Saturday, August 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 13/8

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Manila sẵn sàng để Bắc Kinh đồng khai thác một số nơi? --- Ngoại trưởng Trung Quốc muốn ép Ấn Độ trên vấn đề Biển Đông

Phải chăng Philippines sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông để cải thiện quan hệ? Câu hỏi này đã được đặt ra với tuyên bố vào hôm nay, 13/08/2016 của cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos, được đương kim tổng thống Rodrigo Duterte cử làm phái viên đàm phán với Trung Quốc. Theo ông Ramos, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao "hai kênh", cho phép hợp tác trong một số lĩnh vực, song song với việc giải quyết riêng rẽ "các vấn đề gây tranh cãi" như tranh chấp Biển Đông.

Theo hãng tin Pháp AFP, ông Fidel Ramos cùng với cựu bộ trưởng Nội Vụ Philippines Rafael Alunan, đã đề xuất ý tưởng này nhân các cuộc tiếp xúc tại Hồng Kông với các đại diện của Trung Quốc, trong đó có bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Trung Quốc.

Theo ông Alunan, hai bên đã thảo luận về việc "khuyến khích cơ chế kênh hai (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Track Two) hay là cơ chế trao đổi ý kiến giữa các trung tâm tham vấn (think-tank)", một hình thức cho phép hai bên "thảo luận các vấn đề gây tranh cãi".

Trong ngoại giao, kênh 1 là kênh giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà nền ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.

Phái viên Philippines không nói rõ là các "trung tâm tham vấn" nào sẽ tham gia vào việc thảo luận những vấn đề "gây tranh cãi", ám chỉ đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông. Khi được hỏi là tại Hồng Kông, phía Philippines có thảo luận với phía Trung Quốc về phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hay không, cựu tổng thống Ramos khẳng định "Chúng tôi không hề đề cập đến."

Nếu đúng như ông Ramos khẳng định, như vây là Philippines đã khuất phục trước yêu sách của Trung Quốc, từng đòi hỏi là Manila không được nói đến phán quyết mà Bắc Kinh cực lực phủ nhận trong các cuộc đàm phán song phương. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn Alunan đều nhấn mạnh rằng họ chỉ phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán chính thức sau này sẽ do những người khác đảm trách.

Ý tưởng đồng khai thác đã được ông Ramos gợi lên khi ông cho biết là ông đã thảo luận với phía Trung Quốc về "vấn đề đánh cá", một hồ sơ liên quan đến vụ từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi vùng bãi cạn Scarborough, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km (140 hải lý), nhưng lại cách đảo Hải Nam Trung Quốc đến 650 km.

Ông Ramos tiết lộ rằng ông đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư dân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở vùng Scarborough. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn ông Alunan đều cho biết là phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi. - RFI

***
Phát biểu vào hôm qua, 12/08/2016 ngay khi nhân ngày đầu tiên trong chuyến công du Ấn Độ, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không ngần gia tăng sức ép trên New Delhi về hồ sơ Biển Đông. Trả lời báo chí, ông Vương Nghị nói thẳng là Ấn Độ phải quyết định về việc có ủng hộ Trung Quốc hay không trên vấn đề Biển Đông.

Theo báo chí Ấn Độ, khi được hỏi là phải chăng ông ghé thăm Ấn Độ để tìm hậu thuẫn cho lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Đông với các láng giềng của Bắc Kinh, ông Vương Nghị đã nói: "Chính Ấn Độ là nước phải quyết định xem mình nên có lập trường như thế nào".

Tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc đặc biệt mang ý nghĩa của một lời thúc ép sau khi một nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngay trước chuyến công du của ông Vương Nghị đã lên tiếng cảnh cáo rằng việc New Delhi dấn thân vào Biển Đông sẽ gây tổn hại cho quan hệ với Trung Quốc và tạo ra những trở ngại cho doanh nhân Ấn Độ đang muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Một số nguồn tin từ Ấn Độ cho biết là ngoại trưởng Vương Nghị sẽ cố gắng tác động sao cho thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không cùng với một số nước khác nêu vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mở ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào thượng tuần tháng 9.

Sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh đang lo ngại rằng một số nước, trong đó có Hoa Kỳ, có thể sẽ nêu vấn đề trong cuộc họp G20 sắp tới.

Theo chương trình dự kiến, ngoại trưởng Trung Quốc sẽ có cuộc tiếp xúc với thủ tướng Ấn Độ Modi và ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj vào hôm nay. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ, tất cả các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm sẽ được thảo luận. - RFI
|
|

2.
Nổ bom ở Thái Lan: Chính quyền quân sự nghi phe đối lập --- Thái Lan: Bắt 2 nghi phạm sau các vụ nổ bom

Sau 13 vụ đánh bom tại miền nam Thái Lan trong hai ngày 11-12/08/2016, chính quyền cho rằng có sự liên hệ với cuộc xung đột chính trị trên quy mô quốc gia. Nhưng theo cảnh sát, hiện giờ vẫn chưa có một yếu tố nào cho phép quy trách nhiệm loạt vụ tấn công kinh hoàng cho bất kỳ phe phái nào. Theo tổng kết mới nhất, các vụ đánh bom đã khiến 4 người chết và 35 người bị thương, trong số đó có khoảng 10 du khách nước ngoài.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Arnaud Dubus tường trình:

"Dấu vết duy nhất hiện nay là những chiếc thẻ sim điện thoại được sử dụng để kích nổ bom đã được mua ở Malaysia. Vì thế, người ta có thể hướng đến các nhóm ly khai Hồi Giáo ở cực nam Thái Lan. 

Nhưng chính quyền dứt khoát bác bỏ giả thuyết này. Tập đoàn quân sự cho rằng loại bom được sử dụng để tấn công rất khác với loại mà các nhóm nổi dậy ở miền nam vẫn sử dụng. Những quả bom nổ từ thứ Năm (11/08) tại nhiều khu du lịch ở miền nam đã được cài đặt trước đó hai ngày, trước khi được kích nổ.

Điều ngạc nhiên là sự phối hợp đồng bộ và tính chuyên nghiệp của loạt tấn công. Yếu tố này có vẻ đi ngược lại giả thuyết mà một bộ phận tướng lãnh cầm quyền khi cho rằng đây là một hành động của phe đối lập với chính quyền quân sự.

Nếu như người ta đối chiếu với các vụ bạo lực hiếm hoi do một số tổ chức đối lập với chính phủ thực hiện, thì điều đáng chú ý là những người này thiếu tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chế độ quân sự vẫn cho rằng giải thuyết có nhiều khả năng xảy ra nhất chính là sự trả thù chính trị sau thành công của cuộc trưng cầu dân ý, qua đó bản hiến pháp ủng hộ quân đội đã được thông qua Chủ Nhật 07/08". - RFI

***
Cảnh sát tại thành phố du lịch Thái Lan Hua Hin đã bắt giữ hai người đàn ông sau các vụ đánh bom ở đó và các khu du lịch khác khiến bốn người thiệt mạng, hàng chục người bị thương.

Chi tiết các vụ bắt giữ không được công bố.

Tại Hua Hin, hai người đã thiệt mạng trong các vụ nổ trong vòng 24 giờ.

Phuket, một điểm đến du lịch hàng đầu, cũng là mục tiêu trong các cuộc tấn công.

Chưa có nhóm nào nhận thực hiện các vụ tấn công nhưng nghi ngờ có khả năng rơi vào Hồi giáo ly khai.

Các vụ nổ xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, Thái Lan mừng sinh nhật hoàng hậu hôm 12/8.

Ít nhất 10 người nước ngoài bị thương trong các cuộc tấn công: ba người Đức, ba người Ý, một người Áo và ba công dân Hà Lan.

Ai có thể đứng đằng sau các vụ tấn công?

Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một số nghi phạm nhưng loại trừ khủng bố quốc tế.

"Điều tra ban đầu cho thấy hai loại bom được sử dụng, đó là những quả bom lửa và thiết bị nổ, hoặc bom tự tạo," phát ngôn viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Krisana Patanacharoen nói với AP.

Các vụ đánh bom được tiến hành “theo kiểu tương tự các vụ ở miền nam".

Phóng viên BBC Jonathan Head ở Bangkok nói rằng nếu phiến quân miền Nam đứng sau các cuộc tấn công, điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể về chiến thuật.

Các cuộc xung đột kéo dài 12 năm ở miền Nam giết chết hơn 6.000 người, nhưng chưa bao giờ nhắm mục tiêu khách du lịch.

An ninh được thắt chặt tại các khu du lịch và tại các sân bay ở miền nam Thái Lan.

Các sứ quán nước ngoài đã khuyên du khách phải thận trọng.

Một loạt các vụ nổ tại Thái Lan nhắm đến thị trấn du lịch Hua Hin, Phuket và các địa điểm khác, khiến ít nhất bốn người chết và nhiều người bị thương.

Hai người tử vong sau khi bốn quả bom phát nổ tại thị trấn nghỉ mát Hua Hin trong 24 giờ qua. Một số vụ nổ cũng xảy ra ở đảo Phuket hôm 12/8.

Đêm 11/8, vụ đánh bom kép khiến một người bán đồ ăn tử vong tại thị trấn du lịch Hua Hin, không xa thủ đô Bangkok, nơi có dinh thự mùa hè của Hoàng gia Thái Lan.

Ngay sau đó, ngày 12/8, tại thị trấn này lại xảy ra ít nhất một vụ nổ ở tháp đồng hồ.

Chuỗi các vụ nổ cho tới cuối ngày thứ Sáu 12/8 gồm:

Bốn vụ nổ trong vòng 24 giờ tại Hua Hin khiến hai người chết

Hai vụ đánh bom ở Surat Thani khiến một người chết

Hai vụ nổ ở Patong, khu chính của Phuket, hiện chưa rõ có bao nhiêu người bị thương

Một vụ nổ ở Trang khiến một người chết

Các vụ nổ ở tỉnh Phang Nga

Các vụ nổ xảy ra trong thời điểm người Thái mừng ngày sinh nhật Hoàng hậu Sirikit.

Cảnh sát nói bom tại Hua Hin được giấu trong chậu trồng cây cách nhau 5 mét, được mobile phone kích nổ, cách nhau 30 phút.

Đánh bom đồng thời thường xảy ra ở ba tỉnh miền nam Thái Lan, bị bất ổn vì bạo loạn.

Nhưng hiếm khi xảy ra tấn công như thế ở các khu du lịch Thái Lan.

Hua Hin là một thành phố biển, được du khách ưa thích. - BBC
|
|

3.
Nga triển khai tên lửa tại Crimée, leo thang căng thẳng với Ukraina --- Mỹ khuyến cáo Nga chớ có lên giọng khiêu khích

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraina từ ngày 12/08/2016 trở nên cẳng thẳng hơn sau khi Matxcơva tuyên bố triển khai trên bán đảo Crimée các hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại S-400.

Theo một bản thông cáo quân sự được truyền thông Nga trích dẫn, một trung đoàn của Nga đóng tại Crimée đã khẳng định "nhận được hệ thống phòng không S-400 Triumph".

Việc triển khai hệ thống phòng không tối tân này đã được một quan chức Nga thông báo vào tháng Bẩy. Tuy nhiên, quyết định triển khai lại được tiến hành vào đúng thời điểm căng thẳng giữa Matxcơva và Kiev sau những lời các buộc nhau từ nhiều tháng nay.

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc cơ quan phản gián Nga FBS báo buộc Kiev đã điều đến Crimée nhiều nhóm "phá hoại-khủng bố" dẫn đến cái chết của một nhân viên FBS và một quân nhân Nga.

Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev khẳng định Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraina nếu "không có những biện pháp khác để làm dịu tình hình".

Trước căng thẳng leo thang giữa hai nước, Liên Hiệp Châu Âu, thông qua ngoại trưởng Federica Mogherini, đã kêu gọi tránh "mọi hành động có thể khiến leo thang căng thẳng", đồng thời tái khẳng định ủng hộ của khối đối với "sự toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraina.

Trong bản thông cáo, được AFP trích dẫn, bà Federica Mogherini nhắc lại: "Liên Hiệp Châu Âu lên án và không công nhận hành động sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimée" mà Nga tiến hành vào năm 2014. Trước đó, ngày 11/08, Hoa Kỳ cũng tuyên bố "vô cùng quan ngại" và kêu gọi cả hai bên tránh mọi "leo thang". Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh đến tầm quan trọng giải quyết xung đột "bằng đối thoại".

Riêng Nga, qua tuyên bố của ngoại trưởng Serguei Lavrov, kêu gọi phương Tây hãy cảnh cáo Kiev về "những biện pháp nguy hiểm có thể gây nên những hậu quả tiêu cực nhất". - RFI

***
Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu Nga hạ bớt giọng điệu gay gắt với Ukraine, khuyến cáo rằng Moscow có thể thổi bùng tình hình vốn đã căng thẳng và mong manh.

‘Chúng tôi hết sức quan ngại,’ phó phát ngôn nhân của Ngũ giác đài, Gordon Trowbridge, ngày 12/8 cho biết đồng thời nhấn mạnh rằng Nga nên nỗ lực hơn nữa để ngăn leo thang căng thẳng.

‘Nga đang tiếp diễn giọng điệu khiêu khích vốn đã khiến cho nhiều người có ấn tượng rằng có chuyện lớn đang xảy ra ở đó,’ ông nói thêm.

Ông Trowbridge cũng cho biết Hoa Kỳ không thấy bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ cho tố cáo của Nga rằng Ukraine đang tìm cách thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời dẫn ra điều mà ông gọi là thành tích của Nga ‘thường xuyên đưa ra những tố cáo sai lệch nhắm vào Ukraine.’

Trước đó trong ngày 12/8 ở Moscow, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine vì các quan ngại an ninh gần đây.

‘Nếu không có cách nào khác để thay đổi tình hình, tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ thực hiện việc này,’ truyền thông nhà nước dẫn lời ông Medvedev.

Quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Kyiv vẫn còn sau khi Nga sáp nhập Crimea, nơi từng là lãnh thổ của Ukraine mà cư dân đã bỏ phiếu chọn ly khai hồi năm 2014. Quan hệ đó vẫn còn khi Nga, sau đó, đã hỗ trợ vật chất cho các phần tử nổi dậy ly khai ở miền đông Ukraine tự tuyên bố độc lập khỏi Kyiv.

Nga đã triển khai một hệ thống phi đạn phòng không tiên tiến tại Crimea, quân đội loan báo hôm 12/8. Hãng thông tấn Pháp cho hay hệ thống S400 chống máy bay có khả năng lần theo dấu vết tới 300 mục tiêu và cùng lúc có thể bắn hạ gần ba chục mục tiêu.

Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết họ đang theo dõi tình hình.

Binh sĩ Ukraine tuần này được đặt trong tình trạng báo động cao khi căng thẳng với Nga gia tăng dọc theo biên giới Crimea và ở miền đông Ukraine. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Bà Clinton công bố hồ sơ thuế cá nhân --- Ông Trump: ‘nói ông Obama là người sáng lập ra IS chỉ là lời mỉa mai’

Ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton công bố hồ sơ thuế cá nhân cho thấy thuế suất năm ngoái bà đã đóng cho liên bang là 34,2% trong khi ứng viên bên đảng Cộng hòa Donald Trump đang bị áp lực ngày càng tăng trong việc công khai hồ sơ thuế.

Bà Clinton và người đồng hành, ứng cử viên Phó tổng thống Tim Kaine, công bố tờ khai thuế hôm 12/8. Thuế suất mà ông Kaine đã đóng cho liên bang trong năm ngoái là 20,3%.

Trợ lý chiến dịch vận động của bà Clinton, bà Jennifer Palmieri, tuyên bố rằng bà Clinton và ông Kaine "tiếp tục lập tiêu chuẩn về minh bạch tài chính" và kêu gọi Trump công bố hồ sơ thuế cá nhân, như các ứng viên Tổng thống khác đã làm trong bốn thập kỷ nay.

Ông Trump lặp đi lặp lại rằng các số liệu tài chính của ông đang được kiểm toán và ông từ chối không công bố cho đến khi hoàn tất kiểm toán.

Tuy nhiên nhiều tháng qua, các chuyên gia tài chính đã chỉ ra rằng không có gì ngăn trở một người công bố hồ sơ thuế cá nhân trong giai đoạn kiểm toán cả.

Các chuyên gia này cũng chỉ ra rằng các nhà phát triển bất động sản được hưởng một số ưu đãi thuế và điều này có thể dẫn đến việc ông Trump đóng thuế suất thấp hơn nhiều so với một công dân bình thường, hoặc, cũng có thể là ông không đóng đồng thuế nào cả. - VOA

***
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Sáu cải chính rằng ông chỉ “nói mỉa” khi nói rằng Tổng thống Obama là người sáng lập ra nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS), và ông đổ lỗi cho giới truyền thông đã thông tin sai ý ông khi coi lời mỉa mai đó của ông là một phát biểu nghiêm túc.

Hôm thứ Sáu, ông Trump viết trên trang Twitter của ông rằng “CNN tường thuật lại phát biểu của tôi như thể nó là sự thật, khi tôi nói Tổng thống Obama và bà Clinton là “người sáng lập” ra ISIS & MVP. Họ cũng không hiểu ra đó là những lời mỉa mai à?”

Lời tố cáo phi lý của ông Trump đã khiến ông trở thành mục tiêu bị đả kích không chỉ bởi giới truyền thông, mà còn từ các thành viên trong chính đảng của ông.

Lần thứ nhì trong tuần này, một nhóm thành viên nhiều người biết tiếng của Đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.

Hơn 70 đảng viên Đảng Cộng hòa, kể cả các cựu dân biểu và giới chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Reagan, và cả hai vị Tổng thống Bush cha và con, đã gửi thư đến Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng hòa Reince Priebus, hối thúc đảng này tập trung vào việc giúp đỡ cho các ứng cử viên đang chạy đua để giành các ghế trong lưỡng viện quốc hội, thay vì tập trung vào ông Trump.

Họ muốn Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hòa ngưng sử dụng tiền bạc, thời gian, nhân viên của Đảng Cộng hòa, cũng như các chương trình quảng cáo ủng hộ ông Trump, và thay vào đó sử dụng các tài nguyên ấy để ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa vận động giành ghế trong Hạ viện và Thượng viện. Họ cho rằng cơ may ông Trump thắng cử vào tháng 11 tới đây đang “tan biến từng ngày.”

Bên cạnh một số lý do khác, họ đơn cử cuộc khẩu chiến của ông Trump với cha mẹ của một quân nhân Mỹ theo Hồi giáo hy sinh tại Iraq, và phát biểu của ông gợi ý những người ủng hộ quyền sở hữu súng ống nên bắn bỏ bà Hillary Clinton, và vì ông Trump “nói dối về một loạt vấn đề, lớn cũng như nhỏ.”

Nhân viên phụ trách thông tin của Đảng Cộng hòa Andrew Weinstein nói với VOA rằng “nếu Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hòa không lập tức chuyển trọng tâm cho các nỗ lực của mình, thì ‘con tàu không phanh’ của ông Trump sẽ phá hoại cả thế đa số của Đảng Cộng hòa tại quốc hội nữa.” Ông Weinstein nói Đảng Cộng hòa không có thời gian để chờ đợi lâu hơn nữa, mà phải tập trung mọi nguồn lực vào các cuộc đua mà Đảng Cộng hòa có thể thắng, thay vì đốt tiền cho một ứng cử viên Tổng thống không thể nào thắng cử.

Hiện chưa có phản hồi nào từ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Hôm thứ Hai tuần trước, 50 cựu cố vấn an ninh quốc gia Đảng Cộng hòa, các giám đốc tình báo và đại diện thương mại ký một bức thư của nhóm này, tuyên bố: “Chúng tôi, không ai sẽ bỏ phiếu bầu cho ông Trump.” Họ nói “ông Trump không những không đủ năng lực để làm Tổng thống, mà nếu đắc cử, ông sẽ là một tổng tư lệnh quân đội nguy hiểm nhất, và một Tổng thống thiếu thận trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.”

Trước đó hôm thứ Năm, ông Donald Trump miêu tả Tổng Thống Barack Obama là “người sáng lập” ra nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS), và bà Hillary Clinton là “một nhân viên cốt cán sáng giá nhất” của nhóm này.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã từ chối, không rút lại hoặc giảm nhẹ lời bình luận đó của ông khi ông được cho một cơ hội trong một cuộc phỏng vấn dành cho Hugh Hewitt, người dẫn một chương trình truyền thanh và là người ủng hộ ông Trump.

Ông Hewitt hỏi ông Trump liệu có phải ông có ý nói rằng ông Obama đã thất bại, không xây dựng được hoà bình và “đã tạo ra một chỗ trống” ở Iraq và Libya dọn đường cho sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo?

Câu trả lời của ông Donald Trump là:

“Không, tôi có ý nói ông (Obama) là người sáng lập ra ISIS.. Tôi sẽ trao cho ông giải nhân viên cốt cán sáng giá nhất. Và này, tôi cũng sẽ trao cái giải ấy cho bà Hillary Clinton nữa.”

Ông Trump tuyên bố “Tôi chẳng cần biết” khi ông Hewitt nhắc nhở ông rằng ông Obama thù ghét Nhà nước Hồi giáo và đang tìm cách tiêu diệt tổ chức này.

Ông Trump phát biểu:

“Nếu ông ta làm mọi chuyện một cách đúng đắn, thì đã không có ISIS. Và vì lẽ đó, ông ta là người sáng lập ra ISIS.”

Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ mô tả những lời bình luận ấy của ông Trump là “quá khích, và điên khùng”. Một tuyên bố của Uỷ ban toàn quốc Đảng Dân chủ nói: “Đây là thêm một tuyên bố vượt ra ngoài tầm kiểm soát khác nữa của một ứng cử viên đang bung ra ngay trước mắt chúng ta.”

Ông Donald Trump dường như có vẻ trầm tĩnh và lịch sự hơn hôm thứ Năm khi ông trò chuyện với một nhóm nhà thuyết giảng tin lành ở Orlando, bang Florida, ông hối thúc họ hãy kêu gọi những người theo đạo hãy đi bầu. Ông hứa sẽ lật ngược tu chính án năm 1954 sửa đổi luật thuế vô hiệu hoá các tổ chức được miễn thuế như các giáo hội, nếu họ chính thức hậu thuẫn bất cứ ứng cử viên chính trị nào.

Trong cùng ngày, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton có mặt ở Warren, bang Michigan, nơi bà chính thức công bố kế hoạch kinh tế, mà về phần lớn đã được tiết lộ trong các bài diễn văn vận động tranh cử của bà trong suốt tuần qua.

Các kế hoạch ấy gồm tạo ra 10 triệu công việc làm ăn để tái thiết đường xá, cầu cống và bến cảng đang xuống cấp, hủy bỏ các biện pháp giảm thuế cho các công ty Mỹ xuất khẩu việc làm ra nước ngoài, và giảm học phí đại học cũng như chi phí chăm sóc con trẻ để các dịch vụ này vừa túi tiền của người dân hơn.

Trong một sự đồng thuận hiếm hoi với đối thủ Donald Trump, bà Hillary Clinton nói bà chống đối Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để quy trách nhiệm cho các quốc gia nào vi phạm các quy định thương mại toàn cầu.

Bà Hillary Clinton nói kế hoạch cắt giảm thuế má của ông Trump cho người giàu và các tập đoàn, sẽ đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái trở lại, và không làm bất cứ điều gì để giúp đỡ đa số người Mỹ. - VOA
|
|

5.
Máy bay không người lái của Mỹ giết chết một thủ lĩnh IS ở Afghanistan

Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay một thủ lĩnh cấp cao của Nhà Nước Hồi giáo là Hafiz Sayed Khan đã bị giết chết trong một cuộc không kích của Mỹ.

Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu loan báo rằng cuộc tấn công đã được thực hiện hôm 26/7 tại khu vực Achin thuộc tỉnh Nangarhar, dẫn tới cái chết của Kahn.

Trong một thông báo, Phó phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài Gordon Trowbridge nói: “Khan được biết là đã trực tiếp tham gia các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ và liên quân, và các hoạt động của mạng lưới của y đã gây kinh hoàng cho người dân Afghanistan, đặc biệt tại tỉnh Nangarhar.”

Ngũ Giác Đài nói rằng Nhà Nước Hồi giáo dùng Nangarhar để huấn luyện, trang bị, điều động và kiểm soát các đường dây chuyển vận, liên tục cung cấp chiến binh cho nhóm chủ chiến IS.

Ông Trowbridge nói cái chết của Khan sẽ làm gián đoạn các hoạt động của Nhà Nước Hồi giáo ở Afghanistan và trong khu vực.

Tình báo Afghanistan vào tháng 7 năm 2015 tường trình sai lầm rằng Khan đã bị giết trong một cuôc tấn công bằng máy bay không người lái. Các nguồn tin Afghanistan nói có thêm 30 quân IS khác cũng bị giết trong cuộc tấn công đó. Nhưng tin về cái chết của Khan lúc đó không đúng sự thực.

Cuộc tấn công ngày 11/7/2015 được thực hiện chỉ vài tháng sau một cuộc tấn công khác ở Afghanistan, giết chết nhân vật được cho là cao cấp thứ nhì của Nhà Nước Hồi giáo ở Afghanistan lúc bấy giờ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam bác tin đồn Trung Quốc bắt cóc trẻ em lấy nội tạng

Bộ Công an Việt Nam khẳng định thông tin về vụ nhiều trẻ em Việt Nam bị bắt cóc để mổ lấy nội tạng ở khu vực biên giới với Trung Quốc là “bịa đặt”, trong khi đại diện công an tại địa phương nói thông báo được gửi đi từ một cơ quan công an ở Lào Cai là do “sơ xuất trong khâu soạn thảo văn bản”.

Trong buổi họp báo chiều 11/8, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự thuộc Bộ Công an Việt Nam, nói thông tin gây xôn xao dư luận trong 2 ngày qua về một công văn lan truyền trên mạng, được cho là từ cơ quan công an, tỉnh Lào Cai, gửi cho các cơ quan công an xã và trường học trong địa bàn về việc 16 trẻ em bị bắt cóc để mổ lấy nội tạng là tin “bịa đặt”.

Trong khi đó, Đại tá Hoàng Tiến Bình, Trưởng công an huyện Si Ma Cai, khẳng định với báo giới Việt Nam rằng công văn đó là có thật và đã được gửi xuống địa phương nhằm mục đích cảnh báo người dân về các loại hình tội phạm mới. Nhưng giới chức Việt Nam này khẳng định chưa hề xảy ra vụ bắt cóc trẻ em để mổ lấy nội tạng nào, và thông báo này chỉ là “viện dẫn” để cảnh báo người dân đề phòng, cảnh giác.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang, ông Trần Quang Minh, được báo chí Việt Nam dẫn lời nói thông tin về vụ 16 trẻ bị bắt lấy nội tạng đã xảy ra ở đối diện địa bàn Hà Giang, tức là phía bên kia biên giới. Ông này nói “trong văn bản của công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã sai sót lớn, bỏ chữ ‘đối diện’ tỉnh Hà Giang đi, gây hoang mang dư luận”.

Luật sư Lê Văn Luân từ Hà Nội đã tải công văn này lên trang mạng cá nhân để cảnh báo mọi người. Ông nói với VOA rằng việc Bộ Công an Việt Nam phủ nhận thông tin này có thể là nhằm mục đích trấn an người dân. 

Luật sư Lê Văn Luân nói: “Tỉnh Lào Cai, trưởng công an huyện Si Ma Cai, đã thừa nhận văn bản này có thật và nhằm tuyên truyền để cảnh báo người dân về tội ác này. Việc phủ nhận tin là 16 nạn nhân bị bắt cóc thì có thể, có thể thôi, là một cách để người dân bớt lo lắng. Tuy nhiên việc bắt cóc là có, buôn bán người để lấy nội tạng thì có và cái văn bản đấy là có thật”.

Theo Luật sư Luân, trong bối cảnh đang có căng thẳng trong các quan hệ Việt Nam –Trung Quốc bây giờ, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến công an Việt Nam lên tiếng bác bỏ thông tin trên.

“Bởi vì trong văn bản đó nói rõ là người Trung Quốc mà, người Trung Quốc đi xe từ 3 đến 5 người để không bị kiểm soát để bắt người, đã khẳng định là người Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ đây là vì vấn đề quan hệ giữa hai nước”.

Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Lào Cai Phạm Gia Chiến cho biết ông đã chỉ đạo công an huyện Si Ma Cai thu hồi và hủy toàn bộ công văn, nhiều người dân được báo giới Việt Nam phỏng vấn cho biết họ vẫn rất hoang mang, lo lắng. Họ cho rằng không thể coi nhẹ tội ác mà nhiều người cho là “quá dã man” này. - VOA

No comments:

Post a Comment