảng gần 1000 người phản đối quyền tổng thống Michel Temer và Thế vận hội.

Thông tín viên François Cardona tại Rio de Janeiro ghi nhận:

Với khẩu hiệu “Temer cút đi”, người biểu tình tụ họp trước bãi biển nổi tiếng Copacobana của thành phố Rio để phản đối quyền tổng thống Michel Temer như là kẻ đảo chính chiếm quyền. Đa số là những người ủng hộ bà Dilma Rousseff, đang bị đình chỉ chức tổng thống. Không những thế, người biểu tình còn phản đối Thế vận hội Olympic lần này.

Bà Renata, giáo viên dạy toán cho biết: Rio de Janeiro đang ở trong tình trạng khẩn cấp về tài chính. Chính quyền đã vung hết tiền ra để tổ chức Thế vận hội Olympic, trong khi đó dân chúng không còn được hưởng gì về giáo dục hay về chăm sóc y tế. Họ không được gì hết...

Rất đông người biểu tình sau đó tìm cách tiến về sân vận động Maracana, nơi chuẩn bị diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay can thiệp.

Với anh Maorisur, sinh viên luật, kỳ Thế vận hội này chỉ là bề mặt đánh lừa thiên hạ. Anh nói: Chúng tôi không chống gì các du khách, nhưng chúng tôi phản đối Thế vận hội vì nó chỉ tạo ra bất công. Chúng tôi lên án sự trấn áp thô bạo đối với chúng tôi.

Brazil đã chi ra hơn 12 tỷ euro cho Thế vận hội Rio 2016. Đây là khoản chi phí khổng lồ khiến người Brazil ngày càng thêm phẫn nộ.

Sau màn lễ hội khai mạc là đến các cuộc so tài của các vận động viên. Ngày thi đấu đầu tiên hôm nay tại Rio sẽ có 12 danh hiệu vô địch Olympic 2016 được trao.

Môn khai cuộc là môn bắn súng ngắn và môn đua xe đạp đường trường. Tiếp đó lần lượt các vận động viên bơi lội, judo, đấu kiếm, bóng rổ… cũng bắt đầu ra quân với các trận đấu loại. - RFI
|
|

2.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc tuần tiễu trên biển Đông --- Bắc Kinh yêu cầu Singapore tôn trọng lập trường của TQ về phán quyết của Tòa Trọng Tài --- Hoa Đông: 230 tàu cá TQ vào gần các đảo đang có tranh chấp

Không quân Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom và chiến đấu cơ “tuần tiễu tác chiến” gần các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã, một số máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 đã bay tuần tra và trinh sát cũng như huấn luyện tiếp nhiên liệu quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời quan chức cấp cao của không quân nước này nói rằng đây là một nỗ lực nhằm bình thường hóa các cuộc diễn tập như vậy, đáp trả các mối đe dọa về an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, truyền thông quốc gia đông dân nhất thế giới không cho biết các cuộc tuần tiễu trên diễn ra khi nào.

Cuộc tuần tra được tiến hành vào thời điểm căng thẳng leo thang ở biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Bắc Kinh đã phản bác quyết định của Tòa có trụ sở ở La Haye, Hà Lan. Một số nhà quan sát nhận định rằng Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông để "trả đũa".

'Chiến tranh trên biển'

Trong tuần này, Việt Nam kêu gọi “không đe dọa sử dụng vũ lực”, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 4/8 tuyên bố rằng “hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

Ông Bình nói thêm: “Các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”.

Người phát ngôn lên tiếng hai ngày sau khi Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, nói tại tỉnh Chiết Giang rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc có thể bị tác động từ các mối đe dọa từ biển.

Ông Thường sau đó yêu cầu người dân cũng như các lực lượng của nước này chuẩn bị tâm lý được huy động “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. - VOA

***
Báo Straits Times, ngày hôm nay, 06/08/2016, cho biết Bắc Kinh đã đề nghị Singapore tôn trọng lập trường của Trung Quốc liên quan đến các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông, cũng như đồng thuận của ASEAN trong hồ sơ này.

Trong thông cáo được công bố hôm qua, 05/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Trung Quốc hy vọng Singapore có thể duy trì lập trường khách quan và công bằng, với tư cách là điều phối viên quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Singapore và bang giao lành mạnh, ổn định giữa Trung Quốc và ASEAN".

Đại diện bộ Ngoại Giao Bắc Kinh đã có phát biểu như trên khi trả lời các câu hỏi của truyền thông Trung Quốc về bình luận của thủ tướng Singapore trong cuộc gặp với các quan chức giới doanh nhân Mỹ tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ và Hội Đồng Doanh Nghiệp Mỹ-ASEAN, ngày 02/08, tại Washington.

Trong cuộc gặp này, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Trung Quốc không thay đổi lập trường đối với các đòi hỏi lãnh thổ tại Biển Đông sau phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài La Haye.

Vẫn theo lãnh đạo Singapore, có ít quốc gia chấp nhận "lùi bước", thay đổi lập trường, nhưng có lẽ không một bên tranh chấp nào, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan lại "muốn đi tới cùng". Các bên liên quan muốn bảo vệ các lợi ích, duy trì các đòi hỏi của mình, nhưng không bên nào lại muốn xẩy ra chiến tranh.

Trong phán quyết ngày 12/07, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã bác bỏ các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc, được thể hiện qua bản đồ "đường chín đoạn" ở Biển Đông. - RFI

***
Hôm nay 06/08/2016, bộ Ngoại Giao Nhật Bản thông báo đã phát hiện khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên Trung Quốc, trong đó có 3 tàu dường như trang bị vũ khí, trên biển Hoa Đông, gần các đảo mà Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp.

Vào lúc 8g05’ hôm nay 06/08/2016 (tức 23g30 ngày hôm qua 05/06/2016, theo giờ quốc tế), sau khi phát hiện ra các tàu tuần duyên Trung Quốc ở gần các đảo đang có các tranh chấp là Senkaku/Điếu Ngư, vụ các vấn đề châu Á và Đại Dương, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã có những kháng nghị mạnh mẽ tới đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã yêu cầu các tàu này phải rời đi ngay lập tức và « không bao giờ được tiến vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản ». Thông cáo nhấn mạnh: "Nhật Bản không thể chấp nhận, trong bất kể trường hợp nào, việc các tàu Trung Quốc hoạt động ngoài khơi quần đảo Senkakư, vì điều này làm trầm trọng thêm tình hình và gây gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Vụ việc này xảy ra một ngày sau khi Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên bộ Ngoại Giao để phản kháng việc các tàu Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản vào chiều hôm qua 05/08/2016.

Các căng thẳng liên quan tới các đảo và bãi đá ở vùng biển phía nam Nhật Bản bắt đầu từ năm 2012, ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan hệ hai nước. Quần đảo Senkakư/Điếu Ngư không có người ở, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc phản đối chủ quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước đây, rất hiếm khi các tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Khảo sát: bà Clinton dẫn trước ông Trump --- Cựu lãnh đạo CIA tố cáo Donald Trump "vô tâm" làm gián điệp cho Nga

Các cuộc thăm dò công bố tuần này cho thấy ứng cử viên tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump đang cố gắng đuổi kịp đối thủ bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, với khoảng cách khá xa sau Hội nghị Toàn quốc của đảng Dân chủ hồi tháng trước.

Cuộc thăm dò gần đây nhất, McClatchy-Marist, cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 48% so với 33%. Trong cuộc thăm dò tương tự hồi tháng rồi, khoảng cách này gần hơn khi bà Clinton được 42% và ông được 39%.

Cuộc thăm dò được thực hiện từ thứ hai đến thứ tư tuần này và công bố hôm 4/8.

Tuy nhiên, không phải tất cả số liệu này đều tích cực cho cựu Ngoại trưởng Clinton, với 40% cử tri trưởng thành đã đăng ký cho biết họ bỏ phiếu cho bà vì họ chống lại ông Trump, theo cuộc khảo sát.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy 55% cử tri trưởng thành đã đăng ký không yêu chuộng bà Clinton.

Ông Trump còn tệ hơn, với 66% cử tri được hỏi cho biết họ không ưa doanh nhân tỷ phú này.

Ở nhóm cử tri dưới 30 tuổi, quan điểm thể hiện rất rõ ràng.

Cả cuộc thăm dò McClatchy và cuộc khảo sát cử tri do GenForward thực hiện đều cho thấy dưới 25% cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 30 thích ông Trump.

Trong nhóm này, cuộc thăm dò McClatchy cho thấy 23% sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên bên thứ ba ứng cử viên đảng Tự do, Gary Johnson, trong khi cuộc thăm dò GenForward cho thấy cứ 10 cử tri trẻ thì có tới 7 người cảm thấy họ không biết gì nhiều về ứng viên này để bỏ phiếu cho ông ta.

Tương tự với ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein, 16% nói họ sẽ dồn phiếu cho bà, theo khảo sát McClatchy-Marist.

Cử tri trong mọi độ tuổi vẫn tỏ ra không tin tưởng và không thích bà Clinton xuất phát từ vụ tai tiếng dùng máy chủ email cá nhân tại tư gia trong công tác của chính phủ. Trong buổi vấn đáp tại một hội nghị ở Washington dành cho nhóm ký giả thiểu số hôm 5/8, khi được hỏi về tỷ lệ ưa chuộng dành cho bà, bà Clinton dẫn tỷ lệ ủng hộ khi bà thôi chức Ngoại trưởng là 66% và bày tỏ tin tưởng rằng khi cử tri thực sự lắng nghe cương lĩnh của bà, họ sẽ ủng hộ.

"Tôi sẽ bước lên và trình bày rõ đường lối của tôi, dân chúng sẽ nghe," bà phát biểu trước hội nghị. - VOA

***
Tổng thống Barack Obama và ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ Mỹ, bà Hillary Clinton đã liên tục chỉ trích ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump không đủ khả năng trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Một trong những lý do là ông Trump không hiểu biết các vấn đề quốc tế.

Thế nhưng, một cựu giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ông Michael Morell, còn đi xa hơn, cho rằng ông Trump có thể là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Năm 2013, ông Morell nghỉ hưu, sau 33 năm làm việc tại CIA và hai lần giữ chức quyền giám đốc cơ quan tình báo này.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet tường trình:

"Trên mục diễn đàn của báo New York Times, ông Michael Morell bày tỏ nghi ngờ ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa là một gián điệp của Nga mà không hề ý thức được việc này.

Ông Morell nhắc lại rằng tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn là một nhân viên tình báo, biết khai thác những điểm yếu của các đối tượng. Nguyên lãnh đạo CIA viết rằng ông Trump đã bị cám dỗ bởi những phát biểu tâng bốc của tổng thống Nga. Theo ông Morell, thì để đáp lại, ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã gọi ông Putin là một nhà lãnh đạo lớn, bỏ qua việc tổng thống Nga sáp nhập Crimée và những ý đồ của ông ta đối với Ukraina ; ông Trump còn khuyến khích các cơ quan tình báo Nga do thám thư điện tử của bà Hillary Clinton, rồi đe dọa là giảm vai trò của Hoa Kỳ trong NATO.

Nói một cách khác, Michael Morell hàm ý rằng qua việc xu nịnh, tâng bốc, ông Putin dường như đã biến ông Trump thành một nhân viên phục vụ một cách vô tâm các lợi ích của Nga.

Ông Morell cũng phê phán ông Trump kêu gọi cấm không cho vào Hoa Kỳ những người Hồi Giáo phá hoại an ninh quốc gia bằng cách giúp tuyên truyền thánh chiến.

Ngược lại, cựu lãnh đạo CIA không tiếc lời ca ngợi cựu ngoại trưởng, người biết cách bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Ông Morell không theo đảng phái nào và kết luận bài viết của mình với thông báo là ông sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton".
|
|

4.
Tổng thống Obama động viên đội tuyển Mỹ tham gia Olympics

Nhân bài diễn văn hàng tuần vào mỗi thứ Bảy, Tổng thống Obama hôm nay chào mừng khởi đầu của Thế vận hội Mùa hè bằng những lời chúc may mắn cho đội tuyển Mỹ khi họ tranh tài trên sân khấu thế giới. Tổng Thống Obama nói Đội USA nhắc nhở thế giới vì sao nước Mỹ luôn là một tấm gương trong tư cách “một quốc gia của di dân tìm được sức mạnh trong tính đa dạng và tình đoàn kết trong niềm tự hào quốc gia.”

Ông ngỏ lời cảm tạ các vận động viên Mỹ tham gia Olympics và Olympics cho người Khuyết tật vì họ “đại diện cho những tinh hoa của nước Mỹ trước thế giới.” Ông nói:

“Các vận động viên Olympic của chúng ta nhắc nhở tới tiềm năng của chúng ta, là bất kể đến từ đâu, ta có thể thành công nếu quyết chí và có tinh thần kỷ luật. Đó không chỉ là tinh thần Olympic, mà còn là tinh thần Mỹ.”

Tổng thống Obama cho biết các vận động viên trong đội USA đến từ 46 bang của Hoa Kỳ, là đội có nhiều phụ nữ nhất từng tham gia tranh tài so với bất cứ nước nào có mặt ở Thế vận hội, bao gồm cả các cựu quân nhân cũng như một số quân nhân hiện dịch, có vóc dáng cao thấp khác nhau và thuộc đủ mọi lứa tuổi.

Ông nói đùa rằng “có người già sấp sỉ bằng tôi, có người ra đời chỉ một năm trước con gái út của tôi.”

Nhà lãnh đạo Mỹ nói tại một thời điểm có nhiều thách thức trên thế giới, “chúng ta hãy cảm kích vì được xem một cuộc thế vận nơi diễn ra các cuộc tranh tài hoà bình trong tinh thần thể thao, và được chứng kiến những cử chỉ thân thiện, thái độ đồng cảm và hiểu biết giữa các đối thủ tranh tài với nhau, biết rằng tất cả đều chia sẻ chung tình đồng loại.”

Tổng thống Obama cũng chào mừng Đội tuyển Tỵ nạn đầu tiên trong lịch sử gồm 10 vận động viên đến từ Congo, Ethiopia, South Sudan, và Syria, mà theo lời ông là “những biểu tượng của sức chịu đựng bền bỉ.”

Tổng thống Mỹ kết thúc bài diễn văn của ông với lời động viên đội Mỹ, nói rằng “Đất nước chưa bao giờ tự hào về các bạn như bây giờ. Chúng tôi ngưỡng phục những cố gắng của các bạn để giờ đây có mặt tại Rio, và về những gì mà các bạn có thể thực hiện được tại đó. Hãy nhớ rằng khi các bạn bước lên bục để nhận huy chương, chúng tôi sẽ hát theo bài quốc ca và có thể cả rơi lệ, và hiện diện ngay bên các bạn.”

Âm thanh và video của trọn bài diễn văn của Tổng thống Obama có trên trang mạng của Toà Bạch Ốc www.whitehouse.gov. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hậu Formosa: “Nổ như tạc đạn”

Câu chuyện truy trách nhiệm quan chức Việt Nam dính líu tới việc đưa Formosa vào Vũng Áng, ưu đãi mọi mặt và dễ dãi về vấn đề cần thận trọng là biện pháp bảo vệ môi trường, có vẻ như sắp đi tới hồi quyết liệt nhất.

Lật ngửa lá bài trách nhiệm

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang dọa đóng cửa Formosa nếu tái phạm, ngày 4/8 ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có phát ngôn được mô tả như tiếng nói của Đảng, cho thấy việc truy trách nhiệm đến cùng những ai dính líu tới Formosa đang diễn ra. Nói theo ngôn ngữ đường phố là sắp có không ít những con dê tế thần.

Báo chí do nhà nước quản lý đua nhau giật tít lớn về phát biểu lần đầu tiên trước công chúng của ông Đinh Thế Huynh liên quan đến vụ Formosa. Theo đó, truy trách nhiệm đến cùng về vai trò quản lý nhà nước trong quá trình cấp phép cho Formosa của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh và các bộ ngành liên quan. Lời ông Đinh Thế Huynh được sử dụng nhiều, điển hình như “Không thể lên báo nói mấy câu chống chế là xong…” hoặc “Làm rõ việc 12 bộ đồng ý cấp phép 70 năm cho Formosa…”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện làm việc ở Saigon nhận định:

“Đến bây giờ dư luận cũng rộng rãi yêu cầu là cần khởi tố vụ án, khi khởi tố vụ án thì lúc đó người ta mới đi vào điều tra cá nhân và xác định trách nhiệm. Còn trong đó ông Võ Kim Cự có bị xử lý hay không thì sau kết luận thanh kiểm tra toàn diện vụ Formosa tôi nghĩ không những chỉ có ông Võ Kim Cự mà còn liên quan đến nhiều người khác, như lời phát biểu trên báo chí của ông Võ Kim Cự, thì ông ấy vẫn còn hồ sơ của nhiều người ký trên đấy chứ không phải một mình ông ấy…” 

Báo điện tử Dân Trí dùng lời ông Đinh Thế Huynh liên quan đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự cho phần dẫn nhập:“Không thể ông lên báo nói mấy câu chống chế là xong việc. Cứ để kiểm tra làm rõ... Anh nói, tôi ký 12 bộ, ngành đã đồng ý. Vậy thì để kiểm tra. Luật qui định 50 năm nhưng đặc biệt là 70 năm, trường hợp này có đặc biệt hay không phải có căn cứ.” 

Ngày 4/8/2016 trong dịp tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, khi trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến thảm họa môi trường biển, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh tới việc phải giải quyết dứt điểm sự cố môi trường do Formosa gây ra. Theo lời ông, đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Khắc phục hậu quả rất gian truân, rất vất vả. Suốt từ Vũng Áng tới Lăng Cô biển không còn tôm cá.

Theo VnExpress và Dân Trí online, ông Đinh Thế Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nào đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát quan trắc…

Dính chàm nhiều tên tuổi lớn

Theo dõi thời sự những ngày qua, người đọc báo ghi nhận điều gọi là “nhà cái cầm bài rút từng lá bài có lớp lang”. Theo trình tự thời gian thì  Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau nhiều tháng im lặng không nói gì về vụ cá chết hàng loạt, đến hôm 1/8 đã răn đe Formosa nếu tái phạm sẽ đóng cửa và sẽ xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa. Sau ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đi sâu vào chi tiết hơn về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, cũng như hé lộ việc kiểm tra 12 bộ ngành có liên quan tới phê duyệt dự án Formosa, đặc biệt là hệ thống xả thải ra biển.

Cùng thời gian trong hai ngày đầu tháng 8, báo điện tử Lao Động tung lên mạng hai bài viết gây chấn động, bài thứ nhất dẫn dắt người đọc tìm hiểu trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và các giới chức cao cấp ở bộ này. Bài thứ hai, Báo Lao Động tiếp tục bóc tách với bài “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa và…nhắm mắt ký.”

Liên quan đến những tín hiệu cho thấy nhà nước bật đèn xanh để truy cứu trách nhiệm các cán bộ cao cấp liên quan đến việc phê duyệt cho Formosa vào Việt Nam một cách sơ hở và dễ dãi, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo công dân, nhà phân tích độc lập từ Saigon phát biểu:

“Tôi có nghe thông tin hiện nay đang lôi ra xem lại cái báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2008 cho Formosa. Trong báo cáo đó chỉ có đúng 1 trang đề cập về vấn đề xả thải ô nhiễm và cũng nói rất là chung chung. Dư luận cho rằng, khi mà Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường quá hời hợt như vậy, thì đó là động tác các quan chức ở Bộ này ngậm miệng ăn tiền của Formosa. Hiện nay, người ta đang xem xét trách niệm của những quan chức về hưu và nếu như trong vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan tới cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ông Hoàng mà không thoát, thì tôi nghĩ một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chắc chắn sẽ cùng chung số phận với ông Võ Kim Cự trong thời gian tới.” 

Trong phóng sự điều tra Vụ Formosa: trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ở đâu? của báo điện tử Lao Động, tờ báo lập luận rằng, ông Nguyễn Minh Quang có thể hoàn toàn vô can trong việc phê duyệt dự án Formosa vào Việt Nam năm 2008. Tuy nhiên, vấn đề cho phép siêu dự án này xả thải thẳng ra biển thay vì ra sông như giấy phép ban đầu, cũng như quá trình giám sát về những loại chất thải mà Formosa đưa ra biển lại thuộc nhiệm kỳ 5 năm của cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

Theo Lao Động Online, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã từ chối không trả lời về các loại  giấy phép cấp cho Formosa. Tuy vậy ông đá quả bóng trách nhiệm cho thuộc cấp lúc đó là Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, phụ trách Tổng cục Môi trường.

Cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, người được cho là phải chịu trách nhiệm liên quan tới việc cho phép Formosa xả thải ra biển, khi trả lời báo Lao Động Online lại khẳng định việc chấp thuận đưa Formosa vào Việt Nam, cũng như cho dự án này xả thải ra biển là chủ trương của Ban cán sự Đảng trong đó có nhiều người chứ không riêng mình ông. Dù ông là người trực tiếp ký cho phép Formosa xả thải ra biển.

Vẫn theo báo điện tử Lao Động, ông Bùi Cách Tuyến là Tiến sĩ ngành quản lý môi trường, ông cho biết bản thân hiểu rõ hoàn cảnh đất nước thời kỳ đó rất cần đầu tư cũng như tác hại môi trường kèm theo. Ông tiết lộ sự thật bẽ bàng mà có thể là tình trạng đau lòng của chế độ toàn trị ở Việt Nam. Theo lời vị cựu Thứ trưởng, ông không biết phải làm sao khi có nhiều chuyện ông khuyên ngăn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bỏ ngoài tai. Tệ hơn nữa, theo lời TS Bùi Cách Tuyến, có sự dính líu của những nhóm lợi ích ghê gớm mà ông chỉ là một thầy giáo đại học không dính tới những nhóm lợi ích ghê gớm đó.

Theo quan điểm luật pháp, báo Lao Động Online trích lời Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Cty Luật Youme, cho rằng người chịu trách nhiệm cao nhất là cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cho dù ông không ký mà ủy quyền cho người khác ký.

Trong bài thứ hai “Formosa xả thải: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ủy nhiệm bừa và …nhắm mắt ký.” Báo điện tử Lao Động còn bật mí nhiều chuyện động trời ở Bộ Tài nguyên Môi trường. Theo đó, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, cho biết tuy không tham gia hội đồng thẩm định nhưng được nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực (nhiệm kỳ 2002-2007) ủy quyền ký bản đánh giá tác động môi trường mà bản thân ông không tham gia thẩm định.

Hơn nữa ông Kinh ký vào thời điểm 2 tháng trước khi nghỉ hưu. Bản đánh giá tác động môi trường một dự án đầu tư 10 tỷ USD, với quyền sử dụng đất và mặt nước lên tới hơn 3.300 ha được ông Nguyễn Khắc Kinh ký cấp cho Formosa vào tháng 6/2008 chỉ vỏn vẹn hai trang giấy đánh máy, thể hiện sự quá sơ sài và chữ ký của quan chức Việt Nam là khá dễ dãi.

Báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Khắc Kinh trong một cuộc hội thảo năm 2011 cho biết, ở Bộ Tài nguyên Môi trường nhiều việc không bằng lòng nhưng sau cùng cũng cho qua, một phần là trình độ, sức ép về kinh tế, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của ông to, bà lớn yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà.

Khi ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, rồi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đều mạnh dạn nói với người dân là xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa, thì danh sách phải điều tra sẽ dài hơn những danh tính như cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến, cựu Bộ trưởng Mai Ái Trực, cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Đảng và Nhà nước sẽ quyết tâm đến mức độ nào là điều cần chờ thời gian để chứng minh. - RFA
|
|

6.
Giáo dân giáo phận Vinh chuẩn bị cho “Một Ngày Vì Môi Trường” --- Người Việt hải ngoại với "Một ngày vì môi trường"

Theo như thông báo của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận Vinh, thì vào ngày Chúa Nhật 07 tháng 08 năm 2016 tất cả các giáo xứ trong giáo phận Vinh sẽ dâng thánh lễ, chầu thánh thể, làm giờ cầu nguyện để cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường. Toàn thể giáo dân sẽ tổ chức dọn dẹp môi trường trong toàn giáo xứ, mọi người có thể tùy sáng kiến cũng như điều kiện của từng giáo xứ nhằm tổ chức những hoạt động khác nhau nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác này.

Bên cạnh đó, cũng đọc lại thư chung của đức cha giáo phận ra ngày 13 tháng 05 về thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Công tác chuẩn bị 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận thì tất cả mọi giáo dân trong giáo phận đều chuẩn bị rất chung đáo cho “một ngày vì môi trường”, công tác chuẩn bị đã được các giáo xứ lên kế hoạch từ sớm. Có những giáo xứ đã ra quân dọn dẹp môi trường sau khi có thư chung, để ngày chúa nhật họ sẽ tập trung việc dâng thánh lễ và chầu thánh thể.

Sau khi nhận được thư chung của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận thì cha quản xứ cũng như bà con giáo dân giáo xứ Vạn Lộc, giáo phận Vinh đã tập trung ra quân dọn dẹp xung quanh môi trường sống của mình vào ngày 02 tháng 08 năm 2016, còn chúa nhật ngày 07 tháng 08 cả giáo xứ sẽ chỉ tập trung việc dâng thánh lễ và cầu nguyện cho môi trường nhất là thảm họa về môi trường do Formosa gây ra vào hồi đầu tháng 4 ở Vũng Áng, Kỳ Anh. Ông Trường cũng cho biết, từ này trở về sau cứ mỗi tháng giáo xứ sẽ dành riêng 1 ngày để cùng làm vệ sinh chung trong toàn giáo xứ.

Ông Trần Đức Trường ban mục vụ giáo xứ Vạn Lộc chia sẻ:

“Giáo xứ đã ra quân 1 ngày là hưởng ứng vệ sinh môi trường trong toàn xứ, 1 tháng sẽ dành 1 ngày để làm môi trường. Tới đây theo thư chung đó thì giáo xứ sẽ có thánh lễ với chầu, các hội đoàn sẽ chầu để hưởng ứng ngày môi trường”

Linh mục Nguyễn Minh Đức quản xứ Bến Đén cũng cho biết sẽ thực hiện những thông báo của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận.

“Dọn dẹp vệ sinh, chầu, cầu nguyện vậy thôi.”

Bên cạnh việc tổ chức thánh lễ, các giờ chầu thánh thể, giờ cầu nguyện cho môi trường cũng như dọn dẹp vệ sinh thì nhiều giáo xứ cũng có kế hoạch tổ chức các đoàn diễu hành với mục đích bảo vệ môi trường và yêu cầu đóng cửa Formosa.

Anh Nguyễn Văn Oai ở xứ Yên Hòa chia sẻ:

“Sẽ đi diễu hành vòng qua 4 xóm, nội dung có những băng rôn, khẩu hiệu phản đối Formosa đặc biệt là yêu cầu khởi tố cũng như yêu cầu Formosa rời khởi Việt Nam. ”

“Một ngày vì môi trường sống” được Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận Vinh kêu gọi đây là lần đầu tiên việc bảo vệ môi trường được loan truyền một cách rộng rãi đến với mọi người và cũng giúp cho mọi người quan tâm đến môi trường sống của mình.

Theo ông Trường ở giáo xứ Vạn Lộc chia sẻ, thì đây là một việc nên làm đối với tất cả mọi người, ông cũng cho biết mọi người trong giáo xứ của ông đều hưởng ứng thư chung của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận rất mạnh mẽ số người tham gia trong ngày dọn dẹp vệ sinh thì toàn giáo xứ đều tham gia, nhất là trong thời gian qua nhiều báo đài trong nước đã công kích đức cha, nhưng sau khi sự việc ở Vũng Áng được làm rõ, những người liên quan đã bị quy kết thì giáo dân lại càng ủng hộ đức cha hơn nữa.

Theo ông việc làm này là để bảo vệ cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, đây là việc làm rất đổi bình thường nhưng mang ý nghĩa cao cả, nhất là trong bối cảnh môi trường đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, biển thì đang chết, rừng thì đang bị chặt phá.

“Cái đó người dân nên hưởng ứng và họ đã hưởng ứng rất mạnh và trong việc làm này cũng phần nào cũng góp phần trả lại danh dự cho đức cha, trước đây đức cha bị phản hồi về vấn đề đó, đồng thời phản hồi về chính quyền lơi lỏng trong phần trách nhiệm”

Việc làm ý nghĩa

Thảm họa môi trường ở 4 tỉnh Bắc Miền Trung và khởi đi từ Formosa ở Vũng Áng, Kỳ Anh đã gây ra bao nhiêu thiệt hại cho người dân, hàng ngàn người mất việc, nhiều người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ông Trần Đình Danh một giáo dân ở Vũng Áng cho biết, lời kêu gọi của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận đây là một việc làm rất có ý nghĩa, ông cũng cho biết kế hoạch của giáo xứ buổi sáng chúa nhật sẽ có thánh lễ, sau đó sẽ cầu thánh thể để cầu nguyện cho môi trường, mọi người trong giáo xứ sẽ đi dọn dẹp xung quanh môi trường sống, còn biểu chiều mọi người sẽ tập trung tại ủy ban nhân dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh để tiếp tục phản đối và yêu cầu Formosa đóng cửa.

Khi nói về những nguy cơ có khả năng bị chính quyền đàn áp thì ông cho biết, đây là chỗ trọng yếu chắc chắn sẽ bị chính quyền để ý, nhưng ông cho biết mình chỉ dọn dẹp môi trường, không làm gì sai cả, hơn nữa vào ngày đó tất cả các giáo xứ sẽ ra quân dọn dẹp, chính quyền sẽ bị phân tán lực lượng nên nguy cơ sẽ có đàn áp từ chính quyền thì ông chia sẻ là rất nhỏ.

Ông Trần Đình Danh một người dân ở xứ Đông Yên, Hà Tĩnh gần khu vực Vũng Áng chia sẻ:

“Chắc chắn là vùng mô thì không biết, chứ vùng này giả sứ có đàn áp thì không thô bạo lắm đâu, nhưng đây là chỗ nhạy cảm, chỗ trọng yếu, chắc chính quyền cũng để ý đây nhiều nhất, nhưng mình có làm gì mà nó phải ấy, mình chẳng qua là ôn hòa thôi”

Kêu gọi bảo vệ môi trường của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình giáo phận Vinh được nhiềungười quan tâm và chú ý nhất là ở 4 tỉnh Bắc Miền Trung. Đây là việc làm thể hiện sự đoàn kết quan tâm của mọi người. Không khí chuẩn bị cho “một ngày môi trường” ở các giáo họ, giáo xứ thuộc giáo phận Vinh được ghi nhận rất nhiệt thành. Trên Facebook nhiều người bình luận đó là việc làm rất ý nghĩa, sau giáo phận Vinh mong sự việc này được nhiều giáo phận và các tôn giáo khác tiến hành. - RFA

***
Kêu gọi “Một Ngày Vì Môi Trường” vào Chủ Nhật 7 tháng Tám mà Ban Công Lý Hòa Bình thuộc Giáo phận Vinh đưa ra không chỉ thu hút chú ý của nhiều người trong nước mà còn là tin đáng chú ý đối với người Việt hải ngoại.

Hồi chuông báo động

Một Ngày Vì Môi Trường là điều rất đáng khuyến khích, người Việt ở ngoài này nên hết lòng cỗ vũ cho Giáo phận Vinh nói riêng bằng khả năng có thể của mình, là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh Lan, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam ở Houston, Texas:

Để giải quyết vấn đề môi trường thì không chỉ phía chính quyền mà phải cả phía người dân để có thể cùng nhau xây dựng môi trường xanh đẹp hơn, sạch sẽ hơn. Việc tổ chức một ngày vì môi trường làm tăng thêm sự hiểu biết để người dân tích cực hơn trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh chung quanh. 

Nhưng một ngày thì e rằng không đủ, chúng ta cần những chương trình dài hạn và liên tục do chính tất cả những tổ chức xã hội dân sự trong nước cùng nhau hợp tác để vận động thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên đó là bước đầu rất tốt để có thể thực hiện những bước kế tiếp.

Một Ngày Vì Môi Trường mà Giáo phận Vinh khởi xướng Chúa Nhật này là khởi đầu của những bước sinh hoạt có qui củ và có ý thức. Bà Trần Thị Lai Hồng, từng phụ trách Bản Tin Cuối Ngày ờ ở Đài Phát Thanh Sài Gòn trước 1975, góp ý như vậy:

Tôi theo dõi tin Việt Nam rất kỹ và biết Giáo phận Vinh có những sinh hoạt rất chính đáng. Trong giai đoạn này không chỉ riêng vùng Hà Tĩnh mà cả nước phải noi theo, tại vì khi tổ chức biểu tình hay bất cứ cái gì thì phải có qui cũ. Tôi thấy trước đây ở Giáo phận Vinh có tổ chức mấy lần rồi, thấy hầu hết giới trẻ tham gia rất nhiều. Tôi nghĩ nên vận động giới trẻ tham gia nhiều hơn nữa. Tôi thấy những nơi khác chửi bới hơi nhiều, mình không cần phải chửi bới như vậy, nghĩa là rất nghiêm trang, rất qui cũ, rất trật tự. Biểu dương như vậy rất có hiệu quả. 

Từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, nhà báo, nhà hoạt động xã hội Tôn Vân Anh nói rằng “Một Ngày Vì Môi Trường tại giáo phận Vinh là một hình thức thể hiện dân chủ:

Hiện nay theo tôi thấy là trong nước đang thủ nghiệm tất cả những phuong pháp lành mạnh, bất bạo động và  đáng khuyến khích. Người dân đã dần ý thức về tầm quan trọng về môi trường mà trong trường hợp này chất lượng môi trường chúng ta đang sống. 

Điều tôi nghĩ người Việt trong nước cần nhất ở người Việt hải ngoại là sự ủng hộ, ít nhất về mặt tinh thần. Khi mà lên tiếng thì người dân trong nước phải vượt qua rất nhiều cản trở, người dân trong nước cần biết người Việt ở nước ngoài rất quan tâm và đánh giá cao những nỗ lực đó. Nếu mà có thể và trong khả năng của mình,  những cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều có thể quảng bá tiếng nói của người Việt trong nước ra cộng đồng quốc tế. 

Ông Nguyễn Đình Phúc, cư dân Hambourg, Đức quốc, cho rằng Một Ngày Vì Môi Trường, được Giáo phận Vinh phát động, là tiếng chuông báo động môi trường Việt Nam đang lâm nguy:

Hành động như vậy là thức tỉnh những người chưa có ý thức về môi trường xấu của Việt Nam. Đối với người Việt ở Hambourg thì trước  đây một tuần Hội Người Việt đã làm một buổi thông tin đến người dân địa phuong, qua đó thể hiện tinh thần đấu tranh của người dân ở quốc nội. Tôi nghĩ người dân hải ngoại mỗi người một việc, làm được gì để thể hiện ý chí đấu tranh của mình thì càng tốt, mình tiếp sức thêm tinh thần đòi hỏi môi trường sạch, phản đối Formosa gây xấu cho môi trường Việt Nam. 

Thà muộn còn hơn không

Nhà thơ Đỗ Bình, đang sống tại Paris, Pháp, hoàn toàn tán đồng lời đề xướng Một Ngày Vì Môi Trường của các vị chủ chăn ở Giáo phận Vinh vì nếu không cứu vãn kịp thời thì thế hệ sau lãnh đủ hết hậu quả không do họ gây ra. Vẫn theo lời ông, trong lúc trách nhiệm của người hải ngoại là vận động dư luận thì trách nhiệm của người trong nước có phần nặng nề hơn:

Một ngày cho môi trường để thức tỉnh là đại họa đã đến rồi. Phát động ngày cho môi trường không phải một ngày mà phải đều đều. Để cho đất nước sạch ô nhiễm thì phải chấn chỉnh lại tất cả, phải thay đổi cái tư duy cái não trạng, phải cùng nói cho nhau nghe rằng người dân phải tự quyết định lấy cái vận mạng của mình. 

Rời Paris nước Pháp sang thủ đô Vienna nước Áo, ông Trần Ngọc Thành, đại diện Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, tổ chức đang kết nối giúp đỡ nạn nhân ô nhiễm môi trường Vũng Áng,  ca ngợi Một Ngày Vì Môi Trường tại Giáo Phận Vinh Chúa Nhật tới đây:

Phối hợp bảo vệ môi trường, một hình thức mới từ thông điệp mà Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đưa ra, thì rất đúng lúc. Bản  thân nhà cầm quyền không có một lý do gì để ngăn cản cả. Một hành động rất đúng, rất đáng trân trọng mà chúng ta, mỗi người chúng ta ở bên ngoài rất ủng hộ vì khi nào môi trường sạch thì xã hội  sạch,  môi trường bẩn thì xã hội bị bẩn theo. 

Sau cùng, một người Việt ở Ukraina, chị Hường, cho rằng người ở ngoài góp  tiếng ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường trong nước là điều đáng làm:

Bọn mình nghĩ là tốt, nếu mà tuyên truyền tốt thì người học tập làm việc ở nước ngoài tất nhiên ủng hộ thôi, đông đảo chứ không ít đâu. Bây giờ chịu ảnh hưởng nhất chính là bà con mình chứ ai. Quê hương mình quặng bô xít cũng khai thác bừa bãi rồi vụ cá chết rồi bao nhiêu thứ, cây xanh tự dung chặt hết xong đi mua cây Trung Quốc. Nói chung là đứng về phía dân thì mình cũng nên làm để nhà nước hay là ý thức của dân cũng nâng cao cảnh giác hơn. 

Anh Kiều Tiến Dũng, một người hoạt động trong lãnh vực báo chí truyền thông ở Melbourne, Australia, nói rằng người Việt nước ngoài không thể giữ thái độ bàng quan mà phải có hành động thiết thực nhằm  kêu gọi bảo vệ môi trường như Giáo phận Vinh đã và đang thực hiện:

Thực sự thì chuyện đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, vấn đề là phải tạo nên được áp lực nào đó cho chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương ở Hà Nội để mà dẫn tới kết quả cụ thể và hữu hiệu hơn.

Nếu mà mình cứ giữ thái độ bàng quan, nếu mình không lên tiếng thì cũng sẽ không có ai lên tiếng cho mình, mình trở nên thụ động nếu không muốn nói là hèn nhát và vô trách nhiệm. Nếu ai cũng im lặng trước những khó khăn như vậy thì vấn đề sẽ tiếp tục mãi, như vậy thì tinh thần trách nhiệm của người dân ở đâu? 

Đó là những suy nghĩ của một số người Việt năm châu trước lời mời gọi Một Ngày Vì Môi Trường do Ban Công Lý Và Hòa Bình từ Giáo Phận Vinh phát động ngày Chúa Nhật 7 tháng Tám này.

Tưởng cần nhắc đây không phải lần đầu tiên một sinh hoạt tương tự được các vị chủ chăn Công giáo đề xuất. Trước đó, Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng từng có kêu gọi giáo dân tham gia công tác bảo vệ môi trường như là một trong những bổn phận của người có niềm tin Ki tô giáo. - RFA

No comments:

Post a Comment