Wednesday, March 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 9/3

Tin Thế Giới

1.
Không Quân Mỹ muốn đặt oanh tạc cơ tầm xa tại Úc --- Không quân Mỹ sẽ tiếp tục bay tuần tra trên Biển Đông

Trong một động thái dứt khoát sẽ làm Bắc Kinh bực tức, Washington đang đàm phán với Canberra về kế hoạch đưa máy bay ném bom tầm xa đến Úc. Theo hãng truyền thông Úc ABC vào hôm nay, 09/03/2016, chính nữ tư lệnh lực lượng Không Quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, đã tiết lộ tin trên.

Theo ABC, phát biểu với một số nhà báo tại Canberra, nữ đại tướng Lori Robinson xác nhận là hai nước Mỹ và Úc đang đàm phán về khả năng cho oanh tạc cơ B-1 cùng các máy bay tiếp liệu trên không của Mỹ đặt căn cứ tạm thời tại miền Bắc Úc, ở Tindal và Darwin.

Trung tá Damien Pickart, phát ngôn viên lực lượng Không Quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết thêm là hai bên cũng đàm phán về viêc mở rộng hoạt động tuần tra của máy bay ném bom B-52.

Vùng Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như vây sẽ nằm trong tầm hoạt động của oanh tạc cơ Mỹ nếu B-1 và B-52 được cắm tại miền bắc Úc.

Theo bà Lori Robinson, ngoài nhân tố chiến lược như vừa kể, khi máy bay ném bom tầm xa của Mỹ được phép hoạt động tại Úc, phi công Mỹ có thể nhanh chóng làm quen với địa hình khu vực Biển Đông, đồng thời phát huy được khả năng phối hợp với đồng đội Úc.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đề nghị Úc cho oanh tạc cơ hiện đại B1 của mình đặt căn cứ ở Úc để hoạt động trong vùng châu Á.

Vào năm ngoái, Mỹ đã từng đề xuất ý định này với Úc nhưng không được đáp ứng. Lần này, với bối cảnh Trung Quốc hung hăng quân sự hóa Biển Đông, yêu cầu của Mỹ dễ được chấp nhận hơn.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vào hôm nay đã từ chối bình luận về các cuộc đàm phán. - VOA

***
Không lực Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các phi vụ trên Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng này, qua việc triển khai tên lửa địa đối không và chiến đấu cơ phản lực. Đó là tuyên bố của tướng Lori Robinson, tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, hôm qua, 08/03/2016 tại Canberra, Úc, được hãng tin AP trích dẫn.

Theo lời tướng Robinson, bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, các phi cơ của không quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay bên trên Biển Đông và các chiến hạm của Mỹ sẽ tiếp tục đi qua các vùng biển quốc tế ở khu vực này.

Cách đây vài ngày, tiểu hạm đội hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đã đi vào vùng Biển Đông, để tiến hành những hoạt động mà hải quân Mỹ mô tả là "bình thường".

Hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gián tiếp phản đối hành động nói trên của Hoa Kỳ, khi tuyên bố rằng đòi hỏi của một quốc gia khác về tự do hàng hải ở Biển Đông "không cho họ quyền muốn làm gì thì làm ở vùng này".

Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và sẽ không cho phép những nước khác xâm phạm các quyền của minh trên vùng biển này.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, tướng Robinson hôm qua nhắc lại rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái đã ký một hiệp định về các quy tắc ứng xử trên không phận quốc tế và hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong năm nay, mục đích là tránh những "tính toán sai lầm" dẫn đến các vụ va chạm trên không. - VOA
|
|

2.
Iran tiếp tục phóng phi đạn đạn đạo

Iran cho biết họ đã thực hiện thêm 2 vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo hôm 9/3, 1 ngày sau khi Hoa Kỳ chỉ trích một đợt thử nghiệm mà Iran mô tả là để chứng tỏ ‘sức mạnh răn đe’ của họ.

Truyền thông Iran nói 2 phi đạn Qadr H đã được phóng lên hôm 9 tháng 3 nhắm tới các mục tiêu cách đó 1.400 km.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/3 nói rằng họ dự tính yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc duyệt xét lại tình hình và 'tăng sức ép để có một đáp ứng thích nghi.'

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao John Kirby nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các công cụ đơn phương để chống trả những mối đe doạ từ chương trình hạt nhân Iran."

Tuy nhiên ông Kirby cũng thừa nhận rằng các vụ thử nghiệm phi đạn không bị cấm bởi thoả thuận của Iran với 6 cường quốc thế giới để kiềm chế chương trình hạt nhân của họ để đánh đổi việc tháo gỡ các biện pháp chế tài đã gây khốn đốn cho nền kinh tế của Iran. 

Thoả thuận này là nhằm giải quyết những quan tâm rằng Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, một điều mà Tehran luôn luôn bác bỏ.

Thoả thuận này đã dẫn tới một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Iran chớ "xúc tiến bất cứ hoạt động nào có liên hệ tới các phi đạn đạn đạo được thiết kế để có thể mang vũ khí hạt nhân, kể cả những vụ phóng sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo." - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Sanders giành thắng lợi bất ngờ ở Michigan --- Người gốc Châu Mỹ La Tinh nói sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders giành được thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở tiểu bang Michigan hôm thứ ba, trong lúc tỉ phú Donald Trump gia tăng mức dẫn đầu với những chiến thắng tại ba tiểu bang Michigan, Mississippi và Hawaii. Thông tín viên Chris Hannas của đài VOA tường thuật.

Nhiều cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan cho thấy cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ thắng ở tiểu bang miền bắc này, nhưng rốt cuộc Thượng nghị sĩ Sanders đã thắng với tỉ lệ chiếm phiếu 50%. Bà Clinton đã thắng một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm qua tại tiểu bang Mississippi ở miền nam.

Ông Sanders cho rằng chiến thắng ở Michigan cho thấy điều mà ông gọi là “cuộc cách mạng chính trị” nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên cả nước và ông tin rằng những khu vực mà cuộc vận động của ông có vị thế mạnh nhất là những khu vực chưa tới ngày bỏ phiếu. Ông nói “Khi nào có thêm nhiều người biết được chúng tôi là ai và quan điểm của chúng tôi là gì thì khi đó chúng tôi sẽ đạt được những thành quả rất tốt.”

Ông Matt Grossman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách và Xã hội của Đại học Tiểu bang Michigan, cho biết yếu tố then chốt là sự ủng hộ mà ông Sanders giành được từ những người thuộc giới trẻ, là những người mà các chuyên viên thăm dò ý kiến khó tiếp xúc nhưng đã đi bỏ phiếu ở Michigan. Ông Sanders cũng đảo ngược tình trạng thiếu sự ủng hộ của những người thuộc các nhóm thiểu số. Giáo sư Grossman nhận định như sau.

"Đây là một sự việc rất quan trọng vì nó cho thấy ông ấy có thể cạnh tranh với bà Clinton vượt khỏi cơ sở ủng hộ của ông là những người trẻ da trắng có chủ trương tiến bộ. Nó cho thấy ông ấy có thể cạnh tranh để giành phiếu của một số người thuộc các nhóm thiểu số. Nó cho thấy cử tri thiểu số ở miền bắc có thể bỏ phiếu khác với những người thiểu số ở miền nam."

Khi diễn thuyết trước các cử tri ở thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, một trong 5 tiểu bang mà phe Dân chủ sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào tuần sau, bà Clinton nói bà cảm thấy hãnh diện về cuộc vận động tranh cử của bà và ông Sanders. Bà so sánh cuộc vận động này với cuộc vận động của phe Cộng hoà mà bà nói là các ứng viên đang dùng những lời lẽ gay gắt để công kích nhau.

"Tranh cử tổng thống không phải là để chửi bới nhau, mà là để mang lại kết quả cho người dân nước Mỹ."

Trước cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm qua, bà Clinton dẫn đầu khá xa về số phiếu đại biểu và tuy bị thua ở Michigan nhưng số phiếu đại biểu của tiểu bang này mà bà giành được cũng ngang ngửa với số phiếu của ông Sanders. Giáo sư Grossman cho biết ông Sanders cần phải bắt đầu thắng với tỉ lệ chênh lệch 20% mới có thể đuổi kịp bà Clinton.

Tổng kết số phiếu đại biểu

Thống đốc Ohio, ông John Kasich, cũng đối mặt với một vấn đề tương tự. Ông đang đứng hạng tư về số phiếu đại biểu của phe Cộng hoà. Ông về hạng ba tại tiểu bang Michigan với tỉ lệ chiếm phiếu 24%, sau ông Ted Cruz và ông Donald Trump.

Ông Kasich đang đặt nhiều hy vọng vào việc chiếm được một số khá lớn phiếu đại biểu vào tuần sau, khi tiểu bang Ohio tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ mà người nào thắng sẽ chiếm toàn bộ số phiếu đại biểu của tiểu bang.

Giáo sư Grossman nhận định như sau về triển vọng của cuộc vận động của ông Kasich.

"Tôi nghĩ rằng ông Kasich đã có thành quả đủ tốt để tiến vào cuộc bầu cử ở Ohio và được mọi người xem là một ứng viên có lý do chính đáng để tiếp tục cuộc đua. Vấn đề là ông ấy sẽ phải làm gì nữa sau Ohio, và làm thế nào mà ông ấy có thể thu hẹp khoảng cách về số phiếu đại biểu với các ứng viên khác, nhất là với ông Donald Trump?"

Thượng nghị sĩ Ted Cruz đang ở vị trí hạng nhì của phe Cộng hoà tính theo số phiếu đại biểu đã chiếm được, và hôm qua ông đã giành thêm một chiến thắng tại tiểu bang Ohio ở miền tây. Ông Trump về nhì ở tiểu bang này.

Người về hạng ba bên phía Cộng hoà là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida. Hôm qua ông về hạng tư trong các cuộc bầu cử ở Michigan và Mississippi. Ông Rubio cũng đặt nhiều hy vọng vào việc giành được toàn bộ 99 phiếu đại biểu của Florida khi tiểu bang nhà của ông tổ chức bầu cử vào tuần sau.

Ông phát biểu như sau trước những người ủng hộ.

"Tôi thật lòng tin tưởng là người chiến thắng ở Florida tuần sau sẽ là người được đảng Cộng hoà đề cử."

Tuy nhiên, giáo sư Grossman không tin điều đó sẽ xảy ra và ông nói rằng nếu ông Rubio không bỏ cuộc trước cuộc đầu phiếu ngày 15 tháng 3 thì ông ấy cũng sẽ bỏ cuộc sau đó.

"Quí vị sẽ bắt đầu thấy một số người ủng hộ ông Rubio bắt đầu dồn phiếu cho ông Kasich tại những tiểu bang khác."

Các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hoà mới đây đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ để ngăn chận ông Trump vì họ cho rằng thương gia này là người quá khó tiên đoán và sẽ bị đánh bại vào tháng 11 nếu bà Clinton là người được đảng Dân chủ đề cử. Một số tổ chức chống ông Trump cũng chuẩn bị chi tiêu hàng triệu đô la quảng cáo vào tuần sau, phần lớn là ở Florida và Illinois.

Ông Trump đã tỏ ý phớt lờ những nỗ lực đó và tuyên bố rằng ông tiếp tục giành được thắng lợi.

"Chỉ có một người duy nhất đã thắng tối nay – đó là Donald Trump."

Ông Trump cho rằng ông sẽ thắng ở Florida, nơi ông gọi là quê hương thứ hai của ông và là nơi ông đang dẫn trước ông Rubio trong các cuộc thăm dò ý kiến. - VOA

***
Trong lúc tỉ phú Donald Trump tiến gần hơn tới chỗ được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống, nhiều người gốc Châu Mỹ La Tinh nói họ bất mãn vì những luận điệu bài di dân của ông Trump và họ sẽ bỏ phiếu cho một người khác. Theo tường thuật của thông tín viên Elizabeth Lee của đài VOA ở Los Angeles, tuy phần lớn người gốc Châu Mỹ La Tinh lâu nay vẫn dồn phiếu cho phe Dân chủ, nhưng số người không về phe nào đang mỗi ngày một tăng.

Trong lúc đang bận rộn để chuẩn bị cho những sinh hoạt trong nhà thờ trước ngày Lễ Phục Sinh, ông Renes Burgos, một người Mỹ gốc El Salvador, cho biết tín ngưỡng chi phối những quyết định của ông…kể cả việc bỏ phiếu để chọn vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.

"Một người nào đó có lòng trắc ẩn nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn tới người khác."

Trước đây, ông Burgos và vợ ông – bà Maria Elena Burgos, định bỏ phiếu cho phe Cộng hoà. Nhưng bây giờ, họ đã thay đổi ý kiến, sau khi ông Donald Trump bắt đầu giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử trong đảng Cộng hoà. Bà Burgos cho biết như sau.

"Khi tôi bắt đầu xem những cuộc tranh luận và trông thấy các kết quả bầu cử, tôi rất chán nản. Tôi nói 'Sao kỳ vậy!'"

Trong những phát biểu của ông Trump mà nhiều người cho là bài xích di dân, có phát biểu về việc xây một bức tường ngăn đôi biên giới Hoa Kỳ và Mexico.

"Tôi sẽ xây một bức tường khổng lồ ở biên giới phía nam và tôi sẽ buộc Mexico trả tiền cho bức tường đó. Họ đang đưa [sang Mỹ] những người có rất nhiều vấn đề. Họ đang đưa vào [nước Mỹ] ma tuý, họ đang đưa vào [nước Mỹ] tội phạm, họ là những kẻ hiếp dâm…"

Luận điệu bài xích di dân đó làm phát sinh những cảm xúc mạnh mẽ nơi nhiều người gốc Mỹ châu La tinh. Bà Burgos cho biết.

"Tôi muốn nói cảm xúc đó là sự phẫn nộ, và đồng thời là sự thất vọng."

Ông Burgos có cùng một cảm nghĩ.

"Chúng tôi có mặt ở đây và tìm cách đóng góp để làm cho đất nước này trở thành một quốc gia vĩ đại. Chúng tôi làm điều này qua việc làm việc một cách cần cù và thành thật."

Ông Rene Burgos đã chạy sang Mỹ để tránh cuộc nội chiến El Salvador và đã nhập tịch Mỹ dựa theo chương trình đặc xá của Tổng thống Reagan dành cho những người di dân không có giấy tờ hợp lệ.

Ông Burgos cho rằng những người gốc Châu Mỹ La Tinh mang lại những sự thay đổi tích cực cho nước Mỹ, chứ không phải gây tổn hại như quan điểm của ông Trump.

Tổng kết số phiếu đại biểu

Ông Luis Alvarado, một chuyên viên tư vấn chính trị của phe Cộng hoà nhận định như sau.

"Trong bất kỳ một cuộc vận động bầu cử nào, đối với bất kỳ một khối cử tri nào, không có sức thúc đẩy nào mạnh mẽ cho bằng sự phẫn nộ."

Ông Alvarado cho biết mặc dù người gốc Châu Mỹ La Tinh lâu nay vẫn bỏ phiếu cho phe Dân chủ, nhưng nhiều người thuộc thế hệ cử tri mới của khối người này hiện nay chưa quyết định bỏ phiếu cho phe nào. Ông cho rằng sự thành công của ông Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ có thể thúc đẩy những người này bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, người được dự kiến sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

"Không phải họ ủng hộ những ý tưởng của bà ấy, ủng hộ bà ấy làm Tổng thống hay ủng hộ các chính sách của bà ấy. Họ chỉ muốn trừng trị ông Donald Trump mà thôi."

Bà Maria Elena Burgos cho biết nếu phải chọn giữa ông Trump và bà Clinton, bà sẽ chọn bà Clinton.

"Không phải tôi đồng ý với những chính sách bà ấy. Tôi chỉ muốn cứu nước Mỹ khỏi tay ông Trump."

Trong những tuần lễ trước ngày Lễ Phục Sinh, ông Burgos và vợ ông luôn nghĩ tới những chuyện liên quan tới tín ngưỡng và những giá trị của mình. Họ cho biết họ cầu nguyện cho người thích hợp nhất để giữ chức tổng thống trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của nước Mỹ. - VOA
|
|

4.
Thượng nghị sỹ Mỹ Cassidy đề xuất dự luật về nhân quyền Việt Nam

Một số trang web ở Mỹ hôm 8/3 đăng bài cho biết Thượng nghị sỹ Mỹ Bill Cassidy (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Louisiana) hôm 4/3 đã đề xuất một dự luật nhằm ngăn chặn các hành động đàn áp của chính phủ Việt Nam đối với công dân của mình.

Theo dự luật có tên Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, S. 2632, chủ tịch Việt Nam sẽ buộc phải đáp ứng các điều kiện nhân quyền trong một năm, nếu không các khoản trợ giúp không thuộc viện trợ nhân đạo cho chính phủ Việt Nam sẽ bị giới hạn tương đương với mức đã được quyết định trong tài khóa 2014.

Hiện nay, hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam hạn chế các quyền tự do hội họp, lập hội, ngôn luận, báo chí và truy cập Internet của công dân.

Theo dự luật do ông Cassidy đề xuất, chính phủ Việt Nam sẽ phải tiến hành các bước cụ thể để bảo đảm nhân quyền trước khi những hạn chế hiện nay về bán thiết bị quân sự sát thương cho Việt Nam được nới lỏng.

Ông Cassidy nói: “Vào lúc chính phủ Việt Nam tìm cách mở rộng quan hệ thương mại và an ninh với Mỹ, họ phải đặt việc cải thiện nhân quyền một cách cụ thể thành ưu tiên cao nhất”.

Ngoài ra, Dự luật Nhân quyền Việt Nam cũng đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách “nước đặc biệt đáng quan ngại” do có những vi phạm tự do tôn giáo.

Ngoại trưởng Mỹ do đó sẽ phải đệ trình Quốc hội bản phúc trình thường niên về việc thực thi dự luật, bao gồm cả danh sách những công dân bị giam cầm ở Việt Nam vì mưu cầu nhân quyền.

Tiến sỹ Cassidy là thành viên tiểu ban Nhân quyền Thượng viện. Một dự luật có nội dung tương tự, H.R.2140, cũng đã từng được đề xuất ở Hạ viện. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
'Tàu lạ' đâm chìm tàu cá của ngư dân Khánh Hòa, 5 người mất tích

Một tàu các của ngư dân Khánh Hòa đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa vào sáng 7 tháng 3 thì bị một tàu lạ đâm chìm.Thuyền trường tàu đánh cá là ông Nguyễn Tầm đã phát tín hiệu kêu cứu, và sau đó đã mất tích cùng bốn tay chài đi chung.

Truyền thông trong nước xác định chiếc tàu đánh cá là của ông Nguyễn Văn Tèo, ở Hòn Rớ, phường Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa làm chủ. Chiếc tàu này đã ra khơi đánh cá từ ngày 24 tháng 2.

Bà Lê Thị Hằng, vợ của ông Tèo chủ tàu nói với đài VOA:

"Anh Nguyễn Tèo bây giờ đang ngoài biển, tìm anh Nguyễn Tầm," là anh ruột của ông Tèo.

Bà Hằng kể: "8 giờ 15 ngày 7 tây, tàu đang làm thì có một chiếc tàu tung vô tàu [mình], thì tàu đắm lần lần xuống.  Năm anh em bỏ một cái thúng chai xuống, rồi leo vào thúng, và kêu tổng đài của Nha Trang, nhưng tổng đài Nha Trang không  bắt máy được. Có một chiếc tàu khác nghe kêu cứu, nên đã kêu về nhà, thìm mình mới biết là tàu mình bị chìm. Sau đó là mất liên lạc luôn."

Theo bà Hằng thì hiện không biết tung tích của chiếc tàu lạ đâm vào tàu cá của nhà bà.

Bà Hằng: "Anh Nguyễn Tầm nói là bị tàu tung, nhưng không biết tàu của ai.  Khi bị tung vào thì tàu đắm lần xuống. Không biết tàu gì đụng.  Không có thông tin nào hết.  Mặc may là chỉ có năm anh thuyền viên đó biết."

Báo chí địa phương loan tin rằng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn huy động nhiều phương tiện đến hiện trường, nhưng hiện chỉ thấy xác tàu cá bị đâm chìm trôi dạt cách vị trí đã báo ban đầu khoảng 4,5 hải lý, và chưa tìm được 5 ngư dân đang mất tích.

Bà Hằng cho biết mọi người đang rất lo lắng về số phận của năm ngư dân đang lênh đênh trên biển cả: "Lo làm sao vớt được 5 anh em đang trôi nổi trên cái thúng chai.  Năm anh em thuyền viên đó hiện đã lênh đênh trên biển đã hai ngày rồi, lương thực không có, vừa khát nước, vừa nắng, vừa lạnh."

Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vị trí xảy ra tai nạn cách đảo Linh Côn, Quần đảo Hoàng Sa khoảng 41 hải lý, về hướng đông nam -- cách thành phố Đà Nẵng 285 hải lý, về hướng đông nam.

Theo báo điện tử Soha News, chiều 8 tháng 3, Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng Trung Quốc để thông báo và đề nghị cứu nạn ngư dân Việt Nam đang bị nạn. - VOA

|
|

6.
Du lịch sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới mới đây cho hay 7,7% lực lượng lao động Việt Nam, tương đương hơn 4 triệu người, làm việc ở hình thức này hay hình thức khác trong ngành du lịch năm 2014, và dự báo con số đó sẽ tăng lên khoảng 5 triệu vào năm 2025.

Cũng có một xu hướng tương tự là đóng góp của du lịch vào Tổng sản phẩm quốc nội, GDP, của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi từ mức 17,8 tỷ đôla năm 2015 lên 32,5 tỷ đôla vào năm 2025, xấp xỉ 10% GDP.

Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam cho hay lượng khách đạt 8 triệu người năm ngoái, tăng gần 4 lần từ mức hơn 2 triệu người năm 2000. Với việc Việt Nam đang nỗ lực củng cố danh tiếng là một điểm đến không thể bỏ qua, có dự báo rằng lượng du khách sẽ còn gia tăng.

Việt Nam được quảng cáo là nơi có nhiều phong cảnh đẹp cũng như có các đô thị sầm uất như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mang lại cho du khách nhiều điểm tham quan hấp dẫn và đồ ăn ngon.

Tuy nhiên, lượng khách đến Việt Nam vẫn còn quá nhỏ khi so với nước Thái Lan láng giềng. Chỉ riêng năm ngoái, Thái Lan đã đón tiếp 30 triệu khách và thu được 66 tỷ đôla.

Dự báo Thái Lan sẽ tăng gấp đôi con số lợi nhuận từ ngành du lịch lên 127 tỷ đôla vào năm 2025. Theo Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới, ngành du lịch đóng góp tới 19,2% cho GDP, và sẽ tăng lên 25% vào năm 2025.

Việt Nam sẽ phải đi một chặng đường dài để đuổi theo Thái Lan. Điều quan trọng Việt Nam còn thiếu là hạ tầng du lịch, điều đã thể hiện rõ nhất khi xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng với du khách, mà gần đây nhất là vụ 3 du khách Anh thiệt mạng khi thăm Đà Lạt hồi tháng trước. - VOA
|
|

7.
Ông Trọng chỉ thị cấm cửa các phần tử ‘thế này thế khác’ vào Quốc hội

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong các ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam sắp tới, nói phát biểu ‘Không để lọt các phần tử ‘thế này thế khác’ vào Quốc hội’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự tùy tiện và lạm quyền hết sức nghiêm trọng.

Tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, hôm 8/3, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước trích lời nói: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác”.

Phát biểu của người đứng đầu đảng Cộng sản lập tức gặp nhiều chỉ trích và phản ứng trên các diễn đàn mạng xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự, cũng là một ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội khóa tới, cho rằng phát biểu của ông Trọng là tùy tiện và lạm quyền nghiêm trọng. Ông nói:

“Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng đã có một phát biểu và chỉ thị cho bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam làm những việc mà tôi nghĩ là vô cùng tùy tiện. Thế nào là ‘thế này thế kia’? Với chỉ thị của một người đứng đầu đảng như thế thì các đảng viên, có thể tuân theo hoặc có khi buộc phải tuân theo, có thể tùy ý lý giải ‘thế này thế kia’. ‘Thế này thế kia’ là một khái niệm như thế nào? Cho nên tôi nghĩ đây là một sự lạm quyền hết sức nghiêm trọng của ông Nguyễn Phú Trọng và ông ấy coi thường pháp luật. Bởi vì những cái đấy là nó phải theo một tiêu chuẩn nhất định, không thể đưa ra một khái niệm rất tù mù rằng ‘thế này thế nọ’ hay ‘thế này thế kia’. Đây là não trạng của những người mà người ta nghĩ rằng người ta đứng trên hết thiên hạ và không coi pháp luật ra gì thì mới có thể phát biểu một cách rất tùy tiện như vậy.”

Tờ New America Media hôm 7/3 đăng bài viết của nhà báo Đoan Trang nói về những khó khăn, trở ngại mà các ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội tại Việt Nam đang gặp phải, từ các thủ tục đăng ký, hành chính, cho đến việc bị tấn công bởi truyền thông.

Ứng cử viên Nguyễn Quang A nói những khó khăn về thủ tục đăng ký, khai lý lịch là những trở ngại chung mà bất kể ai cũng sẽ gặp phải. Riêng các ứng viên tự ứng cử, họ gặp một số ‘bất lợi’ trong hồ sơ lý lịch khi cơ quan chính quyền tự ‘ghi thêm’ những chi tiết không được yêu cầu trong hồ sơ.

“Họ chỉ xác minh người đó đúng là người đó rồi ký vào, chứ không phải ghi thêm điều này điều kia, nhất là những nhận xét, đánh giá mà thường là nhận xét, đánh giá của bên an ninh người ta đưa vào về thái độ chính trị… mà mẫu làm sơ yếu lý lịch thường không bao giờ yêu cầu như thế cả. Trường hợp đó không xảy ra với tôi mà với một số người khác, chẳng hạn như trường hợp đi biểu tình, rồi người ta kêu là gây rối mất trật tự, phạt hành chính gì gì đấy… chuyện đấy là 4, 5 năm trước cơ, mà trong yêu cầu là chỉ có 1 năm trở lại đây, thì họ cũng cứ ghi vào và ghi thêm những cái khác nữa.”

Ứng viên tự ứng cử Nguyễn Quang A cho rằng việc ‘ghi thêm’ không đúng yêu cầu như vậy sẽ ‘gây khó’ cho các ứng cử viên.

Gần đây, một bài viết mang tựa đề “Quốc hội không phải là phường chèo” của báo Petrotimes đã bị Luật sư Lê Văn Luân, một trong những nhân vật được bài viết đề cập tới, viết đơn khiếu nại gửi đến tòa soạn và đòi kiện vì nội dung ‘quy chụp, vu khống và bịa đặt’.

Riêng bản thân TS. Nguyễn Quang A, còn xuất hiện hẳn một video trong đó phỏng vấn một số người được cho là cư dân cùng khu phố với ông Nguyễn Quang A. Trong 5 người được phỏng vấn, có 3 người là lãnh đạo ở tổ dân phố nơi ông Nguyễn Quang A cư ngụ, 1 phụ nữ tên Hoan và 1 thanh niên.

“Có một người thứ 5 là một anh thanh niên đeo khuyên tai. Người ấy nói rằng anh ta ở tổ dân phố số 13 là nơi tôi đang ở. Nhưng tôi hỏi chính ông tổ trưởng tổ dân phố và ông trưởng ban công tác mặt trận thì họ nói ở trong tổ dân phố này không có một người nào như thế cả.”

Cũng trong cuộc tiếp xúc các cử tri ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng còn được Báo Xây Dựng trích lời dặn dò “phải xử lý chất lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội tinh thần như các cử tri nói là cố gắng làm như tiến hành Đại hội 12 của đảng thật sự dân chủ, công tâm, khách quan, kỹ lưỡng.

Những người đi bầu cử cũng phải lựa chọn, công tâm, kỹ càng, xứng đáng với các tiêu chuẩn chọn những đại biểu xứng đáng với nhân dân”.

Dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới. - VOA

No comments:

Post a Comment