Monday, March 14, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 14/3

Tin Thế Giới

1.
Báo Trung Quốc gọi ông Tập Cận Bình là 'lãnh đạo cuối cùng'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vô tình bị giới thiệu là "nhà lãnh đạo cuối cùng" của Trung Quốc trong bài báo của Tân Hoa Xã đăng hôm 13/3.

Đây là lỗi sai hiếm có của cơ quan ngôn luận của nhà nước.

Bài báo sau đó đã được đăng tải lại trên các trang web của Trung Quốc.

Nhận thức được sai lầm, Tân Hoa Xã đã đưa ra một thông báo lúc 5 giờ 15 phút chiều cùng ngày yêu cầu những người đã đăng lại bài báo sửa lại thành “người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, đến sáng ngày thứ Hai, hầu hết các trang web, bao gồm cả Tân Hoa Xã, đã gỡ bài viết bị coi là xúc phạm xuống.

Theo tờ Minh Báo, sai lầm kiểu này là hiếm gặp, đặc biệt đối với Tân Hoa Xã. Thông tin liên quan đến Chủ tịch Trung Quốc được kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi xuất bản và sai lầm nghiêm trọng về chính trị như vậy là không thể có.

Trả lời qua điện thoại, một nhân viên tại bộ phận biên tập chịu trách nhiệm về bài báo của Tân Hoa Xã cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu có ai sẽ bị phạt vì lỗi sai này hay không.

Gần đây, biên tập viên một tờ báo ở đại lục đã bị sa thải vì minh hoạ lời phát biểu trên truyền thông nhà nước của ông Tập bằng hình ảnh lễ chôn cất trên biển.

Tháng 12 năm ngoái, 4 nhà báo Trung Quốc đại lục của China News đã bị đình chỉ công tác vì đưa tin sai về việc ông Tập Cận Bình từ chức.

China News đã sửa lại nội dung là ông Tập “phát biểu” thay vì “từ chức”, vốn có cách phát âm tương tự trong tiếng Hoa.

Hiện vẫn chưa biết hậu quả là gì, nhưng nếu có, Tân Hoa Xã sẽ đối mặt với những rủi ro. - VOA
|
|

2.
Nga-EU triển khai nhiệm vụ trên Sao Hỏa

Tàu thăm dò quỹ đạo không gian ExoMars (TGO), đã được phóng lên từ Baikonur ở Kazakhstan vào lúc 9 giờ 31 phút GMT.

Việc thăm dò không gian này cũng điều tra xem liệu khí methane trong khí quyển Trái đất được sản sinh từ nguồn địa chất hay từ vi trùng.

Hai trung tâm vũ trụ ở Nga và EU sẽ tiếp tục phối hợp trong dự án về tàu không gian hạ cánh và thực hiện nhiệm vụ khoan đào xuống bề mặt Hành tinh Đỏ.

Tàu này hiện đang được lắp đặt tại Vương quốc Anh. Nếu theo đúng kế hoạch, tàu sẽ được phóng vào năm 2018 hoặc vào năm 2020.

Đối với Nga, sao Hỏa là một hành tinh đặc biệt khó chinh phục. Trước đó Nga đã phóng 19 dự án lên ngôi sao thứ tư tính từ mặt trời này, nhưng tất cả đều thất bại.

Vệ tinh của tàu TGO sẽ phân tích khí mêtan trên Sao Hỏa kỹ hơn tất cả các dự án trước đó, theo lời Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA). Điều này nhằm giúp tìm hiểu về nguồn gốc hình thành của hành tinh này.

Một bộ phận của tàu TGO là máy dò nơron tên là FREND. Thiết bị này có thể cải thiện bản đồ sự phân bổ nước trên Sao Hỏa, bắt nguồn từ những bằng chứng về việc hành tinh này từng có nhiều nước hơn Trái đất.

Hiểu biết khoa học về nước trên sao Hỏa có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách giải quyết hiện tượng hạn hán ngày càng gia tăng trên Trái đất.

Cùng được phóng với vệ tinh thăm dò TGO là mô đun tách rời tên gọi Schiaparelli. Thiết bị này sẽ đo đạc điều kiện khí hậu và bão cát trên Hành tinh đỏ. Ngoài ra tàu thăm dò cũng tiến hành việc hạ cánh thử, nhằm chuẩn bị cho tàu khoan đến nơi sau này.

Mođun tách rời được đặt tên theo nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli. Ông là người đã phát hiện ra những vật trông giống như “kênh đào” trên sao Hỏa vào thế kỷ 19. Điều này làm nhân loại, trong suốt một thời gian dài, tin rằng có sự sống thông minh trên Sao hỏa, người hàng xóm với Trái đất trong hệ mặt trời. - BBC
|
|

3.
Tổng thống Putin ra lệnh rút lực lượng Nga khỏi Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút lực lượng Nga khỏi Syria, truyền thông nhà nước loan tin tối thứ Hai.

Truyền thông nhà nước Nga dẫn lời ông Putin nói với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rằng những nhiệm vụ được giao cho Bộ Quốc phòng ở Syria đã được hoàn thành.

"Vì vậy, tôi chỉ thị từ ngày mai bắt đầu triệt thoái phần chính nhóm quân sự của chúng ta khỏi Syria," ông Putin nói với các bộ trưởng.

Website của Điện Kremlin dẫn lời ông Putin nói với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc điện đàm rằng ông đã đồng ý rút "phần chính" của lực lượng không quân Nga đang hoạt động tại Syria.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ phát biểu với điều kiện ẩn danh nói với VOA rằng cho đến nay vẫn "chưa có chỉ dấu cho thấy" lực lượng của Nga đang chuẩn bị rút khỏi Syria.

Quan chức này nói thêm rằng dù chưa có những bổ sung đáng kể hồi gần đây vào lực lượng Nga được triển khai tại Syria, cái gọi là "hoạt động duy trì" - dòng tiếp liệu cần có để duy trì vị thế lực lượng hiện thời - vẫn đang tiếp tục.

Tòa Bạch Ốc cho biết họ chưa thấy báo cáo cụ thể nào về việc rút lực lượng Nga khỏi Syria và rằng khó mà nói việc này sẽ thay đổi tình tình ở đó ra sao.

Tuy nhiên, website dẫn lời ông Putin nói Nga sẽ duy trì một "đồn" để hỗ trợ những chuyến bay của những máy bay tham gia công tác theo dõi với sự đình chỉ chiến sự ở Syria. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump bị các đối thủ công kích --- Sanders nói Trump 'dối trá'

Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu phe Cộng hoà trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, đang bị các đối thủ của ông trong đảng Cộng hoà cũng như các đối thủ bên đảng Dân chủ qui lỗi cho những vụ bạo động tại các cuộc mít-tinh của ông. Theo tường thuật của thông tín viên Chris Hannas của đài VOA, những lời công kích được đưa ra hai ngày trước các cuộc bầu cử sơ bộ rất quan trọng tại 5 tiểu bang Florida, Ohio, Illinois, Missouri và North Carolina.

Những vụ ẩu đả, xô đẩy giữa những người ủng hộ ông Trump với những người chống đối ông đã xảy ra tại nhiều cuộc mít tinh ở các tiểu bang có bầu cử sơ bộ vào ngày thứ ba và giới hữu trách đã bắt giữ một số người biểu tình.

Ông Trump bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng cuộc vận động của ông đã khích động bạo lực. Hôm qua, trong lúc diễn thuyết ở thành phố Bloomington, tiểu bang Illinois, ông Trump nói ông muốn hoà bình và không muốn có rắc rối.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người đang dẫn đầu bên đảng Dân chủ, tối hôm qua nói rằng ông Trump đang tìm cách trục lợi từ sự thù hận và sự sợ hãi. Bà nói rằng những sự chỉ trích nhắm vào ông Trump sẽ không mang lại kết quả nào nếu người dân không đến phòng phiếu để bỏ phiếu chống lại ông trong ngày bầu cử.

Đối thủ của bà Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont, cho biết ông hy vọng ông Trump sẽ dịu giọng trong chiến dịch tranh cử và nói với những người ủng hộ ông rằng bạo động là không thể chấp nhận.

Trong vài ngày vừa qua, ông Trump tố cáo ông Sanders đứng đàng sau những vụ gây rối tại các cuộc mít tinh của ông và doạ trả đũa bằng cách đưa những người ủng hộ ông tới các cuộc mít tinh của ông Sanders.

Để đáp lại lời hăm doạ đó, ông Sanders nói “Cứ đưa họ tới. Họ xứng đáng được nhìn thấy cách cư xử của một chính khách thật sự trung thực.”

Thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas đang về hạng nhì tính theo số phiếu đại biểu cần có để giành được sự đề cử của đảng Cộng hoà. Hôm qua, ông Cruz lại một lần nữa mạnh mẽ đả kích ông Trump. Ông nói trên chương trình Meet the Press của đài truyền hình NBC “Khi chúng ta có một chiến dịch vận động không tôn trọng cử tri, khi chúng ta có một chiến dịch vận động khích động bạo lực, chúng ta tạo ra một môi trường làm cho những hành vi đê tiện như vậy dễ xảy ra.”

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida và Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio bị tụt hậu khá xa về số phiếu đại biểu. Họ đã dùng những từ ngữ như “nguy hiểm” và “độc hại” để mô tả cuộc vận động tranh cử của ông Trump.

Cả ông Rubio lẫn ông Kasich đều dồn hết hy vọng vào việc giành được vị thế hạng nhất trong các cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày thứ ba tuần này tại tiểu bang nhà của họ. Đây là hai tiểu bang mà người thắng sẽ chiếm hết số phiếu đại biểu của tiểu bang.

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy ông Trump dẫn đầu khá xa ở Florida nhưng có mức ủng hộ ngang ngửa với ông Kasich ở Ohio.

Bà Clinton và ông Sanders sẽ tiếp tục giành thêm phiếu đại biểu đựa trên số phiếu mà họ nhận được tại mỗi tiểu bang, chứ không phải người thắng chiếm hết. - VOA

***
Chính khách đảng Dân Chủ Bernie Sanders đã đáp trả lời cáo buộc của tỉ phú đảng Cộng Hòa Donald Trump cho rằng Sanders đã cho người đến gây rối tại buổi vận động tranh cử của vị tỉ phú New York.

Vụ tranh cãi xảy ra khi ông Trump buộc phải hủy bỏ buổi vận động tranh cử ở Chicago vào hôm thứ Sáu 11/3 do xô xát.

Ông Sanders đã gọi ông Trump là “kẻ dối trá bệnh hoạn”.

Sanders và người cạnh tranh của mình là Hillary Clinton đã chỉ trích ông Trump về hành vi khuyến khích những người ủng hộ sử dụng bạo lực đối với người phản đối và rồi sẵn sàng trả chi phí liên quan đến pháp luật.

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều có cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang, bao gồm cả Florida và Ohio vào ngày thứ Ba.

Ứng cử viên Cộng Hòa Marco Rubio, hiện đang đứng thứ ba, cho biết một chiến thắng tại bang nhà Florida sẽ rất quan trọng nhằm ngăn chặn khả năng Donald Trump chiếm vị trí người được đề cử của đảng Cộng Hòa.

Phản hồi lại lời cáo buộc của ông Trump, ông Sanders nói vị tỉ phú nên nói với những ngưởi ủng hộ mình rằng bạo lực không được chấp nhận trong một sự kiện mang màu sắc chính trị.

Trong khi đó, bà Clinton cáo buộc ứng cử viên đảng Cộng Hòa vận động tranh cử theo chiều hướng khơi dậy lòng thù hận và sự sợ hãi.

Hàng trăm người phản đối đã tập trung tại hội trường của đại học Illinois ở Chicago vào hôm thứ Sáu vừa rồi. Xung đột đã xảy ra bên trong giữa những người ủng hộ và những kẻ chống đối, là những kẻ đã phất cờ và hô vang các khẩu hiệu.

Một thông cáo từ đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cho biết phải hủy bỏ chương trình sau khi nói chuyện với cảnh sát.

Tuy nhiên, phát ngôn viên sở cảnh sát Chicago nói lực lượng cảnh sát không hề tư vấn cho ông Trump về quyết định tạm hoãn.

Các xung đột bạo lực tiếp tục diễn ra ở bên ngoài với băng hình ghi được từ trực thăng cho thấy một quang cảnh hỗn độn trong lúc cảnh sát tìm mọi cách để kiểm soát đám đông.

Vào hôm sau, tức thứ Bảy vừa qua, một người đàn ông đã tìm cách tiếp cận ông Trump khi đang phát biểu trên một sân khấu ở Ohio nhưng bị lực lượng an ninh chìm chặn lại.

Ông Trump đã phủ nhận tạo nên sự thù ghét bằng các phát biểu của mình hoặc gây ra sự chia rẽ.

Nhưng đối thủ cùng trong đảng Cộng Hòa đã lên tiếng kết tội ông Trump cho việc khuyến khích những người ủng hộ ông ta dùng bạo lực đối với những người không ủng hộ ông.

Vụ xung đột vào hôm thứ Sáu xảy ra một ngày sau khi một người ủng hộ ông Trump bị kết tội hành hung khi hàng loạt video cho thấy người này đã đấm một người phản đối ông Trump tại buổi vận động ở North Carolina.

Sau đó, vị tỉ phú có nói hành động của người ủng hộ mình là “phù hợp”.

Trong một sự cố khác, người điều hành vận động tranh cử của ông Trump bị cáo buộc hành hung một nhà báo nữ, Michelle Fields của hãng tin Breitbart, nhưng Corey Lewandowski đã phủ nhận lời buộc tội.

Cô Fields và đồng nghiệp Ben Shapiro đã rời bỏ trang tin Breitbart vì không hài lòng với cách ứng xử của hãng tin đối với vụ cáo buộc. - BBC
|
|

5.
Cựu Giám đốc CIA: Bất hòa Mỹ-Trung về Biển Đông là 'thảm họa'

Tờ The Guardian mới đây trích dẫn Tướng Michael Hayden, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, nói rằng Biển Đông đang trở thành một khu vực ngày càng nhiều tranh chấp, và nếu không được giải quyết thoả đáng, việc này có thể mang lại những hậu quả tàn khốc trong những năm tới.

Ông Hayden cũng cho rằng khủng bố không phải là một “mối nguy sinh tử” với nước Mỹ. Ông lo ngại liệu có phải Mỹ quá bận tâm với cuộc chiến chống khủng bố mà không nhìn thấy một vấn đề lớn hơn và nghiêm trọng hơn hay không. Cụ thể, Trung Quốc dường như sẽ còn trỗi dậy trong nhiều năm nữa và Mỹ có vẻ đang ứng phó sai với sự gia tăng sức mạnh đó.

The Guardian trích lời Tướng Hayden nói rằng “Nếu ta đi thêm 10 năm nữa, đó chính là Trung Quốc. Tôi không nói Trung Quốc là một kẻ thù của Mỹ. Tôi đơn giản chỉ nói là nếu chúng ta không ứng phó tốt với sự nổi lên của Trung Quốc, đó sẽ là một thảm họa cho thế giới”.

Ông William Jones, một thành viên của tuần san chuyên về tình báo Executive Intelligence Review ở Leesburg, bang Virginia, cũng đồng ý về vấn đề này. Ông cho rằng tình hình Biển Đông, nơi có những tranh chấp gay gắt về chủ quyền biển và đảo giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và một số nước khác, đang dẫn đến “giai đoạn tiền chiến tranh”.

Ông Jones nói với Press TV trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là một tình trạng hết sức nghiêm  trọng và chúng ta đã thấy điều đó hồi đầu thế kỷ 20, dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, và chúng ta thấy rằng tình hình hiện nay ngày càng có tính đối đầu hơn.”

Dù đang là tâm điểm của nhiều chỉ trích chính trị vì các động thái hung hăng hay xâm lấn ở Biển Đông, song Trung Quốc không xuống thang trên bất cứ lĩnh vực gì. Ngược lại, Trung Quốc phê phán các nước về các nỗ lực quân sự có thể có của họ ở khu vực tranh chấp, kể cả đưa ra cảnh báo đối với Philippines khi nước này mới đây thuê máy bay của Nhật Bản để tuần tiễu ở Biển Đông.

Trong một bài xã luận được tờ Khmer Times của Campuchia đăng tải ngày 13/3, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, nhận định “Nếu chúng ta để Trung Quốc tiếp tục thực hiện hành động hung hăng ở Biển Đông đe dọa các nước khác và coi thường luật pháp quốc tế để bảo vệ hòa bình thế giới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ném vào sọt rác các nguyên tắc cơ bản và các giá trị nhân loại phổ quát, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Tiến sỹ Trục nói đã đến lúc các bên liên quan như Việt Nam, Mỹ, Philippines và Nhật Bản lên tiếng tại các diễn đàn Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa các hậu quả hủy diệt của căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và bảo vệ luật pháp cũng như công lý.

Ông Trục nói ông tin chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cân nhắc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an LHQ và các diễn đàn khác. “Công lý và công luận cũng quan trọng và hiệu quả không khác gì các vũ khí mà Trung Quốc đã đặt ở Biển Đông, nhưng giải quyết những vấn đề còn tồn tại cần sự đoàn kết, nhất trí và có hành động chung,” ông nhấn mạnh.

Riêng về những gì Việt Nam cần làm, cựu Trưởng ban Biên Giới Việt Nam cho rằng “Việt Nam cần tăng cường hợp tác và thúc giục các nước thành viên ASEAN thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin. Việt Nam cần nêu các sáng kiến duy trì nguyên trạng, ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình, ổn định, cũng như tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông”.

Tình hình căng thẳng khác thường trong một thời gian ngắn vừa qua ở Biển Đông đã gây chú ý tới cả Liên hiệp châu Âu. Trong một tuyên bố hôm 11/3, EU kêu gọi chấm dứt quân sự hóa ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc triển khai hỏa tiễn ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế bị Trung Quốc kiểm soát.

EU nói họ không đứng về bên nào trong các tranh chấp biển nhưng muốn các bên giải quyết tuyên bố chủ quyền một cách hòa bình.

“Triển khai các lực lượng hay thiết bị quân sự tạm thời hay lâu dài trên các thực thể trên biển có tranh chấp mà ảnh hưởng đến an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không là một mối quan ngại lớn”, EU tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh “EU kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, làm rõ cơ sở của tuyên bố chủ quyền của họ, và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật quốc tế, kể cả Công ước LHQ về luật biển và các thủ tục trọng tài của LHQ”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Căng thẳng leo thang trong tranh chấp Biển Đông

Các cuộc biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội đang gia tăng, trong khi Hà Nội, Nhật Bản và Hoa Kỳ leo thang cuộc khẩu chiến ngoại giao để đáp lại những chuyến bay của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa, và việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phi đạn.

Bản tin của đài al-Jazeera hôm nay nêu bật tình hình căng thẳng trong khu vực, và đề cập đến việc Hoa Kỳ điều tàu tới gần các đảo do Trung Quốc xây trong Biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải, trong khi Nhật Bản đạt nhiều thoả thuận quốc phòng với Philippines trước các hành động quân sự hoá Biển Đông của Bắc Kinh.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo Trung Quốc là đã có những hành động đe dọa hoà bình và “đẩy mạnh quân sự hoá” Biển Đông.

Đài al-Jazeera tường thuật rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có những liên hệ mật thiết, mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây đã bị xói mòn vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Tờ Sydney Morning Herald của Australia nhắc đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế về những tuyên bố chủ quyền Biển Đông, giữa lúc tòa án ở La Haye đang sắp sửa đưa ra phán quyết về vụ kiện này.

Bản tin hôm nay nói rằng những tình cảm bài Trung Quốc chưa bao giờ cao đến mức độ này, vì những hành động đơn phương của Trung Quốc tại các ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines và những vùng biển giàu tài nguyên mà Manila cũng tuyên bố chủ quyền.

Bài báo dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, một học giả tại Manila là tác giả của quyển sách “Chiến trường mới tại Châu Á: Hoa Kỳ, Trung Quốc và cuộc chiến tại Tây Thái Bình Dương”, nói rằng những hành động quyết đoán của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền Biển Đông đã khơi dậy những tình cảm bài Trung Quốc mạnh mẽ tại quốc gia có 100 triệu dân này, và sự thể này sẽ có ảnh hưởng tới cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra ở Philippines trong năm nay.

Toà án trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết trong vụ kiện bước ngoặt này trong nay mai. Giáo sư Heydarian nói rằng Bắc kinh có thể chọn làm ngơ phán quyết do toà án quốc tế đưa ra nhưng Trung Quốc sẽ phải trả một giá rất cao về ‘quyền lực mềm’.

Bài báo của Sydney Morning Herald cho rằng phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết mà toà án quốc tế tại La Haye đưa ra trong nay mai, nhất là nếu toà phán Trung Quốc thua cuộc, là chỉ dấu cho thấy các ý định tương lai của Bắc Kinh đối với vấn đề là siêu cường đang lên ở Châu Á này muốn dùng vũ lực quân sự áp đảo để tìm cách làm bá chủ khu vực, hoặc chọn tuân thủ các luật chơi quốc tế? - VOA
|
|

7.
Việt Nam: Tập hợp ở Hà Nội và Sài Gòn để tưởng niệm trận Gạc Ma

Ngày 14/03/2016, nhân tưởng niệm trận hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam ở bãi đá Gạc Ma, Trường Sa, năm 1988, khoảng 100 người đã tuần hành tại Hà Nội để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh trong trận này, nhưng cũng để phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông. Ở Sài Gòn cũng có một cuộc tập hợp tương tự, nhưng một số nhà hoạt động đã bị ngăn chận, không thể đến dự.

Vào ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã xua quân đánh chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi đá Gạc Ma. Hải quân Trung Quốc bị tố cáo là đã dùng súng máy phòng không bắn vào các binh lính Việt Nam trên đảo này, lúc đó chỉ có trong tay một vài vũ khí cá nhân. Hải quân Việt Nam sau đó đã đưa quân ra để đánh trả, nhưng cuối cùng Trung Quốc đã chiếm được bãi đá Gạc Ma cho đến nay. Bên phía Việt Nam có 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến này.

Hôm nay, vẫn không có những buổi lễ chính thức để tưởng niệm trận đánh Gạc Ma. Tuy vậy, chính quyền đã ngầm cho phép khoảng 100 người tuần hành ở thủ đô Hà Nội, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của công an. Đoàn tuần hành sau đó đã tập hợp ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ. Họ cũng đã hô các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn tại Sài Gòn, nhiều người dân cũng đã đến tượng đài Trần Hưng Đạo để tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở trận Gạc Ma. Lực lượng an ninh cũng đã giám sát rất chặt chẽ, nhưng không có hành động phá rối như những lần trước. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động cũng đã bị công an ngăn chận, không thể đến dự, như trường hợp của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.
|
|

8.
Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời

Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời ngày 13/3 tại nhà riêng ở Thủ Đức, hưởng thọ 89 tuổi.

Ông sinh năm 1928 trại Trà Vinh, là một cây bút nổi tiếng tại Sài Gòn với các tác phẩm triết học và những bài báo viết về thanh niên Việt Nam trước 1975.

Ông Lý Chánh Trung từng giảng dạy đại học tại Văn Khoa Sài Gòn, dạy triết học tại Viện Đại học Huế và Đà Lạt.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1975 như Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Tìm hiểu về nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tôn giáo và dân tộc.

Ông Nguyễn Quốc Thái, biên tập tờ Tạp chí Đất Nước năm 1966 nói ông Trung là người “có tư tưởng rất cách tân”. Khi đó ông Lý Chánh Trung làm chủ nhiệm tờ này.

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, ông Thái mô tả: “Cái nhìn của anh Trung được sự chú ý của giới trí thức trong nước, giới Công giáo và người ngoài Công giáo. Nhiều bài của anh gây ấn tượng với Hội đồng Giám mục lúc đó."

"Những bài viết của anh Lý Chánh Trung về dân tộc, sau này tập hợp trong quyển "Tìm về dân tộc" đã đánh rất mạnh vào tâm thức, tình tự dân tộc của sinh viên, học sinh và trí thức. Và ngay cả cá nhân tôi, làm việc với anh Trung nhiều năm. Qua những bài viết của anh, tôi rất xúc động và phần nào ảnh hưởng quan niệm của tôi về mặt xã hội."

Những bài báo của ông bàn nhiều về chủ đề dân tộc, yêu nước, chiến tranh. Một số bài được tập hợp và in trong các tập Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức...

Một trí thức 'bao dung'

Ông Thái nhận định: “Anh Trung là một nhà trí thức có uy tín. Các bài viết anh đặt ra có một sắc thái và tính cách riêng trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, gây ấn tượng rất sâu sắc trong giới sinh viên học sinh, vốn đang đứng giữa một cuộc chiến tranh. Vào thời kỳ từ 1966 - 1969, anh Trung viết những bài khiến nhà cầm quyền lúc đó không vừa ý lắm. Nhưng cách đặt vấn đề của anh rất tình cảm. Anh nghiêng về ngôn ngữ đằm thắm với dân tộc, chứ không nghiêng về chủ nghĩa. Cách viết của anh thuyết phục được rất nhiều người.”

Giáo sư sử học Nguyễn Đình Đầu cùng với ông Lý Chánh Trung sáng lập tờ Sống Đạo từ năm 1962 – 1970. Ông Đầu nhận định: “Ông Lý Chánh Trung viết những bài có tính cách đời thường, giọng văn sâu sắc, hấp dẫn, về những vấn đề chiến tranh, hòa bình, về sự tranh đấu cho giáo dục tiếng Việt và tranh đấu cho người nghèo."

Nói với BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Đình Đầu nói ông Trung là một giáo sư triết học với “tinh thần bao dung”, “yêu dân tộc”và “tha thiết với Tiếng Việt”.

Ông Trung xuất hiện nhiều trong các phong trào học sinh, sinh viên xuống đường trước 1975.

Ông Quốc Thái cho biết: "Anh Chung xuống đường với sinh viên. Khi cảnh sát có thái độ mạnh tay với Đại học Văn Khoa thì ông đứng ra phản đối công khai. Trước 1975, ở miền Nam có quyền tự trị đại học. Cảnh sát xông vào khuôn viên một trường đại học mà nếu giáo sư và ban giám hiệu trường phản đối thì cảnh sát phải ra khỏi trường. Anh Lý Chánh Trung rất quyết liệt bảo vệ sinh viên xuống đường lúc đó”.

“Cho đến hôm qua tôi vẫn thấy một số sinh viên xuống đường thời đó đến viếng ông Lý Chánh Trung.”

Ông Nguyễn Quốc Thái đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đến tiễn đưa ông Lý Chánh Trung chiều 13/3. Cả ba người từng là những đồng nghiệp tại tờ Tạp chí Đất Nước từ 1966. - BBC

No comments:

Post a Comment