Friday, August 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 19/8

Tin Thế Giới

1.
Lãnh đạo Trung Quốc, Myanmar tìm cách củng cố quan hệ

Nhà lãnh đạo Myanmar, Cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi, đã gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ sáu để thảo luận về tương lai của các quan hệ giữa hai nước.

Ông Tập nói ông hy vọng chuyến đi 5 ngày tới thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi sẽ củng cố mối quan hệ song phương, vốn đã bị tổn hại trong bối cảnh Myanmar đang đẩy mạnh các cải cách dân chủ và làm trì chậm các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Myanmar.

Trong một cuộc họp tại một nhà khách của chính phủ ở phía Tây Bắc Kinh, ông Tập nói: “Trung Quốc đặt nặng tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Myanmar. Chúng ta nên đi theo đúng hướng để thúc đẩy tiến bộ mới trong các quan hệ song phương và mang lại những lợi ích cụ thể cho nhân dân hai nước.”

Theo dự kiến một dự án xây đập có kinh phí lên tới 3,6 tỉ đôla ở miền Bắc Myanmar đã bị người tiền nhiệm của bà Suu Kyi, ông Thein Sein, đình chỉ vào năm 2011, sẽ là đề tài chủ yếu trong cuộc đối thoại giữa hai bên trong chuyến đi thăm của lãnh đạo Myanmar.

Từ khi bà Suu Kyi được bổ nhiệm vào chức vụ hiện tại vào tháng Tư, các giới chức Trung Quốc đã hối thúc bà hãy tái tục việc xây đập, nhưng dự án này vẫn vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe đối lập trong nước.

Bà Aung San Suu Kyi nói rằng “cả hai bên đang đẩy mạnh các quan hệ và đào sâu sự hiểu biết và tình hữu nghị” trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc, nhưng sau đó bà nói với các nhà báo rằng bà không có tin gì mới liên quan tới Đập Myitsone.

Chuyến đi thăm Bắc Kinh lần này là sứ mệnh ngoại giao quan trọng đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà đắc thắng trong một cuộc bầu cử lịch sử hồi năm ngoái. Cuộc bầu cử mà cuối cùng đã chấm dứt chế độ cai trị hà khắc của tập đoàn quân sự Myanmar kéo dài suốt 5 thập niên.

Khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi không được làm tổng thống theo hiến pháp do quân đội soạn thảo, nhưng bà đang nắm nhiều chức vụ quan yếu, kể cả chức Cố vấn Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao. - VOA
|
|

2.
Philippines nhận 10 tàu tuần duyên đầu tiên của Nhật để tăng cường an ninh

Philippines vừa nhận được 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản vào hôm thứ Năm, 18/8 khi hai nước tăng cường quan hệ an ninh nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.

AFP dẫn thông báo của lực lượng tuần duyên Philippines cho biết tàu BRP Tubbataha dài 44 met đã đến Manila và sẽ được sử dụng trong việc tìm kiếm và cứu hộ, thực thi luật pháp và các mục đích vận chuyển.

Thông báo của lực lượng tuần duyên Philippines không nói rõ các tàu này sẽ được bố trí ở đâu.

Đây là 10 tàu tuần duyên đầu tiên của Philippines được làm tại Nhật Bản với tiền viện trợ của nước này, trong bối cảnh hai cựu thù trong chiến tranh thế giới II tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng ở Biển Đông.

Nhật Bản, nước đứng đầu về viện trợ phát triển cho Philippines, cho biết trong tháng này là sẽ cung cấp cho Manila thêm hai tàu tuần tra bổ sung, và cũng đã thảo luận về khả năng cho thuê phi cơ giám sát.

Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp kéo dài về chủ quyền trên hòn đảo hoang nhỏ ở Biển Hoa Đông, trong khi Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.

Philippines gần đây muốn tăng cường các mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Nhật Bản cũng như các đồng minh truyền thống như Hoa Kỳ và Úc trong nỗ lực tăng cường khả năng chống lại nước láng giềng khổng lồ trong khu vực là Trung Quốc.

Lực lượng tuần duyên và quân đội của Philippines nằm trong số những lực lượng yếu nhất trong khu vực.

Nhật Bản gần đây cũng tăng cường quan hệ với Việt Nam và hứa hẹn sẽ giúp đỡ cho lực lượng tuần duyên Việt Nam qua huấn luyện, cung cấp tàu thuyền và các thiết bị khác.

Phát ngôn viên Lực lượng tuần duyên Philippines Armand Balilo cho biết lực lượng này sẽ được mở rộng trong hai năm tới với việc tuyển dụng thêm 6.000 người và mua thêm tàu thuyền và máy bay từ Hoa Kỳ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của đất nước. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Chính phủ Mỹ: 400 triệu đôla được dùng để khuyến dụ Iran thả tù nhân Mỹ

Lần đầu tiên chính phủ Tổng thống Obama công khai thừa nhận món tiền mặt 400 triệu trả cho Iran đã được dùng làm đòn bẩy để bảo đảm một nhóm tù nhân Mỹ đang bị Tehran cầm giữ được trả tự do.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby lặp lại lập trường của chính phủ Obama rằng các cuộc thương thuyết để trả lại cho Iran món tiền này của họ đã được xúc tiến riêng rẽ, không liên hệ với các cuộc đàm phán để phóng thích 4 công dân Mỹ ở Iran.

Món tiền 400 triệu đó là kết quả của một thoả thuận mua vũ khí - bị huỷ bỏ - vào những năm 1970 với cựu vương Iran được Mỹ hậu thuẫn.

Ông Kirby nói: “Như chúng tôi đã nói vào lúc đó, chúng tôi cố ý tận dụng khoảnh khắc ấy để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng hầu như cùng lúc. Ai cũng biết rằng chúng tôi trả lại cho Iran 400 triệu đô la - tiền của họ, cùng thời gian đó trong khuôn khổ một thoả thuận để giải quyết vấn đề tại La Haye, trong khi có những quan ngại rằng Iran có thể không giữ cam kết sẽ thả tù nhân, và thành thực mà nói, xét sự hoài nghi, không tin cậy nhau giữa Mỹ và Iran, lẽ dĩ nhiên là chúng tôi muốn duy trì tối đa đòn bẩy cho tới khi các công dân Mỹ được phóng thích. Đó là ưu tiên số một của chúng tôi. Thế cho nên quý vị hỏi tôi liệu có sự liên hệ nào với kết quả thương thuyết với Iran hay không, tôi sẽ không chối bỏ điều đó.”

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Barack Obama, hiện đang đi nghỉ hè trên đảo Martha Vinyard ngoài khơi Massachusetts, bác bỏ rằng món tiền trả lại cho Iran trong cùng ngày các con tin được thả ra là “một thoả thuận với ma quỷ”, ông Obama chỉ ra rằng vụ chuyển ngân đã được loan báo hồi tháng Giêng, một ngày sau khi thoả thuận hạt nhân với Tehran bắt đầu thi hành.

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump lập tức lên án thoả thuận này, nói rằng ông Obama đã nói dối.

Ông nói: “Giờ thì chúng ta biết từ chính Bộ Ngoại giao, loan báo rằng Tổng thống Obama đã nói dối về số tiền mặt 400 triệu đôla đã được gửi tới Iran bằng máy bay. 400 triệu đôla tiền mặt. Ông Obama chối bỏ món tiền này là để chuộc con tin, nhưng đó là sự thực. Vừa được tiết lộ. Ông ta nói 'chúng tôi không trả tiền chuộc mạng', nhưng thực tế là chúng ta đã làm chuyện đó. Ông Obama nó dối về các con tin, một cách công khai và trắng trợn như ông đã nói dối về chương trình Obamacare.” 

Những người tù bị cầm giữ ở Iran gồm có nhà báo Jason Rezaian, trưởng đại diện của tờ The Washington Post, cựu quân nhân Thuỷ quân Lục chiến Amir Hekmati, mục sư Saeed Abedin và một người thứ tư, ông Nosratollah Khosravi-Roodsari, người không ai biết đã mất tích trước khi ông được trả tự do. - VOA
|
|

4.
Chủ tịch chiến dịch vận động của ông Trump từ chức --- Bà Clinton, ông Trump nỗ lực giành sự ủng hộ của giới cảnh sát --- Ông Trump bày tỏ hối tiếc vì đã dùng lời lẽ không thích hợp trong vận động

Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump đã từ chức, theo một thông báo vừa công bố hôm nay.

Vai trò của ông Manafort đã suy giảm trong tuần qua, sau khi ông Donald Trump mướn một Giám Đốc và quản trị viên mới để điều hành chiến dịch tranh cử hầu có thể lật ngược sự tuột dốc trong mức ủng hộ dành cho ông Trump trong các cuộc thăm dò.

Ông Manafort còn là nhân vật chính trong các bản tin tường trình về công việc của ông giúp cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych, mà theo cáo buộc đã khiến ông được trả hàng triệu đôla một cách bí mật. Manafort đã bác bỏ cáo buộc cho rằng ông đã nhận khoản tiền mặt không được ghi minh bạch trong sổ sách kế toán.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết chính ông Manafort đã đề nghị từ chức và ông Trump chấp nhận đề nghị đó.

Ông Trump ngỏ lời cảm ơn sự giúp đỡ của ông Manafort trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà, và ca ngợi ông Manafort “thực sự là một nhà chuyên nghiệp”.

Trong khi đó, ông Donald Trump đang đi thăm các khu vực bị ngập lụt ở bang Luoisiana ở miền Nam nước Mỹ trong ngày thứ Sáu. Một số chính khách ở bang này đã chỉ trích Tổng Thống Barack Obama là vẫn đi nghỉ hè trong khi tiểu bang của họ đang khó khăn đối phó với nạn lụt tràn lan mà Hội Chữ thập đỏ miêu tả là trận lụt tệ nhất nước Mỹ tính từ sau bão Sandy vào năm 2012. - VOA

***
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, đang nỗ lực giành sự ủng hộ của giới cảnh sát giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa lực lượng chấp pháp của Mỹ và người Mỹ gốc Phi. 

Bà Clinton đã gặp gỡ những quan chức chấp pháp hàng đầu từ khắp cả nước hôm thứ Năm tại thành phố New York, trong khi ông Trump đến thăm một tổ chức cảnh sát địa phương ở bang North Carolina. Chấp pháp cũng là chủ đề nổi bật trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên của ông Trump tối thứ Năm sau khi ông cải tổ đội ngũ quản lý chiến dịch tranh cử của mình. 

Ông Trump mở đầu bài diễn văn tại thành phố Charlotte, bang North Carolina bằng cách bày tỏ sự ủng hộ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử ở bang Louisiana. Nhưng khi chuyển sang nghị trình chính trị của ông, ông ưu tiên cao vấn đề pháp luật và trật tự.

"Để tôi nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn và tỏ lòng cảm kích của chúng ta tới những nhân viên cảnh sát và nhân viên chấp pháp ở đất nước này, những người đã hy sinh quá nhiều vào những thời điểm rất khó khăn này. Thực sự khó khăn."

Ông Trump vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tình trạng của nền an ninh, kinh tế, y tế và tương lai của nước Mỹ, đổ lỗi cho phe Dân chủ và chủ yếu là bà Clinton về những điều mà ông coi là yếu kém. Ông Trump nhiều lần gọi bà Clinton là kẻ nói dối.

"Nếu tôi đắc cử tổng thống, tình trạng hỗn loạn và bạo lực sẽ chấm dứt, và sẽ chấm dứt rất, rất nhanh chóng."

Hai người quản lý chiến dịch mới của ông Trump, chuyên viên khảo sát ý kiến cử tri Kellyanne Conway và chủ tịch công ty quản lý website tin tức Breitbart Stephen Bannon, đã khuyên ông hãy là chính mình và quyết theo đuổi những chính sách cực hữu. Những người chỉ trích nói rằng ông Trump buộc lòng phải thay đổi ban quản lý chiến dịch tranh cử của ông vì tỉ lệ ủng hộ sụt giảm trong những cuộc khảo sát.

Ông tuyên bố ông không muốn bị buộc phải hành động như một chính trị gia chính thống: "Con người tôi là vậy đó."

Bà Clinton nói ban quản lý mới không thể thay đổi bản chất của ông Trump: "Ông ta có thể thuê và sa thải bất cứ người nào mà ông muốn từ ban vận động của ông ta. Họ có thể bắt ông ta đọc những từ mới trên máy nhắc bài, nhưng bản chất của ông ta không thay đổi."

Ban vận động của bà Clinton cũng tập trung vào giới chấp pháp hôm thứ Năm. Nhưng tại một cuộc gặp gỡ một số quan chức chấp pháp hàng đầu của đất nước hôm thứ Năm, bà nhấn mạnh sự cần thiết phải hàn gắn những chia rẽ giữa cảnh sát và những cộng đồng mà họ đang phục vụ.

"Tôi nghĩ rõ ràng là những sự kiện gần đây, từ Dallas và Baton Rouge cho tới Milwaukee và khắp cả nước, nêu bật mức độ khó khăn và quan trọng của công tác trước mắt chúng ta nhằm hàn gắn sự tin tưởng và tôn trọng giữa những nhân viên cảnh sát và những cộng đồng của chúng ta."

Giống như ông Trump, bà nhấn mạnh việc tôn trọng pháp luật là điều quan trọng, nhưng khác với ông Trump, bà nói rằng những cải thiện này sẽ mất thời gian và công sức. - VOA

***
Trong một lời thú nhận công khai hiếm hoi hôm thứ Năm, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump nói ông “lấy làm tiếc” về những lời lẽ sắc bén và có tính cách xúc phạm đã trở thành một đặc tính của ông trong chiến dịch vận động tranh cử.

Phát biểu trước các ủng hộ viên ở Charlotte, bang North Carolina hôm qua, ông Trump nói: “Đôi khi giữa cuộc tranh luận sôi nổi và khi nói về một loạt vấn đề, ta không chọn những chữ thích hợp… Tin hay không là tuỳ quý vị, tôi lấy làm tiếc về điều đó, đặc biệt khi mà những lời lẽ ấy có thể gây đau đớn cho người nào đó.”

Nhưng không lâu sau lời thú nhận ấy, người ta lại thấy xuất hiện ông Trump quen thuộc khi ông gọi Tổng thống Barack Obama là một “kẻ nói dối” khi chối bỏ một khoản tiền lên tới 400 triệu đôla đã trả cho Iran mà ông Trump nói là để chuộc mạng các con tin.

Ông còn tố cáo bà Hillary Clinton là “một người kỳ thị” bởi vì theo lời ông bà chỉ coi những người Mỹ gốc Phi như là những lá phiếu mà thôi, và làm ngơ, không cho họ những cơ hội mà họ xứng đáng được hưởng.

Ông Trump trực tiếp vận động sự ủng hộ của cử tri da đen, nói rằng các chính phủ Đảng Dân chủ và các chính sách quá đà của họ không giúp gì cho cộng đồng này. Ông hứa với cử tri Mỹ gốc Phi rằng ông sẽ mang lại “những kết quả tuyệt vời” cho họ, nếu đắc cử.

Người Mỹ da đen có truyền thống bầu cho các chính khách Đảng Dân chủ từ cuộc Đại Suy thoái kinh tế trong những năm 1930, sau nhiều thập niên ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng hoà. 

Cũng trong ngày hôm qua, hội từ thiện do ông Bill và bà Hillary Clinton khởi xướng loan báo sẽ ngưng nhận tiền tặng dữ từ các tập đoàn công ty và từ nước ngoài nếu bà Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống vào tháng 11.

Nói với các nhân viên của hội từ thiện trong một cuộc họp hôm thứ Năm, cựu Tổng thống Bill Clinton tuyên bố hội chỉ nhận tiền từ các công dân Mỹ và các hội từ thiện Mỹ không có liên hệ gì với bất cứ chính phủ nước nào. -VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam khởi tố vụ giết 2 lãnh đạo giữa lúc dư luận bị trách ‘vô lương’

Việt Nam quyết định khởi tố vụ giết 2 lãnh đạo cấp cao của tỉnh Yên Bái trong khi dư luận bị truyền thông nhà nước chỉ trích là 'vô lương' vì đã 'hả hê' trước cái chết của các quan chức.

Vào lúc 10 giờ tối hôm qua (18/8), ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho báo giới Việt Nam biết cơ quan điều tra công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người tại trụ sở tỉnh ủy vào buổi sáng cùng ngày vì tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” của vụ việc. Tại buổi họp trước đó, ông Chiêu nói sẽ không khởi tố vụ án vì nghi phạm đã chết.

Vụ nổ súng giết hai quan chức cấp cao của tỉnh là ông Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy – và ông Ngô Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban tổ chức – ngay trước phiên họp của HĐND tỉnh đã khiến cho dư luận rúng động và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phải tức tốc có mặt tại Yên Bái để chỉ đạo điều tra và tăng cường an ninh trong khu vực.

Nghi phạm là ông Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái – với phương tiện gây án là một khẩu súng quân dụng. Ông này được cho là đã tự sát ngay sau đó.

Tin tức về vụ nổ súng hiếm xảy ra tại Việt Nam này đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, kèm theo rất nhiều bình luận từ công chúng bị truyền thông nhà nước Việt Nam cho là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận và quan sát tình hình thời sự Việt Nam, nói với VOA: “Đã có người thống kê có đến 95% ý kiến trên mạng xã hội là từ bàng quan cho đến hả hê trước vụ giết chóc này, không hề biểu hiện một chút thương cảm nào đối với cái chết của giới quan chức, mà cũng không hề có thái độ lên án với nghi phạm, thủ phạm, là ông Đỗ Cường Minh. Chỉ có 5% còn lại là cảm thấy có gì đó đau xót và buồn bã vì tình hình của đất nước khi người ta giết nhau, thảm sát nhau như vậy. Một nỗi buồn chung chung, trừu tượng, chứ không buồn cụ thể cho những người chết”.

Qua so sánh vụ giết người vừa xảy ra với vụ một nông dân ở Thái Bình, ông Đặng Ngọc Viết đã bắn vào quan chức địa phương hồi tháng 9/2013 và đưa ra nhận định:

“Từ vụ Đặng Ngọc Viết tới vụ Đỗ Cường Minh cho thấy một sự phản ứng rất lớn của người dân đối với đảng cầm quyền là như thế nào. Họ mất lòng tin rồi. Bây giờ lại thêm hàng loạt chuyện, nhất là chuyện Formosa, càng làm cho người dân mất niềm tin kinh khủng vào chế độ. Thành thử có một chuyện gì mà các quan chức chế độ bị rủi ro thì người dân thực sự chỉ có reo mừng thôi”.

Nói về nguyên nhân khiến dư luận hả hê thay vì thương tiếc, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng, người đã ra tự ứng cử đại biểu quốc hội Việt Nam vài tháng trước, cho rằng do sự bức xúc của người dân trong nhiều năm đã không được giải quyết.

“Trong xã hội này, khi mà tính thực thi của luật pháp gọi là ‘nhờn thuốc’ đối với các quan chức, thì bây giờ người ta nói là ‘thay trời hành đạo’, người ta không cần quan tâm đến nguyên nhân nào, họ không quan tâm, không cứ gì bắn đâu, bị bệnh chết hay bị tai nạn chết, người ta đều vui mừng. Nhưng việc bị tai nạn hay bị bệnh nó không thể hiện cái dấu hiệu tan vỡ, sụp đổ của bộ máy nhà cầm quyền. Đây là một thể hiện cho thấy nó đã bắt đầu bung ra khi mâu thuẫn quyền lợi đã đến đỉnh điểm”.

Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết anh không quan tâm đến vụ giết người này vì đây là vụ có thể dự đoán được do sự quản lý vũ khí và an ninh lỏng lẻo tại các cơ quan công quyền của Việt Nam. Anh Tuấn cho biết thêm:

“Em nghĩ rằng có một đối tượng khác nên quan tâm đến vụ này hơn là những quan chức, những người đang nắm quyền hiện tại. Khi nhìn vào những đồng chí của họ, những người cũng có quyền, có thế như họ bị giết mà đám đông dân chúng reo hò, cổ vũ, thì đấy là một thông điệp em nghĩ rằng rất có sức nặng nếu họ sáng suốt nhìn ra những thông điệp đó”.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, điều mà giới cầm quyền Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn trong vụ này là phản ứng của công luận để đánh giá đúng tình hình và mối quan hệ với dân chúng.

“Ở đây có một vấn đề lớn hơn mà em nghĩ những người nắm quyền cần quan tâm là sự uất ức của người dân đối với bộ máy chính quyền, các cấp lãnh đạo cao nhất, là nó không sáng sủa như các báo cáo và phát biểu của bộ máy tuyên giáo trong thời gian qua rằng sự đồng thuận trong xã hội tăng lên, người dân ngày một tin yêu vào đảng, nhà nước… Tất cả những cái đó cần phải được kéo lại với thực tế là bây giờ sự gần gũi, gắn kết của người dân với những người nắm quyền nó tệ hại hơn bao giờ hết”.

Tin cho hay nạn nhân và nghi phạm của vụ nổ súng đều có nhiều gia sản, con cái đi du học và nhiều người thân nằm trong bộ máy chính quyền. Nhà của Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường và nghi phạm Đỗ Cường Minh đều nằm cùng trên một con phố mà người dân quen gọi là “phố làm quan”. - VOA
|
|

6.
Bão Dianmu đến miền Bắc, nhiều công sở, trường học ở Hà Nội di tản khẩn cấp

Bão Dianmu (bão số 3) đã tiến vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong ngày thứ Sáu khiến nhiều trường học, công sở phải đóng cửa và di tản khẩn cấp.

Theo báo VnExpress, một cơn giông kéo dài 3 giờ đồng hồ đã trút xuống Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhiều trường học đã thông báo đóng cửa khẩn cấp vào buổi trưa khiến phụ huynh phải nháo nhào rời công sở đi đón con.

UBND Hà Nội trước đó đã ra công điện khẩn yêu cầu các trường học trong địa bàn đóng cửa nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. 

Tại Sơn La, tin cho hay 1 người đã thiệt mạng do bị lũ cuốn. Nhiều khu vực trong tỉnh này bị sạt lở nghiêm trọng, trong khi tỉnh Nam Định đã phải di dời khẩn 15.000 người.

Các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình cũng đã chịu ảnh hưởng của cơn bão vào chiều hôm nay. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời giới chức tỉnh Thái Bình cho biết tất cả các ngư dân sống gần vùng bờ biển Cồn Đen đã được di trú vào bờ an toàn.

Tại Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, trong khi Cô Tô, Cửa Ông của Quảng Ninh có gió mạnh cấp 10 và các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 8 và biển động rất mạnh.

Thông tin từ báo điện tử Chính phủ Việt Nam cho biết Ủy ban tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động 183.000 binh sĩ cùng với 4 trực thăng và các phương tiện khác để tham gia ứng cứu khi cần thiết.

Dự báo, bão Dianmu sẽ tiếp tục trút mưa xối xả ở khu vực miền Bắc Việt Nam và Lào vào ngày thứ Bảy. - VOA

No comments:

Post a Comment