Sunday, August 28, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/8

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên bác bỏ tuyên bố của Liên Hiệp Quốc

Hôm nay 28/08/2016, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ tuyên bố của Hội Đồng Bảo An lên án Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ sử dụng các "biện pháp" trả đũa.

Trong một thông cáo được hãng tin Nhà nước KCNA đăng tải, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cáo buộc Mỹ và các nước thân Mỹ đã đe dọa danh dự và quyền được sinh tồn của nước này: "Mỹ và các nước đồng minh đã có một hành vi thù địch rất trầm trọng là phê phán các biện pháp của Bắc Triều Tiên nhằm ngăn cản chúng ta phát triển vụ khí hạt nhân".

Thông cáo này cũng cáo buộc: "Mỹ đã thông qua tuyên bố bằng cách mạo danh Hội Đồng Bảo An. Đó là sự vi phạm trắng trợn danh dự và quyền tự chủ của Bắc Triều Tiên, và sự khiêu khích thiếu thận trọng này gây hại cho hòa bình và ổn định trên báo đảo Triều Tiên".

Hãng tin Yonhap cho biết thêm là để đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ lực lượng tàu ngầm của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc đã thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin về địa hình dưới biển liên quan tới các hoạt động quân sự trong vùng biển Triều Tiên.

Một nguồn tin quân sự chính thức của Hàn Quốc cho biết là trong một cuộc họp hồi tháng 06/2016, hai nước đồng minh Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về các biện pháp phân tích và chia sẻ các thông tin liên quan tới hoạt động của các tàu ngầm trong vùng biển Triều Tiên.

Theo nguồn tin quân sự này, địa hình  dưới lòng biển liên quan tới các hoạt động quân sự bao gồm các đặc điểm về địa hình biển, nhiệt độ nước biển, độ sâu của biển và các dòng hải lưu. Một bản phân tích đầy đủ môi trường dưới lòng biển sẽ giúp phát hiện hoạt động của các tàu ngầm của Bắc Triều Tiên và sự xâm nhập của các tàu ngầm này vào vùng biển của Hàn Quốc.

Phạm vi vùng biển mà hai bên chia sẻ thông tin sẽ bao gồm vùng lãnh hải của Hàn Quốc và vùng biển bao quanh căn cứ tàu ngầm Sinpo của Bắc Triều Tiên. Đây cũng là khu cảng mà Bình Nhưỡng chọn để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. - RFI
|
|

2.
Các đảng đối lập ở Nga hi vọng có thêm tiếng nói tại Nghị viện

Trong kì bầu cử diễn ra vào ngày 18 tháng 9 tới, các đảng đối lập ở Nga hi vọng sẽ có thêm tiếng nói tại nghị viện nước này, nơi vốn nằm dưới sự kiểm soát của điện Kremlin.
Những cáo buộc gian dối trong kì bầu cử nghị viện năm 2011 đã từng châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình nhằm chống lại chế độ cầm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, những cuộc đàn áp sau đó, được tiếp sức bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy sau khi Nga chiếm Crimea, đã dần gạt ra ngoài lề những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Đảng đối lập PARNAS của Nga đang thúc giục người dân Moscow bỏ phiếu để mang lại thay đổi tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9 tới.

Ông Mikhail Kasyanov, cựu Thủ tướng, lãnh đạo Đảng PARNAS, nói: “Chính sách của nhà cầm quyền đang phá hoại nền kinh tế, và đó chính là lý do vì sao dân chúng ngày càng trở nên nghèo khó.”

Những người ủng hộ của đảng này chỉ trích chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Mikhail Kirtsev, bác sĩ, cho biết: “Ném bom thường dân vô tội tại Syria đúng là một trò điên rồ. Tôi cũng chống lại cuộc chiến tại Ukraine. Vậy nên cách duy nhất tôi có thể làm là ủng hộ những ứng cử viên này.”

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng phe đối lập còn quá yếu, chưa thể điều hành đất nước được.

Ông Dimitry Nikolaev, doanh nhân, cho biết: “Cá nhân tôi không tin bất kì ai, những người cầm quyền cũng như phe đối lập. Tuy nhiên nếu có một đảng đối lập đủ mạnh, tôi có thể sẽ ủng hộ họ.”

Andrei Zubov từng công tác tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow, ông mất việc khi dám so sánh vụ Nga chiếm Crimea với Đức Quốc Xã.

Andrei Zubov, ứng viên của Đảng PARNAS, nói: “Với tư cách là một công dân, và trách nhiệm của một nhà khoa học am hiểu về chính trị, tôi tin rằng tôi có nghĩa vụ không chỉ quan sát và đánh giá, mà còn phải tham gia vào chính trường nhằm ngăn chặn chủ nghĩa độc tài toàn trị quay trở lại đất nước này.”

Đảng cầm quyền tại Nga hiện nay đang lợi dụng làn sóng chủ nghĩa dân tộc, vốn trỗi dậy sau vụ Crimea và những hoạt động quân sự đang diễn ra, trong khi truyền thông nhà nước một là phớt lờ, hai là gán mác “phản bội” cho những người dám lên tiếng chỉ trích.

Svetlana Apollonova, một người ủng hộ đảng Nước Nga thống nhất, nói: “Phe đối lập chỉ biết khua môi múa mép, họ chẳng làm được gì cho người dân. Trong khi có thể thấy rất rõ là cả thành phố đang trở nên tốt hơn cho mọi người.”

Vụ ám sát công khai lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov, xảy ra chỉ cách điện Kremlin vài mét, đã khiến những đối thủ của ông Putin rúng động.

Vậy nhưng những người ủng hộ ông, cho tới thời điểm này vẫn coi trọng sự lãnh đạo trông có vẻ quyết đoán, hơn là quan tâm đến việc nhà cầm quyền đang lèo lái nước Nga đi về đâu. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ứng viên Đảng Cộng hòa Trump nói về vấn đề nhập cư ở Iowa --- Ông Trump kêu gọi người da đen ủng hộ tại các cuộc mít tinh có người da trắng tham dự là chính --- Bà Hillary Clinton được cập nhật thông tin tuyệt mật

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 27/8 hứa ông sẽ bắt đầu đưa "hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp, tội phạm" ra khỏi nước Mỹ ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở bang Iowa, nơi cuộc đua giành phiếu bầu sẽ khó khăn, ông Trump nhắc lại lời hứa gắn với tên tuổi của ông là sẽ xây dựng một bức tường biên giới, và cung cấp một chi tiết mới về kế hoạch đối với người nhập cư của ông.

Ông Trump nói ông sẽ theo dõi những người nhập cảnh bằng visa và đảm bảo họ rời nước Mỹ khi visa hết hạn.

Ông cũng cho biết một chương trình xác minh toàn quốc sẽ ngăn chặn những người không phải là công dân hưởng phúc lợi và các trợ cấp xã hội khác.

Trong một diễn biến khác, ông Trump bị chỉ trích vì lấy vụ sát hại người thân của ngôi sao bóng rổ chuyên nghiệp Dwyane Wade làm ví dụ về lý do tại sao người Mỹ gốc Phi sẽ là có lợi nếu ông là tổng thống.

Nykea Aldridge, em họ của Wade, bị bắn chết hôm 26/8 trong khi đang đẩy xe cho con ở khu phía nam của Chicago.

Hôm 27/8, ông Trump viết trên Twitter: "Em họ của Dwyane Wade đã bị bắn chết khi đưa con đi dạo ở Chicago. Đúng như tôi đã nói. Người Mỹ gốc Phi sẽ BẦU CHO TRUMP!"

Khi vận động tranh cử trong tuần này, ông Trump nói ông sẽ có hành động về bạo lực ở các khu nội thành. Theo ông Trump, Đảng Dân chủ thường được nhiều người Mỹ gốc Phi bầu đã "thất bại và phản bội" cộng đồng da đen.

Nhưng những người chỉ trích ông Trump nói ông đã phản ứng kém nhạy cảm với vụ việc bi kịch.

Một cuộc thăm dò của NBC News/Wall Street Journal mới đây cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đánh bại ông Trump, với tỷ lệ 91% so với 1% trong số các các cử tri người Mỹ gốc Phi. - VOA

***
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri người Mỹ gốc Phi tại những địa điểm rất không khả thi, đó là tại các cuộc mít tinh hầu như chỉ có các cử tri da trắng tham dự.

Lần gần đây nhất ông Trump vận động các lá phiếu của người da đen là ngày 27/8 tại một cuộc mít tinh chính trị ở bang nông nghiệp Iowa ở miền trung tây. Ông nói với đám đông phần lớn là người da trắng rằng ông quy trách nhiệm cho nhiều thập kỷ thực hiện các chính sách của Đảng Dân chủ đã dẫn đến "các điều kiện tồi tệ ở khu nội thành của chúng ta". Ông đã gọi bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11 là một “tín đồ hẹp hòi” vì không cải thiện hoàn cảnh khổ sở của người da đen và người gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanics).

Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò chính trị toàn quốc cho thấy bà Clinton nhận được sự ủng hộ đông đảo từ các cử tri da đen và Hispanics, vượt xa so với ông Trump. Các cử tri này đang có số lượng tăng nhanh nhất trong số các cử tri Mỹ. Trong khi đó, ông Trump dẫn trước với tỷ lệ nhỏ hơn về sự ủng hộ của cử tri da trắng. Các nhà phân tích chính trị nói rằng lời kêu gọi của ông đối với cử tri thiểu số có mục đích đánh vào lợi thế của bà Clinton về cử tri da đen và Hispanics, ngoài ra đó cũng là một nỗ lực để giành thêm sự ủng hộ từ phụ nữ và những người ôn hòa về chính trị theo Đảng Cộng hòa, họ có thể được nghiêng về bà Clinton vì họ xem ông Trump là một người phân biệt chủng tộc.

Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết ông có kế hoạch đến thăm các cộng đồng da đen trong vài tuần tới để trực tiếp kêu gọi họ ủng hộ, kế hoạch này bao gồm cả một chặng dừng chân tại thành phố Detroit, bang Michigan ở miền trung tây, đây là trung tâm của ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. - VOA

***
Bà Hillary Clinton hôm nay, 27/8, đã được cập nhật tình hình an ninh quốc gia, lần đầu tiên sau khi trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Lần cập nhật thông tin về các mối đe dọa trong nước cũng như trên toàn cầu mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt diễn ra tại một cơ sở của chính quyền liên bang gần tư dinh của bà ở New York.

Theo luật Mỹ, các ứng viên tổng thống đại diện các đảng cũng như  các cố vấn thân cận phải được cập nhật bởi Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia về các thông tin mật liên quan tới các vấn đề an ninh để họ chuẩn bị sẵn cho khả năng được bầu chọn và nhậm chức.

Đối thủ của bà Clinton, ông Donald Trump, cũng đã trải qua một buổi cập nhật kéo dài hơn hai giờ đồng hồ về các vấn đề an ninh tương tự.

Theo hãng tin AP, buổi cung cấp thông tin cho bà Clinton diễn ra tại một văn phòng được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt của FBI, và cũng kéo dài hơn hai tiếng.

Việc cập nhật thông tin như vậy cho các ứng viên tổng thống chính của Mỹ đã diễn ra suốt 60 năm qua. - VOA
|
|

4.
Tàu vũ trụ Juno tiếp cận sao Mộc

Hôm thứ 7 (27/8), tàu vũ trụ Juno của NASA tiếp cận sao Mộc với khoảng cách gần nhất từ trước tới giờ.

Sau 5 năm du hành trong không gian, Juno đã sẵn sàng thực hiện chuyến bay tiệm cận hành tinh lớn nhất hệ mặt trời.

Gần tới mức nào?

Theo như phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA cho biết, khoảng 8:51 sáng, giờ miền Đông Hoa Kỳ (tức 12:51 giờ quốc tế), vị trí của Juno nằm cao trên những đám mây xoáy của sao Mộc khoảng 4,200 km, di chuyển với vận tốc 208,000 km mỗi giờ so với hành tinh này.’

Nghe thì không lấy gì làm gần lắm, tuy nhiên nếu xét đến việc đường kính trên 140,000 km của hành tinh này, thì đó là một khoảng cách rất gần. Để tiện so sánh, Trái đất của chúng ta có đường kính chỉ khoảng 8,000 km mà thôi.

Các nhà khoa học của NASA tỏ ra rất phấn khích bởi đây sẽ là chuyến bay tiếp cận đầu tiên kể từ khi Juno tiến vào quỹ đạo của sao Mộc vào ngày 4 tháng 7, và đây cũng là lần đầu tiên những thiết bị trên tàu được kích hoạt và sẵn sàng hoạt động.

Scott Bolton, nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu sao Mộc cho biết 'Lần đầu tiên chúng ta có cơ hội có được những góc nhìn cận cảnh về vị vua của hệ mặt trời, và bắt đầu tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó.'

NASA nói rằng sứ mạng chính của Juno là tìm hiểu sự vận động và nguồn gốc của sao Mộc.

Điều này sẽ được thực hiện bằng cách đo lượng nước trong khí quyển, cũng như những “thành phần, nhiệt độ, chuyển động của các dải mây, và những thông số khác. Juno sẽ bản đồ hóa từ trường và trọng lực của sao Mộc, khám phá và nghiên cứu từ quyển gần hai cực của hành tinh, đặc biệt là ánh sáng cực quang phía Bắc và phía Nam ngôi sao này hứa hẹn sẽ mang đến những khám phá mới về tác động của lực từ trường mạnh mẽ lên bầu khí quyển của sao Mộc.

Đừng đặt kỳ vọng quá cao

Ngay cả khi đây là chuyến bay tiếp cận sao Mộc đầu tiên của Juno, và ngay cả khi nó sẽ thu thập được rất nhiều thông tin, xin đừng kỳ vọng sẽ sớm được nghe và thấy bất cứ thứ gì hay ho.

Những dữ kiện này sẽ mất một thời gian để được đưa về Trái đất, sau đó thì sẽ mất một khoảng thời gian nữa để NASA “phân tích và đưa ra kết luận” trước khi đám nghiệp dư chúng ta có thể chiêm ngưỡng các hình ảnh từ sao Mộc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bộ trưởng Quốc phòng VN thăm Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch có chuyến thăm đầu tiên trên cương vị này tới Trung Quốc từ ngày 28-31/8/2016, theo truyền thông Việt Nam.

Chuyến thăm được phía Việt Nam công bố nằm trong khuôn khổ tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất giữa hai quốc gia láng giềng.

Hôm 28/8, trang báo mạng Vietnamnet cho hay:

"Chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có việc tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất."

Vẫn theo báo này, theo chương trình chuyến thăm "Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn; chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương Trung Quốc và thăm đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc."

Trước đó, hôm 25/8, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam đăng phỏng vấn với đương kim Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam lần này.

'Rất coi trọng'

Được hỏi về chuyến thăm 'hữu nghị chính thức' Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc, ông Hồng Tiểu Dũng được trích thuật nói:

"Quan hệ giữa hai quân đội là nhân tố quan trọng của quan hệ hai nước, là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Những năm qua, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần củng cố và phát triển truyền thống hữu nghị hai quân đội, cũng như quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước.

"Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Đại tướng Ngô Xuân Lịch diễn ra sau thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội cũng như quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước. 

"Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm của Đại tướng Ngô Xuân Lịch và sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm chuyến thăm thành công tốt đẹp, tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc," Đại sứ Trung Quốc nói với báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam.

Bình luận với BBC về chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, một nhà quan sát chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế từ Hoa Kỳ hôm Chủ nhật, nói:

"Theo tôi được biết thì sắp tới đây, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Bộ Chính trị, cũng sẽ đi thăm Trung Quốc. Việt Nam đang ở trong một thế khá khó khăn về chính sách ngoại giao. Hoa Kỳ hiện chưa chắc chắn về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chưa rõ có rút ra hay không, nên nhiều quốc gia ở khu vực buộc phải thận trọng hơn và họ 'hướng' trở lại về Trung Quốc.

"Việt Nam hiện vẫn giữ một kênh liên lạc này với Trung Quốc, vừa là để đỡ bị bắt nạt, vừa hòa hoãn, tôi nghĩ chuyến thăm của ông Lịch cũng nằm trong bối cảnh đó," nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính này nói với BBC. - BBC
|
|

6.
Mẹ của Facebooker 'không được gặp con'

Mẹ của một thanh niên bị bắt và bị kết án tù vì viết Facebook ở Việt Nam nói bà “không được gặp con” suốt chín tháng từ khi người này bị bắt.

Phiên tòa xử Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) và Nguyễn Hữu Thiên An diễn ra tại Tòa án tỉnh Khánh Hòa hôm 23/8/2016.

Nguyễn Hữu Quốc Duy, thường trú ở phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh, làm nghề buôn bán. Quốc Duy bị đưa ra xét xử theo điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam, với “Tội tuyên truyền chống nhà nước” và bị phạt ba năm tù. Quốc Duy bị tạm gia trong tám tháng kể từ sau khi bị bắt. Thiên An bị tuyên án hai năm tù.

Vào tháng 11/2015, Quốc Duy bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì lý do mà gia đình được nói là 'tuyên truyền chống phá Nhà nước' trên mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, dành cho BBC một trao đổi sau ngày diễn ra phiên tòa:

Hỏi: Xin bà cho biết thời điểm Quốc Duy bị bắt mọi việc diễn ra thế nào?

Đáp: Duy được công an phường xuống mời Duy lên công an thành phố nhận điện thoại và máy tính. Tôi đi chợ về tới nhà thì trước cổng nhà mình có hai xe biển xanh, nên chạy vào nhà hỏi, thì anh Long, ba thằng Duy nói:"Người ta thu đồ đạc trong phòng của Duy hết." Anh nói người ta làm biên bản rồi anh đã ký. Sau đó thì họ đóng cửa xe rồi đi.

Tôi làm đơn khiếu nại Viện Kiểm sát, Công an tỉnh, công an điều tra, tôi gửi đi ba nơi đó, hỏi tại sao bắt con tôi, đến giờ hai tuần lễ tôi không nhận được tin tức gì hết. Tôi không biết nó bị bắt và giam ở đâu. Và tôi muốn biết là bắt về chuyện gì mà giam con tôi ở đâu cho tôi biết, và thu giữ đồ đạc của tôi cái gì, phải có tờ biên bản đó.

Sau đó, tôi lên công an họ mới đưa ra kêu kêu đem biên bản tôi nhận lại tờ giấy giữ đồ nhà bà, và đây là lệnh bắt con của bà.

Tôi nghe là giam Duy ở Trại giam Ninh Hòa, tôi muốn đem ít đồ ăn cho con tôi. Tôi từ Cam Ranh ra Ninh Hòa hơn tám mươi cây số, trúng ngày thăm nuôi. Tất cả mọi người nhận đồ thăm nuôi vô. Tới tôi thì họ nói an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa không cho bà đem đồ ăn vô đây.

Cứ hai tuần tôi lại đem đồ ăn ra tỉnh gửi. Họ đưa cho tờ phiếu phiếu nhận đồ, Duy chỉ ghi "Tôi nhận đủ. Con khỏe mạnh, ba mẹ đừng lo lắng gì, mẹ giữ gìn sức khỏe". Ba bốn tháng thì Duy ghi con bị lác (hay 'hắc lào'), bị ghẻ mẹ mua thuốc thì tôi mua gửi cho công an. Cứ như vậy chín tháng thì con tôi ra tòa.

Hỏi: Việc bà mời luật sư cho Nguyễn Hữu Quốc Duy diễn ra thế nào?

Đáp: Tôi xin mời luật sư bên ngoài. Con tôi từ bé đến lớn chưa biết một luật sư nào, sao biết luật sư Phan Bạch Mai để mời bào chữa cho mình. Tôi đã làm đơn khiếu nại. Nhưng tỉnh, tòa án và công an coi như không có gì xảy ra dù tôi gủi bằng thư tín có báo phát, nhưng không trả lời.

Khi biết con tôi ra tòa, tôi có tìm đến nhà ông luật sư Bạch Mai, thì ông nói rằng vì ông được mẹ Thiên An mời bào chữa, ông vô trại giam, thấy thằng Duy, ông tới ông mời hỏi Duy có cần bào chữa không thì Duy nhận là xin bào chữa. Ông nói với tôi như vậy. Ông rút tờ đơn ra vì Duy không biết áp lực từ đâu đã ghi trong thời gian ở trại giam tôi nhận thấy có tội với nhà nước, tôi xin ông luật sư Phan Bạch Mai bào chữa.

Với hai luật sư tôi mời thì tòa án trả lời Duy đã có mời luật sư riêng cho Duy rồi.

Hỏi: Bà có đến tham dự phiên tòa xét xử con trai Nguyễn Hữu Quốc Duy ngày 23/8 không?

Đáp: Ngày 23 xử án. Nhiều người chặn tôi lại trước cổng tòa án, chứ chưa được vô sân tòa. Tôi nói tôi là mẹ của bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy, chồng tôi, là bố Duy, thì cho tôi vô. Họ hỏi: Bà có thư mời không? - Không thư mời không được vô.

Lúc xe bịt bùng chở con tôi tới, tôi muốn chen vô để nhìn thấy nó bước xuống xe để nhìn thấy con tôi như thế nào. Chín tháng nay tôi không nhìn thấy nó. Bên phía nhà Thiên An là được gặp mặt, còn Duy là cách biệt, không cho gặp, không cho tin tức gì vô hết.

Khi tôi chen vô thì bị hất ra. Tôi nói tại sao tôi làm ba làm mẹ mà không được vô phiên tòa xử con mình. Và tôi rút điện thoại ra, họ thấy tôi muốn ghi âm cho nên họ nói có biển cấm quay phim chụp hình. Con tôi cứ giơ máy di động lên họ tới chụp điện thoại và hất con tôi. Tôi nói mấy anh không được đánh con tôi, không được chụp điện thoại con tôi.

Người ta xúm lại và níu tôi và khiêng tôi xốc lên bỏ vô xe và cứ chạy miết, đến Vĩnh Lương bỏ vô phòng ngồi đó.

Chiều khoảng bốn giờ tôi mới nói giờ này bãi tòa rồi, mấy anh chở tôi về, đừng làm việc này với tôi. Họ không thả tôi ở ngay tòa, vô một phường gần tòa án, không cho về tòa án lấy xe.

Họ đòi lập biên bản thu điện thoại của tôi. Họ thu hết điện thoại và lập biên bản. Xuống tới đường, tôi nghe tin là con trai tôi án là 3 năm.

Hỏi: Bà nghĩ gì về phiên tòa mà bà không thể tham dự?

Đáp: Trước tòa, con mình ra tòa có tội thì tù tội là chuyện của tòa. Tại sao công an xử sự với gia đình mình như một đám côn đồ.

Tôi thật sự thấy khó lòng trách Duy con mình sao nó làm khổ mình dữ vậy, vừa lo sợ, vừa cực khổ chạy ra chạy vô, tôi cũng gần 60 tuổi rồi. Mà bây giờ mình có đem đồ ăn con mình cũng ăn không được. Con mình vô nhà giam, nó có ăn được không.

Trước đây tôi nghĩ nó viết làm gì. Mình cứ sống, cứ an toàn cho mình như mọi người. Thì hôm nay tôi thật sự thấy được tất cả sự đối xử với gia đình tôi. Tôi thấy đúng, con tôi nói lên là đúng, quá bất công đi.

Trong khoảng chín tháng tôi chưa gặp mặt con trai lần nào. Giờ ra tòa kết tội con tôi rồi đó, mà vẫn không cho gặp mặt là quá vô lý.

Hỏi: Bà có quyết định kháng án cho con trai không?

Đáp: Có, tôi phải nhờ hai luật sư mà tôi đã từng nhờ bao nhiêu tháng nay rồi là luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành, sẽ kháng án.

Từ chối bào chữa?

Ngày 23/8, bên lề phiên tòa, luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong hai người tình nguyện bào chữa kể lại: “Chúng tôi nộp đơn bào chữa vào cách đây khoảng ba tuần. Theo quy định của pháp luật thì trong vòng ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng, ở đây là tòa án, phải cấp giấy cho luật sư.”

“Nhưng sau đó chúng tôi đợi một tuần sau khi nhận được văn bản từ chối luật sư với lý do em Duy ở trong trại giam đã viết đơn nhờ một luật sư là luật sư Bạch Mai của Đoàn luật sư Khánh Hòa và trong đơn đó Duy cũng viết không nhận một luật sư nào khác bào chữa cho em.”

“Đó là theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời cho chúng tôi, chứ chúng tôi cũng chưa bao giờ thực sự thấy bức thư đó là thế nào. Với lý do đó, tòa án tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cho chúng tôi bào chữa.”

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, việc tạm giam nhiều tháng “dứt khoát là vi phạm pháp luật về tạm giam, tạm giữ rồi."

Sau phiên xử sáng 23/8, Nguyễn Hữu Quốc Duy bị phạt ba năm tù giam, Nguyễn Hữu Thiên An bị phạt hai năm tù giam.

Nguyễn Hữu Quốc Duy là anh họ của Nguyễn Hữu Thiên An, người tham gia phong trào Zombie bị cho là có xu hướng chống đối chính quyền trên mạng xã hội, đã bị bắt từ cuối tháng Tám cùng Nguyễn Hữu Quốc Duy nhưng chưa được thả.

Trên trang Facebook của mình, Quốc Duy đăng nhiều status bình luận chỉ trích hoặc châm biếm hệ thống trong nước.

Quốc tế lên tiếng

Sau phiên tòa, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói về phiên tòa trong một thông cáo: “Khó có thể tìm thấy một sự vi phạm quyền tự do thể hiện nào ồn ào hơn vụ này, khi nhà chức trách Việt Nam kết án tù hai người vì họ đăng những bình luận phê phán trên Facebook.”

“Không thể chấp nhận được vì điều 88 bộ luật hình sự về 'tuyên truyền chống nhà nước' quá chung chung và được định nghĩa không rõ ràng đến mức chính phủ có thể kết tội bất cứ bình luận nào mà họ muốn, và đó là điều đang xảy ra."

Tổ chức này cũng nói kêu gọi các nhà ngoại giao và cộng đồng quốc tế “phối hợp thúc đẩy để yêu cầu thả hai tù nhân chính trị này, những người bị bỏ tù chỉ vì đã thực hiện quyền của họ theo hiến pháp Việt Nam và theo công ước quốc tế về nhân quyền đã được chính phủ công nhận.”

Hôm 24/8, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng phát đi một thông cáo nói về phiên tòa với việc "nhà chức trách Việt Nam sử dụng các điều khoản hình sự để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa là điều đáng lo ngại."

"Việc kết án như vậy không phù hợp với quyền tự do biểu đạt và tự do hội họp ôn hòa được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, và với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như với các cam kết quốc tế khác," thông cáo này viết và kêu gọi "thả tự do vô điều kiện hai cá nhân này"". - BBC

No comments:

Post a Comment