Friday, March 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 11/3

Tin Thế Giới

1.
Ứng cử viên tổng thống của Aung San Suu Kyi được Hạ viện chấp thuận --- Người được bà Suu Kyi đề cử tiến gần chức Tổng thống Myanmar

Thủ tục bầu tổng thống Miến Điện diễn ra tại Hạ viện vào hôm nay 11/03/2016. Ứng cử viên Htin Kyaw của Liên đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ về đầu với 274 phiếu, trong khi đại diện của đảng cầm quyền mãn nhiệm chỉ được có 29 phiếu.

Miến Điện tiếp tục đi tới trong tiến trình chuyển giao quyền lực sau chiến thắng áp đảo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ trong cuộc tuyển cử tháng 11/2015.

Hôm nay, trong cuộc bầu cử tổng thống tại Hạ viện, 274 dân biểu đã dồn phiếu cho ông Htin Kyaw, ứng cử viên của bà Aung San Suu Kyi. Tuy được gọi là « tài xế riêng »,nhưng ông là một nhà khoa bản tốt nghiệp các đại học danh tiếng ở Luân Đôn và từng nắm các chức vụ quan trọng trong guồng máy nhà nước như bộ giao thông và bộ công nghiệp.

Tuy giới sĩ quan chiếm 25% ghế đại biểu Hạ viện, không qua bầu cử, nhưng ứng cử viên đảng USDP của chính quyền mãn nhiệm chỉ được 29 phiếu.

Theo thủ tục, Thượng viện, cũng nằm trong tay Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, sẽ bầu một ứng cử viên của phe mình làm phó tổng thống. Ứng cử viên thứ ba, do quân đội đề nghị cũng sẽ làm phó tổng thống thứ hai.

Để được chính thức đắc cử tổng thống Miến Điện, ửng cử viên Htin Kyaw còn phải qua thủ tục lấy phiếu tín nhiệm của cả hai viện trong cuộc họp chung trong vài ngày tới.

Vì bị hiến pháp cấm ứng cử tổng thống, nên bà Aung San Suu Kyi phải chọn một nhân vật trung thành nhưng có uy tín thay thế. Chưa rõ bà sẽ nhận một ghế bộ trưởng trong chính phủ mới hay sẽ điều phối hành pháp từ hậu trường. - RFI

***
Tại Hạ viện quốc hội Myanmar hôm nay, một quan chức hồi hưu của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) đã đánh bại phó tổng thống đương nhiệm Sai Mauk Kham trong vòng bầu cử đầu tiến để tiến gần hơn đến chức vụ tổng thống.

Ông Htin Kyaw dẫn trước với 274 phiếu so với ông Sai Mau Kham được 29 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất.

Đây là bài tập dân chủ mới nhất vào lúc đảng của bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên nắm chính quyền từ tay Tổng thống Thein Sein trong một buổi lễ vào ngày 30 tháng này chấm dứt mấy chục năm thống trị của quân đội.

Khôi nguyên giải Nobel hòa bình đã lãnh đạo các nhà lập pháp của bà bỏ phiếu hôm nay cho ứng viên được bà chọn ra, gần như chắc chắn sẽ lên làm tổng thống.

Ông Htin Kyaw gần như không được giới đưa tin chú ý đến trước tuần này. Cho đến giờ này, mọi người chỉ biết đến ông có lẽ trong tư cách là người đầu tiên được trường Đại học Yangon gửi ra nước ngoài vào năm 1971 để học môn khoa học điện toán.

Tuy nhiên, người đại diện của bà Aung San Suu Kyi để lên giữ chức tổng thống được biết đến rất nhiều trong nội bộ đảng NLD. Ông thuộc ủy ban quản trị đảng và kết hôn với nhà lập pháp Su Su Lwin, con gái của người sáng lập đảng NLD.

Nhưng hầu hết các nhà lập pháp và quan sát viên đang lấy làm thất vọng là bà không tìm ra được một cách nào để né tranh điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai có con cái mang quốc tịch nước ngoài lên làm tổng thống, như bà.

Sau khi xem cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hôm thứ ba từ khán đài quan sát, tập sự viên tại Bộ Ngoại giao Khin Thidar Zin nói: "Tôi thực sự cảm thấy hơn tiếc cho bà. Nhưng tôi hy vọng ông Htin Kyaw sẽ là một vị tổng thống tử tế đối với người dân Myanmar."

Từng tuyên bố bà sẽ giữ quyền tối thượng, bà Aung San Suu Kyi và người được bà đích thân chọn làm tổng thống sẽ không có toàn quyền tự do điều hành Myanmar, bởi vì quân đội tự động chiếm một phần tư số ghế tại quốc hội và sẽ kiểm soát nhiều bộ quan trọng.

Ứng viên của quân đội dự tranh chức tổng thống, Tướng Myint Swe, là thủ hiến Yangon, sẽ gần như chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc bầu chọn vào tuần tới tại quốc hội, nhưng chắc chắn sẽ giữ một trong hai chức vụ phó tổng thống.

Các nhà lập pháp của đảng NLD, đã thắng ồ ạt trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, hy vọng đây là một tình hình có lợi cho tất cả các bên và sẽ xoa dịu các vị tướng lãnh đã từng nắm quyền từ hơn nửa thế kỷ nay.

Nhà lập pháp Zaw Thein của NLD nói với đài VOA: “Mặc dầu chúng ta không phải là một nước dân chủ, chúng ta đang tiến rất nhanh đến chỗ một nước mà nền dân chủ sẽ đâm hoa.”

Chỉ còn vài tuần nữa trước khi có sự thay đổi chính quyền, các nhà lập pháp của Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP, mà cho đến gần đây vẫn còn ở thế dẫn đầu, dường như đã chấp nhận một cách nhã nhặn vị thế thiểu số mới của họ.

Nhà lập pháp Ko Ko Naing của USDP nói với đài VOA sau cuộc biểu quyết ở Hạ viện hôm nay: "Đây là một sự lựa chọn của các công dân. Tôi phải chấp nhận kết quả bỏ phiếu của các đại biểu quốc hội được dân bầu ra làm đại diện. Dựa vào những gì tôi biết được về tiểu sự ông Htin Kyaw, tôi tin rằng ông ấy hội đủ điều kiện của một nhà lãnh đạo có thể điều hành tốt đất nước."

Một phiên họp chung của cả hai viện quốc hội sẽ diễn ra vào ngày thứ ba tới, trong đó có cả các thành viên được quân đội chỉ định đã họp riêng trong tuần này. Theo dự trù phiên họp sẽ chọn ra tổng thống, và những người về nhì và về ba sẽ lên làm phó tổng thống.

Ông Henry Van Thio của đảng NLD có phần chắc sẽ được nhiều phiếu hơn người được quân đội đề cửa vào chức đệ nhất phó tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi nói với các nhà lập pháp NLD hồi tối thứ hai rằng bà đã chọn một nhà lập pháp Cơ đốc giáo, người sắc tộc Chin, với mục đích “hòa giải dân tộc.”

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo với hơn 55 triệu dân đã phải gánh chịu cảnh nội chiến gần như liên tục kể từ khi kết thúc chế độ thuộc địa Anh vào năm 1948.

Kể từ khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa được thiết lập vào năm 2011 đã có tiến bộ trong những thỏa thuận hòa bình được nhiều nhóm điều giải. Nhưng các vụ xung đột ở cường độ thấp vẫn tiếp tục giữa quân đội Myanmar và một số nhóm có vũ trang. - VOA
|
|

2.
Mỹ: Trung Quốc “đủ tiềm năng tấn công lớn” từ Trường Sa --- Trung Quốc sắp mở các chuyến bay dân sự ra Hoàng Sa

Chỉ trong vài tháng tới đây, với các căn cứ tại Trường Sa , quân đội Trung Quốc đủ khả năng mở những cuộc tấn công đáng kể trên toàn Biển Đông. Trên đây là nhận định của Giám đốc Tình báo Mỹ James Claper với lập pháp Hoa Kỳ mới được tiết lộ.

Trong một bản báo cáo gửi thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đề ngày 23/02/2016, giám đốc Tình báo Quốc gia James Claper cho biết những hải đảo ở Biển Đông bị Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền và bồi đắp làm căn cứ quân sự đã giúp cho Bắc Kinh có “tiềm năng tấn công đáng kể” trong vài tháng tới đây.

Theo Reuters trích dẫn trong bản tin hôm nay 11/03/2016, khả năng “tấn công quân sự ” của Trung Quốc vượt xa những gì được xem là “ tiền đồn phòng thủ”.

Cụ thể, giám đốc Tình báo Mỹ James Claper thẩm định ngay trong năm nay, với nhịp độ xây dựng “các tiền đồn” này, Trung Quốc sẽ đủ sức bố trí, triển khai một loạt phương tiện tấn công và phòng thủ, cũng như tăng cường yểm trợ cho hải quân và lực lượng tuần duyên. Một khi các cơ sở tiền phương này hoàn tất vào cuối năm nay hay đầu năm 2017 thì lúc đó Trung Quốc thừa khả năng phát huy nhanh chóng sức mạnh tấn công quan trọng trong vùng.

Nếu Hoàng Sa và Trường sa là ngư trường sinh tử của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, thì Biển Đông nói chung là đường giao thương chiến lược của thương mại thế giới. Các căn cứ tiền phương của Trung Quốc biến Trường Sa thành điểm nóng, nhất là Bắc Kinh không che dấu tham vọng thống trị 80% diện tích Biển Đông.

Khi gặp tổng thống Barack Obama tại Washington vào tháng 9/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trấn an Mỹ nào là Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Trường Sa , nào là Trung Quốc đã ngừng bồi đắp từ tháng 8.

Theo Reuters, cho dù lãnh đạo Trung Quốc gạt bỏ mọi cáo buộc, nhưng đích thân Tư lệnh lực lượng Hoa kỳ tại Thái Bình dương Harry Harris hồi tháng hai đã xác nhận là hành động quân sự hóa Biển Đông đã rõ ràng là nằm trong mục tiêu “thống trị Đông Nam châu Á”.

Trong thư gửi chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ, giám đốc Tình báo Mỹ James Claper cho biết thêm là tuy chưa thấy Trung Quốc bố trí trang thiết bị và vũ khí quan trọng trên quần đảo Trường Sa, nhưng các cơ sở đã xây xong có khả năng đón tiếp máy bay chiến đấu và các loại vũ khí yểm trợ.

Trong số các trang bị đã được đưa ra các đảo nhân tạo, có trạm ra đa quân sự và cơ sở dành cho tên lửa địa-không và địa đối hải. Hoa Kỳ cũng chưa thấy máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trong vùng, nhưng tàu chiến đủ loại, kể cả tàu trang bị tên lửa, hiện diện rất đông trong khu vực. Phi đạo trên đá Chử Thập đủ khả năng đón máy bay chiến đấu và vận tải.

Bản báo cáo của giám đốc Tình báo Mỹ nói thêm là, tuy không có bằng cớ Trung Quốc sẽ chiếm thêm và bồi đắp đảo đá ngầm tại Trường Sa, nhưng ông cho biết trong vùng còn ít nhất 400 hecta có thể khai thác được.

Trong khi đó, theo bộ quốc phòng Mỹ, cho đến nay Trung Quốc đã xây xong 1.170 hecta đảo nhân tạo tại Trường Sa trong ý đồ lấn chiếm hầu hết Biển Đông.

Liệu chiến dịch tuần tra của Mỹ và nỗ lực dấn thân của Nhật Bản với Đông Nam Á có đủ sức ngăn chận tham vọng bá quyền của Bắc Kinh? - RFI

***
Trung Quốc trong vòng một năm sẽ khởi sự các chuyến bay dân sự ra-vào một hòn đảo có tranh chấp với Việt Nam trong khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông để xác quyết chủ quyền.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay loan tin các chuyến bay Bắc Kinh sắp mở sẽ đáp xuống thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tam Sa là thành phố Trung Quốc thành lập năm 2012 để quản lý hành chính các đảo Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.

Giới hữu trách Trung Quốc nói đường băng ở Phú Lâm và phi đạo mới xây trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa sẽ đẩy mạnh dịch vụ lưu thông hàng không trong khu vực, hỗ trợ công tác giám sát, đồng thời cung cấp thông tin về hàng không lẫn thời tiết.

Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc gần đây cho triển khai các tên lửa đất-đối-không, máy bay chiến đấu cùng hệ thống radar hiện đại, khiến Việt Nam và Hoa Kỳ đồng lên tiếng chỉ trích kế hoạch "quân sự hóa" nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tiền đồn này cũng vừa được một quan chức cấp cao của Trung Quốc đề nghị biến thành một trung tâm tài chính cho các doanh nghiệp mở cửa hoạt động giống như quần đảo Virgin thuộc Anh quốc hay quần đảo Cayman và Bermuda.

Cố vấn chính trị Hàn Phương Minh thuộc Hội đồng Tham vấn Chính trị Trung Quốc kiêm Chủ tịch Viện nghiên cứu Charhar nói thúc đẩy dịch vụ ngoài khơi sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Việt Nam nói Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Mới tuần trước, Hà Nội một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa và rằng ‘Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều bất hợp pháp.’ - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên Cộng hòa tranh luận về đạo Hồi, chính sách đối ngoại và thương mại

Đạo Hồi cực đoan, chính sách đối ngoại và thương mại nằm trong số nhiều vấn đề được đề cập trong một cuộc tranh luận phần lớn là lịch sự giữa 4 ứng viên cuối cùng muốn đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống tối thứ Năm. Đây là cuộc tranh luận cuối trước các cuộc bầu sơ bộ quan trọng vào thứ ba tuần tới.

Về vấn đề đối phó với mối đe dọa do những phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra, sự phân biệt giữa các đường lối của các ứng viên là rõ ràng, bắt đầu là ý kiến của thượng nghị sĩ đại diện bang Florida, ông Marco Rubio:

"Chúng ta sẽ phải hợp tác với các vương quốc vùng Vịnh. Chúng ta phải hợp tác với người Ai Cập để đánh bại ISIS chẳng hạn. Phải có một phong trào của người Ả Rập Sunni để đánh bại bọn chúng."

Và đây là ý kiến của thống đốc bang Ohio, ông John Kasich:

"Những người đại diện cho đạo Hồi cực đoan muốn phá hủy mọi thứ mà chúng ta tiêu biểu, và những người Hồi giáo khác không có cùng quan điểm với bọn chúng. Nhưng cuối cùng chúng ta phải quy tụ thế giới, thế giới văn minh, và chúng ta cùng nói lên một tiếng nói để bảo đảm những người ngồi trên hàng rào hiểu được văn minh là gì và đại diện cho nền văn minh ấy, đem lại sự bình đẳng và hy vọng cho tất cả mọi người."

Ông Donald Trump phát biểu: 

"Bọn chúng chặt đầu người. Bọn chúng trấn nước chết 40, 50, 60 người một lúc trong những chuồng lớn bằng thép, kéo họ lên và một tiếng sau mọi người chết hết. Còn chúng ta làm việc theo một tập hợp các thông số khác. Chúng ta phải tuân thủ các luật lệ. Nhưng chúng ta phải nới rộng các luật lệ đó bởi vì chúng ta phải có khả năng chiến đấu ít nhất trên một bình diện tương được nếu không chúng ta sẽ không bao giờ triệt hạ được ISIS và tất cả các thành phần xấu xa như thế."

Đối thủ về sát sau ông Trump cho đến giờ này, thượng nghị sĩ đại diện bang Texas Ted Cruz, là người tự mô tả mình là chọn lựa để thay thế cho những điểm cực đoan của ông Trump trong cuộc chạy đua. Ông Cruz chỉ trích đề nghị của ông Trump áp đặt những khoản thuế nặng đối với các nước không hợp tác với Hoa Kỳ:

"Một giải pháp tốt hơn nhiều có hiệu lực là kế hoạch thuế mà tôi đã đề ra giúp các hàng xuất khẩu của chúng ta không bị đánh thuế, sẽ áp đặt thuế đối với các mặt hàng nhập, sẽ không nâng giá cả cho người Mỹ và không dẫn đến các khoản thuế hỗ tương. Hãy chấn chỉnh vấn đề và đó là điều không thấy ông Donald đề cập đến."

Ông Trump phản bác:

"Mức 45 phần trăm là một sự đe dọa nếu họ không hành xử đúng, nếu họ không tuân theo các quy định và luật lệ. Vì thế chúng ta có thể có sự bình đẳng về cả hai bên, chúng tôi sẽ đánh thuế các ông. Không cần thiết phải là 45, có thể ít hơn. Nhưng phải có một khoản nào đó bởi vì đất nước chúng ta và thương mại và các thương vụ của chúng ta và quan trọng nhất là công ăn việc làm của chúng sẽ tiêu tan."

Một ông Trump trầm tĩnh hơn đã cố gắng không tranh cãi với ông Cruz trong cuộc thảo luận. Ông đang dồn động năng vào 5 cuộc bầu sơ bộ ngày thứ ba tới và một cuộc bầu chọn – trong đó có những cuộc tranh đua ở Florida, Illinois và Ohio.

Nếu ông Rubio thất bại trước ông Trump tại bang nhà, thì sẽ là một sự mất mặt to lớn và có thể mang ý nghĩa là kết thúc cuộc vận động của ông. Các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc tranh luận tối qua cho thấy ông Trump dẫn đầu tại Florida, trước ông Rubio và ông Cruz.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Trump đánh bại Thống đốc Kasich ở bang Ohio.

Một điểm đáng lưu ý hôm qua là người từng ra tranh cử trước đây là ông Ben Carson sẵn sàng ủng hộ ông Trump, đối thủ đã từng chế nhạo ông.

Một cựu đối thủ khác của ông Trump là thống đốc Chris Christie của bang New Jersey trước đó là loan báo ủng hộ doanh gia tỷ phú này. - VOA
|
|

4.
Apple cáo buộc Mỹ tìm cách ‘bôi nhọ’ hãng này

Hãng Apple đã cáo buộc chính phủ liên bang Hoa Kỳ có ý định 'bôi nhọ' hãng vào lúc cuộc chiến pháp lý vẫn đang diễn ra về việc liệu hãng có hay không bị buộc phải giúp cơ quan thực thi pháp luật truy cập chiếc iPhone của Rizwan Farook, tay súng gây ra vụ tấn công ở San Bernardino.

"Trong 30 năm hành nghề, tôi nghĩ chưa bao giờ nhìn thấy một hồ sơ pháp lý tóm tắt lại có chủ ý nhiều hơn nhằm bôi nhọ bên kia với những cáo buộc sai trái và những lời ám chỉ, trong khi lại có chủ ý ít hơn dành cho việc tập trung vào giá trị thực tế của vụ việc", Luật sư trưởng của Apple Bruce Sewell nói trong một cuộc gọi điện thoại với các phóng viên hôm 10/3.

Ông Sewell phản bác các cáo buộc của chính phủ rằng Apple cố tình tạo ra các thay đổi để chặn các yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật về việc truy cập, ông nói những cáo buộc đó là một "nỗ lực không có cơ sở, vô căn cứ nhằm phỉ báng của Apple thay vì đối đầu với các vấn đề trong vụ việc".

Trong bộ hồ sơ của mình, chính phủ dẫn các bài báo và các nguồn khác cho rằng Apple có thay đổi iPhone để hỗ trợ các yêu cầu về băng thông rộng của Trung Quốc, như lưu trữ dữ liệu trên các thiết bị viễn thông nhà nước của Trung Quốc, qua đó Apple đã hợp tác với chính quyền Trung Quốc, có thể giúp nhà nước thực hiện việc giám sát.

"Dĩ nhiên đó không phải là sự thật, và sự suy đoán đó không dựa trên điều thực chất nào cả", ông Sewell trả lời. "Làm điều đó với hồ sơ nộp cho một thẩm phán tòa chỉ cho thấy cảm giác tuyệt vọng hiện giờ của Bộ Tư pháp".

Các nhà điều tra đang yêu cầu một thẩm phán liên bang ra lệnh cho hãng Apple phải viết phần mềm mới giúp mở khóa chiếc iPhone do Farook sử dụng, người này là một trong những tay súng đã giết chết 14 người ở San Bernardino, California, hồi tháng 12 năm ngoái.

Apple đã từ chối yêu cầu đó, hãng nói rằng các tính năng bảo mật mang lại sự riêng tư cho khách hàng của hãng bằng cách bảo vệ họ khỏi các hacker và bọn tội phạm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Công an và Hải quan VN ‘đổ lỗi cho nhau’

Lãnh đạo ngành Hải quan nói hình ảnh toàn ngành này bị ảnh hưởng sau khi lãnh đạo Công an TP.HCM nói phân nửa vụ án buôn lậu ‘có bóng dáng cán bộ hải quan’.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngày 11/3 được báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời nói việc Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng đến 50% vụ án buôn lậu có bóng dáng của cán bộ hải quan là một quy kết chưa có căn cứ.
“Sau Hội nghị tổng kết phòng, chống tham nhũng tại TP.HCM ngày 8-3, nhiều phóng viên báo chí có gọi tôi hẹn phỏng vấn và đặt vấn đề về sự tiêu cực của cán bộ hải quan mà tướng Minh phát biểu.

“Về việc này tôi đã yêu cầu anh em qua làm việc trực tiếp với anh Minh với tinh thần cầu thị để làm rõ con số tướng Minh nêu trên dựa vào căn cứ nào. Phát biểu của tướng Minh làm ảnh hưởng đến hình ảnh toàn ngành hải quan”.

“Không thể lấy một số vụ sai phạm của cán bộ hải quan mà quy kết cho toàn ngành là không căn cứ. Bao giờ cũng có sự móc nối giữa bọn buôn lậu với các cơ quan quản lý chức năng, đương nhiên trong đó không phải chỉ có cán bộ hải quan mà có cả công an, quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng tôi quan điểm sai đến đâu sửa đến đó chứ nói toàn ngành vậy không ổn. Tổng cục Hải quan sẽ làm rõ việc này”.

Vào đầu tuần, hôm 8/3, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng ở TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh dẫn chiếu tới thực trạng hàng chục cán bộ hải quan bị khởi tố trong vụ án do Công an TP.HCM điều tra về buôn lậu và lừa đảo tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tướng Minh được dẫn lời nói phòng chống tham nhũng hiện nay “chưa đạt yêu cầu”. - BBC
|
|

6.
Nga khởi sự thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam

Tập đoàn dầu khí khổng lồ của nhà nước Nga Rosneft vừa bắt đầu khoan một giếng thăm dò ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam.

Chi nhánh của công ty là Rosneft Vietnam BV loan báo: "Đây là lần đầu tiên công ty điều hành một dự án khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển quốc tế."

Công ty cho biết độ sâu của giếng thăm dò tại lô 6.1 là khoảng 1.380 mét trong khi độ sâu của vùng biển tại khu vực chừng 162 mét.

Công tác khoan tìm được thực hiện với giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản.

Tiếp đó, Rosneft Vietnam sẽ khoan thêm một giếng thăm dò khác tại lô 5.3 cũng trong khu vực Nam Côn Sơn.

Hiện công ty đang tham gia 2 dự án thăm dò sản xuất dầu khí ở 2 lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Tại lô 6.1, Rosneft sở hữu 35% dự án trong khi ở lô 5.3 Rosneft sở hữu 100% dự án. Tại cả hai lô này, Rosneft đều giữ vai trò điều hành dự án.

Năm ngoái, sản lượng từ lô 6.1 cung cấp khoảng 12% nhu cầu năng lượng tại Việt Nam. Trữ lượng tại lô 5.3 ước tính khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt và 9 triệu tấn khí ngưng tụ.

Rosneft cũng sở hữu trên 32% đường ống Nam Côn Sơn vốn cung cấp khí đốt và khí ngưng tụ từ các lô ngoài khơi khu vực Nam Côn Sơn tới các nhà máy phát điện trên bờ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Rosneft, Igor Sechin, cho biết dự án khoan thăm dò vừa khởi sự tại lô 6.1 là một điển hình của sự hợp tác với các đối tác bao gồm công ty quốc doanh PetroVietnam của Việt Nam và tập đoàn dầu khí ONGC của nhà nước Ấn Độ.

Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí và cho phép các công ty đầu tư nước ngoài tham gia và hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Trung Quốc nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Bắc Kinh nhận chủ quyền ở Biển Đông và yêu cầu Nga, Ấn rút khỏi các dự án hợp tác với Hà Nội, viện dẫn lý do xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.

Hà Nội tuyên bố các dự án này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ấn và Nga lâu nay cũng phớt lờ các phản ứng của Bắc Kinh. - VOA

No comments:

Post a Comment