Wednesday, August 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 10/8

Tin Thế Giới

1.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga bàn về giải pháp cho Syria

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết những quan chức của Bộ Ngoại giao và quân đội nước này sẽ tới Nga hôm thứ Tư để thảo luận về những giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột tại Syria.

Loan báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ nỗ lực hướng tới việc khôi phục quan hệ đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cảnh báo rằng việc xây dựng lại mối quan hệ thương mại sẽ mất thời gian.

"Trước mắt chúng ta là công tác tỉ mỉ để hồi sinh thương mại và hợp tác kinh tế. Quá trình này đã bắt đầu nhưng sẽ mất một khoảng thời gian." Ông Putin cho biết như vậy sau cuộc hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại thành phố Saint Petersburg.

Ông Erdogan nói rằng hai nước sẽ khôi phục mục tiêu thương mại hàng năm của mình là 100 tỉ đôla và sẽ tăng tốc nối lại những chuyến bay thương mại.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông đã sẵn sàng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt với Nga và thương thảo một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan đang quay sang Nga sau khi vấp phải chỉ trích của phương Tây sau cuộc đảo chính và trong một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Nga sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới với Syria vào năm ngoái.

Ông Putin nói với ông Erdogan: "Dù tình hình chính trị trong nước rất khó khăn, chuyến thăm của ông ngày hôm nay cho thấy rằng tất cả chúng ta đều muốn khởi động lại đối thoại và khôi phục quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ." 

Ông Erdogan đã giận dữ sau khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính hồi tháng trước nhưng đồng thời cũng chỉ trích ông về cuộc trấn áp rộng lớn của ông đáp lại cuộc nổi dậy.

Ông Cavusoglu phủ nhận cuộc hội kiến của ông Erdogan với Tổng thống Putin là nhằm gửi đi một thông điệp tới những nhà lãnh đạo phương Tây, những người mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc không ủng hộ đầy đủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành vào tháng trước.

Nga đã nhanh chóng lên án những phần tử nổi dậy Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 270 người thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành do một số thành phần trong quân đội thực hiện.

Ông Erdogan đã cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong tại Mỹ là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính. Hôm thứ Ba, ông Erdogan cảnh báo Mỹ rằng nếu Mỹ không dẫn độ ông Gulen thì việc này sẽ gây tổn hại lớn cho mối quan hệ giữa hai nước. - VOA
|
|

2.
Thượng viện Brazil luận tội bà Rousseff

Thượng viện Brazil bỏ phiếu ủng hộ tiến hành phiên luận tội vị Tổng thống đang bị đình chỉ, bà Dilma Rousseff, người bị cáo buộc vi phạm luật ngân sách.

Số phiếu ở thượng viện là 59 so với 21 phiếu, ủng hộ tiến hành phiên xử bà Rousseff, có thể diễn ra vào cuối tháng này.

Thượng viện đình chỉ bà Rousseff hồi tháng 5/2016 do có cáo buộc về các hoạt động kế toán sai.

Bà nói cách làm này vẫn thường được áp dụng trong chế độ chính quyền trước.

Sau phiên điều trần kéo dài kết thúc vào sáng thứ Tư 10/08, thượng viện đạt một cách dễ dàng con số đa số ủng hộ cần thiết để quyết định xem có xử bà Rousseff hay không.

Để có quyết định cuối cùng sau phiên tòa, số phiếu ủng hộ cần chiếm 2/3, sẽ diễn ra một tuần sau lễ bế mạc Thế Vận Hội.

Trong phiên điều trần bắt đầu hôm thứ Ba, ông Ricardo Lewandowski, Chánh án Tòa Tối cao nói với các thượng nghị sỹ rằng họ có thể sắp “thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hiến pháp”.

Bà Rousseff bị cáo buộc tiêu tiền mà không có sự chấp thuận của quốc hội và dùng những khoản cho vay không được phép từ các ngân hàng nhà nước nhằm đẩy thêm vào ngân quỹ quốc gia trước cuộc bầu cử năm 2014, khi bà tái đắc cử.

Đồng minh của bà ở Đảng Lao động chỉ ra rằng, rất nhiều thành viên nghị viện buộc tội bà Rousseff cũng đang vướng vào các vụ tham nhũng.

Bà Rousseff không bị cáo buộc tham nhũng trong các vụ tai tiếng trên diện rộng liên quan tới công ty dầu khí nhà nước Petrobras.

Nhưng danh uy của bà cũng bị ảnh hưởng trong loạt tai tiếng này, khi Đảng Lao động của bà bị cáo buộc dùng một số khoản tiền cho quỹ vận động tranh cử của mình.

Nếu bà bị bãi nhiệm, vị tổng thống tạm quyền, người từng cùng bà tranh cử, ông Michel Temer, sẽ tiếp tục vai trò tổng thống cho tới khi có kỳ bầu cử tiếp theo vào năm 2018.

Bà Rousseff cáo buộc ông đứng sau cuộc đảo chính chính trị chống lại bà.

Hôm thứ Sáu 05/08, ông Temer bị đám đông la ó phản đối khi tuyên bố khai mạc Thế Vận Hội 2016.

Đã có nhiều cuộc biểu tình chống lại ông trước kỳ Thế Vận Hội cũng như các cuộc biểu tình ôn hòa ở một số địa điểm Olympic. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Trump gợi ý người ủng hộ quyền sở hữu súng có thể ngăn bà Clinton

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cáo buộc giới truyền thông là bóp méo một phát biểu mà ông đưa ra hôm thứ Ba về quyền sở hữu súng ống, mà nhiều người hiểu là ông gợi ý bạo lực nhắm vào đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Trong khi một ghế thẩm phán tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vẫn còn bỏ trống và tổng thống kế tiếp có thể bổ nhiệm một số thẩm phán mới, ông Trump nói bà Clinton sẽ "hoàn toàn huỷ bỏ Tu chính án thứ Hai" của Hiến pháp Hoa Kỳ, khẳng định người Mỹ có quyền mang vũ khí.

Trong một buổi vận động ở thành phố Wilmington, bang North Carolina, ông Trump nói:

"Nếu bà Clinton mà được chọn thẩm phán thì quý vị không làm gì được đâu. Mấy người ủng hộ Tu chính án thứ Hai thì có lẽ là có, tôi không biết nữa."

Vài giờ sau đó, ông Trump nói với đài Fox News rằng khi đó ông đang nói tới một "phong trào chính trị" và không thể "có cách hiểu nào khác hơn" về phát biểu của ông.

Nhưng ban vận động tranh cử của bà Clinton xem phát biểu của ông Trump nghe như một lời đe doạ.

Người quản lý chiến dịch Robby Mook nói trong một thông cáo: "Điều mà ông Trump đang nói là nguy hiểm. Một người đang vận động để trở thành tổng thống Hoa Kỳ không được gợi ý bạo lực dưới bất cứ hình thức nào."

Hiệp hội Súng Quốc gia, tổ chức đã công khai ủng hộ ông Trump, bênh vực ông trên Twitter và mô tả cuộc bầu cử này là một quyết định về Tu chính án thứ Hai.

Bà Clinton cho biết trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn Quốc hồi tháng trước rằng bà không muốn bãi bỏ Tu chính án thứ Hai hay tịch thu súng của người dân, nhưng bà cổ súy "những cải cách hợp lý."

"Tôi chỉ không muốn quý vị bị bắn bởi một người mà ngay từ đầu không nên có súng trong tay," bà nói.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa Paul Ryan hôm thứ Ba cho phóng viên biết ông có nghe nói về phát biểu của ông Trump và rằng nó có vẻ như là một "câu nói đùa vô duyên."

"Bạn không bao giờ nên nói đùa về điều gì đó như vậy," ông nói.

Cơ quan Mật vụ, đặc trách bảo vệ các ứng cử viên tổng thống, cho biết trên Twitter rằng họ "có biết về những phát biểu được đưa ra trước đó vào chiều hôm nay" nhưng không nêu đích danh ông Trump.

Về những vấn đề chính sách, ông Trump hôm thứ Ba tiếp tục tập trung vào kinh tế, nói rằng ông sẽ áp đặt mức thuế quan 35 phần trăm lên sản phẩm của những công ty Mỹ di dời hoạt động ra nước ngoài. Ông cũng cam kết sẽ giảm bớt những quy định cho những người muốn mở doanh nghiệp mới.

Trong khi đó bà Clinton tổ chức một sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Miami, bang Florida, nơi bốn trường hợp nhiễm virus Zika đã được báo cáo.

Bà kêu gọi những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa mở một phiên họp đặc biệt tại Hạ viện và thông qua một dự luật tài trợ những nỗ lực chống Zika. Bà nói rằng đây là một dịch bệnh mà sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn.

Thượng viện đã thông qua một dự luật tài trợ nỗ lực chống Zika, nhưng Hạ viện đã nghỉ họp vào tháng trước trước khi họ có thể thông qua dự luật. - VOA
|
|

4.
Phelps lại tỏa sáng với huy chương vàng

Michael Phelps, vận động viên phá kỷ lục mọi thời đại, nâng tổng số huy chương vàng Olympics lên 21 khi giành giải cá nhân và đồng đội vào ngày thi đấu thứ tư tại Rio 2016.

Vận động viên người Mỹ, 31 tuổi, chiến thắng đầy thuyết phục trước đương kim vô địch Chad le Clos ở nội dung 200m bướm.

Vận động viên Olympics nhiều huy chương nhất mọi thời đại sau đó đã giúp Hoa Kỳ giành chiến thắng ở môn thi tiếp sức tự do 4x200m nam.

Bộ tứ Anh Quốc là Stephen Milne, Duncan Scott, Dan Wallace và James Guy giành huy chương bạc.

Phelps bắt đầu buổi tối thi đấu bằng việc trả món nợ với chiến thắng trước Le Clos 24 tuổi, người hơn thành tích của anh ở London năm 2012.

Anh giành chiến thắng với thành tích 1 phút 53,36 giây trong khi vận động viên Nam Phi chỉ về đích thứ tư.

Masato Sakai của Nhật Bản và Tamas Kenderesi Hungary đã vượt qua Le Clos ở vòng chung kết 50 m và giành huy chương bạc và đồng.

Phelps và Le Clos sẽ còn gặp lại khi họ tranh tài ở nội dung bơi bướm 100m vào cuối tuần này.

Nhưng giành lại danh hiệu ở nội dung bướm 200m là mục tiêu chính của Phelps ở Rio sau thất bại nặng nề của mình ở London cách đây bốn năm.

Lần đấu chung kết cuối cùng đó đáng ra là thời điểm chia tay thể thao, khi anh đã công bố ý định giải nghệ sau Thế vận hội 2012.

Nhưng Phelps đã quay lại vào năm 2014.

Phelps đã giành được hơn gấp hai lần số huy chương vàng Olympics mà vận động viên thứ hai trong danh sách là cựu vận động viên thể dục của Liên Xô Larisa Latynina giành được là 9 huy chương vàng.

Phelps trở lại bể bơi chỉ hơn một giờ sau chiến thắng cá nhân của mình để đấu trong nội dung tiếp sức cùng với đồng đội Conor Dwyer, Francis Haas và Ryan Lochte.

Đội Mỹ vốn thua Anh tại giải Vô địch Thế giới năm 2015, nhưng đã thi đấu tốt hơn ngay từ đầu lần này và về đích trước 2,47 giây để giành lại danh hiệu vô địch. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Quân đội VN phủ nhận tin triển khai pháo phản lực ở Trường Sa --- Phản ứng tin VN 'đưa tên lửa ra Trường Sa' --- Vũ khí Việt Nam ở Trường Sa nguy hại cho Trung Quốc hơn tàu Mỹ

Hãng tin Reuters và một số báo nước ngoài hôm 10/8 đưa tin Việt Nam đã tăng cường sức mạnh cho một số đảo của mình ở Biển Đông có tranh chấp. Reuters trích dẫn 3 nguồn là các nhà ngoại giao và sỹ quan quân đội nước ngoài nói rằng Việt Nam đã triển khai các dàn pháo phản lực cơ động có năng lực đánh các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc.

Bài tường trình của Reuters cho hay 3 nguồn tin kể trên nói rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã chuyển các dàn pháo phản lực từ đất liền lên 5 đảo ở Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Theo các nguồn tin đó, các dàn phóng chưa lắp đạn nhưng có thể sẵn sàng hoạt động chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày.

VOA Việt ngữ trong ngày 10/8 đã liên lạc với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, để xác minh tin này. Tướng Tuấn cho hay:

“Không có chuyện đấy đâu. Không có chuyện đấy. Hôm nay cũng có người hỏi rồi. Không có chuyện đấy”.

Một cán bộ cao cấp khác đề nghị không nêu tên thuộc Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã hướng dẫn phóng viên VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao. Ông nói:

“Tốt nhất là về phía Việt Nam có Vụ Thông tin-Báo chí, Bộ Ngoại giao, thì cơ quan đấy họ sẽ trả lời một cách đầy đủ”.

Tuy nhiên theo tin Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng thông tin về việc triển khai các dàn phòng là “không chính xác” mà không nói thêm chi tiết.

Các quan chức ngoại giao và các nhà phân tích quân sự nước ngoài tin rằng các dàn phóng nêu trên là một phần trong hệ thống pháo phản lực hiện đại có tên EXTRA mới mua của Israel. 

Đạn của loại pháo này có thể bắn chính xác trong tầm 150 kilomet, có nhiều loại đầu đạn khác nhau nặng 150 kilogam có thể đánh nhiều mục tiêu đồng thời. Vũ khí này có thể tấn công cả tàu thuyền lẫn các mục tiêu trên mặt đất.

Với vũ khí này, các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn, rơi vào tầm bắn từ nhiều đảo hoặc đá do Việt Nam nắm giữ ở Trường Sa.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng đây là bước đi phòng vệ nổi bật nhất mà Việt Nam thực hiện ở Biển Đông trong nhiều thập kỷ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, cũng nhấn mạnh với VOA rằng tuy chưa thể khẳng định tin Việt Nam đã triển khai các dàn pháo đó, song dù Việt Nam đã và sẽ triển khai vũ khí gì, việc đó cũng chỉ có tính phòng thủ, không mang tính răn đe hay tấn công. Ông nói:

“Việt Nam triển khai, nếu mà có, tất cả các loại vũ khí, pháo phản lực hay cái gì đi chăng nữa, Việt Nam chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ, đối phó khi bị tấn công thôi. Việt Nam sẽ không bao giờ khởi binh và bắn trước một phát đạn nào cả. Tập trung toàn bộ cho bảo vệ mình trước cái uy hiếp của nước ngoài”.

Việt Nam có tranh chấp chủ yếu với Trung Quốc ở Biển Đông. Reuters tường thuật rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/8 đã nói trong một tuyên bố gửi đi bằng fax như sau: “Trung Quốc kiên quyết phản đối nước có liên quan chiếm bất hợp pháp một phần các đảo và đá thuộc quần đảo Spratly [Trường Sa] của Trung Quốc, và trên các đảo và đá chiếm bất hợp pháp này vốn thuộc về Trung Quốc lại tiến hành xây dựng và triển khai quân sự bất hợp pháp”.

Mỹ cũng đang theo dõi các diễn biến này chặt chẽ. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tránh các hành động làm tăng căng thẳng, có các bước đi thực tế để xây dựng lòng tin và đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, ngoại giao cho các tranh chấp”.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cải thiện đáng kể năng lực hải quân trong chương trình hiện đại hóa quân đội nói chung, trong đó có việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại của Nga.

Thiếu tướng Lê Văn Cương nói Việt Nam tăng cường năng lực quân sự là điều bình thường. Ông nói Việt Nam có mối lo ngại thường về Trung Quốc không chỉ vì nước này đã phát triển sức mạnh quân sự trong nhiều năm qua mà cơ bản vì họ “có những hành động hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp của Trung Quốc trong hàng chục năm nay ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Tướng Cương nhắc lại rằng kể cả các nước lớn là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng lo ngại về sự “hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc”. - VOA

***
BBC ghi nhận phản ứng và bình luận xung quanh bài báo của Reuters ngày 10/8 nói rằng Việt Nam đã đưa ra quần đảo Trường Sa các giàn phóng tên lửa di động mới có khả năng tấn công đường băng và căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội, nói với Reuters rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới năm căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể khiến căng thẳng với Bắc Kinh.

Hãng tin này cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thông tin này là "không chính xác", mà không giải thích gì thêm.

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gửi Reuters qua fax:

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Sa và các vùng nước lân cận.

Trung Quốc kiên quyết phản đối quốc gia chiếm đóng phi pháp một phần Nam Sa của Trung Quốc, và lại tiến hành xây dựng và điều động quân sự phi pháp ở các đảo và đá ngầm bị chiếm đóng phi pháp tại Nam Sa.”

Trả lời của một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ:

"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố có chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa tránh có hành động gây căng thẳng, thực hiện các bước thiết thực để xây dựng lòng tin, tăng cường những nỗ lực để tìm các giải pháp ngoại giao và hòa bình cho tranh chấp.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát từ Hà Nội, nói với BBC:

“Việt Nam có nhiều cách phản ứng khác nhau về tình hình trên Biển Đông, nhưng không làm việc như thế. Việt Nam hiểu rằng Trường Sa là khu vực đang có tranh chấp và không muốn làm thay đổi hiện trạng. Đây là lập trường nhất quán của chính phủ Việt Nam.”

Tiến sĩ Malcolm Cook, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, nói với BBC:

chính xác, tôi nghĩ quyết định của Việt Nam là để phản ứng lại với hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc tại Trường Sa và xa hơn nữa là việc quân sự hóa tại các thực thể Trung Quốc chiến đóng ở Hoàng Sa.

Tôi nghi ngờ phán quyết 12/7 của Tòa trọng tài là nguyên nhân chính. Nếu Việt Nam đưa những giàn phóng tên lửa đó ra những thực thể được Tòa Trọng tài phán quyết là những bãi nửa chìm nửa nổi.

“Đây có thể là đưa ra một tín hiệu phòng vệ rõ ràng với việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, là để gửi tín hiệu đến Trung Quốc và các nước khác, rằng sự hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông có thể bị Việt Nam chống lại, và nhằm làm rối thêm các kế hoạch của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.”

Nếu Trung Quốc chọn cách công khai thể hiện thái độ, nước này sẽ rất chỉ trích Việt Nam và Trung Quốc sẽ dùng hành động của Việt Nam sẽ biện hộ cho hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc thích thể hiện mình là nạn nhân của hành động quấy nhiễu trên Biển Đông. - BBC

***
Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters ngày 10/08/2016, Việt Nam đã âm thầm đưa các gián phóng phi đạn và tên lửa có sức công phá mạnh ra năm thực thể mà Việt Nam kiểm soát trong khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đây là nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho RFI Tiếng Việt

Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng hệ thống vũ khí mới này của Việt Nam là một mối đe dọa tiềm tàng lớn cho các sân bay và cơ sở quân sự mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo họ vừa bồi đắp tại Trường Sa. Nguy cơ đối với Trung Quốc từ vũ khí của Việt Nam còn lớn hơn cả mối đe dọa đến từ tàu Mỹ.

RFI : Giáo sư nhận định sao về động thái mới này của Việt Nam ?

Thayer : Nếu thông tin (về việc Việt Nam đưa giàn pháo mới ra Trường Sa) là xác thực, thì đó sẽ là hành động vi phạm quan trọng đầu tiên của Việt Nam đối với bản Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002, yêu cầu tự kiềm chế để không làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp.

Cần lưu ý rằng Việt Nam đã phủ nhận việc bố trí giàn phóng tên lửa trên các thực thể mà họ kiểm soát. Bản tin của Reuters cũng ghi nhận rằng các bệ phóng không được trang bị đầu đạn.

Động thái của Việt Nam mang dấu hiệu của một phản ứng hoàn toàn tự vệ để đối phó với việc Trung Quốc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong tay họ, trong đó có việc xây dựng nhiều nhà chứa máy bay có khả năng tiếp nhận chiến đấu cơ đa năng Su-30, oanh tạc cơ, phi cơ tiếp tế nhiên liệu và máy bay cảnh báo sớm và điều khiển.

RFI : Mỹ và Trung Quốc có thể phản ứng ra sao ?

Thayer : Hoa Kỳ sẽ nhắc lại chính sách thường xuyên được tuyên bố là các bên tranh chấp không nên quân sự hóa thêm các thực thể địa lý trong tay mình ở vùng quần đảo Trường Sa, và nên tham gia vào việc thực hiện các biên pháp xây dựng lòng tin. Mỹ chưa chính thức xác nhận thông tin của Reuters.

Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng các nước tranh chấp khác nên có những bước đi mang tính xây dựng. Trung Quốc cũng đã gắn tiến trình quân sự hóa (Biển Đông) của họ với mức độ đe dọa mà họ phải đối mặt. Điều đó nhắm vào những hành động của Hoa Kỳ.

Động thái (mới) của Việt Nam đã phức tạp hóa kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc. Ba sân bay mới của Bắc Kinh (trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn) đã trở thành mục tiêu dễ bị hệ thống pháo EXTRA của Việt Nam gây tổn hại. Lý do là pháo Việt Nam là một mối đe dọa thường trực, trong lúc các chuyến tuần tra của Hải Quân Mỹ chỉ thoáng qua mà thôi.

RFI : Tình hình Biển Đông có thể diễn biến ra sao?

Thayer : Diễn biến hiện nay chứng minh cho nhận định rằng các hành động của Trung Quốc đã kích động một phản ứng ngược lại, hoặc là điều mà giới phân tích an ninh gọi một chu kỳ "động lực-phản động lực".

Tình hình ở quần đảo Trường Sa sẽ căng thẳng thêm lên nếu Trung Quốc đột ngột triển khai máy bay quân sự trên ba đường băng mà họ đã xây dựng một khi các nhà chứa máy bay được hoàn thành.

Trung Quốc sẽ không có khả năng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và buộc nước khác tuân thủ ngày nào mà họ chưa xây dựng đủ các bể chứa nhiên liệu, và các cơ sở bảo trì và sửa chữa rộng lớn.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể triển khai một phi đội máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ, hoạt động xoay vòng trong thời gian ngắn, làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Điều này sẽ có tính cách hù dọa các nước ven biển.

RFI : Hệ thống tên lửa EXTRA mà Việt Nam bố trí tại Trường Sa là gì?

Thayer : Thông tin đã được công khai là vào năm 2014, Việt Nam đã mua 10 giàn phóng phi đạn dẫn đường và tên lửa địa-đối địa EXTRA của Israel. Hình ảnh các tên lửa này đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, và phô trương là "tên lửa chống xâm lược".

EXTRA là tên tắt của Extended Range Artillery (pháo với tầm bắn mở rộng), và có thể dùng trong các cuộc tấn công chuẩn xác nhắm vào tàu chiến hay các cơ sở trên đất liền trong một bán kính từ 20 đến 150 km.

Tên lửa này có độ chính xác cao, và sai số so với đích nhắm chỉ khoảng mười mét. Tên lửa có thể mang một đầu đạn thuốc nổ cực mạnh, hay nhiều quả bom nhỏ. Đầu đạn thuốc nổ có thể gây tổn hại cho một tàu chiến, hoặc tạo nên một hố lớn trên một đường băng, còn bom nhỏ có thể gây thương vong hàng loạt trong một khu vực nhất định, phá hủy máy bay nằm đưới đất, các trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc, và các cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Từng có tin về việc Việt Nam tăng cường vũ khí ra Trường Sa

Giới quan sát hiện đang tìm hiểu xem Việt Nam có thể bố trí các vũ khí mới ở đâu tại Trường Sa. Dẫu sao thì đây không phải là lần đầu tiên có tin là Việt Nam tăng cường vũ khí hiện đại ra Trường Sa.

Cuối năm 2014, chính quyền Đài Loan từng báo động về việc Việt Nam "tăng cường sự hiện diện quân sự với các vũ khí tinh vi trên đảo Sơn Ca (Sandy Cay), cách đảo Ba Bình chỉ 11 km về phía Đông". Nguồn tin trên cũng cho rằng Việt Nam đã triển khai một số lượng không xác định tên lửa phòng không vác vai mới và mở rộng địa bàn đóng quân trên đảo Sơn Ca trong năm 2014.

Tháng Ba năm 2015, một dân biểu diều hâu Đài Loan Lâm Úc Phương (Lin Yu-fang) thuộc Quốc Dân Đảng, cũng khẳng định rằng có dấu hiệu là Chính quyền Việt Nam tăng cường lực lượng pháo binh trên cả hai đảo Sơn Ca và Nam Yết (Namayit), cách Ba Bình 22km. - RFI
|
|

6.
Người Việt biểu tình phản đối trước trụ sở Formosa ở Đài Loan

Một cuộc biểu tình phản đối tập đoàn thép gây thảm họa môi trường ở Việt Nam hôm nay (10/8) diễn ra ngay trước trụ sở của Formosa tại Đài Bắc, Đài Loan.

Tin của hãng AFP cho biết khoảng 40 người biểu tình là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và lao động tại Đài Loan. Biểu ngữ họ mang theo có nội dung yêu cầu Formosa phải rút khỏi Việt Nam, cũng như lên án việc hủy hoại môi trường là giết hại con người…

Những người biểu tình còn cho rằng thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy chính quyền Hà Nội thiếu minh bạch trong giải quyết thảm họa môi trường do Formosa gây nên. Do đó họ cũng yêu cầu phải công bố báo cáo về tình trạng ô nhiễm và bảo đảm nạn nhân phải được bồi thường đầy đủ.

Thảm họa môi trường xảy ra vào đầu tháng tư vừa qua khi Formosa thải chất độc ra biển khiến cá chết hằng loạt dọc theo 4 tỉnh miền Trung từ Vũng Áng, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Sau thời gian điều tra, vào cuối tháng 6, cơ quan chức năng Việt Nam chính thức cho biết thủ phạm Formosa thừa nhận sai phạm và đồng ý bồi thường 500 triệu đô la.

Tiếp đó, người dân địa phương lại phát hiện chất thải của Formosa được đưa đi chôn lấp tại nhiều nơi trên đất liền tại địa phương. - RFA

No comments:

Post a Comment